Lượt thăm:241659130   Đang Online: 960

Số lượt xem: 1813
Gửi lúc 11:04' 01/12/2010
Hai bộ trưởng từ chức và câu chuyện trách nhiệm

Ở trong hai tình huống khác nhau, nhưng sự rút lui cay đắng của những chính trị gia này đều để lại bài học quý giá cho những người đại diện cho nhân dân, đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Trong tuần lễ nóng bỏng vừa qua, xen lẫn những thông tin ngày càng xấu đi từ cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Đông Á chứng kiến sự ra đi của hai bộ trưởng chủ chốt trong nội các chính phủ của hai cường quốc: Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Minoru Yanagida và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-Young.

Ông Yanagida đã phải từ chức sau khi bị cáo buộc là đã có những phát ngôn coi thường cơ quan lập pháp của Nhật Bản, còn ông Kim Tae-Young bị chỉ trích do đã thiếu những hành động mạnh mẽ hơn trong việc đáp trả lại đợt pháo kích của quân đội Triều Tiên vào đảo Yeonpyeong, làm bốn người Hàn Quốc thiệt mạng.

Ở trong hai tình huống khác nhau, nhưng sự rút lui cay đắng của những chính trị gia này đều để lại bài học quý giá cho những người đại diện cho nhân dân, đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Phát ngôn gây sốc...

Nhật Bản vốn là một quốc gia cực kì nghiêm khắc với các chính trị gia. Còn nhớ cách đây hơn một năm trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản lúc đó là ông Nagakawa đã phải từ chức vì đã "gà gật và lúng túng" khi trả lời phỏng vấn báo chí bên lề một cuộc họp của G7 (truyền thông Nhật cáo buộc ông này đã say rượu).

Có lẽ ông Bộ trưởng Tư pháp Yanagida lại không tiếp thu được nhiều từ bài học của những người đi trước. Chỉ với vài phát ngôn bỡn cợt tai hại trong buổi nói chuyện với những người ủng hộ tại Hiroshima, ông đã phải trả giá bằng chiếc ghế bộ trưởng, và có lẽ là cả sự nghiệp chính trị của mình.

"Làm bộ trưởng tư pháp Nhật Bản thật là dễ," thảm họa bắt đầu, "vì tôi chỉ cần nhớ hai câu mỗi khi gặp khó với những câu hỏi trên thượng viện, đó là "tôi không đưa ra bất cứ lời bình luận nào cho các trường hợp cụ thể", và "tôi sẽ hành động một cách phù hợp dựa trên cơ sở luật pháp và chứng cứ".

Tất nhiên ai cũng hiểu đây là một lời nói đùa vô thưởng vô phạt của ông Yanagida, nhưng những nghị sĩ đối lập lại không hề nghĩ như vậy. Phẫn nộ trước phát ngôn của ông Yanagida, các phe đối lập cho rằng ông đã "đi ngược lại nguyên tắc dân chủ" và "coi thường cơ quan lập pháp", điều không thể chấp nhận được với một vị bộ trưởng tư pháp.

Nhưng liệu từng đó đã đủ khiến cho ông phải đưa ra quyết định từ chức? Việc đưa ra những phát ngôn gây sốc và dễ bị hiểu nhầm không phải là một điều quá hiếm hoi trong giới chính trị gia, tuy vậy, ít ai lại rút lui khỏi chính trường chỉ vì một lần lỡ miệng.

Với ông Yanagida, ông hoàn toàn có thể tự bào chữa cho những lời nói của mình, và với việc dân chúng không phản đối quá dữ dội, ông dư khả năng bảo toàn chiếc ghế bộ trưởng tư pháp đầy quyền lực.

Vậy tại sao ông ra đi?

Câu trả lời đến từ tình trạng căng thẳng và chia rẽ trên chính trường Nhật Bản trong thời điểm hiện nay. Nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ từ lâu nay và mức nợ công tăng cao kỉ lục (theo IMF, số nợ công của Nhật Bản lên tới gần 11 nghìn tỉ USD, gấp đôi GDP của quốc gia này). Thêm vào đó là những chỉ trích nhằm vào chính phủ trong cách xử lý các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga và Trung Quốc đã khiến sự ủng hộ đối với chính phủ do Thủ tướng Kan đứng đầu đang bị suy giảm nghiêm trọng, xuống tới dưới mức 30% vào giữa tháng 11.

Nếu ông Yanagida ở lại, đó chẳng khác nào buộc thêm đá vào con bè đang khổ sở vật lộn trong cơn sóng dữ, và là cái cớ cho các phe đối lập hạ uy tín của chính phủ. Ông ra đi, Thủ tướng Kan sẽ đảm bảo được lời hứa tôn trọng các nguyên tắc dân chủ của mình, và lấy lại phần nào sự ủng hộ của dân chúng khi chuẩn bị đưa ra gói kích thích kinh tế gần 60 tỉ USD.

Đó là sự rút lui có suy tính kĩ càng, và là hành động có trách nhiệm của một người nắm giữ vị trí cao trong cơ quan công quyền, dù thời gian ông giữ chức vụ này khá ngắn ngủi (từ tháng 9 năm nay).

...và "tai bay vạ gió"

So với ông Yanagida, có lẽ trường hợp của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-Young còn "ấm ức" hơn nhiều.

