Lượt thăm:241068350   Đang Online: 660

Số lượt xem: 1901
Gửi lúc 15:22' 18/10/2011
Vật cản và...Trái cấm

Vật cản của sự phát triển, Bộ trưởng Giao thông "vi hành" và Trái cấm Steve Jobs của sự phát triển...là những suy ngẫm có buồn, có vui, có chút triết lý nhân sinh trong đời sống hiện đại, xin gứi tới quý bạn đọc gần xa


Vật cản sự phát triển...

Giữa độ hot của thông tin về giao thông đô thị, nổi bật trong tuần này còn có một chủ đề rất nhạy cảm, thu hút sự quan tâm, phân tích của không ít chuyên gia kinh tế và của độc giả.

Đó là tái cấu trúc kinh tế.

Vì sao?

Không thể phủ nhận những thành tựu của Đổi mới 1986 trước đây, đã đem lại diện mạo mới cho bức tranh kinh tế- xã hội Việt Nam. Nhưng sự tụt hậu, thách thức của thời hội nhập, an ninh quốc gia, và những khiếm khuyết trong quản lý, điều hành kinh tế- xã hội khiến chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để có sự thay đổi chính mình.

Đó là bước đi không thể khác.

Dấu ấn tươi mới, sáng sủa nhất vẫn là giai đoạn đổi mới đầu tiên (1991- 1995), với GDP 9,5% - tăng trưởng cao nhất cho tới nay. Động lực của tăng trưởng chính là sự đổi mới cơ chế: Từ bao cấp sang kinh tế thị trường (có định hướng XHCN).

Tuy nhiên, ngay những năm tiếp đó (1996-2000), kinh tế Việt Nam bước thụt lùi, với sự ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á (1997), GDP bị kéo xuống còn 4,8%.

Con số GDP 8,3% là bước tiến tiếp theo (2001-2005) có đòn bẩy là  Luật Doanh nghiệp ra đời, khuyến khích sự phát triển của kinh tế tư nhân. Ngoài nước, kinh tế thế giới và kinh tế khu vực có sự hồi sinh.

Thế nhưng, chỉ ngay sau đó (2005-2010), khi Việt Nam gia nhập WTO, trái với sự tiên đoán và mong chờ của nhân dân, khủng hoảng tài chính Mỹ tác động mạnh, GDP lại tụt xuống còn 5,3%.

Và hiện nay, cái sự chân thấp tiếp tục giành cho tăng trưởng, gần 6%, cái sự chân cao lại dành cho ...lạm phát, 18%.

Khái niệm tái cấu trúc (xây dựng một cơ cấu mới cho nền kinh tế đất nước với các mũi nhọn) ra đời trong bối cảnh sự thay đổi, điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế- xã hội trở thành lẽ sống còn của quốc gia. Hoặc để tiếp tục phát triển, hoặc chấp nhận tụt hậu.

Tái cấu trúc chính thức được Nhà nước xác định ở ba lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư công và cơ chế quản lý phân cấp, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp Nhà nước.

Nhưng tái cấu trúc chỉ thực sự có ý nghĩa và hiệu quả khi Nhà nước tạo ra được những chính sách ở đó, cơ chế xin- cho bị xóa bỏ. Đặc biệt ở đó, nền kinh tế thị trường cạnh tranh sòng phẳng giữa các tập đoàn kinh tế, DNNN được thiết lập. Ở đó, đặc quyền, đặc lợi của các DNNN phải bị xóa bỏ. Giá trị trắng đen, thật giả, của các DN không thể lẫn lộn. Cơ chế thông tin các DNNN phải công khai, minh bạch hệt khi họ niêm yết trên thị trường chứng khoán.



Như TS kinh tế Nguyễn Đình Cung từng thẳng thắn chia sẻ trên VietNamNet "DNNN kém: Hãy để thị trường trừng phạt" (Người ta bỗng nhớ đến hàng nghìn tỷ đồng của các DNNN làm ăn thua lỗ bị thất thoát, bị tiêu tan không thương tiếc, mà vẫn được tiếp tục "âu yếm" rót vốn)

Có thế, mới ngăn chặn được tham nhũng đang lan tràn như một quốc nạn, khiến nhân dân bất bình.

Tái cấu trúc kinh tế lần này vì thế cũng vô cùng cấp thiết, đem lại sinh khí và niềm tin cho con người.

