Lượt thăm:240848060   Đang Online: 650

Số lượt xem: 4618
Gửi lúc 16:24' 25/05/2012
Sự thực tục giết người cúng ma ở bản người Dao Sơn Đầu

Có rất nhiều lời đồn khủng khiếp về người Dao Sơn Đầu (Dao Quần Chẹt) ở bản Thành Công (Lãng Công, Sông Lô, Vĩnh Phúc). Người dân quanh vùng tin rằng, những người Dao ở bản này có tập tục bỏ độc giết người từ xa xưa để lấy may.


Phần 1 :  Đi tìm sự thực tục giết người cúng ma

Họ thờ con ma kỳ dị trong nhà. Họ phải tìm cách giết người, tước đoạt linh hồn của người khác để cúng con ma. Nếu mỗi năm không giết được ít nhất một người, thì gia đình họ sẽ bị con ma làm hại.

Những lời đồn kinh hoàng này khiến người dân trong vùng không dám bén mảng đến chân núi Chín Ngọn, nơi người Dao cư ngụ.

Để làm rõ sự thực lời đồn khủng khiếp này, PV đã thâm nhập vào bản Thành Công để thu thập thông tin, nhằm minh oan cho người Dao ở bản Thành Công.



Đường vào bản Thành Công. 


“Vào đó mất mạng đấy anh ạ”


Xã Lãng Công nằm ở cuối tỉnh Vĩnh Phúc, bên con sông Lô. Bản Thành Công của người Dao nằm ở lưng chừng núi Chín Ngọn, giáp với huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Tôi đang loay hoay ở chân núi, chờ mãi không thấy người qua lại, để hỏi đường vào nhà anh Đỗ Quốc Đoàn, thì gặp hai cô nữ sinh cấp 3 đi học về. Lý do tôi muốn hỏi nhà anh Đoàn, vì từ lúc ở trung tâm xã, đã nghe người dân đồn đại ầm ĩ về anh Đoàn và những người thân trong gia đình, bị đầu độc đến dở sống dở chết.

Hai cô nữ sinh bảo: “Ông Đoàn bị đầu độc chết rồi anh ơi! Em khuyên anh chân thành là không nên vào trong bản đó. Họ bỏ thuốc rước để giết người đấy anh ạ. Bọn em đi học về, lẽ ra đi xuyên qua bản Thành Công về nhà thì gần hơn, nhưng không dám đi đâu, toàn phải đi vòng đường này thôi. Vào đó mất mạng đấy anh ạ”.



Thầy mo Dương Văn Tài, trưởng bản Thành Công khẳng định tục giết người của người Dao là tin đồn nhảm. 


Ông Dương Văn Tài là trưởng bản Thành Công. Ông là thầy mo, có vốn hiểu biết văn hóa sâu sắc.


Hỏi về tục đầu độc giết người của người Dao trong bản, ông Tài gạt phắt. Ông lấy danh dự của người hiểu biết nhất về người Dao để khẳng định rằng, người Dao không bao giờ có tập tục quái dị, ác độc như thế. Toàn bộ câu chuyện ầm ĩ này chỉ là đồn nhảm cho một số kẻ xấu, lại thiếu hiểu biết tung ra.

Qua lời kể của những người ngoài xã, tôi thấy có hai luồng ý kiến. Một ý kiến cho rằng, tục đầu độc giết người mới có từ 40 năm trước và một ý kiến cho rằng tập tục này đã có từ xa xưa.

Theo đó, trong một năm, mỗi gia đình người Dao Sơn Đầu phải tìm ít nhất một kẻ thù để đầu độc kẻ thù đó. Không đầu độc được kẻ thù, thì phải giết bất kỳ ai.

Nếu trong một năm mà gia đình đó không đầu độc được ai thì chính gia đình, dòng họ của người này sẽ gặp bất hạnh, như mùa màng thất bát, trâu bò chết, gà lợn chết, mắc nhiều bệnh tật kỳ lạ, thậm chí là chết chóc, mất nòi giống.



Một góc bản Thành Công nhìn từ trên sườn núi xuống. 


Nếu đầu độc được nhiều người thì kinh tế gia đình sẽ ngày một khấm khá và gặp nhiều may mắn. Thậm chí, theo lời đồn, những người Dao Sơn Đầu càng giết được người có địa vị, tiền tài, thì gia đình họ càng thịnh vượng.


Tôi đã từng đến một số vùng đồng bào và cũng từng nghe nhiều lời đồn đại về tục bỏ độc, thuốc rước, nhưng tất cả chỉ là đồn đại, thêu dệt, truyền miệng, là những ký ức xa xưa, không ầm ĩ lắm. Nhưng, ở bản Thành Công này, câu chuyện đầu độc giết người lại là vấn đề hết sức nóng bỏng.

Những lời đồn thiếu căn cứ lại có sức mạnh khiến cư dân một vùng rộng lớn thuộc huyện Sông Lô sợ người Mán Sơn Đầu như sợ ma-cà-rồng, như sợ những con quỷ giết người. Chính vì thế, người dân quanh vùng cách ly hoàn toàn, không gặp gỡ, không quan hệ, không buôn bán với những người trong bản.

Thầy thuốc chết thảm

Đại gia đình anh Vũ Quốc Đoàn ở trên một mỏm đồi dưới chân núi Chín Ngọn, sát với khu quần cư của người Dao. Tiếp tôi là ông Đỗ Văn Tiện, bố đẻ anh Đoàn. Quê gốc ông ở xã Đôn Nhân, cách Lãng Công chừng 20km. Ông lấy vợ, rồi di cư lên vùng này từ gần 60 năm trước.

Tôi hỏi: “Ông nghi ngờ ai bỏ độc những người trong gia đình mình?”. Ông Tiện bảo: “Không phải nghi ngờ, mà hoàn toàn là sự thực. Hai đứa con tôi bị đầu độc, đứa đã chết, đứa vẫn sống dặt dẹo đến bây giờ. Chỉ có điều, tôi không có chứng cứ để buộc tội, nên đành phải chịu”.



Ông Tiện khẳng định hai người con trai của ông bị đầu độc. 


Ông Tiện cũng nói tên người đã đầu độc hai người con trai của ông, cùng hàng loạt chó, gà, lợn, trâu, khiến kinh tế đại gia đình nhà ông kiệt quệ. Tuy nhiên, ông đề nghị không đưa tên người đó lên báo, vì ông không có căn cứ nào khẳng định, lại sợ bị trả thù!


