Lượt thăm:240625270   Đang Online: 660

Số lượt xem: 6062
Gửi lúc 16:37' 23/02/2012
Những vụ Vượt ngục chấn động ở VN
 
Phần 1 :  Vượt ngục chấn động ở VN:"Lặn" xuống hố phân hơn 10 giờ để trốn tù


Để vượt ngục, những kẻ trốn trại sẵn sàng chịu khổ còn hơn cả “nếm mật nằm gai”. Có kẻ chui xuống hầm cầu nhà vệ sinh ngâm mình trong thùng phân chỉ nhô mỗi cái lỗ mũi lên để thở và che bằng một miếng giấy.

LTS: Trong quá trình cải tạo và lao động tại nhiều trại giam như Nà Tấu (Điện Biên), Hồng Ca (Yên Bái), Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), Quyết Tiến (Tuyên Quang), Yên Hạ (Sơn La)…vẫn có nhiều trường hợp trốn khỏi nơi giam giữ một cách ngoạn mục. Hầu hết các trường hợp này đều bị bắt lại và cái giá phải trả cho sự liều lĩnh này không nhỏ.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị kì công và sự ranh mãnh trong hành trình trốn khỏi nhà giam của những tên tội phạm này có thể khiến nhiều người phải “ngả mũ thán phục”. 

Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải những câu chuyện trốn tù ngoạn mục nhất mà các phạm nhân đã thực hiện, như bài học làm gương cho những kẻ vẫn còn đang nung nấu ý định thoát khỏi án tù sớm mà không chịu cải tạo. 


Hiện nay, trên khắp miền Bắc, có tới hơn chục trại giam lớn nhỏ thuộc quản lý của Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, thuộc Bộ Công an). Một thời, Tổng cục có ký hiệu là V26 này quản lý hàng chục ngàn phạm nhân phạm tội phải chấp hành án tù tại các trại giam trên khắp cả nước 

Có những trường hợp nung nấu ý định trốn trại hàng năm trời mới thực hiện, có trường hợp cán bộ lơ là canh gác hoặc mất cảnh giác là chúng lập tức bỏ trốn. 

Có rất nhiều lý do khiến những phạm nhân này tiếp tục phạm lỗi, phạm nhân sợ phải sống trong tù, có người lại nhớ vợ con quá không chịu được, có phạm nhân nghĩ vợ mình không chung thủy nên vượt ngục ra ngoài kiểm tra. 

Không ít trường hợp chúng trốn trại để ra ngoài thanh toán “kẻ phản bội” và cũng không ít trường hợp trốn ra ngoài để tâm sự với người tình rồi lại quay về quy án.

Quá trình chuẩn bị cho một cuộc trốn trại của một số phạm nhân rất công phu. Chúng lên kế hoạch chi tiết, theo dõi lịch đổi ca trực của cán bộ canh gác, phân công đồng phạm âm thầm chuẩn bị tiền để có chi tiêu cho việc chạy trốn…

Dụng cụ để vượt ngục có thể chỉ là một chiếc chìa khóa đã cũ, chăn màn mà chính phạm nhân dùng hàng ngày để vượt qua hàng rào điện…

Một phạm nhân còn rất trẻ tuổi nhưng đã có lần trốn trại thành công tâm sự: “Nhớ lại lần trốn trại ấy, em vẫn run nhưng vì đã trót vượt qua một cánh cửa rồi nên lại có quyết tâm ra ngoài hơn. 

Đó là một ngày không trăng sáng, bởi có trăng rất dễ có bóng người và dễ bị phát hiện, tốt nhất đó là ngày cuối hoặc đầu tháng khi màn đêm đen kịt chỉ một màu. Không thao tác thực tập, không tập dượt, tất cả quá trình vượt ngục của bọn em ở trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc ngày ấy đều chỉ thực hiện trong vòng một tuần và trốn ra ngay trong đêm đầu tiên thực hiện”.

Trong dịp lên công tác tại trại giam Tân Lập (Phú Thọ), chúng tôi được các quản giáo ở đây kể lại câu chuyện trốn tù của 11 phạm nhân vào năm 1997 trong một đêm mưa gió như một kỉ niệm khó quên tại đây.

