Lượt thăm:241653050   Đang Online: 850

Số lượt xem: 4867
Gửi lúc 11:45' 11/09/2011
Phạm Xuân Ẩn - nhà báo, điệp viên hoàn hảo

Phần 1 : Phạm Xuân Ẩn - nhà báo, điệp viên hoàn hảo

Ngày 12/9/1927 là ngày chào đời của cậu bé Nguyễn Văn Trung. Không ai ngờ sau này cậu bé sẽ trở thành điệp viên lừng danh và hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn. Hoàn hảo bởi ông đã cung cấp được khối lượng những tin tức tình báo đồ sộ cùng những phân tích đánh giá sắc sảo cho Tổng hành dinh kháng chiến; bởi tư thế ung dung tự tại trong công việc; và bởi suốt 30 năm “hành nghề”, ông đã làm được những việc ít có nhà tình báo cổ kim Đông Tây nào làm nổi - giữ được hành tung của mình cho đến phút cuối cùng.

Trong lịch sử tình báo Việt Nam và thế giới không hiếm những điệp viên tài ba, có những chiến công lẫy lừng, những hy sinh lớn lao, khiến người đời khâm phục, thương cảm, nhưng phần lớn cuộc đời của họ thường gắn với chữ “bi”: bi thảm, bi kịch, thậm chí bi hài, cuộc sống và nội tâm bị giằng xé chí ít một bên là nghĩa vụ một bên là tình cảm, giữa những đòi hỏi khốc liệt, cân não của nhiệm vụ và khát khao cuộc sống bình yên đời thường.

Nhưng với Phạm Xuân Ẩn thì có khác: ông là một con người và một nhà tình báo có thể nói là hoàn hảo. Ông vừa là nhà báo danh tiếng vừa là điệp viên tài ba. Hai “tư cách” đó gần như suốt đời “chung sống” hoà hợp với nhau, hỗ trợ cho nhau, đến mức thực chất hình như ông chỉ làm một việc duy nhất: thu thập thông tin và phân tích chúng.

Phạm Xuẩn Ẩn tại Mỹ, 1957-1959


Sự khác biệt hoạ chăng chỉ là ở chỗ, như ông đã có lần nói, cái nào thì cần nói, cần gửi cho ai; cái nào bí mật cái nào công khai; nhưng tất cả đều trung thực, chuẩn xác, tạo nên uy tín và sự tin tưởng, quý phục cao độ từ phía Cách mạng cũng như dư luận nghề nghiệp và cả từ phía các “đối thủ” một mất một còn.

Cho đến những ngày cuối đời ông vẫn làm cái công việc đó, mang lại lợi ích cho xã hội, cho mọi người, và nhẹ nhàng ra đi trong sự trân trọng, cảm phục của người đời.

Tầm vóc chiến công phi thường

Cái hoàn hảo của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn thể hiện trước hết ở tầm vóc chiến công ông đã đạt được. Một nhà báo nhiều năm “theo sát” sự nghiệp tình báo của Phạm Xuân Ẩn nhận định:

“Khối lượng những tin tức tình báo đồ sộ bằng nguyên bản kèm theo những phân tích đánh giá sắc sảo mà Phạm Xuân Ẩn đã cung cấp cho Tổng hành dinh kháng chiến trong suốt hơn 20 năm, theo chúng tôi, không có bất cứ điệp viên nào ở bất cứ thời đại nào trên thế giới có thể làm nổi. Ông làm những việc phi thường đó một cách hoàn hảo, ung dung tự tại và rất mực khiêm tốn...” (Hoàng Hải Vân, báo Thanh Niên).

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu, vừa dấn thân vào sự nghiệp tình báo, Phạm Xuân Ẩn có ngay những đóng góp quan trọng cho Bộ chỉ huy Quân sự Miền ở Chiến khu D, “Chép được hầu hết các tài liệu về chuyên chở tiếp tế, vũ khí trang bị của quân đội Pháp gửi về trên”, đồng thời ông cũng đã học được nhiều kinh nghiệm bước đầu của công tác tình báo.

Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được lệnh của cấp trên chuyển sang nhiệm vụ thâm nhập vào các hoạt động quân sự trong bước ngoặt quan trọng “chuyển giao” sự kiểm soát miền Nam Việt Nam giữa Pháp và Mỹ, vào làm tại phòng 5 của Bộ Tổng tham mưu “Quân đội Quốc gia Việt Nam”.

Ông Ẩn là người thạo tiếng Anh nên được giao nhiệm vụ giao dịch với các sĩ quan Mỹ và nhờ đó học được “cách làm việc với Mỹ” và làm quen với nhiều nhân vật quan trọng trong giới tình báo Mỹ, đặc biệt là với Đại tá Edward Lansdale, một nhân vật khét tiếng từng đóng vai trò chính trong việc dựng lên và củng cố chính quyền Ngô Đình Diệm. Chính những mối quan hệ đó về sau đã được Phạm Xuân Ẩn khéo léo sử dụng và đắc lực giúp ông trong hoạt động của mình.

Còn bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ thì Phạm Xuân Ẩn đã là một điệp viên quan trọng. Sau khi học ở Mỹ về, dù chưa được cấp trên nối lại liên lạc và giao nhiệm vụ, nhưng Phạm Xuân Ẩn đã chủ động tìm cách xin vào làm việc ở những cơ quan rất thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Dưới vỏ bọc là một nhà báo, sau khi đã nối lại được liên lạc với tổ chức, ngay từ những điệp vụ đầu tiên, ông đã lập công lớn, khai thác và gửi về cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nguyên bản toàn bộ các kế hoạch về chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Khi nhận được những tài liệu này tại Hà Nội, nguyên Tổng Bí thư Lê DuẨn lúc đó đã coi đây là “chiến công có tầm cỡ quốc tế”. Rồi trong suốt cuộc chiến tranh, bộ chỉ huy quân sự của ta nắm được những mưu đồ của kẻ địch phần nhiều qua những tin tức kịp thời quý giá và những phân tích chuẩn xác từ nhà báo điệp viên này.

Phạm Xuân Ẩn đã báo trước những thay đổi chiến lược, các kế hoạch quân sự hằng năm, các cuộc hành quân càn quét lớn, các chương trình bình định nông thôn, kế hoạch xây dựng biệt kích dù, các kế hoạch về tình báo, kế hoạch xây dựng quân đội Sài Gòn khi Mỹ thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, v.v... Những thông tin này nhanh nhạy đến mức, chẳng hạn, thông qua báo cáo của Phạm Xuân Ẩn mà lãnh đạo Hà Nội đã biết về nội dung kế hoạch “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ trước cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu!

Phạm Xuân Ẩn bên đường phố Sài Gòn (Ảnh do một nhà báo Mỹ chụp)


Ông còn báo trước thời điểm Mỹ rút quân khỏi Campuchia, kế hoạch tấn công Hạ Lào từ đường 9; báo trước âm mưu, ý đồ của Mỹ trong các cuộc bầu cử Tổng thống Sài Gòn, cảnh báo về âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ và Nguyễn Văn Thiệu...

