Lượt thăm:240902850   Đang Online: 760

Số lượt xem: 3681
Gửi lúc 07:52' 09/03/2012
Ly kỳ chuyện chặt đầu ‘rùa thần’ khiến nhiều người chết đuối?
Người dân trong xóm phá đá, hạ độ cao của cái cổ rùa xuống để đẩy xe bò cho đỡ dốc. Ngay khi con đường hoàn thành, cứ mỗi năm có một đến vài người chết đuối ở sông Si, đoạn ngay cạnh "đầu rùa".



Phần 1 :  Truyền thuyết và chuyện chặt đầu rùa :


Truyền thuyết quả núi hình rùa

Theo truyền thuyết, núi Dưỡng Chân (Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) thuộc Mỹ Cát Trang, có dân ở từ thời Hùng Vương. Ngày đó, vợ chồng cụ Lý Huy Chân đã từ quan về đây ở ẩn, xây dựng vùng đất này thành nơi giàu có, sầm uất.

4 năm ở làng, hai vợ chồng đã liên tiếp đẻ 4 người con, gồm 3 trai, 1 gái. Những người con được ăn học đầy đủ, lớn lên con trai khỏe mạnh, dũng mãnh, con gái xinh đẹp, cổ cao 3 ngấn, mắt phượng mày ngài.

Hai cụ mắc bệnh tiêu chảy, nên chết sớm và chết cùng ngày. 4 anh em đã mai táng hai cụ tại trang này.

Sau khi hai cụ mất, việc buôn bán, làm ăn sa sút. 4 anh em đang giàu có sung túc trở nên nghèo khổ. Không còn chốn dung thân, 4 anh em lấy gốc cây mộc hương (cây gỗ tỏa mùi thơm ngát) làm nơi trú ngụ.




Từ trên cao nhìn xuống, núi Dưỡng Chân như hình con Rùa. 


Ngày đó, vùng này là những cánh rừng gỗ lim rậm rịt. Vậy nên, có thời kỳ, người ta gọi núi Dưỡng Chân là núi Lim. Mười mấy năm trước, một số người hút cát ở sông Si, con sông lượn cạnh núi Dưỡng Chân, khi hút sâu xuống lòng sông vài mét, còn vớt được những thân gỗ lim khổng lồ, không rõ đã nằm dưới lòng sông bao nhiêu trăm, ngàn năm.

Trong rừng gỗ lim ấy, có một con hổ khổng lồ, người dân gọi là hổ tướng, thường xuyên về làng bắt người, khiến dân làng hết sức kinh sợ. 4 anh em họ Lý võ nghệ cao cường, đã kéo nhau vào rừng săn tìm nhiều ngày và giết được con hổ.

Giết xong hổ tướng, 4 anh em lại trở về gốc mộc hương sinh sống. Tuy nhiên, sau hôm giết con hổ thì phong ba bão táp nổi lên, gió mưa vần vũ suốt 3 ngày liền. Khi bão táp dừng, người dân thấy cây mộc hương rụng lá xác xơ. Dân kéo lên xem, thì không thấy 4 anh em họ Lý đâu cả, chỉ thấy 4 đống mối lùm lùm dưới gốc mộc hương. Người dân thương xót 4 anh em nên dựng miếu thờ.

Thời Hùng Vương, Thục Phán An Dương Vương có ý đồ xâm chiếm nước Việt, nên kéo quân xuống vùng Quảng Ninh. Vua Hùng đã sai tướng Vương Văn Chi đem quân đi chống. Trên đường xuống Quảng Ninh, đến gốc mộc hương, ngựa của tướng Vương Văn Chi nhất định không cất bước, cứ hí vang trời.

Thấy sự lạ, ông cho dừng quân, ngủ lại Mỹ Cát Trang. Tam nam nhất nữ họ Lý đã báo mộng sẽ đi trước dẫn quân đánh trận. Quả đúng như giấc mơ, quân của Vương Văn Chi đánh thắng như chẻ tre. Quân Thục Phán bỏ chạy tán loạn.

Lúc quay về, Vương Văn Chi đã tụ họp dân trại bên núi Dưỡng Chân, kể lại sự tình và quyết định đốn hạ cây mộc hương, cắt làm 4 đoạn, tạc 4 pho tượng đặt ở ngôi miếu để thờ.

Sử sách, truyền thuyết đều nói rõ như vậy, nhưng đến nay, không ai biết ngôi miếu đó ở chỗ nào. Chỉ biết rằng, ngôi miếu đó nằm trên quả núi có thế quy ẩn xà, tức là núi Rùa, được gọi là núi Dưỡng Chân vào thời Trần.

