Lượt thăm:240825310   Đang Online: 660

Số lượt xem: 2598
Gửi lúc 07:29' 22/07/2011
Minh bạch chủ quyền và con tim lập lờ...

Con tim minh bạch và tim đen lập lờ... chỉ là những câu chuyện xoay quanh con tim. Rất bé nhỏ, nhưng nó, hoặc có quyền quyết định tới sinh tử một dân tộc, hoặc xô đẩy đời người vấp ngã. Đó cũng là những lát cắt hỉ nộ ái ố, mong được sự chia sẻ, đồng cảm của quý bạn đọc

Con tim minh bạch....

Chủ quyền Biển Đông, sự dấn thân vì Tổ quốc của những người lính, của những ngư dân Việt Nam là thông điệp, là sự tri ân sâu sắc của cả xã hội chúng ta trong những ngày tháng 7 nóng bỏng này.

Đó là sự dấn thân của những con tim yêu nước và minh bạch.

Sự dấn thân đó được kế tục và kế thừa từ các bậc tiền nhân can đảm và kiêu hãnh trước kẻ xâm lược. Sứ thần Giang Văn Minh của Đại Việt đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh, năm 1638), từng cất lên khẩu khí: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"(Sông Đằng từ  xưa máu còn đỏ).

Khẩu khí đó nhắc nhở vua Minh Tư Tông (Hoàng đế Sùng Trinh) rằng, người Việt đã 3 lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng, khi vua Minh ngạo mạn: "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục"(Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ, tức Đại Việt - bị diệt vong).

Sứ thần Giang Văn Minh đã bị vua Minh hành hình dã man. Nhưng chí khí nước Việt và sự minh bạch của một con tim yêu nước còn thấm đẫm đến hậu sinh.

Minh bạch, và dấn thân như "sói biển" Mai Phụng Lưu, thuyền trưởng Lê Văn Chiến, thuyền trưởng Nguyễn Thừa... cùng hàng nghìn ngư dân, kiên cường tấc biển, tấc vàng. Như "Những ngôi mộ gió ở Bình Châu" (Thanh Niên, 21/7/2011), của những ngư dân đi Hoàng Sa và mãi không về.

Bỗng nhớ tới bức ảnh đã khiến người viết bài phải cay mắt. Bức ảnh chụp một ngôi mộ của một liệt sĩ vô danh, với dòng chú thích: "Nhớ nhà". Trên khắp dải chữ S này, có bao nhiêu ngôi mộ "nhớ nhà" như thế?

Minh bạch và dấn thân như những cán bộ, chiến sĩ những nhà giàn DK1- những cột mốc chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông. 13 cán bộ, chiến sĩ trong số họ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Như 64 người chiến sĩ công binh Việt Nam, đã hy sinh trên bãi đá Gạc Ma trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1988.

Nhân dân xin mãi biết ơn họ, những người lính Việt quả cảm đã nằm lại dưới biển xanh, để đất nước mãi trường tồn. Nhân dân cũng xin tri ân những đồng bào của mình, những ngư dân ở Hoàng Sa- Trường Sa. Họ mưu sinh, nhưng cũng là sự dấn thân để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ai đó đã nói rất ý nghĩa rằng, Biển Đông đã là một nghĩa trang đặc biệt. Nơi ấy, những người lính Việt, những ngư dân Việt đã trở về Đất Mẹ.

      Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 (đang được treo trang trọng tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân)

Và minh bạch, như con tim những nhạc sĩ trẻ Trần Lê Quỳnh, Tuấn Khanh, với khúc quân hành: "Tổ quốc gọi ta. Hoàng Sa- Trường Sa. Sẽ đến lúc chúng ta giành lại. Nổi sóng Biển Đông. Con cháu Tiên Rồng. Nàỳ người anh em nắm tay cùng tôi" (Này người anh em). Cùng nhiều ca khúc khác của các nhạc sĩ chuyên nghiệp, nghiệp dư, đập một nhịp những ngày tháng 7 sục sôi huyết quản.

Lịch sử dân tộc là lịch sử những cuộc chiến chống xâm lược phương tây, phương bắc. Giống nhau về mục đích bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, nhưng lại khác nhau bởi hoàn cảnh, và đặc điểm thời đại.

Nhưng trong họa lớn vẫn có phúc lớn.

Đó là Việt Nam có chính nghĩa, có đầy đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và quan trọng nhất- lòng dân Việt Nam luôn là bức tường vững chãi bảo vệ chủ quyền đất nước.

