Lượt thăm:240933250   Đang Online: 640

Số lượt xem: 4540
Gửi lúc 13:02' 25/08/2011
Bí ẩn 'gỗ quý' ướp xác người
Ngôi mộ ở vườn đào Nhật Tân, khi mở nắp áo quan, xác ướp nổi lềnh phềnh lên, nhưng không ai ấy sợ, bởi không phải thứ mùi đặc trưng, ngai ngái của xác chết bay lên, mà là một thứ mùi vừa đậm đà, vừa thoang thoảng rất dễ chịu lan tỏa khắp không gian.
Cách đây vài trăm năm, cuộc săn lùng loại gỗ đặc biệt có tên ngọc am rộ lên ở quanh dãy Tây Côn Lĩnh. Những cây ngọc am nhiều trăm năm tuổi bị đốn hạ hoàn toàn. Loài ngọc am tưởng như đã tuyệt chủng, mất hẳn khỏi ký ức người dân. Nhắc đến ngọc am, chỉ những người già ở vùng này còn biết đến. Ở vùng khác, kể cả những người đi rừng nhiều, cũng không biết ngọc am là thứ gỗ gì.

Mộ xác ướp với quan tài bằng ngọc am và tinh dầu ngọc am ở cánh đồng Nhật Tân. 
Trải mấy trăm năm, xác ướp ở cánh đồng Nhật Tân vẫn còn nguyên vẹn. 

Tuy nhiên, giờ đây, cơn sốt ngọc am lại rộ lên. Nhưng còn đâu cây ngọc am để mà đốn hạ. Người ta chỉ còn cách vào rừng đào bới, moi móc tìm những gốc rễ còn sót lại trong cuộc chặt phá từ cả trăm năm trước. May mắn lắm thì kiếm được những mảnh ngọc am vụn vặt chìm trong lòng đất.

Ngọc am là thứ gỗ gì, dùng để làm gì, vẫn còn là điều cực kỳ bí ẩn. Nhưng với những nhà khảo cổ học về lĩnh vực mộ xác ướp, thì ngọc am là thứ họ biết qua. Người thường xuyên nhắc đến hai chữ ngọc am là nhà khảo cổ, PGS-TS. Nguyễn Lân Cường. Ông là người ít khi vắng mặt trong những cuộc đào bới mộ xác ướp. Tuy nhiên, có lẽ, PGS-TS. Nguyễn Lân Cường cũng chỉ biết đến mùi tinh dầu ngọc am và những chiếc quan tài, chứ chưa thể nhìn thấy cây ngọc am còn đang sống. Trong ký ức của các nhà khoa học, loài ngọc am đã tuyệt chủng.

Mấy trăm năm, chiếc áo vẫn như mới. 
Chiếc giày vải còn nguyên vẹn trong mộ xác ướp ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Dù đã quật mộ cả tháng rồi, nhưng mùi hương ở vải vóc lấy từ ngôi mộ vẫn thơm phức mùi ngọc am. 

Giới buôn bán ngọc am đồn rằng, ngọc am là thứ chỉ giành cho vua chúa, chỉ những bậc đế vương mới được dùng ngọc am.

Anh Trần Đức Thuấn, Giám đốc công ty TNHH Công thương Hưng Long (Lạc Long Quân, Hà Nội) là người mê ngọc am đến độ mất cả hồn vía. Anh có thể ngồi nói cả ngày về ngọc am, có thể ngồi ngắm một mảnh rễ cây ngọc am bằng nắm tay cả ngày không chán. Anh truyền không biết bao nhiêu cảm hứng sáng tạo, biến những mẩu gốc, rễ vô tri thành những tác phẩm đầy tính nghệ thuật. Tại trụ sở công ty và xưởng mộc của anh, lúc nào cũng chất ngất những gốc rễ ngọc am.

Một phần bộ sưu tập lũa ngọc am của anh Trần Đức Thuấn. 

Theo anh Thuấn, sở dĩ ngọc am quý là vì nó là thứ của vua chúa dùng. Người Trung Quốc đã biết đến sản phẩm này từ hàng ngàn năm trước và nó là “ngọc” của rừng núi. Theo sử sách Trung Quốc, chỉ có các bậc đế vương, cung tần mỹ nữ là được dùng loại gỗ này. Nó cũng giống như ở Việt Nam, chỉ có vua chúa được mặc nhung lụa thêu rồng phượng.

