Lượt thăm:240909690   Đang Online: 740

Số lượt xem: 5008
Gửi lúc 14:39' 09/04/2012
Giai thoại ly kỳ về 'tướng cướp cô độc' lừng danh đất Sài Gòn
Trong thế giới du đãng Sài Gòn trước năm 1975, cái tên Điền Khắc Kim không làm kinh khiếp giới giang hồ như Đại Cathay hay Huỳnh Tỳ, nhưng lại làm mất ăn mất ngủ những gia đình người Mỹ sống ở Sài Gòn (cả quân sự và dân sự).


Điền Khắc Kim “chinh chiến” một mình, không có “đồ đệ” như các trùm du đãng khác, vì vậy tên du đãng này được báo chí Sài Gòn thời ấy đặt cho cái tên “Tướng cướp cô độc”. Đặc biệt hơn mọi trùm du đãng khác, Điền Khắc Kim chỉ cướp của gia đình người Mỹ, xong cưỡng hiếp những phụ nữ Mỹ...

Những vụ cướp làm xôn xao Sài thành

Những năm cuối của thập niên 1960, dư luận và báo chí Sài Gòn được một phen xôn xao khi tại đây liên tiếp xảy ra những vụ cướp rất kỳ lạ, có cùng đặc điểm, chứng tỏ do cùng 1 người gây ra. Đó là, các vụ cướp chỉ nhằm vào các gia đình người Mỹ sống ở Sài Gòn.

Đặc biệt, sau khi cướp của, hung thủ luôn giở trò đồi bại với người phụ nữ là chủ nhà (cũng là người Mỹ). Vụ cướp đầu tiên được ghi nhận vào giữa tháng 2/1968, tên cướp đột nhập vào nhà một kỹ sư công chính người Mỹ trên đường Trần Quang Khải.

Tên cướp dùng súng khống chế bà vợ ông kỹ sư, cướp 5.000 USD và một số vàng, hột xoàn trị giá khoảng 17 triệu đồng. Giá trị tài sản bị cướp như thế là rất lớn vào thời đó, bởi lúc ấy vàng chỉ có 25.000đồng/lượng và 1 USD thì trị giá bằng 10 USD theo giá ngày nay.



Sau khi dồn hết số tài sản cướp được vào bao tải, tên cướp bắt bà vợ Mỹ không còn trẻ trung gì của ông kỹ sư ra hãm hiếp.

Mấy tháng sau, liên tiếp 3 vụ cướp tương tự được lặp lại, với cùng một kiểu cách. Đặc biệt là tên cướp rất liều lĩnh, khi các vụ cướp liên tiếp xảy ra tại cùng một cư xá Mỹ trên đường Trần Cao Vân, quận 1, gần hồ Con Rùa. Tên cướp đã lần lượt dọn sạch những tài sản có giá trị trong 3 căn hộ, với tổng số tiền bị cướp khoảng 11 triệu đồng, thời giá bấy giờ.

Cả 3 bà vợ Mỹ chủ nhà đều lần lượt bị tên cướp khống chế cưỡng hiếp, trong số ấy có một người tuổi đã lớn, dáng phốp pháp, không có gì gọi là hấp dẫn đàn ông. Nếu như vụ cướp đầu trên đường Trần Quang Khải chỉ được báo chí Sài Gòn đưa qua loa rồi thôi, thì đến 3 vụ cướp tiếp theo, báo chí đã khai thác mạnh, như là một hiện tượng.

Đùng một cái, vào tháng 5/1969, đến lượt bà vợ của tay Giám đốc hãng sản xuất băng đĩa Columbia trở thành nạn nhân của một vụ cướp tương tự.

Hôm ấy bà vợ Calorine ở nhà một mình tại nhà riêng ở Xóm Chùa, quận Bình Thạnh. Tên cướp bất ngờ xuất hiện, khống chế  bà chủ, lấy đi khoảng 8 triệu đồng và “cướp” cả tình.  Cả Sài Gòn xôn xao khi các tờ báo lớn đồng loạt giật tít đậm ở trang nhất về vụ cướp vừa mới xảy ra.

Câu chuyện càng nhuốm màu huyền bí khi cảnh sát không lần ra chút manh mối nào về tên cướp, bởi hắn hành động cực kỳ xuất quỷ nhập thần.