Và minh bạch chủ quyền

Ngày 20/7/2011, trên báo Đại Đoàn Kết đăng bài  "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam". Đây chính là Công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng (lúc đó), ký ngày 14/9/1958.

    Công hàm năm 1958 do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký

Đây cũng chính là văn bản lâu nay Trung Quốc lấp lửng, biện minh cho cái gọi là Việt Nam công nhận chủ quyền của họ với 2 quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa. Phải nói, chính sự tung hỏa mù đó, đã khiến cho lòng người dân Việt Nam không ít phân vân, do không hiểu rõ nguồn cơn.

Nhưng thế giới phẳng, buộc mọi quốc gia, phải minh bạch chủ quyền của mình giữa thanh thiên bạch nhật, trên cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế. Khi có sự minh bạch, thì lòng dân sẽ tĩnh trí, biết cách ứng phó hơn. Và cũng phải thấy  được cái hoàn cảnh lịch sử quá đặc biệt chằng chéo nhau của sự ra đời Công hàm 1958.

Điểm 'mạnh" mà lâu nay Trung Quốc thường đem ra hù dọa Việt Nam và cộng đồng quốc tế, nếu soi kỹ lại chính là điểm "yếu"  nhất và thiếu cơ sở pháp lý nhất của họ.

Đó là "Công hàm 1958 không hề đề cập đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bởi theo Hiệp định Genève 1954, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại 2 quần đảo này theo luật pháp quốc tế".

...Và cũng bởi "Hơn ai hết, chính Thủ tướng VNDCCH thấu hiểu quyền tuyên bố về lãnh thổ quốc gia thuộc thẩm quyền cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội..."

Rõ ràng, Công hàm 1958 cho thấy, VNDCCH  không thể công nhận, hoặc "cho" Trung Quốc cái mà VNDCCH chưa có quyền hạn quản lý.

Tại cuộc họp báo mới đây, trước phiên họp đầu tiên của Kỳ họp QH khóa XIII, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH cho biết, tại kỳ họp này, QH sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông: Làm thế nào để đảm bảo chủ quyền quốc gia, đảm bảo hoà bình để đất nước phát triển?

Con tim minh bạch gặp sự minh bạch?

Sự dấn thân sẽ gặp sự dấn thân?

"Mùa kiện"

Trong văn chương, người ta biết tới tác phẩm Mùa lạc, rồi Mùa lá rụng trong vườn... Mới đây, trong phim ảnh, trong âm nhạc, người ta biết thêm "Mùa kiện".
"Mùa kiện" là tác phẩm chung của giới văn nghệ sĩ, chỉ xảy ra 2 năm/ lần khi có chuyện xét tặng Giải thưởng Nhà nước. Năm nay, "Mùa kiện" có 2 chương:

Chương I, xoay quanh câu chuyện kiện tụng của 2 nhà biên kịch họ Phan- Phan Thanh Tú, Phan Huyền Thư- với đạo diễn Nguyễn Thước khi ông đề xuất xét Giải thưởng Nhà nước cho ông ở góc độ đạo diễn với chùm 3 tác phẩm phim tài liệu, mà 2 nhà biên kịch họ Phan là tác giả kịch bản.

Chương II: Xoay quanh câu chuyện của 5 nhạc sĩ Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa phản đối danh sách 28 nhạc sĩ được đề cử Giải thưởng Nhà nước năm nay. Theo các ông, có 11 người không xứng đáng như Đỗ Hồng Quân, Đức Trịnh, Lê Lan, Lê Tình, Vĩnh Lại, Nguyễn Chính, Cát Vận, Thập Nhất, Vũ Thành, Thanh Anh, Doãn Tiến.

Quả thật, nhiều cái tên xướng lên thấy lạ hoắc lạ huơ! Hay nghệ thuật vốn khó tính, nên chỉ các nhạc sĩ biết với nhau?

Có lẽ, trước sự kiện tụng rầm rĩ, thể hiện sự cầu thị lắng nghe mới đây, Chương I được kết thúc nhanh chóng.

Bộ Văn Hóa- Thể Thao- Du Lịch có công văn chính thức "...Trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm tác phẩm Sự nhọc nhằn của cát, Những công nhân @ và Chất xám mà đạo diễn Nguyễn Thước đại diện chứ không phải xét tặng giải thưởng cho đạo diễn Nguyễn Thước".

