Lượt thăm:239517730   Đang Online: 950

Cuộc sống quanh ta » Âm nhạc - Văn học »


Số lượt xem: 6492
Gửi lúc 15:04' 07/08/2011
Thầy Tào và câu chuyện thần linh người Tày của A Sáng

 Trong cuộc sống tinh thần của người Tày, thầy Tào ở đẳng cấp cao nhất. Họ là những người có khả năng liên thông với thế giới linh hồn và thần thánh. Thầy Tào có rất nhiều công việc, nhưng công việc quan trọng bậc nhất - đưa linh hồn người chết về nơi yên nghỉ. Từ những nghi lễ của hình thức, chúng ta sẽ tìm thấy những ý nghĩa sâu xa hơn của thầy Tào. Họ cho rằng, linh hồn của con người tồn tại như ý nghĩ. Nếu ý nghĩ của bạn chân thành, trong sáng… khi chết đi, linh hồn bạn sẽ rực rỡ ánh hào quan, bay lượn ở tầng cao nhất của thế giới thần linh. Còn khi sống bạn có ý nghĩ xấu xa, cũng có nghĩa linh hồn bạn nặng nề, đen tối và bị chìm xuống tầng thấp nhất của thế giới linh hồn. Và cái thế giới tối tăm đó rất gần với thế giới vật chất của con người vì thế nó luôn đau đớn...

Ông nội tôi là thầy Tào nên từ bé tôi đã quen với cảnh cúng bái, bùa chú, làm phép… Và trong bản mệnh tôi cũng có duyên với cái nghề đặc biệt ấy, thế nên tôi thường được đi theo ông mình trong những buổi hành lễ.

 

Nhiệm vụ của tôi rất đơn giản: gõ não bạt. Đó là hai lá đồng có hình như cái đĩa, chúng phát ra tiếng kêu khá dày và ngân dài theo từng nhát gõ. Ngày đó tôi mới chỉ là đứa trẻ nên chưa hiểu lắm về nghề thầy Tào. Tôi chỉ thấy ông tôi được người trong vùng kính trọng, họ luôn cúi chào mỗi khi nhìn thấy ông tôi.

Hằng đêm, tôi thường được ngủ với ông và nghe những bài giảng về pháp thuật của thầy Tào. Đó là những câu chuyện liên quan đến linh hồn người chết. Ông tôi bảo, muốn trở thành thầy Tào cần học khoảng 12 năm, đọc thuộc mười vạn bài cúng, viết được mười vạn lá bùa… Nói chung rất trường kỳ chỉ có những người kiên nhẫn và có duyên mới theo được. Trong họ Hoàng nhà mình, nếu tính tướng số, chỉ cháu có duyên với nghề này - ông tôi bảo thế.

Có lần tôi hỏi con ma là cái gì? Ông tôi cười rồi nói, con ma là linh hồn của vạn vật khi chết đi. Vạn vật trên thế giới này đều có linh hồn, khi chết đi linh hồn ấy được gọi là con ma. Và trong vạn vật ấy, linh hồn con người là quan trọng nhất, cũng phức tạp nhất, vì thế mới sinh ra thầy Tào. Hồi đó, tôi chưa hiểu những câu nói đầy ý tứ sâu xa của ông tôi. Nhưng bây giờ tôi thấy những lời của ông mình thật có lý. Quả đúng thế, linh hồn của một cái cây sẽ rất hiền từ như chính cái cây kia vậy, nó vẫn sẽ rì rào tỏa bóng mát, nở những bông hoa thơm ngát, hát những khúc ca riêng của nó, vẻ đẹp của nó làm sao loài người có được? Nó đẹp và đơn giản như chính bản thân nó mà thôi!

 

Con ma người – linh hồn người có cái gì liên quan đến nhau? Và tại sao phải xuất hiện thầy Tào chỉ vì sự phức tạp của con người? Tất cả những câu hỏi đó phải cho đến bây giờ tôi mới lờ mờ nhận ra. Nói cách khác, nếu trên thế giới này không có con người, cũng có nghĩa không còn sự phức tạp và đương nhiên chẳng cần thầy Tào làm gì. Còn trước kia, khi theo ông nội đi hành lễ cho người chết, tôi chỉ nhận được những bài giảng đơn giản của thầy mình.

Ông tôi giảng, khi người mới chết, linh hồn chưa dám thoát ra, nó vẫn chưa tin thân xác đã chết, nó nằm im trong lồng ngực và thỉnh thoảng thử bay ra ngoài. Nhưng bên ngoài – cái thế giới của riêng nó thật hãi hùng. Ở đó đã có vô vàn những linh hồn khác đang rình rập. Những linh hồn đó luôn sẵn sàng lao vào cái thân xác mới chết kia để trở lại trần gian. Tất cả những linh hồn xấu xa đều muốn quay lại trần gian vì sự tiếc nuối cuộc sống trần tục, hoặc còn nhiều việc mà chúng chưa làm xong. Hơn nữa chúng bị đày xuống tầng thấp nhất của thế giới linh hồn, vì thế nặng nề và đau đớn.