Mấy trăm năm trước, người dân dựng đình làng Mỹ Cụ, thì dựng lại 4 pho tượng anh em họ Lý, đến nay vẫn còn thợ phụng. Ngôi đình này thờ thành hoàng làng là vợ chồng cụ Lý Huy Chân.

Chặt đầu rùa nên liên tiếp chết đuối?

Ông Dương Văn Thớ sinh ra và lớn lên ở ngay chân núi Dưỡng Chân. Ông cũng không rõ đã bao nhiêu đời tổ tiên sống ở dưới chân quả núi này. Tổ tiên xưa kia, rồi cha mẹ ông đều sống ở đây, chết thì chôn ở nghĩa địa trên đỉnh núi. Đỉnh núi từng là nghĩa địa của cả xóm. 




Chùa Linh Sơn ở làng Mỹ Cụ. 


Theo truyền thuyết, từ thời Hùng Vương, quả núi này đã có tên là núi Rùa, với thế quy ẩn xà. Các nhà phong thủy cho rằng, quả núi mang dáng hình con rùa bị con rắn quấn quanh, trói chặt.

Cũng chính vì nó mang hình linh vật, nên rất thiêng. Đã vậy, theo các cụ kể lại, từ thời Bắc thuộc, người Tàu đã trấn yểm quả núi này bằng chiếc cối xay vàng, để điều khiển dòng nước sông Si.

Trong lòng quả núi này dày đặc các ngôi mộ Hán cổ, có tuổi 2000 năm. Người phương Bắc xưa thường chọn những địa danh linh thiêng, thế đẹp để đặt mộ những mong đời sau phát nghiệp vương.

Với những ý nghĩa như vậy, nên trong tâm niệm của người dân nơi đây, quả núi này đặc biệt linh thiêng. Khi trong làng xảy ra biến cố gì, người ta đều nhất nhất đổ cho việc đụng chạm đến quả núi này.

Ông Dương Văn Thớ dẫn tôi lên đỉnh núi Dưỡng Chân chỉ về hướng con sông Si. Đây là dòng sông không lớn lắm, có chiều ngang rộng chừng 100m, lượn ngay dưới chân quả đồi nhỏ nằm cạnh núi Dưỡng Chân.

Quả đồi nhỏ ấy dính liền với núi Dưỡng Chân. Nhìn từ trên cao xuống hoặc từ xa lại, thấy quả đồi nhỏ giống đầu rùa, còn núi Dưỡng Chân là thân rùa. Đó là hình ảnh con rùa đang cố bơi xuống sông, nhưng bị con rắn quấn chặt, giữ lại.

Ngày trước, người dân trong xóm, khi đi ra đồng, thường đi con đường vòng dưới chân đầu rùa, chạy ven sông Si. Thế nhưng, do con đường đó xa quá mà người dân trong xóm hè nhau mở con đường cắt qua núi Dưỡng Chân để đi ra đồng cho gần.

Người dân trong xóm phá đá, hạ độ cao của cái cổ rùa xuống để đẩy xe bò cho đỡ dốc. Ngay khi con đường hoàn thành, không hiểu trùng khớp thế nào, mà cứ mỗi năm có một đến vài người chết đuối ở sông Si, đoạn ngay cạnh "đầu rùa".

Tổng số đã có cả chục người chết hụt. Tất cả những người chết đuối, chết hụt đều là người trong làng Mỹ Cụ, là những hộ dân sống ngay dưới chân quả núi hình con rùa này và đã từng tham gia cuộc “chặt đầu rùa”.

Theo lời đồn, dân làng mở con đường này đã chặt đầu rùa, ảnh hưởng đến long mạch, nên nhiều người trong làng gặp họa. 

Điều lạ nhất là hầu hết những người chết đuối đều bơi lội rất giỏi, có người còn đoạt giải trong các cuộc bơi thi ở huyện. Chẳng hạn như trường hợp của ông Tiêu, là lực điền, lặn ngụp dưới sông như rái cá, thế nhưng, một ngày, chả hiểu sao người dân thấy ông chết nổi trương bụng ngay bờ sông.



Đình làng Mỹ Cụ, nơi thờ thành hoàng làng là ông Lý Huy Chân, cùng 4 người con của ông. 


Rồi ông Hợp đi chợ về, nhảy xuống sông tắm cho mát, cũng chết đuối đúng chỗ đầu rùa. Chị Tý mang chiếu ra chỗ đầu rùa giặt, bị Hà Bá lôi tuột xuống sông chết chìm.