Và Chương II cũng kết thúc nhanh chóng không kém: Trên trang Web của Bộ VH- TT- DL ngày 5/7, công bố lại danh sách các nhạc sĩ lọt vào đề cử. Ngoài 28 cái tên đã được công bố trước đó, có thêm tên của 5 nhạc sĩ vừa khiếu kiện (!).

Thế nhưng, sự kết thúc nhanh chóng của các chương, xem chừng không có hậu. Người ta thấy buồn cười và có quyền nghi ngờ rằng đây chỉ là giải pháp chữa cháy, mang tính tình thế, đối phó.

Bởi đạo diễn Nguyễn Thước có cái lý của ông: Vậy, 15 đạo diễn của 15 bộ phim tài liệu cùng tham dự Giải thưởng Nhà nước có phải "chịu chung số phận" như ông không?

Thứ nữa, công văn ngày 14/7/2011 thực chất mâu thuẫn với chính Thông tư 03/2010/TT của Bộ VH-TT-DL. Đó là Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật dành cho tác giả (cụm tác giả) chứ không dành cho tác phẩm (cụm tác phẩm) mà ở đây, đạo diễn Nguyễn Thước là đại diện (?).

Còn ở lĩnh vực âm nhạc, 5 nhạc sĩ khiếu kiện, khi biết mình được "vớt" vào danh sách xét giải thưởng, lại thêm một lần nữa bị tổn thương, ở 2 lẽ:

Họ đấu tranh trước hết vì lẽ công bằng, không phải chỉ vì họ.

Họ bất bình vì cách làm việc bất minh, vô trách nhiệm của Hội Nhạc sĩ, mà thậm chí họ cho là "ăn gian". Bởi trong 3 ngày mà các thành viên đã chấm xong 340 tác phẩm bao gồm ca khúc, tác phẩm khí nhạc, lý luận... Nếu chấm "tử tế", thì phải mất tới 150 tiếng đồng hồ, tức hơn 6 ngày không ăn không ngủ.

Đặc biệt, 4 tập hồ sơ của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp (không trúng tuyển chọn), khi ông đến nhận về thấy tem vẫn còn nguyên, tức là chưa có ai mở ra. Và còn bức xúc của nhiều nhạc sĩ khác...

Trong khi đó, so với giới nghệ sĩ sáng tác, thì việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghễ sĩ Ưu tú cho các nghệ sĩ biểu diễn lại có những sắc thái khác.

Một số nghệ sĩ biểu diễn trưởng thành trong cơ chế "bao cấp" dù có tên tuổi, nhưng tâm lý có phần cam chịu. Để rồi  trong khi điệp khúc "xin- cho- không được", rồi lại "xin- cho- hy vọng được" qua các đợt xét phong, cứ buồn bã cất lên cuối đời của kiếp nghệ sĩ, thì một số nghệ sĩ biểu diễn khác thành danh trong cơ chế thị trường lại không vậy.

Họ không cam chịu phận "xin-cho" nữa, kể cả người từng được phong NSUT như Thành Lộc. Bởi họ tự tin mình có tài năng, có tiền, có một lượng khán giả đông đảo nhất định. Và họ tin ở sự thẩm định của công chúng.

Nói cho công bằng, các văn nghệ sĩ có mong muốn đoạt Giải thưởng Nhà nước, hay được vinh danh NSND, NSUT không? Chắc chắn là có. Bởi đó là thêm một lần xã hội khẳng định, ghi nhận tài năng, sự cống hiến của họ.

Thế nhưng, xem "Mùa kiện" năm nay, người ta thấy quá thất vọng vì những khiếm khuyết về quy định các tiêu chí, về cơ chế quản lý và xét giải thưởng, về phẩm cách của các văn nghệ sĩ. Mỗi khi có đợt xét phong, là một lần các văn nghệ sĩ "vạch áo  trong nhà cho thiên hạ xem lưng", không hiểu rằng, xấu chàng thì hổ nàng. Mà Tuần Việt Nam đã phải lên tiếng: "Lý thì gian, mà tình cũng chẳng ngay" (21/7/2011)

Thái độ "nói không" với xin- cho của một số văn nghệ sĩ biểu diễn, cho thấy những giá trị đích thực của đời sống. Nghệ thuật là chân- thiện- mỹ, được sàng lọc khắt khe bởi thời gian và thị hiếu xác tín của công chúng. Vậy thì nghệ thuật phải được vinh danh, chứ không phải là thứ để xin- cho, hoặc ban phát.

Chẳng hiểu "Mùa kiện" năm nay, có còn chương nào được viết tiếp nữa không?

Con tim lập lờ...

