Lượt thăm:241066790   Đang Online: 2790

Số lượt xem: 1961
Gửi lúc 09:39' 28/10/2011
Vỡ nợ "tín dụng đen" BĐS: Những cái chết được báo trước
Dùng lãi suất cao để huy động vốn với khoản lợi nhuận "siêu khủng", từ nhiều năm nay, đầu tư BĐS vốn được coi là kênh đầu tư “vàng”. Tuy nhiên, khi thị trườn gần như tê liệt, vỡ nợ "tín dụng đen" có thể xem là hệ quả tất yếu.

Nhận diện “tín dụng đen”

“Tín dụng đen” là cụm từ mà dân gian hay dùng để chỉ các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan nào. Thị trường này được hình thành từ một bên là người có vốn (người dân) nhưng không am hiểu quan hệ tín dụng, không hiểu hoạt động của ngành ngân hàng (NH), lại bị khuyến khích bởi lãi suất cao và một bên là nhu cầu vốn.

Lãi suất trên thị trường “tín dụng đen” cũng muôn hình vạn trạng mà không tuân thủ theo bất kỳ “trần lãi suất” hay “sàn lãi suất” nào, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người có vốn và kẻ đói vốn.

Theo tìm hiểu của  PV Petrotimes thì lãi suất trên thị trường “tín dụng đen” khá phong phú và đa dạng. Từ “hữu nghị” chỉ 4,5%/ tháng, tương ứng 54%/ năm (gấp 3 – 4 lần NH) như những năm trước đây đã được đẩy lên tới 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương với 360%/năm tại một số thời điểm của năm 2011.

Thậm chí, ở Hà Nội, chúng tôi còn đươc nghe không ít câu chuyện cho vay với lãi suất “siêu siêu” khủng lên tới 30 – 40%/tháng, tức là 360 – 480%/năm (gấp 20 – 30 lần lãi suất NH). Nhưng phổ biến hơn cả vẫn là mức 5.000 – 6.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 200%/năm, cao gấp hàng chục lần lãi suất chính thức của bất kỳ ngân hàng nào.

Đáng lưu ý, có không ít trường hợp do không có kênh tiếp cận trực tiếp nên đã buộc phải cầu viện đến các kênh trung gian để tiếp cận nguồn vốn “tín dụng đen” và phải chịu mức lãi suất lớn hơn rất nhiều, có khi cao thêm tới 2 – 3 lần lãi suất gốc… của thị trường tín dụng đen.

Cũng chính vì khả năng sinh lời cao, cùng cách vận hành “ngoài vòng pháp luật” nên đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này cũng khá phong phú và đa dạng. Từ những đại gia “gia truyền” – chủ cửa hàng vàng lớn ở các Thành phố lớn, cho đến các  thiếu gia mới “nổi” một cách đầy bí ẩn ở tỉnh lẻ. Từ những  phần tử “xã hội đen” cho đến cả những doanh nhân thành đạt và công, viên chức tại nhiệm. Từ loại người quen “cáo mượn oai hùm”, đến cả những nhân vật đang có vai vế nhất định trong hệ thống tín dụng, tài chính Nhà nước đường đường “danh chính, ngôn thuận”…

Đặc biệt, khi mà NHNN ban hành một loạt các chính sách nhằm thắt chặt hệ thống tài chính, tiền tệ, khả năng tiếp cận với các nguồn vốn NH là rất thấp thì thị trường “tín dụng đen” lại càng có thời cơ nở rộ, phát triển bởi nhu cầu vốn nhằm giải quyết những khoản tiền “nóng”, ngắn hạn là rất lớn.

Đầu ra BĐS khó, “tín dụng đen” lâm nguy

Trên thực tế thị trường BĐS những năm qua cho thấy đây là kênh đầu tư tạo lợi nhuận lớn, thậm chí có những dự án đem lại “siêu” lợi nhuận cho những nhà đầu cơ, nhất là những nhà đầu cơ nhỏ lẻ. Và nguồn vốn của những nhà đầu cơ nhỏ lẻ chủ yếu là từ “tín dụng đen”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì cũng có những người mua nhà với nhu cầu thực.

Có không ít chuyên gia đã cảnh báo rằng: Nếu thị trường BĐS vẫn ế ẩm, đóng băng như hiện nay thì trong thời gian tới sẽ còn nhiều vụ vỡ “tín dụng đen”. Liên quan đến BĐS vỡ nợ mà gần đây nhất có thể kể đến trường hợp vỡ nợ tín dụng của một trong những đại gia BĐS khét tiếng ở Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Minh Tâm.

Giải thích cho “cái chết” của mình, bà Tâm cho biết: ”Tôi luôn nghĩ là thị trường bất động sản vẫn còn lên nữa và xưa nay đất, cát không bao giờ có chuyện xuống giá vì vậy tôi mua rất nhiều. Đến thời điểm tháng 4/2011 tôi không thể kiểm soát các khoản vay của mình. Lúc đó, thị trường bất động sản chững lại, giá đất giảm. Các mảnh đất tôi mua không thể bán được vì vậy tôi mất khả năng thanh toán”.

