Lượt thăm:239915770   Đang Online: 790

Số lượt xem: 3701
Gửi lúc 03:32' 21/08/2011
Hoành tráng nữ "bợm nhậu" ở miền Tây

Chị Năm rót liền ba ly rượu, lần lượt uống hết từng ly, mặt không biến sắc, uống xong không cần ăn mồi, chỉ nhấp một ngụm trà đá thấm giọng.

Ở thành phố, đô thị miền Tây Nam Bộ, người ta đã quá quen với cảnh các bà, các cô, các em tụm năm tụm bảy nhậu nhẹt say sưa, còn phụ nữ nông thôn, dù mang tiếng “hai lúa” cũng đang trở thành những bợm nhậu thứ thiệt, đã nhậu thì phải tới bến, không say không về, khiến nhiều người phải lắc đầu, lè lưỡi.

Gặp nữ “đệ tử lưu linh” ở miền Tây

Cách nay chưa lâu, trong một chuyến công tác về Cà Mau, tôi được mấy người bạn đồng nghiệp rủ rê: “Đi về huyện Cái Nước, bày trận nhậu “so ly” với mấy chị em phụ nữ”. Tôi không khỏi ngạc nhiên, nhậu với phụ nữ thì nhậu như thế nào, nhưng mấy anh bạn cười cười: “Cứ đi rồi khắc biết, không chừng chú mày bị hạ đo ván đó”. Tôi leo lên xe về Cái Nước, trong lòng bán tín bán nghi.

Trung tâm huyện Cái Nước cách thành phố Cà Mau không xa, nên chừng 9 giờ sáng chúng tôi đã có mặt tại nhà anh Năm, một cán bộ có cỡ của huyện. Thấy mặt chúng tôi, anh Năm cười khà khà: “Bữa nay nghe tụi bây xuống chơi, tao kêu chị mày (vợ anh Năm) đi chợ làm mồi bén đãi khách, còn tao xin nghỉ một ngày chơi với tụi bây cho tới bến”. Chưa hết tuần trà, chị Năm đã dọn lên chiếc bàn tròn ngoài hiên mấy đĩa vịt xiêm luộc chấm nước mắm gừng và một mâm tôm nướng.

Chị Năm, dáng người cao to, ước nặng chừng 80 kg, cười giòn tan, nói: “Mồi bén, nhậu thả giàn với vợ chồng chị một bữa, lâu lâu mấy đứa mới xuống thăm. Vịt ở nhà nuôi, còn tôm thì ra ao nuôi sau nhà bắt, không tốn kém gì đâu mà sợ. Tụi bây ăn hết tao bắt vịt, bắt tôm làm mồi nhậu tiếp”. Mồi dọn xong, chị Năm bước vào trong nhà xách ra can rượu đế 10 lít, tuyên bố dõng dạc: “Hiệp một, uống hết can rượu này rồi tính tiếp”.

Tôi nhìn can rượu đế mà tá hỏa tam tinh, bởi phe của tôi chỉ có bốn người, cộng với hai vợ chồng anh chị Năm là 6, làm sao “cõng” hết 10 lít rượu. Thời may, chị Năm móc điện thoại a lô với ai đó, chưa đầy 5 phút sau bốn chị phụ nữ “chiến hữu” của chị Năm có mặt, vui vẻ ngồi vào bàn nhập tiệc.

Chiếc ly xây chừng liên tục chạy quanh bàn nhậu, chị Năm giữ phần cầm cái, rót rượu, tuyên bố tới lượt ai nấy uống, không ai ăn gian ai. Chị và bốn chiến hữu uống sòng phẳng với 5 người đàn ông, không bỏ sót vòng nào. Vừa nhậu, chị Năm vừa cười, nói: “Nam nữ bình đẳng, mấy chị uống sót một vòng thì bị lỗ mấy em ơi”. Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết sợ khi một người đàn bà cầm cái cuộc nhậu và rót rượu. Ban đầu uống hai người một ly, nhưng sau ba vòng đầu thì chị Năm tuyên bố: “Nâng cấp lên, mỗi người một ly, chị uống trước”. Đến khi can rượu vơi hết phân nửa, chị Năm dõng dạc nói: “Bây giờ tăng tốc nghe mấy em, chị uống trước vòng này, chị uống sao thì mấy em phải uống theo đúng như vậy”.

