Lượt thăm:239519430   Đang Online: 770

Cuộc sống quanh ta » Âm nhạc - Văn học »


Số lượt xem: 6387
Gửi lúc 00:50' 17/08/2011
Truyền kỳ về cao hổ cốt

Đợt đi công tác tại vùng ngã ba biên giới ấy, tôi ăn và uống không biết bao nhiêu cao hổ cốt. Hiệu lực của cao thế nào, tôi cũng chẳng để ý, nhưng chỉ biết rằng thấy làm việc gì cũng băng băng. Có lần 4h sáng lái xe Xitđờca chạy vào Vinh, lấy tài liệu xong, ăn qua quít miếng cơm độn ngô lủng củng rồi lại phóng về Hà Nội, đêm thức trắng viết bài, sáng hôm sau đến nộp mà vẫn tươi tỉnh.

Theo số liệu của Diễn đàn loài hổ toàn cầu (Global Tiger Forum - GTF) thì ở Việt Nam, giống hổ - một loài vật được dân gian kính trọng gọi bằng "ông" (ông Ba Mươi; ông Kễnh; ông Cọp...) nay chỉ còn khoảng 150 "ông". Vậy mà chưa khi nào thị trường cao hổ cốt lại sôi động như hiện nay và cũng chưa bao giờ người ta lại "phong tặng" cho cao hổ cốt nhiều tính dược lạ kỳ như vậy.

Vậy cao hổ cốt có thực là "thần dược" như những lời đồn hay không? Và người ta đã nấu cao hổ cốt (cả thật lẫn giả) như thế nào?

Bắt đầu từ chuyện của... tôi?
Tôi sống được cho đến ngày hôm nay, chính là nhờ... Hổ? Mẹ tôi bảo thế.
Số là vào cuối năm 1956, khi ấy mới lẫm chẫm biết đi, thì một hôm, tôi bị sốt cao và bố mẹ tôi hoảng hồn khi thấy người tôi cứ mềm dần, mềm dần và chỉ sau ba ngày là nằm bất động và chỉ ngúc ngắc được mỗi cái đầu.

Bố mẹ mang tôi vào Bệnh viện Bạch Mai và lúc này mới biết miền Bắc đang có trận dịch bại liệt. Bệnh viện Bạch Mai chật như nêm, và bị bại liệt hầu hết là trẻ con loại tuổi như tôi. Mỗi giường bệnh có khi phải để ba đứa trẻ nằm, còn bố mẹ đi chăm con thì nằm vạ vật dưới nền nhà hay ngoài hành lang.
Các bác sĩ đã bẻ gập người tôi xuống và chọc kim vào lấy nước tủy sống đem đi xét nghiệm và kết luận rằng tôi bị bại liệt toàn thân và là đứa bị nặng nhất trong khoảng 500 trẻ đang bị bại liệt nằm ở Bệnh viện Bạch Mai. Tình thế lúc này thật là tuyệt vọng. Giá như bị liệt chân hoặc tay thì còn khả dĩ làm người được, đằng này tôi chỉ nằm, hai mắt mở thao láo.
Các bác sĩ thì khẳng định rằng trường hợp như tôi thì không còn cách nào cứu được, nếu có sống thì cũng chỉ là một cục thịt mà thôi? Và cũng đã có người khuyên bố tôi (Nhà văn Hoài An, khi đó là phóng viên báo Quân đội nhân dân - TG) là đưa tôi về nhà và đành chịu tội với Giời bằng cách cho tôi một liều thuốc ngủ để... đi cho nhẹ! Chứ nếu để thế này, kẻ bị bệnh đã khổ mà người sống lại còn khổ hơn.

