Lượt thăm:240912810   Đang Online: 720

Số lượt xem: 3282
Gửi lúc 13:59' 07/02/2012
Kỳ bí những mộ cổ trên núi của người Thái
Phần 1 :  Mộ cổ trên núi của người Thái


Sương xuống, gió lùa hơi lạnh cắt da cắt thịt len qua những khe nhà sàn thổi vào tê buốt, lại thêm những câu chuyện về cổ mộ của đồng bào Thái (Sơn La) khiến chúng tôi không khỏi “lạnh gáy” nổi da gà.

Với sự tò mò, chúng tôi háo hức mong chờ được tận mắt khám phá bí mật về ngôi mộ cổ của người dân tộc Thái ở khu vực xã Suối Bàng, Mộc Châu, Sơn La.

Con đường dẫn vào xã suối Bàng bắt đầu bằng những đoạn đường bê tông đã xuống cấp và biến dạng gần như thành đường rải đá. Càng đi vào sâu, đường càng lên dốc ngày một cao chót vót, nhà dân sinh sống hai bên đường cũng dần thưa thớt và thay vào là những vực thẳm sâu hun hút không thấy đáy hoặc những vách đá cheo leo thỉnh thoảng lại lăn vài tảng đá to bự chảng xuống đường.


Bản Pưa Lai nơi có cổ mộ trên hang núi.

Khi đã thấm mệt và người cũng đã tê mỏi vì đổ đèo, leo dốc, chúng tôi mới tới được bảng chỉ dẫn con đường để đi vào còn cách 18km. Mừng vì cuối cùng cũng sắp đến nơi rồi thế nhưng, niềm vui chưa kịp trọn vẹn đã vụt tắt, con đường duy nhất dẫn vào suối Bàng không những không được rải đá mà còn toàn là đường đất nhão nhoét. Đúng là trời không chiều lòng người, hai chúng tôi đành cố nhắm mắt mà đi nhưng vì đường trơn trượt quá nên một người phải xuống đi bộ còn một người về số 1 rồi cố bò qua đoạn đường đầm lầy.

Cố lết được 3km, cả hai chúng tôi đã quá mệt, người và xe đều lấm lem bùn đất đỏ quạch từ đầu đến chân, thành thử dù chưa đến được “hang ma”, chúng tôi trông cũng đã “bẩn như ma” mất rồi. Vào đại một nhà của một phụ nữ dân tộc xin chén nước cho đỡ khát, người này cho biết còn những hơn 5km đường đầm lầy nữa mới hết, thật là một thử thách đáng sợ.

Mặc dù nơi này còn cách cổ mộ khá xa, nhưng nhân tiện tôi thử hỏi thăm về “hang ma” huyền bí được nhiều người đồn đại thì bất chợt người phụ nữ này tỏ ra sợ hãi lạ thường nói: “Trời, mấy cái quan tài trên đó đáng sợ lắm, bao nhiêu người phải chết rồi, các chú đi vào đó làm gì”. Thật không ngờ là người này cũng nghe về những ngôi cổ mộ, tôi với anh bạn đưa mắt nhìn nhau cười hì hì để đánh trống lảng rồi cám ơn và tiếp tục đẩy xe, cố thoát khỏi đoạn đường đầy bùn đất.

Quãng đường "tử thần" cuối cùng cũng bị chúng tôi bỏ lại phía sau cùng với biết bao mồ hôi toát ra ướt đẫm lưng áo dù thời tiết đang là mùa đông, lại trên vùng núi cao cực kì rét mướt. Thú thật là sau khi đi qua con đường này, chúng tôi mới bảo nhau rằng, khi trở về Hà Nội dẫu có phải đi trên “con đường đau khổ” khiến báo chí tốn không ít giấy mực thì con đường đó vẫn cứ là đẹp hơn gấp vạn lần so với ở đây.


Đường lên "hang ma" phải vượt qua đoạn đường rừng rậm rạp và dốc cao cheo leo.

