Lượt thăm:240624390   Đang Online: 820

Số lượt xem: 42227
Gửi lúc 10:35' 08/12/2011
Hạn làm nhà, 49 chưa qua - 53 đã tới và cách hóa giải

" Hạn làm nhà "


Lâu nay, trong dân gian vẫn tồn tại quan niệm về "hạn làm nhà". Người ta tin rằng, khi gia đình xây cất nhà mới thì khó có thể tránh khỏi tai ương, nhẹ thì mất của, ốm đau, nặng hơn thì mất mạng. 


Làm nhà xong thì…

Đã gần một năm trôi qua song chị Nguyễn Thị Soát, xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn chưa thể quen được với cuộc sống mãi mãi thiếu vắng người chồng mà chị hết mực yêu thương.

Buổi tối Tết Dương lịch vừa qua, như mọi khi, anh Nguyễn Văn Bình - chồng chị lại đi xe máy đến đón vợ đang bán ngô luộc trong thị trấn, cách nhà chừng năm cây số. Trên đường về, không may, một chiếc taxi đang chạy ở tốc độ cao bị long bánh đã đâm thẳng vào vợ chồng chị khiến anh Bình tử vong tại chỗ, còn chị bị giập xương sườn, gãy tay, phải nằm điều trị trong bệnh viện cả tháng trời.

Chuyện sẽ chẳng có gì  đáng nói nếu như người nhà chị không đi xem bói. Thầy bói phán: Nhà chị "bị dính hạn làm nhà rất nặng, động đến long mạch nên bị  thần phạt, bắt gia chủ phải thế mạng". Nghe thế, mọi người trong gia đình rất lo sợ, vội vàng mời thầy đến giải dù đã muộn.
 
Trong căn nhà nước sơn vẫn còn mới, chị Soát nghẹn ngào kể: "Năm ngoái, nhờ số vốn tích góp của hai vợ chồng và  vay mượn thêm họ hàng, vợ chồng tôi đã xây nhà mới, thay cho ngôi nhà mái rạ dột nát. Ấy thế mà...", chị bỏ lửng câu nói, nghẹn ngào, ngước đôi mắt lên bàn thờ có di ảnh của chồng vẫn còn thoảng mùi hương.

Dù chị tự nhận "không tin vào chuyện mê tín" song trước khi làm nhà, để yên tâm, vợ chồng chị cũng đã mời thầy đến xin thần Thổ công. Thế nhưng, đến bây giờ, chị vẫn không thể lý giải được sự trùng hợp giữa việc làm nhà với sự ra đi của chồng. 

Những lý giải

Tôi đem câu chuyện của gia đình chị Soát đến gặp GS Nguyễn Trường Tiến, chủ tịch Hội Cơ học Đất và Địa kỹ  thuật công trình Việt Nam. Ông Tiến thừa nhận: Chuyện "hạn làm nhà" cũng không phải là không có căn cứ".

Ông lý giải: "Xét theo góc độ lịch sử, mỗi mảnh đất đều trải qua nhiều đời chủ. Đầu tiên là công của những người mở cõi, lập làng, họ sẽ chia đất đó cho dân làng đến ở. Khi họ mất đi được nhân dân phong làm Thành hoàng làng và dựng đình, đền thờ. Đó được coi là người chủ đầu tiên. Cứ thế, đời ông bà, cha mẹ để lại đất đai cho con cháu, rồi người này sang nhượng cho người khác... Từ đó có thể khẳng định, mảnh đất hiện tại chúng ta đang ở là sự kế thừa của những tiền chủ. Thứ hai, trong lịch sử cũng ghi nhận có những trường hợp khi người thân mất đi, gia đình sẽ chôn ngay trong vườn nhà hoặc trong khu đất mà người chết lúc còn sống cai quản. Về mặt tâm linh, cổ nhân quan niệm, "hồn" của người chết vẫn cai quản mảnh đất đó. Vậy nên, khi xây nhà, cần phải có sự "xin phép" họ.

