Lượt thăm:239935090   Đang Online: 860

Cuộc sống quanh ta » Âm nhạc - Văn học »


Số lượt xem: 3868
Gửi lúc 15:35' 15/09/2011
Vũ Trọng Phụng - Những gì còn lại
Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khắc Hiếu là những tài hoa nổi bật trên văn đàn đầu thế kỉ XX. Cùng một chí hướng, cùng ở một phố Cầu Mới, Ngã Tư Sở Hà Nội, cùng khốn khó như nhau, mất cùng một năm (Nguyễn tháng 6; Vũ tháng 10 – 1939) cùng an táng ở một nghĩa trang, rồi cùng được rước di cốt về quê.

Bao nhiêu cái cùng của kiếp nhân sinh mà khó có lấy một chữ tương đồng, tương hợp. Nguyễn Tuân viết:“... Lại nhớ một buổi họp có cả Phụng, có cả Tản Đà. Thấy có ông Tản Đà, Phụng thành tâm đi mua hai gói kẹo lạc va ni đưa về tiệm hút, cố mời người thi sĩ già “- Mời cụ xơi kẹo lạc. -  Ông bảo cái gì ? – Dạ, kẹo lạc va ni giòn và thơm lắm. – Kẹo lạc! Ăn ra cái quái gì”. Buổi ấy nhà thơ có tuổi đã làm tiêu hết chút ít cảm tình của Vũ Trọng Phụng. Hai người ấy giờ đã là ma. Chắc dưới ấy  gặp nhau, hai người tránh sao được cái lủng củng, nếu hai hồn ma không chịu nghĩ đến cái tàn lạnh của cuộc đời chung tài hoa mà chịu đựng lấy nhau...”.

Vũ Trọng Phụng - vua phóng sự Bắc kỳ

Cũng Nguyễn Tuân viết:“... Nhiều người còn sống sờ sờ kia oán thằng Phụng lắm. Chúng nhìn thấy hình ảnh chúng ở Nghị Hách, Xuân Tóc Đỏ... Nhiều người đọc sách lầm nhiều về cái Người ở Phụng. Họ đều cho Phụng là nham hiểm, là cơ tâm, là tâm điền xấu. Để sinh ra ngộ điểm ấy, cái lỗi của Phụng là đã đem những cái thối nát, cặn bã nhân tâm vào trong tác phẩm của mình đến đầy rẫy. Thực ra Phụng là một người bình dị, một người của khuôn phép nề nếp. Phụng làm việc chăm chỉ, ngày đêm lo thanh toán nợ văn chương, không để ai xúc phạm. ... Phụng ơi, cái đức tín nghĩa và cái văn tài của ngươi đã đến lúc có thể cho phép ngươi quỵt chơi dăm ba món nợ mà không ai dám rủa rả ngươi khi ngươi nhắm mắt. Nếu có kẻ nào rủa rả ngươi thì đã có lũ chúng ta đây hứng chịu, trang trải sạch cho ngươi. Can gì cứ phải ôm ngực, còng lưng, khạc mãi máu vào giấy mực để mà lo trả nợ !...

 ... Phụng chết trẻ. Cái đáng tiếc trong đời người bạn chúng ta là Phụng thiết thực quá. Trước lúc lên đường về xứ chết, ông bạn Ngô Tất Tố đã nói riêng với tôi rằng: chả chắc Phụng có qua được mùa rét. Nay chỉ mới tiết thu thôi mà lá đã lìa ngàn!

 ... Thằng Phụng còn hứa hẹn cho văn học nhiều tác phẩm lắm. Sao những người như thế đã chết, mà lắm thằng bất tài khác thì lại cứ sống mãi để anh em phải sốt cả ruột.

 ... Thường lệ Phụng vuốt ve bản thảo, quyến luyến đứa con tinh thần ấy độ ba ngày rồi mới trao cho nhà xuất bản. Dặn bạn: tao thích chơi bản thảo, càng dây bẩn nhiều vết tay anh em thợ sắp chữ càng quí. Khi liệm xác tao, nhớ cho tao gối đầu lên bản thảo. Đó là yêu sách cuối cùng nhờ lũ chúng bay còn sống sót. Đừng quên nhé!”. (Tao đàn, 1939, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng).

Trích dẫn hơi dài là muốn trình đến bạn đọc những đoạn văn gốc, viết ngay sau đám tang Vũ Trọng Phụng, chưa qua suy diễn, chế biến, không chịu một áp lực nào; viết cứ thẳng tưng của một cây bút có uy tín, như món “đồ cổ” ngót đã trên 70 năm tuổi.

