Lượt thăm:240952740   Đang Online: 870

Số lượt xem: 1870
Gửi lúc 07:20' 12/08/2011
Lợi ích quốc gia, cây gậy và…lợi ích nhóm

Lợi ích quốc gia, nụ cười của… lạm phát trước phát ngôn rất ngộ của một ông nghị, chỉ còn cây gậy và lợi ích nhóm…là những lát cắt của tuần này xin gửi tới quý bạn đọc.

Lợi ích quốc gia

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII vậy là đã khép lại. Với dấu ấn rõ nhất là việc ra mắt của Chính phủ mới và tuyên ngôn của Thủ tướng Chính phủ, xác định 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển đất nước. Và kỳ họp đầu tiên của khóa QH XIII cũng mới khởi động những bước đi đầu tiên. Nhưng dư âm vui, lo không phải là không có.

Có thể thấy Quốc hội khóa XIII có những nét mới đáng quan tâm: có 38 doanh nhân trúng cử trong số gần 100 doanh nhân ứng cử; hay như kết quả bầu cử : Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ CT, Phó TT Thường trực CP được bầu làm Chủ tịch QH. Có người đã gọi đây là 1 hiện tượng "hi hữu" trong lịch sử QH- 1 vị Phó TT Thường trực trình bày bản báo cáo của CP ở đầu kỳ họp trở thành Chủ tịch QH chủ trì giám sát ngay chính bản báo cáo của mình (!)

Những nét mới đó liệu có chi phối gì tới lợi ích quốc gia, tới chất lượng hoạt động nghị trường ở phiên họp đầu tiên?

Đúng ngày khai mạc 21/7/2011, trên Tạp chí Tia Sáng, có bài viết "Đại diện cho lợi ích quốc gia" của ông Nguyễn Sĩ Dũng (Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH). Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, QH phải đại diện cho lợi ích của quốc gia hơn là lợi ích của các tỉnh. Lý là vậy, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Hệ lụy dễ mắc phải là "các ưu tiên của quốc gia dễ bị các ưu tiên của tỉnh thành chi phối; là nguồn lực quốc gia bị phân bổ phân tán; là xung đột lợi ích giữa việc giám sát các Bộ trưởng và việc tránh đụng chạm để lợi ích của địa phương không bị ảnh hưởng".

Còn theo người viết bài, QH cũng không phải là... doanh hội. Sự có mặt của nhiều doanh nhân trong QH khóa này, vừa là nét mới mẻ, vừa đòi hỏi chính lương tâm của họ- những doanh nhân, đại diện trước hết cho lợi ích của nhân dân, sau đó mới đại diện cho lợi ích của giới doanh nhân và doanh nghiệp, có sự công tâm, minh bạch. Nhưng lợi ích của nhân dân vẫn phải là trên hết. Nếu không, thì nhân dân bầu họ làm đại biểu của mình để làm gì?


Nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết

Nhưng trong thực tế đã có hiện tượng, như ông Nguyễn Minh Thuyết tại bài trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam (4/8/2011), ông đặc biệt quan tâm đến tin, 1 đại biểu - doanh nhân trong những ngày đầu tham gia QH đã tuyên bố: Hạn chế tín dụng đối với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán là bất hợp lý. Theo ông, không biết doanh nhân này muốn gửi tín hiệu gì đến QH. Nhưng qua phát biểu đó, người dân có quyền lo lắng đại biểu QH sẽ không thật khách quan trong việc quyết định chính sách (?).

Cũng ngay sau kỳ họp đầu tiên kết thúc, trả lời câu hỏi của báo chí "Chủ tịch có e ngại khi nào đó đang ngồi ghế điều hành mà ông bị nhầm vai không", Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tự tin: "Xin nói là trước kia tôi đã từng làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tức là làm thủ trưởng. Rồi sang làm Phó TT, là người giúp việc. Hai vị trí công việc này cũng khác nhau lắm. Và xin nói là tôi vẫn ngồi đúng vai".

Nhân dân không chỉ mong Chủ tịch QH ngồi đúng vai, mà còn mong ông làm tốt vai mình. Vì quyền lực do nhân dân trao cho ông, nhưng quyền uy phải do đức, tài, và cả những trải nghiệm của cá nhân ông ở các vị thế khác nhau, tạo lập. Đó là cái vinh, cũng là cái cực của người đứng đầu cơ quan lập pháp quốc gia, trước thời cuộc đất nước phải đối mặt với quá nhiều thách thức.

Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng

Và giữa đặc điểm bối cảnh nghị trường, vào những ngày gần cuối kỳ họp, có ý kiến của 1 đại biểu QH, ngay lập tức thu hút sự quan tâm, đồng cảm của nhân dân. Đó là đại biểu Dương Trung Quốc, khi ông đề cập những vấn đề hệ trọng, gắn bó và xuyên suốt với lợi ích quốc gia- chủ quyền chính trị và chủ quyền kinh tế, nhưng đặc biệt là Biển Đông, mà theo ông, "chưa được CP quan tâm đúng mức xét từ khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân".

Ở góc độ nhà sử học, ông Dương Trung Quốc dẫn chứng những thời khắc số phận dân tộc ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng lòng tin của nhân dân vào CP, và ngược lại, của CP vào nhân dân là tuyệt đối, đã tạo nên sức mạnh hậu thuẫn để CP chèo chống đưa cả dân tộc qua những con sóng cả.

Và những tháng năm này, lòng tin chính là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa CP với nhân dân, giữa nhân dân với CP, để cả dân tộc cùng nhìn về một hướng, can đảm đối mặt với thách thức- chủ quyền Tổ Quốc đang bị đe dọa.

Bởi trí tuệ tập thể của Chính phủ, là tinh hoa, sáng suốt, cần được kết hợp với trí tuệ và khí phách của 80 triệu dân, của toàn dân tộc. "Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân không cần sự tế nhị mà cần đến sự tin cậy và thẳng thắn... Đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa CP và nhân dân...".(Nhà sử học Dương Trung Quốc).

Lợi ích quốc gia khiến nhân dân mong các đại biểu QH khi bàn về những việc hệ trọng, cần sáng suốt đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của địa phương, doanh nghiệp mình. Bởi quốc gia có vững mạnh, trường tồn, mới có địa phương, có doanh nghiệp.

Và xin các đại biểu QH nhớ tới những lời hứa của các vị trước cử tri, để khi từ nghị trường trở về bắt tay hành động, không để sự im lặng là... vàng.

Nụ cười của ... lạm phát

Giữa lúc cả xã hội đang "sốt" bừng bừng vì giá vàng tăng chóng mặt, kéo theo giá USD bắt đầu chạy theo, chiều 5/8/2011, cuộc thảo luận ở nghị trường QH xoay quanh chủ đề lạm phát- một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.

Con bệnh lạm phát từ lâu đã là nỗi lo thường trực của cả xã hội. Và đang ở top... tiên phong so với các con bệnh khác. Những người cảm nhận rõ nhất, trực quan nhất về nó chắc chắn không phải là quan chức, cán bộ Nhà nước, mà là các bà nội trợ, khi họ đi chợ mà "như bị móc túi", bị "mất cắp".

Ngay cả tân Phó TT Vũ Văn Ninh, khi còn là Bộ trưởng Tài chính, mới đây khi trả lời báo chí, cũng phải thốt lên: "Vợ tôi đi chợ về cũng kêu ghê lắm".

Các bà nội trợ kêu ghê lắm. Và nay đến lượt các đại biểu QH.

Dự báo của Nhà nước chỉ 1 con số- 7%, trong thực tế lạm phát đã vượt gấp đôi với 2 con số đầy thách thức - khoảng 17%. Không hiểu nó còn tiếp tục phi mã nữa không?

Chính vì thế, cuộc thảo luận, tranh luận - giải phẫu cái gốc của con bệnh khó kiểm soát, có tính khí thất thường cùng hệ lụy của nó diễn ra mới đây cực kỳ sôi động.

ĐBQH  Đỗ Văn Đương

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét, chính những khiếm khuyết trong cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng, cộng với khả năng quản lý, điều hành còn yếu kém đã đẩy lạm phát ngày càng lên cao. Gói kích cầu không phải là tác nhân chính bên trong gây lạm phát cao.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) không nhất trí với ý kiến nhận định lạm phát cao có yếu tố tăng lương cho cán bộ công chức. Vì "Trên thực tế tăng lương luôn đi sau việc tăng giá, tăng lương không đủ bù đắp việc trượt giá, đồng lương thực tế của người ăn lương đã giảm đi rất nhiều so với trước đây". v...v... và .v...v..

Giữa cái nóng bỏng vì tranh luận và chẩn bệnh lạm phát, duy nhất có 1 đại biểu, đó là Đỗ Văn Đương (T/p HCM) tưới mát không khí bằng những phát ngôn ấn tượng và rất ngộ: "Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn....

...Nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất" (?)

Chợt thấy, sao phát ngôn của đại biểu Đỗ Văn Đương giống phát ngôn của đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) khóa trước thế: "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây".