Về sau, Đại tướng Hoàng Văn Thái có nhớ lại: Vào thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, năm 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ta rất băn khoăn trước một câu hỏi quan trọng cần phải tìm gấp lời giải đáp: liệu khi ta mở cuộc tổng tấn công thì quân đội Mỹ có quay trở lại tham chiến trên chiến trường Việt Nam không, khả năng can thiệp của Mỹ sẽ như thế nào khi ta đánh lớn và ngụy quân, ngụy quyền đứng trước nguy cơ sụp đổ?

Và trong nhiều nguồn tin tình báo từ các mạng lưới cơ sở gửi về, Phạm Xuân Ẩn là người đã giải mã chính xác, xuất sắc để trả lời câu hỏi hóc búa đó: Mỹ dứt khoát không đưa quân trở lại miền Nam. Nguồn thông tin này đã giúp Trung ương đề ra quyết tâm chiến lược “Giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Sau này Phạm Xuân Ẩn đã được tặng thưởng huân chương cao quý vì câu trả lời ấy. Đồng thời, để chuẩn bị cho kế hoạch tổng tiến công, ông đã mật báo về những tin tức hết sức quan trọng về các kế hoạch phòng thủ Sài Gòn, về việc Mỹ tìm cách thương thuyết để đi đến một giải pháp chính trị.

Và ngay trong ngày vợ con ông phải “di tản” sang Mỹ, ông vẫn báo trước tin Nguyễn Văn Thiệu sẽ bị nội bộ ép phải từ chức. Những tin tức đó là vô cùng quan trọng, góp phần xác định quyết tâm và tập trung lực lượng để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Về sau, một cán bộ chỉ huy tình báo lão thành từng là cấp trên của Phạm Xuân Ẩn kể: Sau giải phóng 30-4-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã vào Sài Gòn gặp Phạm Xuân Ẩn; nghe xong những đánh giá sắc sảo của ông về tình hình nội bộ Mỹ - Thiệu từ sau trận Phước Long (1-1975), Đại tướng nói: Nếu như gặp được Phạm Xuân Ẩn sớm hơn thì những tin tức mà ông Ẩn cung cấp “sẽ giúp Bộ Chính trị hạ quyết tâm nhanh hơn để giải phóng Sài Gòn”.

Hạ cánh an toàn

Cái hoàn hảo còn thể hiện ở sự “hạ cánh an toàn” của ông. Trong suốt quãng thời gian dài gần 30 năm “hành nghề” tình báo, ông đã làm được những việc ít có nhà tình báo cổ kim Đông Tây nào làm nổi, mà ông vẫn giữ được hành tung của mình cho đến phút cuối cùng. Đọc sách báo, xem phim về cuộc đời và hoạt động của các điệp viên, ta thấy những hiểm nguy, khốc liệt luôn rình rập họ theo mỗi bước chân, từng lời nói.

Thế mà với Phạm Xuân Ẩn, những tay CIA sừng sỏ từng tiếp xúc và làm việc với ông như Frank Snepp (chuyên viên phân tích tình báo chiến lược của CIA), William Cobly (Giám đốc CIA ở Sài Gòn), Zalin Grant (nhà báo Mỹ vừa là sĩ quan phản gián của quân đội Mỹ làm cho tạp chí Time và New Republic); tất cả đều sửng sốt khi biết được ký giả Phạm Xuân Ẩn, người cung cấp nhiều thông tin đặc biệt tối mật về diễn tiến tình hình quân sự chính trị tại Sài Gòn cho độc giả toàn thế giới và các đồng nghiệp thân tín người Mỹ, lại là sĩ quan tình báo của Cộng sản.

Nói về mình, Phạm Xuân Ẩn kể với chút tự hào hóm hỉnh: “Tôi có nhiều tên lắm. Họ gọi tôi là “chuyên viên đảo chính” vì luôn viết về quân sự, về biến cố chính trị và các cuộc đảo chính. Là “tiến sĩ Cách mạng” cũng vì chuyên viết về các đổi thay thời cuộc”. Ông còn có biệt danh “Giảng viên sinh lý” cho các cô “tứ thời” thường đến ngồi bàn với ông tại nhà hàng Continental chờ khách; hay tên “Bác sĩ chó” vì ông biết chữa bệnh cho chó của các bà bạn đầm.

Sở dĩ Phạm Xuân Ẩn có thể làm được như vậy một phần nhờ lợi thế nghề báo của ông. Ông là một nhà báo xuất sắc, có uy tín lớn, là người Việt Nam duy nhất vào biên chế của hãng tin danh tiếng nước ngoài với mức lương rất cao thời đó - 750 đô la một tháng, được đồng nghiệp trong và ngoài nước hết sức nể trọng.

Làm báo và làm tình báo, hai nhiệm vụ ấy đã hỗ trợ cho nhau tạo thành sức mạnh hết sức lợi hại và to lớn đối với Phạm Xuân Ẩn. Với nghề báo, ông đi lại và tiếp xúc nhiều, có điều kiện nắm được những thông tin cơ mật ngay trong cơ quan đầu não của đối phương, có cơ hội trực tiếp tiếp cận các căn cứ và chiến thuật quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà không để chúng nghi ngờ, đề phòng. Nhờ uy tín và quan hệ, ông có cả giấy của Cơ quan An ninh Phủ Tổng thống, có súng, tự mình lái xe hoặc đi bằng xe của Phủ Tổng thống đến những nơi cơ mật.

Nhưng nói đúng ra, ông tạo được nhiều quyền đặc biệt, những điều kiện thuận lợi như vậy không chỉ là do nghề nghiệp làm báo, mà chủ yếu là do nhân cách và quan hệ hết sức rộng rãi của ông. Phạm Xuân Ẩn trong các hoạt động của mình đã chứng tỏ một tài năng thực sự lớn, một cá tính mạnh được phát huy tối đa cho công việc và tính chuyên nghiệp cao độ của một nhà tình báo chiến lược tại một trong những thời điểm phức tạp nhất.

Ngay từ những ngày đầu vào cuộc, Phạm Xuân Ẩn đã chú ý thiết lập và càng ngày càng thắt chặt những mối quan hệ sâu rộng hơn với giới chức có thế lực của chính quyền, quân đội Sài Gòn, của Mỹ và Sài Gòn trong việc thiết lập quan hệ với người Mỹ và giới cầm quyền mới để họ củng cố địa vị. Ông cuốn hút, tạo cho mình ảnh hưởng không khác gì một chính khách (nhưng không tham chính), hay đúng hơn - như một “quân sư”, tới mức các giới đều tìm đến tham khảo ý kiến.

“Giới quân sự cũng chạy tới. Bên kinh tế cũng qua hỏi. Nhưng không phải dễ đưa ra lời nhận định. Khi đã được coi như chính khách rồi thì phải hết sức khách quan khi phân tích tình hình, đóng góp được những ý kiến có giá trị”. Có người đến để hỏi có nên nhận chức bộ trưởng hay không, thậm chí có người sắp tiếp giới báo chí cũng tới hỏi ông xem “Có nên tiếp thằng này không. Nó sẽ hỏi gì. Trả lời thế có được không?”.

