Lượt thăm:240914740   Đang Online: 710

Số lượt xem: 2448
Gửi lúc 13:27' 03/06/2011
Hàng xóm xấu tính và nghi án "đổi tiền lấy điểm"

Chuyện Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để phá hoại cáp thăm dò tàu Bình Minh 02, chuyện một giảng viên ĐH bị tố “ăn tiền” sinh viên và nỗi sợ hãi thực phẩm chứa độc chất…là những lát cắt tuần qua.

Chuyện anh hàng xóm to xác xấu tính

Câu chuyện ba tàu hải giám Trung Quốc "ngang nhiên" cắt cáp thăm dò của tàu địa chấn Bình Minh 02 vào lúc 5h58' sáng 26/5, khi tàu của chúng ta đang khảo sát địa chấn tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 ở thềm lục địa miền Trung của Việt Nam chắc chắn là sự kiện nóng nhất của tuần qua.

Nóng bởi việc cắt cáp diễn ra trong vùng biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú yên) khoảng 120 hải lý, nghĩa là còn tới 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý của thềm lục địa Việt Nam. Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển Quốc tế 1982 (UNCLOS), Trung Quốc chỉ có quyền qua lại trên vùng biển này, nhưng không có quyền khai thác tài nguyên và không có quyền can thiệp vào việc khai thác tài nguyên của Việt Nam.

Trung Quốc cũng đã nhiều lần có những hành động "gây hấn" với Việt Nam, như những lần bắt giữ các tàu cá Việt Nam hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, những vùng biển đang có tranh chấp. Nhưng đây là lần đầu tiên, Trung Quốc chuyển từ các vùng nước xa bờ đến hành động khiêu khích trong chính vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Tàu hải giám 84 của Trung Quốc.

Hành vi sai trái của Trung Quốc, chỉ có thể dùng từ mà ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc PVN đã mô tả là "ngang ngược"!

Bộ Ngoại giao Việt Nam lập tức đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Những mong "sự cố" sẽ được phía Trung Quốc đón nhận và xử lý theo đúng tinh thần hợp tác quốc tế. Vậy mà dư luận lại được một phen ngã ngửa khi bà Khương Du, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này ngang nhiên tuyên bố: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc".

Thậm chí, ngày hôm sau, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, bà này lại lớn giọng "Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam chấm dứt ngay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của chúng tôi và tránh tạo ra những sự cố mới".

Bình luận về tuyên bố của bà Khương Du, các học giả chỉ còn nước lắc đầu: ngang ngược, ngụy biện đến thế là cùng!

Không phải vô cớ mà nhà báo David Piling của tờ Financial Times khi bình về sự kiện này đã gọi Trung Quốc là "anh chàng to xác xấu tính"!

Bà Khương Du, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc".

Là một nước lớn, lẽ ra phải làm gương trong việc tuân thủ các quy ước quốc tế, từ Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) đến Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002, nhưng Trung Quốc dường như đang cố tình có những hành động đi ngược lại chính những quy ước quốc tế, và "cậy lớn bắt nạt bé" khi nhất định đổ lỗi cho Việt Nam. Sang nhà hàng xóm, phá vườn nhà hàng xóm, khẳng định đó là vườn nhà mình, đổ lỗi cho hàng xóm "xâm phạm chủ quyền", "tạo sự cố". Đặt câu chuyện ở tầm 2 nhà cạnh nhau đã thấy không thể chấp nhận, nữa là ở tầm 2 quốc gia.

Chẳng thế mà thuyền trưởng Alexander Belov (người Nga) của tàu Bình Minh 02 đã phải thốt lên "Tôi chứng kiến điều không tin nổi". Theo ông Belov, người từng làm việc trên vùng biển của nhiều quốc gia trên thế giới như Na Uy, Iceland, Greenland, Mỹ, Anh, Sudan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga, thông thường "những tàu hải giám như tàu Trung Quốc vừa qua phải tìm cách liên lạc với chúng tôi thay vì phá hoại các thiết bị của tàu".

Dư luận quốc tế thì chẳng còn lạ gì cách hành xử tiền hậu bất nhất, nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc.

Bởi chỉ cách đó mấy ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc còn vừa trấn an các nước châu Á rằng nước này không đe dọa ai, rằng cường quốc đang lên này sẽ kiên trì chiến lược phát triển hòa bình, rằng chính sách an ninh của họ là quả quyết không đối đầu.

