Lượt thăm:240849780   Đang Online: 730

Số lượt xem: 1909
Gửi lúc 09:35' 13/05/2011
"Sướng quan", "nhiều sâu" và ...dọa dân

Quan "hành khất" và quan đi xe xịn, nhiều "con sâu" và nỗi xâu hổ của người lãnh đạo, một ông quan huyện chỉ thích dọa dân...là những lát cắt bi hài của cuộc sống mà chúng tôi xin chia sẻ với bạn đọc

Quan "hành khất" và quan đi xe xịn

Rất ngẫu nhiên, mới đây vào ngày 7 và 10-5, trên báo Sài Gòn Tiếp Thị và Bee.net.vn có 2 thông tin, mà khi đọc người ta bỗng cảm thấy dư vị chua chát của kiếp người.

Đó là tin "Thanh Hoá- thiếu đói từ miền xuôi lên miền ngược": Hiện nay tại 21/27 huyện, thị xã, t/p của tỉnh Thanh, có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực, phải chạy ăn từng bữa. Nhiều hộ phải ăn khoai độn hàng ngày, ăn ngô giống ... Đến mức ông Phó Chủ tịch tỉnh vừa phải "vác rá"- làm công văn số 2592/UBND-DTMN gửi Thủ tướng CP xin hơn 2000 tấn gạo cứu trợ cho dân chúng trong kỳ giáp hạt.

Có điều, nếu trước đây, tin dân thiếu đói khiến cả xã hội lo ngại, thì bây giờ, người ta lại đặt câu hỏi ngược!

Ở một đất nước đã vươn lên đứng thứ 2 xuất khẩu lúa gạo, nhiều tỉnh đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì cái việc lãnh đạo một tỉnh chưa phải tỉnh khó khăn nhất như Đắc Nông, Điện Biên, Lai Châu... vẫn còn làm "hành khất" với trung ương, kể cũng kỳ kỳ. Đến mức, có ý kiến cho rằng nên xem lại, lãnh đạo như vậy thì cũng là "thiếu đói" về năng lực?

Bên canh cái tin quan phải "hành khất" là cái tin "quan sướng": "Quan chức Bộ Tài chính muốn đi xe xịn hơn?". Cái tin ấy, không biết có làm xao xuyến con tim quan chức các Bộ, các ngành không, nhưng chắc chắn nó làm cái bụng đói cồn cào của người dân tỉnh Thanh... réo sùng sục

Theo dự thảo mới này, trung bình các quan chức Bộ TC được cấp thêm từ hơn 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng để mua xe công: Bộ trưởng được cấp thêm 300 triệu đồng (từ 800 triệu đồng lên 1,1 tỷ đồng), tăng 40% so với mức kinh phí hiện quy định. Xe công cho các lãnh đạo, công ty thuộc Bộ này cũng tăng khoảng 25-30%.

Ngay lập tức các chuyên gia kinh tế định lượng- nhưng là sự định lượng về đạo lý:

1) Trong thời điểm lạm phát tăng cao, đời sống nhân dân nhiều nơi rất khó khăn, Chính phủ đang chủ trương cắt giảm đầu tư, chi tiêu công, dự thảo này có hợp lý và có phải đạo?

2) So sánh với mức lạm phát năm 2010 là hơn 10%, thì việc dự thảo tăng kinh phí mua xe mới đây không phải do lạm phát và trượt giá, mà vì các quan chức muốn lên đời xe xịn hơn!

3) Trung bình, mỗi xe tăng 200 triệu đồng, mỗi Bộ ít nhất cũng trăm chiếc. Sau Bộ TC, nếu 20 Bộ, và chính quyền các cấp ở 65 tỉnh, TP cả nước cũng nô nức học tập tấm gương đi xe xịn của các quan chức Bộ TC, thì số tiền phát sinh sẽ là trăm nghìn tỷ đồng.

Và còn thêm một sự không phải đạo nữa: Chưa ai tính được chất xám của các quan chức đi xe xịn đóng góp hiệu quả ra sao vào những chủ trương, chính sách đúng đắn cho dân nhờ. Nhưng người dân thì chỉ nhớ bằng "mắt thấy tai nghe" có những xe công, xe xịn dùng để đưa các phu nhân đi lễ bái cầu lộc cầu tài, cầu chức cầu vinh, đi chúc mừng và đón 1 vị tiến sĩ nào đó vừa đội mũ con chuồn chuồn.