Bố con ông Lưu bơi thi ở sông, chả hiểu vì sao cậu con mất tích dưới lòng sông, còn ông Lưu may mắn được người dân cứu khi đang ngấp ngoái trong dòng nước…

Sau khi xảy ra hàng loạt cái chết thương tâm ở sông Si, đoạn ngay đầu núi Rùa, toàn là người sống quanh chân núi, người dân hãi quá đi xem bói, thì thầy phán do người dân chặt cổ rùa, nên mới bị “Thần Rùa” bắt đi.

Người dân trong xóm mời thầy đến trấn yểm, rồi không ai dám bén mảng đến bờ sông nữa. Bãi tắm, bến sông trở nên hoang vắng.

Thậm chí, cũng chẳng còn ai dám đi ra con đường chạy ven bờ sông đó nữa, bởi mới đây, bà Điền đi chợ về, đi qua con đường ấy, đến chỗ bến tắm, đột nhiên bà gục xuống chết luôn.

Nhà bà Điền ở ngay phần đuôi con rùa. Người con trai bà là một trong số mấy hộ gia đình đào phá đuôi rùa mạnh nhất, nên ai cũng tin chắc chắn rằng “Thần Rùa” gọi bà đi.

Trước đó mấy hôm, một ông trong xóm dắt trâu ra bến sông cho trâu uống nước sau khi nó cày xong thửa ruộng. Con trâu đang uống nước cũng gục xuống chết. Sau vụ trâu gục chết, người dân lại đồn ầm rằng: “Thần Rùa” bắt cả trâu!

Sau khi làm lễ trấn yểm, cấm cửa mọi người ra bờ sông, thì tình hình chết đuối ở sông Si chấm dứt. Thế nhưng, 10 năm trở lại đây, xóm làng lại dậy sóng với những thảm họa khủng khiếp hơn, mà theo lời đồn, vì một số gia đình đã vạc đuôi rùa lấy đất đem bán, làm động long mạch, khiến “Thần Rùa” nổi giận lôi đình. 
 

Thạc sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, Giảng viên khoa tâm lý ĐHKHXH và NV:

Trong cuộc sống có không ít những điều xảy ra ngẫu nhiên, mà đã là sự việc ngẫu nhiên thì rất khó để giải thích một cách khoa học. Nhưng con người luôn muốn hoặc cố gắng nắm bắt, tìm hiểu mọi sự vật, hiện tượng mà họ không giải thích nổi, chính vì vậy, nó hướng suy nghĩ đến thế giới siêu nhiên.

Nó cũng có quá trình tương tự như thần thoại học: Khi con người không thể hiểu được tại sao mặt trời lại mọc và lặn mỗi ngày, họ đã nghĩ rằng có một chiếc xe ngựa đã kéo mặt trời qua thiên đàng. Những truyền thuyết trăm trứng nở trăm con giải thích sự hình thành của loài người, Sơn Tinh – Thủy Tinh giải thích thiên tai… cũng là lẽ đó.

Đây là đồ tạo tác do khao khát của bộ não chúng ta tạo ra để tìm ra nguyên nhân cũng như hệ quả. Khả năng dự đoán tương lai chính là cái khiến con người chúng ta trở nên "nhanh trí" nhưng nó cũng mang lại hậu quả phụ như bệnh mê tín dị đoan và niềm tin vào những điều khác thường. Điều này hay xảy ra ở một cộng đồng thiếu thông tin hoặc kém phát triển.

Sự việc trong làng có nhiều người chết trong một giai đoạn nhất định có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nên buộc người dân phải lý giải bằng cách quy gắn với một hiện tượng siêu linh nào đó, cụ thể ở đây là long mạch, thánh thần. Trong khi thực sự, có thể nó chỉ đơn giản chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.

 

Phần 2 : Chết vì 'chặt đầu, khoét đuôi rùa' ?


Ở cái xóm này, những thanh niên trẻ khỏe, mạnh mẽ còn chết nhiều hơn cả những người già. Mà chả hiểu sao cứ lăn đùng ra chết, chết đủ các chứng, toàn chết đột ngột.
Ông Dương Văn Thớ là người sống 60 năm ở lưng chừng quả núi hình quy ẩn xà (rắn quấn rùa) có tên Dưỡng Chân (Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng). Bao nhiêu đời nhà ông sống quanh quả núi này, song vẫn nghèo khó. Người nào cũng bệnh tật đầy mình.

Hôm tôi đến, ông vừa ra viện vì căn bệnh lao phổi hành hạ. Ông Thớ mới 60 tuổi, song hom hem, già nua như cụ già 80. Người con trai ông cũng đau dạ dày nặng. Ông, vợ ông và con trai, mỗi người sống một nhà.



