Lượt thăm:241647240   Đang Online: 1190

Số lượt xem: 4551
Gửi lúc 15:27' 09/09/2011
Đại ca của tướng cướp Điềm Khắc Kim

Ông Tư Thuận - tay giang hồ một thời lẫy lừng danh tiếng ở khu vực Ngã ba Cây Thị TP.HCM tâm sự vào lúc bạo bệnh: Đời ông giang hồ có, tội lỗi có, hoàn lương giúp người giúp đời cũng có. Còn cái có đáng quý hôm nay là mình đã sống tốt với mọi người hơn nửa đời còn lại… Dẫu cuối đời có lệ tràn mi mình vẫn vui khi đã trút bỏ được những nỗi niềm.

Tôi trở lại núi Chứa Chan - Gia Lào, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vào giữa trưa trung tuần tháng 8/2011 với mục đích viếng thăm ông Tư Thuận - tay giang hồ một thời lẫy lừng danh tiếng ở khu vực Ngã ba Cây Thị TP.HCM khi ông đang bị tai biến nặng. Biết mình khó qua cơn bạo bệnh, ông cố nói hết những điều muốn nói để tâm hồn được thanh thản. Bảy mươi năm cuộc đời, bây giờ đã đến lúc mình kiểm nghiệm những gì đã qua - ông nói. Đời ông giang hồ có, tội lỗi có, hoàn lương giúp người giúp đời cũng có. Còn cái có đáng quý hôm nay là mình đã sống tốt với mọi người hơn nửa đời còn lại… Dẫu cuối đời có lệ tràn mi mình vẫn vui khi đã trút bỏ được những nỗi niềm.

Giang hồ dưới thời loạn lạc

Theo lời ông kể thì Sài Gòn trước năm 1975, người ta biết đến Điềm Khắc Kim, một tướng cướp kỳ lạ với nhiều giai thoại lẫn chuyện có thật trăm phần trăm mà giới giang hồ cũng như lực lượng cảnh sát phải kiêng nể.  Sau ngày giải phóng hắn cũng làm khuynh đảo trật tự trị an một thời ở các tỉnh miền Tây và Sài Gòn. Nhưng ít ai biết Điềm Khắc Kim một thời chính là đàn em của ông - một tay giang hồ nổi tiếng dao búa trước giải phóng tại khu vực ngã ba Cây Thị (quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp, Sài Gòn), nhân vật chính trong câu chuyện giang hồ mà tôi đang đề cập.

Trong những đứa bé sinh ra ở làng Cây Thị, quận Gò Vấp vào mùa hè năm Giáp Thân 1944 có Tư Thuận, tên đầy đủ là Trương Văn Thuận, người con thứ ba và là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân nghèo. Ngay sau khi ông lọt lòng, mẹ ông thường bảo “thằng này lớn lên lành ít dữ nhiều, cái hậu cuộc đời chắc là buồn lắm đây”.

Ngẫm nghĩ về cuộc đời mình, Tư Thuận cho rằng những lời mẹ ông đã nói về ông quả không sai. Để biết rõ về tiền vận của một tay giang hồ như Tư Thuận có lẽ ta nên ngược dòng thời gian bởi thời gian là tấm gương phản chiếu toàn bộ sự thật về một con người mà Tư Thuận cũng không ngoại lệ.

Là cậu bé thông minh, lanh lẹ và gan dạ, lại được sinh ra và lớn lên dưới thời loạn lạc, một chế độ đầy rẫy bất an đối với người dân, Tư Thuận sớm có ý thức phải tự bảo vệ mình và dân lành trước sự bất công ức hiếp của các thế lực. Tuy không chống dám chống lại chính quyền một cách công khai nhưng Tư Thuận cũng ngấm ngầm làm những việc mà cảnh sát không thể không sờ gáy đó là tụ tập đàn em lập băng nhóm giang hồ, bảo kê sòng bạc, các động em út.