“Bóng ma cướp của – hãm hiếp” trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các gia đình người Mỹ hoặc các bà mệnh phụ giàu có có chồng là người Mỹ sống ở Sài Gòn.

An ninh tại nhà riêng và các cư xá Mỹ được tăng cường tối đa, người ta thuê hẳn các đội bảo vệ chuyên nghiệp trong lực lượng cảnh sát thay nhau canh gác 24/24 ở những nơi có đông gia đình người Mỹ sinh sống.

Thế nhưng, dù vậy thì tên cướp vẫn cứ ung dung đột nhập vào những nơi có người Mỹ ở. Một ngày tháng 11/1969, tên cướp lại đột nhập nhà một gia đình chồng Mỹ vợ là gái bán bar người Việt ở cư xá Đô Thành.

Sau khi khống chế cô chủ nhà xinh đẹp, lấy đi 6 triệu đồng, tên cướp bắt đầu giở trò đồi bại với cô gái, hắn sờ soạng khắp người, cởi áo nạn nhân... Thế nhưng, tên cướp chỉ “trêu hoa ghẹo nguyệt” một chốc rồi bỏ đi, không cưỡng hiếp nạn nhân như những lần trước.

Khi bị tên cướp bất ngờ đột nhập vào nhà, dùng súng khống chế, cô gái chủ nhà đinh ninh rằng rồi mình cũng cùng số phận với nạn nhân các vụ cướp trước đó.

Đến chừng thấy tên cướp “tha” không cưỡng hiếp, xách túi tiền bỏ đi, cô gái nạn nhân quá ngạc nhiên trước sự may mắn của mình, đã buột mồm hỏi: “Tên anh là gì?”.

Câu hỏi bất ngờ làm tên cướp sững người lại, hắn nhìn cô gái, nghĩ ngợi vài giây, xong trả lời: “Điền Khắc Kim!”. Tên cướp còn “lãng mạn” mượn cô gái cây viết để viết cái tên Điền Khắc Kim ra giấy và ném lại cho cô gái.

Xong hắn nói: “Cô may mắn đó. Tôi chỉ trả thù mấy thằng Mỹ chứ không trả thù người Việt” trước khi lao người ra ngoài đường.

Ngày hôm sau, trên trang nhất tất cả các tờ báo ở Sài Gòn đều chạy những hàng tít giật gân về vụ cướp nhà người Mỹ với cái tên Điền Khắc Kim thật to. Thế nhưng Điền Khắc Kim là ai, sau đó cảnh sát Sài Gòn tiếp tục bó tay với cái tên Điền Khắc Kim bí ẩn giữa thành phố 4 triệu dân này.

Nhiều tờ báo đã nhảy vào làm loạt bài điều tra về tên cướp Điền Khắc Kim, họ thêu dệt thành nhiều chuyện kỳ bí, giật gân về tên cướp, để cuối cùng biện minh cho hành động làm nhục nạn nhân của Điền Khắc Kim ở các vụ trước đó là để “trả thù dân tộc (?!).

Chuyện tình buồn trong khói pháo

 Mãi cho tới khi tên cướp bị bắt, người ta mới biết Điền Khắc Kim có tên thật là Lê Văn Minh, con trai thứ hai trong một gia đình nheo nhóc có bốn anh chị em ở làng Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp.

Cái tên Điền Khắc Kim mà tên cướp xưng với “người đẹp” ngày nào, là do hắn đọc thấy ở đâu đó trong các cuốn truyện Tàu. Khi bị cô gái mà hắn tha không hiếp hỏi tên, Lê Văn Minh bị bất ngờ, không biết trả lời thế nào. Hắn không thể nói tên thật, mà không trả lời thì cũng “kỳ”, nên hắn bịa đại một cái tên Điền Khắc Kim để trả lời cô gái.

Để rồi cái tên Điền Khắc Kim đi theo suốt cả đời tên cướp Lê Văn Minh (còn gọi Minh con). Minh “con” có tuổi thơ nhọc nhằn trong một xóm lao động nghèo ở Hạnh Thông Tây, dưới một mái nhà rách nát, lợp bằng những tấm tôn cũ thủng lỗ chỗ, vách là những mảnh bìa carton...



Vào mùa nắng, ngôi nhà của gia đình Minh “con” nóng hầm hập, còn mùa mưa thì dột nát, ngập nước như ở ngoài đường. Gia đình có bốn chị em, cha mất sớm, toàn bộ gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ ốm yếu.