Nói xong, chị Năm rót liền ba ly rượu, lần lượt uống hết từng ly, mặt không biến sắc, uống xong không cần ăn mồi, chỉ nhấp một ngụm trà đá thấm giọng rồi lần lượt rót rượu cho từng người để thực hiện “tăng tốc”. Các chiến hữu của chị Năm vừa cười khà khà vừa hào hứng nói “chuyện nhỏ” rồi bưng ba ly rượu uống ngọt xớt như… uống nước dừa.

Vòng ba ly đầu, 5 tên đàn ông trong bàn gắng gượng cầm cự, phần vì rượu chưa thấm, phần vì nổi máu tự ái đàn ông, không lẽ đàn ông con trai tướng tá sầm sầm bậm trợn mà chịu thua 5 chị phụ nữ. Nhưng đến vòng thứ hai, sau khi nốc xong ba ly rượu, 5 thằng đàn ông vội vàng chạy ra bên hè nhà thi nhau “cho chó ăn chè”, trong khi chị Năm và các “chiến hữu” ngồi cười ha hả, mặt mày tỉnh bơ như chưa từng uống giọt rượu nào.

Nữ "đệ tử lưu linh" quây quần bên mâm rượu

Tới lúc này, anh Năm mới “bật mí” cho tôi biết: “Tụi bây với tao không phải là đối thủ của mấy bả. Hầu như ngày nào bả với mấy bà bạn cũng tổ chức nhậu, mỗi bà uống hết một lít rượu đế còn kéo nhau ra quán uống thêm mấy két bia, xong đi đến quán karaoke vừa nhậu vừa hát hò một tăng mới chịu về ngủ”. Nghe tới đó, thật tình tôi bủn rủn tay chân, không ngờ gặp “đệ tử lưu linh chính hiệu” lại là mấy chị Hai Lúa miệt đồng.

Nhưng chuyện chưa dừng ở đó, sau khi cùng các chiến hữu chia nhau hết rượu trên bàn, chị Năm tuyên bố: “Thấy mấy cha ọc ra hết trọi tội nghiệp quá, thôi bây giờ để tụi tui bù đắp cho. Tất cả kéo nhau ra quán bia ôm bên chợ, làm tiếp tăng hai. Đứa nào không đi mai mốt đừng xuống đây gặp chị Năm nữa”.

Vậy là cả bọn ngất ngư kéo nhau ra quán. Tại đây, chị Năm tuyên bố: “Thân ai nấy lo, chai ai nấy ôm. Chủ quán, cho 5 thằng cha kia 5 em...”. Trong vòng chưa tới hai tiếng đồng hồ, hai thùng Heineken hết sạch, 5 thằng đàn ông tụi tôi say bò lăn bò càng, kéo nhau về nhà ngủ, trong khi chị Năm và các chiến hữu tiếp tục kéo nhau đi làm thêm một chầu karaoke cho… đúng bài bản, khiến tôi chỉ còn biết chắp tay vái dài sát đất trước tửu lượng quá ư hùng hậu của các đại sư tỉ.

Sáng hôm sau trên đường về, mấy anh bạn tôi móc điện thoại a lô cho ai đó rồi cười khì khì: “Ghé xã Lương Thế Trân nhậu tiếp, có một nhóm nữ lưu linh đang sẵn sàng đón tiếp tụi mình”. Nghe tới đó, nhớ tới trận nhậu kinh hoàng hôm qua, tôi thiếu điều muốn xỉu. Nhưng đi chung thì phải về chung, tôi đành nhắm mắt đưa chân theo đám bạn. Lúc xe chúng tôi ghé vào một căn nhà lá nằm giữa các ao nuôi tôm ở xã Lương Thế Trân thì đã nghe mùi bánh xèo bay theo gió thơm phức.