Ông bảo: “Họ giết người chỉ bằng hạt bụi thì lấy đâu ra chứng cứ hả cháu. Nhà ông và nhà họ không có thù oán gì nhau, mà họ còn bỏ độc giết hại, vậy giờ mà tố cáo họ, họ để bụng, thì chết cả nhà là cái chắc”.

Tôi đang trò chuyện với ông Tiện, thì chị Hằng, con gái ông đi làm về. Nhắc đến chuyện bỏ độc, chị vừa lộ vẻ sợ hãi, vừa bức xúc. Anh Đoàn là anh trai, ở ngay trên chị Hằng. Bản thân anh Đoàn là lang y có tiếng tăm trong vùng.

Theo lời chị Hằng, vào dịp cuối năm 2005, trên đường đi lấy thuốc về, anh Đoàn ghé nhà người hàng xóm, ở quả đồi bên cạnh. Không ai trong vùng dám đến gia đình này, vì họ tin rằng, tất cả những người trong gia đình này đều biết bỏ thuốc giết người, nhưng anh Đoàn không sợ, vì anh chơi rất thân với gia đình họ.



Người nơi khác không dám vào vùng đất người Dao quần cư. 


Khi đó, trong nhà có 2 vị khách là những người buôn thuốc ở dưới xuôi lên. Chủ nhà rót nước mời khách. Anh Đoàn rít xong điếu thuốc lào thì uống chén nước mà chủ nhà rót ra mời khách.


Nửa tháng sau, anh có triệu chứng bị trúng độc. Ban đầu, ruột gan nóng bỏng, ho quặn ruột, rồi nôn ra máu. Thậm chí, máu còn chảy ròng ròng ra đường mũi. Nửa bàn tay và nửa bàn chân chuyển sang màu thâm sì.

Tin rằng anh Đoàn trúng “thuốc rước” của người Dao, chị Hằng và vợ anh Đoàn đã lặn lội lên tận bản Vàng Nông (Hoàng Nông, Đại Từ, Thái Nguyên) của người Nhắng để lấy thuốc giải độc. Ở bản này, có một số gia đình có bài thuốc giải độc bí truyền, nhưng mọi người tin tưởng nhất bài thuốc của bà lang Bình.

Theo chị Hằng, cả làng Thành Công đều lấy thuốc ở bản Vàng Nông mỗi khi bị trúng độc. Sau vụ anh Đoàn nghi trúng độc, thì nhà nào cũng mua thuốc này về dự trữ trong nhà, để có thể sử dụng bất cứ lúc nào khi nghi ngờ bị bỏ độc.



Chị Hằng và thuốc giải độc tích trữ trong nhà. 


Nói rồi, chị Hằng mở tủ, lấy ra một gói thuốc nhỏ xíu, được chừng vốc tay và một chai thủy tinh có dòng chữ: Thuốc ngâm rượu giải độc.


Uống 10 thang thuốc, anh Đoàn thấy người nhẹ nhõm hẳn. Màu thâm tím ở nửa bàn tay và nửa bàn chân dần biến mất.

Thế nhưng, vào đầu tháng 12-2007, anh Đoàn phát bệnh nặng khi xơi món thịt trâu. Hôm đó, sau lễ hội chọi trâu Hải Lựu, anh và những người đồng ngũ đã mua mấy kg thịt trâu chọi để chế biến món nhậu.

Dù biết rằng, theo kinh nghiệm truyền miệng, những người trúng độc như anh không được ăn thịt trâu, thịt chó, các món chua, cay, nhưng bạn bè mời quá, nên anh cũng gắp đại mấy miếng. Ăn xong, anh lại phát bệnh như trúng độc, ho ra máu.

Mọi người cấp tốc đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chiếu chụp và kết luận anh Đoàn đã bị ung thư gan. Kết quả chiếu chụp cho thấy gan anh bị phù, nổi mụn, u cục. Anh Đoàn chết trong đau đớn vào ngày 12-12-2007.

Sự việc anh Đoàn chết vì ung thư gan đã rõ, nhưng người nhà và người dân trong vùng lại cứ tin rằng anh bị bỏ độc. Họ đồn rằng, do anh bị trúng độc, chất độc phát tác, phá hủy nội tạng, phá hủy gan, nên anh mới bị ung thư gan!


Phần 2 :
  Sống dặt dẹo với mối nghi trúng độc kinh hoàng

Cảm giác như ruột bị đứt, gan bị vỡ, dạ dày bị thủng, hàng ngàn mũi kim đâm vào lục phủ ngũ tạng. Những cơn ho ngày một nhiều, văng ra cả đống máu tươi.


Theo chị Đỗ Thị Hằng, em gái anh Đoàn (bản Thành Công, Lãng Công, Sông Lô, Vĩnh Phúc), sau khi anh Đoàn từ giã cõi đời vào cuối năm 2007, thì đến lượt cậu em út, em trai kế cận chị Hằng có biểu hiện bị trúng độc vào giữa năm 2008. Anh là Đỗ Văn Khanh, 47 tuổi, em trai chị Hằng.

Thấy khách, anh Khanh lồm cồm bò dậy bảo: “Hôm nay thời tiết thay đổi, mệt quá, nên nằm từ sáng đến giờ. Từ ngày bị trúng độc, cơ thể như cái máy dự báo thời tiết ấy, mệt mỏi lắm”. Rồi anh Khanh kể về cái ngày mà anh nghi ngờ đã bị bỏ độc.



Hai nữ sinh này đi học về phải đi vòng bìa bản Thành Công, chứ không dám đi xuyên qua bản, vì sợ bị bỏ độc. 


Năm 2008, anh nuôi nhiều ong rừng lắm. Nhưng hôm đó, vào tháng 5, không hiểu sao bọn ong bỏ lồng bay đi hết. Thấy ong lũ lượt bay đi, anh đuổi theo dồn chúng về tổ.

Đuổi được đoạn, mệt quá, qua nhà một người Dao Sơn Đầu nghỉ ngơi, uống mấy chén nước.