Khám hiện trường thấy một đám tường thoạt trông tưởng vẫn còn nguyên vẹn nhưng khi quan sát kỹ mới phát hiện thấy có một mảng ve tường có vẻ hơi dầy lên. Sờ tay vào mới tá hỏa hóa ra chỉ là một mảnh giấy được trát ve màu vàng y hệt như màu tường và được dán một cách rất khéo léo.



Để trốn tù, có kẻ đã ngâm mình trong hố phân nhiều giờ


Lật tiếp đám giấy thì lộ ra một mảng tường to đủ một người chui lọt với những viên gạch vẫn được xếp ngay ngắn chỉ có điều chẳng còn tí vữa nào.Mãi mấy tháng sau khi bắt được hết đám tù trốn trại này, các đối tượng khai, đào được mảng tường ấy chỉ nhờ có mỗi một dụng cụ cực kỳ thô sơ là... chiếc đinh 5 cm. 

Sau khi mang được đinh vào phòng giam, đám tù này hàng đêm thay nhau đào cho hết lớp vữa trát. Sau rồi cứ theo mạch vữa quanh viên gạch mà cạy cho tới khi từng viên gạch chẳng còn tí vữa nào thì lấy tay kéo ra.

Suốt mấy tháng trời để che mắt quản giáo, các phạm nhân lấy tờ giấy đã bôi đất cho có màu giống màu tường che bên ngoài nên bình thường không ai phát hiện ra.

Một cán bộ của Tổng cục VIII (Bộ Công an) cho biết, âm mưu trốn tù, trốn trại thì nhiều, nếu không nói là ngày nào cũng có nhưng số vụ việc thành công rất ít. 

Khoảng 10 năm trở lại đây, trên toàn bộ mấy chục trại giam lớn nhỏ do Tổng cục quản lý, mỗi năm chỉ có không đầy 30 vụ với trên dưới 30 đối tượng thực hiện được việc bỏ trốn. 

Cũng theo thống kê của Tổng cục VIII, riêng năm 2008, cả nước có 22 vụ, 25 đối tượng trốn tù. Chỉ có 5 đối tượng hiện đang bị truy nã, còn 20 đối tượng khác thì đã bị bắt lại và nhận thêm hình phạt mới (Tội Trốn khỏi nơi giam giữ, Điều 311, Bộ luật hình sự). 

Theo thống kê này, một điều khiến không ít cán bộ quản lý và chính các chiến sĩ cảnh sát trại giam ngạc nhiên là những đối tượng tù cao, án nặng lại ít khi tìm cách bỏ trốn. 

Thông thường, chuyện trốn tù thường rơi vào trường hợp những đối tượng có hoàn cảnh éo le hoặc vì họ có những nhận thức lệch lạc, từ đó dẫn đến hành vi manh động. Các đối tượng này thường có mức án nhẹ như tội trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, buôn bán ma túy với số lượng nhỏ…

Trốn tù có thể xem là khởi đầu cho một đoạn bi kịch mới của chính người tù và cho cả xã hội. Với người tù, cơ hội tìm lại phần lương thiện ít ỏi và sự thanh thản đã bị cắt ngắn thêm. 

Nếu chưa bị tóm trở lại, trong điều kiện trốn chui trốn nhủi, để tồn tại, gần như chắc chắn kẻ đào tẩu sẽ phải sa chân vào hành vi phạm tội mới.

Áp lực tâm lý và điều kiện sống sẽ khiến việc phạm tội càng. Món nợ với luật pháp ngày càng nặng, sự tồn tại của kẻ đào tẩu sẽ bị nhấn chìm trong tuyệt vọng. 

Vì thế, truy bắt bằng được kẻ trốn tù, ngoài việc thể hiện sự công bằng, nghiêm minh trong kỷ cương, luật pháp, với các cán bộ ngành Trại giam, đó còn là việc cố níu lại cơ hội hoàn lương ít ỏi cho kẻ đã phạm tội, đồng thời giảm thiểu cho xã hội một mối nguy lơ lửng.

Kể ra những vụ trốn tù nổi tiếng, có thể kể đến như vụ Nguyễn Văn Thân (tức Thân rau muống) và Nguyễn Hải Nam (tức Nam cu chính) trốn khỏi trại giam Hỏa Lò (Trại tạm giam số 1 – Công an TP. Hà Nội) cách đây đã lâu. 