Vào nhà, trên bộ ván bằng gỗ, bốn chị phụ nữ tuổi khoảng 30- 40 đang ngồi lai rai chờ chúng tôi với một mâm bánh xèo nhân tôm, thịt vịt xiêm bằm và một can rượu đế 10 lít đã vơi gần 1/3. Chưa ăn được miếng bánh xèo nào, tôi đã tá hỏa, cổ họng cay xé vì bị buộc “vào cửa bửa một ly” theo đúng quy định của bàn nhậu.

Trong cuộc nhậu này, chiếc ly không xoay vòng như trận nhậu ở Cái Nước, nhưng tốc độ uống cũng nhanh đến chóng mặt vì mấy chị phụ nữ tuyên bố nhậu theo kiểu chia phe: bốn phụ nữ ngồi đối diện với bốn đàn ông “chọi nhau”, chiếc ly cứ chạy qua chạy lại liên tục giữa hai phe. Đến khi chị Ba chủ nhà đề xuất tăng tốc lên hai ly một lượt uống thì tôi bắt đầu nhìn thấy phe bên kia có đến… 8 chị phụ nữ, đành giơ tay đầu hàng xin ra võng nằm trong tiếng la ó chọc quê của mấy chị Hai Lúa đệ tử lưu linh.

Nhưng đâu phải như vậy là hết chuyện, xong chầu rượu đế, mấy anh bạn đánh thức tôi dậy bỏ lên xe gắn máy chở về khách sạn ở Cà Mau, còn chị Ba và các chiến hữu gọi điện thoại kêu xe tắc xi ra nhà hàng ngoài thành phố Cà Mau tiếp tục chiến đấu “tập hai” với mấy ông bạn của tôi. Sáng hôm sau, nghe nói cả bọn làm thịt thêm 5 két bia Sài Gòn, đến lúc mấy ông bạn của tôi “cho chó ăn chè” tại chỗ thì mấy chị phụ nữ mới hè nhau leo lên tắc xi về lại Lương Thế Trân.

Sau hai trận nhậu kinh hoàng ở Cà Mau, tôi về Sóc Trăng và lại “đụng trận” với các “nữ đệ tử lưu linh”. Một anh bạn đồng nghiệp ở Sóc Trăng quả quyết rằng, hiện nay mấy chị Hai Lúa ở vùng nông thôn có chồng, chưa chồng hay góa chồng… đều nhậu kinh hoàng, nhiều em gái mới 17-18 tuổi đã là tay nhậu cứng cựa nổi tiếng một vùng quê; nhiều bà tuổi sồn sồn đã bước qua hàng U50 – U60 trước đây chưa hề nhấp ngụm bia rượu nào, nay đi đám tiệc cũng sẵn sàng bưng ly “dzô 100%” ngọt xớt.

Thậm chí nhiều bà nhiều chị, những ngày không có đám tiệc, giỗ quảy thì tụ tập nhau lại, bắt gà vịt trong chuồng, kéo cá dưới ao làm mồi nhậu, chẳng thua gì đám bợm nhậu đàn ông. Anh bạn tôi quả quyết đây là chuyện thật 100% như uống rượu nguyên ly và tình nguyện dẫn tôi đi nhậu với các nữ Hai Lúa “đệ tử lưu linh” để được đích mục sở thị.

Từ thị xã Sóc Trăng, chúng tôi ra quốc lộ 1A đi về hướng cầu Phụng Hiệp rồi cho xe rẽ vào huyện Kế Sách. Đây là một trong những huyện vùng sâu heo hút của Sóc Trăng, dân cư còn nghèo khó, nhưng chuyện ăn nhậu của phụ nữ rất nổi tiếng.