Mặc dù gia đình này bị dân làng coi như ma cà rồng, nghi họ chuyên bỏ độc giết người để cúng ma, song anh Khanh không tin lắm. Với lại, anh nghĩ, anh và họ là hàng xóm, thân cận nhau như thế, ai lại nỡ giết nhau, nên anh không kiêng dè gì cả.

Sở dĩ người Mán ở bản Thành Công được gọi là Mán Sơn Đầu, vì họ có tục cạo đầu rồi quét sơn cho tóc không mọc được. Sơn chiết xuất từ một loại nhựa cây. Tuy nhiên, tục cạo đầu giờ chỉ còn ở những người già. Đám nam thanh nữ tú không cạo đầu nữa. Chỉ trong những dịp hội hè truyền thống, thì họ dùng sáp ong nghiền kỹ với mật, bôi lên tóc để thực hiện lễ nghi mà thôi.

Nhưng khoảng nửa tháng sau, anh Khanh rơi vào triệu chứng của người bị trúng độc. Ban đầu, anh thấy tức ngực, ho quặn ruột gan, rồi nóng như có lửa đốt trong người. Cảm giác như ruột bị đứt, gan bị vỡ, dạ dày bị thủng, hàng ngàn mũi kim đâm vào lục phủ ngũ tạng. Những cơn ho ngày một nhiều, văng ra cả đống máu tươi.

Tin rằng anh Khanh bị trúng độc, chị Hằng lại lần nữa lên bản Vàng Nông (Thái Nguyên), mua 10 thang thuốc giải độc của người Nhắng để điều trị cho em trai.



Mặc dù bị bệnh tim, song anh Khanh vẫn tin mình bị người Dao bỏ độc. 


Anh Khanh kể: “Thuốc giải độc của người Nhắng chả khác gì thần dược chú ạ. Anh uống bát thuốc vào, thấy người mát mẻ, tỉnh táo hẳn, hết đau đớn ngay. Uống hết 10 gói thì đỡ hẳn. Tuy nhiên, cơ thể anh giờ không được như trước đâu, yếu lắm. Mỗi tháng anh vẫn phải uống vài gói thuốc của người Nhắng”.

Từ ngày thoát khỏi tử thần, anh Khanh thực hiện ăn uống kiêng khem rất nghiêm ngặt. Anh không dám ăn những thứ chua hoặc cay. Những món như thịt gà, tiết canh, thịt trâu, thịt chó, hoa quả chua… không bao giờ anh dám đụng đũa. Anh bảo rằng, cái chết của anh Đoàn, anh trai anh, do không kiêng khem được, đã khiến anh tỉnh ngộ hẳn.

Anh Khanh tin rằng, trong 15 năm tới, nếu anh vô tình ăn phải một chút chua, cay hoặc những món cấm, thì bệnh sẽ lại phát tác ngay lập tức và có thể cướp đi mạng sống của anh bất kỳ lúc nào.



Thuốc giải độc mà người dân bản Thành Công tích trữ trong nhà, phòng khi bị trúng độc. 


Quả thực, trông anh Khanh thấy rất thiếu sức sống. Cơ thể gầy còm, hom hem, nói hụt hơi. Nhìn đôi môi thâm sì, da mặt xạm đen, tôi hỏi bác sĩ kết luận bị bệnh gì, anh mới thú nhận là bị cả tim và phổi. Đường tiêu hóa của anh cũng rất kém, ăn uống không thấy ngon miệng.

Mặc dù, tình trạng bệnh tật của anh Khanh đã rõ ràng, các bác sĩ dùng máy móc soi thấy hẳn hoi, thế nhưng, anh và gia đình lại cứ tin là bị người Dao Sơn Đầu, những người hàng xóm của anh bỏ độc hại cả nhà anh.

Ngoài anh Khanh, bị bệnh tật điêu đứng vì nghi trúng độc, thì ở làng Thành Công còn có một số người cũng đang chịu cảnh ốm yếu, bệnh tật khốn khổ như anh. Những người mắc bệnh này cũng cứ tin là bị đầu độc, nên họ uống thuốc giải độc thường xuyên và ăn kiêng nhiều năm nay. Họ là những người đang sống trong sợ hãi, vì luôn mang nỗi lo âu bị “tử thần” bắt đi bất cứ lúc nào.

Như chị Lê Thị Thà, vợ anh Thử, ở ngay đầu làng Thành Công. Theo đồn đại, chị Thà đi ăn cùng hội phụ nữ, ngồi cùng bàn với mấy người Dao. Ăn xong, nửa tháng sau chị rơi vào triệu chứng bị trúng độc. Ban đầu là sốt, nóng, tức ngực, rồi ho ra máu. Gia đình đã cấp tốc lấy thuốc giải độc ở Thái Nguyên cho chị uống. Hai năm nay, chị Thà vẫn phải uống loại thuốc này và ăn uống kiêng khem ghê lắm. Chị không dám đi ăn cỗ ở bất cứ đâu nữa.



Một góc bản Thành Công. 


Rồi chị Hoa, hàng xóm của anh Khanh, cũng bị đồn đại ầm ĩ là trúng độc vào năm ngoái. Theo lời đồn thì chị Hoa có mâu thuẫn với một gia đình người Dao Sơn Đầu và đã dẫn đến cãi cọ.

Hôm đó, chị Hoa đi làm về, khát nước quá, thấy có cốc nước để ở bàn, liền uống ngay. Cũng giống với những người khác, sau nửa tháng, thì chị phát bệnh, nôn thốc ra máu tươi. Chị đổ riệt cho người hàng xóm đã mò sang nhà chị rồi bỏ độc vào cốc nước. Giờ chị Hoa cũng phải uống thuốc của bà lang Bình người Nhắng.

Lang thang tìm hiểu, gặp gỡ những người bị bỏ độc, tôi được mọi người kể nhiều về anh Hà Xuân Đàm, người được coi là đã trở về từ địa ngục.

Nhà anh Đàm cách cổng làng Thành Công độ 300 mét. Nhớ lại công cuộc chữa bệnh, mà anh vẫn còn ớn lạnh. Chuyện đã xảy ra 5 năm trước. Anh Đàm có nghề buôn gà. Anh thường vào sâu trong các bản làng, thu mua gà vườn cung cấp cho các nhà hàng, đám cưới hỏi, ma chay.

