Lượt thăm:239923650   Đang Online: 640

Số lượt xem: 2411
Gửi lúc 16:01' 12/02/2012
Mùa lễ hội 2012 : Càng xa rời truyền thống
Phần 1 : Đút lót Thánh thần


Xưa ông bà ta có dạy rằng “Đi đến chốn tâm linh đừng cầu tài lộc mà chỉ cầu bình an”. Nhưng giờ xem ra ngược lại, người ta cầu đủ thứ từ học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt. Xin vẫn không an tâm bởi “không hiểu thánh thần có cho không”. Vậy là sòng phẳng: “vay”, bởi có vay có trả.



Đặt tiền vào lòng tượng Phật (động Hương Tích) - Rải tiền lên lưng rùa ở Văn Miếu

Mê tín đến mê muội


Ngay từ đầu năm, đường về làng Cô Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh nườm nượp xe cộ. Ấy là người ta đi vay tiền, vay vàng ở đền Bà Chúa Kho. Không hiểu từ đâu nảy sinh ra “niềm tin” rằng, sự vay mượn từ thế giới tâm linh sẽ đem lại sung túc cho thế giới trần tục. Không biết đã có bao nhiêu người thăng tiến, bao nhiêu người đổi đời, chỉ biết rằng, những mưu toan của thế giới trần thế đã làm hoen ố chốn linh thiêng. Nơi thờ tự mấy trăm năm tôn nghiêm là thế giờ thành nơi bán mua đổi chác. Cả vạn người đổ về trong những ngày đầu năm khiến khu vực quanh đền hỗn loạn. Các loại hình dịch vụ gia tăng, hàng quán san sát 2 bên đường, bán nào vàng thỏi, vàng miếng, nào đô la, cành vàng lá ngọc. Người ken người, không đủ sức mà chen vào đặt lễ thì đã có dịch vụ đội lễ thuê sẵn sàng phục vụ. Mỗi mâm lễ dâng tại đây ít thì vài chục nghìn đồng, hậu hĩnh hơn thì vài trăm đồng, thậm chí tới vài triệu đồng. Lò hóa sớ đỏ lửa từ tinh mơ cho đến tối mịt. Mỗi ngày dễ đến cả trăm triệu đồng tiền thật bị đốt thành tro. Ùn ùn đổ đến để xin, để vay, để cầu cạnh, nhưng mấy người biết rõ Bà Chúa Kho là ai?

Đời Lý Nhân Tông bà là người trông nom kho lương, góp công lớn trong cuộc kháng chiến quân Tống bên bờ sông Như Nguyệt. Không đời nào có chuyện, bà mở cửa kho lương thảo quốc gia, cho vay tứ tung. Chuyện “thương thảo”, “vay mượn” chỉ là sự mê tín của một số nhóm người mà thôi… Với những người này, đi lễ chẳng qua là tìm (hay hy vọng) sự hỗ trợ từ thần thánh trong những mưu đồ cá nhân. Người ta tranh nhau bộc lộ “lòng thành” qua những mâm lễ hậu hĩnh và chắc như đinh đóng cột rằng “tốt lễ dễ kêu”, thế nào đấng thiêng liêng cũng phù hộ cho mình đầy đặn hơn những kẻ biện lễ sơ sài…

Từng một lần chứng kiến cảnh phát ấn đền Trần, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã phải than rằng: “Tôi thấy thảm hại quá, đâu rồi hào khí Đông A”. Chỉ vì một lá ấn mà cả vạn người chen nhau tơi tả, giẫm đạp nhau đến ngất xỉu. Hành động đó chẳng phải đã làm ô uế chốn tôn nghiêm hay sao? Tỉnh này phát ấn, tỉnh kia cũng đua cố tìm ra được cái ấn để phát theo cho “bằng anh bằng em”. Vài năm trước, ở một tỉnh nọ, khi người dân cung tiến cái ấn, chưa biết thật hay giả, mùa hội vội vàng mang ấn ra đóng, phát đi cả vạn bản. Nhưng “ấn đền Trần” đóng ra lại có chữ “Thượng nguyên chu thị”. Thôi thì, xấu hổ không biết để đâu cho hết.

Không có chuyện “trần sao âm vậy”

Vài năm trước, nhiều cơ quan truyền thông đã có cả loạt bài phản ánh về tình trạng đặt tiền giọt dầu tràn lan nơi di tích. Khi đó, Bộ VH-TT&DL đã chủ trì nhiều cuộc họp, bàn thảo cặn kẽ về chuyện quản lý tiền giọt dầu và tiền công đức. Song, cách thức được đưa ra cho đến nay vẫn chỉ dừng ở giải pháp bố trí lại hệ thống các hòm công đức sao cho hợp lý hơn, đồng thời có các văn bản nhắc nhở Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố, các BQL di tích bố trí người thu gom, tránh để tình trạng rải tiền tràn lan, phản cảm. Song, cho đến mùa hội năm 2012 này, tình trạng rải tiền vẫn gia tăng.

