Lượt thăm:240888010   Đang Online: 960

Số lượt xem: 4300
Gửi lúc 14:01' 31/01/2012
Bí ẩn thế giới “ma rừng” và những khu “rừng ma”
Phần 1 : Rừng ma

Bên dãy đại ngàn Trường Sơn thâm u, chuyện “rừng ma - ma rừng” vẫn đặc quánh trong tâm thức của các dân tộc Xê Dăng, Ca Dong, Vân Kiều, tộc người Mày...

Chuyện kể ly kỳ về thế giới của céic (ma rừng) bên những khu “rừng ma” Nam Trà My (Quảng Nam) từ người đồng nghiệp công tác tại đây đã thôi thúc chúng tôi bắt đầu hành trình ngược hơn 200 cây số từ TP Đà Nẵng để đến với nỗi ám ảnh bao đời về “rừng ma” của người Xê Dăng, Ca Dong dưới chân đỉnh Ngọc Linh.

Vào “rừng ma”

Giữa trời chiều, miền cao Nam Trà My (Quảng Nam) đón chúng tôi bằng cơn mưa rừng tầm tã. Ánh nắng vụt tắt để lại khoảng thâm u giữa những dãy đồi núi trập trùng. Các bản làng xã Trà Mai (Nam Trà My) nằm cách xa trung tâm huyện càng thêm khó khăn bởi đoạn đường trơn trượt, thỉnh thoảng vọng bên tai những tiếng chiêm muông kêu rít, vỗ cánh bay phành phạch. Thấy khách lạ, già làng Đinh Văn Cường, nóc Tăk Ngo ngờ ngợ mời chào. Nhưng vừa nghe ý định tìm hiểu “rừng ma” trên địa bàn, sắc mặt già Cường bỗng trùng xuống.

“Chịu thôi, không ai dám vào đó đâu. Ngay cả chỉ đường cho cán bộ vào đó cũng không được” - Già Cường lắc đầu.

Khó khăn lắm, chúng tôi mới nài nỉ được Đinh Văn Bát (28 tuổi) một thanh niên bản địa đồng ý dẫn đến khu “rừng ma”. Nhưng anh này mặc cả: “Phải chờ sáng đã, mặt trời đứng bóng. Chừ gần tối rồi, có cho tiền tôi cũng không dám dẫn đi”.

Qua con đường nhỏ hẹp, vượt một đoạn dốc khúc khuỷu cách xa bản làng, Đinh Văn Bát với tay chỉ xa về khu rừng nằm sát bên dòng sông nham nhở sỏi đá, chênh chếch dưới ngọn núi Ngọc Linh.

“Rừng ma” đó, mình chỉ dám dẫn đến đây được thôi” - Sự can đảm của Bát cũng cũng bị giới hạn trước nỗi ám ảnh “rừng ma” của bản làng.

 


"Rừng ma" nằm dưới chân đỉnh Ngọc Linh


Mặc cho chúng tôi rẽ đám cây cỏ dại mọc ngang người để tìm vào “rừng ma” Tăk Ngo, Bát chỉ dám quay mặt về hướng bản. Trời đứng bóng, từng vệt nắng xuyên qua đám cây dày đặc len lỏi vào tận bên trong khu rừng, chiếu từng hòn đá, gốc cây. Những thân gỗ to càng làm tăng vẻ thâm u, phía dưới tất cả đều phẳng lỳ, không có dấu hiệu của mồ mả, hay đánh dấu bằng những vật mắt thường dễ nhận ra, cũng chẳng có ai đến thắp hương, cúng quảy. Chỉ có mùi khá đặc trưng của cây rừng pha lẫn chút ngai ngái khó tả...

