Lượt thăm:239940420   Đang Online: 880

Cuộc sống quanh ta » Âm nhạc - Văn học »


Số lượt xem: 4828
Gửi lúc 07:54' 18/07/2011
Cát Tiên - Vùng đất Thánh linh

Có nhiều con đường để đi đến Cát Tiên.
Dễ nhất là đi từ Madaghui, qua Đạ Huoai, Đạ Tẻh theo con đường mòn đất đỏ, khá quanh co…..là đến huyện lỵ Cát Tiên, trung tâm của vùng Nam Cát Tiên. Có thể đi bộ hoặc xe gắn máy, chủ yếu là xe Honda 67, xe Simson hoặc xe Min-khờ (Minsk). Con đường này trống trải, ngắm được nhiều phong cảnh đẹp.

 

Nhiều đoạn đèo một bên là đồi núi, một bên là sông suối, có những đoạn hai bên đường toàn cây tùng, giáng hương, mùi thơm ngút ngát, tán lá xanh um….Buổi sáng đi thì đến trưa là đã tới, lúc đó là có thể ngồi ung dung tại chợ mà xơi thịt chó, uống rượu ịch. Cũng có thể là đi từ Đồng Xoài, xuyên qua vài cánh rừng thưa với những đồng cỏ cao rộng mênh mông, qua phà Đaclua là đến thị trấn Đức Phổ, từ đây đi thẳng một mạch là đến huyện Cát Tiên hoặc Gia Viễn.

 

 Một con đường nữa là từ Định Quán đi lên, qua một vài cánh rừng cao su, rừng ngập nước khá rậm rạp, nhiều rừng tre gai lớn…. Đoạn đường này nguy hiểm nhất là lúc vượt thượng nguồn sông Đồng Nai, nước chảy rất xiết, nhiều chỗ có xoáy ngầm, bờ sông luôn sạt lở, nếu chủ quan có thể bị vùi lấp không lên được . Lòng sông lại có rất nhiều đá nhọn, ngoài ra còn có một loại cá dữ gọi là cá Lăng, có râu, dài hơn 1m, nặng cả trăm ký, có thể táp ẩu làm bạn bị thương. Đi theo con đường này phải mất ước chừng nửa tháng nhưng có thể kiếm được ít mật ong rừng hảo hạng, năm bảy búp măng non hay vài nhành phong lan cực đẹp.


Con đường cuối cùng là đi từ thị trấn Giai Nghĩa - Đăknông, xuyên qua rừng già thuộc tỉnh Lâm Đồng. Con đường này là gian nan nhất, là con đường của dân đi tìm Kỳ Nam, Trầm Hương, dân đào vàng, săn trộm…..Phải đi qua rừng rậm, thác nước, đồi núi, có khi chạm trán với thú dữ, funlro, buôn lậu, lâm tặc….tất nhiên là vô cùng nguy hiểm. Với điều kiện là bạn phải còn mạng thì sau khoảng hai tháng cũng có thể ung dung ngồi tại chợ Cát Tiên mà xơi thịt rừng, uống rượu cần chính hiệu…..

Hôm đó ĐHC đang ngồi uống cà phê trong một cái quán nhỏ thuộc ngã ba Phù Mỹ thì thấy hai chiếc môtô chở bốn người dừng trước quán. Ngay lập tức mọi sự chú ý đều tập trung về họ, bởi vì hai chiếc xe quá lớn. Hai chiếc Harley davision 750 phân khối to sụ, sáng loáng, mỗi chiếc dài phải đến hai mét rưỡi choán hết cả cửa ra vào. Cũng may là ĐHC đã chọn một chỗ ngồi tít phía trong, bên ngoài nhìn vào không thấy, chứ bốn người này đâu có gì xa lạ…..nhưng không hiểu sao họ lại xuống tận nơi này ?


Người đi đầu mặc cái áo hoa hòe bằng lụa, ở vùng Chợ Lớn ai mà không biết. Mọi người chỉ gọi ông ta đơn giản là “Tàu xì”, ông chủ của vài chục cái quán cơm, nhà hàng, khách sạn.…mà ĐHC nhớ không lầm thì cái vũ trường nổi tiếng nhất của ông ta thời đó từ ngòai cổng đi vào là cả mấy chục em mặc sườn xám dàn hai bên đón tiếp, tiền vào cửa để “dằn phèn” là đã hết năm chai rồi, chưa kể vào đến bên trong còn phải tốn bao nhiêu nữa…?! “Tàu xì” thuộc típ “tai to mặt lớn”, người đeo vàng chói lọi, trên cổ là một “cọng thừng” phải hơn mười lượng, mười ngón tay đeo mười chiếc nhẫn vàng to như con đỉa, cái đồng hồ Rolex cũng màu vàng chói…..

 

Đúng là một ông thần tài vàng rực. Đi bên cạnh “Tàu xì” lúc nào cũng là “a Chảy”, y dáng cao, gầy, mũi khoằm như cú vọ, mắt sáng như cú vọ. Lúc nào “a Chảy” cũng mặc bộ đồ “sá sẩu” bằng gấm trắng, bên trái thêu con rồng đang múa vuốt, bên phải là hàng chữ “sinh tử tại thiên” bay bướm, biểu tượng của một “đại ca” chính hiệu. Hôm nay có lẽ do phải đi rừng nên y lượm đâu được cái áo thun đen vận với cái quần bò nom rất chật. Người VN bình thường mà ngồi lên chiếc Harley thì chẳng khác nào con nhái bén ôm…..quả bí đao, nhưng khi “Phì Lủ” ngồi lên thì chiếc xe cảm giác như hãy còn quá nhỏ.

 

Y nổi tiếng là đần độn ngu si vô địch thiên hạ….nhưng được bù lại là có một tấm thân bồ tượng và một sức khỏe phi thường. “Phì Lủ” đích thực là em của “Tàu xì”, nhưng có lẽ tinh hoa trong nhà đã dồn hết vào thằng anh rồi nên đến thằng em thì chỉ còn….cái cặn. Vì vậy mang tiếng là đại gia nhà giàu nhưng “Phì Lủ” vẫn không biết chữ, lúc nào cũng mặc áo phạch ngực và quần rách đái. Đến người thứ tư thì bất giác ĐHC phải ngồi nép tuốt vào phía trong vì y quen quá. “a Lưu” chứ nào phải ai xa lạ.

 

Có lần ĐHC đang uống cà phê ở nhà hàng Vân Cảnh, bên bến Bạch Đằng thì có người vỗ vai gọi “tài có à, hôm nay lên đây hóng mát…có còn nhớ ngộ không ?” bất giác nhìn lên thì thấy một anh chàng tóc tai láng mướt, mùi dầu thơm sực nức, bộ đồ vô cùng chải chuốt…..té ra là “a Lưu”. Cô bồ “a Lưu” làm quản lý nhà hàng nên hằng đêm y phải ghé đón về….Hôm nay y cũng không có gì thay đổi, đầu tóc, quần áo….vẫn láng cóng, chưa vô tới cửa là mùi dầu thơm đã xuống tận nhà bếp rồi. Nghe đồn y đang làm nghề môi giới mua bán nhà đất…kiếm tiền rất khá, không hiểu sao lại khăn gói theo “Tàu xì” lên tận trên này.