Nhưng có sự khác biệt cơ bản: Đổi mới 1986  là sự thay đổi tư duy kinh tế mang tính ý thức hệ. Sự đổi mới khi đó mang lại lợi ích cho toàn thể. Còn tái cấu trúc lần này, kẻ được là số đông người dân và lợi ích quốc gia. Kẻ mất, là lợi ích nhóm đang làm nền kinh tế Việt Nam trì trệ, tù mù, tụt hậu. Thì vật cản là những ai đây?

Dù vậy, sự thay đổi- cái mới đây đó vẫn cứ âm thầm nảy nở, len lỏi. Hãy nhìn vào những sự kiện của bóng đá, của văn chương, âm nhạc... sẽ hiểu.

Còn người viết bài nghĩ rằng, "tái cấu trúc" lần này cần ưu tiên cho cả những lĩnh vực nhân văn- con người. Trước hết là giáo dục, văn hóa....Bởi giáo dục chính là dân tộc ngày mai. Và bởi sự băng hoại của xã hội, đều bắt đầu từ sự băng hoại của con người.

Theo chuyên gia cao cấp Phạm Chi Lan, không phải ai cũng đồng thuận đổi mới, nhất là các nhóm lợi ích, bộ phận đang giữ phần quyền và lực lớn nhất, quyết định quá trình tái cấu trúc. Bởi quá trình tái cấu trúc là quá trình cải cách vì lợi ích chung, không phải cho vài đại gia hưởng lợi.


Chuyên gia cao cấp Phạm Chi Lan

Nhóm lợi ích cũng là một trong năm thách thức bà Phạm Chi Lan từng dự báo Việt Nam phải vượt qua, mới có thể bước khỏi cái "vòng nguy hiểm" để phát triển vững chắc.

Còn theo TS Nguyễn Đình Cung, đổi mới liên quan chặt chẽ đến cơ chế lợi ích nhóm, cần sự quyết tâm chính trị cao, sự cương quyết mạnh mẽ của Chính phủ.

Có lẽ vì vậy, trong phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ lần thứ ba (Ban CHTƯ Đảng khóa XI) Tổng BT Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra những lực cản của đổi mới, bao gồm cả sự chi phối của lợi ích nhóm bên cạnh "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí.

Dấu hỏi về hiệu lực và hiệu quả của tái cấu trúc vì thế vẫn còn lơ lửng!

Huyết mạch và...tắc mạch

Khẩu chiến của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ về giá xăng dầu đã "hot", khẩu chiến của Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng với ách tắc giao thông đô thị, trong tuần này xem ra còn "hot" hơn.

Khác chăng, BT Vương Đình Huệ giải bài toán tài chính trên mặt giấy, mặt phím. Còn BT Đinh La Thăng phải giải bài toán giao thông hóc búa trên mặt đường.

Giao thông là huyết mạch, nhưng giao thông đô thị từ quá lâu rồi đã...tắc mạch.

Những tai nạn kinh hoàng, sự dẫm đạp lên luật giao thông, tệ nạn hối lộ, ăn hối lộ, mất tư cách cơ quan công quyền...cũng từ cái huyết mạch, và tắc mạch này mà ra.

Các đời BT Giao thông trước từng nếm đủ vị cay đắng, "chết chìm" bởi búa rìu dư luận. Nay, đến vị BT có cái tên rất "thăng"- liệu ông có ngán ngại không?

Bỗng nhớ đến phát ngôn khá ấn tượng khi ông mới nhậm chức: "BT là tư lệnh lĩnh vực ngành, phải cho tôi toàn quyền".


Giao thông đô thị từ quá lâu rồi đã...tắc mạch

Sau phát ngôn ấn tượng là hành động ấn tượng. Việc đầu tiên, ông thay Trưởng ban Quản lý dự án sân bay Đà Nẵng vì chậm tiến độ công trình. Khâu đột phá ùn tắc giao thông đô thị - được ưu tiên nhất. Vì đó không chỉ là đi lại, mà đó còn là an ninh, an sinh và tăng trưởng xã hội.

Ông cũng không hành động theo kiểu... chỉ tay năm ngón, mà sẵn sàng "vi hành" cùng dân, khi chủ trương mỗi tuần sẽ đi xe buýt một lần vào giờ tan tầm. Và còn yêu cầu cán bộ, công nhân viên ngành GTVT gương mẫu tham gia, vận động người thân tham gia đi xe buýt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Dĩ nhiên trong xã hội còn quá nhiều bất an về tâm lý, không tránh khỏi những hoài nghi, thậm chí là chế diễu ông về kế hoạch này.

Người viết bài cũng không biết ông sẽ lên xe buýt với tâm thế nào. Nhưng mong ông hãy lên xe với tâm thế của một người dân lao động bình thường.