Chúng tôi chợt nhớ lại lời anh Bát từng căn dặn “Ở “rừng ma” này, bất kỳ gốc cây nào cũng có thể là nơi chôn cất người chết. Người nhà đánh dấu bằng vật riêng và chỉ họ mới nhận ra được”. Gần một tiếng đồng hồ trong khu rừng ma Tăk Ngo, dù không tin lắm vào sự ám ảnh, rùng rợn của céic, “ma rừng” chúng tôi vẫn đành phải quay về vì không biết đang đi trên những “phần mộ” của ai.

Nghĩa địa trong "rừng ma"

Cuộc “thám hiểm rừng ma” phải được thực hiện sau cùng sau những đêm ngồi dài bên bếp lửa bập bùng của già Cường để nghe những chuyện không đầu không cuối về thế giới của céic, “ma rừng”. Bởi lẽ, già Cường quả quyết: “Nếu đã vào rừng ma thì nhất quyết không được trở lại làng. Không được quay trở lại đường cũ, nếu không con ma rừng sẽ theo cán bộ để về đây, làm dân bản ốm đau, chết yểu”.

Đã hơn 70 mùa rẫy, chuyện “rừng ma” càng thêm đặc quánh trong tâm thức của vị già làng Đinh Văn Cường và dân bản. Đêm triền rừng lạnh buốt, hơi ấm của bếp lửa chẳng xua tan được cái lạnh và sự sợ hãi theo từng câu chuyện của già Cường.

“Đối với người Ca Dong hay Xê Đăng vùng này, chết nghĩa là hết, không chút vấn vương gì. Người chết phải được trai tráng trong làng mang đi thật nhanh, thật xa để con “ma rừng” không kịp theo về. Ngay một chôn xong phải được nấp bằng không được vun nấm để mọi người không còn lui tới nữa” - Giọng già Cường lẩy bẩy.

 


Trong khu rừng ma Tăk Ngo, chỉ người trong bản mới nhận ra cách đánh dấu ngôi mộ của mình

Theo tập tục của người Ca Dong, người chết khi chôn xong, thanh niên phải vào rừng tìm cho bằng được cây tầm phục (loại cây mọc loang dại) để nguyên lá cắm phần ngọn xuống hố chôn, gốc rễ lên trời để thể hiện sự sống đã chấm dứt. Trai tráng trong làng đi chôn người chết xong phải tắm ở con suối đầu nguồn, uống rượu giữa rừng rồi cắt đường khác trở về bản. Những người còn lại trong làng sẽ tụ tập đến nhà có người chết để mổ heo gà, ăn uống. Suốt ba ngày, dân bản không đi nương, đi rẫy chỉ tụ tập ở nhà ăn uống để xua tan nỗi ám ảnh về cái chết, không được vấn vương với người đã chết.

Giọng già Cường nghiêm nghị: “Đã là phụ nữ thì không bao giờ được bén mảng đến “rừng ma”, nếu không céic sẽ nổi giận. Ngay khi nhà có người chết, nếu nhà toàn con gái thì trai bản sẽ đảm nhận việc chôn cất”

Ám ảnh céic

Vừa trở về bên bếp lửa, ông Đinh Văn Loang (74 tuổi, bản Tăk Ngo) vội đóng kín cửa căn nhà sàn, cời thêm than cho không khí thêm ấm nóng để bắt đầu chuỗi dài câu chuyện về nỗi ám ảnh của céic, “rừng ma”.

“Hơn 30 mùa rẫy trước, cả bản làng bên cạnh vì uống nước suối từ khu rừng ma chảy ra đã trở lên điên dại, nhiều người tự nhiên rụng răng, rụng tóc, da mặt xanh xao, dịch bệnh biến thành con ma rừng rồi chết” - giọng Già Loang run rẩy.