Cho xe chạy tới ấp 7, xã T., tôi và bạn ghé nhà người quen của anh ta là dì N., đã hơn 50 tuổi. Nghe người bạn giới thiệu tôi là bạn thân, đi công tác ghé thăm và muốn so tài với những cao thủ ăn nhậu là phụ nữ, dì N. cười hì hì, nói: “Trời, tưởng chuyện gì, chuyện đó dễ ợt. Ngồi uống trà tự nhiên đi, để dì kêu mấy đứa nhỏ làm mồi nhậu, khách đến nhà hổng gà thì vịt, hổng có gà vịt thì còn cá dưới ao, lo gì không có mồi màng”.

Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, nồi cháo gà và một thau gỏi được bày ra, đứa con dì N. cũng lon ton đạp xe đạp về tới, chở theo một can rượu đế to tổ bố. Dì N. ra trước cửa ngõ ới một tiếng, thoáng chốc đã thấy anh chị Tư, chú thím Sáu, bà Năm, cô Bảy… ở lối xóm lục tục kéo tới, vừa bước vào mấy chị phụ nữ đon đã nói: “Trời, nhà có khách, bày tiệc nhậu sao không kêu tụi tui qua phụ làm gà, làm vịt” rồi tự nhiên phủi chân sà vào mâm nhậu. Dì N., sau màn giới thiệu “bạn nhậu”, liền rót rượu ra khai mạc cuộc nhậu bằng cách dzô 100% nguyên ly bầu ba. Sau đó chiếc ly lần lượt xoay vòng mỗi người một ly, kèm theo quy định nghiệt ngã của bàn nhậu ở vùng quê này là “không kê táng (uống cạn ly, không được chừa lại giọt nào), không khạc nhổ”, ai vi phạm lần đầu sẽ bị phạt một ly, vi phạm lần hai bị phạt hai ly và cứ mỗi lần vi phạm số ly rượu phạt sẽ tương ứng với số lần phạm lỗi.

Mới qua ba vòng đấu, mỗi người uống chưa được một xị rượu, tôi đã toát mồ hôi hột, mặt đỏ bừng, trong khi các bà các chị thì tỉnh queo cười nói, nốc rượu tì tì như… uống nước lã, mặt không đổi sắc. Nồi cháo gà và thau gỏi mới vơi phân nửa thì 5 lít rượu hết sạch, dì N. hét đứa con cấp tốc lấy xe đạp chạy ra tiệm kéo thêm 5 lít rượu nữa.

Rất may là anh bạn tôi lên tiếng đề xuất: “Trời trưa nắng gắt, uống rượu đế hết nổi rồi, bia bọt cho mát dì N. ơi”, nên bà N. móc điện thoại di động a lô cho tiệm tạp hóa gần nhà, kêu chở vô hai két BGI. Không thua kém gì các cô, các chị ở thành thị, dì N. và các bà bạn tuyên bố: “Chai ai nấy ôm” rồi gắp nước đá, khui bia lóc bóc. Trong cuộc nhậu, dì N. vui miệng kể rằng, các con dì đã lên thành phố làm công nhân cho các xí nghiệp, ở nhà chỉ còn hai vợ chồng già, kinh tế không giàu nhưng do bản tính mến khách nên thỉnh thoảng “chén rượu - chén trà” cho vui.

Ông B. chồng dì N. lý giải: “Mỗi tháng không dưới 15 ngày bà con, lối xóm mời đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, ăn mừng… gần đây còn thêm sinh nhật con, sinh nhật cháu chắt. Người ta quý mình nên mới mời đi dự đám, mà đã mời thì không thể không đi, đã đi thì không thể không uống bia rượu. Những chỗ thân tình, chồng đi đám vợ cũng đi và ông nhậu thì bà cũng… nhậu. Từ chỗ một vài bà biết nhậu, từ từ nhiều phụ nữ trong xóm thấy ham vui nên cũng… nhậu luôn".