Theo anh Đàm, anh không chắc chắn ai đã đầu độc anh, nhưng lần đi mua gà ở bản Thành Công, anh có uống nước ở hai gia đình người Dao Sơn Đầu, đều là những gia đình mà ai cũng khiếp sợ, không dám đến nhà họ.

Khoảng 10 ngày sau, thì một căn bệnh lạ xuất hiện. Ban đầu là mất thăng bằng rồi sốt cao, chảy máu miệng, máu mũi. Mọi người xúm vào đưa anh đi bệnh viện Xuân Hòa cấp cứu. Bệnh viện Xuân Hòa đã chuyển anh sang Bệnh viện Việt Trì. Bệnh viện Việt Trì không tìm được nguyên nhân gây bệnh nên anh được chuyển xuống Bệnh viện E dưới Hà Nội.



Anh Đàm với đống giấy tờ của bệnh viện mà anh giữ làm kỷ niệm. 


Theo lời anh, các bác sĩ Bệnh viện E xác định anh ăn phải độc tố và độc tố đó có tác dụng phá hủy niêm mạc ruột. Tuy nhiên, đó là độc tố gì thì bệnh viện không xác định được.

Sau khi đường ruột bị phá hủy thì phổi, thận, dạ dày cũng chịu chung số phận. Anh Đàm đã nằm Bệnh viện E suốt mấy tháng trời, làm đủ các phương pháp như cấy lông ruột, chữa loét rốn phổi, trợt hang vị, phù ruột... tiêu tốn tổng cộng 50 triệu đồng mà bệnh vẫn không khỏi.

Anh lại sang Khoa chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Theo lời anh Đàm, các bác sĩ cũng xác định anh bị trúng độc và tích cực điều trị. Điều trị xong, thì uống đủ các loại thuốc, toàn là thuốc nước ngoài, đắt tiền.

Anh còn phải uống cả men tiêu hóa sống do Bệnh viện Bạch Mai sản xuất để phục hồi niêm mạc ruột. Riêng trong một năm điều trị ở Hà Nội, tốn kém 70 triệu đồng, bằng một ngôi nhà thời bấy giờ. Vàng bạc bán sạch, vay nợ khắp nơi mà bệnh tình không khỏi, người xanh rớt như tàu lá, chán nản, anh đòi về nhà.

Người dân trong bản Thành Công khuyên anh đi lấy thuốc của người Nhắng ở Thái Nguyên. Có bệnh thì vái tứ phương, nên anh cũng thử mua thuốc về dùng.

Mấy năm nay, do uống thuốc của người Nhắng đầy đủ, lại thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, nên anh đã hồi phục đáng kể, cơ thể béo tốt như xưa. Chỉ có điều, đường tiêu hóa của anh rất kém, ăn thứ gì khác lạ, là lập tức đau bụng, tiêu chảy.






Các kết quả khám chữa không kết luận anh Đàm bị trúng độc. 


Ngày tin đồn anh Đàm bị trúng độc lan ra, cả xã Lãng Công xôn xao, ầm ĩ. Rất nhiều người đã lên xã đề nghị chính quyền, công an vào cuộc điều tra, tìm hiểu, bắt những người Dao Sơn Đầu ở bản Thành Công phải chịu tránh nhiệm.

Thậm chí, ông Lê Hiền Canh, Chủ tịch xã Lãng Công khi đó, đã tổ chức nhiều buổi họp, đề nghị phương án đặt các hòm thư tố giác, nhằm vận động quần chúng phát hiện kẻ đầu độc giết người. Những người dân xung quanh đều rất bức xúc, song lại sợ hãi người Dao ở bản Thành Công như sợ ma cà rồng. Không ai dám bước chân vào chân núi Chín Ngọn nữa.

Kể xong câu chuyện chữa bệnh trường kỳ của mình, anh Đàm mở tủ, lấy ra một xấp sổ khám bệnh, phim chụp, siêu âm, hóa đơn thuốc cho tôi xem. Anh bảo, anh giữ những thứ này lại vừa để làm kỷ niệm, vừa là giữ lại chứng cứ một vụ đầu độc bí ẩn mà đến nay anh vẫn không thể hiểu nổi.

Tôi đề nghị được xem một số kết quả siêu âm, chiếu chụp thì thấy nhiều kết quả khác nhau, chứ không thấy bác sĩ kết luận bị trúng độc. Có kết quả khám bệnh ghi tim, gan, phổi thận, dạ dày, tá tràng, đường ruột của anh Đàm hoàn toàn bình thường, chỉ có một số nốt đỏ ở hang vị. Bác sĩ kết luận anh bị viêm hang vị.

Ở một phiếu soi đại tràng khác, bác sĩ kết luận bình thường. Trong một giấy ra viện của Bệnh viện E, bác sĩ chẩn đoán “trợt hang vị và hội chứng ruột kích thích”.

Như vậy, khoa học đã chứng minh rõ ràng, anh Đàm bị bệnh đường ruột, chứ không liên quan gì đến chuyện trúng độc, bị bỏ độc như lời anh kể, anh tin và như lời đồn của dân quanh vùng.



Phần 3 : 
Nghĩa địa chôn những người chết bí ẩn


Để “tố cáo” một hủ tục khủng khiếp mang màu sắc nửa thực nửa hư (có lẽ do tự tưởng tượng ra) anh Đỗ Văn Khanh dẫn tôi cắt rừng đến nghĩa địa chôn rất nhiều người chết với những triệu chứng: sốt cao, nóng ran người, máu chảy ra đường mũi, văng ra đường miệng khi ho… rồi chết với khuôn mặt xám ngoét.



Con đường đến nghĩa địa qua khu dân cư của người Dao Sơn Đầu, với những mái nhà lợp cọ rêu mốc, những rừng cọ đẹp nên thơ, thế nhưng, anh Khanh dẫn tôi đi vòng lối khác. Từ ngày ốm yếu nghi ngờ do bị trúng độc, anh không bao giờ dám bén mảng đến khu vực người Dao quần cư nữa.

Ngoài ra, anh sợ rằng, sự có mặt của phóng viên, nếu bị ai phát giác, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của gia đình anh. Theo anh, dù bị trúng độc rồi, sống chết chẳng biết thế nào, nhưng còn vợ, còn hai đứa con nhỏ!