Và nhiệm vụ của thầy Tào là đưa những linh hồn yếu ớt ấy rời khỏi thân xác, đến một nơi an toàn. Để làm được việc đó cần có hai nhãn thần nhìn rõ thế giới linh hồn, hát chính xác những bài ca bùa chú… chỉ khi ấy mới đủ sức đưa linh hồn đi đúng hướng, nếu không linh hồn kia sẽ không có cơ hội đầu thai. Khi tôi tò mò muốn nhìn thấy linh hồn có hình thù như thế nào? Ông tôi cười rồi nói: “… Cứ học đi, đến bao giờ khai mở được nhãn thần sẽ thấy. Linh hồn không có hình thù cụ thể, nó chỉ lờ mờ như một làn khói, nó như ý nghĩ của con người vậy, nghĩ thế nào sẽ có hình thế nấy…”. Rồi ông tôi kết luận, đại loại cũng như đứa trẻ mới sinh ra, cần một bà đỡ, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Những bài học kiểu thế diễn ra hàng đêm, nhưng rất tiếc sau này tôi đã không theo học vì nhiều lý do. Trong đó có sự sai lầm của tôi, khi tiếp xúc với nền văn hóa khác – đó là sai lầm thật đáng tiếc. Nhưng cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in tất cả những nghi thức và lý giải một cách chi tiết về cách thức đưa linh hồn của người chết về nơi cần đến.

1- Khâm liệm và nhập quan

Người Tày quê tôi, mỗi khi có người chết, nhất thiết họ phải mời thầy Tào đến nhà. Việc đầu tiên là khâm liệm cho người chết. Công việc này cực kỳ quan trọng, nếu để xảy ra sơ xuất sẽ vô cùng khó khăn cho thầy Tào và linh hồn yếu ớt kia.

Người con trưởng trong nhà phải đi cõng nước từ một cái mỏ thật sạch sẽ, sau đó đun sôi cùng lá bưởi. Khi nước đã chuẩn bị xong, thầy Tào bắt đầu làm phép với những bài hát thần bí. Nội dung của những bài hát đó khuyên nhủ linh hồn đừng nên luyến ái cuộc sống trần tục, hãy đi về với thế giới riêng của mình, cái thân xác này cần được gột rửa và cất kỹ trong áo quan để những linh hồn xấu xa bên ngoài không thể xâm nhập… Thầy Tào cần hát để linh hồn tin rằng, cái thân xác kia đã chết, không còn gì để luyến ái nữa. Người nhà sẽ phải thay quần áo mới cho người chết, lau rửa sạch sẽ bằng nước là bưởi. Sau đó sửa lại tư thế cho thật ngay ngắn. Đặc biệt miệng phải được ngậm bạc trắng do thầy Tào yểm bùa, nếu không sẽ là nơi rất dễ bị linh hồn xấu xa xâm nhập. Tiếp sau, thầy Tào cần vẽ một bài vị - nó như một cái nôi đón linh hồn của người chết và bảo vệ nó khỏi sự phiền nhiễu của những linh hồn bên ngoài.

Thầy Tào một tay cầm bài vị, tay kia cầm kiếm, miệng niệm thần chú, nhãn thần rực rỡ, tỏa hết hào quang… xua đuổi những con ma xấu đang vật vờ rình rập. Theo sau ba đệ tử: một cầm chiêng, một cầm não bạt, một cầm cờ phướn (cờ hiệu riêng của thầy Tào), theo sau nữa là đám người nhà. Họ không được phép khóc, nếu chưa có lệnh của thầy Tào.

Có lần tôi đã hỏi, tại sao người nhà không được phép khóc, nếu như thầy Tào chưa cho phép? Ông tôi giải thích: tiếng khóc của người nhà có một sức mạnh ghê ghớm, nó như một lực hút cực mạnh, càng làm linh hồn tiếc nuối, khi đó linh hồn sẽ không còn nghe theo lời hát của thầy Tào, có những lúc nó bay ra khỏi bài vị muốn trở lại thân xác vì sự luyến ái trần gian. Và khi ấy tất cả những linh hồn xấu xa bên ngoài sẽ lao vào nó, lợi dụng sự yếu ớt của nó để quay lại thân xác. Nếu thầy Tào không kịp xoay sở, linh hồn yếu ớt ấy có thể tan ra và không bao giờ có cơ hội đầu thai.

 

Thầy Tào bắt đầu vòng quanh áo quan. Mỗi bước đi là một câu hát, kiếm vung lên đầy uy lực, đám đệ tử cần gõ các nhạc cụ theo đúng nhịp đưa của lưỡi kiếm. Âm thanh lúc này thường chầm chậm, êm ái như một bài ru của người mẹ. Tiếng não bạt phải thật dài như gió chạy qua hang núi, tiếng chiêng cũng ngân lên thật ấm áp. Âm điệu của bài hát thật chậm rãi, tỉ tê, dỗ dành. Cũng có lúc thật dứt khoát với tiếng thét đầy uy lực, cùng nhát kiếm vung lên sáng ngời, tiếng não bạt phải căng ra để thị uy trước đám ma quỷ bay lượn bên ngoài.

 

Sau khi đã vòng áo quan đủ 36 lượt, làm nên một vòng hào quang đủ sức xua đuổi đám ma quỷ quấy nhiễu, thầy Tào dừng lại và ra lệnh cho người nhà được khóc. Lúc này tiếng khóc lại có sức mạnh thật huyền diệu. Tiếng khóc ấy (tất nhiên phải khóc thực lòng) sẽ như một đám mây êm ái, bao bọc lấy linh hồn yếu ớt kia, nó như một cái áo mềm mại che phủ lên linh hồn. Và bốn người đàn ông được phép nhấc cái thân xác không còn linh hồn ấy vào trong áo quan. Sau khi đã sửa sang tư thế nằm cho thân xác, người ta phải lấy bốn viên ngói trên mái nhà, kê hai bên đầu thân xác, cấm kị việc đầu người chết bị nghiêng. Hơn nữa người ta rất sợ khi chôn thân xác ấy xuống đất, cùng năm tháng rễ cây có thể ăn sâu vào áo quan, chui vào lỗ tai của người chết – sẽ làm đau đớn linh hồn và ảnh hưởng đến con cháu.