Những tác phẩm ngọc am trong triển lãm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đến từ Hà Giang, được định giá tiền tỷ. 

Trong các hoàng cung, gỗ sưa đỏ được dùng để đóng các vật dụng như giường tủ, bàn ghế. Gỗ sưa cứng như thép, có hoa văn đẹp. Nhưng ngọc am lại có mùi thơm quyến rũ, là linh hồn của của cung vua phủ chúa. Riêng các gian phòng của cung tần mỹ nữ, có rất nhiều vật dụng bằng gỗ ngọc am. Từ gỗ ốp quanh nhà, các vật trang trí, giường, ghế, chậu tắm, chậu rửa mặt, chậu xách nước… đều bằng ngọc am. Thậm chí, mỗi khi cung tần mỹ nữ tắm, đều được nhỏ vài giọt ngọc am vào bồn nước. Người đẹp sống giữa không gian đặc quánh của mùi hương ngọc am, nên thân thể lúc nào cũng thơm. Mùi ngọc am ám vào cơ thể, rồi toát ra từ da thịt người đẹp, khiến các bậc đế vương ngây ngất.

Ván thiên bằng ngọc am từ ngôi mộ ở Trung Hưng (Yên Mỹ, Hưng Yên). 

Từ khi hiểu về ngọc am, biết nó là thứ tinh túy nhất của núi rừng đất Việt, trong khi người Việt lại không hiểu gì, anh Thuấn liền sang Trung Quốc để nghiên cứu về ngọc am. Anh Thuấn nhận thấy rằng, người dân thường cũng không biết gì về loại gỗ đặc biệt này, nhưng dòng dõi quan chức, vua chúa, người giàu thì đều biết đến nó và săn lùng rất ráo riết.

Khi nghe anh Thuấn kể về ngọc am, các đại gia Trung Quốc đều rất sốt sắng và họ sẵn sàng bỏ số tiền lớn để sở hữu ngọc am, dù là những mẩu gỗ nhỏ, những gốc rễ đã chìm dưới lòng đất từ hàng trăm năm trước. Với các đại gia Trung Quốc, ngọc am biểu thị cho sự thịnh vượng, phú quý, xua đuổi ám khí, tà ma. Một đại gia mà trong nhà, trong phòng làm việc không có mẩu ngọc am hoặc không có vật dụng gì bằng gỗ sưa thì chưa thực sự sành điệu, đẳng cấp. Đại gia, quan chức Trung Quốc thường thích tiếp khách ở nhà hoặc nơi làm việc, và việc đầu tiên khi đón tiếp khách là giới thiệu một vật dụng nào đó được làm từ hai thứ gỗ này, nó giống như con buôn ở chợ, dù nợ nần chồng chất vẫn cứ phải đeo thòng lõng đầy vàng trên người.

Đại ngàn Tây Côn Lĩnh từng là vương quốc của ngọc am. 

Theo anh Trần Đức Thuấn, xưa kia, vua chúa ở Việt Nam cũng rất chuộng ngọc am. Khi vua chết, loại gỗ duy nhất được dùng làm quan tài là ngọc am. Triều đình lúc nào cũng có sẵn gỗ ngọc am để phục vụ vua chúa. Khi chôn bằng quan tài ngọc am, thì chỉ chôn một lần, không cải táng. Các bậc quan lại thời phong kiến thường chỉ được dùng gỗ vàng tâm. Khi cải táng lấy xương cốt, thì mới được cho vào tiểu nhỏ bằng ngọc am mà thôi.

Cách đây mấy chục năm, các nhà khảo cổ đã khai quật mộ vua Trần Dụ Tông và xác ướp vua còn nguyên vẹn. Quan tài vua được làm bằng gỗ ngọc am, xác vua đặt trong bể tinh dầu ngọc am đặc sánh. Thứ tinh dầu đặc biệt này đã giữ xác mấy trăm năm không phân hủy. Công nghệ ướp xác của Việt Nam cực kỳ đơn giản mà hiệu quả lại vô cùng tốt. Với tinh dầu ngọc am, toàn bộ xác có thể giữ được cả vạn năm nếu không có sự tác động, phá hoại của con người. Công nghệ ướp xác này khác với các nền văn minh khác, phải moi bỏ nội tạng và dùng nhiều phương pháp phức tạp.
Gốc cây ngọc am đã chết cả trăm năm trước.  