Nhưng lại cũng có một vị bác sĩ bảo rằng chữa bại liệt bằng thuốc tây y là không được, mà chỉ có đông y thì may ra có thể cứu được phần nào. Nghe thế, bố mẹ tôi như người ngủ mê sực tỉnh và chạy lên ông ngoại tôi là nhà văn - lương y Nguyễn Tử Siêu, ở số 8 phố Yên Phụ

Nghe bố mẹ tôi kể xong, ông ngoại tôi bảo phải đưa tôi về, trước mắt, lấy thân cây sắn dây đun nước và cho tôi ngâm hàng ngày. Còn thứ thuốc duy nhất có thể cứu được tôi là phải có cao hổ cốt loại tốt.

Nghe nói thế, bố tôi như trút được một phần nỗi lo và ông chuẩn bị đi Hòa Bình tìm cao hổ cốt. Thời đó, vùng núi Tây Bắc là vương quốc của hổ. Ở thị xã Hòa Bình, đêm đêm, hổ còn mò ra dốc Cun vồ người, cho nên muốn có bộ xương hổ nấu cao là chuyện... đơn giản.

Nhưng bố tôi chưa kịp đi thì có một người từ Cao Bằng về biếu ông ngoại tôi hai lạng cao hổ cốt để trả ơn cứu mạng.

Lập tức một lạng cao được đem ngâm rượu và một lạng thì được cắt nhỏ ra để nấu cháo. Có thuốc rồi nhưng để cho tôi uống được thì lại rất khó khăn bởi vì một phần sợ các bác sĩ, một phần phải giấu những người xung quanh. Thế là cứ đêm đêm, khi mọi người ngủ, mẹ tôi lại lén đổ rượu cho tôi uống... Uống rượu vào, người tôi đỏ rực lên, cái đầu cứ lúc lắc liên tục.

Được 5 ngày thì tôi cử động được ngón tay.

Được 7 ngày thì chân tôi co được và bàn tay đã cầm được ngón tay của mẹ.

Được 15 ngày thì tôi... ngồi dậy và lại vịn thành giường tập đi.

Cả Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai xôn xao. Các bác sĩ không còn có thể hiểu nổi và họ quyết định mang tôi đi... nghiên cứu bởi vì đây là trường hợp độc nhất vô nhị.

Còn một số ông bố bà mẹ đang có con bị bại liệt nằm cùng phòng với tôi biết được là mẹ tôi có thuốc lạ. Họ rình theo dõi bà và phát hiện bà cho tôi uống thuốc về đêm, thế là họ van lạy bà cho thuốc. Không thể giữ bí mật được, mẹ tôi mách cho họ lên gặp ông ngoại tôi... Nghe nói là cũng nhiều người được cứu khi tắm nước cây sắn dây và uống cao hổ cốt.

Thấy cảnh bác sĩ lại bẻ gập người tôi xuống, chọc kim tiêm vào giữa hai đốt sống để rút nước tủy, bố tôi không chịu nổi, ông quyết định “bùng”? Một buổi chiều, bố tôi mặc quân phục, đeo sao hàm cẩn thận, vào viện bế tôi đi chơi. Mẹ tôi đi ra ngoài hàng rào chờ sẵn và nhân lúc nhập nhoạng, ông tuồn tôi qua hàng rào đưa cho mẹ tôi rồi biến thẳng.

Tôi được cứu thoát, nhưng căn bệnh đã để lại cho tôi một di chứng... là teo nửa người bên trái, và nặng nhất là cánh tay trái. Giữa năm 1972, tôi khám sức khỏe để đi bộ đội. Chị bác sĩ quân y bắt tôi cởi quần áo rồi nhìn ngắm tôi bằng con mắt ngạc nhiên và phì cười mà bảo rằng: “Mặc quần áo vào, về đi. Người thế này cũng đòi đi bộ đội, xấu cả quân ngũ”.

Nhưng rồi mấy năm sau, tôi lại được gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Và lần này, một vị bác sĩ lại bảo: “Tay phải khỏe là tốt rồi. Vào bộ đội, chịu khó rèn luyện có khi tay trái sẽ phát triển”. Nghe lời ông, những ngày ở quân ngũ bên Lào, tôi rất chịu khó tập tạ tay trái, nhưng cũng chỉ xách nặng được bằng hai phần ba tay phải.