Khu nghĩa địa của làng Thành Công thật lạ lùng, chẳng có quy hoạch gì cả. Những nấm mồ lùm lùm, rải rác trên sườn núi, dưới những gốc cây. Nếu không tinh mắt, thì không thể phát hiện được đâu là mộ, đâu là nấm đất bình thường.



Anh Khanh thắp hương trên mộ anh trai Đỗ Quốc Đoàn. 


Nhiều nấm mộ bị dây gai, ngái, sim mọc trùm kín, không còn nhìn rõ nữa. Người Dao có tập tục chôn cất rất đơn giản. Khi chết, họ cúng bái mấy tiếng, rồi khênh người chết đi chôn. Chôn một lần là xong, không cải táng gì cả, cũng không tảo mộ, thắp hương gì nữa. Lâu ngày, nấm mộ bị mưa gió mài mòn, biến mất khỏi nghĩa địa.

Đi hết nghĩa địa, thì chỉ thấy duy nhất một ngôi mộ xây, ốp gạch men, có bia hẳn hoi, dù khá khiêm tốn. Đó chính là mộ anh Đỗ Quốc Đoàn, anh trai của anh Khanh, là thầy thuốc và cũng là người chết vì ung thư gan, nhưng lại bị đồn ầm ĩ là trúng “thuốc rước”. Bia đá ghi: Phần mộ Đỗ Quốc Đoàn, năm sinh 17-10-1958, tạ thế 12-1-2007.

Thắp nhang cho anh Đoàn xong, anh Khanh vạch rừng tiến về phía Đông sườn núi Chín Ngọn. Anh dừng chân bên một nấm đất hoang lạnh, tôi nhìn mãi mới biết rằng đây là một nấm mồ. Không có bát hương, không bia đá, chỉ có mấy cọng hương vương vãi chứng tỏ đó là mộ. Có lẽ, lâu lắm rồi, không có người nhang khói, chăm sóc cho phần mộ.

Mang khuôn mặt buồn buồn, rầu rĩ, anh Khanh ngồi xuống phần mộ vu vơ nhổ mấy cọng cỏ. Anh bảo, người nằm dưới nấm mồ này, chính là mối tình đầu, là người vợ đầu tiên và cũng là nỗi đau lớn nhất của anh. Chị là Lê Thị Lượng, 40 tuổi, người ở làng Thành Công.

Anh Khanh và chị yêu nhau từ ngày tóc còn để chỏm, cùng chăn trâu, cắt cỏ dưới chân núi Chín Ngọn. Thế nhưng, lấy nhau mấy năm, mà không có được mụn con. Ngày trước, phong tục ở làng ngặt nghèo lắm. Đàn bà không đẻ được, thì phải chịu kiếp lẻ bóng. Chị là người quyết định rời xa anh, để anh có cơ hội lấy vợ khác, còn sinh con đẻ cái.



Ngôi mộ hoang tàn của chị Lê Thị Lượng. 


Dù đau đớn lắm, nhưng anh chẳng biết phải làm thế nào. Anh đã lấy người phụ nữ khác làm vợ. Giờ anh đã có được 2 đứa con, một đang học lớp 12, một mới lên lớp 5. Điều khiến anh dằn vặt đến bây giờ, là chuyện chị Lượng không có con, không phải lỗi ở chị, mà do anh và chị kém duyên. Khi rời xa anh rồi, chị vướng vào cuộc tình tội lỗi với người đàn ông đã có vợ. Kết quả là chị có một đứa con. Chị ở vậy nuôi con khôn lớn.

Thế nhưng, năm ngoái, cả làng đồn đại ầm ĩ chị bị trúng độc. Chuyện chị đã từng sang nhà một người Dao uống nước là có thật, nhưng không hiểu trùng khớp thế nào mà sau đó một thời gian chị mắc bệnh trọng.

Theo đồn đại thì chị bị các triệu chứng giống như tất cả những người bị trúng thứ độc dược do người dân nơi đây tưởng tượng ra: nóng, sốt, đau bụng, ho ra máu, tím tái chân tay… Nhà chỉ có hai mẹ con, không được cấp cứu kịp thời, nên chỉ mấy ngày sau, chị Lê Thị Lượng từ giã cõi đời.

Không ai biết nguyên nhân thực sự cái chết của chị, nhưng cả làng Thành Công cứ đồn đoán ầm ĩ, thậm chí khẳng định vô cớ rằng chị đã bị người Dao Sơn Đầu hạ độc, linh hồn chị đã biến thành vật tế cho con ma kỳ quái mà người Dao đang thờ. Chị Lượng cũng được dân làng coi là nạn nhân mới nhất của truyền thuyết “thuốc rước” đang gây chấn động dư luận ở vùng đất này.

Rời mộ người vợ cũ của mình, anh Khanh tiếp tục dẫn tôi cắt thung lũng, lên sườn bên kia của một mỏm đồi. Nơi đó, theo anh Khanh, chôn rất nhiều người chết vì bị đầu độc.



Khu mộ của những người nghi bị bỏ độc giờ cỏ mọc kín mít.  


Khu mộ của những người chết vì nghi trúng độc giờ cỏ rả mọc kín, dây leo chằng chịt. Những cây xấu hổ tốt um, gai tua tủa, khiến việc đi lại trong khu vực cũng khó khăn. Nhiều năm nay, khu mả này đã bị lãng quên hoàn toàn, không có ai hương khói cả. Anh Khanh vạch bụi cây chỉ cho tôi ngôi mộ của ông Dương Văn Thanh, chết khi tròn 50 tuổi.

Trong số hàng loạt người chết mà người dân trong vùng đổ riệt cho lý do bị bỏ độc, thì ở khu mả này có một số người là Dao Sơn Đầu. Mặc dù là người Dao, nhưng ông Dương Văn Thanh lại làm nhà ở phía đầu làng, rồi sinh sống hòa trộn với người Kinh mới đến lập nghiệp.

Ông Thanh không biết gì về những bài “thuốc rước”, cũng không hiểu gì về tục bỏ độc, ông cũng không tin có chuyện đó. Nhưng cái chết khủng khiếp của ông, khiến ai cũng tin rằng, ông đã bị chết bởi một loại độc dược kỳ quái.

Theo gia đình ông Thanh, hôm đó, ông đến nhà một người bạn, ở xóm của người Dao chơi. Bữa đó, gia đình này tổ chức uống rượu, nên đã mời ông tham gia. Ông uống rượu vui vẻ và không có ý đề phòng gì cả.

