Lượt thăm:241257300   Đang Online: 540

Số lượt xem: 3387
Gửi lúc 00:29' 09/05/2011
Chuột đồng- đặc sản miền Tây

Lâu nay, miền Tây được xem là xứ của chuột đồng. Khoảng trên chục năm trước, thịt chuột giá rẻ như bèo, bán không ai mua nên nông dân bắt chuột chủ yếu để chế biến vài món nhậu đồng quê mỗi khi hết việc.

Giờ đây, thịt chuột trở thành đặc sản và chiếm vị trí quan trọng trong thực đơn của không ít nhà hàng, ở miền Tây giờ đây xuất hiện nhiều người săn bắt chuột, lái chuột chuyên nghiệp, không những thỏa mãn niềm vui mà còn là nghề cho thu nhập khá ở nông thôn.

Chuột chuẩn bị lên xe “đi” Đồng Tháp.     Ảnh: P.N
Chuột chuẩn bị lên xe “đi” Đồng Tháp.

Bắt chuột đồng

Chuột đồng bằng miền Tây là loại chuột ngon, vì đồng ruộng phì nhiêu, những hạt lúa mới còn thơm mùi sữa của tuổi dậy thì trinh nguyên đã nuôi chuột béo ngậy, những cánh đồng lúa bất tận, bát ngát tha hồ cho chuột ăn nhiều chóng lớn, đẻ nhiều. Hiện nay, bắt chuột đồng bằng nhiều cách như đào hang, bẫy đập, bẫy lồng, dậm cù, bắn chĩa…

Tôi khăn gói lên đường về các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… xin tham gia vào đội quân săn bắt chuột đồng. Nài nỉ mãi tôi mới được anh Trà Song ở xã Long Phú (huyện Long Phú - Sóc Trăng) cho đi theo chĩa chuột.

Tại chợ chuột Sà Lôn, anh Thạch Vũ đang mua chuột.
Tại chợ chuột Sà Lôn, anh Thạch Vũ đang mua chuột.

Gần nửa đêm, khi bóng tối phủ trùm lên cánh đồng lúa vừa thu hoạch cũng là lúc anh Song xách đèn pin lội ra ruộng thì đã có hàng chục ánh đèn pha của những người săn bắt chuột trên vai lồng sắt, trên đầu đèn pha, có người còn trang bị súng tự tạo giống loại súng bắn dây thun của trẻ con, với vài mũi tên làm bằng căm xe đạp được giũa nhọn một đầu.

Vừa lội qua mẫu ruộng thứ 3 anh dừng lại. Mắt anh hướng về bờ ruộng, tiếng sột soạt từ bụi cỏ tranh, ánh đèn pha vừa lia, tiếng “sạch” phát ra từ cây súng, căm xe găm thẳng vào đùi sau con chuột cống nhum to bằng bắp chân kêu “éc éc” lê lết lôi mũi tên, nhẹ nhàng anh Song bóp cổ thả vào lồng sắt một cách điệu nghệ.

Không riêng gì anh Song, hiện nay ở miền Tây có hàng chục “xạ thủ chuột” chuyên nghiệp với mỗi lần bắn là trúng. Với cách săn chuột chuyên nghiệp như thế, vào những đêm không có ánh trăng, chỉ cần đi vài giờ đã bắt được năm ba ký chuột là chuyện bình thường.

Về Hậu Giang tôi xin đi theo đội quân săn bắt chuột ở những đồng lúa và mía xã Phương Bình (Phụng Hiệp). Vừa ăn sáng xong, anh Nguyễn Văn Thanh, một trong những tay săn chuột chuyên nghiệp thúc giục anh em lên đường. Cánh đồng Phương Bình, phần lớn bà con nơi đây làm lúa 2 vụ và trồng mía nên chuột rất nhiều, đồ nghề mang theo rất đơn giản, chỉ có cái len (xà ben), vài cái bẫy, thùng đổ nước và 2 con chó là xong.

Để săn chuột được nhanh và hiệu quả, anh Thanh chia hơn chục người đi thành 2 nhóm để “đánh” dọc 2 bên bờ kênh. Theo anh Thanh, ở miền Tây chuột đồng thường sống ven kênh rạch, bờ mương, ruộng lúa, liếp mía… hay làm ổ trên ngọn cây dừa, tre, tràm, gáo, gòn… Tuy nhiên, chuột ở bờ ruộng là nhiều nhất.

