Lượt thăm:241643670   Đang Online: 1120

Số lượt xem: 3154
Gửi lúc 14:42' 16/09/2011
Thế giới ma quỷ ở “trung tâm tìm mộ”

Kỳ 1 : Quái gở chuyện “ma đàn ông” đội lốt cơ thể… đàn bà!

Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta lại có nhiều trung tâm tìm mộ như bây giờ. Các trung tâm tìm mộ liệt sĩ mọc lên như nấm sau mưa, với đủ các kiểu cách tìm mộ. Bát nháo nhất là các trung tâm áp vong, nhập hồn.

Gần như tỉnh nào ở nước ta cũng có một vài trung tâm tìm mộ theo kiểu áp vong. Chẳng hiểu sao đất nước lại sinh ra nhiều người có “khả năng đặc biệt” như thế, có thể sai khiến vong hồn nhập vào người trần thế để trò chuyện?

Trong nền văn hóa Việt có chuyện lên đồng, nghĩa là “thánh thần” nhập vào người hầu đồng. Những người này được coi là “người trời”, được nhiều người mê tín kính trọng. Sau đó là hiện tượng cô đồng xuất hiện khắp nơi. Các cô đồng có khả năng “gọi” linh hồn người đã chết về trò chuyện, hoặc mời linh hồn nhập vào thân thể cô đồng để người nhà trò chuyện, tâm sự, thể hiện lòng thành kính với người đã chết. Tiếp đó là sự xuất hiện của hàng loạt các nhà ngoại cảm có khả năng tìm mộ.

 

Hàng ngàn người ngồi áp vong ở nhà "anh Hồng". 

Nhưng những câu chuyện về gọi hồn, tìm mộ, đồng cô chưa “ép phê” lắm, vì nó để lại nhiều mối hoài nghi. Chừng 4 năm nay, ở nước ta rộ lên chuyện “áp vong” để giao lưu âm dương, tìm mộ. Linh hồn người chết nhập vào người nhà mình, rồi tự nói chuyện với người sống, thì nghi hoặc làm sao được nữa.

Có lẽ, do người dân quá tin vào chuyện ma quỷ, có cầu ắt có cung, tức thì các trung tâm giao lưu âm dương mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ trong khoảng 3-4 năm nay, cả nước đã có tới cả trăm trung tâm tìm mộ kiểu áp vong. Nhưng sự thật về chuyện áp vong là gì? Liệu có chuyện vong hồn người đã chết nhập vào người đang sống để trò chuyện hay không? Đây là một câu hỏi vô cùng khó trả lời. Đó là một lĩnh vực khoa học mờ, mà những thứ mờ thì chưa chắc đã sai và chưa khẳng định được là đúng.

Chờ đợi "vong" nhập. 

Trong số hàng trăm trung tâm tìm mộ kiểu áp vong mọc lên như nấm sau mưa ở khắp cả nước, đáng chú ý nhất có lẽ là trung tâm tìm mộ của “anh Hồng” ở xã Châu Sơn (Duy Tiên, Hà Nam). Xâm nhập vào trung tâm tìm mộ này tìm hiểu mới thấy được những chuyện quái gở, mê muội đến mức không tưởng tượng được.

Nghiên cứu nhiều về hiện tượng đặc biệt, quen nhiều nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mờ này, nên khi “anh Hồng” phát tác khả năng đặc biệt, tôi liền được các nhà khoa học mời đi xem xét, nghiên cứu cùng.

Chờ đợi sự xuất hiện của "anh Hồng". 

Hai năm trước, tiến sĩ V. gọi tôi: “Có nhân vật ở Hà Nam hay lắm. Anh ta có khả năng siêu phàm hơn tất cả các nhà ngoại cảm ở Việt Nam. Người dân đến khu vực nhà anh ta không cần anh ta phải ra tay, mà tự nhiên vong hồn sẽ nhập vào người để trò chuyện”. Chuyện này có lẽ còn lạ lùng hơn chuyện “Khu vườn Long An” từ gần chục năm trước, do đó, tôi không bỏ lỡ cơ hội đi theo nhà khoa học chuyên săn tìm những người có khả năng đặc biệt này.

