Lượt thăm:240916440   Đang Online: 710

Cuộc sống quanh ta » Sức khỏe là Vàng »


Số lượt xem: 8497
Gửi lúc 15:25' 08/01/2012
Rượu bổ, Lợi - Hại ( P2 )
Phần 2 :  Rượu Minh Mạng không giúp trường thọ

Nhiều quý ông muốn được khoẻ như vua và sinh quý tử nên không ngần ngại tự cắt "Minh Mạng thang" về ngâm rượu để uống. Rốt cuộc không ít người uống rượu trường thọ thành đoản thọ, muốn sinh quý tử thì thành hoạn quan.


BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, bài "Minh Mạng thang" được lưu truyền trong dân gian tương truyền là bài thuốc có công hiệu bổ thận rất cao, được ca tụng là thứ rượu uống vào có thể "nhất dạ ngũ giao sinh quý tử" do các ngự y của thái y viện triều Nguyễn lập ra cho vua Minh Mạng.

Thực tế, "Tôi đã từng phản biện một đề tài về Minh Mạng thang, hiện chưa có câu trả lời. Đó là Minh Mạng dùng bài thuốc này để được "Nhất giạ ngũ giao sinh lục tử". Vậy tại sao Tự Đức không uống thuốc này để có con mà phải lấy cháu lên ngôi? Tại sao ông Khải Định cũng không uống để đẻ nhiều con trai?", BS Hướng nói.

Vấn đề ở đây đã là thuốc thì phải do cơ địa từng người, bài thuốc bổ dương của người nào phải do thầy thuốc khám lại, xem thận của anh hư đến mức nào, tuổi tác của anh ra sao để gia giảm thuốc chứ không phải người này uống tốt là người kia cũng tốt.

Lương y Trần Văn Quảng, phó tổng biên tập Tạp chí Đông y khẳng định, không có vị thuốc nào có công dụng để sinh con trai hay con gái cả. Uống thuốc bổ, rượu bổ là giúp cơ thể khoẻ mạnh, khi đó sức khoẻ tình dục cũng mạnh lên và người ta dễ dàng có con. Vì vậy, uống rượu Minh Mạng để sinh quý tử là kém hiểu biết.

Cổ nhân có câu "vật cực tắc phản", hay "dương cực sinh âm, âm cực sinh dương", người đã "nóng" lại dùng chất "nóng" sẽ hao tổn hết sinh lực. Hơn nữa, rượu trắng thuộc đồ cay nóng. Men rượu phải dùng những vị thuốc cay nóng mới làm ra được như đinh hương, hồi hương, quế thông, tế tân... rượu đã nóng, thuốc lại "bốc hoả", nhiệt ngộ nhiệt, dương sự càng bốc và thận tinh ngày càng khô kiệt, người bệnh sẽ suy sụp lúc nào không biết.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 khẳng định, Minh Mạng thang có công dụng bồi bổ và kéo dài tuổi thọ nhưng thiên về bổ dương, chỉ dùng cho những người có hội chứng dương hư.

Dương hư biểu hiện bằng các triệu chứng như thể trạng béo trệ hoặc yếu ớt dễ bị cảm lạnh hay sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mệt mỏi như mất sức, ban ngày dễ vã mồ hôi, miệng nhạt, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng, nam giới thì di tinh, tinh dịch lạnh và loãng, có thể bị liệt dương, xuất tinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục. Những người có chứng âm hư không nên dùng rượu này vì nó sẽ làm cho âm hư càng hư thêm. Rốt cuộc uống rượu trường thọ thành đoản thọ, muốn sinh quý tử thì thành hoạn quan.


Phần 3 :  Rượu ngâm rắn: Rắn càng độc càng tốt ?

Rượu ngâm rắn nuôi được bày bán rất sẵn nhưng nhiều người lại thích rắn tự nhiên. Vậy thực tế rắn nào tốt?

Chung một nguồn gen

Nhiều người cho rằng, rắn nuôi ăn sạch, ít bệnh tật, công thức ngâm rượu lại được nghiên cứu kỹ, rượu được đăng ký chất lượng, được kiểm tra an toàn... nên mua về sử dụng sẽ tốt và an toàn hơn rắn tự nhiên. Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, rượu ngâm rắn phụ thuộc vào chất lượng rắn. Thông thường rắn tự nhiên thường tốt hơn rắn nuôi bởi thể chất hoàn thiện hơn.


Tuy nhiên, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật Việt Nam cho biết, thịt, rượu rắn hiện nay chủ yếu là do nguồn nuôi. Rắn tự nhiên rất ít. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng về cơ bản các chất trong rắn tự nhiên và rắn nuôi tương đồng nhau, chỉ có sự sai khác chút ít không đáng kể. Rắn nuôi cũng xuất phát từ rắn tự nhiên, có nguồn gen tốt. Khi chăn nuôi người ta cũng nghiên cứu kỹ các tập quán, đặc điểm sinh thái, thức ăn... và làm gần với tự nhiên để giúp rắn đảm bảo tăng trưởng tốt.

Không phải càng độc càng tốt

Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, nhiều người cho rằng, rắn càng độc càng tốt nhưng thực tế, rắn cực độc như cạp nia ít được dùng ngâm rượu. Để ngâm rượu rắn, người ta thường dùng 3 loại rắn (tam xà) hoặc 5 loại rắn (ngũ xà). Có hai cách ngâm rượu là ngâm tươi hoặc chặt khúc sấy khô nhưng ngâm tươi cả con tốt hơn vì còn cả hệ thống vân mạch, trường hợp dùng khô là bất đắc dĩ.