Tuần này, lại nổi lên một câu chuyện của con tim. Nhưng không phải là con tim minh bạch, trong sáng mà phải gọi là tim đen lập lờ... Gọi thế, vì câu chuyện mối quan hệ giữa ông thầy- giảng viên T.X.N (Trưởng phòng Tài vụ- Kế toán kiêm giảng viên Trường ĐH Tây Nguyên) và cô sinh viên năm cuối C.T.D được thầy hướng dẫn tốt nghiệp, lẽ ra là những kỷ niệm rất đẹp của tình thầy trò, lại thành kỷ niệm xấu và bẽ bàng.

Câu chuyện giữa 2 thầy trò bị vỡ lở ra ánh sáng, bởi lá thư tố cáo của C.T.D. D cho biết, trung bình một ngày D. nhận được 7 tin nhắn gợi ý chuyện "quan hệ tình cảm". Riêng đêm 21/6, D. liên tục nhận được tin nhắn gạ đến nhà nghỉ trên đường Phan Chu Trinh, Nguyễn Công Trứ (TP Buôn Ma Thuột) hoặc sang nhà nghỉ ở huyện Cư Jút (Đăk Nông) để tránh bị phát hiện.

Cho đến tối 23/6, tin nhắn "Khoảng 19 giờ, phải đến một nhà nghỉ trên đường Nguyễn Công Trứ, nếu không sẽ khó thoát khỏi tay th.", khiến D quá hoang mang lo sợ nên đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng.

Chuyện đã đến mức đó, thì cơ quan chức năng phải vào cuộc.

              Tin nhắn gạ tình của thầy T.X.N

Lý giải cho tin nhắn "gạ tình", không biết có để đổi lấy chất lượng luận văn của D hay không, ông T.X.N đổ thừa rằng bà vợ ông nhắn để kiểm tra đức hạnh của cô sinh viên D, và bà vợ ông đã phải nhận.

Cái sự nhận mình là người đã "gạ tình" sinh viên D của vợ ông T.X. N, có ai tin không thì tin. Nhưng người viết bài, thấy nó đắng ngắt. Cái đắng ngắt của người đàn bà buộc phải bênh chồng, phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" cho khỏi vỡ nồi cơm gia đình.

Khi đã phải viết thư tố cáo ông T.X.N, chắc chắn, C.T.D thoát khỏi tay "thầy", nhưng còn ông T.X.N chắc chắn khó thoát khỏi bị xử lý.

Mới đây, được biết ông T.X.N đã bị kỷ luật cảnh cáo, và bị đình chỉ giảng dạy tại trường.

Tuy nhiên, có nhiều người vẫn chưa đồng tình với cô sinh viên C.T.D, khi cho rằng, việc D lưu trữ tới gần 40 tin nhắn, liệu có phải là một động cơ riêng khác hay không, nhất là C.T.D là một sinh viên khả năng chuyên môn vào loại yếu?

Trong thời buổi kim tiền này, cái quan hệ thầy- nữ sinh đầy chất thực dụng cũng không còn là của hiếm, thì việc nghi ngờ cô sinh viên C.T.D cũng không có gì lạ.

Vì lẽ ra, C.T.D có thể có cách tự bảo vệ mình tốt hơn, và không đến nỗi kéo dài mối quan hệ lấp lửng chẳng ra thầy trò, chẳng ra người tình này, để có một lối thoát minh bạch rõ ràng. Nhưng C.T.D đã không làm nổi. Hoặc do D quá non nớt, thiếu kinh nghiệm, hoặc do D cũng không có đủ can đảm. Chỉ khi bị vào đường cùng, mới đành dùng vũ khí- tố cáo.

Nhưng đó vẫn là thứ vũ khí tồi nhất, mà C.T.D mang ra sử dụng. Vì thầy bị kỷ luật, và trò chắc chắn cũng bị "sát thương" về danh dự.

Đời mỗi con người chỉ có một con tim. Con tim nuôi sống con người, nhưng con người cũng nuôi dưỡng con tim. Để nó là con tim yêu minh bạch, trong sáng, hay thành con tim đen lập lờ... tùy động cơ, mục đích của cá nhân.

Yêu thế nào là tùy con tim mỗi người. Tình yêu lớn nhất như với đất nước, nhỏ nhất với một con người cụ thể. Nhưng chắc chắn mỗi người phải chịu trách nhiệm về con tim mình. Có khi được vinh danh, được ghi nhớ, có khi phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, và có khi chịu trách nhiệm trước lương tâm- làm người.

Vậy thôi!

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2