Sau buổi uống rượu đó, ông không thấy có vấn đề gì khác lạ xảy đến với cơ thể mình. Nhưng đúng một tuần sau, đang ăn cơm ở nhà, cắn miếng ớt, vừa nuốt xong, đột nhiên ông lăn đùng ra chiếu, giãy giụa trong đau đớn rồi chết ngay bên mâm cơm, trước mặt vợ con (?!).

Ông chết trong tư thế co ro, tay ôm bụng, mắt trợn ngược, máu miệng, máu mũi trào ra đỏ lòm. Người dân trong vùng đổ xô đến xem. Nhìn máu miệng, máu mũi trào ra, tay chân tím tái, thế là người dân loan tin ông Thanh bị trúng độc. Nhưng ông trúng độc thế nào, ai bỏ độc ông, thì mọi người đều bó tay, không thể tìm được chứng cứ. Ông Thanh chết đi, bỏ lại vợ và 4 người con.



Mộ một người nghi bị bỏ độc


Đem chuyện cái chết của ông Thanh kể với ông Dương Văn Tài, trưởng bản Thành Công, thì ông Tài cũng công nhận là ông Thanh chết đột tử, nhưng cái chết của ông Thanh là do tai biến, chứ không phải bị bỏ độc. Cái chết của ông Thanh rõ ràng do tai biến, nhưng vì ông Thanh sống ở bản Thành Công, nên người ta cứ đổ cho loại thuốc tưởng tượng, đó là “thuốc rước”.

Cạnh mộ ông Dương Văn Thanh, là nấm mồ của chị Phùng Thị Hoa, cũng là người Dao Sơn Đầu. Nấm mồ đã bị mưa gió bào mòn 7 năm nay, không có bát hương, cũng chẳng có cọng hương nào cả.

Chị Hoa là con ông Thanh, bà Xè. Trong trí nhớ của anh Khanh, thì Hoa là cô gái rất xinh xắn, ngoan ngoãn. Hoa có đôi mắt to, nước da trắng, có nhiều ong bướm vây quanh, song Hoa vẫn chưa chọn được ý trung nhân nào. Hoa muốn học hành rồi làm cô giáo, chứ không muốn lấy chồng sớm, rồi cày cuốc ở xó núi này.

Thế nhưng, theo lời anh Khanh, năm tròn 17 tuổi, Hoa rơi vào triệu chứng bị trúng độc y như ông Thanh, là hàng xóm của gia đình Hoa. Ông Thanh bà Xè, cũng đều là những người hiểu biết về thuốc, thế nhưng, ông bà đã không cứu được cô con gái của mình.

Trước khi nhắm mắt, Hoa cũng để lại mối nghi ngờ bị hàng xóm đầu độc, vì cách đó một tháng, Hoa uống nước ở nhà đó. Nhưng Hoa đã về chín suối, để lại những tin đồn còn gây hoang mang, sợ hãi đến tận hôm nay.

Sau này, tìm hiểu kỹ lưỡng từ những người thân của Hoa, thì thực ra Hoa bị bệnh kiết lỵ. Do người nhà không đưa Hoa đi bệnh viện mà lại dựa vào cúng bái để đuổi ma nên mới chết thảm. Ấy thế nhưng, người thân của Hoa vẫn tin rằng, hoa bị kiết lỵ là do bị… trúng độc.



Người Dao Sơn đầu sống ở lưng chừng núi Chín Ngọn. 


Tin rằng bị trúng độc, bị bỏ bùa, bỏ ma, nên họ mới tổ chức cúng bái, chứ không đưa con cái đi bệnh viện. Cái chết thảm của Hoa có một phần lỗi của gia đình, nhưng người ta lại cứ đồn ầm lên, rồi đổ cho cái tập tục kỳ quái kia.

Cách ngôi mộ bị dây leo lấp kín của Phùng Thị Hoa một đoạn, là nấm mồ của ông Hinh, người được dân làng cho là nạn nhân đầu tiên của “thuốc rước”.

Ông Hinh chết cách nay đã hơn 20 năm và lúc ông chết tròn 60 tuổi. Khi ông Hinh chết, anh Khanh vẫn còn trẻ. Anh Khanh kể rằng, chính anh cũng chứng kiến cái chết của ông, vì nhà ông cách nhà anh chỉ chừng 500 mét.

Anh Khanh vẫn nhớ rõ hình ảnh máu me chảy ra từ miệng, mũi của ông Hinh và đặc biệt là hai bàn tay, hai bàn chân tím như quả quân (một loại quả màu tím ngắt, có nhiều ở núi Chín Ngọn). Sau cái chết “trúng độc” của ông Hinh, lời đồn khiếp quá, nên bà Hinh cũng tin chồng bị bỏ độc.

Bà Hinh rất tức giận những người hàng xóm, vì theo bà, họ chính là thủ phạm cướp đi mạng sống của chồng bà. Bà Hinh là người thường xuyên đi rêu rao khắp xóm, kể lể chuyện chồng bà bị hàng xóm hạ độc. Bà chỉ tên đích danh người hàng xóm đó.



Anh Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Văn hóa xã Lãng Công khẳng định không có chuyện người Dao bỏ độc giết người. 


Thế rồi, đầu năm 2011, bà Hinh đột nhiên mắc bệnh nằm liệt. Nghe đồn, bà cũng chết trong đau đớn, với dòng máu tươi chảy ra từ khóe miệng.

Rồi ngay cạnh mộ ông Hinh, là mộ ông Lý, mộ ông Hợp, mộ ông Xã Lịch, mộ anh Huynh, mộ anh Nhàn… Anh Khanh chỉ cho tôi cả chục ngôi mộ, mà anh khẳng định rằng liên quan đến những cái chết bí ẩn, cùng một triệu chứng trúng độc kỳ quái.

Theo anh Khanh, sở dĩ, những năm trước, số người chết vì trúng độc xảy ra liên tục là vì khi đó người dân trong vùng chưa biết đến bài thuốc của người Nhắng ở Thái Nguyên. Giờ đây, bất kỳ gia đình nào ở bản Thành Công, cũng đều dự trữ thuốc giải độc của người Nhắng ở trong nhà, nên các vụ bệnh tật nghi là do bỏ độc vẫn xảy ra, nhưng ít người bị mất mạng.