 Vũ Trọng Phụng tuổi Nhâm Tý, sao Thiên Hư đóng cung mệnh, nên lấy luôn biệt hiệu là: Thiên Hư Vũ Trọng Phụng. Thiên Hư, Thiên Khốc là sao xấu, chữ tài chữ mệnh buộc vào như chơi. Vũ Trọng Phụng cam chịu nghèo khổ, viết như đùa, viết quên mình, viết đến hơi thở cuối cùng như một Ban-dắc Việt Nam. Ban-dắc, Xéc-van-tét là hai nhà văn xuôi được Mác đánh giá cao, gọi là “thư kí của thời đại”. Xéc-van-tét (1547-1616) với tác phẩm Đông ki-sốt nổi tiếng là bức tranh sống động về xã hội Tây Ban Nha thế kỉ thứ XVI. Ban-dắc (1799-1850) với tập hợp “Tấn trò đời ” mang đậm hơi thở cuộc sống xã hội Pháp tiền tư bản chủ nghĩa.

Chúng ta, những người quen với tâm thức phương Đông, quen với những nhân vật của Tam Quốc, Thuỷ Hử, Hồng Lâu Mộng... quen với các tác giả Thi Nại Am, La Quán Trung, Tào Tuyết Cần... họ đều là những tài hoa, những “thư kí thời đại” ở phương Bắc. Ở nước ta, cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, văn hóa tư bản chủ nghĩa Pháp tràn sang, ngang nhiên chiếm địa vị thống trị. Bút lông ngàn đời phải nhường chỗ cho bút sắt mới nhập khẩu. Ông nghè, ông cống một thời vàng son là “Nguyên khí quốc gia”, nay thất thế “nằm co”. Giai đoạn văn hóa kịch tính bi hùng ấy được ghi lại trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân.

Đến khoảng thập niên 20-30 của thế kỉ XX, là giai đoạn “Âu hóa” ở đô thành, xã hội lai căng, kẻ vì đồng tiền mà thành lưu manh, kẻ do lưu manh mà thành giàu sang, được Vũ Trọng Phụng vẽ ra trong tác phẩm “Số Đỏ”.

Gấp sách lại người đọc cười, rồi không cười mà nhận ra rằng một xã hội mà cái giả dối, trái khoáy đã đầy rẫy là đang ẩn chứa trong mình nó cái mầm mống của khủng hoảng. Thiên tài Vũ Trong Phụng dường như là “chim báo bão”, báo cái đêm trước của Cách mạng Tháng Tám. Về mặt này, Vũ Trọng Phụng sánh được với Tào Tuyết Cần, tác giả Hồng Lâu Mộng. Một tác phẩm phản ánh một xã hội rực rỡ vàng son, sực nức mùi son phấn, sung mãn đến điểm maximum, tức là đã đến lúc chênh vênh trên bờ vực thẳm đang chờ... Tác phẩm vô hình mang tính dự báo - dự báo cái bão táp của Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc.

Số Đỏ được hoan nghênh, rồi bị đả kích, Thiên Hư “lên bờ xuống ruộng” khoảng 50 năm dài. Nhất Chi Mai, tức là Nhất Linh, chủ tướng Tự lực văn đoàn, trên báo Ngày Nay tháng 3-1937 lên án Vũ Trọng Phụng: “Văn bẩn thỉu, nhơ nhấp, dơ dáy”. Thiên Hư đáp lại: “Các ông muốn tiểu thuyết là tiểu thuyết. Tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời”. Nam Cao cũng lên tiếng: “ Tiểu thuyết không nên là ánh trăng lừa dối, tiểu thuyết phải là sự thật ở cuộc đời”. Nhất Linh phải im tiếng.

Cùng với những biến đổi của xã hội, Vũ Trọng Phụng lại toả sáng. Người xưa gọi đó là “văn chương thượng thừa”, buộc đá thả xuống nước không chìm, dù bị chôn vùi rồi người đời cũng đào lên đọc. Từ bấy đến nay chưa có tác phẩm nào vượt được Số Đỏ, chưa thấy xuất hiện Vũ Trọng Phụng thứ hai, mặc dù thời đại ta đang sống chính là thời đại của tiểu thuyết.

Trong tủ kính Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng, ngoài sách bằng tiếng Việt của ông, còn có một quyển Số Đỏ bằng tiếng Anh:Dumb Luck, bày cạnh tấm ảnh hai dịch giả người nước ngoài.

Vũ Trọng Phụng một văn sĩ với nhân sinh dị biệt, dùng chữ vẽ nên bức tranh xã hội, dùng ngòi bút mà chống lại ách thống trị theo cách của mình. Ông mất ở tuổi đời 28, đang độ phát triển, độ chín của tài năng. Với khoảng mười năm cầm bút, để lại hơn chục tác phẩm, đủ để làm “vua phóng sự Bắc kỳ”, ngồi trên văn đàn, tươi trẻ mãi như cuộc sống.



Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2