Như để làm tin, ông Loang kể tiếp: đã lâu rồi, có người đi săn heo rừng, chưa kịp mừng vì bắn được heo rừng đã tá hỏa khi phát hiện trên hai lanh con heo còn cắm sọ người. Không ai dám mang con heo về, vì họ biết, nó đã đi ra từ “rừng ma”, nó đã lật tung những hố chôn người chết làm kinh động đến thế giới của céic. Dân trong bản biết chuyện đổ xô đến cúng vái. Nghe nói, gã thợ săn đó bị điện loạn cho đến chết, còn dân bản thì liên tục ốm đau, dịch bệnh, chỉ đến khi dời làng đến ba ngọn núi khác, họ mới trở lại làm ăn yên ổn.

Già Cường góp chuyện, ngay đến chim muông ở những khu rừng ma nếu phát ra tiếng kêu lạ thì y như rằng trong tuần đó cả bản sẽ có người chết. Đó là tiếng gọi của céic, lúc đó chỉ có bịt tai lại mới mong không bị céic đưa đi. Câu chuyện thêm dài theo cái lạnh miền sơn cước. Chúng tôi hỏi thử tên tuổi của những nhân vật trong câu chuyện trên, nhưng ai cũng lắc đầu: lâu rồi, chẳng ai nhớ nổi đâu (!).

Thực tế, qua những khu rừng ma nằm nép mình dưới chân núi Ngọc Linh, những câu chuyện mang nét huyễn hoặc, hoang đường nhưng sự ám ảnh của người Ca Dong, Xê Đăng về “rừng ma”, về thế giới của céic thì có thật.

“Rừng ma” có mặt ở khắp các làng bản ở vùng Nam Trà My, nơi có đến hơn 97% dân số là người dân tộc Ca Dong và Xê-đăng. Mỗi làng đều có riêng một khu “rừng ma”, như một nghĩa trang riêng. Ở đây, người đồng bào dân tộc sợ rừng ma cách trực quan. Dù họ có đi băng rừng, xuyên đêm họ vẫn không sợ, nhưng chỉ cần đi qua rừng ma ngay giữa ban ngày nhiều người không dám đi ngang" - Ông Đinh Mươk, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, Nguyên Bí thư huyện ủy Nam Trà My, Quảng Nam.


Phần 2 : ÁM ảnh chuyện con sơ sinh bị chôn sống ở " Rừng ma "

Nỗi đau “rừng ma”

Chiều, núi rừng miền cao Quảng Bình chuyển mưa lạnh. Con đường Hồ Chí Minh vắng lặng, bên những khu “rừng ma”, thỉnh thoảng có tiếng chim thảng thoáng, vỗ cánh bay vọt bầu trời đen đặc mây phủ. Khắp các bản người Mày, người Ma Coong vùng cao các huyện Minh Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình), vẫn còn nhiều nỗi đau vì “ma rừng“.

Đã hơn 16 mùa rẫy, nhưng nhớ lại ngày phải tự tay chôn sống đứa con mình vì hủ tục, ông Y Cư (68 tuổi, bản Khe Rung) vẫn còn dằn vặt. Tháng 11/1994, vợ Y Cư chuyển dạ sinh con nhưng bị băng huyết chết. Y Cư chưa hết bàng hoàng mất đi người vợ lại bị dân bản buộc phải chôn sống con. “Ngày bố chuẩn bị chôn “noong” (con), nó còn mở tròn 2 mắt như không biết điều gì xảy ra. Chỉ khi bỏ xuống huyệt rồi, noong mới khóc ré lên” – Y Cư nói trong nước mắt.

Cùng bản làng với Y Cư, ông Y Hắt (64 tuổi) buộc phải chung số phận vì sợ “lời nguyền“ của con “ma rừng“. Vào mùa rẫy tháng 7/1993, bà Y Mốc, vợ Y Hắt sinh con được ba ngày thì lên cơn sốt vì nhiễm trùng và tắt thở. Nghe được tin dữ, già làng cùng dân bản kéo đến, họ chia buồn và buộc bắt Y Hắt phải chôn sống con mình.