Mới chút tuổi đầu, Minh “con” phải hàng ngày dậy sớm phụ mẹ bán bánh mì. Tuổi thơ vất vả và thiếu thốn khiến Minh không lớn nổi, gầy gò, đen đúa, nên chúng bạn trong xóm đặt cho biệt danh là Minh “con”.

Tất nhiên, Minh “con” cũng không được học hành gì, chỉ viết được tên mình cùng phép cộng trừ nhân chia.

Cảnh nghèo, vất vả đã làm cho người mẹ khó tính hơn. Bà hay “phát” cho chị em Minh “con” những trận đòn mỗi khi có lỗi lầm dù lớn dù nhỏ.

Mỗi lần Minh “con” bị đánh đòn, thường có một “cô bé nhà bên” lén nhìn vào trêu chọc, cặp mắt đen tròn của cô như làm cho Minh “con” quên bị đòn đau. Con bé ấy tên Nguyễn Thị Diễm, nhỏ hơn Minh “con” 1 tuổi. Nhà Diễm cũng nghèo, cũng sống cơ cực, nên nó cũng đen đúa, ốm đói như Minh “con”, nên dân trong xóm gọi nó là “Diễm đèo”.

Diễm “đèo” và Minh “con” càng ngày càng thân nhau, cùng nghịch ngợm, nhiều khi cũng châm chọc nhau. Một lần bị Diễm “đèo” trêu chọc, Minh “con” tức lắm, rắp tâm tìm cách trả đũa. Làng Hạnh Thông Tây có nghề làm pháo gia truyền, quanh năm suốt tháng cứ đầy những tiếng đì đùng của pháo.

Minh “con” nhặt pháo rơi rớt trong làng, cất để dành, chờ cho Diễm “đèo” đi ngang qua là đốt ném cho “biết mặt”. Diễm “đèo” sợ khóc thét lên, báo hại làm Minh “con” phải xin lỗi, dỗ dành. Cứ thế, hai đứa trẻ nghèo cứ lớn dần theo thời gian, tình cảm khác lạ trong chúng cũng đâm chồi, nảy nở theo tuổi tác.

Năm Diễm “đèo” 16 tuổi, cũng là lúc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Khu vực Hạnh Thông Tây mọc đầy trại lính, sở Mỹ, cuộc sống sôi động và phức tạp hẳn lên.

Cái xóm nghèo của Minh “con”, Diễm “đèo” bắt đầu mọc lên những quán rượu, nhà chứa, snack-bar để lính Mỹ tiêu tiền mỗi khi lãnh lương.

Tuổi 16, Diễm “đèo” dù chưa trở thành thiên nga xinh đẹp, nhưng cũng không còn là con vịt trời xấu xí. Mái tóc cô đã mượt hơn, làn da bớt đen đúa, môi ửng hồng, ngực đã chớm nở...

Một ngày nọ, Minh “con” bỗng thẫn thờ khi nhìn thấy Diễm “đèo” lột xác thành một Hélen Diễm. Cô tiếp viên xinh đẹp của quan bar mới mở hàng ngày mặc váy ngắn cũn cỡn, cặp tay những tên lính Mỹ to con gấp đôi, đi vào trong snack-bar.

Minh “con” cũng bị cuốn vào cuộc sống xô bồ, phức tạp đó, hắn trở thành một thằng ma cô chuyên dắt mối cho gái điếm.

Làm ma cô phải làm luôn nhiệm vụ bảo kê cho gái điếm, Minh “con” bắt đầu biết đánh đấm, thậm chí đâm chém, đôi khi một mình đối đầu với cả băng giang hồ từ nơi khác kéo tới...

Cậu bé hiền lành ngày xưa đã trở thành thằng Minh “con” ma cô lầm lì với vết sẹo dài vắt qua má trái hậu quả của một trận thư hùng. Tên tuổi của Minh “con” dần trở thành nỗi khiếp sợ của người dân khu vực Hạnh Thông Tây, ngã ba Chú Ía, vành đai sân bay Tân Sơn Nhất .