Phải rất vất vả toàn bộ lực lượng trinh sát trại tạm giam Hỏa Lò mới có thể bắt lại được hai tên này. Nhưng quá trình hai tên Nam và Thân trốn khỏi đây có thể nói ly kỳ không kém gì phim hành động. 

Ở miền Nam, “khám lớn” Chí Hòa được coi là một trong những trại giam cẩn mật nhất cả nước, nhiều phạm nhân khi biết mình bị giam ở đây đều “toát mồ hôi” chứ đừng nói đến có ý định trốn trại. 

Vậy mà, tên Phước“tám ngón”, một trong những đệ tử thân tín của Năm Cam trước đây lại làm nên một điều thần kỳ nhưng chấn động dư luận ngày ấy là “trốn tù” từ trại Chí Hòa. 

Vụ trốn tù này cũng được coi là kinh điển không kém gì vụ Thân rau muống nhưng so về độ bền bỉ và vất vả thì Phước “tám ngón” hơn hẳn.

Để vượt ngục, những kẻ trốn trại sẵn sàng chịu khổ còn hơn cả “nếm mật nằm gai”. 

Có kẻ chui xuống hầm cầu nhà vệ sinh ngâm mình nhiều giờ trong thùng phân chỉ nhô mỗi cái lỗ mũi lên để thở và che bằng một miếng giấy. 

Có kẻ khi đi lao động giả vờ xin quản giáo cho lên đồi đi vệ sinh thế rồi chọn nơi nào có bụi cây ngồi xuống. Quản giáo đứng dưới nhìn lên vẫn thấy cái mũ đung đưa tưởng phạm vẫn đang làm “giải quyết nhu cầu tế nhị”. Sau rồi, đợi mãi vẫn chưa thấy xong, đành leo lên tận nơi xem thì mũ còn đậu trên ngọn cây nhưng người thì đã biến mất. 

Có kẻ đổ nước muối ủ vào chấn song cửa cho mục ra rồi dùng dây vải xé ra từ quần áo tù mà cò cưa hết ngày này qua tháng khác.

Lại có kẻ khi đi trồng chuối nghĩ ra trò quái đản để trốn trại là đào hố vừa người nằm rồi nằm xuống và nhờ bạn tù lấp đất lên sau đó phủ một lớp rác lên “đống đất” nằm chờ lúc thuận lợi sẽ ‘bùng”.

Bất cứ khi có cơ hội, phạm nhân có ý định trốn tù sẽ lập tức hành động và tìm cách thoát ra ngoài.

Không thể kể lại hết được các câu chuyện trốn tù của nhiều trại giam trên khắp cả nước, trong các kỳ sau, Chúng tôi sẽ chuyển tải tới bạn đọc một số vụ trốn tù ngoạn mục ở phía Bắc (trong khuôn khổ nguồn tư liệu sẵn có) để bạn đọc có thể hiểu hơn về sự thật đằng sau những cuộc trốn tù đó. Các phạm nhân chuẩn bị như thế nào, chúng tính toán ra sao và cái giá phải trả sau mỗi lần vượt ngục…


Phần 2 :  Cuộc trốn tù ngoạn mục và tình lụy của tên cướp đẹp hút hồn


Có một tiền án về tội sử dụng vũ khí trái phép, phạm nhân Đàm Tuấn Nguyên đã hai lần vượt ngục. Trong ngày tháng lang thang tìm nơi trú ngụ khi trốn tù, tên cướp có khuôn mặt điển trai đến giật mình đã nhận ra chân lý sống khi được một cô gái thề non hẹn.


Trại giam Hồng Ca (Yên Bái) là một trong những trại giam lớn của Tổng cục VIII, Bộ Công an. Án ngữ tại xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, Yên Bái với bề dày truyền thống, trong bảng thành tích của của trại giam đang giam giữ khoảng 1700 phạm nhân này có một điểm nhấn rất đặc biệt, đó là chưa hề có một phạm nhân nào trốn trại mà chưa bị bắt lại. Nhưng trong lịch sử của trại giam này, có hai vụ trốn tù nổi tiếng mà các quản giáo không thể quên là vụ vượt ngục của Đàm Tuấn Nguyên và Sồng A Páo. Hai vụ việc này đều gây ra những khó khăn lớn cho lực lượng truy bắt, nhất là lực lượng trinh sát trại giam.