Thêm nữa, chính sự bùng nổ  dân số đã khiến cho người ta phải san ủi, di chuyển những khu nghĩa địa để lấy đất xây nhà  cửa. Trong trường hợp này, ít nhiều đã có sự xâm phạm đến người đã khuất, cũng giống như việc bạn đang ở nhà mình nhưng lại bị người khác ngang nhiên phá nhà của bạn, xây nhà của họ trên chính mảnh đất của bạn. Nếu làm không tốt khâu "giải phóng mặt bằng" thì người sống cũng sẽ khó mà yên tâm được. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Về mặt khoa học, việc xây nhà trên những khu đất từng là nghĩa địa cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khoẻ của người sống trong đó, vì có thể trường năng lượng của tiền chủ không hợp với trường năng lượng của gia chủ hiện tại, âm khí nặng hơn thì những người vốn đã có sức khoẻ yếu, người già sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất, bị ốm đau, bệnh tật, thậm chí là mất mạng".

KTS Phạm Cương, giám đốc Phong thủy, Công ty Nhà Xuân cũng cho rằng: "Làm nhà là một việc lớn trong cuộc đời mỗi người. Vì vậy mà khi tiến hành xây dựng, gia chủ luôn mong muốn mọi việc được may mắn, hanh thông. Bằng kinh nghiệm tích lũy từ ngàn năm trước, các cụ có truyền lại kinh nghiệm "Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông". Khi làm nhà, người chủ phải tránh được cả ba hạn là Kim Lâu (có hai cách hiểu: Cứ số hàng đơn vị của tuổi âm lịch là 1, 3, 6, 8 (ví dụ tuổi 21, 23, 26, 28...) thì năm đó là năm phạm Kim Lâu; Cách khác lại lấy số tuổi chia cho 9, nếu số dư là một trong các số trên là Kim Lâu), Hoang Ốc (tính tuổi nếu vào các cung Địa Sát, Thụ Tử, Hoang Ốc), Tam Tai (những người sinh năm Dần - Ngọ - Tuất thì các năm Thân - Dậu - Tuất là hạn Tam Tai, Thân - Tí - Thìn thì gặp hạn vào các năm Dần - Mão - Thìn, Tị - Dậu - Sửu gặp hạn vào các năm Hợi - Tí - Sửu, Hợi - Mão - Mùi gặp hạn vào các năm Tị - Ngọ - Mùi). Dân gian vẫn quan niệm rằng, những người có tuổi rơi vào chu kì thời gian xấu tính theo hạn này thì hay gặp xui xẻo trong quá trình xây dựng".

Có thể tránh được

Cả GS Nguyễn Trường Tiến và KTS Phạm Cương đều khẳng định "có thể  khắc phục được".

Ông Cương lấy dẫn chứng, trên thực tế, dù người chủ không được tuổi song vẫn có thể tiến hành xây nhà bằng cách mượn người được tuổi "động thổ" giúp. Như vậy có thể tránh được những điều không may xảy ra trong quá trình xây nhà.

Ông cũng cho biết thêm: "Thực tế cho thấy, thường tuổi xây nhà xấu hay tốt sẽ ứng vào những việc cụ thể trong quá trình kiến tạo công trình. Còn những "hên, xui" thường gặp khi vào sống trong ngôi nhà đó như bị ốm đau, chết chóc thì lại ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, chẳng hạn như cấu trúc ngôi nhà, các vị trí bố trí đồ đạc hoặc thậm chí cả lối ra, lối vào của đường nước hay hầm cầu, điều này thể hiện khá rõ dưới quan điểm của khoa Phong thủy".

GS Nguyễn Trường Tiến cũng cho rằng, khi làm nhà gặp chuyện không hay cũng có  một phần lỗi của người chủ. Hiện nay, nhiều gia chủ xây nhà chỉ dựa trên kinh nghiệm, không có một sự chỉ dẫn kỹ thuật nào. Trong lúc thi công thì chủ quan, không chú ý đến an toàn lao động. Do đó khó tránh khỏi tai nạn, rơi, ngã, thậm chí có trường hợp xây nhà xong thì bị sập. Trong trường hợp đó thì chẳng có cái hạn nào cả, chỉ là hệ quả đã được dự báo trước. "Quan trọng nhất vẫn là cần phải có một nhà tư vấn thiết kế", ông Tiến nhấn mạnh.
 