Khi đã hoàn thành việc đưa thân xác vào áo quan, tất cả người nhà phải lùi ra xa, thầy Tào ngậm một bát nước bùa, thổi ba lần lên thân xác kia rồi lệnh đóng nắp áo quan lại. Và tại sao thầy Tào lại thổi ba lần nước bùa lên thân xác? Đây cũng là điểm quan trọng khi hành nghề thầy Tào. Việc thổi nước bùa ấy không chỉ mang tính hình thức, cũng không hẳn là gột rửa thân xác. Cái bát nước bùa ấy là cả một bí quyết mà chỉ những thầy Tào có đủ nhãn thần mới tinh luyện được nó. Vì khi thổi bát nước đó lên thân xác người chết, cũng có nghĩa thầy Tào đã đưa một phần linh hồn được gọi là “hen mo” (trông mộ). Nếu không đưa được một phần linh hồn này vào áo quan cũng có nghĩa cái thân xác kia và cả ngôi mộ sau này không còn ý nghĩa. Linh hồn này được giao nhiệm vụ ở lại thân xác, chăm bẵm ngôi mộ và liên lạc với con cháu thông qua những giấc mơ...

 ... "Có người sẽ cho rằng tôi bịa đặt khi kể chuyện này, nhưng đó là sự thật – sự thật ấy nhiều người ở quê tôi được chứng kiến. Việc bước qua than hồng mà không bị bỏng nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là một bí quyết trung hòa nhiệt độ. Ông tôi bảo, than càng hồng, nhiệt độ càng cao thì càng dễ để trung hòa sức nóng để người bước qua không bị bỏng. Chỉ cần một chút “bua”, thực chất là một loại thuốc được chiết xuất từ mỡ lợn trộn đều với diêm sinh rắc lên đám than hồng và khi bàn chân đặt thật chặt xuống hòn than lập tức nhiệt độ được trung hòa, chỉ mang cảm giác âm ấm. Và cứ thế thoải mái bước qua, nhưng nó chỉ giữ được vài phút sẽ bay hết thuốc và nóng trở lại. Phải thật khéo léo nhắc đám người nhà đi đúng với vết bàn chân của thầy Tào mới không bị bỏng..."

Bước qua sông lửa để sinh ra lần nữa

Khi đã nhập quan xong, coi như linh hồn được an toàn. Tuy nhiên, có những người khi mới chết, người nhà không chú ý, hoặc sơ xuất như khóc quá nhiều, nước mắt rơi vào thân xác, để nhiều người đụng chạm, linh hồn phát tán ra ngoài, hoặc mời thầy Tào quá chậm… Vì thế khi lập bài vị không gom đủ linh hồn. Trường hợp này, thầy Tào cần bước vào giới âm, gom đủ linh hồn người chết. Đây là giai đoạn rất khó khăn, cũng chứng tỏ được đẳng cấp và khả năng pháp thuật của thầy Tào. Việc này thường được gọi là phá ngục.

  

Đã rất nhiều lần tôi chứng kiến cảnh ông tôi đi phá ngục. Thông thường ông tôi ngồi thiền, mắt nhắm nghiền, khai mở hết nhãn thần để linh hồn thoát ra khỏi thân xác và bước vào giới âm. Mỗi lần như thế, những đệ tử đi theo cần hết sức thận trọng, tiếng chiêng, tiếng trống thật dũng mãnh, đặc biệt não bạt phải được đánh liên hồi, đến khi thầy Tào mở mắt, nói rằng đã gom được linh hồn mới được phép dừng lại. Cũng rất nhiều lần tôi hỏi, khi bước ra khỏi thân xác thì cái thế giới linh hồn trông như thế nào? Ông tôi vẫn chỉ cười và nói đại loại rằng: khi bước ra khỏi thân xác, thầy Tào cần đem theo mình hai thứ: vũ khí và tiền bạc. Nếu linh hồn cần tìm đang bị chìm ở tầng thấp nhất cũng có nghĩa thầy Tào phải đối mặt với đám linh hồn xấu xa. Chúng luôn vây quanh những linh hồn mới đến, vì thế việc mang theo vũ khí là để xua đuổi chúng. Nếu thầy Tào không đủ pháp thuật sẽ rất khó khăn gom được linh hồn cần tìm. Còn nếu linh hồn cần tìm đang ở tầng rất cao của giới âm, thì việc rải tiền dọc đường được coi như một cách chuộc lại linh hồn cần tìm ấy.

 

Nhưng ông tôi vẫn khuyên rằng, tốt nhất không nên phá ngục vì điều này cần có bản lĩnh và kinh nghiệm. Trong trường hợp, không thể gom đủ linh hồn ngay lúc người mới chết, có thể chờ cho đến khi làm lễ 49 ngày cũng không sao. Vì khi đó, linh hồn ấy đã bắt đầu quen với giới âm, có thể nghe theo tiếng hát của thầy Tào mà về. Tuy nhiên, có những người chết không phải do tuổi tác, hoặc bệnh tật, cái chết của họ do ngoại cảnh tác động như: bị giết, tai nạn… Đặc biệt cái chết ấy lại diễn ra bên ngoài, mà thông thường người ta vẫn gọi: “chết đường, chết chợ”. Những cái chết kiểu này rất khó làm ma cho họ. Hơn nữa thể xác của người chết đã không còn nguyên vẹn nên việc khâm liệm, nhập quan rất khó khăn. Và chỉ những thầy Tào thật cao tay như ông tôi mới làm được.

 

Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in cách làm sông lửa của ông nội tôi. Người nhà cần đào một cái rãnh dài chừng hai sải tay người lớn, dưới đó chất đầy than củi, tôi đảm nhiệm việc quạt cho than cháy thật to. Những hòn than đỏ rừng rực, rồi ông tôi bắt đầu làm phép: miệng đọc thần chú, tay trái cầm kiếm, tay phải bắt quyết, bước đi nhịp nhàng, cứ thế ông tôi đi lại bên cái “sông lửa” và càng lúc bước đi càng nhanh, câu thần chú cũng đọc to hơn, cho đến khi những lửa trong sông chuyển màu xanh biếc.