Điều đáng báo động ở đây là không chỉ có các cá nhân – những người được coi là đầu cơ nhỏ lẻ tiến hành huy động vốn từ các khoản vay lãi suất cao mà có không ít doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, BĐS cũng tìm cách giải quyết đang coi tín dụng đen như một cứu cánh khi mà hoạt động tín dụng BĐS bị siết chặt.

Giám đốc một Công ty xây dựng và kinh doanh BĐS ở quận Cầu Giấy – Hà Nội cho biết: Do NH thắt chặt các khoản vay tín dụng BĐS nên công ty đã phải tiến hành huy động vốn từ một số người quen, bạn bè đề nghị vay vốn để đầu tư bất động sản và cam kết trả lãi suất cao, thời gian thanh toán ngắn hạn, đúng hẹn.

Vị giám đốc này cho biết thêm, thực trạng này diễn ra khá phổ biến tại nhiều công ty kinh doanh BĐS hiện nay bởi các sản phẩm làm ra gần như không tiêu thụ được, nguồn vốn thì khan hiếm. Với cách làm này, các khoản vay của doanh nghiệp sẽ ngày một phình to bởi các khoản lãi ròng khủng khiếp từ nguồn vốn huy động được và đến một lúc nào đó, khi mà những khoản tiền từ người thân, quen cạn kiệt, để tiếp tục duy trì hoạt động, cũng như thanh toán tiền lãi hàng tháng, họ sẽ lại tiếp tục tìm mọi cách để huy động tiền từ những kênh khác. Và hệ quả là doanh nghiệp ngày càng lâm vào tình cảnh khốn khó.

Từ nhiều năm nay, BĐS luôn được các nhà đầu tư coi là lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận và cũng bởi khả năng quay vòng vốn nhanh. Cũng chính vì thế mà dòng vốn đổ vào thị trường này là rất lớn. Trong đó, có không ít nguồn vốn “khổng lồ” được huy động trên thị trường “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường BĐS lâm vào tình trạng ế ẩm, đóng băng, giá trị BĐS vẫn đang trong đà giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại thì các khoản tiền khổng lồ trên bỗng nhiên trở thành “quả bom nổ chậm”. Kèm theo đó là áp lực vô cùng “khủng khiếp” từ các khoản vay nặng lãi đang đè nặng trên vai nhà đầu tư khiến “quả bom nổ chậm” đó có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Hệ quả của nó là vỡ “tín dụng đen” và trong cái vòng tròn đó, khi sợi dây liên kết là “lợi nhuận” bị đứt ở một mắt xích nào đó thì sẽ kéo theo cả một hệ thống sụp đổ.

Về vấn đề này, Đại tá Đinh Văn Toản – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Khi ngân hàng không cho vay thì người dân, doanh nghiệp phải tự huy động để trả vòng quanh cho nhau. Để huy động được tiền nhàn rỗi trong dân, những kẻ vay tiền phải dùng thủ đoạn đưa lãi suất cao lên và cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con. Có trường hợp vay 1 triệu đồng thì trả lãi đến 7.000 – 10.000 đồng/ngày. Đây là một trong những nguyên nhân chỉ ra rằng vỡ nợ BĐS là do “tín dụng đen”.

Như vậy có thể thấy, trong cái vòng tròn khép kín của thị trường “tín dụng đen” thì những nhà đầu cơ BĐS nhỏ lẻ đang là chính là một trong những mắt xích yếu nhất và có nguy cơ chết yểu nhiều nhất. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu bởi ngay cả những đại gia trong lĩnh vực kinh doanh BĐS với tiềm lực tài chính hùng mạnh, có bề dày kinh nghiệm cũng đang phải đối diện với nguy cơ phá sản bởi không thể tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình.

Điểm khác biệt ở đây là những nhà đầu tư nhỏ lẻ với tiềm lực tài chính có hạn, từ nhiều năm nay, với “thói quen” đầu tư của mình đã huy động một lực tiền lớn từ thị trường “tín dụng đen” để đổ vào các sản phẩm BĐS riêng lẻ. Và khi dòng tiền trên không thể thu hồi bởi giá của sản phẩm BĐS đã không còn như trước, cộng vào đó là khoản tiền lãi hàng tháng mà nhà đầu cơ phải trả, nguy cơ vỡ nợ là rất cao.

Qua đó có thể thấy, những khó khăn trên thị trường BĐS trong thời gian qua, cộng với những chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN và thói quen làm ăn của không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ đang khiến nguy cơ vỡ nợ “tín dụng đen” trên diện rộng ngày càng tăng cao.
Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2