Đặc biệt, tại bản Cà Ròong 1 (xã Thượng Trạch), ông Y Hoi (73 tuổi) đến giờ vẫn mang nỗi đau vì phải mất cùng lúc hai đứa con trai kháu khỉnh cùng người vợ cũng chỉ vì lời nguyền con ma rừng. Một ngày cuối tháng 9/1989, bà Y Bắp, vợ ông Hoi sau khi sinh đôi được 2 đứa con trai thì kiệt sức rồi chết. Cả bản hung hãn kéo đến buộc Y Hoi phải chôn 2 đứa trẻ. Hơn 20 mùa rẫy, nhưng tiếng của già làng vẫn còn văng vẳng bên tai ông như nỗi ám ảnh khôn nguôi “Mày không đem chúng đi chôn thì cả làng này sẽ bị con “ma rừng“ về “nguyền” chết hết.

Ông Hồ Tuân – Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho hay: Từ trước đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 3 - 4 trường hợp chôn sống con theo mẹ được cứu sống. Còn những người chết vì hủ tục này thì không thống kê hết được. Tưởng chừng hủ tục này bỏ cách đây gần 40 năm, nay lại có nguy cơ tái diễn tái diễn.

"Luật" vào "rừng ma"


Đi từ đường HCM, rẽ qua QL9, lên thị trấn Khe Sanh, mất thêm gần tiếng đồng hồ xe chạy mới có thể đến được với bản Pa Roi - địa bàn cuối cùng của xã A Dơi, nằm tiếp giáp dòng sông Se Pon và vùng biên giới Việt - Lào.

Sáng, Pa Roi sương giăng kín cả vùng trời. Sự vắng lặng của bản làng cùng cái thâm u, thăm thẳm bê dòng Se Pon càng làm không gian thêm nặng nề. Người Vân Kiều quan niệm chết là trở về với rừng, chốn linh thiêng nhất. Ở đó, người chết vẫn có một thế giới đầy đủ với đầy đủ mọi sinh hoạt. Cho nên với người Pa Roi, Vân Kiều, “rừng ma” là nơi bất khả xâm phạm, không ai được chặt phá rừng dù bất kỳ lý do gì để bảo quản khu rừng mà của xâu mình được tươi tốt, không làm “kinh động” đến người đã chết.

 


Già Pả Chiên kể chuyện "rừng ma"

Theo “luật” để được vào “rừng ma”, ngay già làng phải họp bàn, xin phép. Nếu phát hiện người nào cố ý vào sẽ bị phạt nặng.

Để thực tế “rừng ma” với cư dân bản địa là điều không dễ dàng. Chúng tôi phải mua đầy đủ các vật cúng tế: gà, hương để Già Pả Chiên (73 tuổi), già làng bản Pa Roi làm lễ xin phép. Nhưng khi dẫn vào rừng ma ông vẫn đầy lấm lép. Vừa thấy khu rừng cao, cổ thụ bên cạnh Trạm biên phòng A Dơi, già Chiên nhảy bổ về phía tường núp vội, tay run rẩy chỉ về khu rừng ma âm u, huyền bí của bản mình.

Theo Thiếu tá Hồ Hải Hùng, Trạm trưởng trạm Biên phòng A Dơi: Bao năm gắn bó với đồng bào, chúng tôi phải chấp hành những quy định đó dọc các khu rừng ma của họ. Ngay đến người Kinh lên đây làm kinh tế, đơn vị phải thường xuyên nhắc nhở, vận động để họ không xâm phạm đến “rừng ma” của đồng bào để tránh những điều không hay xảy ra. Khác với những dân tộc khác, việc cải táng ở “rừng ma” với người Vân Kiều là điều cấm kỵ. Bởi thế, họ không bao giờ được đụng chạm đến mồ mả, cây rừng.