Ông quan niệm nếu không lập băng nhóm giang hồ mạnh ở khu vực này để bảo vệ việc làm ăn của các sòng bạc và các động em út thì những năng nhóm giang hồ nơi khác sẽ đến ức hiếp, quấy nhiễu việc làm ăn của người dân ở khu vực ngã ba Cây Thị mà có khi phải đổ máu.

Chính từ suy nghĩ ấy mà Tư Thuận luôn bảo vệ người dân lương thiện, nghèo khổ, giúp đỡ họ với khả năng của mình. Chính việc làm của ông đã thu phục không ít kẻ giang hồ chọc trời khuấy nước trước đó về dưới trướng ông. Cái cách hoạt động giang hồ khác người của ông nên ông được người dân nơi đây chở che khi hữu sự, nhất là mỗi khi cảnh sát truy lùng.

Vợ chồng Tư Thuận năm 1992

Thấy tướng tá của Tư Thuận và được biết những chiến tích giang hồ của ông, năm 15 tuổi, Điềm Khắc Kim xin được làm đệ tử. Nhớ hôm Điềm Khắc Kiêm chắp tay đứng trước mặt ông, Tư Thuận nói “nhìn tướng cậu, anh nghĩ cậu là con ngựa chứng rất khó trị”. Điềm Khắc Kiêm không nói gì, miệng bậm chặt môi cúi đầu im lặng. Tư Thuận buông thêm một lời cảnh báo “có làm giang hồ thì giang hồ chống giang hồ chứ đừng có phá phách ăn hại người dân là không được đâu đó”. Điềm Khắc Kiêm dường như bất phục những lời lẽ của bậc đàn anh.

Hắn cúi đầu im lặng và không hề chớp mắt. Biết hắn khó trị nhưng có cá tính, Tư Thuận kiên trì chỉ bảo và khuyên răn hắn không được cướp bóc hay làm những việc gây nguy hại cho dân lành. Lúc đầu khi còn nhỏ Điềm Khắc Kiêm còn dạ vâng nhưng lớn lên vài tuổi thì hắn lộ rõ bản chất lưu manh trộm cướp của một tên giang hồ khá manh động và liều lĩnh. Mặc dù đã được Tư Thuận nhiều lần can gián nhưng Điềm Khắc Kim vẫn rẻ lối bất lương và trở thành tên cướp khét tiếng khiến Tư Thuận từ mặt.

Hành trình giang hồ và những cuộc chống giang hồ nẩy lửa

Năm 14 tuổi, Tư Thuận được võ sư Thiếu lâm tự Nguyễn Tấn Đàn nhận dạy võ tại gia. Nguyễn Tấn Đàn là một cao thủ võ lâm nổi tiếng thời bấy giờ mà đối thủ của ông là những võ sĩ nhiều năm thượng đài bất khả chiến bại. Ông đã từng thi đấu võ đài tranh vùng mà mỗi trận đấu là hai cái quan tài để sẵn.

Và chưa một lần ông bại trận bởi mỗi khi ông tung cú đá Bình Sa Lạc Nhạn thì không một đối thủ nào chống đỡ kịp. Đã không dưới một lần ngón đòn bí hiểm ấy đã lấy mạng đối thủ trong một trận quyết đấu gần một tiếng đồng hồ. Trận đấu ấy đối thủ ông bỏ mạng nhưng ông cũng chẳng vui vì đã cướp đi sinh mạng một con người.

Nhưng luật đấu võ đài là vậy nên đành phải chấp nhận dẫu không muốn giết người. Từ đó, oan oan tương báo, võ sư Đàn cứ đau đầu gối liên tục rồi từ giả cõi đời sau vài năm không cứu chữa được. Điều đó cũng phần nào làm cho tay giang hồ Tư Thuận ớn lạnh không muốn theo nghiệp võ của sư phụ Đàn.

Tuy chỉ một năm võ luyện nhưng Tư Thuận cũng đã hấp thụ được những tinh túy ngón võ tuyệt kỹ của võ sư Đàn. Dù không theo con đường võ nghệ của sư phụ Nguyễn Tấn Đàn nhưng Tư Thuận đã học được ngón Bình Sa Lạc Nhạn đầy uy lực và bí hiểm mà sau ngày giải phóng, ở trại Tống Lê Chân, Tư Thuận đã tấn công một tên đầu gấu để tự cứu mình.