Nhưng mặt khác, Phạm Xuân Ẩn không chỉ đi lại với giới “chóp bu” nắm quyền lực, mà ông còn “lặn sâu” vào mọi giới trong xã hội, thân quen cả với đám xì ke ma túy, chơi với ông trùm của đám này, tới xem họ chích trên đường Lê Lai, tận mắt quan sát họ trong tình trạng ngà ngà hoặc thiếu thuốc, vật vã.

Ông còn thường xuyên giúp những cô gái điếm, vũ nữ, xin tha cho họ khi bị nhân viên “Bảo vệ thuần phong mỹ tục” bắt, và được các cô kể nhiều chuyện về cuộc sống đưa đón khách để làm tài liệu viết bài. Từ việc to đến việc nhỏ, nhiều khi ông xoay chuyển được tình thế, đạt kết quả bất ngờ, và phần nhiều là dựa vào cách ứng xử mang tính nhân văn, hào hiệp của ông.

Có lần, khi chính quyền Sài Gòn vì thù luật sư Nguyễn Hữu Thọ theo kháng chiến, định bắt và xử tội con gái ông yêu một người Mỹ với lý do “vi phạm thuần phong mỹ tục”, chứa người Mỹ trong nhà khi chưa kết hôn và không khai báo với cảnh sát, Phạm Xuân Ẩn cản: “Đừng làm vậy. Hạ sách…Người ta hy sinh cả gia đình đi vô chiến khu, đâu có mang con theo đâu mà quy trách nhiệm ổng. Ổng là trí thức lớn có uy tín, bôi nhọ kiểu đó không được đâu, lại lòi ra Nhà nước Quốc gia hành động bần tiện. Mà làm như vậy thì cũng là bôi nhọ luôn cả thằng Mỹ nữa”.

Vụ việc cuối cùng đã được dẹp êm. Ông thường nói: “Cuộc sống ở đời có hai thứ: thứ nhất là quan tâm đến người khác. Thứ hai là phải tranh thủ chơi với người bạn tốt, dù cho người xấu có nhiều, càng ngày càng xấu. Phải làm bạn thật tình cho hết cuộc đời. Đời thành công cũng nhờ hai cái đó”.

Một điều kỳ lạ là ông đã làm những chuyện đó một cách gần như tự nhiên, “quang minh chính đại”. Ông hoạt động tình báo là vì lý tưởng, vì Tổ quốc mình, và trở thành nhà báo ông cũng hoạt động hết sức chuyên nghiệp.

Tay nghề giỏi, lại trung thực, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp, Phạm Xuân Ẩn rất có uy tín trong báo giới Phương Tây, được cảm phục, kính trọng và yêu mến. Ngay cả khi biết ông không chỉ làm nhà báo bình thường, mà còn là một nhà tình báo của Cộng sản Việt Nam, giới báo chí, nhà văn, nhà nghiên cứu Phương Tây vẫn luôn đánh giá cao lòng yêu nước, tính nhân văn, con người đáng kính trọng Phạm Xuân Ẩn.

Thomas A. Bass, báo The New Yorker, viết: “Ẩn là một người “Việt Nam thầm lặng”, một nhân vật tiêu biểu, vừa là một người với lý tưởng cách mạng thuần thành, vừa là một người ngưỡng mộ nhiệt tình đối với nước Mỹ. Ông nói rằng ông không bao giờ dối ai, rằng ông cung cấp cho báo Time chính những bài phân tích chính trị mà ông đã gửi cho Hồ Chí Minh. Ông là con người bị xẻ đôi với lòng trung chính cao độ, một người sống trong sự giả dối nhưng lại luôn nói sự thật”.

 

Phần 2 : Phạm Xuân Ẩn, những “bài học” nghề nghiệp

Thực chất, nghề tình báo không phải là cuộc sống nhàn nhã, vô tư. Để đạt được một vẻ ngoài “hoàn hảo”, một sự an toàn cần thiết cho bản thân mình, cho đồng đội và sự nghiệp, nhà tình báo phải vượt qua không biết bao nhiêu thử thách, trả giá. Sau đây là một vài “bài học nghề nghiệp” mà Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn vui vẻ kể lại với các phóng viên báo chí.

Bị bà liên lạc phê bình


Hồi 20 tuổi mới bắt đầu hoạt động tình báo, làm nhiệm vụ quan sát việc di chuyển hậu cần của quân Pháp ở Sở Quan thuế, một lần ông đạp xe đi đến chỗ hẹn với bà liên lạc để chuyển tài liệu cho ông Phạm Ngọc Thạch. Trên đường, khi xuống dốc ở một cây cầu, Phạm Xuân Ẩn va phải một cậu thanh niên, bị anh ta gây sự, thế là hai người xông vào đánh nhau. Phạm Xuân Ẩn đến trễ giờ, trên người còn dính máu vì bị xây xát đâu đó khiến bà liên lạc lo lắng, hốt hoảng. Lần đó nhà tình báo trẻ đã bị bà liên lạc phê bình nghiêm khắc:


“Tội cậu nặng lắm đó. Nhiệm vụ phải đặt lên hàng đầu. Nó có chửi bố mình cũng phải làm thinh mà đi. Chà, cậu làm nghề này không được rồi. Từ nay cấm tiệt chuyện gây lộn. Xe có hư cũng vất liệng qua, đi làm nhiệm vụ cho kịp hẹn”. Bà giảng giải: “Phải trái gì cũng phải bỏ qua. Mình đang làm nhiệm vụ quan trọng. Đánh lộn, tài liệu để trong bụng nó văng ra thì sao? Đánh lộn, cảnh sát nó bắt về bốt có chết không?”.

Nhà tình báo thành danh sau này mãi ghi nhớ lời phê bình và ân hận về chuyện đó: “Qua kinh nghiệm mới nhớ lâu. Tôi biết ơn bà liên lạc, sau giải phóng có hỏi thăm xem bà ở đâu nhưng không ai biết. Hình như bà mất rồi. Không sao biết được, vì sau Hiệp định Genève là tôi cắt hết liên lạc mối đó để làm nhiệm vụ với đường dây khác”.

Những bài học từ Mỹ

- … Chính người Mỹ dạy tôi nhiều bài học bổ ích. Tôi còn nhớ, trước khi đi, bên nhà dặn tôi phải ráng học cho xuất sắc. Tôi vâng lời. Một hôm, bà giáo dạy môn Anh văn hỏi: Tôi thấy môn này anh đã giỏi rồi, đâu cần học nữa. Tôi nghi anh qua đây không phải để học mà làm chuyện khác. Giật mình, tôi ráng trả lời một cách bình thản: Nước tôi nghèo, nên tôi phải ráng học, học bất cứ cái gì có thể để về phụng sự quê hương tôi.