Bà S. kể, tháng trước, bà và dì N. cùng hai chị em hàng xóm bán vườn bưởi được giá, bốn người vui tới… 5 lít đế, rồi còn karaoke vài đĩa mới nghỉ! Còn dì N. lần đi ăn tiệc ở miệt cồn Kế Sách, 9 bà “chơi” nửa ngày hết sạch 9 két bia khiến cánh đàn ông xanh mặt, phục sát đất. Dì N. còn cho tôi biết, phụ nữ xóm này nhậu cỡ đó nhưng cũng chưa bằng các chị phụ nữ ở xã A. huyện Kế Sách, Sóc Trăng.

Trong một lần đi đám cưới bên xã A, dì N. gặp chị P., 29 tuổi, là một tay nhậu cừ khôi được liệt vào hàng có số má trong xã, đã từng hạ gục nhiều người đàn ông có tiếng là cao thủ ăn nhậu. Lúc rảnh, chị P. cùng vài chị em lối xóm thường “nhâm nhi” vài xị gọi là “súc miệng cho đỡ ghiền”. Mỗi khi cao hứng, chị P. và các chiến hữu mỗi người ôm một chai rượu đế 5 xị, ai uống hết mới được nghỉ, ai không uống hết thì phải chịu chi trả tiền rượu, tiền mồi.

Nhưng sau này nhóm của chị P. toàn là cao thủ nên chiến đấu bất phân thắng bại, không xác định được ai là người phải trả tiền rượu, tiền mồi, nên bày ra trò: chai rượu 5 xị ai uống hết sau thì người đó trả tiền mồi, tiền rượu, khiến cánh đàn ông mỗi khi nhắc đến tên nhóm đệ tử lưu linh này đều sợ xanh mặt. Nhưng không riêng gì chị P., mấy người em gái của chị cũng được liệt vào hàng nhậu sếp sòng trong xã. Có cô mới 17 - 18 tuổi nhưng mỗi khi nhậu thì “ai uống tới đâu, tui nhậu tới đó, không say không về”.

Còn cô Tư và ba nàng công chúa con ruột đều được xếp hạng “đội mạnh” của xóm. Chị Hai H., chị của chị P., quả quyết nói: “Ở đâu tui hổng biết, chớ còn ở cái xứ này thì khi có đám tiệc, giỗ chạp… đàn ông đàn bà bình đẳng như nhau. Bàn đàn ông có rượu bia thì bàn đàn bà cũng phải như vậy. Nếu bàn đàn bà không có rượu bia thì chủ đám khỏi mời, để tụi tui ra quán nhậu cho sướng. Nhập tiệc, bàn này với bàn kia ai thích thì bưng ly qua giao lưu với nhau, ai uống hết nổi thì xin đầu hàng, ai say thì đi ngủ… cứ thế mà chơi tới bến, không say không về”.

Dì N. kể chưa xong câu chuyện về các nữ cao thủ ăn nhậu của xứ Kế Sách thì hai két bia đã hết, tôi và anh bạn cùng đi chưa kịp hoàn hồn thì dì N. đã a lô cho tiệm chở vô thêm hai két. Đến lúc này thì chúng tôi xin chào thua kéo nhau ra về, trong khi các bà các cô vẫn tiếp tục cuộc chiến với hai két bia mới.

Hậu quả từ những trận nhậu

Có thể nói, hiện nay phong trào ăn nhậu đang lan rộng khắp vùng nông thôn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang, một huyện thuộc loại vùng sâu vùng xa, dân cư còn nghèo khó, nhưng nhiều cán bộ huyện cho tôi biết ở 18 xã, thị trấn của huyện đều có phụ nữ biết uống rượu, trong đó có nhiều bà, nhiều chị được liệt vào hàng “cao thủ nhậu”, uống cả lít rượu đế không say.