Thật không may, sau 4 giờ đi hết đoạn đường xấu, trời đã nhá nhem tối, biết không thể đi tiếp được, chúng tôi xin ngủ nhờ ở nhà anh Đinh Văn Đức, người dân tộc Thái trắng ở bản Pưa Lai, Suối Bàng, Mộc Châu, Sơn La. Anh Đức cùng người vợ tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình, sau khi bày tỏ mục đích của mình đi tìm kiếm những ngôi cổ mộ trên vách đá, anh Đức liền vỗ vai tôi nói: “Hóa ra là các anh đi kiếm mấy chiếc quan tài gỗ kỳ lạ đó à? ở bản Pưa Lai này cũng có, nhưng toàn trên vách núi cheo leo, nếu thích sớm mai tôi sẽ dẫn các anh đi xem, cả bản này chỉ có tôi và vài thanh niên hồi bé đi rừng cùng ông, cha nên biết đường thôi”. Câu nói của anh Đức làm chúng tôi như mở cờ trong bụng, tươi vui hẳn lên sau chuyến hành trình mệt mỏi rã rời.

Cùng nhau nâng những ly rượu ngô thơm phức, trong ánh đèn lờ mờ của thứ ánh sáng yếu điện nơi núi rừng, anh Đức kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện rùng rợn về những ngôi cổ mộ ở đây. Anh Đức kể lại: “Hồi trước có nhiều người đi chặt củi, lên trên núi thấy có quan tài gỗ mới cậy, phá rồi mang về nhà thì bỗng bị phát điên, đêm hôm cứ gầm rú như tiếng hổ gầm, rồi cứ bỏ ăn đến chết mà không ai biết là bệnh gì.”

Rồi cũng chỉ cách đây có vài năm, trong làng có mấy thanh niên nghịch ngợm trèo lên núi, đến nơi có các cổ mộ nghịch ngợm, cả lũ hò nhau mở nắp quan tài thấy nguyên cả bộ xương người. Có đứa láo lếu cầm điều thuốc nhét vào chỗ xương hàm làm trò vui. Thế rồi, mấy đứa đấy sau khi về nhà đứa thì ốm, đứa kêu đau đầu, đứa lên rừng rồi mất tích không ai biết đâu mà tìm được nữa.

Kinh hoàng hơn cả là có người vì tham lam những tấm gỗ Đinh thối quý hiếm có thể chống lại mục rữa từ những quan tài ở cổ mộ mà đã tìm đến để ăn trộm đem đi bán rồi về đang uống rượu ăn mừng thì mắt mũi trợn ngược, máu mồm cứ ồng ộc tuôn ra lênh láng không gì cầm được cho tới khi mất mạng. Những đêm trời mưa phùn, người dân ở đây còn nghe những tiếng rên rỉ, kêu la rợn người phát ra từ những ngọn núi nơi có những cổ mộ. Tất cả những điều đó đã khiến cổ mộ trở thành một chốn kiêng kị của người dân bản Pưa Lai này".

Lúc này sương đã xuống, gió lùa hơi lạnh cắt da cắt thịt len qua những khe nhà sàn thổi vào tê buốt, lại thêm những câu chuyện của anh Đức về cổ mộ khiến chúng tôi không khỏi “lạnh gáy” nổi da gà. Vậy nhưng, với sự tò mò, chúng tôi lại càng thêm háo hức mong chờ được tận mắt khám phá bí mật về ngôi mộ cổ của người dân tộc Thái.


Những chiếc quan tài kỳ lạ được tìm thấy ở hang núi bản Pưa Lai.

Anh Đức cũng cho biết rằng, mặc dù anh biết những quan tài trên núi từ bé, nhưng cũng đã gần 10 năm rồi, anh chưa dám quay lại, nhưng vì chúng tôi lặn lội từ xa nên sẽ dẫn đường giúp. Anh còn hứa rằng, sau khi đi xong “hang ma” ở Pưa Lai này sẽ dẫn chúng tôi đến nơi có nhiều quan tài nhất nằm ở bản Nà Lồi.