 

Khi đã làm phép xong, ông tôi bỏ dép, cứ thế bước qua “sông lửa” ba lần. Rồi lệnh cho con trưởng của người chết tay cầm bài vị đi đầu, theo sau là đám người nhà, họ lần lượt cởi bỏ hết giày dép, cứ thế chân trần bước qua những hòn than đỏ rực kia. Điều kỳ lạ, họ không hề bị bỏng. Nếu ai đó quá sợ, dẫm trượt lên mép cái rãnh lập tức bị bỏng, còn cứ theo bước chân thầy Tào thì những cục than đỏ rực ấy chỉ mang lại cảm giác âm ấm ở gam bàn chân mà thôi.

Về mặt hình thức, đây như một trò ảo thuật, tất cả những người chứng kiến cảnh này đều thót tim vì sợ. Nhưng đây là công đoạn không thể thiếu với những người chết bên ngoài vì khi bài vị được con cháu đưa qua sông lửa, cũng có nghĩa người chết kia được sinh ra một lần nữa, linh hồn người ấy sẽ tinh khôi như một đứa trẻ, mọi tội lỗi, mọi linh hồn vẩn đục đang bám xung quanh sẽ được gột rửa. Như thế mới đủ điều kiện để trở về với tổ tiên và không còn đau đớn!

Những đám ma thầy Tào làm sông lửa có rất nhiều người đến xem. Họ đến đa phần vì sự tò mò, nhưng cũng có người đến để tình nguyện được bước theo. Những người tình nguyện bước theo ấy thường là những phụ nữ hiếm muộn con cái, hoặc khó sinh nở. Vì khi họ đi qua khúc sông lửa ấy, mọi tội lỗi của tiền kiếp, hay những âm khí bám quanh họ được gột rửa như thế họ có thể dễ dàng sinh con hơn.

 

Có người sẽ cho rằng tôi bịa đặt khi kể chuyện này, nhưng đó là sự thật – sự thật ấy nhiều người ở quê tôi được chứng kiến. Việc bước qua than hồng mà không bị bỏng nghe có vẻ vô lý, nhưng đó là một bí quyết trung hòa nhiệt độ. Ông tôi bảo, than càng hồng, nhiệt độ càng cao thì càng dễ để trung hòa sức nóng để người bước qua không bị bỏng. Chỉ cần một chút “bua”, thực chất là một loại thuốc được chiết xuất từ mỡ lợn trộn đều với diêm sinh rắc lên đám than hồng và khi bàn chân đặt thật chặt xuống hòn than lập tức nhiệt độ được trung hòa, chỉ mang cảm giác âm ấm. Và cứ thế thoải mái bước qua, nhưng nó chỉ giữ được vài phút sẽ bay hết thuốc và nóng trở lại. Phải thật khéo léo nhắc đám người nhà đi đúng với vết bàn chân của thầy Tào mới không bị bỏng.

 

Việc làm sông lửa và những thủ pháp nghe có vẻ đơn giản như vậy, nhưng không phải thầy Tào nào cũng dám làm. Bài thuốc trung hòa nhiệt độ kia cũng không phải ai cũng làm được, chỉ những người lâu năm trong nghề, biết cách chế tác những gói “bua” như ông tôi mới đủ tự tin để dẫn một đoàn người bước qua những viên than nóng bỏng ấy. Về hình thức như đã nói, nó như một trò ảo thuật, nhưng ở đó mang một triết lý rất sâu xa của dân tộc Tày. Sau này tôi có tham khảo một số tài liệu của Ấn Độ giáo cũng có những tiết mục đi qua lửa để gột lửa linh hồn và làm sạch những tội lỗi. Họ cho rằng, linh hồn của người chết vì ngoại cảnh bị một cú sốc rất mạnh, chẳng bao giờ linh hồn ấy tin mình đã chết, vì vậy cách tốt nhất hãy “làm mới” họ bằng cách qua sông lửa. Chỉ khi ấy linh hồn kia mới yên tâm rời bỏ thế giới trần tục về nơi vĩnh hằng.

 

Nhưng ông tôi lại đưa ra một triết lý rất riêng của mình rằng, việc một người chết vì ngoại cảnh cũng sẽ gây một cú sốc rất lớn với những người thân. Sự đau khổ ấy không chỉ nằm ở việc xót thương người chết, trong sâu thẳm của họ vẫn nghĩ rằng, người chết có thể đã mắc những sai lầm rất lớn nào đó, hoặc đã làm một điều ác mà bị trừng phạt… Chính những suy nghĩ ấy sẽ dày vò, càng làm họ đau khổ. Và nhiệm vụ của thầy Tào không chỉ là đưa linh hồn người chết về nơi yên nghỉ mà còn phải làm vơi đi nỗi đau của người thân, nhẹ nhõm về tinh thần, tin tưởng vào cuộc sống…

 

Ông tôi bảo, đối với thầy Tào việc làm cho người còn sống thấy yên bình cũng quan trọng không kém việc đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Vì rằng, người chết họ sẽ có cuộc sống riêng của họ. Nếu ta làm đúng cách, dẫn họ đi đến nơi cần đến, hát cho họ hiểu được rằng từ nay họ sẽ có một cuộc sống mới thì tất cả sẽ êm đẹp. Nhưng với những người còn sống, đặc biệt là người thân sẽ còn rất đau khổ. Vì thế, hình thức bước qua sông lửa là cách làm tốt nhất để làm dịu nỗi đau kia.