Khu di tích lịch sử đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định chiều 14 tháng Giêng đông đặc người. Trong đền Trùng Hoa nơi có tượng các vị vua triều Trần người ta thi nhau thả tiền, gài tiền lẻ vào tay các vị vua đang ngự trên ngai báu. Rồi cũng với tờ tiền lẻ, người ta xoa vào tay, vào chân, tượng, đưa lên mặt hít hà, rồi hả hê đút tờ tiền đó vào túi mang về lấy lộc. Khắp trong ngoài đền, trên ban thờ, lọ hoa, khe cửa, thậm chí cả chậu cảnh ngoài sân cũng bị gài tiền lẻ. Tình trạng rải tiền lẻ cũng tồn tại ở khắp các đền chùa khác. Mùa lễ hội 2012, BQL thắng cảnh Hương Sơn cũng đã phối hợp với trụ trì chùa Hương tổ chức nhắc nhở và thu gom tiền lẻ tại các điểm di tích, đặc biệt là động Hương Tích. Nhưng cứ quay đi quay lại thôi đã lại thấy những đồng tiền lẻ ném lên ban thờ, ném vào lòng tượng Phật. Nhắc thế nào cũng không xuể.

Đến Văn Miếu những ngày đầu xuân, không ít người buồn lòng. Lại vẫn là những đồng tiền lẻ rải khắp nơi, trên đầu rùa, lưng rùa và cả trên ban thờ Tiên triết Chu Văn An. Không chỉ phải đối phó với vấn nạn “xoa đầu rùa” giờ trường đại học đầu tiên của đất nước bỗng chốc bị du khách coi như một nơi thờ tự, khói hương nghi ngút, cầu “đăng khoa”, “đỗ đạt”. Văn Miếu giờ không chỉ gồng mình chống nạn xoa đầu rùa, mà còn phải chống cả nạn tiền lẻ làm hoen ố cửa Khổng, sân Trình.

Dân gian có câu, “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Nhưng thờ thế nào, kiêng thế nào cho đúng với truyền thống tâm linh của người Việt. Cứ như bây giờ, đốt vàng mã tràn lan, rải tiền bừa bãi, nhét tiền vào tay Phật…đâu phải là hành động tôn kính, mà chính là hành động vi phạm giáo lý của nhà Phật. Coi phật thánh không khác gì những “quan tham” nơi trần thế, kiểu “trần sao âm vậy”.

LTS: Người xưa có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” Không biết có phải vì cái sự “ăn chơi” ấy không mà tháng Giêng - tháng mở đầu trong năm cũng là tháng mà các lễ hội diễn ra dày đặc khắp các vùng miền. Xưa lễ hội truyền thống diễn ra êm đềm bao nhiêu thì giờ xô bồ, ồn ào bấy nhiêu. Tình cảnh lễ hội năm sau thảm hại hơn năm trước. Nhếch nhác lều quán và rác thải, chặt chém du khách, cờ bạc bịp, “buôn thần bán thánh” hoạt động công khai…

Đại Việt sử ký toàn thư (kỷ Trần Thánh Tông) có chép như sau: “Một lần Trần Thủ Độ đi duyệt định số hộ khẩu. Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung xin riêng cho một người cháu làm câu đương (chức quan thu thuế ở xã). Khi xét duyệt ở xã ấy, gọi đến tên người cháu đó, anh ta mừng rỡ chạy lại. Trần Thủ Độ bảo: “Ngươi vì có Linh từ quốc mẫu xin cho mới được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác. Vì thế phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Nghe nói vậy kẻ kia toát mồ hôi, mặt cắt không còn giọt máu. Phải van xin mãi Trần Thủ Độ mới tha cho rồi nói rằng: “Cửa quan luôn rộng mở tại sao ngươi không học hành thi cử để đường đường chính chính ra làm quan mà phải đi luồn lụy”. Câu chuyện dù rất nhỏ song vẫn được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư như lời nhắc nhở cho những thế hệ sau phòng chống tệ mua quan, bán tước. Vì thế, quan niệm có được lá ấn đền Trần sẽ thăng quan, phát tài xem ra chỉ là lời đồn thổi.


