Lượt thăm:239933460   Đang Online: 650

Cuộc sống quanh ta » Âm nhạc - Văn học »


Số lượt xem: 2796
Gửi lúc 08:16' 29/09/2011
Hoa quý vườn nhà
Tôi không thích đi chùa lạ. Đơn giản chỉ vì tôi yêu cái cảm giác gần gũi, ấm áp từ con người cho đến khung cảnh mỗi khi về với ngôi chùa thân quen, tựa hồ như được về chính nhà của mình. Cho nên, lần đầu tiên cái duyên đưa tôi đến với Thiền viện Phúc Trường, ấy cũng là lần đầu một mình tôi viếng thăm ngôi chùa “lạ”.



Kinh hành dưới bóng cây

 

Tôi không biết đường vào chùa, nên khi đến bến xe, phải đứng đợi Ni sư trụ trì cho người ra đón vào. Trong lúc chờ đợi, tôi mới “ngậm ngùi” phát hiện ra rằng, tôi đã “đánh” một vòng rất xa trong khi có chuyến xe đi tắt từ nhà tôi sang đây rất gần. Thế đấy! Cuộc sống là vậy. Chuyện tu hành cũng thế: đường dài hay ngắn tự nơi mỗi người. Dễ mà khó. Khó mà dễ. Là vậy.


…Tôi về đến thiền viện. Giữa hai bên đường phố, ngôi chùa nằm lẩn khuất giữa những tàn cây rộng, hài hòa giữa thiên nhiên và trời đất. Ni sư trụ trì đón tôi bằng nụ cười đôn hậu: “Con nghỉ mệt chút rồi cô dẫn con đi tham quan chùa. Bảo đảm năm phút sẽ xong”. Cất giỏ xách, uống ly nước mát, rồi tôi lẽo đẽo theo Ni sư đi một vòng quanh chùa. Khuôn viên chùa không rộng lắm và Ni chúng ở đây cũng không đông, cho nên từ chánh điện, nhà tổ cho đến nhà hành đường, nhà bếp… đều nhỏ gọn, bình dị - bình dị, chân chất như chính quý cô ở nơi đây.  Chiếm diện tích lớn nhất có lẽ là thiền đường vì ngoài việc để quý cô ngồi thiền, còn là nơi để Phật tử đến nghe giảng, tập tu. Và có lẽ ấn tượng nhất với tôi là ba ngôi thất được xây dựng y hệt cái nhà sàn nằm phía sau chùa như tách biệt hẳn với “thế giới bên ngoài”. Từ phía trên nhìn xuống, trông chúng rất ngộ nghĩnh, dễ thương, tiếc là tôi không thể vào được nơi này nên đành đứng ngoài mà tiếc… ngẩn ngơ.


Thật ra, vì tôi đang có chuyện rất phiền não, muốn tìm một nơi nào đó cho tâm hồn mình “trú ngụ” một chút, chỉ một chút thôi, chứ tôi vẫn biết, con người ta dẫu có đi đến cùng trời, cuối đất cũng không làm sao trốn chạy được chính mình. Nên lúc đầu, khi xách giỏ từ nhà đi, tôi định bụng chỉ ghé thăm thiền viện rồi về nhưng đến nơi rồi, chẳng hiểu sao, trước lời gợi ý của Sư trụ trì: “Con ở chơi đi. Ngày mai là ngày tĩnh tu của Phật tử. Nếu con muốn thì ở lại cho biết, còn nếu bận thì sáng về sớm cũng được…”, tôi đã ở lại liền, bất chấp cả việc không mang theo đồ. Một sư cô cho tôi mượn bộ đồ vạt khách. Sư phó thì tìm cho tôi một chiếc áo tràng để đi tụng kinh. Áo thì dài, quần thì hơi ngắn…quý cô nhìn tôi phì cười. Tôi cũng tự ngắm nghía mình, rồi gãi đầu, gãi tai cười trừ trước khi bước lên chánh điện…


Thính pháp

Đêm ở đây thật sâu và thật yên. Trời đất Bình Dương đã “đón” tôi bằng một cơn mưa tầm tã. Tôi mơ màng nằm nghe tiếng mưa rơi. Ai cũng bảo trời buồn nên trời đổ mưa nhưng biết đâu chừng, ấy lại là một trận cười dài của trời đất thì sao nhỉ?! Bao phiền não trong lòng chợt tan biến đi đâu? Tôi đã để nó trôi theo những giọt mưa ngoài song cửa hay đã “bỏ quên” nó vào buổi tụng kinh chiều nay khi lòng cứ mãi xao xuyến theo từng tiếng mõ, hồi chuông và những tiếng tụng kinh trầm bổng, hùng hồn... Chẳng biết nữa. Mà thôi, cũng không cần “tìm kiếm” nó lại để làm gì. Tôi chìm vào giấc ngủ, thật bình an.