 

Mỗi lứa tuổi sẽ có cách làm ma riêng cho họ

Những người chết đã qua bảy mươi tuổi, việc đưa họ về tổ tiên rất nhẹ nhõm, giản đơn. Đám ma kiểu thế cũng rất ít âm khí bây quanh, những linh hồn nặng nề và còn nhiều luyến ái với trần tục cũng không thể làm gì người chết. Bởi họ đã qua bảy mươi tuổi, thân xác kiệt khô, linh hồn cũng không non nớt nên chẳng ai dám làm phiền nhiễu. Kỳ thực những người lớn tuổi, linh hồn của họ thường đã ra khỏi thân xác rất nhiều lần ngay cả khi người ấy còn sống. Đó chính là những giấc mơ, người lớn tuổi thường mộng mị rất nhiều, họ mơ thấy anh em, bè bạn, cha mẹ… chủ yếu là những người đã chết. Chính trong thời khắc đó, hay còn được hiểu suy nghĩ của họ, cũng có nghĩa linh hồn họ đã thoát ra ngoài, bay lượn ở giới âm, gặp gỡ những người thân, cha mẹ, bạn bè… vì thế khi chết đi, linh hồn họ chẳng xa lạ gì với thế giới linh hồn. Mỗi lần đến những đám ma kiểu thế, ông tôi thường hát những bài bùa chú mang nội dung chúc tụng, ngợi ca người chết, kể cho họ nghe những công đức mà khi còn sống họ đã làm được… nói chung rất nhẹ nhõm.

 

Chỉ có những người chết dưới buốn mươi tuổi, mà họ đã lập gia đình, có con cái mới thật sự căng thẳng. Cũng dễ hiểu bởi, những người chết trẻ kia họ đã đủ “tiêu chuẩn” để làm ma vì đã có con cái, nhưng về thể xác lẫn tinh thần của họ còn rất trẻ, chưa bao giờ tinh thần của họ nghĩ đến cái chết, vì vậy sự luyến ái rất nặng nề. Lại thêm đám cô hồn xấu xa bên ngoài luôn rình rập, quấy nhiễu nên âm khí nặng nề. Để làm ma cho họ, ông tôi thường viết rất nhiều lá bùa, bảo đám đệ tử dán khắp nơi. Đám người nhà không được phép khóc nhiều, đặc biệt người vợ (hoặc chồng) phải lánh xa thân xác người chết. Những kẻ nhẹ vía, ốm đau không được đến đám ma vì những người như thế, cái “vách ngăn” của họ với giới âm rất mỏng, họ chỉ cần khóc nhiều sẽ bị mở “vách ngăn”, chẳng hạn như: ngất xỉu, ngủ quên, mệt lả… Chỉ đợi có thế những linh hồn đầy luyến ái sẽ xâm nhập vào họ, quấy nhiễu đời sống trần tục, làm loạn quy luật của âm dương.

Những đám ma như thế thường được ông tôi tiến hành các thủ tục rất nhanh, mọi công đoạn sẽ được rút ngắn. Và sau khi đã chôn cất xong người chết, người nhà cần gom tất cả đồ vật của người chết, mọi khăn tang, áo xô, cờ phướn, bùa chú… đều phải hóa. Trong thời gian 49 ngày cũng không có bài vị để thờ vì khi làm ma ông tôi đã lập cho họ một bài vị riêng được gọi là trung giới. Nó được gọi là trung giới vì không được đặt ở trần gian, cũng chẳng ở giới âm mà ở một tầng khác. Sau 49 ngày cái bài vị ấy sẽ được ông tôi cải hóa và linh hồn sẽ bay về với tổ tiên.

 

Mục đích của việc “xóa sạch dấu vết” ấy là để người còn sống quên hẳn người chết. Ông tôi giải thích rằng, những người chết ở lứa tuổi ấy, sẽ để lại cho người sống nỗi nhớ nhung khôn nguôi. Nhưng người sống không thể đau khổ mãi được, vì thế việc để tang sẽ chẳng tốt lành gì. Đặc biệt người vợ (hoặc chồng) có thể sẽ đi bước nữa, tiếp tục phần đời còn lại. Nếu cứ để tang, khóc thương, ám ảnh… những suy nghĩ ấy sẽ đi xuyên qua “vách ngăn” và linh hồn người chết dễ dàng “bắt được”. Như thế làm cho người chết cũng không yên nghỉ mà người sống càng buồn bã hơn. Có những người vợ (hoặc chồng) vì quá đau khổ, lại mời phải thầy Tào không cao tay, làm ẩu mọi công đoạn nên sau đám tang thường mông mị gặp người chết, sự ám ảnh của những giấc mơ làm người còn sống luôn hoảng loạn và có thể phát điên. Cũng rất nhiều lần nhiều người tìm đến ông tôi để xin được cắt mộng. Họ đều nói rằng nếu cứ mộng mị như thế sẽ không thể sống nổi.

 "…Hơn nữa, khi bước vào giới âm, có vô vàn linh hồn, ở nhiều tầng khác nhau, làm sao có thể nhận ra một linh hồn cụ thể nếu như chỉ dựa vào tên tuổi, quê quán, hay một số di vật mà người còn sống đưa cho. Ở đây cũng thấy rõ họ “bắt chước” thế giới trần trục, theo kiểu tra hồ sơ. Đừng ngây thơ nghĩ rằng, nhắm mắt rồi đọc tên tuổi của họ thì họ sẽ hiện ra, hoặc đưa những di vật (quần áo, đồ đạc...) của linh hồn khi còn sống thì họ cũng hiện về. Nếu hiểu như thế chứng tỏ vị “ngoại cảm” đó chẳng biết gì về giới âm, cũng có nghĩa khả năng “giao tiếp” với linh hồn là sự bịa đặt. Nên nhớ linh hồn chỉ liên thông với thế giới trần tục bằng một “kênh” duy nhất – đó là ý nghĩ...!"