Một cán bộ huyện còn xác nhận, nhiều em gái nông thôn tuổi 16 đến 25, mỗi khi có tiệc tùng uống trên một lít rượu là… chuyện bình thường ở huyện.Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn chị em phụ nữ nông thôn biết nhậu và nhậu nhiều thường rơi vào gia đình từ nghèo khó đến đủ ăn, học hành hạn chế… Một số trường hợp đồng lòng “chồng nhậu, vợ cũng nhậu” hoặc “mẹ nhậu, con gái cũng là đệ tử lưu linh”.

Chuyện ăn nhậu, trên một bình diện nào đó thuộc về tập quán, phong tục, thói quen. Nhưng việc phụ nữ ăn nhậu say sưa thì hầu như cả xã hội đều không chấp nhận. Một cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cho rằng hiện nay nhiều phụ nữ đi làm, giao tiếp xã hội nên không thể tránh được tiệc tùng, tiếp khách phải chung vui vài ly nhưng Hội không cổ vũ hay ủng hộ chị em uống rượu nhiều, uống thường xuyên đến mức trở thành bợm nhậu nổi tiếng, dư luận xã hội đánh giá rất thấp, khiến chị em phụ nữ không biết uống rượu cũng bị mang tiếng lây.

Trong khi đó một cán bộ của Mặt trận Tổ quốc huyện Giồng Riềng, Kiên Giang cho rằng: chuyện phụ nữ uống rượu không thể cấm đoán, nhưng người phụ nữ phải biết giữ chuẩn mực.

Tiệc cưới, họp mặt uống vài ly thì được, nhưng ngày nào năm bảy chị em cũng tụ tập bày trận nhậu, cầm ly hò hét vang trời “một, hai, ba dzô, dzô 100%” thì khó mà chấp nhận được. Nhiều người không đồng tình khi giới nữ uống rượu nhiều, uống thường xuyên, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn. Tuy nhiên, các cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở rất ngại ngùng khi vận động chị em hội viên bỏ nhậu vì sợ đụng chạm tự do cá nhân và cũng bởi nhiều cán bộ hội ở cơ sở cũng thuộc hàng cao thủ ăn nhậu.

Nhiều cán bộ Hội Phụ nữ cho biết, điều còn vớt vát được đối với những phụ nữ thường xuyên ăn nhậu ngất trời là phần lớn chị em khi nhậu say thì đi ngủ, ít trường hợp la ó, quậy phá xóm làng, ẩu đả gây mất trật tự làng xóm khiến người đời thị phi như cánh đàn ông. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp éo le đã xảy ra khi các chị phụ nữ ham vui quá chén, đến khi tỉnh rượu, hối hận thì đã muộn màng.

Cách nay chưa lâu, ở một xã vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Cà Mau, 5 chị phụ nữ tuổi sồn sồn giữa trưa nắng gắt buồn tình rủ nhau tổ chức ăn nhậu. Những chị này lâu nay được mệnh danh là “cao thủ rượu đế”, mỗi người uống hơn một lít rượu trong mình vẫn tỉnh bơ đi về nhà ngủ. Nhưng hôm đó phần vì nắng gay gắt, phần vì 5 người uống hết gần 9 lít rượu trắng, nên con ma men đã khiến các chị hành động thiếu suy nghĩ. Tàn tiệc nhậu, 5 chị say “ngất ngư con tàu đi”, nhưng vẫn khích bác nhau ra quán uống bia.

Trên đường đi, do trời nắng nóng nên các chị cao hứng rủ nhau cởi phăng áo ngoài vắt lên vai, chỉ mặc độc áo lót vừa đi vừa hát nghêu ngao khiến đám con nít rủ nhau bu theo vỗ tay coi rần rần như đám hát bội. Mấy bà mẹ già nhìn cảnh các chị nhậu say cởi trần, áo vắt vai đi nghênh ngang giữa đường hò hát om sòm, cảm thấy chướng tai gai mắt nên lên tiếng khuyên can, còn bị vài chị hùng hổ nạt nộ: “Nam nữ bình đẳng, đám đàn ông nhậu say cởi trần được thì tụi tui cũng cởi trần được, hà cớ gì mấy bà mắng mỏ tụi tui ?”. Không biết sau khi tỉnh rượu mấy chị Hai Lúa “đệ tử lưu linh” này nghĩ gì, nhưng cho đến nay chuyện này vẫn được người đời đem ra đàm tiếu mỗi khi trà dư tửu hậu.