Bà đáp: ừ, bây giờ thì tôi tin anh. Tôi nghi ngờ anh là vì hồi Đệ nhị thế chiến, tôi huấn luyện sĩ quan tình báo, nên có bệnh nghề nghiệp (!). Anh bạn học chung lớp cũng thắc mắc tại sao tôi phải cố học cho giỏi. Hắn nói: Mày học xong sẽ về hay ở lại? Nếu ở lại, tao khuyên mày nên đi chơi nhiều hơn. Người Mỹ không thích học quá giỏi, vì học giỏi khó kiếm được việc làm hơn người học trung bình. Người thuê lao động nếu mướn người có học lực khá, họ yêu cầu phải làm việc gấp rưỡi hoặc gấp hai người thường. Và họ cũng không thích mướn những người học giỏi làm chung với người học bình thường”.

… Một bài học khác: Khi học môn nói chuyện trước công chúng, tôi không hiểu sao bài của mình luôn bị điểm C dù đã gắng hết sức. Tức quá, tôi hỏi chị bạn ngồi kế bên. Chị nói: Vị giáo sư là người không ưa Cộng sản. Mà tôi thì thấy anh ưa dùng từ kiểu Cộng sản. Anh không được điểm cao là phải. Hóa ra là khi tôi ở Việt Nam, tôi hay đọc sách báo cách mạng viết bằng tiếng Anh. Tôi quen vốn từ vựng cách mạng và sử dụng nó trong bài kiểm tra mà không biết. Về sau, mỗi lần làm bài, tôi lại nhờ chị sửa giúp từ vựng. Và bài đạt được điểm B…

Từ những chi tiết này, nhà tình báo lúc đó còn non trẻ đã rút ra một kinh nghiệm sâu sắc, và khi về nước trở thành ký giả, Phạm Xuân Ẩn đã cố biến mình thành một “tay chơi” có hạng cùng với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội. Ông la cà khắp các vũ trường, các nhà hàng sang trọng và thậm chí trong túi lúc nào cũng có vài tấm ảnh của các “em cave” ăn khách nhất lúc bấy giờ.

Vậy mà trong một lần cùng ngồi bên chai rượu Martell ở vũ trường Tự Do, một người bạn là đại tá Dương Văn Tâm phụ trách Phủ đặc ủy tình báo quốc gia ở số 3 bến Bạch Đằng - Sài Gòn đã cao hứng hỏi:

- Nè Ẩn! Vì sao anh rất nổi tiếng lại sống không rượu, không gái, mà cũng không mê chức quyền gì cả? Tôi biết là chính phủ mời anh làm Đổng lý văn phòng, rồi mời làm Thứ trưởng Bộ Thông tin - chiêu hồi anh đều từ chối hết?... Anh là ai vậy anh Ẩn?

Câu hỏi “Anh là ai?” của nhà tình báo lão luyện Dương Văn Tâm mãi đến ngày 15 tháng 1 năm 1976 mới được mọi người biết đến bằng việc công bố Quyết định 01/LCT của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” cho đồng chí Nguyễn Văn Trung, trung tá, cán bộ tình báo thuộc Bộ Tham mưu Miền.

Một lần sơ hở

- Có một lần đại sứ Mỹ Federic Nolting đến khánh thành một đường băng mới trong phi trường Tân Sơn Nhất. Trước đó, tôi đã được một cô bạn người Mỹ làm thư ký ở Tòa Đại sứ Mỹ cung cấp cho bài phát biểu đã được ngài Đại sứ sửa tay hẳn hoi. Yên chí, tôi cho đưa tin trước để qua mặt các đồng nghiệp.

Không ngờ hôm đó, Nolting không đọc nguyên văn bài phát biểu đã sửa và sáng hôm sau lại nghe tin của tôi đưa qua đài VOA khác đi, ông ta nổi giận lệnh cho bộ phận an ninh ở Tòa Đại sứ Mỹ phải tìm cho ra “lỗ rò rỉ tin nội bộ” này. Bọn tay chân của an ninh Mỹ tìm tới điều tra tôi rất dữ, nhưng tôi vẫn khôn khéo bảo vệ được nguồn tin của mình!

"Bố viết mực gì mà không thấy chữ"...

- Đôi khi có tài liệu nhiều, chụp ảnh cũng cả tiếng, phải làm ban đêm thật bí mật. Ngoài con chó canh chừng, còn có người nhà thức nữa. Hôm đó tôi viết bằng nước cơm trắng nhách, viết trên giấy xi măng. Thường để đèn rọi xéo, thuộc tài liệu rồi viết liền. Tôi để đèn nhỏ vừa đủ chiếu theo dòng. Hôm đó đang viết, đứa con gái 6 tuổi tôi tưởng nó đã ngủ rồi bỗng chạy ra đứng sau lưng. “Bố chưa ngủ?”. “À, bố viết báo”. Không ngờ sáng hôm sau nó khoe với anh trai: Bố viết mực gì mà không thấy chữ, đọc không ra”.

Kể lại chuyện này, Phạm Xuân Ẩn như vẫn còn nhìn thấy cảnh ấy, đến tận hôm nay: “Lỡ nó đi chơi với bạn kể ra thì chết”. Ông liền gọi con gái đến: “Không có chuyện đó đâu. Đèn chói mắt con không thấy. Tối bố làm lại con xem thì biết liền”. Đến tối, ông lại lấy giấy ra viết và vặn đèn thật lớn cho chói mắt đứa con gái, rồi bảo: “Thấy chưa, hôm qua con mơ ngủ không nhìn thấy. Coi chữ nè. Có chứ sao không?”.

Kiên quyết và khôn khéo bảo vệ nguồn tin

- Hồi đó, dư luận ở Sài Gòn đang rộ lên tin đồn là Henry Cabot Lodge sắp qua thay đại sứ Federic Nolting, tôi liền đến một nhà hàng sang trọng “La Cigale” mà các quan chức Mỹ và các nhà ngoại giao cũng như ký giả nước ngoài hay đến để moi tin thẩm tra lời đồn đoán này.

Ngồi được một lát thì tôi thấy ông bí thư trẻ của đại sứ Nolting thường ngày ăn mặc rất chỉnh tề, nhưng hôm ấy mặc áo chim cò dẫn một cô gái người Việt đi ăn. Tôi vừa lên tiếng hỏi: Bữa nay ông bí thư ăn mặc đơn giản thế? Thì ông trả lời: “Chỉ còn một tuần lễ nữa tôi sẽ trở về nước, hôm nay đi xả hơi một chút”.
Phạm Xuân Ẩn (ngoài cùng bên trái) hồi làm báo Times, Mỹ

Với kinh nghiệm nghề nghiệp tôi nhanh chóng đoán ra ngay, về văn phòng đưa tin: “Đại sứ Federic có thể được thay thế trong vòng một tuần lễ sắp tới”. Tin này làm Nolting bực tức, còn Ngô Đình Nhu thì đùng đùng nổi giận lệnh cho Đặng Đức Khôi làm ở Phủ Tổng thống cho bác sĩ Trần Kim Tuyến gọi tôi đến để điều tra nhằm tìm cho ra ai đã cung cấp nguồn tin gây mất ổn định chính trị này.