Xe xịn oách và oai đến nỗi cách đây ít lâu, một ông giám đốc doanh nghiệp tư nhân (xe biển trắng) cũng phải tìm mọi cách đi đêm để mua được một cái biển xanh, dọa thiên hạ giữa thanh thiên bạch nhật. Sợ quá!

Người viết bài này phải đặt câu hỏi: Vậy ai là người ở Bộ TC đã có tư duy nhạy bén đến mức chạy trước cả cơn bão lạm phát, để tư vấn cho các quan chức Bộ TC đi xe xịn hơn? Hay dự thảo này sai do lỗi  "cậu đánh máy"? Hay vì Bộ TC nắm túi tiền Nhà nước, nên đồng tiền với Bộ này chỉ là vỏ hến?

Rất tình cờ, trên báo Lao Động, cách đây hơn 1 tháng, có đưa tin nước láng giềng- Trung Quốc, một nước kinh tế khổng lồ, bình quân thu nhập cao hơn hẳn mà mới đây, Chính phủ nước này đã yêu cầu các bộ trưởng và chủ tịch tỉnh nâng thời hạn sử dụng xe công lên 8 năm mới được đề nghị thay mới. So với quy định cũ, niên hạn sử dụng xe công cho quan chức tại Trung Quốc kéo dài thêm 3 năm.

Không hiểu các quan chức Bộ TC nghĩ gì khi đọc tin này?

Và không hiểu người dân chúng ta nghĩ thế nào về năng lực và phẩm cách các quan "hành khất" và quan đi xe xịn bạc tỉ?

"Sâu" và thuốc DDT

Mới đây, 1 bài viết trên ViêtNamNet khiến dư luận cả xã hội xôn xao: "Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy". Xôn xao, vì  đó là câu phát ngôn cực kỳ ấn tượng, và hay nhất của ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 (TP. HCM).

"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này"

Đọc kỹ, người viết bài này đã lặng đi hồi lâu.

Xin cảm ơn ông Trương Tấn Sang đã hiểu, và chia sẻ với nỗi lo lớn của đất nước.

Đương nhiên, có sâu thì phải có thuôc trừ sâu DDT. Nhân dân ngàn đời nay- chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa- vẫn làm như thế.

Nhưng những con sâu- như ông đã trầm ngâm và xấu hổ thốt lên, thì DDT sẽ phải là loại biệt dược gì? Để có thể diệt trừ được, nhất là sâu tham nhũng, loại sâu quốc nạn. Làm đất nước suy vi. Làm nhân dân mất niềm tin. Làm kẻ thù hí hửng. Làm vị thế dân tộc yếu đi trong con mắt quốc tế. Họa của quốc gia chưa đến từ bên ngoài, mà rất có thể nảy nòi từ bên trong, bắt đầu từ loại sâu này.

Đương nhiên không thể khác, thuốc DDT đặc trị- chính là 1 thiết chế quản lý xã hội văn minh, tiên tiến, hợp quy luật và vì lợi ích dân tộc. Nhiều người vẫn hoài nghi về loại thuốc đặc trị đã có chưa, nhưng cũng không ít người nhen nhóm niềm hy vọng, khi ông nhấn mạnh: "Mục tiêu trước mắt là sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo".

Một sự sửa đổi cơ chế, thể chế, hay đổi mới tiếp tục- là nhu cầu tự thân, là tiếng gọi thiết tha của dân tộc, của sự phát triển. Nhưng sự sửa đổi đó, phụ thuộc lớn vào tầm tư duy chiến lựơc, vào cái tâm và bản lĩnh của bộ máy lãnh đạo đất nước. Đổi mới theo phương cách nào là sự chọn lựa tài ba hay không, nhưng cuối cùng hành pháp vẫn phải ra hành pháp, lập pháp phải ra lập pháp, tư pháp phải ra tư pháp. Và thần Công lý không thể bị bịt mắt chỉ vì mải ...đếm tiền.

Lịch sử của mọi quốc gia trên thế giới không có chỗ cho chữ "giá như", mà lịch sử chỉ có chỗ cho chữ "trả giá". Nếu thất bại chỉ dân tộc là thiệt thòi, và nhân dân lãnh đủ. Nếu thành công, dân tộc ấy có cơ phát triển và thăng hoa.

Dân tộc Việt Nam đã trả giá, và chấp nhận trả giá đắt trong quá khứ chiến tranh chống xâm lược, để có một nền độc lập, tự do vô giá. Nhưng trong thời hội nhập, chúng ta phải trả giá đắt bằng biết bao tiền thuế của dân, lại là vị đắng của sự non kém.