Linh hồn không thể làm gì ở thế giới trần tục

Sau những đám ma, nếu người nhà còn mơ thấy người chết, chứng tỏ khả năng pháp thuật của thầy Tào chưa cao. Hoặc, khi thực hiện các nghi lễ đã mắc những sai sót nào đó. Và việc người nhà thường nằm mơ thấy người đã chết hiện về là một điều không tốt. Ông tôi vẫn nói, nếu người nhà còn mơ gặp người đã chết, cũng có nghĩa linh hồn ấy chưa thực sự siêu thoát. Nhưng cũng không hẳn những giấc mơ kia đều do linh hồn của người thân ám ảnh. Điều này phần nhiều phụ thuộc vào người còn sống. Tất nhiên, trong giấc mơ, mọi “thông tin” mà người còn sống nhận được đều không rõ ràng, thậm chí rất vô lý… Nhưng thế nào đi nữa, việc thường xuyên mơ thấy người mới chết chẳng tốt lành gì, đặc biệt với người đang sống.

 

Và việc cắt mộng cho họ vừa đơn giản, vừa phức tạp. Thông thường những người đến xin cắt mộng đều được chấp nhận sau khi đã kể tất cả những giấc mơ thường thấy cho ông tôi nghe. Cũng có trường hợp, sau khi kể lại sự mộng mị của mình, ông tôi bảo cứ về sống bình thường rồi mọi chuyện sẽ kết thúc. Với những trường hợp cần cắt mộng, ông tôi lập một bàn cúng, bảo người cần cắt mộng đọc theo những lời ông nói. Tiếp sau, họ cần ngồi xếp tròn (thiền) khá lâu, để ông tôi nói gì đó bên cạnh. Hết bài cúng người đó được mời lại ăn cơm và đêm đó ngủ lại nhà của tôi. Trước khi đi ngủ, họ được uống một bát nước bùa do ông tôi pha chế. Tất cả những người đến xin cắt mộng, hôm sau đều vui vẻ ra về, họ đều nói đêm qua ngủ rất ngon và chẳng mộng mị gì. Cũng từ đó tinh thần họ rất tốt, mọi ám ảnh, u sầu đều biến mất.

 

Theo ông tôi, giấc mộng của một người còn sống giống như một cái hồ nước. Ở đó những linh hồn có thể bơi vào và nhắn những “thông tin” cần thiết với hy vọng chuyển tải nó đến thế giới trần tục. Bởi khi ta ngủ say, cái “vách ngăn” âm dương thường không được kiểm soát, tùy thuộc vào độ mỏng dày của từng người. Nếu vách ngăn ấy quá mỏng, hoặc mở toang, sẽ rất nhiều linh hồn đi vào để “nhắn” thông tin thông qua ngôn ngữ, hay hình ảnh mà ta thường mơ thấy.

Đó cũng là mấu chốt của việc những giấc mộng thường không rõ ràng, lộn xộn, đôi khi vô lý. Vì ông tôi cho rằng, chưa hẳn những “thông tin” trong giấc mơ đó là của người thân mình ở thế giới linh hồn. Rất có thể những thông tin ấy là của các âm hồn khác. Đó là những âm hồn còn quá nặng nề với trần tục, họ luôn luôn muốn quay trở lại trần gian, hoặc chưa bao giờ tin mình đã chết. Cũng có thể họ muốn mượn người đang còn sống làm giúp những việc ở trần gian (chẳng hạn như những oan hồn). Điều này chẳng lợi cho ai, cả người còn sống lẫn linh hồn. Người sống sẽ hoang mang lo sợ, còn linh hồn cũng chẳng bao giờ thực hiện được điều mong muốn.

 

Vì thế, cắt mộng cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát được “vách ngăn” âm dương của người còn sống. Để kiểm soát được nó, cách tốt nhất ông tôi vẫn thường làm: tạo cho họ một độ vững cần thiết của thần kinh. Ở đây không có gì thần bí, cũng chẳng dùng đến phép thuật cao cường nào. Bài thần chú, ông tôi vẫn đọc cho người cần cắt mộng nghe thường là một bài hát bằng tiếng Tày cổ, có âm điệu du dương như ru người ta ngủ. Sau đó, cho họ uống bát nước bùa, thực chất là một loại thảo dược có tác dụng làm dịu thần kinh, kéo độ sâu của giấc ngủ xuống mức độ cần thiết. Nếu ai đó vì quá căng thẳng vẫn bị mộng mị thì uống nhiều lần trước khi đi ngủ, chỉ một thời gian sẽ chẳng còn mộng mị nữa.

 

Có lần tôi hỏi rằng, nếu linh hồn có thể đi vào giấc mơ của mình, thì tại sao không để cho linh hồn đi vào, biết đâu họ sẽ nói được với người còn sống những điều oan uổng mà khi còn sống họ phải gánh chịu? Ông tôi bảo, điều này là tối kị! Âm dương không thể lẫn lộn. Điều quan trọng với các linh hồn là đi đúng đường, tới nơi cần tới, hay vẫn gọi là về với tổ tiên. Ngoài ra họ không cần thiết phải làm gì, cũng như một đứa trẻ, cần ăn uống cho tốt, học hành cho tốt vì đích đến là làm một con người tử tế và có ích. Thông thường oan hồn vẫn được hiểu là linh hồn bị phát tán, bay vật vờ trong giới âm, họ đau đớn, tuyệt vọng, xót thương… chẳng khác nào đứa bé còi cọc, yếu về thể chất, kém về tinh thần sẽ khó trở thành người có ích. Vì thế cách tốt nhất vẫn là khuyên nhủ họ, cầu khấn cho họ - thực sự xót thương họ - cầu cho họ yên nghỉ…

 

Chỉ có những ý nghĩ chân thành, yêu thương ấy mới đủ sức mạnh xuyên qua “vách ngăn” tới được linh hồn, gom linh hồn lại, làm nhẹ mọi luyến ái, đưa họ bay lên tầng cao hơn, về với nơi cần về! Việc mở “vách ngăn” ấy để cho họ đi vào giấc ngủ của mình chẳng khác nào làm cho họ ngày càng nặng nề hơn, đau đớn, chẳng bao giờ đi đúng hướng (siêu thoát).