Biết trước là sẽ có chuyện rầy rà với Nhu, tôi liền đến gặp bác sĩ Trần Kim Tuyến - Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị (thực chất là cơ quan mật vụ của Ngô Đình Nhu) nhờ bảo vệ để... “bảo vệ nguồn tin”. Sau đó, Trần Kim Tuyến lẫn Đặng Đức Khôi đều rất quý mến tôi!

Còn chuyện này nữa cũng rất gay. Sau khi bài viết “Thủ tướng Phan Huy Quát có thể bị thay thế” của tôi được loan tải trên báo chí thế giới, thì đích thân tổng giám đốc cảnh sát quốc gia gọi tôi lên gặp. Ông ta hăm dọa rồi mua chuộc đủ điều nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ kín được nguồn tin. Mãi đến khi Phan Huy Quát bị cho thôi chức tôi mới hết bị làm khó dễ, nhưng “Tổng nha” lại cho người “để mắt” tới tôi rất dữ! ...

Để hoạt động tình báo giữa hang hùm miệng rắn suốt 23 năm mà vẫn không lộ, điệp viên Phạm Xuân Ẩn đã tuân thủ triệt để những phương pháp bảo mật hết sức chặt chẽ: không quan hệ, tiếp xúc và hợp tác với những đồng nghiệp có tư tưởng tiến bộ, thân cộng hoặc những người mà biết chắc là “người đằng mình”; thậm chí với những người cứ tìm cách làm quen, ông còn nhờ cơ quan an ninh quân đội Sài Gòn tra dùm lý lịch.

Ông giấu kỹ thân phận mình đến mức, sau ngày Sài Gòn đã được giải phóng, chính quyền địa phương đã khẩn cấp báo với ủy ban quân quản là phải bắt ngay “tay CIA gộc còn nằm lại để thực hiện kế hoạch hậu chiến”.

Nhận xét về Phạm Xuân Ẩn

Có lẽ trong lịch sử tình báo Việt Nam và thế giới, Phạm Xuân Ẩn là người duy nhất sau khi bị bại lộ vẫn được rất nhiều bạn bè phía đối địch tôn trọng và yêu quý.

Đây là những lời bạn bè Mỹ nhận xét về ông:

“Ở tòa báo Time anh được coi là người khôn khéo. Ẩn luôn luôn được giao nhiệm vụ thuyết trình cho nhóm phóng viên mới tới. Và cũng chính anh ta là người gỡ mối cho những vấn đề chính trị rối mù của chính giới Việt Nam lúc đó. Anh là người cởi mở, dấn thân và có óc hài hước, luôn được niềm nở tiếp đón trong các giới quân sự và ngoại giao Việt - Mỹ và cũng là một trong số rất ít ký giả Việt được cho phép tham dự các buổi thuyết trình hạn chế của phái bộ Mỹ” (Nhà báo Mỹ Morley Safer).

“Tướng Ẩn - một trong những nhân viên tình báo Cộng sản bí mật gan dạ nhất ở Sài Gòn trong suốt cuộc chiến tranh chống Hoa Kỳ” (Nhà báo Henry Kamm).

“Chính Ẩn là một minh chứng, một Ẩn dụ về chiến tranh Việt Nam” (Pike)...

“Đây là một câu chuyện đầy mưu mô, khói và gươm, nhưng tôi vẫn quý mến Ẩn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị Ẩn phản bội. Anh ta đã phải sống với việc là một người Việt Nam trong một thời điểm gian nan trong lịch sử của họ...” (David Haberstam, tác giả cuốn sách Một thế sa lầy đang thành hình (Making of a Quagmire)).

“Không ai hoạt động âm thầm sau lưng chúng ta mà đã gây nhiều tác hại như Phạm Xuân Ẩn.” (Frank Snepp, cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA, tác giả cuốn sách Khoảng cách thích đáng (The Decent Interval)).

“Tôi có căm giận Phạm Xuân Ẩn không sau khi tôi biết qua những hoạt động gián điệp của anh? Hẳn nhiên là không. Tôi nghĩ Việt Nam là quê hương của anh. Nếu tình thế đổi ngược lại, chắc tôi cũng sẽ làm như anh mà thôi. Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá. Phạm Xuân Ẩn có một sự hiểu biết tinh tường về hiện tình chính trị Việt Nam, và đáng chú ý là những tin tức tài liệu của anh chính xác một cách lạ thường.” (McCulloch, Giám đốc các văn phòng của Time ở Châu Á).

“Ẩn là một người “Việt Nam thầm lặng”, một nhân vật tiêu biểu, vừa là một người với lý tưởng cách mạng thuần thành, vừa là một người ngưỡng mộ nhiệt tình đối với nước Mỹ. Ông nói rằng ông không bao giờ dối ai, rằng ông cung cấp cho báo Time chính những bài phân tích chính trị mà ông đã gởi cho Hồ Chí Minh. Ông là con người bị xẻ đôi với lòng trung chính cao độ, một người sống trong sự giả dối nhưng lại luôn nói sự thật.” (Thomas A. Bass, phóng viên báo The New Yorker).

“Tin ông Phạm Xuân Ẩn làm tình báo đã khiến khá nhiều quan chức CIA cao cấp phải hổ thẹn vì họ từng dựa trên những ý kiến của ông Ẩn để ra quyết định hệ trọng”. (Jean-Claude).

 

Phần 3 : Phạm Xuân Ẩn: “Kẻ ham chơi” hoàn hảo, một nhân cách đẹp

 Sài Gòn cũ có quán cà phê Givral nằm trên góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi, là một trong những trung tâm của thời cuộc, nơi tụ họp của các chính khách, tướng lĩnh, cả các nhà báo, các nhà tình báo trong và ngoài nước đến săn tin, hành nghề. Ở đây Phạm Xuân Ẩn được dành riêng một bàn cố định, cũng là một trong những “trung tâm” của cà phê Givral. Sáng sáng, ông dắt con chó berger của mình đến ngồi đó và... “chửi thề như bắp rang”. 20 tháng 9 này là tròn 5 năm ngày ông mất.


Nuôi chó, nuôi chim, nuôi cá

Ngay từ khi còn là một cậu bé, Phạm Xuân Ẩn đã là một chú bé mê chơi.