Dù đã trở thành tay anh chị, nhưng Minh “con” vẫn không thể nào quên kỷ niệm tuổi thơ êm đềm với Diễm “đèo”. Một lần, Minh “con” đã chặn Hélen Diễm khi cô đang cặp kè với một tên lính Mỹ, hỏi thẳng: “Mấy thằng lông khỉ này có gì hay? Sao cô cứ đeo bám theo chúng?”.

Bất ngờ bị Minh “con” chặn đường xúc phạm, Hélen Diễm tàn nhẫn trả lời: “Hỏi vô duyên. Hổng có gì hay, nhưng tụi nó có tiền! Anh có tiền như nó hôn, tui bỏ nó về với anh!”. Rồi Diễm cùng tên lính Mỹ bước vào quán bar, bỏ lại Minh “con” đứng ngơ ngác.

Khoảng cuối năm 1967, Minh “con” chính thức bỏ nhà đi làm “giang hồ” ở khu chợ Dân Sinh, quận 1. Trước lúc ra đi, Minh “con” mua một phong pháo và tìm đến cái snack-bar nơi Hélen Diểm làm tiếp viên xin được gặp cô.

Không nói không rằng, Minh “con” lôi phong pháo ra, cầm trên tay và mồi lửa. Pháo nổ tung tóe khiến cả quán bar nhốn nháo, nhưng Hélen Diễm thì không nhắm mắt, bịt tai hay bỏ chạy như ngày nào.

Cô cứ đứng yên, ngó trân trân dây pháo nổ điếc màng nhĩ trên tay người bạn bụi đời. Pháo vừa dứt, Minh “con” không nói một lời, lặng lẽ quay lưng, bỏ lại một Hélen Diễm nước mắt ròng ròng trước cách tỏ tình có một không hai của thằng con trai hàng xóm.

Chưa tới một tháng sau, Minh “con” tình cờ đọc trên mục “đua xe cán chó” của một tờ báo, thấy mẩu tin: “Một cô gái điếm cỡ 18 tuổi bị một toán lính Mỹ thay nhau hãm hiếp rồi lột truồng vứt xác ngoài bãi rác ở Gò Vấp”. Nhìn khuôn mặt nạn nhân, Minh “con” biết ngay là Diễm “đèo”.

Hắn như điên dại, chạy như bay về Hạnh Thông Tây, cũng là lúc cỗ quan tài của Hélen Diễm vừa hạ huyệt! Mối tình đầu câm lặng của Minh “con” kết thúc quá bi thảm.

Minh “con” càng trở nên lầm lì, hắn tìm mua một khẩu Colt 45 với mấy băng đạn giắt vào bụng rồi lặng lẽ đi vào trong đêm tối. Sau đó là hàng loạt các vụ cướp của, hãm hiếp nhắm vào gia đình những người Mỹ sinh sống trên đất Sài Gòn.

Làm thủ lĩnh trong tù

Sau vụ tự xưng là “Tướng cướp Điền Khắc Kim” một thời gian, vào tháng 5/1970, Minh “con” - Điền Khắc Kim lại đột nhập vào nhà một người Mỹ là Giám đốc Hội cha mẹ nuôi quốc tế trên đường Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần).

Điền Khắc Kim đột nhập vào nhà lúc 2 vợ chồng người Mỹ đang ân ái. Tên cướp đã dùng súng khống chế, bắt trói người chồng, nhét giẻ vào miệng, xong đem nhốt vào nhà tắm, rồi thu gom tiền bạc, chuẩn bị giở trò đồi bại với bà vợ.

Trong phòng tắm, tay giám đốc đã cởi được dây trói, chạy thoát ra ngoài gọi cảnh sát. Điền Khắc Kim bị bắt, phải ra tòa lãnh án 20 năm tù vì các lần cướp và hãm hiếp trước đó cộng lại.

Trong trại giam Chí Hòa, dù Điền Khắc Kim không băng đảng, không phe phái nào, nhưng vẫn nghiễm nhiên được đám tù du đãng, trộm cướp xếp vào hàng “đại ca”.

Chính sự liều lĩnh và những tiếng đồn “trả thù dân tộc” chuyên nhắm vào người Mỹ được các báo công khai thán phục đã làm cho Điền Khắc Kim nổi danh trong giới giang hồ, các băng đảng khác dù rất mạnh nhưng cũng nể phục Điền Khắc Kim.