Đầu tiên, phải kể đến cuộc trốn thoát của tên cướp đẹp trai Đàm Tuấn Nguyên. Hai lần trốn trại nhưng ước mơ thoát khỏi ngục tù, sớm về ổn định cuộc sống của y lại được ươm mầm từ tình yêu với cô gái thành  phố sương mù.

Hai lần trốn trại

Trại giam Hồng Ca nằm lọt thỏm giữa những quả đồi chè lớn, đây là một trong địa hình không hề dễ dàng với những phạm nhân có ý định trốn tù ra ngoài. Bố trí tới gần chục chốt canh gác nhiều vòng với nhiều chiến sĩ trinh sát dày dạn kinh nghiệm, nhưng với những phạm nhân có ý định trốn tù thì dù có khó khăn thế nào đi nữa, chúng vẫn không từ bỏ.



Đối tượng Đàm Tuấn Nguyên


Điều này gặp ở phạm nhân Đàm Tuấn Nguyên (sinh ngày 21/1/1987, quê Lào Cai) có một tiền án về tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Trong hồ sơ về phạm nhân này, chúng tôi thấy bất ngờ bởi Nguyên là một thanh niên có khuôn mặt điển trai và “hút hồn” các cô gái trẻ. Mới 20 tuổi, Nguyên đã mang một án tích khiến nhiều người phải kiêng nể. 

Vào cuối năm 2006, khi Nguyên mới 19 tuổi, không tu chí học hành, Nguyên tụ tập cùng nhiều đàn anh bất hảo và sớm sa vào vòng tội lỗi. Không có tiền tiêu xài, Nguyên cùng đàn anh Đàm Tuấn Đoàn mua một khẩu súng và lập kế hoạch đi kiếm tiền bằng cách cướp của.

Vụ việc bị lực lượng chức năng phát giác ngay sau khi Nguyên cướp tài sản của một người đi đường. Cả hai bị bắt khi Nguyên vừa bước sang tuổi mới. 

Đầu năm 2007, Nguyên bị Tòa án nhân dân Lào Cai kết án 2 năm tù. Đi trả án, Nguyên được di lý về trại giam Hồng Ca. Cải tạo được một thời gian, phạm nhân hơn hai mươi tuổi này ấp ủ trốn trại vì…không thể nào ở trong tù. Lần đầu tiên, bị phát giác khi có ý định trốn tù, Nguyên bị quản thúc riêng và chịu mức án phạt thêm.

Không nản lòng, khi hết thời gian quản thúc, Nguyên tỏ ra ăn năn, hối lỗi thậm chí, Nguyên còn viết cam đoan sẽ chấp hành tốt mọi quy chế của trại giam cho đến ngày hoàn thành mức án phạt. 

Còn cách ngày về không xa, Nguyên trốn trại lần thứ hai và lần này y thành công.

Ngày 31/12/2009, lợi dụng việc ra ngoài nấu ăn cho các phạm nhân khác trong trại, Nguyên lẻn theo đường bếp nuôi và nhân lúc cán bộ mở cổng trại nhập rau, Nguyên liền trốn ra ngoài. 

Nguyên chạy thục mạng qua hai quả đồi, vượt qua ba trạm trinh sát bằng cách trườn, bò, nấp. Trước đó, phạm nhân này đã nhờ người thân chuyển vào cho mình một ít tiền. Do đó, khi ra đến đường quốc lộ, Nguyên bắt xe khách và biến mất khi màn đêm đang dần buông xuống nơi trại giam Hồng Ca.

Cuộc truy tìm không mệt mỏi

9 tối, các phạm nhân được phép nhập trại trở lại sau một ngày công vụ thì các quản giáo bất ngờ phát hiện thiếu Đàm Tuấn Nguyên. Kiểm tra bếp ăn và hàng loạt các vị trí, họ biết rằng, phạm nhân này đã bỏ trốn.