Ông kể, hồi còn ở quê, ông chơi bất tử, bỏ cả học để đi chơi, mặc phải chịu roi đòn của bố. “… Chơi chim chơi cá. Đi bắt cá, xách ná bắn chim. Chỉ thích chơi, giã gạo. Ham bắt cá lắm... Ngày xưa tôi nuôi gà nòi chọi. Đầu hôm thì bắt thằn lằn, đêm cho uống nước, cho ra sương… Đá kiến nữa: lấy con đen, ngắt râu, không thấy đường, nó chạy đá loạn xạ… Rình bắt cọp con, bắt rắn rít, nhỏ đâu có sợ chết…”

Lớn hơn một chút, khoảng 9-10 tuổi, ông lên sống ở Sài Gòn và say mê ngay cái thành phố có quá nhiều chỗ để chơi này:  vào sở thú học làm Tazan trèo cây đa đánh đu trên rễ đa để rớt ào xuống sông; xuống xưởng Ba Son làm quen với một ông thợ xin ông đúc cho đồng xu nặng để đánh đáo; đi xem hát bội; nhổ nhang ở lễ cúng lăng Ông; nhảy xe điện ra Đakao gần Cầu Bông xem ciné…

Cuối đời ông nhớ lại: “Mùa thị chín, phố thơm lắm. 4, 5 giờ sáng đã ra lượm thị. Trái chín vàng bỏ túi thơm như các chị thường làm. Hễ thấy có gió thổi nhiều là chạy ra liền ngồi chờ… Rồi bắt cá dưới ruộng. Nghĩa địa thấp, mưa ngập nước, hòm mục, sọ người trồi lên, cá đẻ vào đó. Hễ thấy bọt, nắm lấy xương sọ đổ rút ra rổ là có cá!…”.
Phạm Xuân Ẩn và vợ trước 1975

Phạm Xuân Ẩn đặc biệt yêu thích cây cối, thú vật. Ông thường nói, trong nhà nên nuôi ba con vật: một là chó, vì nó là con vật trung thành, “con có thể chê cha mẹ khó chứ chó không bao giờ chê chủ nghèo”;  hai là chim, con vật luôn bay nhảy, tiêu biểu cho sự làm việc bận rộn, năng động suốt ngày; và ba là cá, nó dạy cho ta sự khôn ngoan, im lặng.

Và chú bé Ẩn đã chơi các con vật từ lúc lên 5 tuổi, chứ không phải kiểu chơi chim, chơi thú cho đỡ buồn của những ông già nhàn rỗi tuổi về hưu. Thú chơi đó theo ông suốt đời và cũng phục vụ cho công việc của ông - một sự kết hợp hoàn hảo.

Theo lời ông Nguyễn Văn Lãng - “Người nuôi chó số 1 Sài Gòn”, nay là Chủ tịch Hội Cá cảnh, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố Hồ Chí Minh, thì ông quen với ông Ẩn cũng bắt đầu từ những con chó. Hồi đó, năm 1960, trên đường Hàm Nghi có một tiệm cà phê - tiệm Chao Kuen, sáng nào “dân chơi chim chơi chó” cũng ngồi đó, ông Ẩn cũng thường ngồi đây từ 7h đến khoảng 8h30, đến 9h thì sang Givral hay Brodard ngồi với báo chí và chính khách.

Ông chủ tiệm bánh mì Văn Lang giới thiệu ông Lãng đến tiệm cà phê này tìm ông Ẩn. Ông Lãng kể: “Tôi mua của ông Ẩn 1 con chó, 2 con chim”. Con chó đó là con boxer, rất hiếm. Còn 2 con chim, đến bây giờ ông Lãng vẫn còn nhớ như in: “Đầu tiên là con chích chòe lửa. Con chim đó rất kỳ lạ, nó có thể hót được cả một đoạn dài bài Le pont de Kwai (Cầu sông Kwai), là bài hát nổi tiếng lúc bấy giờ, ông Ẩn dạy cho nó hót đó.

Tôi thích con chim này quá, năn nỉ mãi, ổng thương tình nên để lại. Một thời gian sau, tôi thấy ổng lại có một con sơn ca hay quá. Giới chơi chim chuộng nhất là sơn ca, mà con sơn ca của ông Ẩn thì rất đặc biệt, nó hót một hơi đến 2-3 phút, vừa hót vừa múa, đặc biệt nhất là lông nó quắn chứ không phải mượt như những con khác, sơn ca chỉ duy nhất con này lông quắn thôi.

Nói đến con chim Huế thì hồi đó dân chơi chim ai cũng biết, vì nó nguyên là của một ông thầy giáo người Huế, không biết sao ông Ẩn mua được. Nuôi chim sơn ca công phu lắm, phải nuôi từ lúc còn non thì mới dạy được, chim già rất khó dạy. Tôi lại năn nỉ, ổng không cầm được lòng, lại bán cho tôi. Ông Ẩn lúc nào cũng có chim, không có con này ổng lại tìm con khác. Có lần tôi thấy ổng mua một con chim xanh, đó là một loại chim rừng nuôi rất khó, nhưng ổng nuôi được, tiếng hót của nó lạ vô cùng”.
 
Nhà báo chiến sự lái chiếc Renault chở chú béc giê Đức

Ông Lãng kể tiếp: “Chó cũng vậy, rời con này thì ổng có ngay con khác. Sau này ổng có một con berger, tên là King. Con chó này lúc đó là nhất hạng. Ông Ẩn không cho ai biết xuất xứ, nhưng tôi chắc không phải của người Việt Nam. Con berger này hơi già một chút nhưng ligne (hình dáng) của nó thật oai dũng, màu lông rất đẹp, chân trước cao hơn chân sau, đuôi thẳng, thòng xuống, đuôi berger mà cong lên thì hổng có giá trị gì. Con chó đó hổng chê vào đâu được. Nuôi chim hay nuôi chó, ông Ẩn đều rất kén, không như những người khác gặp con nào nuôi con đó”.
 

Cho đến tận bây giờ, khi kể với bạn bè về thú chơi và tình bạn của mình với ông Ẩn, ông Lãng vẫn nói: “Cá, chó - chơi để chơi, chơi cũng có thể để làm giàu. Hơn hết, chơi để thấm cái triết lý mà ông bạn vong niên của tôi - Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn - rút ra được: Một nhà tình báo với Tổ quốc mình cần có sự trung thành của chó và sự im lặng của cá. Vậy thôi”.

Thời ấy người ta đã quen thấy một nhà báo chuyên viết chiến sự tự lái chiếc xe hiệu Renault và luôn chở con chó đi khắp nơi. Chó của ông nổi tiếng vào hàng số một Sài Gòn, giống berger rất quý, mua từ Đức với giá 30 cây vàng. Khi ông vào các nhà hàng, quán cà phê, con chó được lệnh ngồi chờ ở ngoài xe.

Nó có thể tuân lệnh ngồi yên như thế chờ đến một, hai tiếng tới khi ông chủ ra. Nếu được vào nhà hàng, nó chui nằm yên dưới bàn. Nhà báo Morley trong bài viết sau này đã tả lại kỷ niệm cũ khi tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn ngày xưa ở nhà hàng, cái mõm đen của con chó thò ra khỏi gầm bàn im lặng khi chủ của nó đang nói cười. Đêm đêm ông viết báo cáo bí mật thì con chó nằm canh dưới chân.

Nó rất thính, có động tĩnh gì từ xa là nó đã biết, cảnh sát đi ngoài đường cách gần cây số nó đã nghe, lấy chân khều khều báo cho chủ. Sau này ông bán con chó đó để mua con khác từ Mỹ đem qua, nó cũng tinh tường một cách đặc biệt. Con chó và Phạm Xuân Ẩn đã gây ấn tượng sâu đậm với những người quen biết ông hồi đó. Nhiều năm sau này khi trở lại thăm ông trong thành phố hoà bình, trong miêu tả của họ, bao giờ bên ông Ẩn cũng có hình ảnh con chó thân thiết của ông.