Ở cái vùng đất heo hút này mà đi xe Harley, ăn mặc diêm dúa, đeo vàng chói lọi như vậy thì chẳng khác nào vỗ ngực tự xưng “ta là ông cóc, ông kẹ đây”, chắc chắn sẽ lọt vào tầm ngắm của hình sự địa phương ngay…. “Tàu xì” đâu có ngu dại gì mà lại làm thế. Hiển nhiên y cố tình làm vậy để dằn mặt một kẻ nào đó, một bọn nào đó…..Mấy ông chủ Tàu Chợ Lớn mà quan tâm đến cái vùng Cát Tiên heo hút này thì chắc là nơi đây đang ẩn chứa một bí mật gì ghê gớm lắm……

 

Lúc đó là mùa thu họach trái Lười ươi, vào mùa này vùng Cát Tiên nhộn nhịp hẳn lên. Đầu nậu, bạn hàng, dân đi hái thuê, dân đi hái trộm….tụ về tấp nập làm các hàng quán cũng được mùa thu họach. Tinh hoa của trái Lười ươi là nằm ở cái hạt, hạt này khi bỏ ngâm vào nước thì nó nở lên to bằng cái tô vậy….thứ hạt này uống rất mát, có tính nở to kỳ lạ như vậy nên nhiều công ty mua nó rồi xuất khẩu đi nước ngoài làm thuốc gì đó…..nó trở nên có giá là vì thế.
Bọn “Tàu xì” ăn uống một hồi rồi lên xe đi mất, trong lúc ăn họ trao đổi bằng tiếng Quảng nên không nghe được gì. Được một lúc thì có một chiếc xe Min-khờ chở một bà chủ hàng trờ đến. Bà chủ hàng bước vào làm cả quán trở nên sáng hẳn, quả thật bà ta nom rất sáng tài. Đúng ra phải gọi bằng cô thì mới phải vì bà chủ còn khá trẻ, mới thuộc hàng hăm, cô ta mặc cái quần lãnh đen, cái áo thun trắng, bên ngoài khoác hờ cái áo sơ-mi màu cam rực rỡ. Cô ta vừa ngồi xuống, để cái nón lá lên bàn là bà chủ quán lăng xăng chạy tới, họ xem ra rất đỗi quen thuộc. Cô ta nói “ đ.m….từ sáng đến giờ chạy kiếm thằng bảy mà không được….nguyên chiếc xe hàng bị kiểm lâm ách lại tại Madhagui…”. Cô ta trắng trẻo, xinh xắn, chỉ phải cái mở miệng ra toàn nói tiếng…Đan mạch. Nói một hơi không nghỉ, uống một hớp nước xong quay nghiêng lại thấy ĐHC đang cười cười thì hơi mắc cỡ, phân bua tiếp “…em cực quá mấy anh thông cảm,…gom được mấy bao hàng chở ra tới ngoài lộ thì bị ách lại…đang kiếm anh Bảy để nhờ ảnh lo dùm…”

Buổi tối, ĐHC về nhà của anh H, một giáo viên tiểu học nghỉ tạm. Gọi là nhà cho oai chứ nó chỉ là một cái lều dựng tạm. Anh H muốn ở trong trường cũng được nhưng anh thích ở bên ngoài cho thoải mái hơn. Anh là người Huế, tốt nghiệp CĐSP Huế, sau đó xung phong đi dạy ở vùng sâu vùng xa. Anh ở trên này đã được khoảng hơn hai năm. Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy, chưa kịp súc miệng thì đã nghe tiếng xe máy dừng trước cửa, ló vào là một cái đầu bóng mượt kèm theo mùi dầu thơm bát ngát…..cái mặt “a Lưu” hiện ra nhăn nhở “Hôm qua ngồi trong quán mà tài có núp nhé, làm sáng nay “Tàu xì” pắt ngộ phải đi từ sáng….” Xem ra bọn “Tàu xì” thông tin nhanh thật, chắc y đã rải quân khắp vùng Cát Tiên này.


“a Lưu” chở ĐHC trên chiếc Min-khờ phóng đi vèo vèo. Ở vùng này đi Min-khờ là tốt nhất, qua đèo dốc, hố bom, mương rãnh….ào ào, có lỡ rớt xuống ao thì kéo lên cũng dễ. Đại bản doanh của bọn “Tàu xì” ở tuốt cuối chợ Madhagui, phải đi xuyên qua một cái tiệm tạp hóa, hai ba lớp cửa, vòng vèo lên tận trên lầu hai. Đứng gác trước cửa là “Phì Lủ”, mới sáng sớm mà trên tay y đã cầm một thau xí quách to xù, y phải ăn liên tục như vậy thì may ra mới đủ năng lượng để duy trì cái thân hình bồ tượng. Thấy ĐHC “Phì Lủ” nhe răng ra cười “ ngộ li lâu cũng gặp lị….hế…”.


Căn phòng tuy nhỏ nhưng cũng được sắp xếp rất sang trọng, đúng típ đại gia “Tàu xì”. Y khoái màu đỏ nên chổ nào trong phòng cũng đỏ lòe lòe, dưới chân cũng trải một tấm thảm Ba Tư đỏ đi êm không thể tả….Giữa phòng là một cái bàn đen bóng, trên có để một con rồng bằng pha lê đỏ nom rất đẹp. Không thấy “a Chảy”, ngoài “Tàu xì”, còn có thêm hai người nữa. Ngồi ngoài bìa là “a Hỏa”, một võ sư có tiếng trong một đội Lân Sư Rồng tầm cỡ ở Chợ Lớn. Y có thể dùng tay không đập bể trái dừa khô, múa quyền đi trên miểng chai hay nằm trên bàn chông, cho người để mấy tảng đá xanh lên rồi dùng búa đập bể. Nghe nói võ sư T.T đã mất, “a Hỏa” là đại đệ tử nên lên thay làm chưởng môn cả một tông phái, không biết y chịu ân nghĩa gì của “Tàu xì” mà hôm nay cũng có mặt ở đây. Người ngồi trong cùng nom rất tà đạo, mặt choắt, mỏ nhọn, ở trong nhà mà cũng mang kiếng đen. “Tàu xì” giới thiệu y tên “Kây Quay” ở Hồng Kông mới qua, pháp thuật rất cao cường. Để chứng minh “Kây Quay” xòe bàn tay ra, ngay lập tức từ trong ống tay áo của y phóng ra một con rắn….