Nhưng ngay lúc ông Lương Quang Liệt còn đang ở Manila bắt tay hữu hảo với các nhà lãnh đạo Philippines thì Trung Quốc lại lén cho tàu chiến xâm nhập vùng biển của Philippines.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lập tức đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Hay cái kiểu "lập lờ đánh lận con đen", cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp" cũng không còn gì lạ lẫm. Bởi nói như luật gia Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, dù có che đậy dưới những mỹ từ "hợp tác", "hòa bình", "gác tranh chấp, cùng khai thác" thì Trung Quốc cũng không thể giấu diếm tham vọng độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành "ao nhà" của họ. Nhiều học giả trong nước và quốc tế từng ví von cái đường chữ U mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền giống như cái "lưỡi bò" tham lam đang chực chờ thè lè ra nuốt trọn ¾ diện tích vùng biển trung tâm của các giao thương hàng hải quốc tế này.

Trong khi từ chối đưa ra những giải thích rõ ràng hoặc trưng ra những bằng chứng thuyết phục về mặt pháp lý, lịch sử, lô gic của đường lưỡi bò, vốn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích dữ dội, Trung Quốc lại âm thầm tiến hành những hoạt động lấn chiếm, khẳng định chủ quyền để tạo "sự đã rồi"

Không phải ngẫu nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng hành động của Trung Quốc là có chủ ý, có tính toán, mang tính tạo cớ của chính phủ Trung Quốc, nằm trong chuỗi hoạt động thời gian qua nhằm mục đích hiện thức hóa đường "lưỡi bò". Như bài viết của nhóm tác giả Quỹ Nghiên cứu biển Đông nhận định "Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và của ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm và sự việc ngày 26/5 sẽ có thể được tô vẽ thành một sự kiện bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc như sự kiện Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1909 và sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974".

Chúng ta không phải là nước đầu tiên Trung Quốc áp dụng phép thử liều lĩnh này. Họ đã từng làm như vậy với Philippines và Malaysia. Lúc đó, hai nước này đã cho máy bay ra đuổi tàu Trung Quốc. Về ngoại giao, họ cũng phản ứng quyết liệt trước hành động được xem là đòn "nắn gân" của Trung Quốc.

Với Việt Nam lần này, nếu theo dõi phát ngôn từ Bộ Ngoại giao và một loạt bài viết trên nhiều tờ báo của Việt Nam, có thể thấy những phản ứng đã ở cấp độ mạnh mẽ hơn nhiều lần so với trước. Có vẻ như Việt Nam hiểu được rằng: Ta vững thì họ lùi. Ta lùi thì họ tiến thôi. Mềm nắn, rắn buông, Trung Quốc luôn như vậy. Đó là quy luật của quan hệ rồi". (thiếu tướng Lê Văn Cương).

Nghĩa là ta phải tiến, phải dựa vào chính mình, và phải là việc của toàn dân, chứ không thể chỉ là việc của chính phủ, của... Bộ Ngoại giao.

Và như Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhấn mạnh trên Bee: "Phải tin tưởng ở người dân mà kiên trì đấu tranh công khai. Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân. Nước nào dù có ý đồ không tốt đi nữa cũng phải tôn trọng lẽ phải. Không giấu được. Giấu thì người ta lại tưởng mình sợ. Không sợ thì sẽ  hiểu và hóa giải được mọi vấn đề. Nếu SỢ thì mất. Mất chỗ mà người ta muốn chiếm. Không SỢ thì mình có cách đấu tranh để vừa giữ được chủ quyền, vừa giữ được hòa khí"

Thầy bảo thầy không "ăn tiền", sinh viên bảo "đi thầy" là luật?

So với chuyện Trung Quốc có hành động xâm lấn chủ quyền Việt Nam, thì những lùm xùm quanh PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Trưởng bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật, trường ĐHQG Hà Nội bị tố nhận tiền của sinh viên trước mỗi kỳ thi dường như trở nên... nhỏ bé. Bởi một sự thật "không nói ra nhưng ai cũng biết" là chuyện đi thầy đang diễn ra nhan nhản ở các giảng đường đại học. Đi thầy khi làm luận văn thì nhiều hơn, nhưng đi thầy trước mỗi môn thi cũng không ít, nhất là tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Cứ ngồi trò chuyện với một nhóm sinh viên từ các trường khác nhau, thế nào cũng nghe các bạn chia sẻ, so sánh xem thầy cô trường nào "nhận tiền nhiều hơn", hay ai thì bắt buộc phải đưa mới thi đậu, còn ai thì chỉ những người không học khá mới phải đi.

