Lượt thăm:241245260   Đang Online: 690

Số lượt xem: 2051
Gửi lúc 15:37' 28/08/2011
Điên đảo cùng… vàng

Bất chấp các cảnh báo từ các chuyên gia phân tích, giá vàng “thổi” tung các mức kỷ lục vừa lập để xác định mức kỷ lục mới. Câu chuyện giá vàng lan tỏa khắp mọi nơi, chui vào từng gia đình, từng bữa ăn, ngoài hàng quán... ai ai cũng nôn nao vì... giá vàng.

Càng làm mọi người điên đảo tột độ, khi mức giá tiến gần 49 triệu đồng/lượng. Cơn bão giá vàng đã thật sự đổ bộ trên thị trường vàng trong nước và trên toàn thế giới.

“Bão giá” vàng khiến người dân điên đảo! 	Ảnh: Phùng Bắc
“Bão giá” vàng khiến người dân điên đảo!

Không dành cho người yếu tim

Trên đường đi làm qua khu vực chợ Gò Vấp (đường Lê Quang Định, Q.Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh), chị Lan không tin vào mắt mình khi giá vàng tăng lên mức 40 triệu đồng/lượng vào những ngày đầu tháng 8.2011. Đi từ đó đến cơ quan, chị Lan cảm thấy vui vì hồi tháng 2 chị quyết định mua 1 lượng vàng từ số tiền thưởng của công ty. Số vàng này giờ đã khiến chị lời gần 5 triệu đồng. Mấy ngày sau đó, chị Lan liên tục theo dõi giá vàng.

Chị không mấy khó khăn khi tìm đọc diễn biến giá vàng trong ngày, các dự báo giá, các thông tin liên quan đến vàng như động thái của Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng… trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bước qua tuần thứ 3 của tháng 8, giá vàng “cán” mức 48 triệu đồng/lượng và tiến gần mức 49 triệu đồng/lượng (ngày 22.8). Chị Lan cũng như những người trong gia đình mình vui mừng khi tính mức lời từ số vàng “bỏ ống heo” có được từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, khi hỏi chị lúc nào quyết định bán số vàng tích cóp đó, thì quả thật dù chị Lan đang là người thắng cuộc trong cơn bão biến động giá vàng này, chị cũng không thể nào biết lúc nào nên đem vàng đi bán, vì nghĩ rằng nếu giá tiếp tục tăng, bán lúc này là mất một khoản, “biết đâu nó còn lao lên nữa… 50 triệu đồng/lượng thì sao?”, chị Lan ậm ừ.

Không như chị Lan, chị Nguyên (ở Q.4, TP.Hồ Chí Minh) từ trước đến nay không có thói quen mua vàng nhưng bối cảnh các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sụt giảm, vàng liên tục tăng giá đã thu hút người có tiền mà chưa biết đầu tư vào đâu như chị Nguyên. Cách đây 2 tuần, khi giá vàng giảm về mức 44,2 triệu đồng/lượng sau tăng lên hơn 46 triệu đồng/lượng, chị Nguyên “thập thò” muốn mua vàng nhưng vì không theo dõi thị trường này nên sợ mua trúng đỉnh. Chưa đầy một tuần sau, giá vàng thẳng tiến lên gần mức 49 triệu đồng/lượng. Chị Nguyên tiếc hùi hụi khi nghĩ đến số lời bị mất hơn chục triệu đồng.

Trong cơn bão tăng giá, vàng đã làm nhiều gia đình rơi vào tình cảnh “nghèo gặp eo”. Cách đây vài năm, anh Vinh (Q.12, TP.Hồ Chí Minh) vì không có tiền để mổ tim cho mẹ, anh bấm bụng liều vay những người xung quanh, đồng nghiệp 9 cây vàng bán lấy 100 triệu đồng. Từng đó năm trôi qua, anh Vinh tích cóp chạy theo giá vàng và trả được 4 cây. Số vàng còn lại hiện vẫn còn lơ lửng treo đó trong hơn một năm trở lại đây khi vàng tăng giá hơn 70%. Với 5 cây vàng còn lại, anh Vinh phải có gần 200 triệu đồng mới mua nổi - số tiền này gấp đôi số tiền anh đã bán 9 cây vàng trước đây. Anh Vinh buồn não ruột: “Không biết khi nào mới trả được số nợ này. Bây giờ mà bạn bè, đồng nghiệp đòi thì không biết lấy đâu ra trả”.