Chuyện tôi sống được nhờ cao hổ cốt là như vậy.

Một thời gian dài về sau, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến cao hổ cốt, mặc dù thi thoảng bố tôi có nói rằng phải làm thế nào kiếm được bộ xương hổ để nấu cao dành cho tôi. Ông ngoại tôi dặn lại rằng vì tôi uống cao từ khi còn bé tý, nên sau này, có bị bệnh tật gì, uống các loại thuốc bổ khác đều vô ích, trừ cao hổ cốt.

Năm 1984, tôi đi công tác ở tỉnh Lai Châu (cũ) và quyết định đi lên xã Xín Thầu là xã ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào. Hồi đó, nói đến vùng ngã ba biên giới này, ai cũng hãi. Ngay Công an tỉnh Lai Châu, số cán bộ đi được đến đây cũng rất hiếm. Thấy tôi quyết tâm đi, ông Vàng Văn Phương, Chủ tịch huyện cho miếng cao hổ cốt to bằng nửa bao thuốc lá, anh em kiểm lâm cho ít tam thất... Ông Phương dặn tôi là ngâm miếng cao đó với rượu, tối đến uống một chén con. Rồi ông còn rỉ tai tôi bảo là phải uống... giấu vì “anh leo núi không quen mới cần uống cao hổ, còn mấy đứa đi cùng, đừng cho chúng nó uống, phí đi”.

Nghe lời ông, cứ đến bản nào, trước khi đi ngủ, tôi lại lôi bi đông rượu giấu trong balô ra và tợp vài ngụm... Uống rượu xong, được khoảng một tiếng sau thì thấy các khớp xương mỏi rã rời và trong người cứ như phát phiền, nằm ngủ không yên, cứ vật bên này, vật bên kia. Nhưng khi thiếp đi rồi thì giấc ngủ đến sâu thăm thẳm và sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy trong người nhẹ nhõm, hoạt bát và cái cảm giác mệt bã người của mấy chục cây số leo núi hôm trước biến đi đâu hết.

 Hóa ra trong xương hổ có một lượng acid amin cao gấp 900 lần các loài xương động vật khác và có tỉ lệ đạm toàn phần rất cao. Với lượng acid amin cao như vậy, cho nên khi uống vào, nó làm cho người ta thấy khỏe khoắn, khoan khoái và hết đau xương, đau cốt.

Từ xưa, cao hổ cốt đã được coi là loại thuốc quý, đặc biệt cho những người bị phong thấp. Người ta đồn rằng nếu bị thấp khớp nặng, chỉ cần uống nửa lạng cao hổ cốt (tất nhiên phải là loại xịn) thì... dứt ngay. Còn nếu kiếm được miếng xương bánh chè hổ thì... trên cả tuyệt vời. Đang bị thấp khớp sưng vù cả đầu gối, lấy xương bánh chè hổ mài ra, uống xong, chỉ hai giờ sau là... dịu dàng hẳn.

Rồi dân gian lại có huyền thoại là trong các loài động vật, thì xương hổ và xương... người là tốt ngang nhau, xếp thứ hai là xương con báo và tiếp nữa là xương mèo đen. Chả thế mà ngày trước, đã truyền đi không ít chuyện về những kẻ vô lương đào mả người chết, lấy xương đem... nấu cao? Chuyện chắc cũng bảy hư ba thực, nhưng cũng đã có một vụ án đào mả người chết vì bị sét đánh chết lấy xương đem nấu cao hay làm... bùa hộ mệnh xảy ra ở tỉnh Lai Châu (cũ). Đó là Trần Hùng Sơn, người hiện đang bị tù chung thân trong vụ án tham nhũng Mường Tè.

Vào năm 1983, cô Vũ Thị Lê, sinh viên Trường Y của tỉnh Lai Châu về thực tập ở Bệnh viện huyện Điện Biên. Một hôm, trên đường đi về nhà, khi ngang qua sân bay Mường Thanh, cô bị sét đánh chết và sau đó được gia đình mai táng tại nghĩa trang Hòa Bình. Từ lâu rồi, gia đình đã biết có việc một số người hay đi tìm những người bị sét đánh chết để mua xương... Cho nên phải cử người trông nom mộ cô.