Thế nhưng, câu chuyện ở Khoa Luật ĐHQG Hà Nội lại rẽ sang một hướng hoàn toàn khác, khi PGS Diến khẳng định chắc nịch ông chưa hề nhận tiền "đi thầy" của sinh viên nào, và câu chuyện được dựng lên gần 1 năm nay "là do tư thù cá nhân với tôi và cũng vì mong muốn phá hoại sự ổn định của khoa Luật, chứ không phải là chuyện của mấy cô cậu sinh viên".

Đọc đến đây chợt thấy băn khoăn quá. Nếu thầy Diến đã nhận tiền mà dám nói hùng hồn đến thế thì... thật đáng khâm phục. Bởi dám khẳng định chưa hề nhận tiền đi thầy, trong khi hàng nghìn sinh viên đã và đang học thầy ở khắp đất nước, chỉ một người trong số họ đứng ra tuyên bố đã từng biếu tiền và thầy nhận thì lời khẳng định sẽ hoàn toàn sụp đổ ngay. Còn nếu quả thật thầy chưa hề nhận tiền thì thật oan ức quá, vì hết học sinh tố cáo lại đến tổ thanh tra xác minh khẳng định việc nhận tiền là có thật, chỉ không được biết rõ từ những bằng chứng nào? Bởi đã là khoa Luật thì làm việc phải đúng luật lắm chứ? Sao bản kết luận sơ bộ thì khẳng định có nhận tiền ngon lành, mà đến kết luận chính thức của khoa lại bảo chưa đủ bằng chứng để khẳng định?

PGS.TS Nguyễn Bá Diến.

Rồi đến TS Ngô Huy Cương, tổ trưởng tổ thanh tra xác minh những sai phạm của PGS.TS Nguyễn Bá Diến, lại tố cáo việc sau khi tổ của ông ra kết luận sơ bộ gửi lên Ban chủ nhiệm khoa, ông Diến đã cho người tới uy hiếp ông. Đáp lại lời cáo buộc này, PGS Diến cho rằng "Ông Cương về khoa mới được 5 - 6 năm nhưng tố cáo tới 7- 8 người, nhà báo muốn hiểu về con người ông ta như thế nào thì xin mời tới Văn phòng Quốc hội, Cục Hàng không, cơ quan cũ của ông ta mà hỏi. Nếu tôi đe dọa ông ấy thì đã là phạm tội hình sự rồi, ông ấy đến cơ quan công an mà tố cáo chứ tố cáo với báo chí làm gì?".

Xem ra, câu chuyện đã trở thành các thầy tố nhau trên mặt báo, và ai cũng phát ngôn rất hùng hồn, cũng khẳng định mình hoàn toàn trong sạch, còn cái sai hoàn toàn thuộc về người khác. Ngay phản hồi của độc giả tự nhận mình là sinh viên của khoa Luật cũng mỗi người mỗi phách, người khen thì khen thầy dạy rất công bằng, là nhà giáo giỏi và tâm huyết với nghề..., kẻ chê thì khẳng định chuyện thầy nhận tiền là có thật và đã trở thành huyền thoại...

Câu chuyện hiện đang dừng lại ở việc kết luận của khoa đã được gửi lên Giám đốc ĐHQG Hà Nội, chưa biết sẽ đi tiếp về đâu? Kết luận khẳng định PGS Diến có khá nhiều sai phạm, tuy chưa khẳng định được chuyện đổi tiền lấy điểm, còn PGS Diến một mực khẳng định "kết luận thanh tra mang tính trù dập".

Không biết rồi đây ĐHQG sẽ quyết định thế nào về câu chuyện này? PGS Diến có tiếp tục kiện để khẳng định mình vô tội không? Trong chuyện đúng sai thì đa số chưa chắc thắng thiểu số. Nội bộ khoa Luật đã lục đục thì rất cần ĐHQG Hà Nội vào cuộc mạnh mẽ để phân định rõ ràng. Còn bao nhiêu giảng viên và sinh viên của khoa Luật, không lẽ không thể minh định việc PGS Diến thật sự nhận tiền, hay bị vu oan?

Quan trọng hơn, xin đừng "giả vờ" việc giảng viên nhận tiền sinh viên là hi hữu, là chuyện chỉ để nói ở bàn trà nước nữa. Đừng để tới đây người ta lại dùng cụm từ "kính thưa các đồng chí chưa bị lộ" để nói về rất nhiều những giảng viên thản nhiên nhận tiền của sinh viên. Không thể chữa khỏi bệnh, nếu không thừa nhận đang bị bệnh. Mà càng để lâu thì bệnh càng nặng thôi.