Chia nhóm xong, anh Thanh xuýt chó đi trước dẫn đường và tìm nơi chuột trú ngụ. Con chó mực lông đen mượt nặng gần chục ký của anh Thanh tỏ ra siêng năng khi liên tục nhảy vào các bụi rậm tìm chuột. Nhìn con chó ngoáy đuôi, đeo miết vào bụi cỏ, chốc lát là chuột nhảy xuống bờ kênh lặn tìm đường tẩu thoát.

Cầm con chuột vừa bắt được giơ lên, anh Thanh tiết lộ: “Bắt chuột đồng dễ lắm, bởi khi chuột lặn bao giờ cũng lên tiêm (lên bọt nước) trên mặt nước. Chỉ cần lần theo và chờ chuột nổi đầu lên là tóm cổ lập tức”.

Ngoài các bụi rậm thì con chó phèn liên tục phát hiện chuột sống trong hang ở liếp mía. Hang nào cạn thì con chó tự bới đất, khiến chuột hoảng sợ chạy theo hang ngách ra ngoài thì bị bắt.

Riêng những hang sâu, anh dùng len đào và đổ nước ngập hang làm cho chuột ngộp phải ngoi lên. Thông thường chuột làm từ hai đến ba miệng hang, trong đó có một hang chính và những hang phụ để tìm cách tẩu thoát khi bị phát hiện. Do đó, trước khi đào hang chính thì phải tìm được các hang ngách phục kích sẵn, chờ chuột nhảy ra là tóm cổ hay đặt lồng bẫy trước miệng hang ngách.

Không chỉ săn chuột bằng súng tự tạo, dậm cù, đào hang… ở các xã Ninh Qưới, Ninh Hòa (Hồng Dân - Bạc Liêu) người dân dùng những chiếc lồng bẫy chuột bé xíu, chỉ dài và cao hơn 2 gói thuốc lá chồng lên nhau một chút, đặt lọt thỏm dưới tán rạ nhưng bên trong lại… không có mồi nhử chuột.

Nghề có thu nhập

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày hơn chục chợ chuột dọc theo quốc lộ 1A từ Bạc Liêu, Sóc Trăng đến Hậu Giang, có vài tấn chuột được đưa về thị trường TP Cần Thơ, Đồng Tháp, TPHCM và Đồng Nai để đưa lên bàn ăn, quán nhậu. Để mua được nhiều chuột, những tay lái lớn thường bắt mối với cánh thợ săn bằng cách đầu tư vài triệu đồng trang bị lồng, đèn, súng. Với cách làm này, hiện nay có khá nhiều chợ chuột vừa tạo thu nhập, công ăn việc làm cho hàng ngàn người, vừa đẩy mạnh phong trào săn bắt chuột.

Anh Thạch Rươl ở xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng), người có thâm niên hơn 10 năm theo nghề bắt chuột đồng, có dịp tiếp xúc với chúng tôi nói: “Nhà nông mà, kiếm đồng tiền đâu phải dễ, nếu đi xa trúng ổ đậm từ 10-15 kg/ngày là chuyện bình thường, bình quân có từ 3-5 kg/ngày.

Con sống để trong lồng, con chết muối nước đá, sau một đêm cho thu nhập từ 70-150 ngàn đồng ngon hơn đi làm mướn, chưa kể nếu bắt được rắn thì có thu nhập cao hơn, cạn nguồn chuột đồng này thì sang đồng khác.

Vùng này nhờ chuột đồng mà không ít người có cái ăn cái mặc, lo cho con cái đến trường”. Những người săn bắt chuột vất vả về đêm đặt bẫy, săn chuột, thậm chí ngủ ruộng, thì công việc của cánh “lái chuột” nhẹ nhàng hơn nhưng lại hái ra tiền. Anh “lái chuột” tại “chợ chuột” khu vực cống Sà Lôn (xã Đại Tâm - Mỹ Xuyên - Sóc Trăng) Lâm Hoàng Vũ tươi cười khoe: Mỗi ngày tại chợ chuột này có hơn một tấn chuột được tiêu thụ.