"Thông thường, trong khi xây nhà, để yên tâm, gia chủ thường làm một lễ cúng Thổ công, tổ tiên để cầu mong mọi việc hanh thông. Đó là vấn đề tâm linh, niềm tin nên không cần đặt ra chuyện "có nên hay không" ở đây được. Vấn đề là, chỉ cần một lễ nhỏ, thành tâm là được. Còn khi có chuyện không hay xảy ra, người ta lập đàn tế lễ linh đình. Cái đó là không cần thiết, gây tốn kém. Cần phải xem xét lại nguồn cơn của tai họa đó, nếu chỉ là do phần thi công thì phải điều chỉnh cho phù hợp chứ không thể đổ hết lỗi cho phần âm được".

GS Nguyễn Trường Tiến



"49 chưa qua, 53 đã tới"


Dân gian vẫn có câu "49 chưa qua, 53 đã tới" với hàm ý đó là hai "tuổi hạn" nặng nhất trong đời người. Vậy "tuổi hạn" là gì? Tại sao lại có quan niệm này? Có thật sự hai tuổi 49, 53 mang hạn nặng nhất? Có cách nào để hóa giải không? Các chuyên gia phong thủy, Phật học sẽ cùng giải thích vấn đề này

Thực hư "tuổi hạn"

Theo quan niệm dân gian, mỗi người đều trải qua những "tuổi hạn" nhất định. Nhiều người vẫn tin rằng, vào năm "hạn" sẽ gặp những chuyện không hay, thậm chí là mất mạng. Thực hư câu chuyện này như thế nào?

Quan niệm về "tuổi hạn"

Cư sĩ Lương Gia Tĩnh, viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết, trong Kinh điển Phật giáo không bàn đến và cũng không trực tiếp phủ định vấn đề phong thủy số mệnh như "tuổi hạn". "Mọi biểu hiện giàu - nghèo, thọ - yểu, rủi - may... ở đời này đều bị chi phối bởi 2 loại nghiệp lực do chính con người tạo ra. Thứ nhất là "nghiệp bản hữu", là thứ nghiệp do kiếp trước mình tạo ra, nó như hạt giống (chủng tử), gen, nhân... tốt hay xấu mà mình nhận ở đời này. Thứ hai là "nghiệp tân huân", là thứ nghiệp do chính mình tạo ra trong cuộc sống hiện tại thông qua việc làm (thân), lời nói (khẩu), suy nghĩ (ý)".
 
Tuy nhiên, ông Tĩnh cũng nhấn mạnh: "Từ xa xưa, các nước phương Đông coi vấn đề phong thủy số mệnh là một môn khoa học dự báo, là sự tổng kết kinh nghiệm từ trong thực tiễn lâu dài và là nét văn hoá đặc trưng. Vì thế, khi Phật giáo du nhập vào đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều nhà sư tinh thông tướng số và phong thủy, vận dụng kiến thức trên chỉ như là phương tiện, là biện pháp tối ưu để cải tạo hoặc bồi đắp thêm cái "nghiệp bản hữu" và tăng trưởng "nghiệp tân huân", tạo nên nghiệp tốt cho đời sau chứ không phải là cứu cánh. Xấu tốt đều do chính mình tạo ra và chịu trách nhiệm chứ không hoàn toàn do "tuổi hạn" quyết định".

Còn theo GS Nguyễn Trường Tiến, chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, người thường xuyên nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề này thì: "Tuổi hạn chỉ là quan niệm dân gian, bằng kinh nghiệm cuộc sống mà người ta đúc kết nên. Có thể đúng với đại đa số người này nhưng không đúng với một bộ phận người khác. Tuy vậy, nhìn chung quan niệm đó khá phổ biến trong xã hội".

Cách tính "tuổi hạn"

Theo GS Nguyễn Trường Tiến, có ba cách tính "tuổi hạn" hay còn gọi là "năm tuổi". Thứ nhất là theo chu kỳ 12 năm/lần (tương ứng với 12 con giáp), nghĩa là người ta sinh ra ở năm nào thì đúng 12 năm sau sẽ là "năm tuổi". Chu kỳ thứ hai là 9 năm/lần (tương ứng với số phong thủy của mỗi người cao nhất là 9). Chu kỳ 3 là 10 năm/lần (tương ứng với 10 can). Ở vào những chu kỳ đó, con người chắc chắn sẽ có sự thay đổi.
"Trên thực tế, do thiếu hiểu biết nên nhiều người vẫn quy kết "hạn" là xấu. Thế mới có chuyện vào "năm tuổi" dù gặp "hạn" sao Mộc Đức, Thái Dương đều rất tốt nhưng nhiều người vẫn vất vả nhờ thầy cậy thợ giải hạn, lấy hết sao tốt đi thì còn gì là phúc nữa, chưa kể gây tốn kém tiền của. Đó là điều cần tránh!".
Ông Trần Ngọc Kiệm (Chuyên gia phong thủy)
Ông Trần Ngọc Kiệm, chuyên gia phong thủy lại viện dẫn một cách tính khác. Đó là cách tính Cửu diệu tinh quân. Lấy hai số hàng chục và hàng đơn vị của tuổi mụ cộng lại với nhau rồi trừ cho 9. Nếu số dư là 1 và 4 có nghĩa là "năm hạn" của mỗi người, tương ứng với các sao La Hầu, Thái Bạch (nam) và sao Kế Đô, Thái Âm (nữ).