Ngày 23/11/2010, quân đội Triều Tiên bất ngờ nã hơn 200 quả đạn pháo vào đảo Yeonpyeong - đảo nằm gần đường biên giới tranh chấp giữa hai nước. Vụ pháo kích đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong xã hội Hàn Quốc: hàng loạt cơ quan truyền thông cũng như dân chúng yêu cầu chính phủ phải có hành động "trả thù mạnh mẽ".

Tuy vậy, cũng giống như sau vụ chìm tàu hộ tống Cheonan, chính phủ Hàn Quốc, mà cụ thể là Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-Young, đã rất thận trọng trong việc phản ứng với Triều Tiên, với lo ngại chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra.

Trên thực tế, có thể thấy đây là sự thận trọng hợp lý của chính phủ Hàn Quốc, với kết quả không thể phủ nhận là đã ngăn chặn được chiến tranh giữa hai miền, mà chắc chắn khi bùng nổ sẽ gây ra những tổn thất không lường trước được cho cả hai bên. Trong đó thì "Bắc Triều không có gì để mất, nhưng chúng ta lại có thể mất tất cả. Vì thế ông Lee Myung-bak không có lựa chọn nào thực tế hơn là phải mềm mỏng với họ (Triều Tiên)," ông Kang Won-taek, Giáo sư chính trị học ở Đại Học Quốc Gia Seoul nhận xét.

Tuy vậy, đối với phần đông dân chúng đang giận dữ, những lực lượng bảo thủ và phe đối lập, các động thái của chính phủ Hàn Quốc là quá yếu ớt và nhu nhược, khiến cho "kẻ thù" được thể lấn tới và đe dọa nghiêm trọng đến quốc gia, cũng như làm xấu đi niềm tự hào dân tộc. Sức ép quá lớn đã buộc ông Kim Tae-Young từ chức, nhận trách nhiệm về mình vì đã không thể bảo vệ an toàn cho người dân Hàn Quốc.

Ông không có lỗi trong việc Triều Tiên pháo kích đảo Yeonpyeong. Kể cả hành động đáp trả lại Triều Tiên cũng không phải là do ông toàn quyền quyết định, mà đã được quy định từ trước trong chính sách quốc phòng của Hàn Quốc và phụ thuộc vào tổng thống.

Khi trên vai là cả sơn hà

Câu chuyện nóng hổi của hai vị bộ trưởng trên nhắc nhở cho chúng ta phần nào về vấn đề trách nhiệm khi làm việc công, đặc biệt với những người gánh vác trên vai vận mệnh của cả dân tộc.

Như Hồ Chủ tịch đã từng nói, những người ra tay giúp nước thì không thể một phút nào nghĩ tới lợi ích cho cá nhân mình được, mà phải đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết.

Có lẽ cũng xuất phát từ suy nghĩ như thế mà các ông Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã xin lỗi đúng lúc, từ chức đúng lúc để bảo toàn đại cục. Họ đã dám nhận trách nhiệm cho những việc họ thực sự làm, và cả những việc họ không làm, nhưng nằm trong phạm vi trách nhiệm của họ.

Họ không "gân cổ" lên cãi chày cãi cối để tham quyền cố vị, cũng không viện lý do khách quan hay bất khả kháng để bào chữa cho những sai sót của mình. Đó phần nào xuất phát từ tính cách cá nhân của họ.

Tuy vậy, nếu chúng ta nhìn sâu vào lịch sử của hai quốc gia Đông Á này, có thể thấy rằng văn hóa trách nhiệm đã bám rễ rất chắc vào đời sống kinh tế-chính trị-xã hội của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vào thời phong kiến, các samurai Nhật Bản mổ bụng tự sát khi việc lớn được giao không hoàn thành, thay cho lời tạ tội với chủ nhân. Đến thời hiện đại, ở Nhật không thiếu gì những vụ tự sát của các quan chức cao cấp do bê bối chính trị.

Trong năm 2006, một vị bộ trưởng nông nghiệp trong chính phủ của thủ tướng lúc đó là Shinzo Abe đã tự tử sau những cáo buộc về hối lộ và biển thủ công quỹ. Và cũng ngay mới đây, ông Roh Moo-hyun, vị cựu tổng thống Hàn Quốc nổi tiếng là dân chủ và trong sạch, đã lên núi tự vẫn sau khi bị điều tra vì vụ nghi án nhận hối lộ 6 triệu USD của vợ mình.

Trăm năm bia đá cũng mòn...

Đảm nhận những công việc lớn lao cho đất nước là niềm tự hào của mỗi cá nhân, nhưng nó cũng yêu cầu người được chọn phải đặt tất cả: tiền bạc, sự nghiệp, và có khi là cả tính mệnh của mình vào trọng trách đó. Vì thế, cũng dễ hiểu tại sao nhiều chính trị gia lưỡng lự khi phát ngôn "trách nhiệm thuộc về tôi" - điều đó có thể nghĩa là mất tất cả.

Nhưng ngược lại, cũng chính xuất phát từ điểm này, người ta có thể đánh giá được sự chí công vô tư cũng như là lòng tự trọng của họ. Vì rằng "nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", ai đúng ai sai, nhân dân luôn là người rõ nhất, vấn đề là người làm sai có dám nhận mình sai hay không.

Cùng chung một nôi văn hóa phương Đông, đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đạo Khổng; tuy nhiên qua những vụ từ chức của hai bộ trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc vừa rồi, có lẽ Việt Nam chúng ta vẫn còn phải học hỏi rất nhiều để trở thành quốc gia cường thịnh như họ.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2