Một ký giả kết thúc bài báo của mình viết: “Ẩn giơ cánh tay xương dài vẫy vẫy từ biệt cùng với tiếng chó sủa theo chúng tôi ra ngoài con lộ”.

Những ngày cuối đời sống trong khu vườn nhỏ ở Sài Gòn, Phạm Xuân Ẩn còn có con khướu đã sống 15 năm với ông. “Sáo, họa mi, năm con sóc còn hai. Nó ở đâu đó đến! Tôi treo thức ăn lên vỏ trái dừa, ngày ngày nó đến ăn rồi lại đi. Đất lành chim đậu là vậy. Sẻ rất nhiều. Súng hơi người ta bắn riết nay không còn. Hai con chích chòe lửa, tôi bắt được ở đây”. Con chim huýt cô sầu ông nuôi được 8 năm, đi chơi Vũng Tàu ông cũng mang nó theo.

Ông bận rộn suốt ngày với việc chăm sóc lũ chim thú của mình, nhưng chúng đã mang lại cho ông nhiều niềm vui thú. “Con này 10 năm rồi đó”  - ông chỉ về phía con chim quý và dẩu môi ra huýt sáo chẳng ngần ngại, như ông và chú chim kia vẫn thường nói chuyện cùng nhau.

Nhưng yêu thú vật, làm bạn với chim, chó chỉ là một nét trong tính cách, thú vui của Phạm Xuân Ẩn, một con người luôn gần gũi, yêu quý thiên nhiên. Như trên đã nói, ông là một người rất quảng giao, đi nhiều - không chỉ vì công việc, mà còn như một thú chơi. Ông tự lái xe đi Tây Nguyên, về chèo thuyền trên sông nước đồng bằng Cửu Long, hoà nhập vào cuộc sống của đủ các lớp người trong xã hội, am hiểu tường tận phong tục tập quán của từng miền, từng nhóm người.

Tay chơi Sài Thành

Và đặc biệt ông là một người rất hóm hỉnh, hài hước. Cái hài hước kiểu Nam Bộ, tưng tửng, thật thà, như nói chơi, nhưng cũng thật tai quái, nhiều khi đầy thâm ý, với những cái kết đột ngột gợi liên tưởng đầy chất dân gian. Ông kể cả những chuyện tiếu lâm oái ăm như chuyện “đi cầu” của đám cố vấn Mỹ về vùng sông nước Cửu Long cũng ngồi trên sông “tõm” như dân địa phương.

Nghe họ khen cá chốt (một loại cá nhỏ bằng ngón  tay, ngón chân cái giống hệt cá trê con) nhiều quá, ngồi đi cầu cũng thấy chúng nhảy lên, ông Ẩn “thật thà” nhận xét: “Tao thấy cá cái ít, cá đực nhiều. Con đực mập, con cái ốm”. Mấy viên cố vấn Mỹ cãi: “Vô lý, con cái bao giờ cũng mập hơn con đực. Sinh vật học thường nói vậy” - “Không tin mai xem. Chỗ mày ngồi đi cầu đó. Con đực mập, con cái ốm tong teo à. Con cái nó mải nhìn mày quên ăn, nên ốm. Còn nếu mấy bà ngồi thì ngược lại”...

Lại còn câu chuyện - gần như có thực - khi Ngô Đình Diệm thích có người Nam mà hiểu biết về Huế, về miền Bắc, thẳng thắn và vui để nói chuyện thì Phủ Tổng thống muốn chọn Phạm Xuân Ẩn vì ông đủ cả các “tiêu chuẩn”. Nhưng rồi có người cản: “Thằng Ẩn nó ẩu lắm. Nó dám dắt ông Cụ đi dancing thì lộ hết mặt đám quan chức ăn chơi đi dancing tối ngày”. Cái sợ đó không phải không có lý đối với một tay chơi “bất tử” như Phạm Xuân Ẩn!
Với những người bạn Mỹ ở Sài Gòn

Một điều đặc biệt, làm kinh ngạc những người tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời hoạt động của Phạm Xuân Ẩn là ông kết hợp có vẻ rất nhẹ nhàng việc “chơi” và làm tình báo của ông, cả hai đều đều “hoàn hảo”, đạt đến “cảnh giới thượng thừa” như nhà báo Hoàng Hải Vân nhận xét.

Ông kể: ở Sài Gòn cũ một quán cà phê rất đặc biệt là Givral nằm trên góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi, gần các khách sạn và Continental, đó là một trong những trung tâm của thời cuộc, nơi tụ họp của các chính khách, tướng lĩnh, các nhà báo trong và ngoài nước, đây cũng là nơi đủ các loại tình báo, từ CIA, tình báo Anh, Pháp, Đài Loan… và cả tình báo “Việt cộng” nữa, đến săn tin, hành nghề.

Ở đây Phạm Xuân Ẩn được chủ quán dành riêng cho một bàn cố định, ông cũng trở thành một trong những “trung tâm” của quán cà phê này. Sáng sáng, ông dắt con chó berger của mình đến ngồi đó và... “chửi thề như bắp rang” (lời chủ bút báo Tin Sáng Ngô Công Đức); thỉnh thoảng có các cô cave, vũ nữ đến ngồi với ông, hễ bị cảnh sát rượt đuổi là  họ “bám” vào ông như một chỗ dựa.

Và tất nhiên, Givral phải nằm trong “tầm ngắm” của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Họ cho người đến theo dõi, ghi âm những ai phát ngôn “có lợi cho Cộng sản”. Biết việc đó, Phạm Xuân Ẩn thường khéo léo bảo vệ cho những người mà ông  đoán là “thân Cộng” bằng cách nói thật to lên, lấn át hết cả tiếng của mọi người, và trong những cuốn băng ghi âm mang về đều không nghe thấy gì ngoài tiếng cười  nói và chửi thề của Phạm Xuân Ẩn. Những người của Phủ Đặc ủy trách ông cản trở công việc của họ, ông cười, bảo: “Làm sao tôi biết mấy ông đến đó ghi âm”.

Biết quá rõ tính cà rỡn của ông, họ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, tuyệt đối không nghi ngờ gì hết.

Một nhân cách lớn

Nhưng bao trùm lên tất cả, cái làm nên một Phạm Xuân Ẩn trong lòng bè bạn, nhân dân, kể cả những đối thủ của ông, là một nhân cách lớn. Một con người sống có lý tưởng rõ ràng, yêu nước, nhân văn, và rất khiêm nhường, giản dị.

Ông không bao giờ nói đến những chiến công của mình, ông nhắc đi nhắc lại với những nhà báo phỏng vấn ông, muốn viết về ông rằng “không nên tô vẽ”, rằng ông chỉ là một khâu, một mắt xích bé nhỏ trong hệ thống tình báo của chúng ta, rằng thông tin tình báo dù chính xác đến đâu cũng chỉ có giá trị 50%, 50% còn lại là tài năng phân tích, xử lý của cấp trên.