Không những người vay nợ vàng khốn đốn mà ngay cả giới kinh doanh vàng cũng tán gia bại sản khi rơi vào vòng xoáy giá vàng. Chưa có khi nào, chỉ trong vòng 3 tuần vừa qua của tháng 8.2011, giá vàng tăng từ mức 39,9 triệu đồng/lượng lên hơn 47 triệu đồng/lượng (tăng hơn 7 triệu đồng/lượng trong vòng 3 tuần). Một số nhà đầu tư vàng vay vàng bán, chờ giá xuống mua lại để trả (gọi là đánh xuống). Chẳng may bước sang đầu tuần này, giá vàng bật mạnh qua 48 triệu đồng/lượng… rồi xông lên mức 49 triệu đồng/lượng (tăng hơn 3%) khiến các nhà đầu tư này phải đua nhau mua lại vàng trên thị trường để trả nợ nếu còn muốn giữ lại ít vốn.

Đó là những người kinh doanh vàng vật chất, còn những người kinh doanh vàng tài khoản “chui” ra nước ngoài mà tôi biết nhờ thâm nhập vào các “sàn chui” này để tìm hiểu còn te tua hơn. Minh - một nhà môi giới vàng tài khoản nước ngoài cho biết: “Trong tuần qua, có đến 95% nhà đầu tư do tôi phụ trách đã thực hiện đánh xuống khi thấy tình trạng mua vàng của các nhà đầu tư trên thế giới đang trong trạng thái quá mua (lượng mua vào nhiều hơn gấp nhiều lần lượng bán ra).

Giá vàng đã tăng hơn 240USD/ounce mà chưa có đợt giảm nào đáng kể nên nhiều nhà đầu tư lo bán trước để có được giá cao trước khi lực chốt lời của các nhà đầu tư thế giới diễn ra. Trước đó, tôi khuyên các nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường để chờ các thông tin kinh tế trên thế giới, đặc biệt là Mỹ ban hành”. Tuy nhiên theo anh Minh: “Tôi đã không làm được gì đối với tài khoản của 95% nhà đầu tư do mình phụ trách vì giá vàng tăng quá mạnh khiến các tài khoản “cháy” mà không kịp chữa (tức trên hệ thống vàng tài khoản sẽ tự động mua lại ở mức cao hơn giá đã bán ra trước đó để cắt lỗ)”.

Là trưởng một đại lý môi giới cho “sàn vàng chui” trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.Hồ Chí Minh, bà Khuê nói với tôi trong cơn tức giận: “Em thấy có được không, khách hàng của chị đánh thắng, chị lên công ty rút tiền cho khách và tiền hoa hồng của chị (ăn trên phí mà nhà đầu tư giao dịch vàng) vài chục triệu mà tụi nó kiếm cách trốn. Hẹn mấy lần mà không chịu trả”. Do vậy, thị trường vàng thời gian gần đây quả đúng là không dành cho những người yếu tim…

Đau đầu cơ quan quản lý

Đau đầu nhất trong những cơn biến động giá vàng là các cơ quan chức năng. Giá vàng liên tục tăng cộng thêm lực mua vàng khá mạnh từ người dân để cắt lỗ, tham gia mua chờ giá tăng kiếm lời diễn ra mạnh, trong khi lượng vàng mà các công ty, tiệm vàng mua được trên thị trường không nhiều khiến giá vàng tăng vượt mặt giá thế giới từ 1 – 2 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải cấp quota cho nhập 5 tấn vàng, đây là tình huống ngược khi từ đầu năm đến tháng 7.2011, Việt Nam xuất khoảng 30 tấn vàng.