 

Con rắn này có vảy ánh kim loại bảy màu lấp loáng, to bằng cỡ cổ tay nhưng chỉ ngắn độ bốn tấc. Nó thuộc họ rắn hổ cực độc, cực hiếm gọi là con rắn “ hổ Bướm”. Con “ hổ Bướm” tuy ngắn như vậy nhưng nó phóng đi lại cực nhanh, vô phúc ai bị con rắn này cắn bước đi được một bước mà không trào đờm té lăn mới là chuyện lạ. ĐHC trông thấy là đã rùng mình ớn lạnh, tay Pháp sư này chắc thuộc dòng Miêu cương ngũ độc trùng gì đây….

 

Không biết trên người y còn có bò cạp, nhện độc gì nữa. Con rắn uốn éo xung quanh cổ tay, cuộn tròn trong lòng bàn tay rồi ngóc đầu lên khè nom rất dữ, sau đó thoắt một cái nó lại chui vào trong tay áo, biến mất. “Tàu xì” không rào đón gì cả, y đi ngay vào việc “ Ngộ nghe “a Lưu” nói nị có cái tài đào hầm hố….cuốc mồ mả gì đó, tìm những vật báu hay lắm…..”. Đại khái theo như “Tàu xì” kể thì một đại gia ở tận HKcó sưu tầm được một cổ vật cực quý là một cái mâm đồng, có đường kính đúng 7 tấc 7 ly, trên chạm trổ hoa văn rất công phu. Nhưng đặc biệt là nó có khắc chìm hình mặt trời với bảy tia sáng, đúng giữa trưa khi phản chiếu lại ánh sáng nó sẽ rực lên rất chói lọi.

 

Phía sau mâm đồng có khắc chữ phạn cổ phải mang sang tận Ấn Độ mới có bậc thầy đọc được. Thì ra nó là một báu vật của một vương quốc cả hàng ngàn năm trước, trên đó có một câu thần chú uy lực vô cùng mà ai làm chủ được nó thì sẽ có quyền lực không gì cản nổi….Nhưng đáng tiếc câu thần chú này mới chỉ có một nửa, nửa còn lại nằm ở một cái mâm đồng y hệt như vậy, nhưng cái mâm này lại khắc hình mặt trăng với bảy ngôi sao. Hai cái mâm đồng này là một cặp “Nhật Thất Kim Quang Minh Nguyệt Thất Tinh Kỳ Bảo” quý giá vô cùng….tay đại gia HK đã cho người truy tầm khắp Mã Lai, In do, Thái, Lào….mà cũng không thấy cái mâm còn lại. Bọn “Tàu xì” cả năm nay tìm kiếm khắp Tây Nguyên, Buôn Mê, Đăklắc, Đắkmin, Đắknông….KrôngPa, KrôngPắc.v.v…. cũng không ra, nghe một nguồn tin nói là nó đang có ở vùng Nam Cát Tiên này…..


“Tàu xì” lực lượng hùng hậu như vậy thì cần gì nhờ đến ĐHC, chẳng qua là y muốn dằn mặt “…báu vật tuy còn ở trong rừng, trong núi, dưới đất sâu…nhưng “Tàu xì” mà đã chấm rồi thì coi như là đã của “Tàu xì” rồi đấy…đứa nào mà dám rớ vào thì hãy liệu hồn…”.

 

Câu chuyện mà “Tàu xì” kể thiên hạ đã biết từ lâu. Năm ngoái, có lần Lạc “mả” tìm đến, y nói “nhà bác có biết chuyện người ta kéo nhau lên Tây Nguyên tìm một cái mâm gì đó quý lắm không ?”- ĐHC giả bộ nói không biết, Lạc “mả” nói tiếp “nghe đâu mấy tỉ phú Ma Cao, Hồng Kông ra giá cả triệu đô cho ai tìm được”. Y tỏ ra rất hăm hở, rủ thêm mấy người nữa kéo nhau đi lên Tây Nguyên, cho đến bây giờ cũng không nghe thấy tin tức gì. Xem ra những chuyện gọi là bí mật ở xứ sở này thì…..cả làng đều biết.
Cách đây khoảng ba tháng, NT đến tìm ĐHC, anh nói “Có người đặt hàng mình phi vụ này, nếu thành công thì đủ sống cả mấy đời, chú tham gia với anh nhé” – NT là người có cuộc đời rất lận đận, anh trước là hạ sĩ quan chế độ cũ. Sau giải phóng phải đi cải tạo đâu khỏang hơn ba năm. Khi trở về thì vợ đã bán nhà, dắt con đi vượt biên từ lâu.

 

Người thân thì cũng đã đi hết cả, lớp đi vượt biên, phần đi KTMới….NT đâm ra bơ vơ “không mảnh đất cắm dùi”, phải làm đủ nghề để kiếm sống. Khỏang thời gian này cuộc sống còn khó khăn lắm chứ chưa được như bây giờ, qua vài người quen, anh ta gặp ĐHC cùng theo cái nghề “nguy hiểm chết người” này. anh ta làm chung với ĐHC được chừng hơn năm thì tách ra “chiến đấu một mình”. Kinh nghiệm chiến trường chưa nhiều, lại hay tin người, được mấy tháng thì NT bị lượm trên Long Bình, phải bóc lịch hơn một năm rưỡi,….

 

Trở về, NT ra sửa xe đạp ở lề đường ND. Một lần anh đến rủ ĐHC làm vài xị giải sầu, cả hai ngồi ở cái quán cóc nhỏ bên lề đường, nghe tâm sự thì ra cái máu liều trong người NT vẫn còn rất mạnh, anh ta muốn làm một cú ra trò để đổi đời, “nở mày nở mặt với bà con thiên hạ”. Lúc đó trời mưa rất to, trong cái tâm trạng cô đơn mà nhìn mưa Sài Gòn thì đúng là “rầu thúi ruột”. NT quyết tâm bằng mọi giá phải làm cho được vụ này “hoặc có tất cả, hoặc không có gì…”. ĐHC thấy anh hăng hái như vậy thì cũng không nỡ từ chối, hơn nữa ở vùng đất thánh linh này đâu hẳn chỉ có mấy cái “mâm đồng”…….?!.