Có thể đứng, ngồi chen chúc trong cái đám đông lèn chật cứng, bị mắng mỏ, bị móc túi, bị xô đẩy và ngửi cả mùi mồ hôi chua loét của dân lao động thứ thiệt, tin chắc văn bản, chủ trương và giải pháp giao thông của ông, thấm đẫm nỗi bức xúc, khổ nạn của người dân, nó sẽ sáng tỏ nhiều điều. Nó sẽ không lạnh lùng như những văn bản được nghĩ, được ký trong phòng xa lông và máy lạnh của không ít quan chức hiện nay.

Chợt nhớ tới tâm sự của người lính già- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nhắn gửi tới BT Đinh La Thăng, vị Tư lệnh giao thông và các BT khác: "Trước đây cũng đã có một số BT hứa rất nhiều nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu, mong rằng các BT khóa XIII không thất hứa với dân"

Vâng, mong các BT đừng giống như ca từ ngộ nghĩnh: "Hứa thật nhiều...Thất hứa cũng thật nhiều"!

Sự dấn thân khá quyết liệt của BT Đinh La Thăng, vẫn chiếm được cảm tình của số đông người dân. Đặc biệt nhất, có một người khiếm thị cũng đã nhìn ra vấn nạn giao thông khi viết bài: "Vấn nạn giao thông- cái nhìn của một người khiếm thị" (Tuần Việt Nam, ngày 14/10).


Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng

Và có một nhà báo nổi tiếng, đã đề xuất những giải pháp đáng tham khảo. Xin được gửi tới ông BT, để thấy giao thông trước hết là nỗi khổ của người dân đô thị:

"Bài toán giao thông công cộng phải được giải trước khi cấm các phương tiện cá nhân. Không chỉ vì giao thông công cộng mới đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội, t/p HCM, mà còn bởi taxi thì quá mắc, còn xe bus thì đang rất bất tiện.

Ở các thành phố trên thế giới, từ bến xe bus hay Metro người dân khá thoải mái khi đi bộ tới chỗ làm việc hay về nhà. Ở Việt Nam, người dân đã chiếm hết vỉa hè. Từ nơi làm việc ra bến xe bus rồi từ bến xe bus đi bộ về nhà đều vừa quá xa vừa bất tiện.

Để nối các khoảng cách đó, nên tham khảo một loại xe rất được ưa dùng ở t/p HCM trước đây: Xe lam. Xe lam là một phương tiện có thể len lỏi trong nhiều con phố nhỏ. Có thể đóng mới một loại xe chở 8 người theo mô hình, xe lam sử dụng đầu máy honda 250 phân khối.

Xe bus cồng kềnh không nên để chạy trên tất cả các tuyến như hiện nay. Vì xe thì to lại chạy hết sức nghênh ngang trong khi đường sá  quá chật. Xe bus lớn chỉ nên cho chạy theo các đại lộ (đường lớn) Phần còn lại dành cho "xe lam".

Tiếp theo, phải đầu tư skytrain và metro. Có thể làm trước skytrain vì rẻ hơn và thời gian đưa vào sử dụng nhanh hơn, cho dù nó có thể làm xấu không gian đô thị. Các phương tiện giao thông công cộng phát triển tới đâu, ban hành chính sách "làm khó" phương tiện cá nhân tới đó. Khi đó, có thể thu lệ phí xe vào thành phố để đầu tư nếu Bộ trưởng thuyết phục được người dân những khoản thu ấy là cần thiết".

Liệu BT Đinh La Thăng có thành công không? Không ai dám trả lời. Vì " giao thông Việt nam rất kỳ lạ". Câu trả lời của họa sĩ người Pháp, chồng nữ nghệ sĩ múa Lê Vi trong trò chơi Chiếc nón kỳ diệu cách đây gần chục năm, xem ra vẫn con tính thời sự, dù các con đường đô thị quen thuộc đã xuống cấp vì già nua.

Nhưng chỉ mong ông nếu thực sự vì dân, xin chớ thấy sóng cả, mà ngã tay chèo!

...Và Trái cấm của sự phát triển

Có một con người xa lạ vừa rời bỏ thế gian, đã khiến cả thế giới chấn động và thương tiếc. Người đó có tên Steve Jobs.

Người ta gọi ông bằng những cụm từ trác tuyệt nhất: Thiên tài, phù thủy, bộ óc siêu phàm, bậc thầy phát minh...

Bởi ông đã kết nối cả thế giới, khiến cả thế giới điên đảo trước tài năng khác biệt- khi tung ra hàng loạt những sản phẩm công nghệ, đặc biệt là iPhone, iPad, iPod, iMac và iTunes

Khi rời bỏ thế gian, ông muốn ra đi trong yên tĩnh, giản dị và riêng tư, tại Palo Alto, nơi ông sống những ngày cuối đời.