Đại úy Thành, một trong những trinh sát  của trại giam Hồng Ca đã cùng đồng đội  bắt Nguyên về quy án.


Khoảng thời gian bỏ trốn rất có thể là trước 7h tối khi cổng trại mở để nhập rau cho bếp ăn. Tiếng chuông báo động lập tức vang lên, xé toang màn đêm vốn tĩnh mịch nơi đây. Cùng lúc đó, công tác rà soát các phạm nhân trong trại để kiểm tra đồng phạm của Nguyên có hay không cũng lập tức được triển khai.

Tổ trinh sát của trại giam dưới sự chỉ đạo của Ban giám thị trại cũng họp bàn kế hoạch vây bắt bằng được Nguyên. Các điểm chốt được túc trực tăng cường rà soát, kiểm tra nhưng chưa có tin tức gì. Một mũi trinh sát phán đoán khả năng đối tượng đi tàu khách về Lào Cai. Rất có thể, Nguyên về nhà để lấy vật dụng cần thiết và gặp người thân. Đại úy Vũ Hợp Thành (Đội phó Đội trinh sát trại giam Hồng Ca), một trinh sát giàu kinh nghiệm được cấp trên tin tưởng và một chiến sĩ trinh sát khác cùng hai cảnh sát bảo vệ nhận lệnh lên đường. Bốn người bắt ô tô rồi đón chuyến tàu trưa lên ngay thành phố Lào Cai đón đầu Nguyên quay về nhà. Nhưng Nguyên đã không về Lào Cai. Sau khi kiểm tra hết các địa bàn cùng lực lượng địa phương không có kết quả, Đại úy Thành báo cáo về đơn vị và thông báo cho chính quyền sở tại có biện pháp kịp thời ngay khi Nguyên xuất hiện.

Bằng mọi cách phải thu thập được thông tin của tướng cướp trốn tù này, Đại úy Thành cùng đồng nghiệp không nản chí mà tiếp tục công việc tại Lào Cai. Từ các cán bộ nằm vùng, ga tàu, bến thuyền và cả những bãi vàng, bất kỳ nơi nào Nguyên có thể tá túc đều được các trinh sát “hỏi thăm” nhưng bóng tên tội phạm vượt ngục vẫn lặn tăm. Trong khi đó, các mũi trinh sát khác tiếp tục tìm kiếm thông tin về Nguyên từ thành phố Yên Bái và khu vực lân cận nhưng tuyệt nhiên không có một chút manh mối. Không lẽ Nguyên có thể bốc hơi hay còn lẩn trốn trong rừng chưa ra? Bóng chim tăm cá, tìm Nguyên ở đâu khi thời gian cứ dần trôi qua đã được gần 1 tháng?

Đại úy Thành và đồng đội phán đoán: Một là Nguyên đã trốn được sang Trung Quốc; Hai là đi đến một số mối quan hệ thân cận vì cần tiếp tế. Phương án hai có khả năng xảy ra vì Nguyên có mẹ ở Thành phố Hồ Chí Minh (mẹ Nguyên đã ly dị với bố). 

Đại úy Thành kể lại: “Sau 10 ngày chưa có tin tức của Nguyên, tôi quay về họp toàn anh em và chấn chỉnh các phương án truy bắt. Rồi tôi xin đi lên Lào Cai. Ngày thì bám các cơ sở nhà dân, đêm xuống mình lại lân la tới các đối tượng giang hồ để tìm kiếm tin tức về Nguyên. Suốt một tháng ròng, lại gần giáp Tết mà thông tin về gã phạm nhân vẫn hết sức mù mịt”. 

Tổ trinh sát thứ sáu của trại giam Hồng Ca đã lên đường đến TP.HCM theo phương án hai để truy tìm Nguyên. Gần một tháng, toàn bộ lực lượng trinh sát, cảnh vệ và Ban giám thị trại giam Hồng Ca không thể nào chợp mắt được vì chưa có tin tức của Nguyên chứ đừng nói có thể bắt lại y.

Thậm chí, mải mê tìm tung tích tên tội phạm, đến khi bắt được Nguyên, y còn không thể nhận ra các đồng chí trinh sát tại nơi giam giữ y. Bởi, hơn một tháng bám địa bàn khắp miền Bắc, miền Trung rồi miền Nam, tóc và râu của các chiến sĩ đã mọc dài.

