Lượt thăm:241648610   Đang Online: 860

Số lượt xem: 2624
Gửi lúc 11:06' 27/09/2011
Chuyện người Việt đi chữa bệnh ở Trung Quốc

Thay vì đến Singapore, nhiều người bệnh nan y đang coi Trung Quốc là điểm đến nhiều kỳ vọng dù hành trình dài hơn, khó khăn hơn và tiền của đổ vào cũng không hề ít. 

Kỳ 1: Điểm đến nhiều kỳ vọng

Mỗi người một loại bệnh nan y đến từ nhiều miền Việt Nam, tất cả đều dồn hết tâm lực, tiền của tìm kiếm những niềm hy vọng cuối cùng và phần lớn trong số họ đều kinh qua các phác đồ chữa ung thư thông thường như phẫu thuật, truyền hóa chất, xạ trị…
 
Nơi đất khách quê người

"Con thăm nuôi ai?", "Qua lần thứ mấy rồi?", "Ông xã bị làm sao?" hay chỉ đơn giản "Nấu món gì thế?" là những lời hỏi thăm nhau bằng tiếng Việt vang lên trong căn bếp nhỏ khiến ít ai nghĩ rằng đây là Bệnh viện Hiện đại Quảng Châu (Trung Quốc). Những ánh mắt nhìn nhau, cảm thông xen lẫn ái ngại, cuộc trò chuyện tiếng Việt khiến không khí ít nhiều ấm cúng hơn, mọi người tạm quên cảm giác xa lạ khi đưa người nhà đi chữa bệnh nơi đất khách quê người.

Mỗi người một bệnh, mỗi nhà một cảnh, đến từ nhiều miền tại Việt Nam. Hầu hết đều đã kinh qua các phác đồ chữa ung thư thông thường như phẫu thuật rồi truyền hóa chất, xạ trị. Buồn là họ đã không thể khỏi bệnh hoặc không còn đủ sức lực và niềm tin để theo đến cùng. Không ít gia đình từng trải nghiệm nền y học được quảng bá rầm rộ một thời của Singapore nhưng kết quả không như kỳ vọng, cuối cùng tìm đến Trung Quốc, dẫu không biết chắc hiệu quả sẽ ra sao, chỉ biết rằng ở đây có những phương pháp chữa trị mới mẻ. Nếu so với Singapore, phải nói là một số bệnh viện ở Trung Quốc tiếp thị tốt hơn hẳn và đặc biệt nhắm vào đối tượng bệnh nhân Việt Nam. Bệnh viện có 8 tầng thì từ tầng 5 đến tầng 8 gần như toàn bộ là người Việt, có lúc đông quá còn tràn xuống tầng bốn4. Có đội ngũ phiên dịch riêng tiếng Việt, còn truyền hình trong phòng bệnh có cả ba kênh VTV1, VTV3 và VTV4.

Phòng tiếp đón của bệnh viện Hiện đại Quảng Châu.

Và đặc  biệt, không rõ là chế độ dành riêng cho các bệnh nhân nước ngoài, hay là một liệu pháp chữa bệnh mới, bệnh viện cho phép gia đình sống chung với người bệnh trong cùng một phòng, cùng nấu nướng và sinh hoạt hằng ngày cùng nhau. Ít nhiều sự gần gũi cùng người thân khiến người bệnh tinh thần phấn chấn hơn, cảm thấy không lạc lõng và cô độc trong cuộc chiến chống chọi với bệnh tật.

Đánh vào tâm lý

Về điểm chính nhất là phương pháp chữa trị, trong khi Singapore vẫn thiên về các biện pháp tây y giống ở Việt Nam để điều trị ung thư, các bệnh viện của Trung Quốc đánh trúng tâm lý bệnh nhân là không muốn động dao kéo, hao tổn sức lực cho người bệnh. Ba phương pháp mới mẻ đang tỏ ra hấp dẫn với bệnh nhân Việt Nam cùng nhiều nước xung quanh như Campuchia, Indonesia là thắt nút mạch bỏ đói khối u (kèm với truyền hóa chất cục bộ), thứ hai là bắn hạt phóng xạ cực nhỏ vào khối u và hạch để tiêu diệt tế bào ung thư. Thứ ba là "đông lạnh" khối u (bệnh nhân Việt Nam hay gọi là "dao lạnh") - đưa kim đông lạnh xuyên qua da vào thẳng khối u để giết tế bào ung thư mà không gây ảnh hưởng nhiều đến các bộ phận lành lặn xung quanh. Tất cả đều được coi là tiểu phẫu, thực hiện trong vòng một giờ đồng hồ, không chảy máu và không gây nhiều đau đớn.

Để hưởng những dịch vụ đó, số tiền không ít, nếu không nói là "gây choáng". Chi phí mỗi ngày được thông báo cặn kẽ từng khoản cho gia đình bệnh nhân để không "sốc" và trừ dần trong khoản tiền đặt cọc. Mỗi đợt chữa trị một tháng tại bệnh viện này hết khoảng 500 triệu đồng, các đợt sau cũng phải từ 150 triệu lên đến vô cùng, tùy tình hình bệnh tật. Cũng giống ở Singapore, tại Trung Quốc có nhiều bệnh viện công có chất lượng chuyên môn tốt và chi phí rẻ hơn. Nhưng khác với Singapore, tại Trung Quốc, khó khăn về ngôn ngữ và lượng bệnh nhân bản địa đông đúc khiến các gia đình Việt Nam không đủ can đảm dấn thân vào đó.

 

Kỳ 2:  Chi phí và Hiệu quả ?