Đêm trên cao nguyên thật lạnh, ngủ không được, ĐHC , NT, một người thượng là Y-Ngây, cả ba kéo ra trấn Giai Nghĩa uống vài xị cho ấm bụng. Mới hơn 10h mà hàng quán đóng cửa hầu hết, chỉ còn lại một quán chịu bán khuya cho giới xe ben, xe tải… Cả ba chọn một chỗ ngồi hơi khuất phía trong, bên ngòai cũng còn vài bàn của cánh lái xe cùng mắc chung một thứ bệnh là “ngủ không được”. ĐHC ngồi đối diện cái bàn bida, phía góc trong có cái bồn rửa tay, trên có một tấm kiếng, từ chỗ này có thể quan sát phía sau mà không cần phải quay người lại. Y-Ngây khoái món nai nướng nên anh ta ăn rất khí thế, uống cũng không hề khách khí. Là người Hơ-Mông nhưng Y-Ngây nói được tiếng Kinh, anh là một thợ săn cừ khôi, chỉ cần một cái ná, một cái áo mưa, một cái Xà-gạt là Y-Ngây có thể xuyên rừng, vài ngày là đem về một hai con mang hay mển….. Y-Ngây còn có một người em là Y-Ngung nhưng hôm nay anh ta còn ở ngoài rừng.


Càng về khuya trời càng trở lạnh, gần đến nửa đêm thì nghe tiếng xe dừng, có bốn người lừng lững đi vào trong quán. Nhìn qua cái kiếng, ĐHC nhận ra bọn người này là dân đào vàng chuyên nghiệp, bây giờ chuyển sang nghề săn trộm, tìm trầm hương, kỳ nam và đồ cổ. Đi trước là hai anh em Lý Hòa, Lý Cắt, kẻ đi thứ ba đặc biệt nguy hiểm tên Tăng Xe, đi cuối là đệ tử của y cỡ 17 –18 tuổi tên Út Lỳ. Út Lỳ có tên tuổi, bố mẹ, nhà cửa đàng hoàng, nhưng đua đòi bỏ nhà đi hoang mấy năm nay, vận khí xui xẻo, ra đời gặp ngay đại ca Tăng Xe, nhanh chóng bị tên này nhuộm thành đen thui, thêm bản tính lỳ lợm nên có biệt danh là Út Lỳ. Bọn Lý Hòa vừa từ trên Đắcmin về, có khả năng sẽ đi về Nam Cát Tiên theo đường rừng Lâm Đồng…. Lý Hòa là thợ rừng chuyên nghiệp nên chuyện xuyên rừng đối với y là chuyện nhỏ.


NT xem ra đã ngà ngà say, anh ta lại nhớ về quá khứ, cặp mắt trở nên lờ đờ…..miệng lầm bầm hát nho nhỏ “ Buồn nào hơn đêm nay, buồn nào hơn đêm nay, khi ngoài kia bão tố đầy trời… Từng cánh lá cuốn gió rơi vào lòng đêm thâu, thương thầm mối tình ngâu….. Ngày về ôi xa quá cánh nhạn còn miệt mài trong nắng hồng mê say. Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay…..”

 

Chỉ cần nhìn đồ nghề mang theo là có thể biết khả năng đi rừng như thế nào. Ví như anh em Y-Ngây, Y-Ngung thì chỉ cần cái Xà-gạt, cái ná, thêm cái áo mưa nữa là có thể xuyên rừng hàng tháng rồi. Rừng chính là nhà của họ, bàn chân của Y-Ngây đạp trên đá nhọn, gai rừng nghe sạt sạt, lớp chai nó dày cả phân chứ không ít. Anh ta bình thường đóng khố, cổ đeo một cái kiềng to, lỗ tai xỏ hai miếng ngà voi to sụ, hôm nay ra Giai Nghĩa nhậu “nai nướng” mới bận thêm cái quần vải gai….Còn Y-Ngung cũng như Y-Ngây, nhưng nói được tiếng Kinh rất ít, anh ta gọi người Kinh là Ka-Yuan. Con gái Y-Ngung được hai tuổi bỗng nhiên bị chết, cả bản làm đám, thầy cúng Y-Krăk làm lễ đàng hoàng.

 

Sau đó 3 ngày, Y-Ngung nốc hết ba ché rượu cần, bỗng dưng nhớ con……nửa đêm anh ta ra mộ, đào xác con lên, sau đó ôm cái xác lạnh ngắt, đã bốc mùi về nhà, chuyện làm kinh động cả bản….Y-Ngung sau chuyện đó trốn ra ngoài rừng…. Lý Hòa thì không cần nhiều đến như vậy, chỉ cần một con dao găm là có thể xuyên rừng được rồi. Y nổi tiếng đánh mìn và bộc phá ở các bãi đào vàng, nên trong người luôn có thuốc nổ. Còn Lý Cắt dáng cao gầy, leo trèo cực nhanh, đặc biệt là leo cao chót vót trên tận ngọn cây, y phóng chuyền nhanh như khỉ, rất lợi hại trong chuyện đi tìm trầm hương, kỳ nam, nấm quý….

 

Tăng Xe đi rừng không bằng hai người kia nhưng có tài bắn súng kíp thiện xạ, có thể dùng hai tay không bắt rắn, áp tai xuống đất nghe được tiếng động xa hàng vài cây số…Đồ nghề đi rừng của dân chuyên nghiệp thường chỉ là một cái mác hoặc rựa, dao găm, một “cây chẹt” nhỏ để lấy lửa khi cần thiết, áo mưa, có thể thêm dây thừng, móc sắt, võng dù….Đồ ăn, nước uống không cần mang theo vì có mang cũng không đủ cho những chuyến đi dài ngày.


Y-Ngây kể cả năm nay có khá nhiều nhóm người xuống đây tìm cái mâm đồng, cồng chiêng thì anh ta biết nhiều chứ cái mâm đồng có khắc hình như vậy thì trong đời chưa từng thấy qua, cũng chưa nghe già làng nói đến bao giờ. Như vậy cái “mâm đồng” này chắc không phải của những tộc người như Ba-na, Ê-đê, Gia Rai, Hơ-mông….ở đây, mà là thuộc về những dân tộc đã xây nên vương quốc cổ Phù Nam ngày nào, họ có một nền văn hóa đã từng phát triển rực rỡ với những đền đài, thành quách, các công trình điêu khắc vĩ đại mà nay đã bị diệt vong. Cái “mâm đồng” nếu là có thật, thì nó có thể còn ở trong lòng đất, vùi chôn cùng với một đền đài nào đó….hoặc lẫn trong các tộc người còn sống ở vùng Nam Cát Tiên như X-Tiêng, Châu Mạ, K-Ho….Đám săn lùng đồ cổ tìm không ra cái “mâm đồng”, quay sang chôm chỉa Cồng Chiêng, Chum hũ, Cột nhà, Tượng thờ, Quần áo, Vật thờ cúng, Tượng nhà mồ… của người dân tộc để vớt vát lỗ lã. Bọn nào đàng hoàng thì còn trả tiền hoặc trao đổi bằng hiện vật, gặp bọn gian tà thì trộm cắp, lừa đảo….nhiều khi dẫn đến hiềm khích. Có khi xui xẻo trúng phải bùa ngải, thư ếm…. mang được báu vật về đến nhà thì lăn ra chết hoặc điên điên khùng khùng.