“Khi đã chôn rồi thì không ai lui tới rừng ma nữa. Muốn tới thì phải cúng. Nhưng mỗi năm cũng chỉ được tới một lần mà thôi vì sợ con ma rừng sẽ theo về” - Già Chiên cho hay. Thường dịp cúng rừng của người Vân Kiều phải có rượu, có thể giết gà, lợn, trâu nhưng nhất thiết phải là những con vật sống thì rừng mới nhận lời. Nhiều người sợ, không dám đến “rừng ma” nên chỉ tổ chức cúng ở nhà rồi gọi ông bà tổ tiên từ “rừng ma” chứng dám.


Phần 3 :  "Nữ chúa" thổi độc và bí truyền bài thuốc từ "rừng ma"

Quanh các khu “rừng ma” của người Vân Kiều vùng cao Quảng Trị, các “thầy” vẫn âm thầm lưu truyền phương thuốc bí ẩn thổi giải độc, thổi gẫy tay, cầm máu... mà theo họ, muốn càng linh nghiệm thì lấy loại cây mọc sát bên “rừng ma”.

“Nữ chúa” thổi độc

Trời tối mịt, mụ Chơn (tên thật Hồ Ta Pưng, bản Kớp, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa - Quảng Trị) mới cắt rừng trở về nhà, trên tay cầm lá cây để chuẩn bị “thổi” giải độc cho một thanh niên chờ sẵn. Anh Hồ Cất (25 tuổi), người cùng bản không may ba ngày trước, trên đường đi lấy củi bị con rắn cắn vào bàn tay khiến toàn thân đau nhức, cánh tay sưng rộp, chữa miết không khỏi...

 


Anh Hồ Cất đang được mụ Chơn “thổi” độc


Mụ Chơn ít nói, chăm chú nhìn đứa trai bản, rồi vào nhà lấy ra khay đựng một chai rượu, một tấm vải, hai cái bát, một cây đăng làm bằng sáp ong rừng và tháo chiếc vòng bạc dầy đặc ở cánh tay phải đặt xuống dưới khay... Tức thì, mụ lầm rầm niệm chú những lời thì thào trong khóe miệng, ngấp ngụm rượu, lấy cây đăng bỏ vào miệng, hơ hơ vào chiếc lá rồi cứ thế vừa xoa lá, vừa phun rượu vào vết thương của chàng trai bản.

Buổi trị độc có một không hai này kéo dài chừng gần nửa tiếng đồng hồ giữa cái âm u, bí hiểm cùng tiết trời lạnh buốt đêm triền núi. Mụ Chơn hết niệm chú lại phun rượu, hơ lửa cũng phải đến chục lần. “Mai mày phải đến tiếp nhé, một ngày ba lần. Độ hai ba ngày nữa là mày khỏi thôi” - mụ dặn người trai bản.

Nếu không trực tiếp chứng kiến cảnh “thổi” độc này, thì có cạy răng mụ cũng không tiết lộ với người ngoài những chuyện trong “nghề”. Mụ Chơn bảo: cái lá đó tác dụng làm tan máu, cầm vết thương, còn lành hay không là ở câu chú niệm trong miệng. Trước và sau mỗi lần niệm đó phải làm lễ, mời ông bà tổ tiên về phù giúp, để lời chú đó công năng mạnh nhất.

Đưa ánh mắt ra khoảng tối bao la, mụ Chơn khẽ khọt như sợ ai nghe thấy: “Cái lá này cũng dễ kiếm thôi. Nó là lá từ bi nhưng phải lấy ở những khu sát “rừng ma” thì mới tốt. Sát thôi chứ không phải trong “rừng ma” nhé vì nếu chặt, lấy cây ở rừng ma sẽ bị rừng phạt, bệnh không khỏi mà càng nặng hơn đó”.

Theo chỉ dẫn của mụ, khu “rừng ma” của bản Kớp phải đi qua hai quả đồi, đến gần bên dòng suối thì nhìn tay trái sẽ thấy cây cối um tùm đó là “nghĩa địa” của người Vân Kiều trong bản. Mỗi lần lấy lá từ bi, mụ Chơn phải cắt rừng từ sớm có khi đến tối mịt mới về.

