Lượt thăm:240677560   Đang Online: 820

Số lượt xem: 1977
Gửi lúc 08:05' 27/05/2011
Chứng khoán hỗn loạn, nhà đầu tư vẫn ham hố
Cứ nhìn vào cách nhóm tạo lập thị trường đánh lên từ đáy vực vào ngày 26/5, sau ba phiên đánh xuống thảm thiết, mới thấy vẫn có không ít nhà đầu tư ham hố ra sao khi lao vào mua đuổi giá, bất chấp bài học bẫy giá tăng lặp đi lặp lại.

Giai đoạn mới - sứ mệnh mới

Các fan trung thành với thị trường chứng khoán (TTCK) đã có lý do chính đáng để hài lòng và hy vọng: cơn đại hồng thủy nhấn chìm cả hai sàn xảy ra trong những ngày qua đã tạm thời kết thúc trò chơi của nhóm tạo lập thị trường (MM) bằng những cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, MSN, VIC.

Rũ bỏ trạng thái buồn ngủ đã kéo dài quá lâu, chỉ số thị trường lao dốc đầy dứt khoát, cho thấy nhóm MM đang chuyển hóa thị trường sang một giai đoạn khác - mới mẻ hơn và nhiều cơ hội lướt sóng hơn.

Nếu trong ngắn hạn, chỉ số hai sàn được đánh lên khá mạnh (10-15%) bằng chi phí vốn thực chất chứ không phải thông qua trò "làm xiếc" những cổ phiếu vốn hóa lớn thì có khả năng cùng với việc thị trường được chuyển sang giai đoạn mới, tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" sẽ không tái diễn.

Điều đó cũng có nghĩa là những lời kêu gọi khẩn thiết từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ hướng tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhằm điều chỉnh ngay lập tức cách tính chỉ số VNI, cũng như phác thảo của một quan chức trong UBCKNN về bộ chỉ số mới của thị trường, sẽ có thể chẳng còn cần thiết nữa. Đơn giản vì các kịch sĩ BVH, MSN, VIC và cả những diễn viên có vốn hóa lớn khác đã hoàn thành sứ mệnh của chúng và được cho rút lui vào sau cánh gà sân khấu.

Nhưng sự kết thúc sứ mệnh này cũng mở ra một sứ mệnh khác. Trò chơi hài hước và quá khắc nghiệt trên đã dẫn đến thảm cảnh của vô số nhà đầu tư nhỏ lẻ, hầu hết các công ty chứng khoán và của cả các quỹ đầu tư nước ngoài. Không phải ai cũng có phần trong việc gây xáo trộn thị trường, nhưng cuối cùng tất cả đều là nạn nhân với sự đồng cảm sâu sắc. Một phần lớn trong số tất cả đó đang bắt đầu lên tiếng đòi hỏi hành động cứu vớt thị trường trước khi quá muộn.

Trận bão từ đỏ lửa trong những ngày qua đã làm bật dậy những ai còn mơ ngủ về sự phục hồi của thị trường. Đã không có sự hồi phục nào hết, thay vào đó là cú tước đoạt tài sản đến phân nửa của những ai chỉ còn phân nửa ngay trước khi trận bão nổi cơn thịnh nộ. Mặt bằng giá cổ phiếu cũng vì thế mà chỉ còn 15-20% so với thời điểm một năm trước. Đã quá muộn để cắt lỗ, ngoài 11.000 tỷ đồng hoặc hơn thế nhiều cần phải giải chấp ngay tức khắc.

TTCK có cần được cứu vớt?

Vậy ai sẽ cứu vớt thị trường và phải cứu như thế nào đây? Dĩ nhiên chủ thể chính của sự cứu chuộc đó phải là UBCKNN. Thế nhưng đã 19 tháng qua, kể từ ngày TTCK sảy chân vào vòng xoáy điều chỉnh, nhà quản lý này có ý kiến gì đâu. Cũng như vừa tròn một năm qua từ khi TTCK Việt Nam trở thành hiện tượng lạ lùng bậc nhất trong các TTCK quốc tế, cơ quan này càng âm thầm lặng lẽ.

Chỉ mới đây khi xảy ra vụ việc ở Công ty Chứng khoán Hà Thành, người ta mới nghe đến việc UBCKNN sẽ có biện pháp kiểm tra các công ty chứng khoán - chuyện đáng lẽ đã phải được làm từ lâu chứ không phải khi đã phát sinh hậu quả quá trầm trọng.

Còn SCIC thì sao? Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đã từng được nhà đầu tư nhỏ lẻ dài cổ ngóng chờ, nay kết quả của chính sách mua lại cổ phiếu của SCIC đã không hề được công bố cho toàn thể thị trường. Còn tác động của tổ chức này đến thị trường thì mọi người đều đã nhìn rõ: bất kể có SCIC hay không, chỉ số vẫn đỏ rực cho đến tận cuối tháng 2/2009.

Thế nên, nếu đặt ra vấn đề SCIC, hay một tổ chức nào đó của Nhà nước, sẽ can thiệp vào thị trường trong tình hình hiện nay bằng biện pháp tung vốn mua lại cổ phiếu (theo kiểu FED của Mỹ) thì e rằng thị trường sẽ lại rước phải một nỗi thất vọng khác.