Người thì bảo rằng khi người bị sét đánh, toàn bộ năng lượng... sét được tích tụ vào mấy đốt xương sống. Nếu có đốt xương ấy, đeo vào người sẽ tránh được cảm mạo, phong hàn và tránh được cả... đạn bắn (?!). Người thì nói rằng bộ xương đó đem nấu cao thì còn hơn cả... cao hổ cốt (?!).

Vốn là kẻ rạch giời rơi xuống, bao nhiêu năm sống bằng nghề buôn lậu và lừa đảo nên Trần Hùng Sơn bèn thuê Chu Minh Chiến ở xã Thanh Minh đi tìm. Chiến đã tìm ra một nhân viên của bệnh viện huyện từng tham gia mai táng cô Lê và bà đã chỉ cho hắn ngôi mộ của cô.

Ngay đêm đó, Chiến cùng ba người nữa là Diệp, Điền và Tài ra đào mộ cô lấy xương và giao cho Trần Hùng Sơn. Nhận bộ xương xong, Sơn trở mặt bảo là còn thiếu một đốt xương sống... tích điện, cho nên chỉ trả cho họ tiền công mua đủ 1kg thịt lợn và một chai rượu trắng.

Chả hiểu cô Lê có linh thiêng hay không nhưng sau đó, hoạn nạn liên tiếp đổ xuống đầu mấy người.

Chu Minh Chiến chết đột tử ở tuổi 36, anh Tài chết một năm sau đó ở tuổi 46; ông Diệp thì cháy sạch nhà cửa, đồ đạc. Còn người tên là Điền thì họa lại giáng xuống đầu anh con trai mới 16 tuổi. Anh ta bị sâu răng, chả hiểu nghe ai xui mà lấy chiếc đinh gỉ ở chuồng lợn cho vào... ngoáy và bảo là “lấy độc trị độc”. Hậu quả là bị nhiễm trùng uốn ván chết. Còn Trần Hùng Sơn, leo lên chức Tổng giám đốc, nhưng cũng vào tù...

Trở lại chuyện các loại cao.

Về mặt lý thuyết thì tất cả các loại xương động vật đều có thể nấu cao được, chỉ có điều tốt nhiều hay tốt ít, và loại cao đó chữa được bệnh gì.

Có mấy loại thường thấy là cao ban long, cao khỉ, cao quy bản, cao trăn, cao gấu, và hiện nay có một loại cao đang được “quan tâm”, đó là cao mèo nấu toàn tính.

Thiết tưởng cũng nên nói sơ qua một vài loại cao thông dụng để giúp bạn đọc có thêm “vốn”, từ đó nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn bịp bợm của dân nấu cao rởm.

Cao ban long là thứ cao tương đối rẻ hơn cả vì được nấu từ gạc nai, sừng hươu. Hàng năm, cứ vào cuối mùa hạ, hươu, nai cọ đầu vào cây làm cho sừng rụng. Gạc tức là sừng, chỉ có xương mà không có lông, da và nặng khoảng 3 đến 5 kg. Gạc nai còn tươi, nếu chẻ ra thì thấy có màu vàng ngà... Tuy nhiên, loại gạc đã rụng thì chất lượng kém xa so với gạc của con nai hay con hươu bị bắn. Gạc hươu quý hơn gạc nai, và thường đắt gấp ba bốn lần.

Cao ban long có vị ngọt, hơi mặn, tính ôn và tác dụng vào kinh Thận, Tâm, Can. Cao ban long có tác dụng bổ nguyên dương, chủ trị các bệnh lậu huyết, băng huyết, đau lưng, mỏi gối... Tóm lại là cao ban long dành cho phụ nữ tốt hơn nam giới.