Ông Thớ, vợ ông, con trai, mỗi người sống trong một ngôi nhà dù xây ngay cạnh nhau.


Theo lời ông Thớ, sau khi dân làng “chặt đầu rùa” thì hàng loạt người chết đuối, khiến không ai dám ra bờ sông Si nữa. Tình hình có yên ổn một thời gian. Đến khi mấy hộ gia đình, gồm ông Sỏ, ông Săn, ông Mải, anh Tèo… cùng khoét núi chỗ hình đuôi con rùa, thì tình hình chết chóc lại có vẻ nghiêm trọng hơn. Không hiểu do trùng khớp ngẫu nhiên, hay có điều gì đặc biệt, mà những cái chết xảy ra liên tục.

Ông trưởng làng Trần Văn Ngoang dẫn tôi đi xem phía “đuôi rùa” bị mấy hộ gia đình khoét rỗng. Dấu vết đào bới vẫn còn rõ rệt. Theo đó, những hộ gia đình này đã cho các doanh nghiệp ở tỉnh lộ 325 vào múc đất để san lấp mặt bằng. Các hộ gia đình vừa có tiền, lại mở rộng được vườn tược, nên chẳng có lý do gì để không làm.



Ông Ngoang chỉ nơi người dân khoét núi mở vườn, bán đất.


Nhiều gia đình, trong quá trình móc núi, đã trúng những ngôi mộ Hán, thu được vô số cổ vật, của quý. Ông Trần Văn Ngoang bảo: “Từ ngày mấy gia đình chặt đuôi rùa, chặt thân rắn, dân tình loạng xoạng, làm ăn chả ra sao, lại liên tục chết bất đắc kỳ tử, chết lạ lùng”.

Theo lời đồn của người dân, thì việc múc đất ở đuôi con rùa, chỗ con rắn quấn rùa, khiến thần rắn nổi giận, quẫy lên vật chết nhiều người trong làng. Vậy nên, cứ có cái chết nào, họ đều bảo do rắn quẫy, rùa vật.

Các cụ già trong làng đã thống kê, có đến 30 hộ gia đình trong tổng số 35 hộ trong xóm nhỏ quây quần quanh núi Dưỡng Chân gặp cảnh chết chóc, bệnh tật, điên dở, ly tán... Chỉ có 5 hộ là còn an toàn, chưa xảy ra chuyện gì.



Theo ông trưởng làng Trần Văn Ngoang, rất nhiều gia đình quanh quả núi Dưỡng Chân gặp chuyện chẳng lành.


Ông Dương Văn Thớ bảo: “Ở cái xóm này, chết 40 nhiều hơn chết 70. Thanh niên trong xóm toàn khỏe mạnh, nhưng chả hiểu sao cứ lăn đùng ra chết, chết đủ các chứng, toàn chết đột ngột. Ở xóm này, phụ nữ góa chồng nhiều lắm!”.

Ông Thớ ngồi trầm ngâm, bấm ngón tay một lát rồi bảo: “Tôi thống kê sơ sơ trong mấy tháng gần đây đã thấy có 6 người chết trẻ và chết lạ lùng. À, thằng H. vừa chết hôm kia, chôn hôm qua, vậy là 7 người”.

Theo lời ông Thớ, vừa mới 2 ngày trước khi tôi gặp ông, anh H., 39 tuổi, nhà ở ngay đuôi núi Rùa bỗng dưng lăn ra chết. Hôm trước, đi ngoài đường, gặp ông Thớ, anh còn chào ông to tướng. Thế mà hôm sau, đã thấy gia đình bắc rạp, rồi kèn đám ma vang lên ai oán.



Ông Thới mới 60 tuổi, song già yếu, hom hem như ông lão 80.


Cách cái chết của anh H. 10 ngày, là cái chết lạ lùng của ông Nguyễn Văn Kh., mới ngoài 50 tuổi.

Hôm đó, điện sáng trưng cả làng, nhưng riêng nhà ông Kh. thì mất điện, do dây nối từ cột vào nhà lỏng lẻo. Hai bố con đang ngồi uống rượu thì mất điện nên bực lắm, mang đèn pin ra cột điện chọc.

Cậu con trai đứng dưới soi, còn ông Kh. trèo lên cột điện. Nhưng vừa trèo lên cột điện, mới ở độ cao chừng nửa mét, chưa đến hông con trai, thì trượt chân ngã ngồi xuống đất. Cú ngã rất nhẹ, chẳng xây xước gì, nhưng ông lại lăn ra chết.