Vì lẽ đó, nhân dân đang trông đợi vào sự sửa đổi vĩ đại như ông, thay mặt cho các đồng chí, đồng sự đã cam kết trước các cử tri, cũng là trước nhân dân. Một chữ Đợi, xin đừng để quá lâu, đừng để  như ý tứ ca từ Đợi thiết tha của nhạc sĩ Huy Thục: "Đợi một ngày, đất lạ thành quen. Đợi một đời anh quen thành lạ!". Xin đừng để một đời...

Lòng mẹ và sự "từ mẫu"

Ngày 7-5- 2011, báo Tuổi Trẻ có một bài viết với tiêu đề giản dị: "Mẹ của trẻ bị bỏ rơi". Nhưng câu chuyện lại mang đến cho người đọc những xúc cảm đa chiều. Đó là hai người đàn bà- chị Đặng Thị Hiệp, và chị Nguyễn Thị Lành, đều ở lứa tuổi 50 'tri thiên mệnh". Không rõ vì những ẩn ức nào trong đời riêng, mà hàng chục năm nay, các chị chỉ đắm đuối với số phận của những đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn bị cha mẹ chúng nhẫn tâm vứt bỏ.

Chị Đặng Thị Hiệp nâng niu những đứa trẻ bất hạnh.

Và thế là Tổ ấm Bình Minh (thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) trở thành gia đình mẹ  Hiệp, mẹ Lành cùng hàng chục đứa con sơ sinh đang khát sữa, khát sự âu yếm vỗ về của tình mẹ.

Con số trẻ được 2 mẹ nuôi nấng không hề nhỏ, nếu như biết rằng, mỗi năm có tới 50 đứa trẻ vô tội được nhặt mang về đây. Những giọt sữa ân tình và nhân ái của cuộc đời góp lại nuôi hàng trăm thiên thần, từ mong manh sự sống, đến khi da trắng môi hồng, thông qua Ban bác ái xã hội Giáo phận Huế, và nhờ vào đôi tay, tấm lòng của mẹ Hiệp, mẹ Lành.

Những người như mẹ Hiệp, mẹ Lành không hiếm trong đời này. Một sư thầy Đàm Lan hàng chục năm nay nuôi nấng hàng trăm bé thơ và những đứa trẻ bị ruồng bỏ, không nhà không cửa, cư ngụ dưới mái chùa Bồ Đề (Gia Lâm- Hà Nội). Một người mẹ trẻ Mai Anh gắn bó cả cuộc đời gia đình mình với bé Thiện Nhân, em bé bất hạnh mới sinh bị vứt bỏ, bị thú hoang ăn đứt cả bộ phận sinh dục và một bên chân.

Một ông bố có cái tên như phận làm người của ông- Tống Phước Phúc, hàng chục năm nay, tình nguyện chôn cất các hài nhi không may, rồi nuôi dưỡng, khuyên nhủ những người mẹ trẻ lầm lỡ dũng cảm chấp nhận bổn phận làm mẹ, để nuôi dưỡng các sinh linh của chính mình... Cũng may, vẫn còn có những con người, họ có thể không được làm mẹ, có thể là nhà tu hành, thậm chí có thể là một người đàn ông...Tất cả đều trọn vẹn hai chữ- lòng Mẹ.

Nhưng cũng giá như trong đời này, không có những người bố, người mẹ ích kỷ và vô trách nhiệm, vô cảm đến nhẫn tâm, đến ghẻ lạnh sau những hoan lạc, những mê đắm tối tăm của họ. Thì đời sẽ bớt đi những bất hạnh bé thơ.

Tiếc thay, sự ích kỷ, vô cảm của con người giờ đây, cũng ngang nhiên trú ngụ ngay trong lương tâm của những người có học thức, có trình độ, lại nhân danh trách nhiệm xã hội cao quý- thầy thuốc cứu người. Nó như sự đối chứng xấu hổ với những người mang nặng tấm lòng người mẹ lặng lẽ trong đời nói trên.

Bởi mới đây, ngày 5-5, báo Tuổi Trẻ có bài điều tra mang tiêu đề Bệnh viện vệ tinh thu phí cắt cổ. Tóm tắt: Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động (1A Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM, gọi là Trung tâm 1A), là bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Chợ Rẫy nhận điều trị tiếp những người có bệnh lý tạm ổn định của bệnh viện CR (do quá tài) chuyển sang.