Tuy mới 15 tuổi nhưng Tư Thuận đã tỏ ra là một tay giang hồ có máu mặt. Nghe tiếng Tư Thuận, Tư Thi - một hung thần ở Gia Định - đã bí mật thử đòn gan lì của Tư Thuận tới đâu. Tư Thi cố tạo một cuộc đụng độ tình cờ và thấy Tư Thuận rất có bản lĩnh khi cương quyết không chấp nhận đòn gối một gã giang hồ từ nơi khác đến. Sau lần ra mắt khá ấn tượng của Tư Thuận, Tư Thi bắt đầu dìu dắt đỡ đầu Tư Thuận trong hoạt động giang hồ. Từ đó, chiến tích giang hồ của Tư Thuận ngày một dày thêm. Năm 18 tuổi, xét thấy mình đã đủ bản lĩnh giang hồ, Tư Thuận quyết định trực tiếp cai quản khu vực ngã ba Cây Thị, quản lý các sòng bạc và hàng tá em út hoạt động mại dâm.

Nhưng vào giai đoạn 1960 -1970, cảnh thanh toán tranh giành lãnh địa của các băng nhóm giang hồ diễn ra như cơm bữa. Máu của giang hồ hòa lẫn máu chiến tranh đã nhuộm đỏ nỗi đau thương tan tóc của dân lành, trong đó có máu của người dân khu vực ngã ba Cây Thị khiến nước mắt của kẻ giang hồ Tư Thuận cũng phải rơi.

Trước tình cảnh bi thương ấy, Tư Thuận quyết chí bảo vệ người dân nơi đây làm ăn theo cách của mình. Ông tổ chức mạng lưới đàn em đông đảo, chia nhau cát cứ ở nhiều vị trí chiến lược trong từng khu phố, từng sòng bạc và các tụ điểm em út. Mỗi khi cảnh sát vây ráp là ông chỉ huy đàn em lui trốn khá an toàn. Còn khi bọn giang hồ nơi khác đến cướp bóc, quậy phá thì ông tổ chức tấn công đánh trả quyết liệt không khoan nhượng.

Kể về một thời đao búa, Tư Thuận nói chẳng tự hào cho lắm nhưng đó khi đó phải thuận theo thời cuộc mà sống. Ông kể, một hôm vắng Tư Thuận, băng nhóm giang hồ do Mẩm Cao từ nơi khác kéo đến hốt sòng bài, bắt gái. Hôm ấy do đàn em của Tư Thuận bỏ địa bàn đi chơi hết nên Mẩm Cao và đồng bọn mới hành động một cách ngang nhiên như chốn không người. Được tin, Tư Thuận lập tức chỉ huy số đàn em còn lại dùng mã tấu quyết chiến. Lúc đầu băng nhóm Mẩm Cao hùng hổ tuyên bố lấy mạng Tư Thuận và đàn em.

Thế là cuộc thanh toán đẫm máu của hai băng nhóm giang hồ nổ ra với những âm thanh mã tấu chát chúa vang lên làm kinh động phố phường. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ xáp chiến, băng nhóm Mẩm Cao yếu thế nên đành rút lui.

Trước khi thoát chạy, Mẩm Cao đã in trên mình ba nhát dao cảnh cáo của Tư Thuận và đàn em. Sau trận bị tắm máu ấy, Mẩm Cao và đàn em không dám bén mảng đến khu vực Ngã ba Cây Thị  nữa, nhưng sóng gió giang hồ cũng đâu dễ bình yên mà cứ thỉnh thoảng lại có những cuộc đụng độ giang hồ nay lửa.

Nghe danh Tư Thuận, nhiều băng nhóm khác muốn hạ sát nhưng không một băng nhóm nào tới khu vực ngã ba Cây Thị mà không trở về với thương tích đầy mình và một bài học nhớ đời. Rồi cuộc quyết chiến đẫm máu khác lại nổ ra giữa băng Tư Thuận và băng đầu gấu Năm Lửa từ khu vực Chuồng Chó sang. 