Lần tìm từ tấm chứng minh thư cũ 

Đầu tháng 2/2010, qua một nguồn tin tuyệt mật từ cơ sở, Đại úy Thành đã xác định được vị trí của Nguyên tại Đà Lạt. 
Một thông tin khác cũng đến hết sức kịp thời để khẳng định Nguyên đang ở thành phố sương mù là vào khoảng giữa tháng 1/2010, một người dân kê khai việc mất chứng minh thư của mình tại Công an Thái Nguyên. Anh này khai bị mất tại Nghệ An. Trong khi đó, hồ sơ xin việc tại một quán cafe ở  Đà Lạt lại mang tên người thanh niên nọ.



Trại giam Hồng Ca


Qua xác minh, người thanh niên đó không hề gửi hồ sơ xin việc vào Đà Lạt. Đại úy Thành cùng cả tổ khẳng định, Nguyên đang ở Đà Lạt và hồ sơ xin việc đó là của Nguyên nhưng mang tên giả và chứng minh thư Nguyên nhặt được. 

Lúc này, tổ trinh sát thứ sáu cũng vừa đặt chân đến thành phố mang tên Bác. Các trinh sát ngay lập tức đã nhận được lệnh ngược lên Lâm Đồng. 

Bí mật tiếp cận đối tượng và xác định đúng là Nguyên đang ở đây, lệnh được phát ra, bốn chiến sĩ trại giam Hồng Ca đóng vai các vị khách uống cafe vào quán.

Sáng ngày 6/2/2010, Nguyên bị bắt tại Đà Lạt. Khi bị dẫn ngược trở lại trại giam Hồng Ca, tên tù trốn ngục vẫn không hiểu vì sao mình lại bị bắt. Sau này, khi bắt được và đưa Nguyên về quy án tại trại, các quản giáo mới hiểu rõ hơn về đường đi của tên phạm nhân nguy hiểm này. 

Trốn khỏi trại giam, Nguyên vật vờ ở Yên Bái gần 10 ngày trời chứ không về ngay Lào Cai. Sau khi bắt xe khách về Hà Nội tìm bạn bè nhưng không gặp, y tiếp tục vào thẳng Nghệ An và nhặt được một chứng minh thư tại bến xe. Từ chứng minh thư này, Nguyên mang theo vào TP. Hồ Chí Minh và ra Đà Lạt. Tại đây, Nguyên làm việc cho một quán cafe và yêu một cô gái, Nguyên sống với cô gái tại nhà cô này như vợ chồng. Khi chuẩn bị đổi ca phục vụ bàn, Nguyên đã bị các trinh sát tóm gọn.

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc vượt ngục của tên cướp đẹp trai, Đại úy Thành tâm sự: “Khi bỏ trốn, Nguyên không hề liên lạc với bất kỳ ai, kể cả bố mẹ và người thân, thậm chí bạn bè chí cốt cũng không. Tưởng chừng như đã bế tắc hoàn toàn thì bất ngờ có một thông tin từ cơ sở tin cậy của quần chúng. Hơn một tháng trời thâm nhập và bám dân đã được đền đáp. Mình điện về xin ý kiến của Ban lãnh đạo trại rồi một tổ công tác ngay lập tức lên đường bắt Nguyên về quy án.

Sau này, mỗi khi được kể về vụ trốn tù của Đàm Tuấn Nguyên, các quản giáo trại giam Hồng Ca lại nhắc nhau như là một kỉ niệm khó quên và coi đó là bài học sâu sắc trong công tác quản lý phạm nhân”. 

Đàm Tuấn Nguyên đã phải nhận thêm một bản án nữa cho mình vì tội trốn khỏi nơi giam giữ. Tuy nhiên, điều mà phạm nhân này thấy day dứt nhất và mong muốn chấp hành án để sớm được tự do lại là tình yêu với cô gái Lâm Đồng, người đã cưu mang và yêu thương khi y bỏ trốn vào đó. 

Khi “thề non hẹn biển” với cô gái này, Nguyên đã nhận thấy giá trị của cuộc sống.


( Còn nữa )








Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2