Mọi người gọi “nhà ngoại cảm” này là “anh Hồng”, nhưng thực ra lại là một phụ nữ. Chuyện này làm các nhà khoa học và cả tôi nữa đều ngã ngửa ngạc nhiên. “Anh Hồng” đã kể chuyện về cuộc đời mình để lý giải vì sao rõ ràng là “chị”, mà cứ tự nhận mình là “anh” như thế.

Nữ sinh cũng bị kéo vào trò dị đoan. 

“Anh Hồng” có tên khai sinh là Trần Thị Thành, sinh năm 1972, quê ở xã Châu Sơn (Duy Tiên, Hà Nam). Thành lớn lên, lấy chồng, sinh con cùng xã rồi cũng lam lũ như bất kỳ người nông dân nào ở vùng chiêm trũng này. Ngoài việc đồng áng, Thành còn phải đi gánh gạch thuê cho mấy lò nung gạch để có tiền nuôi con.

Cuộc sống lam lũ trôi đi, bỗng một ngày Thành phát bệnh tâm thần, cứ đi lang thang khắp làng. Gặp ai, Thành cũng khoe nhìn thấy ma quỷ, linh hồn, thánh thần.

Gia đình đã đưa Thành vào bệnh viện tâm thần chữa trị. Điều trị một thời gian thì Thành khỏi bệnh, không đi lang thang nữa. Tuy nhiên, Thành không chấp nhận mọi người gọi mình bằng cái tên cũ là “chị Thành”, “cô Thành”, mà yêu cầu mọi người gọi là “anh Hồng”, vì giờ chị Thành chỉ còn là thân xác mà thôi.

Cái ao nơi cậu bé tên Hồng chết đuối năm 1945. 

Theo lời kể lại của “anh Hồng”, “anh” vốn có quê gốc ở Thanh Hóa. Nạn đói năm 1954 khiến cả nhà “anh” chết đói. Ngày đó “anh” còn nhỏ, chỉ chừng 4-5 tuổi, mẹ phải dắt “anh” ra Hà Nội mưu sinh. Trên đường xin ăn đến Hà Nam, thì “anh” sảy chân chết đuối dưới ao. Cái ao “anh” chết đuối chính là ao của gia đình chị Thành bây giờ. Linh hồn “anh Hồng” không siêu thoát được nên đã chiếm xác chị Thành.

Để tưởng nhớ… linh hồn mình, “anh Hồng” cho dựng miếu thờ ngay cạnh cái ao nước đó. Sau này khá giả thì tát cao, múc bùn, kè bờ, trồng cây cối xung quanh khiến cái ao hoang biến thành hồ nước đẹp.

"Anh Hồng" tự lập miếu thờ mình! 

Sau khi lập đền thờ, “anh Hồng” tuyên bố mình có khả năng ngoại cảm tìm mộ. “Anh Hồng” được lộc trời cho, như một ông Thánh, sẽ làm nhiệm vụ cao cả là đưa hài cốt cùng linh hồn liệt sĩ về với gia đình.

Chuyện “anh Hồng” dựng miếu thờ mình, trong khi linh hồn mình đang “trú ngụ” trong thân xác chị Thành quả là hài ước. Chuyện linh hồn mượn xác người còn sống chả khác nào chuyện “hồn Trương Ba da hàng thịt”. Tuy nhiên, cái mô-tip này là quen thuộc với các nhà ngoại cảm, với các “người giời”, nên các nhà khoa học cũng chỉ coi là thông tin tham khảo thêm.

Bát hương ở đền thờ "anh Hồng". 