Ông Trần Trọng Quốc Khanh – Giám đốc Trung tâm Vàng ngân hàng Á Châu cho biết: “Lượng vàng xuất khẩu phần lớn lấy từ nguồn dự trữ trong dân, nhờ người dân biết tích cóp từ hàng chục năm trước đó. Theo Hội đồng Vàng thế giới, số vàng trong dân dự trữ khoảng 500 tấn. Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam xuất khẩu 171 tấn vàng mang về 7,1 tỉ USD. Số lượng vàng mà các ngân hàng huy động khoảng 91 tấn nên số lượng vàng hiện nay đang trôi dạt trong dân khoảng 238 tấn”. Việt Nam không thiếu vàng nhưng vẫn phải nhập vàng vì nếu không giá USD trong và ngoài ngân hàng sẽ biến động mạnh. Một thời gian dài giá USD trong và ngoài hệ thống ngân hàng đứng yên và có lúc “xuyên” cả giá sàn. Giá mua bán USD tự do thấp hơn cả giá trong hệ thống ngân hàng.

Thế nhưng từ tháng 8.2011, giá USD rục rịch tăng lại khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới. Hiện nay, giá bán USD trong ngân hàng liên tục duy trì ở mức kịch trần 20.824 đồng/USD, giá mua USD cũng được các ngân hàng tăng giá liên tục lên đến 20.800 đồng/USD, giá USD tự do tăng giảm quanh mức 20.900 đồng/USD. Thị trường lo ngại giá USD tăng sẽ tác động đến các hàng hóa, dịch vụ khác và như vậy việc kiểm soát lạm phát của cơ quan chức năng sẽ trở lên khó khăn hơn.

Cho nhập khẩu vàng sẽ giải quyết được vấn đề giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới. Tuy nhiên trong bối cảnh nhập siêu cao như hiện nay, việc nhập vàng càng làm cho vấn đề nhập siêu thêm trầm trọng. Trong khi đó cánh cửa xuất vàng để đem ngoại tệ về “đóng sập” khi Bộ Tài chính áp dụng mức thuế suất 10% đối với nữ trang vàng có hàm lượng từ 80% trở lên. Quan điểm hạn chế xuất khẩu để khỏi phải nhập khẩu đã làm cho thị trường vàng trong nước tắc nghẽn, không lưu thông.

Lượng vàng gần 240 tấn được người dân “chôn” ở nhà, khi thấy giá cao thì vui, nhưng lại không mang ra bán. Trong khi sức tăng giá khá mạnh của vàng (hơn 70% chỉ trong vòng 1 năm) đã cuốn hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường này. Thế nhưng các nhà đầu tư vàng nước ta không có một sân chơi minh bạch, chính thức trong khi Việt Nam được đánh giá là một trong những nước nằm trong top 10 nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới do Hội đồng Vàng thế giới xếp hạng.

Vàng vẫn trong cơn rượt đuổi về giá. Dù giá vàng được cảnh báo là trong giai đoạn bong bóng nhưng nó vẫn cứ tiếp tục tăng. Các thông tin trên thế giới đang hỗ trợ cho cơn bão vàng. Để chủ động ứng phó với những cơn bão sắp tới của vàng, các cơ quan chức năng cần một giải pháp căn cơ hơn là việc cấp quota nhập khẩu như những lần vừa qua. Khi quota nhập vàng về hết thì giá vàng trong nước lại “lờn thuốc”, tăng vô tội vạ. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho rằng, chống vàng hóa là một chủ trương hoàn toàn đúng. Tuy nhiên từ lâu đời, người dân ta đã có thói quen giữ vàng nên số vàng trong dân không hề ít.

Cơ quan chức năng cần có những chính sách khơi thông nguồn vàng trong dân, tập trung được nguồn vàng này lại và chuyển nó thành vốn phục vụ cho nền kinh tế. Còn theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, thì giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới sẽ triệt tiêu động cơ xuất nhập vàng, tránh ảnh hưởng đến tỷ giá. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần đứng ra mua bán vàng trong dân khi giá trong nước có độ vênh so với giá thế giới và Ngân hàng Nhà nước đối ứng lệnh này ra nước ngoài nhằm tránh rủi ro biến động về giá.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2