Bọn Lý Hòa ngồi đến hơn hai giờ sáng thì rút đi, nghe nói trưa mai là sẽ khởi hành xuyên rừng xuống Nam Cát Tiên, trong lúc đi sẽ tìm kiếm thêm Trầm hương, Kỳ nam hay sừng Tê. Xem ra có quá nhiều băng nhóm tham gia vào cái vụ tìm “mâm đồng” này….Cái mâm chưa thấy đâu mà đã thấy có mùi kim tiền, mùi máu tanh sặc sụa rồi. Nếu có tìm được mà giữ được nó mang về cũng không phải chuyện dễ. Tìm được nó rồi mà cái mạng không còn thì cũng như không.


Hôm ấy trăng sáng vằng vặc, từ trên con đường quốc lộ nhìn ra xa có thể thấy dãy Trường sơn mờ mờ. Đi trên cao cảm giác như có một biển mây chìm dưới chân bồng bềnh, bồng bềnh…..Trời đã gần sáng rồi, chim rừng đã bắt đầu thức dậy, hơi sương lạnh ngắt phủ từng lớp mờ mờ ảo ảo, gió cao nguyên đã bắt đầu thổi về từng đợt…

 

Hồi đó ở trên Đăknông có một cái vườn mít bỏ hoang cực lớn, trải dài cả vài chục cây số. Mít ở đây ngon cực kỳ, có nhiều trái mít ướt to đến mức bốn năm người khiêng mới nổi. Từ cầu Đăktít cho đến tận Giai Nghĩa quạnh hiu không một bóng người, những bản dân tộc thì ban ngày họ cũng đi vào rừng hết cả, họ phá rừng, đốt rừng làm rẫy, xa hàng cây số cũng nghe tiếng tre nứa nổ lách tách. Chờ cho bọn Lý Hòa đi trước khoảng vài ngày, ĐHC cùng với anh em Y-Ngây, Y-Ngung, NT cũng trực chỉ lên đường.

 

Bắt buộc phải đi xuyên rừng vì đây là con đường duy nhất mà các cánh khác chưa đi qua, may ra có khi tìm được những báu vật khác, biết đâu nó còn quý hơn cả cái “mâm đồng”. Khó có thể còn tồn tại cái mâm thứ hai, có được một cái cũng là một đại kỳ tích rồi…Trước khi đi, ĐHC có mua được một chai dầu xả tinh luyện của LLTNXP ở Đăknông, loại dầu này chỉ cần bôi lên người là các lọai côn trùng, rắn rít, bò cạp, kiến vàng, vắt tránh xa…mùi của nó có tác dụng làm tỉnh táo rất công hiệu. Anh em Y-Ngây, Y-Ngung thuộc đường rừng như lòng bàn tay….Có chỗ cần đi nhanh thì phải chạy hết tốc lực, có chỗ cần phải đi thật chậm để tránh hố sâu hay bẫy cài. Có lần tới một trảng cỏ, nhìn xa xa thấy cả một đàn bò rừng đen sì, lúc đó phải đổi hướng đi ngay….Có khi đi lẫn trong những trảng cỏ nắng như thiêu như đốt, nhìn ra xung quanh thấy lung linh mờ mờ ảo ảo, bất ngờ trảng cỏ phừng cháy làm cả bọn bốn người chạy như điên mới thoát khỏi.

 

Nguy hiểm nhất là những lúc từ trên dốc núi dựng cả 60 độ lao xuống, nếu không cẩn thận có thể té lăn xuống gãy chân tay như bỡn. Khi vượt qua thác, cả bọn bốn người phải lấy mấy cái cây dài, vừa để chống, vừa để nương vào nhau mới đi qua thác được. Y-Ngây lâu lâu lại trổ tài săn mồi, có hôm anh ta săn được một con mển to tổ chảng, trước khi xả thịt anh ta quì xuống cúng Yàng, sau đó mới dùng dao lột da con thú, lóc thịt ra phơi đầy hết cả một cái áo mưa. Riêng cái đầu thì Y-Ngây đặt lên một tảng đá để cúng “con Ma rừng”.

 

Nhiều khi đi qua những khu rừng lồ-ồ cao vời vợi, qua những khu rừng này cần phải cẩn thận với rắn và bò cạp. Bò cạp có con dài cả hơn gang tay, không để ý mà bị nó chích thì sốt nóng lạnh cả vài ba ngày. Nhưng bù lại là có rất nhiều măng non hay vô tình kiếm được cả một tổ ong ruồi. Mật ong rừng ăn một hồi là say ngà ngà như say rượu vậy, ăn vào rồi tự nhiên khỏe mạnh vô cùng, có thể nhịn ăn cả hai ba ngày được. Vừa đi vừa thăm dò, tìm kiếm, một hôm trong lúc vuợt qua một thác nước cao sừng sững, nhìn thấy một cái hang bị che khuất bởi những luồng nước, bèn chui vào xem thử. Cái hang này chắc chưa từng có người, bên trong thật là đẹp, nước chảy róc rách len theo các tảng đá. Cái hang sâu thăm thẳm, có những kẻ đá ánh sáng xuyên xuống, phản chiếu những tảng đá thạch anh trắng lung linh như kim cương. Tìm kiếm một hồi cũng không thấy có gì lạ…..


Sau hơn một tháng đi liên tục thì đã gần tới đích, bất ngờ một hôm phát hiện một cái đồi trọc giữa rừng già, phía trên thấy một tảng đá cực lớn, phía dưới cơ man nào là gạch đá đổ nát… ĐHC và NT mừng quá, quên cả mệt nhọc leo một mạch lên đến đỉnh đồi…Đây chắc là một cái đền thờ cổ, còn nguyên mấy cái bậc đá, riêng phiến đá trên cùng mỗi bề phải đến sáu mét, nặng phải đến cả chục tấn. Phía trên còn một phiến đá nhỏ hơn giống hình cái Joni ….. không thấy cái Linga đâu, chắc nó đã bị gãy rơi đâu đó. Nếu cái Joni này to như vậy thì ước chừng cái Linga cũng phải cao tới ba bốn mét chứ không ít. Cái đền thờ này vô cùng vĩ đại…Đúng như vậy thì phiến đá này trấn lên trên cái hố thờ. Cũng vì nó to và nặng như vậy nên qua hàng ngàn năm nay có thể hố thờ vẫn còn nguyên vẹn…..