 

Ông tôi còn khẳng định: chỉ có người sống mới làm yên lòng linh hồn (người đã chết), còn linh hồn hay giới âm hoàn toàn không thể làm gì cho người sống. Còn những câu chuyện đại loại như linh hồn báo mộng để người còn sống tìm được một kho vàng nào đó thì không bao giờ có thật. Những câu chuyện đại loại như thế, đều xuất phát từ tham vọng thô thiển của người còn sống. Nếu những linh hồn ấy có biết nơi cất giấu của cải, họ cũng không bao giờ chỉ cho người còn sống. Vì họ tồn tại như ý nghĩ – cái ý nghĩ ấy không bao giờ muốn của cải bị chiếm đoạt bởi người khác, đơn giản vì bản thân linh hồn ấy đã bao giờ tin mình chết đâu! Còn với những linh hồn đã đi đúng hướng, mọi vật chất ở thế giới trần tục không còn quan trọng với họ nữa, điều họ cần ở người còn sống là những ý nghĩ chân thành dành cho họ, chỉ với sức mạnh của lòng từ tâm mới có ích cho họ ở thế giới xa xôi kia.

 

Nếu chiểu theo những quan điểm của ông tôi, mới thấy những linh hồn khác xa với suy nghĩ bình thường của chúng ta. Việc hy vọng vào sự phù trợ của những linh hồn, hay thần thánh ở cuộc sống trần tục sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Sự hy vọng này chỉ xuất phát từ dục vọng của người đời. Mục đích tối thượng của thầy Tào: cho linh hồn yên nghỉ bằng suy nghĩ chân thành. Nếu linh hồn ấy vẫn vật vờ “bay” vào giấc mơ của chúng ta cũng có nghĩa linh hồn ấy chưa tin mình đã chết, họ vẫn tưởng tượng rằng họ là con người, sống ngay cạnh chúng ta, họ vẫn ăn vẫn uống, vẫn làm việc (dù chỉ là lầm tưởng)… và như vậy họ sẽ không thể làm gì cho người sống, nếu có muốn cũng không thể vì khi đó họ chỉ tồn tại như ý nghĩ và ở một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới trần tục này.

 

Qua thời gian, thân xác không hoàn toàn quan trọng với linh hồn

Gần đây nhiều nhà ngoại cảm xuất hiện. Họ không trải qua bất cứ hình thức luyện tập nào để khai mở nhãn thần. Có chăng chỉ là những chuyện mang tính huyền bí. Chẳng hạn như bị tai nạn, rồi thoát chết - tự nhiên nhìn thấy thế giới linh hồn. Việc gọi hồn người chết, được hiểu họ có thể “đối thoại” với một linh hồn nào đó, đặc biệt với những linh hồn liệt sỹ, để chỉ ra những bộ hài cốt của mình bị thất lạc đâu đó trong trần gian. Khả năng đó ngoài tính huyền bí và vô lý còn mang tính vụ lợi - cái tính vụ lợi ở đây thể hiện rất rõ trong hành động có xu hướng chiếm đoạt vật chất. Còn với linh hồn, cái đích cuối cùng và ở nền văn hóa nào cũng chỉ mong họ được yên nghỉ, được đi đến nơi họ cần đến. Ngoài điều đó linh hồn chẳng cần thiết đem theo cái gì để đến thế giới của họ. Việc tìm lại những bộ hài cốt, được hiểu đó là những gì còn lại của thân xác cũng rất quan trọng, nhưng không quyết định sự siêu thoát của linh hồn. Hiểu một cách khác, đó là những vật chất còn lại ở trần gian của linh hồn. Theo quan điểm của thầy Tào, nếu một linh hồn có mồ mả hẳn hoi, sẽ có một phần linh hồn như đã nói được gọi là “Hén Mo”(trông mộ), phần linh hồn này có nhiệm vụ trông coi ngôi mộ và liên lạc với người thân thông qua những giấc mơ. Nhưng đó chỉ có ích khi linh hồn mới lìa khỏi thân xác.

Theo thời gian cái “vách ngăn” của người còn sống đã ổn định, cũng đồng nghĩa với việc liên lạc ấy không còn, hoặc rất ít. Thực tế chỉ ra rằng, chúng ta sẽ hiếm hoi mơ thấy cha mẹ, hoặc ông bà khi những người ấy mất khá lâu. Cái bộ hài cốt (thân xác còn lại) nằm ở ngôi mộ là nơi để chúng ta dễ nhớ đến họ, vào những dịp tết lễ chúng ta đến đó thắp hương, cầu khấn, chính khi đó nếu thật thành tâm, hội tụ đủ sức mạnh, ý nghĩ sẽ xuyên qua “vách ngăn” để linh hồn ở giới âm nhận được. Và càng nhiều ý nghĩ chân thành thì linh hồn càng nhẹ nhõm, bay lượn ở tầng cao của thế giới vĩnh hằng ấy. Ở chừng mực nào đó, có thể hiểu ngôi mộ (chứa hài cốt) là nơi để ý nghĩ (sự thành tâm) xuất phát đi xuyên qua “vách ngăn” tới được linh hồn. Ngoài ra không còn ý nghĩa quan trọng nào khác.