Nhờ được tôn là “đại ca” trong trại giam, Điền Khắc Kim đã lo lót cho các người cai ngục để mua được một tờ “giấy đi phép”, được tự do ra ngoài 12 hoặc 24 giờ, sau đó về trình diện. Lợi dụng “giấy đi phép”, Điền Khắc Kim đã trốn luôn, trở thành tên tù vượt ngục. Trốn khỏi tù, Minh “con” càng liều lĩnh hơn.

Hắn đã mò ngày vào nhà một tên thiếu tá Mỹ để cướp và hiếp. Tên sĩ quan Mỹ đã kịp thời móc súng chống trả, Điền Khắc Kim bị trúng một viên đạn vào bụng, quỵ ngay tại chỗ và bị cảnh sát tóm cổ đưa vào Tổng Y viện Cộng Hòa (nay là Quân Y viện 175) để chữa trị theo chế độ đặc biệt của tù vượt ngục.

Với hình hài còn quấn đầy bông băng, ngay trước mũi của nhưng cảnh sát đứng gác ngày đêm, Điền Khắc Kim lại cưa còng trốn thoát khỏi bệnh viện.

Khi vết thương còn chưa lành, Điền Khắc Kim lại đột nhập vào một nhà doanh nhân người Mỹ ở số 190 đường Công Lý (nay là Nguyễn Văn Trỗi), cướp được 5.000 USD và 20 triệu đồng.

Cũng với trò cũ, sau khi gom tiền, hắn ra tay giở trò đồi bại người nữ chủ nhà. Bất ngờ ông chồng chủ nhà trở về. Một cuộc đọ súng đã nổ ra. Cả hai tay súng đều bị trúng đạn và đều nằm quỵ tại hiện trường, chờ cho cảnh sát tới tóm Điền Khắc Kim đem về nhà tù.

Vào tù, Điền Khắc Kim lại được bọn đầu trộm đuôi cướp trong tù tôn là “đại ca”, được đám cai ngục ở đây phong cho chức “thư ký đề lao”. Là “thư ký đề lao”, nghiễm nhiên Điền Khắc Kim trở thành vua một cõi.

Trại giam Chí Hòa từ ngày có Điền Khắc Kim càng trở nên hỗn loạn; cảnh đâm chém, thanh trừng nhau diễn ra liên miên. Để đối phó, cuối năm 1974, chính quyền Sài Gòn tống những tên “đại bàng” của trại này sang quân lao Gia Định, trong đó có Điền Khắc Kim.

Tại đây đã xảy ra một vụ đụng độ nảy lửa giữa Điền Khắc Kim và Lâm Chín ngón. Dù rất hung hăng, nhưng do nhỏ con, Điền Khắc Kim bị gã hộ pháp Lâm Chín ngón kẹp cổ, dùng bút máy đâm vào giữa trán, máu tuôn xối xả.

Đầu năm 1975, Điền Khắc Kim và một loạt tù trọng án tại quân lao Gia Định bị chính quyền Sài Gòn đày ra Côn Đảo.

Chỉ một thời gian sau là Côn Đảo giải phóng. Lợi dụng tình hình lúc tranh tối tranh sáng, Điền Khắc Kim và nhiều tên tù hình sự khác đã đánh lính gác, cướp súng chạy thoát ra ngoài.

Kết cục bệ rạc của một huyền thoại    

Trên đảo, Điền Khắc Kim xông vào khu gia binh, gây liền hai vụ cướp, xong rút lên núi trốn. Nhưng chỉ mấy hôm sau, Điền Khắc Kim đã bị lực lượng quân quản của đảo bắt giữ, đưa về đất liền, giam giữ tại trại giam Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Tại đây, vào tháng 5/1978, Điền Khắc Kim đã cạy vách nhà xí phòng giam trốn trại về Sài Gòn, ẩn náu tại nhà vợ bé của y ở đường Hưng Phú, quận 8. Minh “con” có vợ đầu là một phụ nữ bình thường nhà ở đường Tôn Đản, quận 4.

Thế nhưng, tiền bạc cướp được, hắn chỉ ăn chơi, đập phá cho kỳ hết, chẳng giúp được gì vợ con, bỏ mặc vợ con sống nghèo khó.

Năm 1969, trong một lần trốn sự truy lùng của Biệt đội hình cảnh Sài Gòn (chuyên bài trừ các băng du đãng ở Sài Gòn), tại khu vực Bến Tàu, quận 8, Minh con tình cờ gặp người con gái tên Phạm Thị Dung lúc đó đang bán dạo sương sâm.