Cao ban long nấu cũng khá cầu kỳ.

Trước tiên phải làm sạch gạc nai, sừng hươu bằng cách đun với phèn chua khoảng nửa giờ, sau đó dùng bàn chải sắt chà sát cho hết cái lớp đen bám bên ngoài. Phơi cho xương thật khô rồi cắt thành từng đoạn như khẩu mía và chẻ làm ba, làm tư; cạo hết những chỗ còn tủy, rồi đem gạc đã chẻ nhỏ tẩm với nước gừng trong khoảng vài ba tiếng rồi lại sấy khô.

Người ta đan một cái giỏ hình tròn nhưng rỗng ở giữa và xếp xương xung quanh. Chỗ rỗng đó là dùng để múc nước cốt ra. Đổ nước cho ngập xương khoảng một ngón tay, nên nhớ là phải dùng nước mưa, dùng nước sông, nước ao hay nước máy đều không tốt. Khi nấu, thấy nước cạn đến xương thì lại lấy nước sôi chế thêm. Nếu thấy có bọt thì phải vớt ra bởi lớp bọt đó sẽ làm cao chóng hỏng. Được hai ngày thì lấy nước cốt lần thứ nhất ra và tiếp tục đun lấy nước hai, nước ba... Nước cốt cao đã nấu phải được lọc bằng túi vải thật kỹ sau đó hòa ba nước lại để cô chung. Khi cao gần đặc thì phải cô cách thủy hoặc dùng cát nóng và hạ dần nhiệt độ xuống khoảng 40oC. Khi cao đặc, lấy dao cắt, hai mép vết cắt không liền lại là được.

Trong nấu cao, lúc cô cao là mệt và mất thời gian nhất bởi vì cao đặc, quấy rất nặng tay và phải quấy liên tục, nếu không, cao dễ bị khê... Cao ban long loại tốt là kéo được thành tơ ở hai đầu ngón tay. Đây là đặc điểm rất riêng biệt mà không loại cao nào có được. Một nồi cao ban long tiêu chuẩn là cứ một khối lượng gạc hươu thì đi với hai khối lượng gạc nai.

Cao xương khỉ cũng được coi là loại cao có tác dụng bổ can thận, ích cốt tủy, người bị bệnh lao phổi uống cao khỉ rất tốt. Còn muốn nấu cao khỉ toàn tính (nấu cả xương lẫn thịt) thì chế biến thịt rất công phu và phải dùng quế chi, thảo quả, hoa hồi để tẩm ướp.

Cao quy bản tức là cao nấu bằng mai rùa, yếm rùa. Cao quy bản trị sốt rét, tâm hư thận kém, âm suy, mỏi lưng, đau gối...

Về cơ bản thì tất cả các loại cao đều có tác dụng bổ và nếu uống có chừng mực thì “không bổ âm cũng bổ dương”... Tất nhiên, đấy là đối với người khỏe, còn với người có bệnh, nếu uống nhầm cao, không khéo là... đi “ăn chuối cả nải” sớm. Như cao hổ cốt chẳng hạn, người đang bị âm suy, hỏa vượng mà lại dùng cao, có khi loạn đầu óc, phát rồ phát dại.

Cao hổ cốt vì sao lại được coi là vị thuốc đặc biệt quý như vậy? Trong xương con hổ có cái gì?

Theo sách thuốc thì cao hổ có vị mặn, tính ấm. Khi uống, cao dẫn vào kinh Thận và Can và có tác dụng bổ dưỡng gân cốt, trục phong hàn. Cao hổ cốt chủ trị phong thấp tê bại, làm mạnh xương cốt...

Đấy, về cao hổ cốt, sách vở chỉ nói cơ bản có vậy. Nhưng vì có chất gì trong xương mà cao hổ cốt lại tốt với xương cốt như vậy? Tôi nhớ là từ hai chục năm trước, tôi có đọc trên tạp chí Y học có một bài phân tích về giá trị của cao hổ cốt của một giáo sư bác sĩ tại Quân y Viện 103.