Độc tố trong thực phẩm? Yên tâm đi!

Chuyện chất độc DEHP trong thực phẩm xứ Đài Loan nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam cũng là câu chuyện đáng quan tâm của tuần này.

Nhân viên FDA Đài Loan kiểm tra sản phẩm bị nghi ngờ nhiễm chất DEHP

Riêng trong phản ứng của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, đã thấy những biến chuyển nhanh đến không ngờ.

Mới ngày 28/5, Cục còn khẳng định đã tiến hành rà soát và xác định không có sản phẩm trong danh mục được cảnh báo của công ty từ Đài Loan nhập khẩu vào Việt Nam. Một khẳng định chắc nịch khiến nhiều người băn khoăn, thông báo của Cơ quan Y tế Đài Loan mới phát đi từ ngày 26/5, kể cả Cục ATVSTP có nắm được thông tin này từ 3 ngày trước đó thông qua mạng cảnh báo của Cục nối với các nguồn thông tin từ các nước trên thế giới và khu vực, thì chưa đầy 1 tuần làm sao đủ để Cục có thể rà soát tất cả các sản phẩm? Chưa kể, ngoài những sản phẩm nhập khẩu chính ngạch, còn biết bao nhiêu sản phẩm nhập khẩu theo nhiều kênh khác nhau?

Không biết có phải chưa yên tâm với kết luận của chính mình không? mà ngày 31/5, Bộ Y tế đã quyết định thành lập các đoàn thanh tra tại các tỉnh thành trong cả nước để truy tìm thực phẩm có xuất xứ từ Đài Loan nghi ngờ chứa hóa chất DEHP độc hại.

Để rồi 1 ngày sau, ngày 1/6, đoàn thanh tra đã tìm được một sản phẩm có chứa chất độc, đó là thạch rau câu hương vị khoai môn nhãn hiệu TARO của công ty New Choice Foods có chứa DEHP. Theo thông tin báo chí thì đây là kết quả việc kiểm tra đột xuất tại công ty New Choice Foods. Công ty cũng báo cáo đến trưa 1/6 đã thu hồi 3582 thùng thạch hương vị khoai môn, còn 3688 thùng trên thị trường, với lời hứa sẽ thu hồi toàn bộ đến hết ngày 6/6.

Đó là chuyện ở Việt Nam, vừa khẳng định không có sản phẩm nào trong danh mục được cảnh báo thì phát hiện 1 dòng sản phẩm. Phát hiện xong thì ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng quản lý ngộ độc, Cục ATVSTP đã vội khuyến cáo người tiêu dùng nên bình tĩnh, không nên hoang mang, lo lắng.

Trong khi Đài Loan chính thức ra lệnh cho 17.000 siêu thị, nhà bán lẻ tạm thời ngừng kinh doanh tất cả sản phẩm có nghi ngờ đã nhiễm chất DEHP, 6 loại sản phẩm gồm nước uống thể thao, nước trái cây, trà, mứt trái cây, trái cây đóng hộp, bột thực phẩm, các viên thực phẩm hoặc viên bổ sung thực phẩm phải được đem đi kiểm định và phải có giấy chứng nhận an toàn với DEHP mới được bán trên thị trường. Những con số rất ấn tượng, như 130 sản phẩm của 95 nhà máy bị nghi nhiễm chất DEHP đang bị điều tra và sẽ bị thu hồi nếu cơ quan chức năng phát hiện có chứa chất độc, 40 tấn mứt trái cây và 1 triệu chai nước uống các loại đã bị thu hồi.

Tại Manila, thủ đô của Phillipines, cơ quan giám sát EcoWaste Coalition đã chụp hình 30 loại nước uống độc hại của Đài Loan và đăng hình lên trang blog của họ, hy vọng người dân có thể tránh được phần nào, trong khi sản phẩm chưa kịp thu hồi.

Không cần so với những hành động quyết liệt của nước "chủ nhà" Đài Loan, chỉ cần so với cách ứng xử của Manila, cũng thấy dường như Việt Nam rất chủ quan với các chất độc hại. Nói đúng hơn là người tiêu dùng có thể hoang mang, nhưng lại không đủ thông tin để quyết định, đến mức nhiều khi thành sợ bóng sợ gió. Còn cách hành xử của đại diện chính quyền là Bộ Y tế lại mang nhiều động thái trấn an hơn là cung cấp thông tin thiết thực cho người dân.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2