Ngày hôm đó, tiến sĩ V. làm các biện pháp khảo nghiệm để chứng thực khả năng áp vong của “anh Hồng”. Thời điểm đó, người tìm mộ kéo đến nhà “anh Hồng” chưa đông như bây giờ, mỗi ngày chỉ có vài gia đình với vài chục người. Họ ngồi quây tròn bên các di vật của liệt sĩ, chủ yếu là giấy báo tử, ảnh, huân huy chương… rồi lầm rầm khấn vái. “Anh Hồng” đi loanh quanh xem xét, nhòm ngó các gia đình. Hễ thấy ai lắc lư, có biểu hiện “ma nhập” thì anh dừng lại gọi tên liệt sĩ, mời “vong” liệt sĩ về, rồi luôn miệng yêu cầu người nhà khấn vái, gọi liệt sĩ.

Sau một vài hành động không có gì lạ lẫm lắm của “anh Hồng” thì vài gia đình có hiện tượng “ma nhập”, co giật đùng đùng, khóc lóc, kêu gào, hoặc ngồi lắc lư nói chuyện với người xung quanh.

Những chuyện như thế này tôi đã được chứng kiến nhiều ở các trung tâm nghiên cứu về khả năng đặc biệt của con người, nên không lạ lẫm lắm. Tiến sĩ V. cũng ghi nhận những hiện tượng đặc biệt xảy ra tại nhà “anh Hồng”.

Chúng sinh dâng lễ ngập ngụa nơi thờ tự "anh Hồng". 

Sau này, với quyền hạn của mình, vị tiến sĩ kia đã lấy danh nghĩa cơ quan để cấp giấy chứng nhận khả năng ngoại cảm cho “anh Hồng”. Dựa vào tấm giấy đó, “anh Hồng” thành lập cái gọi là “trung tâm tìm mộ liệt sĩ”. Tấm giấy chứng nhận đó dù chẳng có giá trị pháp luật gì cả, nhưng “anh Hồng” tha hồ lòe mọi người và các cán bộ địa phương. Nhìn vào tấm giấy chứng nhận đó, một đồng chí công an xã đã nói: “Anh Hồng không hoạt động mê tín dị đoan, không lừa đảo. Anh Hồng được Nhà nước cấp phép để để hoạt động ngoại cảm đấy!”.

  Kỳ 2 : Thế giới ma quỷ ở “trung tâm tìm mộ”

Một cảnh tượng ma quái như thuở hồng hoang hiện ra trước mắt. Thật khó tin, ở xã hội hiện đại và khoa học, lại tồn tại những chuyện ma quỷ, thần thánh và mê muội như thế này.

Bẵng đi 2 năm, một ngày, nhiều người được dịp sửng sốt khi nghe tin một đại gia đình ở Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) đã bị “thánh vật” khủng khiếp khiến người mất mạng, người phát điên do đi áp vong ở nhà “anh Hồng”.

Người bị “thánh vật” đến chết là chị Cấn Thị Lâm, con ông Cấn Văn Hùng. Những người khác như chị Cấn Thị Thủy, Cấn Thị Nhung (con gái ông Cấn Văn Dũng, ông Dũng là anh trai ông Hùng) và một người con dâu trong họ cũng bị “thánh vật” thành điên khùng. Không những “thánh vật” 4 người phụ nữ, mà còn vật luôn cả ông Hùng, ông Dũng, ông Phi, khiến ba anh em nổi điên. Gia đình phải đưa mấy người này vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai điều trị mới trở lại bình thường.

Chị Cấn Thị Lâm đã mất mạng vì "thánh vật". 
Ông Cấn Văn Hùng phát điên vì áp vong. 

Sau khi đại gia đình ông Hùng bị “thánh vật” tôi đã tìm gặp. Nỗi đau còn dai dẳng trong gia đình ông và nỗi sợ hãi hiện rõ nơi ánh mắt những người trong gia đình này. Với họ, cảnh tượng áp vong ở nhà “anh Hồng” thật quá kinh hoàng. Họ không thể tin rằng, liệt sĩ Cấn Văn Lương, người thân thiết, máu mủ của gia đình lại nỡ “vật” anh em, các cháu đến phát điên, đến chết như thế. Họ nghi rằng, “anh Hồng” và đám đệ tử đã cho những người đến áp vong ngửi hương độc hoặc uống loại nước có bùa phép gì đó.