Hóa ra là trong xương hổ có một lượng acid amin cao gấp 900 lần các loài xương động vật khác và có tỉ lệ đạm toàn phần rất cao. Với lượng acid amin cao như vậy, cho nên khi uống vào, nó làm cho người ta thấy khỏe khoắn, khoan khoái và hết đau xương, đau cốt. Và khi người ta thấy khỏe mạnh thì cái gì mà chả dám xông pha, kể cả “cái chuyện kia”. Còn nói cao hổ có tác dụng như Viagra thì đó là lời của những gã lang băm và những ông chủ lò cao... rởm.

 Với công nghệ làm giả như hiện nay thì việc biến một bộ xương chó, xương bê, hay xương lợn thành bộ xương hổ là chuyện... thường ngày ở các lò nấu cao hổ “đểu”. Các tay thợ có tay nghề khéo léo như thợ kim hoàn sẽ biến tất cả những loại xương đó thành xương hổ với mức độ chính xác gần như tuyệt đối.

Khi kinh tế đất nước phát triển, với số đông người, cái thời bươn chải, chạy vạy để lo “ăn no mặc lành” qua từ lâu rồi và giờ là lo “ăn ngon mặc đẹp”, thì việc phải chăm lo cho sức khỏe là lẽ đương nhiên.

Vì thế chưa bao giờ xuất hiện lắm loại thuốc bổ, thuốc “tăng cường sinh lực” như hiện nay và dĩ nhiên, trong đó phải kể đến các loại cao, các loại sâm, nhung, các loại mật...

Nhân đây, cũng phải nói thêm tý chút về cái thú uống rượu mật.

Khoảng hơn chục năm trước, rộ lên phong trào nuôi gấu lấy mật và uống rượu mật gấu. Người ta đua nhau uống rượu mật gấu và coi đó là thứ thuốc ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, làm tan mỡ trong gan, trong máu. Rồi khi nốc các loại rượu tây, rượu ta say khướt cò bợ thì lại dùng rượu mật gấu để làm thuốc... giải rượu?

Bây giờ sinh ra lắm trọc phú, mà các vị này thì “thực bất tri kỳ vị” - ăn uống mà chẳng biết thế nào cho hợp, cho đúng. Họ không chỉ nốc rượu mật gấu mà còn uống cả rượu mật chó, mật lợn, mật cá trắm đen, mật ba ba và thậm chí cả... mật vịt. Không ít trường hợp đã phải vào A9 Bệnh viện Bạch Mai vì uống rượu mật đấy.

Mật gấu đúng là quý thật. Nó có tác dụng giảm mỡ trong gan, trong máu, làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư... nhưng đó là khi pha mật với nước nguội và uống có liều có lượng. Còn rượu mật gấu thì tác dụng tốt nhất là để xoa bóp vết thương bị tụ máu, bầm dập... Chả thế mà hồi tôi lên ngã ba biên giới, anh Pờ Xì Tài cho tôi một miếng mật gấu khô. Tôi hỏi làm thế nào để biết mật thật? Anh suy nghĩ hồi lâu rồi bảo: “Lấy sống dao ghè... vào ống chân cho sưng vù lên rồi lấy mật gấu bóp. Nếu sáng mai dậy, vết sưng xẹp đi thì đúng là... mật gấu thật”. Uống rượu mật gấu chỉ làm hại gan mà thôi.

Nắm bắt được tâm lý của nhiều người sính dùng cao hổ cốt, các lò nấu cao rởm mọc lên như nấm ở Hà Nội, Hà Tây, Sơn La, Điện Biên, Bình Phước...

Một “ngón võ” quen thuộc của những ông chủ lò cao “đểu” là cho khách xem bộ xương hổ còn nguyên vẹn và sẵn sàng cung cấp cho bộ xương đó một lý lịch với đầy những tình tiết ly kỳ như trong phim trinh thám. Nào là bộ xương hổ phải đặt mấy năm rồi mới đưa được từ Myanmar về, phải hối lộ cho Hải quan Lào, Hải quan Việt Nam mấy cây vàng mới thoát. Rồi bộ xương này nhờ mấy ông anh làm ở nước ngoài mua hộ?...