Trương Văn Thuận (hay còn gọi là Tư Thuận) lúc còn khỏe cách đây vài năm.

Vào đến đầu hẻm, Năm Lửa và tên đàn em liền khiêu chiến, thách đấu. Đám đàn em của Tư Thuận nhốn nháo muốn ra tay trừ khử hai tên giang hồ ngạo mạn. Không muốn đàn em đổ máu vô ích, Tư Thuận khoát tay ra hiệu cho đám đàn em lui vào, chỉ một mình anh cầm mã tấu bình thản bước ra. Năm Lửa và tên đàn em tướng tá bặm trợn đã liên tiếp vung mã tấu tấn công anh. Né những đường dao và mã tấu hiểm hóc, Tư Thuận nhanh chóng giành thế chủ động phản công và chém tên thách thức Năm Lửa gục tại chỗ, tên thứ hai lãnh 2 nhát. 

Tư Thuận bước tới, tên thứ hai quá khiếp hãi cầu xin tha mạng. Tư Thuận hạ mã tấu cảnh cáo tên thứ hai và buông tiếng cảnh cáo  “Mày nhớ những nhát chém trên tay đó nhé, đừng bao giờ ngạo mạn đến đây nữa. Nếu đến để hữu hảo thì anh sẵn sàng tiếp đón, còn đến để gây chiến thì coi chừng bỏ mạng đó”. Sau tiếng dạ, tên giang hồ ôm cánh tay đầy máu biến khỏi đám đông.

Chiến tích giang hồ lẫn hành vi trốn lính khiến Tư Thuận bị cảnh sát và quân cảnh liên tục truy lùng. Hai mươi tuổi đời với 5 năm làm giang hồ, Tư Thuận đã in đậm dấu ấn của một đàn anh có số má ở khu vực Ngã ba Cây Thị khiến các đàn em nể phục cái dũng, cái gan lì và cả cái cách làm giang hồ của anh.

Thế rồi năm 1964, sau những cuộc bố ráp thất bại, lực lượng cảnh sát và quân cảnh đã tổ chức một cuộc bao vây truy lùng giang hồ và những kẻ trốn lính với qui mô lớn ở khu vực Ngã ba Cây Thị khiến Tư Thuận và một số tên đàn em không thoát khỏi lưới vây, Tư Thuận bị bắt đi lính quân dịch vào mùa hè năm ấy.

Sau 3 tháng quân trường, Tư Thuận được đưa lên Củ Chi. Nhưng ngay chiều nhập quân, anh đã đào ngũ. Năm 1965, bị xử 5 năm cấm cố, đưa đi lao công đào binh tại Trung đoàn 5, Quán Gò, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách Sài Gòn gần một ngàn cây số. Không chịu nổi cảnh lao công cực khổ, Tư Thuận âm thầm tính toán cho một dự mưu trốn trại.

Và ngày cuối cùng của tháng đầu tiên thì Tư Thuận liền “bùng”. Sau khi trốn khỏi nơi lao động, Tư Thuận vào chùa Từ Lâm, được thầy trụ trì cạo đầu, mặc áo cà sa rồi trực tiếp đón xe đò cho về thành phố an toàn. Lệnh truy nã liên tục đuổi theo, Tư Thuận liền xung lính biệt kích đóng ở Trà Cú, Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa (tỉnh Long An ngày nay). Đời binh chiến biết sống chết ra sao nên Tư Thuận và nhiều binh lính chán nản không muốn cầm súng ra trận mà tìm mọi cách để được đi tù khỏi chết.

Trong một đêm Tư Thuận và ba người lính cùng đơn vị mang súng đi chơi, khi lính kiếm em út gây gỗ với bọn lính thiết giáp, Tư Thuận đứng ra giải hòa nhưng bọn thiết giáp vẫn tỏ thái độ muốn làm vua. Trước thái độ hống hách của tên chỉ huy đầu nhóm thiết giáp, Tư thuận nổi máu giang hồ liền kéo hết băng đạn M16 làm tên trung úy, chi đội trưởng thiết giáp chết tại chỗ.