Nhưng sổ tang cho ông, được cả thế giới "ghi"- theo cách của mỗi người.

Có nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Obama đã dành những lời trân trọng nhất: "Steve là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, đủ can đảm để nghĩ khác, đủ táo báo để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để làm được việc đó".

Có thiên tài - như Bill Gates - đối thủ lớn nhất của Apple phải công nhận: "Thế giới hiếm khi có được người có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Steve"....


Nguyên TGĐ Apple, Steve Jobs

Và có hàng triệu thường dân họ "ghi" sổ tang theo cách riêng mình. Một giọt nước mắt, một trái táo, một cây nến trắng, một bông hoa, một dòng chữ hâm mộ, đầy biết ơn. Thậm chí, có khi chỉ là một dáng ngồi đau buồn lặng lẽ....

Để viết về ông và hiểu sâu về ông, đã có hàng triệu bài báo, cuốn sách. Người viết bài chỉ cảm nhận, kỳ lạ thay cuộc đời một con người khi rời bỏ thế gian, lại khiến cho nhân gian tìm thấy rất nhiều triết lý sống ở đời. Đó là:

Bằng cấp không phải là cái duy nhất để tiến thân và thành đạt: Giống như Bill Gates thiên tài, bỏ học dở dang khi đang học ĐH Harvard danh tiếng, Steve Jobs bỏ học chỉ sau 6 tháng theo học ở một trường ĐH. Nhưng ĐH của ông chính là cuộc đời, người thầy hướng đạo cho ông chính là những khát vọng mãnh liệt mong muốn khám phá và thay đổi thế giới. Và ông đã thành công trong cái trường học này. Không có bằng ĐH, nhưng ông sở hữu hoặc đồng sở hữu tới hơn 230 bằng sáng chế được trao giải.

Môi trường làm việc công bằng cho mọi tài năng sáng tạo: Năm 1976, lúc mới 21 tuổi, cùng với người bạn Steve Wozniak, 26 tuổi, ông khởi nghiệp "hãng máy tính" mang tên Apple bắt đầu từ trong một cái gara xe hơi. 35 năm sau, ông trở thành người khổng lồ của lĩnh vực điện toán, nhạc số và viễn thông, với một công ty tầm cỡ quốc tế  và cả ngàn nhân viên khắp toàn cầu.

Quãng giữa từ lúc trẻ đến khi rời bỏ thế gian, là không ít thăng trầm và biến động của một số phận khác thường. Nhưng ở bất cứ vị thế nào, sáng tạo đỉnh cao và khó tính đến mức cầu toàn, để cho ra đời những sản phẩm thanh nhã- kết hợp hoàn mỹ giữa công nghệ và thẩm mỹ- là một tố chất, một tư chất "khác biệt" nữa. Tố chất và tư chất ấy, gặp được môi trường làm việc mà cơ hội thăng tiến đều giành cho mọi con người như nhau, thì thiên tài ắt xuất hiện.

Sống là để dâng hiến: Cuộc đời và sự sáng tạo của Steve Jobs, kể cả khi đã chết đi rồi, cho con người ta một khái niệm cao đẹp- sống là để dâng hiến. Biết mình không qua khỏi bạo bệnh, ông đã lên kế hoạch cho sản phẩm Apple bốn năm tới, đấu tranh để dự án xây dựng đại bản doanh mới mang hình phi thuyền của Apple tại California (Mỹ) được phê chuẩn.

Một con người có thể thay đổi cả thế giới:Không hề ý thức mình đã làm việc cho sự phát triển của cả nhân loại, nhưng những sản phẩm công nghệ tuyệt hảo của ông và cộng sự thực chất đã kết nối thông tin cả thế giới, đem lại cuộc sống tinh thần dân chủ cho rất nhiều quốc gia chậm phát triển.

Có một điểm duy nhất: Biểu tượng Trái táo bị cắn dở đến giờ vẫn còn là sự bí ẩn. Phải chăng, ông muốn mượn sự tích trong Kinh Thánh: Adam và Eva đã trót ăn trái cấm, và từ đó có sự sinh sôi.

Còn nhân loại "trót" dùng trái cấm của ông, mà phát triển?

Chợt nghĩ tới đổi mới của xã hội chúng ta. Vật cản sự phát triển và trái cấm của sự phát triển. Nghĩ về sự khác biệt của vật cản và trái cấm.

Khác biệt hoàn toàn cả về nhân sinh.





Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2