Lời anh Khanh khẳng định như vậy, nhưng tôi nhận thấy thiếu căn cứ. Tôi tin rằng, càng ngày, đời sống người dân trong vùng càng nâng cao, họ ít dựa vào cúng bái khi mắc bệnh, mà năng đến bệnh viện hơn, nên không bị chết một cách đáng tiếc.

Anh Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Văn hóa xã Lãng Công: “Bản Thành Công có tổng cộng 135 hộ với 644 khẩu là người Mán Sơn Đầu. Các hộ Mán cư trú ở trong núi Chín Ngọn, cách trung tâm xã 4km. Từ lâu đã nghe dư luận bàn tán xôn xao chuyện bỏ độc giết người, gọi là “thuốc rước” và thực tế là nhiều người sợ hãi, không dám vào trong bản này. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định 100% là không có hủ tục bỏ độc. Bao nhiêu năm nay, tôi vẫn vào đó uống rượu, ăn cơm với đồng bào mà chẳng sao cả. Thành Công cũng là làng đầu tiên của xã được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Nếu trong bản có hủ tục đầu độc giết người thì làm sao có chuyện được công nhận làng văn hóa. Tôi nghĩ rằng, chuyện này xuất phát từ những tin đồn nhảm, rồi mọi người thêu dệt, biến nó thành quái đản, gây khiếp sợ”.

Phần 4 : Giải mã lời đồn giết người cúng ma ở núi Chín Ngọn


Bỏ qua những lời đe dọa sẽ bị bỏ độc, sẽ mất mạng, tôi lang thang dọc con suối Sải vào sâu trong bản Thành Công, nơi người Dao Sơn Đầu sinh sống.

Trong số những gia đình Dao ở bản Thành Công (Lãng Công, Sông Lô, Vĩnh Phúc), bị đồn đại bỏ độc giết người khủng khiếp nhất là 3 gia đình, gồm gia đình ông Trúc – bà Thành, gia đình anh Nga – chị Sơn, gia đình ông Ninh – bà Mai.


Cuốc bộ xuyên qua đồi cọ và rừng bạch đàn lao xao, thì nếp nhà lợp cọ hiện ra trên đỉnh đồi. Bà Thành cao lênh khênh, gầy còm, đang lúi húi cắt tóc cho mẹ chồng. Những cụ già ở bản vẫn còn giữ tập tục cắt tóc trọc lốc, chỉ để lại một cái chỏm.



Bà Thành cắt tóc cho mẹ chồng. 


Thấy tôi, bà ngừng tay kéo, tỏ vẻ lạ lẫm. Có lẽ lâu lắm rồi chẳng có người lạ dám bén mảng đến nhà bà.

Hỏi về chuyện dân làng đồn thổi ầm ĩ, rằng ông bà là truyền nhân bài thuốc bỏ độc, đã giết vô số mạng người, ông Chúc, bà Thành buồn bã thở dài.

Ông Chúc từng là lính của Sư đoàn 371. Mẹ ông, bà Triệu Thị Sinh sinh được hai người con, gồm ông và ông Mai. Lúc bà Sinh mang bầu ông Mai, thì chồng mất vì bạo bệnh. Bà Triệu Thị Sinh đi bước nữa với ông Long, là người cùng bản.



Dù được cấp chứng nhận gia đình văn hóa, song gia đình ông Chúc vẫn chịu tiếng oan bỏ độc giết người. 


Hồi ông Chúc ở chiến trường, mẹ ông hay mắc bệnh lặt vặt. Một lần, có người về nhà gọi ông Long ra suối gánh dây khoai giúp con dâu. Vì hôm đó mưa lũ, nước suối lớn, bà Thành không qua suối được, nên nhờ người gọi cha dượng của chồng giúp đỡ. Ông Long đã ra suối, giúp con dâu kéo dây khoai lên bờ, rồi chia nhau mỗi người một nửa gánh về.

Trông thấy cảnh bố chồng giúp đỡ con dâu, bà Sinh đã nổi đóa cho rằng nàng dâu và bố chồng tằng tịu với nhau.

Một lần, cãi nhau với mẹ chồng, bà Thành uất ức đã bỏ về quê ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Mấy hôm sau, anh trai bà Thành dẫn em gái xuống, nói phải trái với bà Sinh.



Từ chuyện mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu giữa bà Sinh và bà Thành, đã tạo ra một lời đồn khủng khiếp.  


Thế nhưng, bà Sinh không biết lỗi, mà đi rêu rao khắp xóm rằng, con dâu về Tuyên Quang học bài “thuốc rước” để đầu độc bà, tìm cách giết bà để chiếm đoạt chồng bà.

Bà khẳng định với mọi người là đã bị trúng độc, nên mới ốm o khật khừ như thế. Bà còn đồn thổi rằng, con dâu đã dạy bài thuốc bỏ độc cho bố chồng, rồi hai người cùng tìm cách giết bà. Lời đồn ngày một lan rộng, rồi đến tai cả làng, từ đó người ta coi bà Thành và ông Long là truyền nhân của hủ tục bỏ thuốc hại người.

Ngày đó, ông Long có bốc thuốc cho hai đứa trẻ trong làng, song do bệnh thận quá nặng nên không cứu được. Đặc biệt, khi cô gái Phùng Thị Hoa, 17 tuổi, con ông Thanh, bà Xè bị chết (vì kiết lỵ) thì người dân trong bản tẩy chay cả gia đình ông.



Ban thờ Bà Trắng, Bà Đen, bị đồn là thờ ma xó. 


Khổ nhất là con cái của ông Chúc, bà Thành, cũng bị mang tiếng là truyền nhân của “thuốc rước”. Trong số 6 người con, thì chỉ có người con cả lấy được vợ cùng làng, còn lại đều bỏ đi tứ xứ làm ăn, lấy vợ, lấy chồng ở tỉnh xa.

Hồi người con cả Dương Khắc Hiếu đòi lấy vợ, cả gia đình náo loạn, đau đớn. Gia đình nhà người yêu kiên quyết ngăn cản, vì sợ mang tiếng. Hiếu đau lòng quá, nên thắt cổ trên đồi Sủng Cò. May mà mọi người phát hiện, kịp thời đưa đi bệnh viện cứu sống.