Đương nhiên vệ tinh này phải có bổn phận "thối" lại những lãi lờ thơm tho cho bệnh viện CR: 15% trên tổng số tiền thu được. Số tiền được phân bổ cụ thể: Ban Giám đốc 2,5%, phòng Kế hoạch tổng hợp 2,5%, phòng Tài chính kế toán 2,5%, khoa Chuyển bệnh 7,5%.

Nói cho công bằng, ở thời buổi này, và sự làm ăn ở đâu cũng vậy, ông có rút chân giò, bà mới thò chai rượu. Người thầy thuốc cũng cần phải sống, khi mà đồng lương Nhà nước trả cho họ còn eo hẹp. Thế nhưng ở đây, cái sự thầy thuốc "cắt cổ" bệnh nhân- như tên bài viết- để tự cứu mình, trước khi họ ra tay mổ xẻ cứu người, nó thất đức quá, nhất là ở cái ngành cần chữ đức làm đầu.

Để bù lại cái 15% đã mất, Trung tâm 1A đã làm gì mà đến nỗi có biết bao cảnh "bệnh nhân khóc, bác sĩ cười"?

Đến nỗi nhiều bệnh nhân cho rằng mình đã bị lừa. Và họ chua chát tặng cho vệ tinh này danh hiệu cao quý "Bệnh viện 2 ngày 3 triệu". Cứ nằm 2 ngày, chưa biết bệnh tình ra sao, đã nhận giấy thông báo nộp tiền tạm ứng 3 triệu đồng. Các bệnh nhân dù nặng hay nhẹ,  đều được điều trị gần như giống nhau, cùng được truyền dịch, chích thuốc 2-3 lần/ngày, được phát thêm vài viên thuốc uống,và đều có mức viện phí hơn 1 triệu đồng/ngày.

Cũng không phải chỉ có vệ tinh Trung tâm 1A. Ngay giá thuốc kê cho bệnh nhân- là của bệnh viện CR áp giá cho vệ tinh- cũng rất cao. Một bênh nhân bị chấn thương sọ não nhẹ, vẫn đi lại được, mà được kê đơn tới 800.000-1 triệu đồng/ngày. Không tin nổi, BS Dương Minh Mẫn, Trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện CR, cũng phải thốt lên: Không có lý gì mà kê tới giá đó? Ông bác sĩ quản lý khoa còn hoa mắt với giá thuốc nói chi người bệnh?

Phải rất buồn mà nói rằng, từ lâu cái câu khẩu hiệu "Lương y như từ mẫu" (Thầy thuốc như mẹ hiền) đã được bệnh nhân hiểu một cách mai mỉa rằng: "Từ mẫu" tức là từ bỏ tấm lòng người mẹ (!).

Có ai, người thầy thuốc nào còn nhớ tới Lời thề Hippocrates? Hay người ta chỉ nhớ mỗi câu thành ngữ VN: "Lời thề....cá trê chui ống!"(?)

Vì dân hay dọa dân?

Ngày 4-5, VietNamNet đưa tin ông Phan Thanh Lai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng) bị ông Trần Đăng Khoa, ngụ tại khu phố 3 thị trấn Mađagui của huyện này, làm đơn tố cáo đã dùng súng ngắn uy hiếp gia đình ông.

Cơ sự thế này: Cuối tháng 10/2020 Vợ chồng con trai ông Lai vay của gia đình ông Khoa 470 triệu đồng- một khoản tiền khá lớn. Sau nhiều lần hứa hẹn, cuối cùng họ tuyên bố vỡ nợ không có khả năng chi trả. Vào ngày 8-3-2011, ông Khoa có gọi cho chị Dương Trùng Dương, con dâu ông Lai nói chuyện phải trái: "Nếu vợ chồng em không trả nợ cho anh thì anh sẽ phải bán nhà trả nợ cho ngân hàng, sau đó anh sẽ dọn sang nhà em ở luôn".

Ông Khoa đang diễn tả lại vụ bị ông Lai dọa bắn

Không biết chị Dương, con dâu ông Lai về nhà tiếp tục "trái phải" thế nào cho bố chồng nghe, mà ông Lai nổi giận đùng đùng, cầm luôn khẩu súng ngắn K 59 sang nhà chủ nợ của con dâu lên đạn, chĩa súng thẳng vào vợ chồng ông Khoa: "Hôm nay tao qua đây, ăn thua đủ với vợ chồng mày...". Vợ ông Khoa thấy súng hoảng quá, ngất xỉu. Biết gặp phải "hình sự' rồi, ông Khoa tính đường thoát thân, thì bị ông Lai chặn lại, dí súng vào đầu: "Mày bước vô nhà không, tao bắn vỡ sọ", rồi tiếp tục uy hiếp, chửi rủa "chủ nợ" suốt 10 phút sau đó.