Kỳ bí gia truyền


Gần 60 mùa rẫy qua, mụ Chơn được dân bản nhắc đến như “nữ chúa”, người kỳ cựu nhất còn sót lại của phương cách bí truyền thổi giải độc. Chẳng ai nhớ nổi đã có bao nhiêu người đến mụ để “thổi” giải độc, cứu sống. Ngay cả người Kinh lên trồng cao su, làm kinh tế khi bị độc, gẫy tay cũng tìm đến mụ.

“Thổi giải độc chỉ những người trong nhà mới truyền được cho nhau. Một người chỉ truyền lại cho hai người mà thôi. 10 tuổi, tau được học rồi, phải kiêng kị nhiều năm. Ít là 3 năm, nhưng muốn hiệu nghiệm thì phải kiêng đến suốt đời” - Mụ Chơn bật mí quanh cách truyền bí “thổi” giải độc riêng có của dân tộc Vân Kiều mình.


Lá cây từ bi không thể thiếu khi “thổi” độc, thổi gẫy tay, đình sản... của người Vân Kiều

Muốn truyền “thổi” phải ăn các loại con còn sống và có đầu nhưng phải kiêng ăn các loại cá chìm (sống dưới bùn đất: chình, lươn, trê...) mà chỉ ăn loài cá nổi như cá mương, diếc, rô...; đồng thời kiêng ăn thịt cầy, mè, gà rừng và các loại thú, bò sát dữ (hổ, sói, rắn...); khi uống, chỉ được uống nước lấy từ sương rừng đọng trên các kẽ lá, trường hợp uống nước sông, suối thì phải uống ngược tức là xoay mình ngược lại với dòng chảy của con sông mới được uống; thậm chí nếu phát hiện dây phơi quầy áo thì nhất định không được chui qua; không được dùng tay bẻ cây rừng mà chỉ được dùng rựa, dao chặt cành...

Mụ Chơn bảo: “Khó nhất là học các câu thần chú. Mỗi câu phải mất ít nhất gần nửa năm mới được. Đúng ngày rằm các tháng phải ôn luyện. Vừa kiêng vừa học, nếu vi phạm chỉ một điều cấm kỵ thôi thì mọi phép thổi sẽ mất hết, không học lại được nữa”. “Khóa học” đặc biệt này kéo dài đến tận 3 năm. Tuy nhiên, sau hai năm đầu không được “thổi” cho ai, để các “phép” này già đi mong có hiệu nghiệm cao nhất.

Tôi đánh liều hỏi về những câu chú, tức thì mụ Chơn chau mày: “Đó là điều tuyệt mật nhất. Chỉ khi truyền người ta mới được nói cho nhau. Ngay cả khi “thổi độc” nếu bị người ngoài nghe được cũng sẽ hỏng phép”.

Ông Phan Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Mò Ó, Đăkrông, Quảng Trị cho biết: “Chuyện người được “thổi” khỏi bệnh là có thật nhưng vẫn chưa có cơ sở nào nghiên cứu cách khoa học. Trước đây do y học chưa được phổ biến ở bản làng, người dân dùng các cách dân gian để chữa trị. Giờ phát triển rồi, xã tuyên truyền, vận động người dân khi bị thương, gặp tai nạn trước hết nên để các cơ sở y tế để điều trị để đảm bảo an toàn tính mạng”.

“Tau “thổi” là để giúp người, chẳng mong lợi lộc gì. Người ta thấy lành thì đến, không lành thì đi. Những người được cứu thì tùy tâm họ có thể trả lễ bằng rượu, gà để tau tạ lễ tổ tiên. Mấy chục mùa rẫy trước, việc thổi cầm máu, thổi gẫy tay, đình sản... tau làm hết nhưng giờ tau vẫn khuyên họ nếu bệnh nặng thì hãy đến cơ sở y tế”.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2