Mua chuột ở nông thôn giá 17.000-20.000 đồng/kg nhưng khi những “chú chuột” chui vào lồng sắt phía sau lưng anh vượt trăm cây số từ Sóc Trăng qua phà Cần Thơ để về đến Thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) thì giá nâng lên đến 25.000-28.000 đồng/kg. Với giá này, trừ tiền xăng, tiền phà mỗi chuyến “phiêu lưu cùng chuột đồng” lãi cả triệu đồng. Quả là một con số không nhỏ đối với những nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Đặc sản miền Tây


Thịt chuột là món ăn “khoái khẩu” không chỉ của người miền Tây Nam Bộ hay nếu có dịp thưởng thức một lần. Mùa chuột bà con nông dân thường xuyên tổ chức những buổi đi săn bắt chuột, trước là cải thiện bữa cơm gia đình, sau nhằm giới thiệu món ngon miệt đồng, cũng là cách làm giảm bớt chuột bảo vệ mùa màng.

Bà con ta thường tổ chức những cuộc săn chuột theo mùa, khởi đầu mùa săn bắt chuột là giữa vụ lúa, cây lúa làm đòng, rồi đến lúa ngậm sữa và đến khi lúa trổ đều, chín vàng, thu hoạch... Những thời điểm này chuột tăng trưởng nhanh... vì có nhiều thức ăn như cua ốc, tép, cá, cây lúa non rồi hạt lúa chín rơi vãi trên đồng, nên con nào con nấy béo mập, no tròn, thịt mềm và nhiều mỡ.

Nếu như trước đây, dân quê chỉ bắt chuột về xào hoặc chiên giòn, thì giờ đây chuột đồng, qua bàn tay vén khéo của người nội trợ trở thành nhiều món ăn nhớ đời cho bất cứ ai đã từng một lần được thưởng thức và leo lên bàn nhậu trong nhiều nhà hàng sang trọng với nhiều món: chuột xào lá cách, xào củ hành, nướng ngũ vị hương, khìa nước dừa, xối mỡ, chiên nước mắm, rô ti, nướng sả, quay lu cho đến nấu cơm mẻ và khô chuột nướng lửa hồng… để nhậu với bia ướp lạnh.

Làm sao quên được cái ngon giòn của những miếng chuột rôti ăn với rau sống; vị bùi béo chuột kho nước dừa; sự mềm mại của món chuột khìa; “quen thuộc” với món chuột xé phay; lạ miệng là món chuột “ngào bà” (chuột băm nhuyễn xào, xúc bánh tráng); hấp dẫn với chuột nhúng lẩu cơm mẻ…

Bên cạnh các món ngon từ thịt chuột đó, người nội trợ ở đồng đất miền Tây Nam Bộ còn nghĩ ra món ngon độc đáo đó là chuột xào kiệu, cùng với hành tây, gốc hành lá, nấm rơm và rau cần tàu, người ta có một món ngon nhớ mãi. Gắp một miếng chuột cho vào miệng, nhai, nghe những sớ thịt chuột mềm trong răng và mỡ của nó tươm tràn trên mặt lưỡi. Cái vị ngọt béo, thơm của thịt chuột chưa kịp tan hết trong miệng, gắp vài ba củ kiệu, chấm tương ớt, sẽ nghe mùi hăng nồng đặc trưng của kiệu hòa trong mùi hăng nồng của hành tây và rễ hành lá.

Chuột xào kiệu, cùng với các món khác từ chuột, là những món ăn ngon, hấp dẫn và nổi tiếng, trở thành đặc sản của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là những món ngon mộc mạc, chơn chất của ruộng đồng, ngoài việc bổ dưỡng còn giúp thực khách chữa được một số bệnh như hen suyễn, tê bại…

Hiện nay, ở nhà hàng thịt chuột được nâng lên thành nhiều món ăn cao cấp và sang trọng mà khách du lịch phương xa có dịp về miền Tây nếm thử một lần thì chẳng e ngại gì kêu thêm lần hai và khi ăn xong còn xuýt xoa khen món chuột đồng ở miền Tây sao mà hấp dẫn thế.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2