Để tăng thêm hiệu quả của rượu rắn, tốt nhất là ngâm rắn với các vị thuốc tùy theo mục đích sử dụng như thiên niên kiện, cẩu tích, ngũ gia bì, hà thủ ô là các vị thuốc chữa đau lưng, tê thấp, nhức xương. Kê huyết đằng bổ máu, huyết giác làm cho thông máu, lưu thông máu. Trần bì, tiểu hồi tạo mùi thơm cho rượu và có tác dụng khai vị tiêu thực.

Y học cổ truyền cho rằng, thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, quy kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc. Theo Lương y Vũ Quốc Trung, rượu rắn chỉ có tác dụng với bệnh đau xương khớp thuộc phong tê thấp chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương như nhiều người lầm tưởng. Trên thực tế, những người còn trong độ tuổi sinh đẻ không nên uống rượu rắn, nếu lạm dụng rượu rắn lại còn làm cho "cái ấy" yếu đi, thậm chí không còn khả năng sinh con nữa.

Các chuyên gia đều khuyên, tuyệt đối không nên coi rượu rắn là rượu bổ và không phải ai cũng dùng được loại rượu này. Đây là rượu thuốc nên chỉ được dùng mỗi ngày 30 - 50ml, không quá 60ml. Dùng sau khi ăn no. Không dùng trước khi đi ngủ vì gây mất ngủ. Phụ nữ có thai và trẻ em không được dùng rượu rắn.

Đặc biệt, với những người bệnh suy thận, tăng huyết áp, bệnh gan, tim mạch không nên sử dụng rượu và thịt rắn vì trong đó còn một hàm lượng độc tố nhỏ. Nếu ngâm rắn toàn tính thì phần nọc rắn nằm ở hai bên bành rắn (phần sát với cổ) vẫn còn nguyên. Nọc rắn nếu uống dù chỉ một lượng nhỏ cũng rất độc, có thể dẫn tới tử vong.

Thế nhưng, khi ngâm rượu thì nó tự dung hòa với các chất khác trong cơ thể rắn vào trong rượu để lượng độc tố giảm bớt hoặc không gây nguy hiểm cho những người sức khoẻ bình thường. Với người thận yếu sẽ không thể phân giải độc tố này và khiến cho thận nhanh suy yếu hơn, đồng thời chạy vào tim và có thể làm tim ngừng đập nhanh chóng.


Phần 4 :  Rượu ong đất gây độc

Những vị thuốc ngâm rượu trong y học cổ truyền như bọ cạp, ong mật, ve sầu... đã trở thành quen thuộc trong dân gian. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng thì phải biết cách chế biến, sử dụng, chứ không thể làm theo cách "chẳng bổ âm thì bổ dương".

Lương y Phó Hữu Đức, chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà  Nội cho biết, theo Đông y, ong đen còn gọi là ong vò  vẽ có vị ngọt chua, tính hàn, không độc, vào hai kinh vị và đại trường. Có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, trừ phong. Dùng trong những trường hợp sâu răng, miệng lở loét, đau cổ họng, trẻ con kinh phong bằng cách ngày dùng 2 - 4 con hoặc 2 - 3g tán nhỏ uống.
 
 

Rượu ong đất không bổ béo, không tác dụng như lời đồn.
 
 
Thực tế cũng chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng của rượu ngâm ong, mà chỉ sử dụng trong dân gian. Dân ta dùng 100 - 150 con ong vò vẽ bỏ cánh, ngâm trong rượu 40 - 450. Để rượu chừng 100 ngày rồi lấy ra uống mỗi tối một chung hạt mít. Rượu này chữa đau khớp. Tuy nhiên, nọc ong độc nên người suy thận không được dùng.

Ngoài sử dụng ong vò vẽ ngâm rượu, nhiều người còn sử dụng ong đất. Đây là loại ong hay làm tổ dưới đất, hoặc trong thân cây mục. Nọc ong đất độc. ông Phùng Hữu Chính, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ong chia sẻ, đồng bào dân tộc hay lấy ấu trùng và cả ong trưởng thành ngâm rượu làm thuốc tăng lực, trị đau lưng, mỏi lưng, đau đầu. Tuy nhiên, giống ong này rất độc, nọc độc của nó thôi ra rượu dễ gây ngộ độc.

TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, rượu ngâm ong chỉ là cách dân gian hay dùng, chứ  trong sách hoặc nghiên cứu thì chưa thấy. Theo sách cổ có ghi ong vị ngọt, tính bình, tác dụng vào kinh vị, tiêu độc, trừ phong, sát trùng. Sử dụng thì lấy tổ ong, bỏ hết con non và nhộng ở trong, rửa thật sạch, phơi khô và sấy khô có tác dụng trị mụn nhọt, nhất là chứng cốt thư (đau xương), viêm xương hoặc do cảm nhiệt hàn thấp gây ra. Liều dùng từ 4 - 8g, những người u nhọt vỡ mủ không được dùng.

Rượu ong đất không bổ béo, không tác dụng như lời đồn. Người dân thường hiếu kỳ sử dụng rồi mua và truyền nhau. Vì ong đất nọc quá độc, uống vào sẽ gây hại cho gan, thận, dị ứng, mẩn ngứa... Theo ông, trong dân gian thường ngâm các con ong trưởng thành hoặc ngâm cùng với ấu trùng và nhộng của chúng (ong mật, ong vò vẽ, ong đất) trong rượu trắng để làm rượu thuốc có tác dụng bồi bổ sức khoẻ. Một số nơi còn xào nhộng ong đất để ăn nhưng phải bỏ ruột, mật, đầu, cánh, chân chứ không phải xào lung tung mà ăn được. Loại nhộng để ăn cũng là loại nhỏ tí, chứ chưa ai ăn con ong trưởng thành.








Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2