Mới đây, khi Nhà nước tổ chức án táng lại cho vua Lê Dụ Tông, vẫn phải sử dụng ngọc am làm quan tài. Để kiếm được lượng gỗ làm quan tài nặng tới 700kg an táng vua Lê Dụ Tông không phải là chuyện đơn giản.

Theo tìm hiểu của tôi, không hẳn chỉ có vua chúa được dùng quan tài ngọc am, mà quan lớn, người giàu thời phong kiến cũng dùng gỗ này làm quan tài. Ngọc am được dùng trong các mộ xác ướp, hay còn gọi là mộ hợp chất. 100% các mộ hợp chất khai quật được ở Việt Nam đều làm bằng gỗ ngọc am.

Tôi đã từng theo chân PGS-TS. Nguyễn Lân Cường đi khai quật một số ngôi mộ hợp chất. Ngôi mộ ở vườn đào Nhật Tân, khi mở nắp áo quan, xác ướp nổi lềnh phềnh lên, nhưng không ai ấy sợ, bởi không phải thứ mùi đặc trưng, ngai ngái của xác chết bay lên, mà là một thứ mùi vừa đậm đà, vừa thoang thoảng rất dễ chịu lan tỏa khắp không gian. Mùi thơm đến nỗi, làng mạc cách ngôi mộ vài trăm mét vẫn ngửi thấy mùi hương ngọc am.

Sau khi ngôi mộ hợp chất ở Nhật Tân bật nắp, trời mưa tầm tã, nước xối khiến xác lẫn với đất cát, tinh dầu, song suốt mấy ngày trời, xác vẫn không phân hủy, mùi tinh dầu ngọc am vẫn lan tỏa trên một không gian rộng cả km vuông.

 
Ngỡ ngàng xác chết trăm năm... còn nguyên da thịt
 
Thế hệ các lãnh đạo, quan lại, người có của ở Hoàng Su Phì đều mong ước có được một cỗ quan tài quý khi về với lòng đất.

Theo truyền thuyết, ở Trung Quốc, ngọc am được dùng để chế tác đồ cung đình và áo quan cho các bậc đế vương. Có thời kỳ những quan lại cao cấp cũng được dùng đồ ngọc am. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thời phong kiến, ngọc am được dùng phổ biến hơn.

Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường làm lễ để mở nắp quan tài ngọc am.

Qua tìm hiểu từ các cuộc khai quật mộ hợp chất, tôi thấy rằng, ở Việt Nam, giới vua chúa chắc chắn phải dùng quan tài bằng ngọc am, nhưng tầng lớp quan lại, người giàu cũng có thể dùng quan tài ngọc am và tinh dầu ngọc am để ướp xác.

Những ngôi mộ hợp chất sử dụng quan tài và tinh dầu ngọc am được phát hiện ở khắp cả nước. Nơi phát hiện khá nhiều mộ hợp chất bằng ngọc am là vùng Hưng Yên, Hải Dương. Những ngôi mộ này có từ thời Hậu Lê, kéo dài đến tận thời Nguyễn. Thời hiện đại chưa từng phát hiện ngôi mộ hợp chất nào cả. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, có lẽ phong tục táng bằng mộ hợp chất, hoặc sử dụng ngọc am làm quan tài không còn nữa. Lý do có thể là không còn gỗ ngọc am.

Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Xác ướp được bảo quản rất tốt trong tinh dầu và quan tài gọc am.
Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Quan tài ngọc am khai quật từ mộ Nguyễn Bá Khanh ở Hưng Yên. Ông là quan thị, giữ chức cận thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng nội giám, Đô đốc phủ, Tả tưởng quân, Thái tể đại tử đồ, Tước trực trung hầu.

Để tìm hiểu về thứ gỗ đặc biệt này, tôi đã tìm lên Hoàng Su Phì (Hà Giang), nơi từng được mệnh danh và vương quốc ngọc am. Không rõ trên thế giới có nhiều ngọc am không, nhưng dãy núi Tây Côn Lĩnh kéo dài từ một phần huyện Vị Xuyên vắt ngang Hoàng Su Phì từng có những cánh rừng ngọc am mênh mông. Ở Việt Nam, chưa từng phát hiện ở đâu có ngọc am ngoài dải Tây Côn Lĩnh. Mặc dù nhiều vùng núi lân cận có độ cao và khí hậu tương đương, song lại không có ngọc am, đó cũng là một chuyện rất lạ.

Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Tác phẩm lũa ngọc am.
Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Bộ bàn ghế ngọc am của anh Trần Đức Thuấn có giá nhiều trăm triệu đồng.

Điều bất ngờ mà tôi nhận ra là tại Hoàng Su Phì, từ xưa đến nay, người giàu có, quan chức thường dùng ngọc am làm quan tài. Những người giàu có thường sắm cho mình chiếc quan tài ngọc am từ lúc còn sống, thậm chí lúc còn trẻ, với mong ước thân xác sẽ được giữ lâu trong lòng đất.

Ngồi trên chiếc xe khách lọc xọc như xe chở gà trên đường vào thị trấn Vinh Quang, khi tôi khơi chuyện ngọc am, như chọc vào chỗ ngứa, anh tài xế Nguyễn Văn Bình hót như khướu. Cả huyện có 2-3 cái xe chở khách lẫn chở hàng ra vào huyện, nên mọi chuyện trên trời dưới bể ở cái huyện miền Tây heo hút của Hà Giang này đều lọt vào lỗ tai của Bình. Riêng về ngọc am, ông nào vớ được khúc ngọc am dưới lòng đất, đại gia nào săn được gốc ngọc am bạc tỷ, Bình đều nắm được. Trước xe khách của Bình chở ngọc am rầm rầm rời cổng trời về xuôi, nhưng giờ cấm rừng nghiêm ngặt, nên chẳng tài xế nào dám chở ngọc am nữa. Hễ khách lên xe, vác theo ba lô, bao tải, Bình đều kiểm tra kỹ xem có mẩu gốc rễ, thanh gỗ ngọc am nào không. Nếu để hành khách vác ngọc am lên xe, nhẹ bị phạt hành chính, nặng thì bị tịch thu xe.

Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Ông Hoàng Ngọc Trương là người rất hiểu biết về ngọc am.

Trong câu chuyện về ngọc am với Bình trên suốt chặng đường gần 100km, Bình bảo rằng, muốn tìm hiểu về ngọc am thì phải gặp cụ Hoàng Ngọc Trương. Theo Bình, cụ Trương là người rất am hiểu về ngọc am, vả lại, cụ đã tự đóng cho mình chiếc quan tài từ mấy năm trước bằng gỗ ngọc am. Sở dĩ Bình biết chuyện này, là vì Bình đã chở mấy ông khách vào huyện Hoàng Su Phì để mua lại chiếc quan tài ngọc am của ông Trương. Tuy nhiên, những vị khách kia đều về không, mặc dù đã mang theo cả trăm triệu đồng.

Thị trấn Vinh Quang nhỏ như bàn tay, nên hỏi ông Trương ai cũng biết. Có lẽ, cả huyện cũng đã biết chuyện ông sắm cho hai vợ chồng ông cặp quan tài bằng ngọc am.

Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Ngọc am cất giấu trong nhà dân ở Hoàng Su Phì.

Ông Trương sống trong một căn nhà gỗ nhỏ chênh vênh bên bờ suối. Ông Trương năm nay 76 tuổi, râu dài trắng phau, dáng người gầy còm nhưng khỏe khoắn. Ông nói về ngọc am như một chuyên gia, rất hiểu biết. Có lẽ, tìm được người hiểu về ngọc am như ông ở Việt Nam rất hiếm.

Ông Hoàng Ngọc Trương từng là Chủ tịch UBND thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì). Ông vốn là người Kinh, quê gốc ở Chèm (Hà Nội). 4 đời trước, tức cụ nội ông đã theo nghĩa quân Phan Bội Châu di cư lên Hoàng Su Phì kháng Pháp. Chiến đấu ở vùng này, rồi sống ở bản Cậy (xã Tụ Nhân), không về Hà Nội nữa. Sống giữa bản người Tày, nên cha ông đã đổi họ, khai là dân tộc Tày.

Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Người dân Hoàng Su Phì đẽo ngọc am thành con rùa cho trẻ con chơi.