Đường đi vào hang cổ mộ chính là cánh rừng rậm rạp, um tùm gần nhà anh Đức ở bản Pưa Lai này. Mới đầu, con đường đất dẫn lên hang còn ra hàng ra lối để đi, nhưng càng vào trong càng rậm, hoang vu tạo nên cảm giác vắng vẻ đến rờn rợn. Anh Đức đi đầu liên tục dùng dao phạt các cây rừng để chúng tôi có lối đi.

Đi được chưa đầy 2km, đường quá dốc chúng tôi phải xin nghỉ một lát mới có thể tiếp tục, cả tôi và anh bạn đều thở hồng hộc bằng mồm khi phải đi bộ lên ngọn núi cheo leo này. Lên cao thêm nữa, chúng tôi bắt đầu đến khu vực sương bao phủ dày đặc, khí lạnh thấu xương lan tỏa khắp nơi. Đường đi giờ đã không còn, chỉ có đường do chúng tôi phạt cây tự tạo, khổ nỗi sương dày quá, nên cả ba người phải đi chậm và bám sát vào nhau để tránh bị lạc.

Sau hơn 4 giờ mệt nhoài vừa đi vừa nghỉ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nơi cất giữ những ngôi mộ cổ mà theo lời đồn là của người Thái cổ. Anh Đức chỉ tay tỏ vẻ ngạc nhiên nói: “Lâu lắm mới trở lên đây, trước đây quan tài đều treo trên các vách đá cơ, giờ có mấy chiếc đã bị mưa, gió làm tụt xuống rồi”.  Trước mắt chúng tôi là những chiếc quan tài được làm bằng những thân gỗ nguyên, được bổ đôi cân đối, khoét lõi và cho xác vào bên trong rồi gác lên các vách đá, có hình dáng gần như một chiếc xuồng độc mộc. Mỗi quan tài đều được khóa chặt bằng một chốt gỗ nối liền hai nửa thân quan tài lại với nhau. Ngoài những chiếc gần chỗ chúng tôi nhất là do đã bị mưa gió làm rơi còn rất nhiều quan tài trên tận gần đỉnh núi cheo leo, nếu không có dụng cụ bảo vệ và là một tay leo núi cừ khôi thì chắc chắn chẳng thể nào mà trèo lên được.

Cũng chính điều đó đã làm tôi nảy sinh băn khoăn tại sao cách người Thái cổ lại có thể mang những chiếc quan tài nặng nề này lên tận ngọn núi cao đến gần 1000m rồi bằng công nghệ nào họ đã gác được chúng lên những vách núi dựng đứng nguy hiểm đến như vậy, thật khó có thể dung được. Khẽ tiến tới gần những cổ mộ kì lạ này, tôi bỗng ngửi thấy một mùi thối nồng nặc đến nhức óc, thấy vậy anh Đức cho biết “Đó là mùi của gỗ Đinh thối, gỗ này quý lắm, theo lời ông cha tôi kể lại thì ngày xưa rừng còn nhiều loại gỗ này nên họ hay dùng nó làm quan tài. Mùi khó chịu của gỗ không để cho các loài mối mọt xâm nhập hơn nữa nó còn đuổi một số loài thú dữ khác khi muốn đến tìm cách ăn thây người quá cố. Các thân gỗ bị mối mọt chí ít phải chịu nhiều mưa gió qua vài trăm năm mới mục, nát."

Còn đang lúi húi chụp lại những bức hình quý giá anh Đức bỗng bảo bọn tôi: “Tiếc quá, mấy chiếc quan tài này bị rơi xuống lâu ngày đã bị mối mọt tàn phá nên xương bên trong quan tài mục vụn nát cả rồi, trước kia vẫn còn nguyên cả bộ cơ. Nhưng không sao, sau khi trở xuống tôi sẽ dẫn các anh đi hang ma ở Nà Lồi, dù cách đây hơi xa nhưng nơi đó là hang khổng lồ nhất ở Suối Bàng, quan tài nằm trong hang nên không bị mưa gió tàn phá mấy”.