Cái chết kỳ lạ của ông Kh. khiến dân làng liên hệ đến “Thần Rùa” và “Thần Rắn”. Từ đó, không ai trong làng dám leo trèo nữa.



Vết mộ Hán lộ ra khỏi vách núi khi người dân khoét núi lấy đất bán.


Trước cái chết của ông Kh. không lâu, là cái chết lãng xẹt của ông K. Ông K. vốn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhưng chẳng hiểu sao đi từ nhà ra sân, chỉ hẫng ở cái bậc thềm cao có 30cm, mà lăn ra chết.

Cái chết của ông K. cũng khiến dân làng kinh hãi. Người thì bảo ông K. bị “Thần Rùa” gọi đi, nhưng người lại bảo con trai ông gọi đi. Chả là, năm 2009, người con trai của ông, mới 26 tuổi, to cao khỏe mạnh, cũng tự dưng lăn ra chết vì cái chữ khô khốc: “Cảm”. Liệu có phải do cái chết của con trai vào năm trước, mà ông đau buồn, hụt hẫng, đến đi lại cũng không vững, và ngã chết ở cái bậc thềm cao có gang tay?

Những người chết đột ngột, chết không rõ nguyên nhân thì nhiều lắm, ông Thớ kể mãi không hết. Mới cách đây vài tháng, là cái kết kỳ lạ của ông M. Ông M. là người nhà của ông Thớ.

Hôm đó, ông M. đi làm đồng về, thì vào bếp đánh tiết canh. Vợ con ông đã cắt tiết ngan từ chiều, chờ ông về đánh tiết canh là ăn. Nhưng không hiểu sao, ông đang băm thịt, thì dao tuột khỏi tay, ông lăn đùng ra chết. Gia đình đưa ông xuống bệnh viện, nhưng ông đã ngừng thở lâu rồi. Không ai biết ông chết vì nguyên nhân gì, nên chỉ đổ cho bị cảm. Ông hưởng dương 60 tuổi.



Đường lên núi Dưỡng Chân hình quy ẩn xà.


Xa hơn chút nữa, vào năm ngoái, là cái chết lạ lùng của ông Th., 57 tuổi. Ông Th. vốn sức lực hơn người, chăm chỉ, chịu khó. Dáng dấp cao lớn, nên Nhà máy đóng tàu Nam Triệu tuyển làm bảo vệ.

Đợt ấy, gia đình không rõ vì sao ông lại xin nghỉ phép vài hôm, rồi về nhà nằm bẹp. Hỏi ông bị bệnh gì, ông lắc đầu bảo không có bệnh, nhưng trong người có cảm giác bất an. Chỉ mấy hôm sau thì ông mất, không rõ nguyên nhân là gì. Dân làng thì đồn ầm lên rằng, cái chết của ông có liên quan đến động long mạch núi Dưỡng Chân.

Xa thêm chút nữa, là cái chết cũng không kém phần lạ lùng của ông Phạm Văn V., nhà ngay dưới chân núi Rùa, cách nhà ông Thớ hơn trăm mét.

7 giờ tối hôm trước, ông Thớ còn gặp ông V. đi đơm tôm, tay xách cút rượu. Ông V. hẹn ông Thớ trưa hôm sau xuống nhà ông uống rượu. Thế mà, 7 giờ sáng hôm sau, cả nhà kêu khóc ầm ĩ. Ông Thớ chạy xuống xem có chuyện gì thì thấy ông Vợi nằm chết xõng xoài trên giường. Ông Vợi chết không để lại trăng trối, cũng không ai biết nguyên nhân thực sự là gì.


GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu Văn hóa Việt Nam: “Không thể phán đoán một cách cảm tính”.
Trước một vấn đề, mỗi người có một cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau. Chuyện “thánh vật”, động long mạch người tin thì cho đó là “sự nổi giận của thánh thần”, nhưng người không tin thì chỉ cho rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Theo một cách nhìn nhận thông thường, người ta có thể cho rằng, những cái chết liên tiếp của người dân không có mối liên hệ nào mà đơn giản đó chỉ là do trùng hợp. Cũng có thể đưa ra phán đoán, đất khu vực đó là đất dữ, có chứa nhiều thành phần phức tạp, khi bị đào xới lên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, gây ra bệnh tật hiểm nghèo hoặc những cái chết bất thường.

Nhưng không thể đơn giản phán đoán câu chuyện theo một cách cảm tính mà phải mời các nhà khoa học về thổ nhưỡng, địa chất, vật lý liên quan vào cuộc, tiến hành điều tra rồi đưa ra kết luận chứ không nên khẳng định hay phủ định dứt khoát.








Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2