Theo ông Trương, truyền thuyết người Tày kể rằng, ngọc am vốn đã tuyệt chủng từ thời Đại hồng thủy nhiều ngàn năm trước. Nước ngập tận đỉnh núi đã cuốn hết cây cối vùi xuống lòng đất. Các loại gỗ khác đã tan vào đất, chỉ có ngọc am là còn đến ngày nay. Vậy nên, tên gọi ngọc am mới có nghĩa: Ngọc là quý, am là ngâm dưới lòng đất.

Thời xưa, quan lại trong vùng mới có ngọc am để dùng. Khi đến tuổi già, họ sai quân lính vào rừng đào đất tìm kiếm ngọc am để làm quan tài. Trong nhà các bậc quan lại, quyền quý đều dự trữ ngọc am dành cho hậu sự.

Có ngôi mộ mà ông Trương ấn tượng nhất, là mộ bà Riêm, cụ tổ của Vàng Cồ Pao, đã mất cách nay trên 200 năm. Vàng Cồ Pao là bố của Vương Văn Đường (họ Vàng và họ Vương là một). Vương Văn Đường vốn là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hoàng Su Phì. Năm 1947, Pháp tái chiếm Hoàng Su Phì, ông Đường làm quan cho Pháp. Năm 1950 Pháp chạy, ông Đường theo xuống Hà Nội, rồi vào Nam biệt tích. Vì bà cụ Riêm là dòng dõi quan lại, nên được táng bằng quan tài ngọc am.

Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy
Ngọc am cháy rất mạnh và khói có mùi thơm nức mũi.

Khoảng những năm 1950, gia đình họ Vương lụn bại, nên dòng họ đã đi xem bói. Thầy bói phán do chôn bà cụ Riêm ở Cán Chê Dền, không đẹp phong thủy, nên dòng họ không phát được nữa. Muốn dòng họ được làm quan mãi mãi, thì phải khai quật mộ cụ đưa về bản Cậy, nơi bà từng sinh ra và lớn lên. Thầy cúng đến tận nơi để cùng gia đình quật mộ, lựa đất để chuyển mộ bà Riêm.

Họ Vương đã chuẩn bị một cái tiểu bằng ngọc am, hy vọng sẽ còn chút xương cốt để cải táng, nếu không thì mẩu đất cũng được. Thế nhưng, một chuyện lạ đã xảy ra: Khi bật nắp ván thiên, mọi người ngỡ ngàng khi thấy xác bà cụ Riêm vẫn còn nguyên vẹn. Da thịt chỉ hơi đổi màu, áo lụa vẫn còn mới nguyên. Riêng những tấm ván thiên thì vẫn như mới, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Thầy cúng và đại gia đình họ Vương sợ quá, liền đậy nắm quan tài, khiêng cả quan tài lẫn xác bà cụ Riêm về bản Cậy để chôn. Từ đó đến nay, dòng họ này không cải táng cụ tổ nữa.

Sống ở vùng Hoàng Su Phì cả cuộc đời, nên ông Trương được chứng kiến nhiều vụ xác ướp thần kỳ liên quan đến quan tài ngọc am. Ông đã tận mắt nhiều vụ khai quật những ngôi mộ không rõ từ đời nào, có thể nhiều trăm năm, song xác và những tấm ván thiên vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi mộ nào bị thời gian và thiên nhiên khắc nghiệt hủy hoại nhiều nhất, thì cũng vẫn còn nguyên xương cốt trong những tấm ván thiên vẫn còn thơm nức mùi ngọc am.

Chứng kiến những câu chuyện kỳ diệu như vậy, nên thế hệ các lãnh đạo, quan lại, người có của ở Hoàng Su Phì đều mong ước có được một cỗ quan tài quý khi về với lòng đất.

Anh Trần Đức Thuấn, đại gia ngọc am cho biết: Chuyện xưa kể, vua Tự Đức từng biếm chức viên quan Án sát tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Khắc Nguyên vì vị này dám lén dùng tinh dầu ngọc am để ướp xác cho mẹ. Nghĩa là, các triều đại phong kiến Việt Nam quy định rất chặt chẽ việc hạng người nào mới được gìn giữ thi thể lâu dài bằng cách dùng quan tài ngọc am, ướp tinh dầu ngọc am. Bên cạnh đó, với chi phí đặc biệt đắt đỏ và sự kỳ công của việc tẩm liệm, mai táng, không phải gia đình thường thường bậc trung nào cũng có thể làm được.

 

 

 

 



Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2