Những người lính cùng đi bảo cùng nhau bỏ trốn, Tư Thuận liền quạt: “Tao là quân tử, không phải kẻ tiểu nhơn, dám làm mà không dám chịu”. Thế là anh ung dung về trại chờ quân cảnh đến còng tay. Sau đó Tư Thuận bị xử 16 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo vào tháng 3/1974. Tháng 5/1977, Tư Thuận được chính quyền cách mạng phóng thích.

Giang hồ hoàn lương và những giọt nước mắt cuối đời    

Được phóng thích trở về địa phương, Tư Thuận quyết tâm làm lại cuộc đời. Nhưng con đường hoàn lương của anh cũng lắm chông gai. Thời bấy giờ không dễ tin ngay một con người đã từng làm giang hồ chọc trời khuấy nước, dám xả súng giết người nên Tư Thuận đã gặp không ít khó khăn trên con đường tìm về nẻo thiện. 

Nhà Tư Thuận gần đường ray xe lửa. Thời điểm năm 1978, 1979, việc cướp bóc trên tàu ở khu vực này thường xuyên xảy ra, Tư Thuận bị “chấm” và anh có lệnh tập trung theo chủ trương những người tù tha về phải được tiếp tục cải huấn. Ngày 17/6/1979, Tư Thuận tập trung lên Trại Tống Lê Chân. Ý chí hoàn lương đã thôi thúc Tư Thuận luôn nghĩ về con đường tương lai phía trước và anh đã từng ngày phấn đấu cho mục tiêu tốt đẹp ấy. 

Thấy sự tiến bộ của anh, trại phân công anh làm Đội trưởng Đội 9K3. Đội này là đội rất đặc biệt bởi có một số tay giang hồ dao búa nổi tiếng một thời đang cải tạo tại đây, trong đó có Tùng Xẻo - một đầu gấu từ đội khác mới “dạt” về quen thói giang hồ anh chị đã không phục tùng Tư Thuận. Vừa nhập đội, Tùng xẻo đã tỏ thái độ thách thức: lao động thì chống cuốc, lời lẽ thì xấc xược. 

Bây giờ ngồi suy ngẫm, Tư Thuận kể, khi ấy ông nhỏ nhẹ với Tùng xẻo: “Vào đây là biết thân phận mình rồi, chỉ có chấp hành và thật sự cải tà qui chánh mới mong có ngày sum họp gia đình”. Trước những lời lẽ vừa khuyên lơn vừa có ý răn đe của Tư Thuận, Tùng Xẻo buộc phải cuốc đất nhưng chỉ làm qua loa trong khi ánh mắt thì cứ trừng trừng nhìn Tư Thuận như muốn ăn tươi nuốt sống anh. Tư Thuận không mấy khó khăn để nhận biết điều đó nên anh rất cảnh giác.

Trên đường về trại, Tư Thuận đi phía ngoài hàng. Thoáng thấy bóng vút qua đầu, Tư Thuận liền nghiêng người thì cái cuốc con gà từ trên bay xẹt qua đầu cắm phập xuống đất. Né nhát thứ hai, Tư Thuận tung ngay cú đá Bình Sa Lạc Nhạn khiến Tùng Xẻo ngã sấp và sùi bọt mép.

Bằng những kinh nghiệm nhà võ, Tư Thuận lập tức khai thông huyệt đạo. Tùng Xẻo tỉnh lại và sau đó bị biệt giam 15 ngày. Con ngựa chứng là con ngựa giỏi, Tư Thuận tâm niệm như vậy nên bảo lãnh cho Tùng Xẻo về và tiếp tục chỉ cho Tùng Xẻo thấy được lẽ đời. Từ đó, Tùng Xẻo xin kết nghĩa đệ huynh với Tư Thuận. 