Ngoài hai cách tính trên, theo ông Lương Gia Tĩnh, phổ biến hơn cả vẫn là cách tính hạn Kim Lâu, Hoang Ốc và Tam Tai. Dân gian có câu: "Một, ba, sáu, tám Kim Lâu; Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu thì đừng". Ở đây có hai cách hiểu: Cứ số hàng đơn vị của tuổi (tính theo tuổi âm lịch) là số 1, 3, 6, 8 (21, 23, 26, 28, 33...) thì năm đó là năm phạm Kim Lâu; Cách khác lại cho rằng, lấy số tuổi chia cho 9, nếu số dư là một trong các số trên là phạm Kim Lâu. Hoang Ốc là tính tuổi nếu vào các cung Địa Sát, Thụ Tử, Hoang Ốc thì không nên làm nhà hoặc các việc lớn.
 
Còn hạn Tam Tai là những người sinh năm Dần - Ngọ - Tuất thì hạn vào các năm Thân - Dậu - Tuất, Thân - Tí - Thìn thì hạn vào các năm Dần - Mão - Thìn, Tị - Dậu - Sửu thì hạn vào các năm Hợi - Tí - Sửu, Hợi - Mão - Mùi thì hạn vào các năm Tị - Ngọ - Mùi.

Có phải vào "tuổi hạn" thì toàn xấu?

Ông Kiệm dẫn chứng, từ xưa tới nay hễ nghe đến "tuổi hạn" là nhiều người nghĩ tới những điều xấu, không may đến với mình. "Thực tế không hoàn toàn như vậy. Theo từ điển Hán Việt thì "hạn" là vùng đất nguy hiểm, ranh giới, phạm vi quy định, kỳ hạn quy định, ngưỡng cửa... Ví dụ: Đến hạn lên lương, thăng quân hàm, nhận lãi tiết kiệm... "Tuổi hạn" cũng thế. Nó đánh dấu sự kết thúc của một quá trình này nhưng có thể lại là mở đầu của một quá trình khác. Nó không có toàn tốt hoặc toàn xấu mà thường xen kẽ theo kiểu trong rủi có may", ông Kiệm khẳng định.

Trên cơ sở đó, ông cho rằng, không nhất thiết vào "năm hạn" thì người ta không được làm việc lớn. "Khi gặp hạn sao xấu (La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô, Thái Âm) thì vẫn có thể mua đất, xây nhà, sửa chữa nhà cửa, mua xe hoặc sắm tài sản có giá trị, thuyên chuyển công tác, xây dựng gia đình, sinh con... Tuy nhiên, cũng cần phải xem có sao Long Đức, Phúc Đức, thời vận của các thành viên trong nhà và lưu ý có các hạn khác đi kèm như Kim Lâu, Tam Tai, Hoang Ốc hay không", ông nhấn mạnh.

GS Nguyễn Trường Tiến cũng đồng quan điểm khi cho rằng, quan niệm về "tuổi hạn" và những tốt - xấu đi kèm thuộc về đức tin của mỗi người. Do đó, không thể ngăn cấm, xóa bỏ nó. "Cái quan trọng là mỗi người cần nhận thức đầy đủ, tỉnh táo để không bị lừa gạt bởi những trò mê tín dị đoan. Khi cơ hội đến mà không nắm lấy rồi đổ cho "tuổi hạn" thì hoàn toàn sai lầm", ông Tiến lập luận.