Dù quyết tâm lớn đến đâu, câu hỏi hàng đầu trăn trở cho tất cả các gia đình người bệnh và cho chính người bệnh là: Hiệu quả thực sự thế nào?

Trực tiếp trải qua những ngày chăm sóc người nhà mới hiểu hết nỗi lòng, sự hoang mang của những người "khỏe", khi các cụm từ "bán đất", "cầm nhà" hay "vay mượn lãi suất cao"… luôn có mặt trong các cuộc chuyện trò. Còn hiệu quả chữa bệnh mới chỉ là … lời kể từ bệnh nhân.

Băn khoăn về kết quả cũng như chi phí quá lớn nhưng hầu hết đều "cắn răng" miễn sao người nhà có dấu hiệu khả quan. Nhiều người cũng xót xa cho tình trạng đổ xô ra nước ngoài chữa bệnh, chảy máu ngoại tệ, nhưng vì đã trải qua qua toàn bộ hoặc một phần phác đồ điều trị ung thư thông thường ở Việt Nam nên đều muốn "còn nước còn tát". 

Còn tiền - còn sự sống

"Còn người, còn của", tâm lý chung của người Việt, khiến các gia đình vét cạn tiền của dù hy vọng thường là rất mong manh. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng quyết định đi Trung Quốc nhiều ít đều làm đảo lộn cuộc sống của những người nhà đi chăm người bệnh. Bỏ công, bỏ việc, bỏ lại gia đình… là cảnh thường thấy khi phải sang xứ lạ, cộng với lo lắng đủ điều, từ hộ chiếu, visa đi lại, khoản tiền lớn mang theo, rồi bức bối vì khác biệt ngôn ngữ đến tiền viện phí tăng vùn vụt.

"Bán đất", "bán nhà", "vay mượn họ hàng", "vay ngân hàng lãi suất cao" là những cụm từ thường xuất hiện trong những câu chuyện người nhà bệnh nhân nhưng họ đều cố giấu tiếng thở dài trước người bệnh. Song song với cuộc chống chọi với tử thần của những người bệnh là cuộc chiến "tổng lực" cả về sức khỏe - tinh thần và tiền của gia đình.

Tham quan và khám miễn phí "phát hiện bệnh nhân tiềm năng mới".

Đa số các bệnh nhân đều qua lại nhiều lần, có người đã qua tới lần thứ tư, đều khẳng định dù phương pháp mới hiện đại, cũng chỉ có thể duy trì và khống chế tế bào ung thư, phải sống chung với bệnh ung thư và cách nửa tháng hoặc một tháng là phải quay trở lại Quảng Châu. Và dĩ nhiên, mỗi lần quay lại đồng nghĩa với nhiều trăm triệu đồng phải bỏ ra. "Còn tiền - còn duy trì sự sống", câu nói đó dường như không sai trong hành trình này.

Băn khoăn kết quả điều trị

Dù quyết tâm lớn đến đâu, câu hỏi hàng đầu trăn trở cho tất cả các gia đình người bệnh và cho chính người bệnh là: Hiệu quả thực sự thế nào? Hầu hết bệnh nhân quyết định đi nước ngoài chữa bệnh đều đã từng trải qua toàn bộ hoặc một phần phác đồ điều trị ung thư thông thường tại Việt nam là mổ, truyền hóa chất, chiếu tia xạ…, nhưng không còn tin tưởng hoặc không đủ sức theo đến cùng. Chưa có câu trả lời chính thức và đa phần kết quả là từ những người bệnh đã có kinh nghiệm đi chữa trị nhiều lần.

Người nhà bệnh nhân vẫn băn khoăn, nhiều bệnh nhân khỏe hẳn lên là nhờ tác dụng thực của các phương pháp mới hay do được tiêm truyền liên tục thuốc bổ, vitamin, thuốc giảm đau, thuốc cầm máu ngay từ ngày đầu nhập viện? Tất cả các bản cam đoan mà người nhà bệnh nhân phải ký mỗi khi người bệnh chuẩn bị làm các thủ thuật đều viết bằng tiếng Trung mà không được dịch ra tiếng Việt, nên chả mấy ai biết được nội dung gì. Cũng không ít người đã bỏ cuộc khi có những người quay về ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Quảng Châu vì chi phí quá đắt đỏ. Có nhiều gia đình tính toán cân nhắc hiệu quả không ngang bằng số tiền bỏ ra và tìm đến lựa chọn khác.

Tuy nhiên, chưa biết kết quả ra sao, nhưng động viên bệnh nhân và người nhà, mỗi tháng bệnh viện Hiện đại Quảng Châu còn tổ chức tham quan thành phố miễn phí trong một ngày dành riêng cho người Việt. Từ đợt trở lại chữa trị lần hai, mỗi  bệnh nhân lại còn được một suất khám bệnh tổng quát miễn phí cho người nhà và theo mọi người là "phát hiện bệnh nhân tiềm năng mới". Công tác tiếp thị cũng cực kỳ chuyên nghiệp khi bệnh viện có cả văn phòng tại các thành phố lớn ở Việt Nam.

Sang Quảng Châu chữa bệnh, nhưng thông tin chỉ mới là một phía, những người có thân nhân đang chữa trị đều mong cơ quan chức năng Việt Nam có một cơ chế kiểm tra nào đó đối với những bệnh viện nước ngoài có quảng cáo và đặt văn phòng tại Việt nam, để người bệnh và gia đình có thêm thông tin nhiều chiều để cân nhắc.

 



 

 

 

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2