Tên tướng cướp Điền Khắc Kim gọi liền một lúc 10 ly sương sâm, rồi ngồi ăn cho bằng hết, bù lại cơn đói do tránh sự truy lùng của cảnh sát.

Ăn xong hắn bảo với người bán: “Đói quá, tôi ăn sương sâm trừ cơm. Bữa nay không có tiền, em cho tôi thiếu, mai mốt muốn bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu”.

Cô gái bán sương sâm nghèo không nỡ làm dữ, chỉ im lặng thở dài và quảy gánh đi. Một thời gian sau, Điền Khắc Kim quay lại và đưa cho cô gái bán sương sâm một xấp tiền dày cộm bằng tiền lời cả năm buôn bán của cô.

Hắn nói: “Để đó tôi ăn sương sâm trừ dần”. Rồi hắn lại bắt chị ngồi múc từ từ đủ 10 ly để hắn ngồi nhẩn nha ăn, vừa ăn vừa nói đủ chuyện, làm cô gái thấy có cảm tình với hắn. Không mất nhiều thời gian để cô gái bán sương sâm trở thành vợ hai của Điền Khắc Kim.

Ở với nhau được một mặt con, cô gái bán sương sâm mới biết chồng mình đã có vợ con và là tên tướng cướp Điền Khắc Kim khét tiếng. Rồi “tướng cướp cô đơn” bị bắt, bị đày ra Côn Đảo biệt tăm, người vợ ở nhà kể như chồng đã chết, âm thầm nuôi con. Bất ngờ Điền Khắc Kim vượt ngục trở về từ Hậu Giang.

Dù biết chồng là tên tù vượt ngục, nhưng người vợ không nỡ tố cáo. Ở nhà vợ nhỏ một thời gian, Điền Khắc Kim mò ra đường Hồ Văn Ngà, tìm một người bạn cũ nhờ tìm sinh kế. Hắn đã bị công an phát hiện và bắt giữ, sau đó bị đưa lên cải tạo tại trại Tống Lê Chân (Sông Bé).

Ngồi trại đến tháng 7/1983, hắn lại trốn về Sài Gòn. Vừa đặt chân trở lại Sài Gòn, hắn đã một mình gây hàng loạt vụ cướp mới. Lần này, đa số nạn nhân của tên cướp hết thời đều là đàn bà, con nít, những kẻ yếu ớt, cô đơn.

Một lần, vừa cướp được một chiếc xe đạp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thì hắn bị công an vây bắt. Cùng đường, hắn kê súng vào bụng anh công an bóp cò nhưng đạn lép, không nổ nên bị tóm tại trận.

Trở vào trại giam, cố hết sức, Điền Khắc Kim vận công, gồng bụng làm bục vết thương Mỹ bắn ngày nào. Được công an đưa vào Bệnh viện Bình Dân cấp cứu. 3 giờ sáng, lợi dụng lúc anh công an gác cửa ngủ gục, hắn lại bẻ còng trốn thoát.

Tiếng tăm lẫy lừng là thế nhưng đoạn cuối cuộc đời ngang dọc, Điền Khắc Kim đã tự biến mình thành một tên lưu manh mạt hạng.

Không còn những vụ đột nhập xuất quỉ nhập thần, không còn các phi vụ rượt đuổi và đấu súng dữ dội, cái còn lại của hắn chỉ là những vụ trộm cắp, cướp giật vặt vãnh của một tên hạ lưu bần tiện.

Lần cuối cùng, hắn bị dân phòng phường 12, quận 8, TP HCM tóm cổ trong đêm khi đang tẩu tán một chiếc xe đạp và mớ quần áo cũ do một đàn trộm được ở một căn nhà bên cầu Rạch Ông, quận 8 vào tháng 4.1985.

Khi người vợ nhỏ dẫn 3 đứa con nhỏ vào trại giam thăm nuôi, Điền Khắc Kim đã ngượng ngùng cúi mặt.

Những thương tích trong cuộc đời “tướng cướp cô đơn” đã bắt đầu hành hạ Điền Khắc Kim, để rồi hắn trút hơi thở sau cùng vào năm 1986 tại trại giam Chí Hòa…

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2