"Quan niệm "tuổi hạn" là tri thức kinh nghiệm, chưa được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, ngay trong Vật lí học và Triết học hiện đại cũng thừa nhận có một loại "vật chất" gọi là "vật chất tối" (Dark matter) bên cạnh vật chất thông thường. Chúng ta không nhận biết được "vật chất tối" nhưng có thể khẳng định rằng chúng có thực, vì hiệu ứng chúng đem lại là có, không phụ thuộc vào cảm giác của chúng ta. "Tuổi hạn" cũng là một phạm trù như thế".

Ông Lương Gia Tĩnh



 Cách hóa giải

Theo quan niệm dân gian, hai tuổi 49, 53 là "tuổi hạn" nặng nhất trong đời người. Điều đó có đúng không? Lý giải như thế nào? Vì sao có người ở vào "tuổi hạn" thì gặp "hạn" nặng, có người lại không vấn đề gì? Có cách nào để hóa giải "hạn" hay không?

Ý nghĩa của tuổi 49, 53

Năm nay, ông Nguyễn Mạnh Trường (xã Tân Hưng, TP Hải Dương) 49 tuổi. Vì thầy tướng số phán năm nay ông gặp "hạn" nặng nên ông không dám đi đâu xa. Cô con gái làm công nhân trong Bình Dương gửi tiền về cho bố mẹ mua chiếc xe máy để tiện đi lại nhưng ông cũng không dám đi mua, phải nhờ người em họ "được tuổi" đứng tên và mua xe, dắt về tận nhà trao cho ông bà. Ông bảo: "Thôi thì có thờ có thiêng, cứ kiêng kỵ cho chắc ăn".

Chuyên gia phong thủy Trần Ngọc Kiệm thừa nhận: "Trong thực tế, bất cứ thời gian nào trong cuộc đời đều có thể gặp vận hạn xấu, nhưng thường thì tỷ lệ thấp hơn tuổi 49, 53".

Ông lý giải: "Có nhiều cách giải thích. Cách thứ nhất, khi cộng dồn số 49 và 53 ta thấy: 4 + 9 = 13, 1 + 3 = 4, tương ứng với nam gặp sao Thái Bạch, nữ gặp sao Thái Âm; 5 + 3 = 8, tương ứng nữ gặp sao Thái Bạch, nam gặp sao Thái Âm. Mà "Thái" là quá, Bạch là trắng (chủ về tang chế, tai nạn, xương cốt). "Âm" là tối, đen, nước, hiểm trở (chủ về ốm đau, dao kéo, xe cộ, sông nước).

Cách thứ hai, chòm sao Thái Tuế quản 12 năm hàng Chi, khởi điểm (1 tuổi) mang sao Thái tuế, cứ 12 năm lặp lại một lần. Vào những năm có số tuổi chia cho 12 dư 1 như sau: 13, 25, 37, 49, 61, 73, 85 sẽ mang sao Thái Tuế. Mà Thái Tuế chủ về quan sự, khẩu thiệt, hao tốn, ốm đau, tang chế... Trước Thái Tuế có Thiên Không, sau Thái Tuế có Quán Sách, đôi sao này thuộc "hỏa" và không có lợi.

Cách tính thứ ba, theo quy luật của tạo hóa thì từ khi thai nghén, con người đã theo chu kỳ 7 x 7. Theo đó, các mốc có số 7 như 7 giờ, 7 ngày, 7 tuần, 7 tháng, 7 năm đều đánh dấu sự thay đổi quan trọng . Cụ thể, 7 năm thứ nhất phát triển chiều ngang, 7 năm thứ hai phát triển chiều cao, 7 năm thứ ba phát dục, 7 năm thứ tư phát triển cơ bắp, 7 năm thứ năm phát triển trí tuệ, 7 năm thứ sáu phát triển toàn diện, 7 năm thứ bảy dừng lại, ổn định, dần suy giảm. Mà 7 x 7 = 49 sẽ hết một chu kỳ, có thể sẽ bị diệt vong, cũng có thể sẽ phát triển chu kỳ tiếp theo.

Đó là sự sinh, còn xét ở sự tử thì khi con người mất đi cũng theo luật tạo hóa, cái gì sinh trước sẽ mất trước, sinh sau mất sau. Do đó, người ta mới có lễ Tứ Cửu (49 ngày). Cũng theo quy luật đó thì hết vòng 49, 53 thì mọi sự lại tốt đẹp, hồi xuân".