Xe ôtô đỗ đầy đầu làng Câu Tử. 
Chỉ thu vé xe máy mỗi ngày cũng có bạc triệu. 

Sau vụ việc đó, người ta cứ tưởng “anh Hồng” sẽ bị khởi tố. Nhưng quả thực, chẳng có chứng cứ gì để có thể khép tội “anh Hồng”. Bởi vì, không thể coi chuyện “anh Hồng” sai “thánh vật” những người trong gia đình này là chứng cứ để khép tội được. Điều đó thật mơ hồ. Có người nói vui, nếu pháp luật có ra tay, thì chỉ có thể bắt “anh Hồng”, tức linh hồn chiếm xác chị Thành, chứ chị Thành đâu có tội tình gì?

Những tưởng sau vụ “thánh vật” cả họ ông Cấn Văn Hùng, người dân cả nước sẽ khiếp vía với chuyện áp vong, đặc biệt là áp vong ở trung tâm tìm mộ của “anh Hồng” ở xã Châu Sơn (Duy Tiên, Hà Nam). Thế nhưng, kỳ lạ thay, thảm cảnh đó không mảy may gây sợ hãi với mọi người, ngược lại, vụ việc đau lòng đó còn như một chiến dịch quảng cáo ấn tượng khiến người dân cả nước biết đến trung tâm áp vong của “anh Hồng”.

Mỗi ngày có hàng ngàn người áp vong. 

Nhiều năm làm báo, đi điều tra về các lang băm, các thầy bói, “người giời”, tôi nhận thấy một chuyện lạ: Hễ báo chí lên án, vạch trần sự lừa đảo, thì người bệnh, con nhang đệ tử tìm đến càng đông. Dù người ta có tin những điều báo chí nói là đúng, thì vẫn cứ đặt câu hỏi: “Chắc thầy bói này phải giỏi, phán đúng thì mới đông người thế chứ?”; rồi: “Chắc ông lang này chữa khỏi bệnh, thì bệnh nhân mới tìm đến chứ?”. Cứ cái kiểu đặt câu hỏi như thế, nên một bài báo vạch trần bộ mặt lừa đảo của lang băm, “người giời”, vô hình chung lại biến thành một bài quảng cáo!

Người đến áp vong ngồi tràn ra cả ngõ. 

Để tìm hiểu sự nổi tiếng của các nhân vật, tôi thường làm động tác hỏi đường. Từ thành phố Phủ Lý, tôi hỏi mấy anh xe ôm ngồi chờ khách bên Quốc lộ 1 rằng xã Châu Sơn ở đâu, mấy anh xe ôm ở giữa thành phố Phủ Lý đã hỏi lại: “Đến nhà “anh Hồng” hở? Đi thẳng, hết thành phố 1km thì rẽ trái, đi tiếp 10km…”. Vào con đường dẫn đến huyện Duy Tiên, mặc dù còn cách Châu Sơn hơn 10km nữa, song hỏi bất kỳ ai bên đường về xã Châu Sơn, người ta đều hỏi: “Đến nhà “anh Hồng” phải không?”, rồi chỉ đường luôn đến nhà “anh Hồng”. Điều này chứng tỏ “anh Hồng” đã quá nổi tiếng, và có quá nhiều người tứ phương tìm đến.

Bờ ao cũng được trưng dụng làm nơi áp vong. 

Con đường tỉnh lộ qua thôn Câu Tử cứ như thể đoạn đường đến chùa Hương ngày khai hội. Hôm tôi đến là ngày thứ 3 mà quanh cầu Câu Tử xe đỗ nườm nượp. Cả chục xe khách 30-40 chỗ rúc đầu vào bãi đỗ xe ngay chân cầu. Xe con đỗ đầy trong sân nhà dân, dọc ven đường, trong các ngõ ngách.