Một ngày cuối tháng 3/1982, Tư Thuận ra trại, Tùng Xẻo khóc như mưa vì phải xa người anh giang hồ đầy dũng khí và biết sống theo lẽ đời. Sau khi về phường 11, quận Bình Thạnh, Tư Thuận thật sự hoàn lương. 

Với uy danh giang hồ của mình, Tư Thuận đã cảm hóa thuyết phục nhiều đàn em giang hồ, trộm cắp, cướp giật… từ bỏ con đường phạm pháp để làm lại cuộc đời. Trong 10 năm (1982 - 1992), với tư cách một người lương thiện, sống có trách nhiệm với xã hội, Tư Thuận đã có phần đóng góp vào việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. 

Chuyện tình cảm yêu đương của giang hồ Tư Thuận kể cũng thú vị. Kể lại, ông cũng buồn vui lẫn lộn. Theo ông, ngày mà giang hồ hai tay hai dao ấy, quản lý hàng tá em út bảo sao tránh khỏi chuyện yêu thương nhưng cô nào được ông thương thì tuyệt nhiên không được làm cái nghề mà ông không chấp nhận bởi cái máu ghen của ông cũng dữ lắm. Ông đã trải qua ít nhất 19 cuộc tình nhưng chỉ có hai cuộc tình đẹp nhất. Đó là hai người vợ in đậm trong ký ức của ông gồm: một người của ngày xưa và người của bây giờ.

Người ngày xưa là bà H.H là một hoa khôi lại ở trong khu gia binh với hàng trăm quân lính nên không tránh khỏi nhưng ánh mắt cú vọ của những gã si tình. Mặc dù H không để ý gì đến họ nhưng không hiểu sao ông cứ ghen tuông vô cớ rồi chia tay H “Bây giờ nghĩ lại cảm thấy mình thật phi lý” - ông nói. 

Từ ngày chia tay người vợ mà ông yêu thương cuồng nhiệt nhất, trái tim ông như đã khép chặt, ông không còn nghĩ gì đến chuyện vợ con nữa. Nhưng rồi chuyện của con tim làm sao lý trí hay biết được. Và trái tim ông lại rộn ràng khi gặp người của bây giờ, bà Nguyễn Thị Oanh vào năm 1992. Đám cưới của Tư Thuận và bà Oanh thật đơn giản. 

Sau nhiều lần viếng chùa Gia Bào trên núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, Tư Thuận cùng chị Oanh tâm niệm nguyện sống cùng nhau đến trọn đời và chọn núi Chứa Chan làm nơi ẩn cư lạc nghiệp. 

Những ngày đầu, núi rừng hoang vu buồn bã, mưa gió bão bùng, ăn uống thiếu thốn khiến vợ ông nản lòng muốn quay về TP.HCM. Tư Thuận thuyết phục bằng chân lý: “Trong cái hoang vu ấy đang tìm ẩn một sự sống mãnh liệt. Để đổi lấy sự sống ấy, chúng mình phải đổ bao mồ hôi công sức, nhưng thuận vợ thuận chồng, tin rằng mai này mình sẽ có tương lai tốt đẹp”. Đã quá hiểu về cuộc đời và bản lĩnh Tư Thuận nên bà Oanh đã nghe chồng và cùng quyết chí gây dựng tương lai.

Một túp lều tranh, hai trái tim vàng đúng nghĩa đã hiện diện dưới chân núi Chứa Chan, ngay đường lên chùa Gia Bào. Từ đó, ngày ngày, vợ chồng Tư Thuận lên núi đốn củi về bán mua gạo, hái lan rừng về bán cho khách đi viếng chùa. 

Với cái búa trên vai, Tư Thuận được người dân địa phương gán cho cái tên nghe thật dữ dằn: ông Tư Búa. Người hoa mỹ thì gọi ông là gã tiều phu trên núi Chứa Chan. Nhưng bằng ngôn từ nào thì cũng chỉ là cách gọi tên, cách nói thiện cảm của bà con nơi đây dành cho bởi ông không hề làm điều gì phiền toái mà ngược lại còn giúp họ khi hữu sự.