5g sáng, tiếng xe máy, tiếng người lục đục. Thì ra, những Phật tử phụ trách lo bữa ăn sáng cho đạo tràng đến sớm để chuẩn bị. Mỗi người một việc. Chăm chú, cần mẫn. Người đến mỗi lúc một đông hơn, ăn sáng xong, đúng 7 giờ, sau hồi chuông, những chiếc y vàng nhè nhẹ quy tụ về chánh điện, các Phật tử cũng đã trang nghiêm, thanh tịnh, thành kính chắp tay để cùng nhau bắt đầu thời kinh sám hối. Trong cái không khí dìu dịu của buổi ban mai, lời kinh tiếng kệ như một dòng suối tinh khiết chảy qua hồn người, tắm gội niềm tin vào sự hướng thiện. Thời khóa tĩnh tu khá sít sao: Buổi sáng thì: Tụng kinh - Ngồi thiền - Nghe pháp; Còn buổi chiều thì: Nghe pháp - Ngồi thiền. Tôi tự nhủ: giá mà lúc nào mình cũng được “bận rộn” với chuyện tu hành như thế thì còn thì giờ đâu để mà khởi niệm: yêu - ghét - khổ - vui - buồn - giận…?


Giờ thọ trai, Phật tử gần 200 người mà chẳng hề ồn ào, náo động. Tất cả dường như đã vào nề nếp. Thật ra, việc xây dựng được một đạo tràng của thiền viện và giữ cho đạo tràng ấy được vững mạnh, tinh tấn không phải là chuyện dễ. Bởi theo lẽ thường, “Bụt nhà không thiêng”, Phật tử thường ít khi chịu đi chùa gần, mà lại thích đi đến những ngôi chùa xa. Trong khi đó, đạo tràng Trúc Lâm Phúc Trường toàn là những Phật tử của địa phương, đều đặn mỗi tháng hai lần tham dự khóa tĩnh tu; còn buổi chiều hàng ngày, thì các Phật tử cũng đến chùa để tụng kinh rất đông. Đó là một  nét đẹp trong đời sống Đạo mà tôi cảm thấy rất ngưỡng mộ.



Tọa thiền


Nói đến đây, bỗng dưng tôi nhớ đến một câu chuyện mà tôi đã được đọc ở đâu đó. Lâu quá rồi nên tôi chỉ nhớ đại khái thế này: Có một anh chàng ngày đêm băng rừng, lội suối để đi tìm xem loài hoa nào có hương thơm nhất. Sau những năm tháng rong ruổi mà vẫn không tìm thấy, một ngày kia, mệt mỏi, anh quay trở lại nhà mình. Đêm hôm ấy, nằm trên giường, bất chợt, gió đưa hương len lỏi vào tận phòng, anh cảm thấy mùi hương này hết sức đặc biệt. Anh vội vàng ngồi dậy, mở toang cửa, chạy ra sau vườn tìm kiếm. Thì ra, mùi hương mà bấy lâu anh mải miết kiếm tìm lại thuộc về một bông hoa nằm ngay trong vườn nhà của anh…


Vậy đó. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cứ chạy theo những gì xa tầm với, cứ mãi kiếm tìm những điều xa tít mù khơi… Rồi một ngày nào đó lại chợt giật mình nhận ra, đôi chân trần rướm máu, còn “hạt châu” lại nằm ngay trong “chéo áo” của mình. Có bài học nào cho tôi hôm nay?
Xin được cám ơn một sự hạnh ngộ tình cờ, một lần dừng chân để tôi có thể nhận ra những giá trị thiêng rất gần gũi trong đời sống hàng ngày mà có khi trong tất bật dòng đời, ta đã vô tình bỏ lại phía sau lưng...

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2