Thôn Câu Tử biến thành một “khu phố” sầm uất, với các cửa hiệu rửa xe, quán cơm, các đại lý tạp hóa, quán nhậu, quán phở, đặc biệt nhiều là các sạp hoa quả, đèn nhang, giấy vàng, xếp thành dãy dài từ đầu thôn đến tận trung tâm tìm mộ của "anh Hồng" ở cuối làng.

Thôn Câu Tử nhộn nhịp như khu phố nhờ trung tâm tìm mộ của "anh Hồng". 

Thôn Câu Tử lúc nào cũng nườm nượp người ra vào. Mỗi ngày có cả ngàn người đến ăn uống, ngủ nghỉ. Với lượng người như thế, chả có địa điểm du lịch nào hút khách bằng. Cả thôn có thêm nghề nghiệp, thậm chí làm giàu nhờ phục vụ người tứ xứ đến đây. Chẳng vậy mà khi lê la quán xá, từ người già đến người trẻ, từ đàn ông đến đàn bà đều ca ngợi “anh Hồng” như một vị thánh. Trong con mắt dân làng, cái con bé Thành nghèo khó, lam lũ, suốt ngày bán mặt cho đồng ruộng, oằn lưng gánh gạch thuê giờ không còn nữa, thay vào đó là lời kính trọng, một hai đều “anh Hồng” khi gọi tên.

Biển chỉ đường vào nhà "anh Hồng". 

Dù ngõ vào lắt léo, tới 4 lần cua, song chẳng cần phải hỏi, cứ theo “con đường giấy vàng” mà đi, là sẽ dẫn đến nhà “anh Hồng”. Những người đến tìm mộ, hoặc đã có thông tin về mồ mả, khi vào hoặc ra nhà anh Hồng, họ rải tiền vàng dọc đường đi. Mỗi ngày có cả trăm, cả ngàn gia đình đến tìm mộ, áp vong, ai cũng rải tiền vàng như thế, thì có mà đến cả yến, cả tạ tiền vàng vãi ra đường.

Dù đã đến cả chục trung tâm áp vong, tìm mộ, chữa bệnh, song tôi chưa từng thấy ở đâu đông như nhà anh Hồng. Cái bãi trông giữ xe máy rộng rãi và nhiều xe hơn cả bãi giữ xe của Trung tâm chiếu phim Quốc gia khi có bộ phim “hót” ra mắt. Chỉ riêng cái bãi giữ xe máy này, với 2 ngàn đồng/xe, mỗi ngày, “anh Hồng” đã thu về tiền triệu.

Chờ vong lên. 

Trung tâm áp vong tìm mộ rộng như một sân bóng trong nhà. Để chống đỡ được mái phi-brô-ximăng này, cần tới mấy chục cột bêtông và luồng. Mỗi chiếc cột đều có quạt treo bật hết công suất để xua hơi người và cái nóng hầm hập từ mái tôn hắt xuống trong những ngày hè.

Trung tâm áp vong rộng như vậy, song chỉ giải quyết được một nửa nhu cầu người dân tìm đến. “Anh Hồng” phải trưng dụng cả cái ngõ dài ngoằng để các gia đình trải chiếu ngồi đợi vong về. Thậm chí bờ ao, rồi 2 cái sân rộng của hàng xóm cũng biến thành nơi đặt các di ảnh, bàn thờ để gọi vong.

Trong khung cảnh nóng nực, hàng ngàn người đứng, ngồi, nằm la liệt, người cười, người khóc, người rú lên như điên loạn. Một cảnh tượng ma quái như thuở hồng hoang hiện ra trước mắt. Thật khó tin, ở xã hội hiện đại và khoa học, lại tồn tại những chuyện ma quỷ, thần thánh và mê muội như thế này.

 

 

 


Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2