Kể xong câu chuyện buồn thảm, nỗi oan thấu trời, ông Chúc dẫn tôi vào gian buồng và chỉ bàn thờ ở lưng chừng tường nhà. Ông bảo, đây là bàn thờ Bà Trắng, Bà Đen, là hai nhân vật mà bất kỳ gia đình người Dao Sơn Đầu nào cũng thờ. Ấy thế nhưng, những gia đình xung quanh, dân cư nơi khác lại nghĩ rằng, bàn thờ này thờ ma xó, và người Dao tìm cách bỏ thuốc giết người để cúng linh hồn cho ma xó!

Rời ngôi nhà buồn thảm của ông Dương Văn Chúc trên mỏm đồi Sủng Cò, tôi lần xuống chân đồi tìm đến nhà anh Dương Văn Nga và chị Dương Thị Sơn.

Nhà ông Chúc nằm biệt lập trên một quả đồi rộng lớn, còn nhà anh Nga thì bên thung lũng mênh mông, không có bóng mái nhà nào.



Anh Nga, chị Sơn. 


Anh Nga dáng người gầy gò, mang khuôn mặt khắc khổ. Anh là người Kinh, quê ở xã Nhân Đạo, lên đây xây dựng kinh tế từ những năm 80, rồi lấy vợ, sinh con. Vợ anh, chị Sơn, là người Dao Sơn Đầu. Theo tập tục của người Dao, anh phải đổi họ Nguyễn thành họ Dương, theo họ vợ.

Nghĩ đến chuyện bị cả làng, cả bản, cả xã, thậm chí cả vùng này tẩy chay, chẳng biết thanh minh thế nào, anh Nga bức xúc: “Giá như họ dùng dao đâm cho tôi một nhát thì còn đỡ khổ hơn là tạo ra những lời đồn oan nghiệt này. Nếu sấm sét đánh chết kẻ có tội thì tôi sẵn sàng kêu trời cho sấm sét đánh chết”.

Rồi anh giải thích rằng, ở bản này, người ta còn lạc hậu, có bệnh không đi bệnh viện mà lại cúng bái rồi uống mấy thứ thuốc Nam không có tác dụng nên chuyện tử vong không rõ nguyên nhân thường xuyên xảy ra. Nhưng khổ nỗi, cứ sau mỗi cái chết, người ta lại đổ cho cái phong tục kỳ quái gì đó mà đến anh cũng không hề biết mặt mũi nó ra sao.

Chị Sơn, vợ anh Nga nước mắt ngắn dài: “Ngày trước chị béo tốt, khỏe mạnh lắm, lúc nào cũng trên 50kg. Nhưng từ khi tin đồn vợ chồng chị nuôi ma xó, rồi rải thuốc độc giết người hàng loạt, thì chị mất ăn mất ngủ, khóc suốt mười mấy năm nay. Dù uống bao nhiêu thuốc thang, ăn bao nhiêu thịt cá, cũng không béo lên được nữa, chỉ có 37kg. Thịt xương tan hết thành nước mắt rồi chú ạ!”.



Chị Sơn đã khóc mười mấy năm nay. 


Chị bảo, tin đồn rơi xuống gia đình chị chả khác gì sét đánh vu vơ trúng mái nhà. Số là nhà chị ở dưới thung lũng, chân đồi Sủng Cò, mà trên mỏm quả đồi kia là đại gia đình ông Chúc ở.

Gia đình ông Chúc thì bị đồn đại từ mấy chục năm nay rồi. Sở dĩ, gia đình chị bị liên lụy, là do bố đẻ chị, tức ông Dương Văn Minh, chơi thân với ông Dương Văn Long, chồng bà Sinh, bố dượng của ông Chúc.

Cả quả đồi có hai ông già, nên chơi thân với nhau, thi thoảng qua lại uống rượu. Chỉ có vậy thôi, mà cả bản đồn ầm lên rằng, đúng Mùng 1 Tết, ông Minh đã mang rượu và gà sang nhà ông Long để ông Long truyền cho cách chế bài thuốc kịch độc, không màu, không mùi, không vị. Ông Minh tiếp tục truyền lại cho con rể là anh Nga.

Khi dân làng đang đồn đại ầm ĩ, thì xảy ra chuyện anh Hà Xuân Đàm vào nhà ông Chúc, sau đó qua nhà anh Nga mua gà. Khi đến nhà, chủ phải rót nước mời, đấy là phép lịch sự tối thiểu. Chả hiểu sao, vài ngày sau thì anh này đi bệnh viện.

Bản thân anh Đàm lúc đầu cũng không nghi ngờ gì, nhưng cả xóm, cả bản cứ xúm vào hỏi: “Mày có uống nước nhà thằng Nga không? Nếu mày uống nước ở nhà nó thì chết là cái chắc rồi”. Rồi người ta thi nhau gán ghép hàng loạt cái chết với sự kiện “ông Minh học thuốc rước” từ ông Long. Những lời lẽ ấy cứ từng ngày ngấm vào đầu anh Đàm, khiến anh tin là thật, rồi cũng đổ oan cho vợ chồng anh Nga.

Rời bản Thành Công trong bóng chiều chạng vạng, nơi có những cô gái rất đẹp, lém lỉnh, nơi có cảnh vật thiên nhiên kỳ thú và cũng là vùng đất còn nhiều bí hiểm, tôi mang theo tâm trạng nặng nề.

Thật không thể tin nổi, sức mạnh của tin đồn lại ghê gớm đến thế. Tin đồn tạo ra cả những truyền thuyết, những huyền thoại. Mấy gia đình, với mấy chục con người, rồi thậm chí cả bản của người Dao Sơn Đầu đang phải mang nỗi oan khuất quá lớn.

"Từ nhiều năm trước, một số cán bộ an ninh điều tra của tỉnh,

huyệnđã phối hợp với công an xã nằm vùng điều tra, nhưng không tìm được chứng cứ bỏ độc nào cả. Người dân trong bản vẫn khẳng định là có tục này, nhưng điều tra thì không tìm được nguyên nhân, không tìm được chứng cứ, vì chuyện bỏ độc là không có thực. Để loại bỏ tin đồn, cán bộ xã đã trực tiếp động viên những gia đình có người bệnh đi bệnh viện, tìm ra bệnh tật, chứ không tổ chức cúng bái, rồi tung tin đồn nhảm bị đầu độc".

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Lãng Công



Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2