Mọi sự so sánh kiểu "tôi đi các nước" hay "ra nước ngoài, tôi đi thử tàu cao tốc rồi"... đều luôn khập khiễng. Bởi khi so giá của đĩa rau muống xào ở Thượng Hải (Trung Quốc) với giá một đĩa rau muống xào ở Việt Nam chênh nhau, thì đại biểu Đỗ Văn Đương lại quên không so sánh thu nhập bình quân đầu người của Thượng Hải (luôn thuộc mức cao nhất của Trung Quốc), với thu nhập bình quân của người Việt Nam là bao nhiêu?

Có một bạn đọc ngay lập tức chép miệng: "... có lẽ chưa học qua mấy lớp kinh tế vi mô, vĩ mô nên không thể phân biệt giữa giá cả (Price) với chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index - CPI) dùng để tính lạm phát, khác nhau ở chỗ nào".

Ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương khiến cả nghị trường cười rộn. Tiếng cười của các đại biểu cũng là một câu trả lời.

Và con bệnh lạm phát chắc chắn cũng... nhoẻn cười theo. Nụ cười hiểu biết và...bí hiểm.

Chỉ người đọc, nhất là những cử tri từng bỏ phiếu cho ông thì nhăn mặt, khó mà cười nổi.

Có phải ông chưa bao giờ phải đi chợ? Hay ông quá xa lạ với đời sống nhân dân? Nếu quá xa lạ, thì làm sao thấu hiểu được dân để cất tiếng nói đại diện?

Chỉ còn cây gậy và ...lợi ích nhóm?

Đất đai và bất động sản (BĐS) luôn là những điểm nóng nhất của an sinh xã hội. Người ta đã thống kê được, có tới 70% số vụ khiếu kiện thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó, 70% thuộc nguyên nhân mức bồi thường đất không thỏa đáng.

Tấc đất tấc vàng, mọi chính sách về đất đai, phải thể hiện được sự công bằng, công tâm và hài hòa lợi ích của 2 phía, người dân và Nhà nước (hoặc doanh nghiệp, chủ đầu tư).

Một sân golf ở Hội An

Thế nhưng, đó là về lý thuyết. Còn thực tế, phải nói rằng phũ phàng hơn nhiều. Nhiều nơi, khi thực hiện thu hồi đất phục vụ cho các dự án, người nông dân vẫn bị thiệt đơn, thiệt kép. Chưa kể, cầm 1 cục trong tay, chưa quen tính toán, miệng ăn núi lở, ngày một ngày hai, họ đành ra đô thị du nhập đội quân thất nghiệp, lao động dịch vụ ở thành phố. Ly nông và cả ly hương!

Ngược lại cũng phải nói có những dự án, chủ đầu tư không sao đẩy được tiến độ giải phóng mặt bằng, chỉ vì người dân bắt bí, lợi dụng 2 chữ "thỏa thuận" theo luật định.

Thế là mới đây, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có dự thảo, đề xuất 2 phương án thu hồi đất. Tiếng là 2 phương án, nhưng bản chất của dự thảo này, đã được người dân tóm gọn chính xác bằng 1 cụm từ "hành chính hóa việc thu hồi đất". Nghĩa là thay cho việc nhà đầu tư tự thoả thuận với dân, Nhà nước sẽ thu hồi đất đối với mọi trường hợp.

Ai đó đã nhận xét khá chua cay rằng nếu trước đây, việc thu hồi đất còn có "củ cà rốt, và cây gậy". Với dự thảo này, củ cà rốt biến mất, chỉ còn cây gậy mà thôi!

Không biết "cây gậy hành chính hóa thu hồi đất", có Như Ý giống cây gậy của Tôn Hành Giả trong bộ phim Tây Du Ký nổi tiếng không? Chỉ biết cây gậy này, có nguy cơ đập lưng "ông" Tổng cục Quản lý đất đai, bởi sự lợi bất cập hại, hay ít dở nhiều.

Người ta bỗng nhớ đến cái lệnh "hành chính" của Bộ Giáo dục cấm học thêm. Trong thực tế, có cấm được không? Quản lý Nhà nước, không thể chỉ dùng "hành chính" là gọn việc, dù các dự án được phân chia rõ ràng: Dự án phục vụ các công trình công cộng, vì lợi ích quốc gia, và dự án kinh doanh của các chủ đầu tư.

Thế nhưng, nếu cứ khó là vung gậy "hành chính", thì hệ lụy của nó phức tạp hơn nhiều, vì đất đai luôn là vấn đề cực kỳ phức tạp và nhạy cảm. Bản thân Luật Đất đai cũng còn phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện.