Phần 2 : Mập mờ đánh lận con đen

Việc sử dụng hình ảnh lễ hội để thu hút du khách là chuyện mà nhiều nước phát triển trên thế giới đều làm. Nhưng cho đến bây giờ, các nhà quản lý của ta vẫn chưa hình dung được, lễ hội mở ra, thu hút cả vạn người tham dự thì hành xử thế nào, quản lý ra sao?

Đi tìm chủ nhân thực sự


Lễ hội là nét đẹp từ bao đời nay, rất cần chuẩn hóa


Ai là chủ nhân thực sự của lễ hội? Xin thưa, đó là người dân. Họ là chủ thể sáng tạo, là người nắm giữ, trao truyền và đương nhiên họ cũng phải là những người hưởng thụ. Xưa, những lễ hội chỉ là của làng, rộng hơn nữa là lễ hội vùng, giờ bỗng phình to ra, năm sau quy mô hơn năm trước. Giới nghiên cứu lo ngại tình trạng “quan phương hóa” lễ hội. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phản ánh thực tế: “

Chuyện quan chức đi lễ đã gây hiệu ứng niềm tin ăn theo lớn. Ở đây, người dân sẽ hồn nhiên suy đoán nhờ đi lễ mới có chức tước bổng lộc, và cứ thế làm theo, vì không được nhiều thì cũng được lộc rơi lộc vãi. Và đây cũng là nguồn cơn, dẫn tới chuyện lá ấn đền Trần bỗng chốc bị biến thành vật cầu danh lợi”. Còn PGS.TS Đặng Văn Bài thì lại suy nghĩ : “Mỗi quan chức, mỗi cán bộ cũng là một công dân, cũng có nhu cầu tâm linh của mình. Như tôi, hồi còn làm Cục trưởng Cục di sản Văn hóa, tôi cũng đi lễ hội chứ. Tôi từng bị tăng xông, ngất 4 tiếng đồng hồ. Khi vào đền chùa, tôi thường cầu cho mình và gia đình khỏe mạnh. Không nên quá phân biệt rằng, quan chức thì không được đi chùa. Chỉ có điều, nếu không phải thực thi trách nhiệm, không phải đi thanh tra, kiểm tra… các vị hãy đi như một người dân đi lễ hội, đừng đi theo kiểu quan phương nữa, đừng trống giong cờ mở và sử dụng phương tiện công vào việc riêng”.

Hiện tại, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm, người dân đã sáng tạo và duy trì lễ hội, không ai hiểu lễ hội bằng chính chủ thể sáng tạo, vì thế, hãy trả lễ hội về với cộng đồng để cho cộng đồng thực hành các hoạt động lễ hội với tư cách chủ thể sáng tạo, người lưu giữ, người hưởng thụ… Nhưng ai dám khẳng định, trả lễ hội về cho làng, xã tự tổ chức thì sẽ hết tiêu cực? Có quá nhiều vấn đề tồn tại, hiện khắp các tỉnh thành, người ta đua nhau phục dựng lễ hội, kể cả những hành vi mà thời nay khó chấp nhận, ví như việc chém lợn tế thần, tranh cướp lộc thánh, hay những cổ tục cho phép đả thương nhau để đề cao tinh thần thượng võ...

Đặt truyền thông lên hàng đầu



Phật là tại tâm, đâu cứ lễ hậu là cầu gì cũng được


Hơn 10 năm trước, từng có làn sóng phục hồi lễ hội và giờ, chính những lễ hội được phục hồi lại khiến xã hội đau đầu. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền lý giải, phần lớn các lễ hội cổ truyền của Việt Nam đều biến mất khỏi đời sống trong nửa cuối thế kỷ 20. Chỉ sau thời kỳ đổi mới, và đặc biệt từ 10 năm đầu thế kỷ 21, theo xu hướng phục dựng bảo tồn di sản văn hóa nói chung, các lễ hội mới dần được khôi phục. Sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng, việc phục dựng lễ hội nói chung đều rơi vào tình trạng “tam sao thất bản”. Giữa những yếu tố cũ, bao giờ cũng đan xen những yếu tố mới. Lễ hội làng này cóp nhặt của làng kia, thế nên mới hóa ra đơn điệu và na ná giống nhau từ trang phục cho tới lề lối tổ chức. Vài năm trước, GS. Ngô Đức Thịnh (Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian) đã từng cảnh báo về nguy cơ “nhất thể hóa” lễ hội. Đây là hệ quả của sự lười biếng, rập khuôn và nhìn nhận không gian hoạt động lễ hội sơ sài, một chiều. Bên cạnh đó, truyền thông cho mùa hội, nhiều nơi chỉ dựa vào hệ thống loa bắc quanh di tích, phát ra rả với âm lượng lớn nhắc nhở, cảnh báo du khách giữ gìn nếp sống văn minh, đề phòng kẻ gian…