Nhưng, ý nghĩ của chúng ta, có thể xuất phát bất cứ lúc nào, ở mọi hoàn cảnh đều có thể nghĩ đến người thân đã mất. Vì thế việc có bộ hài cốt, hay ngôi mộ không quyết định đến sự siêu thoát của linh hồn. Nó chỉ mang nhiều ý nghĩa với người còn sống. Chỉ vì người còn sống vẫn quan niệm: thân xác ở đâu, linh hồn ở đó. Nên họ mong muốn tìm được thân xác người thân, chôn cất cẩn thận và thờ cúng để linh hồn được yên nghỉ. Điều này không sai, nhưng hoàn toàn không quan trọng và cần thiết.

 

Với những trường hợp chết không biết thân xác ở đâu, ông tôi vẫn làm ma cho họ một cách bình thường. Và bao giờ cũng làm cho họ một ngôi mộ giả. Ở đó chỉ cần chôn theo một di ảnh, hay một đồ vật nào đó của người chết. Bởi khi làm ma, những phương pháp của thầy Tào đã gom đủ linh hồn, đưa vào bài vị, dẫn đi đúng đường, đến nơi cần đến. Thế nên ngôi mộ giả ấy chỉ mang tính chất tượng trưng, và sau này nếu tìm thấy thấy hài cốt (thân xác) có thể chôn xuống chính ngôi mộ ấy, chẳng ảnh hưởng đến linh hồn ở giới âm. Không nên hiểu linh hồn cũng như con người. Có thể thân xác của người chết ở tận đâu đó rất xa, nhưng linh hồn họ khi ấy tồn tại như ý nghĩ, vì vậy không gian, thời gian chẳng còn ý nghĩa gì. Thân xác có thể ở tận nước ngoài, nhưng chỉ cần ta nghĩ đến họ, lập tức họ ở ngay cạnh ta vì họ là ý nghĩ.

 

Chỉ tiếc, thời nay có quá nhiều “thầy” không biết khả năng khai mở nhãn thần đến đâu, nhưng họ rất biết lợi dụng vào tâm lý của người còn sống để khoa trương thanh thế và trục lợi. Cũng có trường hợp, luyện tập chưa xong, hiểu biết còn ít đã nhảy ra làm thầy nên làm sai lệch những quy luật của âm dương.

Có vị “ngoại cảm” đã khăng khăng miêu tả rằng, nhìn thấy linh hồn và trò chuyện được với họ. Và theo như vị đó miêu tả, linh hồn đó mờ ảo có hình như con người, thậm chí còn miêu tả dung mạo của linh hồn ấy. Điều này chứng tỏ, sức tưởng tượng của vị “ngoại cảm” rất nghèo nàn. Thế giới linh hồn không có hình thù nào cụ thể, đó là ý nghĩ: không hình, không màu, không mùi vị, không âm thanh, không vật chất… chỉ có ý nghĩ, rất trừu tượng, rất mơ hồ ngoài sức tưởng tượng của con người. Sự quả quyết của vị “ngoại cảm” ấy, chẳng qua chỉ liên tưởng từ thế giới trần tục rồi áp đặt vào giới âm. Như thế thật thô thiển và lộ rõ sự lòe bịp.

 

Hơn nữa, khi bước vào giới âm, có vô vàn linh hồn, ở nhiều tầng khác nhau, làm sao có thể nhận ra một linh hồn cụ thể nếu như chỉ dựa vào tên tuổi, quê quán, hay một số di vật mà người còn sống đưa cho. Ở đây cũng thấy rõ họ “bắt chước” thế giới trần trục, theo kiểu tra hồ sơ. Đừng ngây thơ nghĩ rằng, nhắm mắt rồi đọc tên tuổi của họ thì họ sẽ hiện ra, hoặc đưa những di vật (quần áo, đồ đạc...) của linh hồn khi còn sống thì họ cũng hiện về. Nếu hiểu như thế chứng tỏ vị “ngoại cảm” đó chẳng biết gì về giới âm, cũng có nghĩa khả năng “giao tiếp” với linh hồn là sự bịa đặt. Nên nhớ linh hồn chỉ liên thông với thế giới trần tục bằng một “kênh” duy nhất – đó là ý nghĩ!

 

Những “thầy” kiểu ấy không chỉ riêng thời nay mới có, từ rất xa xưa vẫn cứ tồn tại những vị như vậy. Ông tôi bảo, thầy Tào cũng có nhiều trường phái, mỗi trường phái đều có cách thức riêng của mình để hiểu biết về linh hồn. Nhưng cái quan trọng bậc nhất vẫn phải đưa được linh hồn về nơi cần đến. Còn tất cả những ai không đi theo quan niệm này đều là tà giáo. Để phân biệt tà giáo hay chính giáo trong thế giới tinh thần con người rất khó khăn. Chỉ có điều, cho đến một ngày tất cả chúng ta đều trở thành linh hồn (chết đi), chỉ khi đó mới thực sự biết cái gì đang đợi linh hồn của mình.

 

 

Lời kết: Hãy chân thành, trong sáng để bay lượn ở tầng cao nhất của thế giới linh hồn.

…Và khi còn sống nếu ý nghĩ của chúng ta chân thành, trong sáng, hành động của chúng ta cao đẹp cũng có nghĩa linh hồn chúng ta sẽ nhẹ nhõm, dễ dàng siêu thoát. Còn ai đó xấu xa trong ý nghĩ, nặng nề với dục vọng, nhiều hành động sai trái, tất nhiên linh hồn nặng nề nằm ở tầng thấp nhất của giới âm. Và khi đó sự đau đớn sẽ đến, cái tầng thấp nhất ấy nằm rất gần với thế giới vật chất phàm tục của con người. Ông tôi - một thầy Tào - bảo thế!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2