Tối hôm đó, cả bọn nghỉ luôn ở trên đỉnh đồi. Trời đêm giữa rừng lạnh buốt, phải đốt lửa để sưởi, nhưng phải lấy áo mưa che khuất bớt để tránh tai mắt của những nhóm khác. Đêm nằm thao thức không ngủ được, có thể có nhiều nhóm đã phát hiện ra tảng đá này nhưng không biết có cái hố thờ bên trong hoặc do tảng đá quá nặng nên không dịch chuyển được. Nhiều khi trong đống gạch đá đổ nát cũng có thể còn che dấu những pho tượng nhỏ, những phù điêu..v.v….Sáng hôm sau, để hai anh em Y-Ngây và NT ở lại canh quả đồi, ĐHC tiếp tục đi….vài ngày nữa là tới huyện Cát Tiên rồi….Trên đường đi bắt đầu gặp khá nhiều người Kinh lẫn người Mạ. Ra tới con đường đất đỏ, ghé vào một cái quán tạm nghỉ uống nước, bất ngờ nhìn thấy nguyên một bộ Joni-Linga vứt lăn lóc trong xó nhà, bèn hỏi thì chủ quán nói đi làm rẫy ngoài rừng đào được rất nhiều.

Sau đó ĐHC về trú tại nhà anh H, trong đầu luôn suy nghĩ cách nào để có thể dịch chuyển tảng đá khổng lồ kia ra được. Được ít hôm anh H cùng với ĐHC đi thăm già làng người Châu-Mạ. Đó là một ông già quắc thước, rất đẹp lão. Ông ta nói tiếng Kinh rất sõi, ĐHC đến đúng lúc ông đang ngồi cùng với một mục sư của nhà thờ Tin Lành….người Mạ bây giờ theo đạo Tin Lành rất nhiều, họ không còn tin vào con ma rừng nữa. Già làng người Mạ không hề nghe nhắc đến chuyện cái “mâm đồng” bao giờ…nhưng ông ta nói có thể những thầy cúng người Xtiêng sống trong rừng già sâu thẳm có thể biết những chuyện này. Già làng giới thiệu một người tên K-krok có thể dẫn ĐHC đi được.
K-krork cao lớn, trên ngực đeo ba cái nanh heo rừng to tổ chảng, anh ta mắt đen, tóc quăn, môi dầy, da đen như lọ…..

 

Thầy cúng Điêu-krắk nhìn cứ như con khỉ, không biết phải gọi là con khỉ dạng người hay con người dạng khỉ…? Người Xtiêng nói chung khá cao to, nhưng ông ta lại nhỏ choắt như đứa trẻ 12 – 13 tuổi, trên người bận mỗi cái khố phô bày một làn da đen nhẻm, lông lá xồm xoàm. Hai tay dài lòng khòng vung vẩy, nhảy thoăn thoắt từ tảng đá này qua tảng đá khác làm ông ta giống con khỉ hơn cả. Ông ta lại “cà răng, căng tai”, Cổ đeo nguyên một chuỗi nanh heo rừng, tay chân đều đeo vòng, trên mặt và thân mình xăm vằn vện nom càng dễ sợ.


Để gặp được ông, K-krok phải dẫn ĐHC đi cả ngày trời, xuyên trong rừng già rậm rạp từ sáng sớm mà tới gần tối mới tới. Trên đường đi phải chèo xuồng qua vùng Bàu Sấu….Nơi này là một cái đầm lầy đầy cỏ lác, lau sậy rậm rạp, mênh mông và trù phú, trên thì đủ loại chim như vịt trời, cà kheo, hồng hòang, gà nước…….dưới thì đầy cá, rắn, rùa, kỳ đà, cá sấu…Có nguồn lương thực dồi dào như vậy nên lúc bấy giờ mấy bộ tộc người Châu Mạ, Xtiêng, Cơ Ho….. ở đây tranh giành lãnh địa đánh nhau loạn xạ. Người Kinh lúc bấy giờ trừ du kích ít ai dám bén mảng đến. Có K-krok dẫn đường nên khi gặp vài người dân tộc họ đều chào hỏi hoặc tránh xa vì anh ta là đệ tử của Điêu-krắk. Khi K-krok ngẫu hứng còn bắt một con nưa to đùng choàng qua người mà con vật không hề dám cắn. Anh ta kể từ nhiều năm nay chỉ ăn một thứ duy nhất là lá và rễ của một lọai cây ngải rừng nên trong người có mùi ngải độc, rắn, rít, côn trùng không bao giờ cắn. Thầy cúng Điêu-krắk cũng vậy, hàng chục năm nay ông ta cũng chỉ ăn có lá và rễ cây ngải rừng.


Điêu-krắk rất dị ứng với “cán bộ người Kinh” nhưng vì có lới giới thiệu của già làng người Châu-Mạ và K-krok dẫn đường nên ông tỏ ra khá thân thiện. Từ khi có người Kinh, ông ta đã từ bỏ “nhà dài” mà trốn về ở trong một hang đá sâu hun hút, bên ngoài là những tảng đá ong được chất thành những hình thù kỳ dị, phía bên trong khá nhiều vật dụng với những hình vẽ kỳ quái. Có khách nên ông ta mới đốt một cây đuốc nhỏ, trong ánh lửa chập chờn nom càng ma quái. Theo Điêu-krắk không một tộc người nào ở đây có giữ cái “mâm đồng” như mô tả….Chỉ có những bộ cồng chiêng gọi là H'num, R'tuik…từ bốn đến sáu cái. Nếu muốn biết thật rõ thì phải hỏi “Thần Rừng”. Muốn hỏi “Thần Rừng” thì ngày mai phải làm lễ cúng….
Hôm sau, Điêu-krắk dẫn ĐHC đi vào sâu trong hang hơn nữa, tới cuối hang lại thấy sáng rực, té ra là một cái thung lũng, có một dòng suối chảy róc rách, khung cảnh thật khác xa bên ngoài. Trên các vách đá có một loại cây lá màu tía rất lạ, thầy cúng Điêu-krắk gọi nó là cây ngải đá, nó sống ở trên vách đá cứng, hút tinh chất từ đá nên có linh khí của núi rừng, Điêu-krắk quanh năm suốt tháng ăn ngải chính là ăn cây ngải này. Ông nói “muốn được Thần rừng che chở, muốn tiếp xúc được với những người chủ thực sự của vùng đất thánh linh này thì phải ăn cây ngải đá để thanh lọc cơ thể….thể xác và linh hồn thật sạch sẽ thì mới có cơ may được gặp họ”.

 

Lễ cúng “Thần Rừng” của thầy cúng Điêu-krắk thật khác thường, không hề có một lễ vật gì cả, bởi vì “Thần Rừng” của Điêu-krắk không cần lễ lộc gì cả mà chỉ cần linh hồn …. ĐHC phải quì trên một tảng đá, lót một chiếc khăn thổ cẩm cũ xì, mà phải quì suốt ba ngày, đói thì ăn ngải đá, khát thì uống thứ nước cũng được ngâm từ cây ngải đá….thứ nước này nó đắng kinh khủng, nhưng uống vào thì người giống như bị mất cảm giác, không cảm thấy mệt mỏi, lúc nào cũng say say tỉnh tỉnh. Sau đó Điêu-krắk đọc những câu thần chú bằng tiếng gì đó giống tiếng khme rất lạ để khấn “Thần Rừng”.