Kiểu truyền thông này chỉ khiến cho không gian hội thêm ồn ào, pha tạp. Do những thăng trầm của lịch sử, sự hiểu biết về lễ nghĩa, tín ngưỡng của người dân có thời điểm bị đứt đoạn. Vì thế, khi được “cởi mở” là đổ xô đi lễ nhưng lại không biết rõ vào đền, miếu phủ thì cầu gì, vào chùa thì cầu gì. Vì thế, TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo cho rằng, chuyện “mập mờ đánh lận con đen” bao lâu nay giờ cần phải làm sáng rõ. Yếu tố nào là nguyên gốc, yếu tố nào pha tạp, thêm thắt, “thổi phồng” phải được phố biến rộng rãi đến từng người dân. Cần phải làm cho người dân hiểu rõ về tín ngưỡng, chừng đó, người ta sẽ có sự điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Giải pháp tuyên truyền được TS. Nguyễn Quốc Tuấn đưa ra là “3 nhà” gồm nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giới truyền thông hãy ngồi lại với nhau cùng đưa ra tiếng nói chung. Như thế ắt cải thiện được tình hình.

PGS.TS Đặng Văn Bài cũng nhấn mạnh đến yếu tố tuyên truyền như là một trong những giải pháp tích cực để gìn giữ bản sắc của các lễ hội. Cần phải dũng cảm “chỉ mặt đặt tên” nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu cực trong lễ hội và ai là người phải chịu trách nhiệm về việc này. Tuyệt đối không nên theo hướng, cái gì không quản được thì cấm. Cái gì cấm được thì cấm, chứ tín ngưỡng là nhu cầu không thể thiếu được của một bộ phận nhân dân.

Theo Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, đứng trên nền tảng giáo lý Phật pháp mà quy chiếu, đến một người có kiến thức tôn giáo sơ đẳng nhất cũng hiểu được việc không thể có chuyện chùa này thiêng hơn chùa nọ; hay đến chùa có thể giải hạn, cầu tài, cầu lộc, cầu tình duyên... Phật giáo là một hệ tư tưởng triết học, đạo đức lớn. Đình, đền, chùa là nơi để con người tìm đến một niềm tin cao cả dựa trên cơ sở tu tâm hướng thiện từng cá thể, hoàn toàn không phải là nơi trục lợi, trao đổi vật phẩm cúng bái để phục vụ cho những ham muốn trần tục. Cái sự “phú quý sinh lễ nghĩa” chỉ là một động lực thúc đẩy việc cúng bái hành lễ nói chung chứ không phải căn nguyên để nhân gian hướng tới cửa thiền quy theo đạo đức, giáo lý nhà Phật. Ở đây, không chỉ là vấn đề thiếu hiểu biết về giáo lý, mà chính các nhà sư trụ trì cũng cần xem lại trách nhiệm về những gì đã và đang diễn ra ở cơ sở thờ tự của mình. Việc hiểu sai giáo lý nhà Phật đương nhiên sẽ dẫn đến những hành vi phạm giới.

Xin nêu một ví dụ đơn giản. Khái niệm Tam độc của Phật giáo bao gồm Tham - Sân - Si. Khi đến cửa thiền mà không thấu hiểu giáo lý, đốt vàng mã, nhét tiền vào tượng, mang cả rượu thịt vào chùa, tin rằng cúng càng nhiều càng có cơ may hưởng phúc, hay việc mong muốn thu càng nhiều tiền càng tốt… vô tình, những người tham dự đều phạm phải điều răn thứ nhất (tham = tham lam, ham muốn...) và thứ ba (si = ngu si, mê muội). Còn khi lòng tham biến thành sự cuồng nộ dẫm đạp tranh giành lộc lá vật phẩm, họ tiếp tục phạm giới điều thứ hai (sân = nóng nảy, giận dữ). Đi chùa là để tích đức, để hướng thiện…

Trong “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính viết rằng, “ Xét cái tục hội hè của ta rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời chán chê, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình…”, và để thoát khỏi tình trạng này, Phan Kế Bính cho rằng, cần có sự nỗ lực của cả xã hội. Cần nghiên cứu những biến động mới trong tâm lý xã hội. Cần tìm ra những cách thức tổ chức mới, vừa là giải trí, vừa hướng thượng cho con người.




Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2