Tuy không được nhìn thấy những mảnh xương nguyên vẹn trong quan tài, nhưng kì thực việc được tận mắt chứng kiến những ngôi cổ mộ huyền bí cũng đã khiến chúng tôi phấn khởi lắm rồi. Ấy vậy, lời hứa hẹn đi “hang ma” Nà Lồi của anh Đức khiến chúng tôi tò mò quá, nên quyết định sau khi trở lại xuống dưới sẽ nhờ anh dẫn đi nơi có nhiều cổ mộ nhất.


Phần 2 :  Hang cổ mộ Nà Lồi và giải mã 'quan tài bay'


Nắp quan tài phải nậy tới 3 lần mới bật ra, tôi nhướn mắt hướng vào bên trong quan tài là vô số những mảnh xương người đặc biệt chiếc xương chân và hộp sọ vẫn còn nguyên vẹn.

Rợn người những mảnh xương trong cổ mộ ở hang Nà Lồi

Sau khi đã tận mắt chứng kiến hang ma ở bản Pưa Lai, chúng tôi theo anh Đinh Văn Đức trở xuống bản và đi vào nhà ông trưởng bản Đinh Văn Thiện. Khi hỏi về những câu chuyện rùng rợn về hang cổ mộ, ông Thiện cho hay: “Những chuyện như nhiều người chết, rồi bị bệnh hay bị phát điên vì có ý xâm phạm vào các quan tài trên hang ma tôi cũng đã từng nghe kể nhiều. Tuy nhiên, chứng kiến cụ thể thì chưa bao giờ, có điều cũng không biết là thật hay giả nhưng hầu hết người dân biết về hang ma ở bản này hiện giờ đều không dám có ý phá phách hay nghịch ngợm gì ở đó, họ đều kiêng kị để tránh điều không may”.


Những cỗ quan tài ở hang Nà Lồi còn khá nguyên vẹn.

Ông Thiện cũng cho biết, xưa đã từng nghe các cụ cao niên ở đây kể về truyền thuyết hang ma ở trên núi. Chuyện kể rằng những ngôi mộ táng trên các động kia đều là những mộ chứa xương của một bộ tộc ăn thịt người. Xương trong động là xương những người đã bị ăn thịt hoặc có thể là xương của những người có chức sắc trong bộ tộc sau khi chết đã được an táng bằng cách treo lên các vách núi để không ai có thể xâm phạm.

Cũng có một truyền thuyết khác đó là cách đây hàng trăm năm, người Xá và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Do có sự tranh chấp về đất đai họ chọn cách bắn tên để giải quyết. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này.

Họ đã đứng ở núi Cắm tên, xã Mường Sang bây giờ bắn tên về Suối Bàng. Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi. Khi chết, người Xá thậm chí không dám chôn cất người chết trên đất của người Thái đành đưa vào những thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi giấu trên các vách đá cheo leo.

Theo chân anh Đinh Văn Đức, chúng tôi lên hang Nà Lồi, nơi có vô số những cổ mộ được táng trên các vách núi mà người dân còn gọi là những cỗ “quan tài bay”.

Hang ma Nà Lồi chứa những cỗ quan tài kỳ lạ nằm trên một ngọn núi cao dựng đứng mà mới chỉ nhìn thôi tôi và anh bạn đã lắc đầu lè lưỡi vì biết đây sẽ là một hành trình cực kì gian nan và chẳng kém phần nguy hiểm, không cẩn thận rất dễ trượt chân lăn xuống vực chứ chẳng chơi.

Anh Đức vẫn là người đi đầu, chúng tôi bước theo những bước chân của anh, tay phải bám vào những cây mọc trên sườn núi để làm điểm tựa lấy đà kéo thần người lên. Nhiều đoạn dốc quá chúng tôi phải lấy tay kéo nhau mới vượt qua nổi.

Những quan tài ở hang Nà Lồi còn khá nguyên vẹn, tuy nhiên các quan tài ở hang này lại treo toàn trên những vách núi cao, không thể trèo lên được. Cũng may, có 3 chiếc ở gần, chỉ cần bám lên vệ đã có thể nhìn thấy được. Muốn được tỏ tường xem bên trong quan tài có thật sự còn xương của người chết hay không, chúng tôi liền làm lễ rồi hò nhau bật nắp chiếc quan tài vẫn còn nguyên vẹn.