 

Như thế cũng chưa đủ, sau ba ngày, Điêu-krắk lại dẫn ĐHC vào sâu hơn nữa trong thung, đến một cái cây cực kỳ to lớn mọc sát bên vách đá dựng đứng, ông ta và ĐHC quỳ xuống làm lễ, gọi đó là cây Ngải thần. Cây Ngải thần này đã hàng ngàn năm tuổi, rễ của nó to và dài hàng chục mét, bám sâu vào vách đá, có rễ vươn lên trời cao như những chiếc vòi rồng vậy. Theo Điêu-krắk, cây Ngải thần ghi nhớ hết mọi chuyện đã qua của núi rừng, muốn biết điều gì thì cứ ngồi bên gốc cây, khấn Thần Rừng, Thần Cây Ngải Thiêng về….Trước đó, Ông ta cắt một mẩu rễ của cây ngải thần bắt ĐHC phải nhai và nuốt vào bụng, chưa bao giờ phải nhai thứ gì mà đắng khủng khiếp như vậy…..Nuốt vào bụng rồi một lúc sau người như mê đi không còn biết gì nữa.


Trong cơn mê không biết bao lâu, ĐHC thấy mình nhẹ bỗng, bay lơ lửng trong đại ngàn, đến bên một thác nước cao sừng sững, dòng nước trắng xóa như sữa trút ào ào từ trên trời xuống…..phía dưới là dòng suối xanh trong vắt, hai bên là bãi cát trắng ngần, mịn màng, óng ánh đẹp tuyệt vời. Trong lúc đang mơ màng thì thấy một bầy tiên nữ hiện ra mờ mờ ảo ảo, họ mặc trang phục màu trắng phủ kín khắp người, nhưng gương mặt thì vô cùng xinh đẹp. Những tiên nữ mảnh mai, mờ ảo lướt đi nhẹ nhàng trên cát, bay phất phơ trên mặt nước……

 

Bỗng như có nước lạnh dội vào người, giật mình tỉnh lại thì thấy thầy cúng Điêu-krắk đang đứng trước mặt, ông ta hỏi ĐHC đang mơ thấy gì mà múa may lung tung vậy, vội kể cho ông nghe về những nàng tiên nữ, Điêu-krắk lắc lắc cái đầu nói “không phải tiên nữ đâu, chính là những con ma rừng đó. Ma rừng luôn luôn biến hình thành tiên nữ để dễ mê hoặc mọi người, người nào mà đi theo nó thì cũng sẽ bị biến thành ma rừng…” may mà ông ta kêu tỉnh dậy kịp lúc chứ không giờ này ĐHC đã thành con ma rồi.

Như vậy là vẫn chưa gặp được những linh hồn bất tử của vùng đất thánh linh này. Theo Điêu-krắk, ĐHC uống rượu, ăn thịt, sát sinh quá nhiều nên chỉ trong mấy ngày ăn ngải đá không đủ để thanh lọc được thể xác, nếu muốn thì cần phải ăn ngải và tĩnh tu thêm…vài mươi năm nữa may ra mới có thể được.
“Nhưng nếu K-krok chịu giúp thì có thể” Điêu-krắk nói “nhưng điều này sẽ gây nguy hiểm cho anh ta”. Phải chờ thêm mấy ngày nữa thì K-krok mới quay trở lại, một con người hùng mạnh như K-krok thì không bao giờ từ chối bất cứ điều gì khi có người cần đến.


Từ nhiều năm nay K-krok cũng không sát sinh và chỉ ăn duy nhất một món là cây ngải đá nên thân xác và linh hồn anh ta đã trở nên trong sạch…. Nếu ĐHC và K-krok hòa nhập với nhau thì có thể vẫn được thần linh chứng giám để đến được với những linh hồn bất tử, chủ nhân ngàn đời của vùng đất này. Lần này Điêu-krắk lại làm lễ cúng “Thần Rừng” một lần nữa, ĐHC và K-krok lại quì suốt ba ngày ba đêm, đến đêm thứ ba, Điêu-krắk mang đến một cái ché đựng một thứ nước đen sì, đặc sệt. Ông ta cho K-krok uống trước, anh ta uống vào vẫn ngồi im bình thường, đến ĐHC uống vào thì thấy trời đất quay cuồng, suýt té bật ngữa ra sau may Điêu-krắk đỡ được, mấy giây sau thì không còn biết gì nữa……


Trong cơn mê lại được K-krok dẫn đi, hai người cứ đi mãi trong rừng già, đến một thác nước cao vời vợi, phía dưới là dòng sông chảy xiết, nhìn qua bên kia thấy không còn là rừng già mà đã là một kinh thành nguy nga, tráng lệ - Kinh thành rộng lớn nhưng không một bóng người. Có vô số những cái “mâm đồng” bay lơ lủng, phía trên có khắc mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, núi, sông, ghềnh thác, kinh thành, chim, thú, con người……tất cả đời sống của vùng đất cổ xưa đều hiện lên rõ ràng, đều được khắc họa lên vô số những cái mâm…với đủ mọi hình dạng to nhỏ khác nhau.

 

Thì ra cái mâm mà những đại gia HK sở hữu chỉ là một trong số hàng trăm cái như vậy……. những câu thần chú không bao giờ có đủ trong bất cứ một cái mâm nào….Nó là cả một bài ca dài được khắc lên tất cả những cái mâm đó. Đến một cái mâm cuối cùng, cái “mâm Đồng” to nhất, một bên là hình ảnh của một đền thờ Bàlamôn vĩ đại với bức tượng thờ linh vật Linga và Joni khổng lồ…..Một bên là hình ảnh nữ thần Visnu với đôi mắt sáng ngời, nữ thần của một dân tộc đã bị diệt vong chỉ còn lại trong hư ảnh với một lời nguyền dành cho bất cứ một kẻ nào muốn xúc phạm đến vùng đất thánh linh này phải gánh chịu những hậu quả ghê gớm nhất….

Khi ĐHC trở về lại quả đồi trọc giữa rừng già thì chỉ thấy NT và Y-Ngây, NT kêu ĐHC lại, anh ta thì thầm “Y-Ngung đã bị con Ma rừng bắt mất hồn rồi, mấy ngày nay anh ta chỉ toàn ăn cóc nhái sống và không nói chuyện với ai nữa”. Như để minh chứng cho lời nói, Y-Ngung xuất hiện, anh ta chẳng buồn để mắt đến ĐHC, trên tay cầm một con cóc vàng ươm, đang giãy….. Y-Ngung đưa con cóc lên miệng nhai rau ráu.