Ông Lương Gia Tĩnh, viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam đưa ra một cách lý giải khác: 49 là năm "hạn" Tam Tai, còn 53 là tuổi Kim Lâu. Hai "hạn" này đều nặng, tránh làm việc lớn.

GS Nguyễn Trường Tiến, Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam lại cho rằng, câu "49 chưa qua, 53 đã tới" mang ý nghĩa phiếm chỉ một loạt tuổi từ 49 - 53 chứ không hoàn toàn gói gọn trong hai tuổi ấy. "Xét về mặt khoa học, ở vào khoảng tuổi này đồng nghĩa với việc người ta đã bước sang nửa kia của đời người. Sức khoẻ bắt đầu giảm sút, sức đề kháng kém hơn, nguy cơ ngã bệnh cao hơn, xương cốt yếu hơn... Do đó mà nhiều người bị bệnh, thậm chí là thiệt mạng.

Về mặt tâm linh, từ tuổi 49 - 53 ứng vào con số 5 (là số ngũ hành, gồm sinh - lão - bệnh - tử - sinh). Nếu ai đó vượt qua được nghĩa là họ đã thay đổi nhịp sinh học để bước vào một chu kỳ phát triển mới trong đời", ông Tiến phân tích.

Cách hóa giải "tuổi hạn"

Thực tế, ở vào "tuổi hạn", mức độ nặng - nhẹ lại tùy thuộc vào mỗi người. Xuất phát từ quan điểm của Phật giáo xét trong mối quan hệ "nhân - quả", ông Lương Gia Tĩnh cho rằng, vì "nghiệp bản hữu" (tạo từ kiếp trước) và "nghiệp tân huân" (những việc làm, lời nói, suy nghĩ trong hiện tại) của mỗi người khác nhau. Do đó, mức độ của "hạn" đối với mỗi người cũng khác nhau.

Còn theo chuyên gia phong thủy Trần Ngọc Kiệm thì ngoài yếu tố tự thân mỗi người (chiếu bản mệnh) còn có chiếu gia sự, nghĩa là nếu như năm đó trong nhà có nhiều người cùng "tuổi hạn" thì sẽ gặp hạn nặng hơn.

Mặc dù thừa nhận ai cũng sẽ phải trải qua những "hạn tuổi" xấu trong đời song các chuyên gia phong thủy, Phật học đều cho rằng vẫn có cách hóa giải chúng.

Ông Tĩnh dẫn chứng: "Phật dạy rằng: "Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn dễ kiêu sa nổi dậy". Những khó khăn, trở ngại chính là động lực để tôi rèn nên ý chí, sức khoẻ của mỗi người. Có thể, những sự việc không hay xảy ra vào "năm tuổi" của người ta chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên song lại được nhìn nhận đó là "hạn", là cái tất yếu sẽ xảy đến. Để tránh, giảm mức độ của "hạn", nếu năm đó là "năm hạn" thì không nên làm những việc đại sự, nên chú ý hơn trong việc ăn, uống, nghỉ ngơi, cẩn thận hơn trong mọi hành xử. Nếu là bất khả kháng thì hãy vận dụng tối đa mọi phương cách hạn chế, với tâm thái an nhiên tự tin trong công việc. Không được hoảng loạn dẫn tới sai lầm khi có một sự cố nào đó xảy ra (mà nhiều khi là ngẫu nhiên, ở những năm khác thì là điều bình thường)".

Đến nay, vấn đề "tuổi hạn" cũng như quan niệm cho rằng tuổi 49, 53 mang "hạn" nặng nhất vẫn chỉ dựa trên cơ sở kinh nghiệm dân gian đúc kết lại. Khoa học chưa thể giải mã vấn đề này một cách thấu đáo. Do đó, nó vẫn còn là một bức màn bí ẩn.

"Về mặt tâm linh, việc "giải hạn" cũng nên làm để người ta thấy yên tâm nhưng phải trên tinh thần coi đó chỉ là phương tiện, không được tốn kém lãng phí (thời gian và tiền của) để rồi rơi vào tâm lí cầu xin mà ỷ lại. Cách "giải hạn" hiệu quả nhất vẫn là nhận ra được bản chất của vấn đề, tỉnh táo, tự tin tiên liệu".

Ông Lương Gia Tĩnh
(Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam)






Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2