Cây gậy "hành chính" nếu vung lên, thực chất là đẩy cái thiệt, cái khó về phía dân, làm lợi cho chủ đầu tư các doanh nghiệp. Lợi đâu chưa thấy, nhưng nhãn tiền sẽ là gây thêm nhiều vụ khiếu kiện, và tệ hại nhất, đó là "tập trung quyền lực khá lớn vào UBND cấp tỉnh, được quyết định ở nhiều khâu, gây nguy cơ lớn về tham nhũng" (Nhận xét của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường). Một chính sách lại tạo thêm sơ hở cho tham nhũng, và gây bất an cho lòng người thì chính sách đó, không những không khôn ngoan, mà cần được xem xét lại cả tư duy quản lý xã hội, ở góc độ chuyên môn. Có thực vì dân không?

Nếu như đất đai nóng đến độ nhà quản lý muốn giơ cây cậy "hành chính" với dân, thì BĐS lại ngoảnh mặt lạnh băng, nhất là mới đây, Nhà nước chủ trương thắt chặt tín dụng, khiến các doanh nghiệp- các đại gia đổ lỗi cho chính sách này và kêu cứu. Thực hư ra sao? Ngày 4/8/2011, VietNamNet có bài "Đại gia BĐS vừa chơi golf vừa kêu cứu" và một loạt bài tiếp sau đó, cho thấy cái nhìn toàn cảnh về thị trường BĐS.

Theo nhiều nhà kinh tế, việc siết chặt tín dụng với lĩnh vực BĐS của Nhà nước trong thời gian này là một việc làm đúng đắn và cần thiết, được người dân đánh giá cao, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Sâu xa hơn, chính sách này còn là cơ hội để lành mạnh hóa thị trường BĐS, "xì hơi bong bóng", tiến tới tạo điều kiện cho những người dân không có nhà để ở có thể mua được nhà.

Đó là một nhận định đúng đắn. Bởi cả xã hội còn chưa quên thị trường BĐS luôn khiến người dân thèm thuồng nhất và cũng hãi sợ nhất. Bởi ai cũng cần một nơi trú ngụ, nhưng thực chất, giá BĐS ở Hà Nội luôn ở mức cao ngất ngưởng. Vậy, ai là những người thao túng và đẩy tới cái giá bất hợp lý đến thế, nếu không phải các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nhờ cả sự quản lý Nhà nước kém cỏi và buông lỏng. Một vốn, bốn lời hay... n lời? Có lẽ chỉ các đại gia về BĐS là rõ nhất.

Vì thế, nhiều người cho rằng, nếu BĐS có "rớt giá", theo cách kêu ca của các doanh nghiệp, thì đó thực chất cũng là đưa giá đó về quỹ đạo hợp lý hơn, cho dù vậy, thì thực chất, giá BĐS cũng vẫn rất cao.

Ngay bà Đỗ Thị Loan, Phó CT thường trực kiêm Tổng TK Hiệp hội BĐS  TP.HCM, cũng nhận định: "Nếu chúng ta tiếp tục cho chủ đầu tư vay thì sẽ xảy ra tình trạng trên mọi miền đất nước có biết bao nhiêu dự án BĐS được triển khai. Như vậy là đầu tư dàn trải và lãng phí. Đó là chưa nói đến việc nếu như chúng ta tiếp tục tung tiền ra sẽ khiến mất quan hệ cung-cầu, dự án ra hàng nhưng không bán được!" . Không bán được thì BĐS lại tiếp tục ...ngoảnh mặt làm ngơ.

Vậy nhưng, không rõ sao, mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng lại có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, tìm cách giải cứu thị trường BĐS cho các doanh nghiệp? Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn có tăng trưởng tín dụng BĐS.

Không dám nhận xét, vì không phải chuyên môn, và cũng sợ ...đụng chạm, người viết bài xin tải nguyên văn bình luận của ông Đặng Hùng Võ, trả lời Phunutoday (28/7/2011): "Tôi thấy đấy là điều vô nghĩa... Ai cũng biết giá nhà Việt Nam cao hơn mức sống, mức thu nhập người Việt Nam 25 lần. Làm như thế là anh có trách nhiệm với doanh nghiệp của mình, nhưng lại không có trách nhiệm với người dân. Bởi vấn đề quyền lợi người dân quan tâm là giá nhà họ có thể tiếp cận chứ không phải mức giá ngất ngưởng mà các doanh nghiệp đang giữ. Và như thế, là đứng sau một nhóm lợi ích thôi!"

Nói dễ, làm khó là vậy!

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2