Ngay đến cả Y-Ngây mà cũng phải trố mắt lên nhìn, anh ta nói chắc phải đưa Y-Ngung về để thầy cúng Y-Krăk trục con ma rừng. Nhưng chuyện đó không kịp xảy ra vì đến chập tối thì nghe tiếng la hoảng, ĐHC và NT chạy đến thì thấy Y-Ngây đang đỡ Y-Ngung trên tay, cạnh đó là xác một con rắn hổ mang chúa dài khoảng ba mét, to bằng bắp vế. Chắc Y-Ngung trong lúc mải mê theo bắt con nhái đã không thấy con rắn….anh ta bị con rắn cắn một phát rất hiểm vào ngay cổ, Y-Ngung dẫy dụa mấy cái rồi tắt thở, hai mắt anh ta mở trừng trừng nhưng môi còn như đang muốn nói cái gì đó…, phút cuối cùng chắc anh đã nhìn thấy linh hồn cô con gái bé nhỏ yêu thương trên cao xanh đang giơ tay vẫy gọi….


Y-Ngây không còn tinh thần nữa, anh lấy dây mây quấn chặt xác Y-Ngung lại, anh ta muốn mang xác Y-Ngung trở về. Chỉ còn trơ lại ĐHC và NT trên cái đồi trọc hoang vu giữa rừng già, khối đá khỗng lồ vẫn sừng sững không gì lay chuyển được. Trời bắt đầu chuyển sang âm u, gió thổi ào ào, báo hiệu một cơn mưa rừng sắp đến. Chuyến đi này thấy có vẻ không may rồi, đã có những lời nguyền, những cái chết, còn lại có hai người thì làm được gì? Trong bóng tối mù mịt lại như thoáng thấy có bóng người…..Bọn Lý Hòa đã đến.…

Những chuyến đi rừng dài ngày không ảnh hưởng gì nhiều đến Lý Hòa, da y đã đỏ lại càng thêm đỏ. Ngực nở nang, bắp thịt cuồn cuộn, gương mặt sắc nét như pho tượng đồng hun….. Lý Hòa thuộc típ được nhiều chị em ưa thích, hồi còn làm “bưởng” ở các bãi đào vàng lúc nào cũng có ba bốn em “xinh như mộng” vây xung quanh đại ca Lý Hòa. Vốn quen biết ĐHC đã lâu, nhưng khi gặp y chỉ buông một câu chẳng biết là chào hay hỏi “ Thế thằng Y-Ngung bị con ma rừng bắt rồi à…”. Lý Cắt thì lầm lỳ, nhìn lên nhìn xuống dò xét xem ĐHC và NT đã tìm được những gì, thấy không có gì thì chẳng thèm nói một tiếng.

 

Mãi một lúc sau mới thấy Tăng Xe và Út Lỳ đi ra, Út Lỳ khệ nệ vác một con Mang trên vai còn Tăng Xe cầm một cái bọc chắc là Trầm hương hay Kỳ nam gì đó. Y vốn là dân bảo kê, chém mướn chuyên nghiệp, từng đâm chết người…trên vai có vài ba cái lịnh truy nã nên mới phải theo anh em Lý Hòa sống chui lủi trong rừng đã mấy năm nay. Đi rừng mà Tăng xe cởi trần trùng trục, trên ngực y có xăm một con đại bàng xòe cánh, cặp mắt con đại nom vô cùng hung dữ, dưới móng vuốt của nó là một cô gái tóc tai rũ rượi với hàng chữ “Phụ Tình Là Nghĩa”. Còn Út Lỳ cũng trần trụi y như vậy, nhưng ngực trái lại xăm một con chim se sẻ đang ngậm cái lá tre dưới bóng trăng, phía dưới là hàng chữ “Bạn Phản Là Ơn” đậm nét.

 

Thì ra cặp “đại bàng se sẻ” nổi tiếng hung dữ mấy năm nay chính là cặp này. Tăng Xe thì không nói làm gì, nhưng Út Lỳ vốn con nhà đàng hoàng, nghe đâu bố mẹ nó rất giàu có, chắc là mải mê kiếm tiền quá nên bỏ mặc thằng con theo đám bạn bè xấu chơi bời lêu lổng, từ trộm cắp đi đến trộm cướp….bây giờ khét tiếng giang hồ. Bọn Lý Hòa có vẻ hờ hững với tảng đá trên núi, hiển nhiên bọn này chẳng hiểu gì về đền thờ của Bàlamôn giáo, âu cũng là một điều hay.
Trời bắt đầu mưa như trút, gió thổi bay luôn cái mái lều nên ĐHC và NT đành chịu trận luôn dưới cơn mưa lớn. NT lạnh run cầm cập, bỗng anh ta ngã lăn ra, chân tay co giựt chắc là lên cơn sốt rét. ĐHC vội nhét vào miệng NT một thanh gỗ và giữ anh ta thật chặt, một hồi thì anh ta hết lạnh lại chuyển qua nóng như hòn than…. Bọn Lý Hòa đã biến đi từ lúc nào, xung quanh không một bóng người. Sét đánh ầm ầm, xẹt xuống một cái cây lớm làm cái cây đổ nhào, rung chuyển cả núi rừng.

 

Mưa tới rạng sáng mới dứt, NT nằm bẹp luôn đi không nổi, ĐHC lấy nước cây ngải đá cho anh ta uống, một hồi thì tỉnh lại, anh ta móc trong người ra một tấm hình cũ mèm, phều phào nói “chuyến này chắc là tôi chết….đây là tấm hình duy nhất của đứa con…mai này nếu chú có cơ hội gặp được nó, xin chú hãy nói là tôi luôn nhớ đến nó, luôn yêu thương nó…chỉ vì hòan cảnh mà cha con phải xa cách…..”- Nói đến đó thì anh ta khóc nấc. ĐHC chặt cây rừng làm tạm một cái lán để NT nằm. Đổi với mấy tay thợ rừng đi ngang qua con rắn Hổ mang chúa và mấy ký thịt con mển được hơn chục ký gạo và cái nồi để nấu cháo ngải cho NT, ăn được ba bốn ngày thì anh ta khỏe lại, bắt đầu đứng lên đi được. Bản năng sinh tồn của con người quả là rất mạnh, qua được cơn sốt rét rừng là NT lại tỏ ra sung sức, hưng phấn như cũ, chắc cũng một phần nhờ món ngải đá, đúng là thần dược của thầy cúng Điêu-krắk.


Trong mấy ngày ngồi nấu cháo, ĐHC cứ nhìn cái cây bị sét đánh đổ, bất giác nghĩ ra một cách, mừng quá, liền nói NT cố gắng ở lại trông chừng cái đền thờ đổ nát, tức tốc ra huyện lỵ Cát Tiên một lần nữa, lần này đụng phải bọn “Tàu xì” như trên đã kể. Không phải chỉ một mình cô chủ hàng cần tìm “anh Bảy”, rất nhiều người nữa cũng đang cần tìm y,… mấy ngày nay ĐHC cũng đang tìm y….“anh Bảy” là ai mà ghê gớm thế…?

 

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2