Hoặc tổ chức này sẽ chỉ mua vào cho có, hoặc thông qua tình trạng mù mờ của những con số, sẽ chẳng ai biết được sự nâng đỡ thị trường có được thực hiện chút nào không.

Mà khả năng bị bỏ rơi ngày càng trở nên thực tế. Ai đó có thể lấy lý do thị trường này đã quá ảo nên cần phải cho nó trở về mặt bằng giá trị thực. Đó cũng là quá trình cần phải thanh lọc những cổ phiếu xấu để chỉ còn giữ lại những cổ phiếu tốt. Và đằng sau mục tiêu chính danh ấy, cũng có thể là động cơ thôn tính doanh nghiệp trên sàn với giá rẻ mạt đang được tiến hành ngấm ngầm và hết sức hiệu quả.

Bởi thế, cứu TTCK cần được bắt đầu bằng công việc cứu những doanh nghiệp nào đó đang có nguy cơ bị thay tên đổi họ chỉ trong mấy tháng tới, chứ không phải bằng những lời hứa hẹn về chuyện miễm giảm thuế hay siết biên độ như hồi 2008.

Tương tự, câu chuyện về chính sách điều chỉnh T+ hay những biện pháp nhằm tăng thanh khoản thị trường, kể cả chuyện kéo dài thời gian giao dịch... đã không còn khiến nhà đầu tư quá bận tâm trong bối cảnh tài sản của họ đang chịu thảm họa như hiện nay.

Điều mà họ, nhất là số nhà đầu tư mang quan niệm đầu tư dài hạn và được gọi là nhà đầu tư chân chính trong tình cảnh bát nháo này, quan tâm trên hết chính là UBCKNN ngay lập tức cần đưa ra được lời giải trình về việc tại sao TTCK Việt Nam một năm qua đi ngược hoàn toàn xu thế của chứng khoán thế giới, mất đi ý nghĩa về một kênh huy động vốn nhàn rỗi. Ai đó đang cố sức đánh TTCK xuống để trục lợi trên cái hậu quả của chính TTCK?

Hậu quả ấy - lại thêm một việc cần làm ngay để tránh cho thị trường rơi vào một cơn khủng hoảng sâu sắc. Bầu tín dụng của các công ty chứng khoán trong mối quan hệ nửa chìm nửa nổi với các ngân hàng, đã bị giam hãm trong vùng tối suốt một thời gian dài.

Song đến khi vụ việc công ty chứng khoán Hà Thành vỡ lở, các nhà đầu tư mới có cơ hội nhìn thấy một nguy cơ khác, một nguy cơ không nhỏ chút nào, có thể đe dọa đến sự tồn tại của TTCK trong thời gian tới.

Đã xuất hiện những bài viết trên mặt báo chí, trong đó có bài rất hay, phân tích cặn kẽ về con số giải chấp và khả năng bùng vỡ nợ nần của khối công ty chứng khoán, kéo theo hậu quả dây chuyền tại một số ngân hàng thương mại nhỏ. Nếu chúng ta chấp nhận đó là một sự thật, thì cũng có thể sẽ phải chấp nhận một sự thật tiếp theo là vào quý IV năm nay, hàng loạt công ty chứng khoán sẽ rơi vào tư thế phá sản và những vụ Hà Thành tiếp nối là hoàn toàn có thể xảy ra.

Sự bong vỡ niềm tin của nhà đầu tư đối với TTCK giờ đây dường như đang lấn át lòng tham của họ vào chính cái kênh được coi là sinh lợi tiềm tàng này. Họ đã không nhận ra một dấu hiệu nào, dù là nhỏ nhất, của những người có trách nhiệm, nhằm giảm bớt thiệt hại cho họ. Còn đến khi cơ quan có trách nhiệm bắt đầu lên tiếng thì tình thế lại đã quá muộn màng - những nhà đầu tư dài hạn đã phải nghĩ đến chuyện quên đi số tài sản còm cõi của họ trong ít ra là 10-15 năm tới.

Song nhóm MM thì lại khác hẳn - luôn phát ngôn vào những thời điểm cần thiết. Lòng nhân từ của họ thể hiện ở chỗ chẳng bao giờ để cho nhà đầu tư tuyệt vọng. Trong thất vọng luôn có hy vọng - đặc tính bất di bất dịch của TTCK.

Cứ nhìn vào cái cách họ đánh lên từ đáy vực vào ngày 26/5/2011, sau ba phiên đánh xuống thảm thiết, mới thấy vẫn có không ít nhà đầu tư ham hố ra sao khi lao vào mua đuổi giá, bất chấp bài học bẫy giá tăng lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong lịch sử; càng thấy các MM đã nhân tiện cơ hội đó mà xả hàng được nhiều đến thế nào. Và sau mọi cảnh bi hài trên sân khấu, mới càng thấy TTCK không bao giờ tuyệt vọng này sẽ chẳng có nhu cầu được cứu vớt gì nữa.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2