Trong khi đó ở huyện L. tỉnh Vĩnh Long, gần đây dư luận hay bàn tán về chuyện một nhóm nữ đệ tử lưu linh tụ tập nhau ăn nhậu từ trưa đến tối, sau đó xe cộ mất sạch. Hôm đó khoảng 13h, bốn đệ tử lưu linh tụ tập ở nhà một người trong nhóm, chở theo mồi màng và bốn thùng bia Tiger. Họ ăn nhậu, ca hát, hò hét, chửi đời cho đến gần hai giờ sáng thì hết sạch bốn thùng bia, cả bọn say khướt rồi lăn ra ngủ như chết, bỏ mặc cửa nhà, cửa cổng không khóa. Trong khi đó, hai chiếc xe gắn máy đắt tiền dựng ngoài sân cũng không ai đủ sức khóa cổ xe hoặc dẫn vô nhà. Mãi đến gần 10 giờ sáng, khi một người trong bọn tỉnh rượu định lấy xe đi về thì hỡi ôi hai chiếc xe gắn máy đắt tiền đã không cánh mà bay, cho đến nay vẫn chưa truy tìm được tung tích.

Nhiều người dân Vĩnh Long khi nghe chuyện này, cười ruồi nói rằng: “Mấy thằng ăn trộm cũng còn nhân đạo, chỉ lấy xe gắn máy rồi thôi. Hôm đó, đám đệ tử lưu linh này nhậu say ngủ như chết kiểu đó mà gặp phải đám ăn trộm bất nhân, lũ trộm huy động đám tay chân mò đến thay nhau hãm hiếp thì bốn phụ nữ bợm nhậu chắc cũng chẳng hay biết trời trăng mây nước”.

Còn ở thành phố Mỹ Tho, gần đây người ta hay kháo nhau chuyện một phụ nữ bợm nhậu thuộc hàng cứng cựa đã đánh mất tất cả vào những trận nhậu nổ trời thâu đêm suốt sáng. Chị phụ nữ này cũng thuộc loại sắc nước hương trời, có chồng con đàng hoàng và trước đây chẳng hề biết đến giọt rượu bia nào. Nhưng gần đây, do quan hệ đối ngoại nhiều, nên chị này trở thành cao thủ nhậu từ hồi nào không hay, một mình cưa gần hết chai Chivas cũng chưa nhằm nhò gì, còn bia lon thì có thể làm 10 lon vẫn tỉnh bơ chạy xe gắn máy về nhà.

Từ khi biết mùi bia rượu, hầu như ngày nào chị này cũng có ít nhất là một trận nhậu, nhiều khi một ngày đánh tới 3-4 độ là chuyện bình thường. Nhưng điều gì tới rồi cũng tới, dù chị này nhậu say là về ngủ, chẳng đánh chửi ai, chẳng quậy phá xom làng, nhưng ông chồng không thể nào chấp nhận một người vợ tối ngày say xỉn, nên lẳng lặng chia tay, đứa con gái cũng đi theo cha vì không chịu nổi người mẹ lúc nào cũng nồng nực mùi bia rượu, về tới nhà là lăn ra ngủ như chết, bỏ bê công việc nội trợ.

Chồng con bỏ rơi, chị này càng nhậu dữ hơn và cặp bồ với một bạn nhậu, nhiều lúc hai người cùng nhậu tay đôi với nhau. Nhưng rồi sau một thời gian, anh chồng hờ cũng lẳng lặng chia tay với nữ đệ tử lưu linh thứ thiệt vì dù là dân nhậu nhưng anh ta thường tâm sự với bạn bè rằng: không thể nào chấp nhận một người phụ nữ ngày nào cũng say sưa be bét.

 

 

 

 

 

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2