Rồi ông chủ sẽ hào hứng chỉ cho khách xem cái xương tay hổ vặn vỏ đỗ như thế nào; lỗ “thông thiên” ở đâu và tất nhiên là cả những vết... đạn xuyên vào xương. Khổ một nỗi, trên đời này, có phải mấy ai biết được tường tận bộ xương hổ nó ra làm sao đâu, cho nên hầu hết là vì tin ông chủ nên cũng tự làm phép thắng lợi tinh thần của AQ để nghiến răng lại mà tự nhủ rằng đó là bộ xương hổ.

Than ôi, với công nghệ làm giả như hiện nay thì việc biến một bộ xương chó, xương bê thành bộ xương hổ là chuyện... thường ngày ở các lò nấu cao hổ “đểu”. Để có một bộ xương hổ “đểu”, thì họ dùng bất cứ loại xương nào, dù đó là chó, là bê hay là... lợn. Các tay thợ có tay nghề khéo léo như thợ kim hoàn sẽ biến tất cả những loại xương đó thành xương hổ với mức độ chính xác gần như tuyệt đối.

Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, xem ra cái trò mua xương nấu cao này không còn an toàn, người ta đặt mua cả con hổ còn nguyên thịt từ Thái Lan, Malaysia, Myanmar... mang về.

Nếu bạn được “tận mục sở thị” thấy một chú hổ đông lạnh nằm sóng xoài trong thùng kẽm với bộ râu còn nguyên vẹn thì liệu bạn còn dám nghi ngờ đấy là hổ giả không? Đúng là có những con hổ thật được bọn săn trộm bắn ở Myanmar, Lào... và bán qua nhiều cầu với sự điều hành của những băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia, nhưng số này rất ít, vô cùng ít, cực kỳ ít. Một chủ lò nấu cao hổ nói với tôi rằng đã 3 năm nay, anh phải giải nghệ vì không thể nào mua được hổ thật, còn nấu cao chó thành cao hổ thì kiếm được tiền đấy, nhưng thấy... “áy náy” với người tiêu dùng lắm?

Anh cũng tiết lộ cho tôi biết về công nghệ biến chó thành hổ của một vài chủ lò cao ở Hà Nội, Hà Tây. Đầu tiên là phải đi mua được con chó mõm ngắn, đầu tròn, có cái mặt ngắn tũn và nhăn nhúm lúc nào cũng như cáu giận. Giống chó này nổi tiếng hung dữ và có vóc to lớn. Loại trung bình là 50-60kg, còn những con to có thể nặng tới gần 100 kg.

Việc “mông má” cho chó thành hổ phải được tiến hành khi nó còn đang sống nguây nguẩy. Đầu tiên là dùng thuốc nhuộm tóc biến nó từ màu đen thành màu vàng cơm cháy. Cho nó đi tắm nước ao vài lần để màu vàng đó bớt “tươi mới” rồi lại vẽ những vằn đen lên. Cái ức hổ và quanh mắt hổ màu trắng thì lại phải tô màu sau cùng. Công việc này đòi hỏi phải khéo tay và có con mắt mỹ thuật, tuy vậy, cũng vẫn là rất đơn giản.

Để một cô gái có mái tóc ngắn tun ngủn bỗng trở nên dài, óng mượt như quảng cáo dầu gội đầu Rejoice còn được và cũng chỉ mất vài ba triệu thì vẽ chó thành hổ có là cái gì? “Công nghệ” biến chó nhôm nhoam thành chó bạch tuyết, kể cả biến ngựa vàng, ngựa nâu thành... bạch mã có từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và đã khối người bị mắc lừa.