Bình luận của báo chí nước ngoài khi Phạm Xuân Ẩn mất 20/9/2006

Hãng AP nhận xét:
“Trong lịch sử tình báo chiến tranh, ít ai thành công như Phạm Xuân Ẩn. Suốt mười lăm năm chiến tranh ở Đông Dương, ông bước đi giữa hai thế giới, vừa làm một nhân viên tình báo Cộng sản, vừa làm báo, đầu tiên cho Reuters và trong 10 năm sau đó là phóng viên chính của Time - một vai trò khiến ông tiếp cận được với các căn cứ quân sự và việc thông báo tin tức. Ông nổi tiếng về các nguồn tin của mình đến mức nhiều người Mỹ quen biết ông tưởng ông làm việc cho CIA”.

Tạp chí Time:
“Chiến tranh Việt Nam sản sinh ra những câu chuyện, những nhân cách lạ kỳ. Nhưng không có gì giống với phóng viên Phạm Xuân Ẩn. Ông có một cuộc đời mà không ai trong chúng ta biết rõ. Nhưng bất kể ai trong số chúng ta từng làm việc với ông đều hiểu, Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hạng nhất, là người nắm bắt sâu sắc nhất những thông tin, những hiểu biết về chính trị, lịch sử chiến tranh Việt Nam’’...

Hãng BBC bình luận:
‘’Ông là một trong số những điệp viên cộng sản được Tây Phương biết đến nhiều nhất’’. “Ông vừa là điệp viên vừa là nhà chiến lược. Ông có mạng lưới liên lạc sâu sát với người Mỹ và có khả năng phân tích tình huống xuất sắc. Họ chưa bao giờ bắt được ông. Ông là điệp viên hoàn hảo”.
Ông chỉ có một mục đích là vì nước vì dân, cả cuộc đời ông hiến dâng cho mục đích đó, nhưng ông không lấy mục đích biện minh cho phương tiện, ông dành cả cuộc đời để góp phần làm thất bại những mưu đồ của kẻ địch cướp đoạt đất nước mình, chống lại nhân dân mình chứ tuyệt đối không làm tổn hại đến cá nhân ai, dù người đó nằm trong hàng ngũ của đối phương.

Ông hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp chống cuộc xâm lược của Đế quốc Mỹ nhưng ông không chống người Mỹ, nước Mỹ, làm bạn với nhiều người Mỹ, học hỏi những điều văn minh ở nước Mỹ. Đáp lại những câu hỏi của nhà báo Morley Safer, cũng là những băn khoăn của nhiều người về ông, Phạm Xuân Ẩn nói một cách dứt khoát: “Cho dù tôi yêu nước Mỹ đến như thế nào, Mỹ không thể có quyền gì ở đây. Bằng cách này hay cách khác người Mỹ cũng bị đẩy ra khỏi Việt Nam. Chúng tôi phải tự chọn cách  xây dựng  xứ sở mình”.

Một con người trong cuộc chiến đấu một mất một còn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm trọn công việc mà đất nước cần, lại vừa giữ được lòng kính trọng của những người thuộc phía đối phương, thì đó phải là một nhân cách lớn. Hơn thế nữa, con người này trong những ngày tháng hoà bình nhưng không kém phần khó khăn, quyết liệt sau thắng lợi của đất nước cũng thẳng thắn và trung thực phát biểu quan điểm của mình trước những con người đã từng là đối thủ chiến bại của mình.

Khi  Morley hỏi về những suy thoái và khó khăn đang diễn ra ở Việt Nam sau chiến tranh: “Tại sao cuộc cách mạng gặp những thất bại?”. Phạm Xuân Ẩn đã nói thẳng thắn như xưa nay vẫn phân tích thực chất các hiện tượng một cách khách quan: “Có nhiều lý do. Có quá nhiều lỗi lầm chỉ vì sự dốt. Như mọi cuộc cách mạng, chúng tôi gọi đây là cuộc cách mạng nhân dân, nhưng dĩ nhiên chính nhân dân là thành phần đầu tiên chịu khốn khổ”.

Ông cũng không ngại ngần nhận định: “Khi nào mà dân chúng còn ngủ đầu đường xó chợ thì khi đó cuộc cách mạng còn thất bại. Không phải do giới lãnh đạo là những người tàn nhẫn, nhưng đó là hậu quả của chính sách cha chú của nhân dân cũng như các lý thuyết lỗi thời về kinh tế”. Khi nghe ông nói như vậy, nhà báo Mỹ không khỏi bật ra câu hỏi: “Anh không ngại phải nói thẳng ra như vậy sao? Có nguy hiểm không?”.

Ông đáp ngay rằng mọi người đều biết ông nghĩ gì, vì ông không giấu giếm những suy nghĩ trung thực của mình. Không phải bây giờ, mà là từ ngày xưa, từ bản chất. Và ông cười lớn: “Tôi cũng quá già để mà câm miệng lại”.

Những ngày tháng cuối cùng

Sau hàng chục năm hút thuốc lá, năm 2003, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đã phải nằm viện điều trị với chẩn đoán liệt tế bào phổi do thời trẻ hút quá nhiều thuốc lá. Ông bảo với bạn bè: “Từ nhỏ đến lớn tôi không chịu nằm viện bao giờ, đây là lần đầu phải chịu”.

Rồi ông nhập viện lần thứ hai, thứ ba… và lần cuối cùng là vào cuối tháng 7 năm 2006. Ông nhiều lần rơi vào trạng thái hôn mê, nhưng mỗi lần tỉnh dậy, ông vẫn hóm hỉnh đùa: “Tôi bảo: hôm đó 13, thứ 6. Mỗ dám đi theo Chúa Jesu lắm… Nhưng Chúa bảo: Khoan. Đủ 13 tông đồ rồi. Còn dưới âm phủ thì bảo: Còn đông lắm, nhiều đứa lắm tội ác lắm, đang tra hỏi. Chưa nhận tiếp. Cậu xuống chúng tôi xử chưa kịp. ở tạm trên đó đã”.

Ông còn kể: “Có lần tôi đau ốm, một số tờ báo của Mỹ cử người qua xem chết chưa để đăng tin. Họ báo về toà soạn: Khoan viết. Chưa chết. Vẫn còn nói dóc”.

Những ngày tháng ông nằm ở viện, rất nhiều chuyên gia hàng đầu về bệnh phổi đã được mời đến để hội chẩn và tìm phương pháp điều trị cho ông. Song do bệnh tình của ông quá nặng, 11 giờ 20 phút sáng ngày 20 tháng 9 năm 2006, ông đã trút hơi thở cuối cùng.

 

 Đời người tình báo thế là xong

Tình dân, nghĩa Đảng, nợ non sông

Làm trai trong suốt thời ly loạn

Anh thật xứng danh một anh hùng !...

Xuân Ẩn từ nay ẩn thật rồi!

Bạn bè thương tiếc mãi không nguôi.

 

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2