Với cái búa trên vai, nhưng ông Tư Búa chỉ đốn củi khô, tuyệt nhiên không chặt một cây tươi dù chỉ là củi tạp bởi ông ý thức được rằng, một sự phá hại rừng dù nhỏ hôm nay cũng đủ để hủy diệt cả một môi trường sống của tương lai, nghe cũng có vẻ “nực cười” với một con người từng một thời dao búa oanh liệt.

Thời gian thấm thoát trôi đi, người dân thôn Trung Sơn và hành khách viếng chùa càng thấy rõ bản chất hoàn lương, đoạn tuyệt giang hồ của Tư Thuận. Đối với ông, hoàn lương không có nghĩa tự thân mình tu nhân tích đức mà còn là việc giúp người đời, sống có trách nhiệm với xã hội, góp sức giữ gìn an ninh trật tự địa phương. 

Không ít lần Tư Thuận bỏ công việc làm ăn buôn bán để cùng lực lượng dân phòng ngăn chặn hoạt động của kẻ xấu, giúp bà con vượt qua lúc khó khăn hoạn nạn. Trong thôn xóm, khi xảy ra mâu thuẫn đánh nhau, ông Tư Búa đều can thiệp hòa giải. Đầu năm 2003, chính quyền địa phương phân công ông làm Đội phó Đội dân phòng. Với trách nhiệm được giao, ông cùng anh em dân phòng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Gần 20 năm trôi qua, ý chí hoàn lương đã giúp tay giang hồ khét tiếng Tư Thuận gác kiếm, thật sự trở về tính bổn thiện của con người. Bằng ý chí và nghị lực của mình, tư Thuận không chỉ thành công trên quá trình dừng bước giang hồ mà cả trên lĩnh vực làm ăn kinh tế. Từ chỗ hai bàn tay trắng đến nay vợ chồng ông đã có một cơ ngơi nhà cửa khang trang, vườn cây trái sum suê hoa trái, thu nhập ổn định. 

Ngày ngày, vợ chồng Tư Thuận bán nước giải khát và giữ xe cho khách viếng chùa. Thỉnh thoảng, thấy gã tiều phu Tư Búa lên núi Chứa Chan, nhiều người hỏi ông: Bây giờ cuộc sống khá giả rồi, lên núi làm chi cho cực? Ông cười trả lời, núi đã cưu mang, tạo đựng lại cuộc đời ông, núi giúp ông sống tốt hơn với chính mình và bà con chòm xóm. Rừng núi đã là nhà.

“Ngẫm chuyện đời mình có quá nhiều điều sai quấy nên phải quyết chí hoàn lương” – tâm sự với tôi ông Tư Thuận đã ân hận như thế. Nhưng cũng may mà đã kịp dừng bước giang hồ và đã thật sự hoàn lương. Ông tự hào đã làm được những điều mà ông thấy rất khó nếu không có quyết tâm và nghị lực. 

Chỉ tiếc rằng đến những năm tháng cuối đời thì ông lại mang trong mình nỗi sầu nhân tình thế thái, đó là chuyện người vợ sau đã bỏ ông mà đi vào cửa phật năm 2006 vì lý do riêng của bà, để lại trong ông nỗi niềm nhớ thương da diết với những giọt nước mắt cuối đời đầy chua xót đắng cay. Cũng may mà có vợ chồng cô em gái đã cưu mang chăm sóc ông những lúc trái gió trở trời, nhất là khi ông đang chống chọi với cơn tai biến trầm trọng suốt bốn năm nay.

Giờ đây dù tuổi cao sức cùng lực kiệt, ông Tư Thuận, mà người dân địa phương thường gọi là ông Tư Búa vẫn quyết sống trọn những ngày còn lại của đời người cho thật ý nghĩa. Bởi ông đã nếm trải bao cay đắng của cuộc sống giang hồ, phung phí một đời trai trẻ mà đến bây giờ thật sự là thấy hối tiếc, thấy quý trọng từng ngày, từng giờ. Dù nay sức đã tàn, lực đã kiệt.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2