Sau khi con chó trở thành... hổ, người ta hóa kiếp cho nó. Rồi người ta bắt đầu chế tạo cho nó bộ răng nanh cọp và gắn vào cái mõm đầy vẻ cục cằn của con chó. Những nếp nhăn trên mặt chó được cắt đi và khâu lại khéo léo nhờ bàn tay của bác sĩ thẩm mỹ. Bàn chân chó thì không thể to như bàn chân hổ, nhưng chỉ vài vết rạch và độn thêm thịt vào trong, con chó đã có bàn chân hổ to gần như miệng bát ăn cơm tất nhiên đầy đủ móng vuốt. Rồi họ mổ con chó, lấy những xương cần thiết ra mài, giũa, uốn... Các ông thợ “kỹ xảo” sẽ mài, giũa cái đầu chó thành đầu hổ, sẽ biến cái răng hàm chó thành răng hàm hổ với lờ mờ hai chữ “tam sơn”...

Còn việc uốn xương sườn và xương chân trước chó cho vặn vỏ đỗ thì lại là chuyện quá đơn giản: dấm chua và nhiệt độ cộng với sự khéo léo, kiên nhẫn là sẽ “mềm hóa” được bất cứ loại xương động vật gì. Sau khi đã biến xương chó thành xương hổ, các “bác sĩ thẩm mỹ” lại đưa từng đoạn xương về vị trí cũ với những đường khâu tuyệt mỹ mà người không am hiểu khó có thể phát hiện được. Tất nhiên là không bao giờ được quên chế tạo những chiếc xương bánh chè “vô giá” của hổ để gắn vào.

Rồi con hổ rởm đó được cho vào thùng kẽm, đổ nước lã vào và đưa làm lạnh ở nhiệt độ âm 10 - 20oC. Những công việc tiếp theo đơn giản hơn nhưng mất thời gian là phải làm sao tổ chức một chuyến... vượt biên cho cho cái xác “hổ" đó rồi nếu cần thiết, chủ lò cao sẽ đưa người mua lên tận cửa khẩu biên giới “đón” về. Nhưng cũng rất hiếm khi có hổ nguyên con mà thường là hổ đã xẻ làm ba, làm tư, hoặc để riêng đầu đi đằng đầu, chân đi đằng chân. Các ông chủ lò cao sẽ rất dẻo mồm và giải thích rằng phải xẻ ra từng mảnh như vậy là để dễ vận chuyển.

Hiện nay, tại Thái Lan cũng đã xuất hiện công nghệ “cải chó thành... hùm” nhằm đáp ứng phong trào nấu cao hổ cốt rởm ở Việt Nam.

Nghiệm thu “con hổ” bằng mắt xong, người ta bắt đầu hạch toán tài chính và cùng nhau đóng góp tiền. Nồi cao hổ trị giá hàng trăm triệu, cho nên chả mấy ai dám nấu một mình nên thường rủ dăm ba người chung nhau. Để giữ chữ tín và tránh mọi sự hiểu nhầm, những thành viên tham gia sẽ cắt cử nhau... canh nồi cao cho đến khi mâm cao được cắt ra thành miếng.

Gần đây, để tăng số lượng cao, người ta không ngần ngại pha thêm rất nhiều xương dê (mà họ bảo là xương sơn dương), xương khỉ, xương mèo, xương chó mua từ các quán “tiểu hổ” ở Thái Bình. Nhưng dù có pha với tỉ lệ 1 hổ với 2 thậm chí 3 dê thì giá thành vẫn còn... cao. Và thế là người ta nghĩ ra cách nấu cao hổ... nhục? - Nghĩa là nấu toàn tính cả xương lẫn thịt. Nấu loại cao hổ... nhục này, tất nhiên nếu có được là hổ thật thì chất lượng cũng chẳng đáng là gì.

Chuyện biến chó, biến con bê thành hổ đã được đồn đại từ lâu nhưng chưa có vụ nào được phơi ra ánh sáng cho nên vẫn rất nhiều người không tin là có thể làm giả được. Cũng có người đã trót bị lừa nhưng không dám nói vì... ngượng.

 

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2