Phải tới khi con trai ông là Phan Thanh Lợi chạy qua mới lôi được ông về, nhưng cựu chủ tịch huyện vẫn còn dọa lần cuối: "Tao thách mày kiện tao"

Đương nhiên, ông Khoa sau phút hoàn hồn, thì thực hiện đúng lời ông cựu chủ tịch huyện nhắn gửi.

Chuyện vỡ lở, bàn dân thiên hạ đều biết. Ông cựu chủ tịch huyện khi đương chức, chả ai biết ông là ai, ngoài mỗi cái huyện ông quản lý. Khi nghỉ hưu, phút chốc lại nổi tiếng toàn xã hội bởi cái hành vi vi phạm pháp luật: Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và đe dọa giết người. Nhưng người dân thì không khỏi bàn tán, vì sao đang là quan hệ "dân sự", bỗng chốc ông cựu chủ tịch huyện lại cứ thích chuyển thành quan hệ "hình sự"?

Nên biết thêm, ông Lai từng giữ các cương vị quan trọng: Chủ tịch UBND huyện Đạ Hoai, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông và trước khi nghỉ hưu năm 2010, ông còn là Bí thư Huyện ủy Cát Tiên. Tức là người phải nắm rất vững về nguyên tắc ứng xử theo quy định pháp luật và đạo đức đảng viên.

Trước đó, ngày 28-4, Tam nhin.net đưa bài: "Hình ảnh súng thần công trước trụ sở UBND huyện nói gì?". Thì ra,  những người dân lần đầu đến trụ sở HĐND - UBND Đức Thọ (Hà Tĩnh) không khỏi ngỡ ngàng và phát sợ khi thấy phía trước tiền sảnh trụ sở là 2 "ông" súng thần công ngạo nghễ vươn nòng. 1 ông chĩa nòng về phía đông bắc, ông kia chĩa nòng phía đông nam.

Người am hiểu bảo, xưa nay súng thần công chỉ trang trí ở viện bảo tàng, hoặc doanh trại quân đội, biểu trưng cho sức mạnh quân sự. Đố thấy ở đâu, súng thần công đặt trước UBND. Hơn nữa, diện mạo chính quyền, nơi hàng ngày phải tiếp dân, lắng nghe dân bao giờ cũng phải thể hiện sự lịch sự, văn hóa, khiến dân cảm giác thân thiện. Đó cũng chính là tư tưởng, là triết lý lãnh đạo của hệ thống chính trị một quốc gia, từ cấp cao đến cơ sở.

Thế mà ở đây, huyện Đức Thọ có phong cách rất khác đời- một mình chơi một kiểu!

Có lẽ cũng biết những lời bàn ra tán vào của dân, nên sau đó ít lâu, ở ngực 2 ông thần công bỗng lủng lẳng tấm biển đề: "Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày thành lập QĐNDVN 20 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân. Chi hội Doanh nghiệp huyện Kính tặng UBND huyện Đức Thọ". Dân Đức Thọ lại một phen bán tín bán nghi: Quà tặng nhân ngày QĐNDVN thì địa chỉ được tặng phải "dính líu" tới súng ống, như Ban Chỉ huy Quân sự huyện mới phải.

Người ta đi hỏi tiếp ông Chi hội Doanh nghiệp huyện, thì ông Đoàn Minh Khoa, Chi hội trưởng Doanh nghiệp huyện (từ 2006 đến 2010), rồi cả một số doanh nghiệp cũng chả ai biết 2 cái khẩu thần công đó ở đâu ra.

Chuyện 2 ông thần công chĩa thẳng ra 2 hướng đằng đằng sát khí, cũng chưa ngã ngũ hệt chuyện ông cựu chủ tịch huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng) dí súng vào đầu dân. Còn dư luận ở Đức Thọ thì vẫn nghi có gì đó không trung thực trong cái món quà tặng đặt không đúng địa chỉ này.

Còn người viết bài này chợt nghĩ tới Cụ Hồ, luôn dạy cán bộ: "Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân", mà chán cho mấy ông quan huyện này quá.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2