Một chiếc quan tài có hình thù bên ngoài kỳ lạ.

Cũng giống như quan tài ở Pưa lai, tất thảy những quan tài ở đây đều được làm từ gỗ đinh thối. Quan tài được trang trí những hoa văn họa tiết rất cầu kỳ và hai đầu đều được đục hình đuôi én. Trong lòng quan tài, phần đặt đầu người chết được khoét hình lòng bát. Trong quan tài là vô số những mảnh xương người mà rõ ràng nhất là chiếc hộp sọ vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra còn có những mảnh sành vỡ, dường như khi chôn người này người ta đã chôn theo một số đồ vật…

Lời giải về bí ẩn của cổ mộ trên vách núi

Theo tài liệu phòng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu cung cấp thì những quan tài cổ có thể của một tộc người nguồn gốc Môn- Khmer (Người Xá, người Khơ mú, Xinh mun) chứ không thể của người Thái hoặc người Mường, bởi nếu là tổ tiên, họ đã phải thờ cúng. Thứ hai, những quan tài có tuổi ước vào khoảng 400-500 năm trước, nhìn vào quá trình phong hóa trên quan tài có thể phán đoán có những cái mới chỉ khoảng 200 năm tuổi. Thứ ba, dựa vào phần xương còn lại trong các quan tài có thể khẳng định những người này có thể hình lớn, cao to hơn người ngày nay rất nhiều.

Còn theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Viện khảo cổ Việt Nam, một người từng dành nhiều thời gian nghiên cứu về các táng thức của loài người thì những cỗ quan tài trên vách núi đươc dùng theo hình thức “Huyền táng” hay còn gọi là táng treo chính là hình thức táng được dùng trong các hang ma. Táng thức này sử dụng khá phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam hiện mới chỉ phát hiện ở Thanh Hóa và Mộc Châu. Đặc biệt, theo tiến sĩ Nguyễn Lân Cường thì dựa theo những gì còn sót lại có thể dự đoán những quan tài này mới chỉ xuất hiện cách đây vài trăm năm bởi xương ở đây còn rất xốp, nếu để lâu nó đã cứng lại. Tuy nhiên, việc lý giải được làm sao người xưa có thể đưa các quan tài này lên vách núi thì vẫn là một bí mật.

Cũng đã có nhiều giả thuyết được đưa ra như là những người được an táng dạng này thường là những quan lang hoặc những người có chức sắc trong bộ lạc người Xá thời ấy. Khi chết, họ sẽ được khiêng, rước lên các động đá. Và các dân phu cũng sẽ dùng cưa, rìu để hạ những cây gỗ gần đấy để an táng cho các vị này. Song có một vấn đề là hầu như tất cả các mộ thuyền ở đây đều bằng gỗ đinh thối. Vậy nhưng khi chúng tôi tiến hành khảo sát thì hầu như không thấy một dấu hiệu nào thể hiện nơi đây có một gốc đinh thối nào cũng như những dấu tích thể hiện loài cây này đã từng hiện diện tại đây!?

Giả thuyết thứ hai là người Xá đã dùng thuyền chở gỗ đinh thối từ các khu vực khác, tập kết tại khu bến phà Vạn Yên (nay thuộc xã Tân Phong, Phù Yên, Sơn La) rồi lại chuyển tiếp tới bến đò Lồi. Từ đó sẽ được chuyển tới các động hang ma. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán chứ chưa thể khẳng định.

Sau chuyến đi này, chúng tôi phần nào cũng đã tìm ra lời giải cho bản thân về những bí ẩn của những cỗ quan tài trong cổ mộ ở các vách núi đá cheo leo. Để có được câu trả lời căn cẽ, chính xác chắc chắn sẽ phải chờ những nhà sử học, nhà nghiên cứu vào cuộc.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2