Lượt thăm:240692580   Đang Online: 660

Số lượt xem: 2113
Gửi lúc 08:23' 18/05/2011
Giá giảm: Một mừng, hai lo

Nhìn thấy tín hiệu vui về giảm giá, nhưng cũng còn đó những nỗi lo trong cuộc chiến chống tăng giá. Lời giải cho bài toán ấy không chỉ nằm ở những giải pháp tình thế để kiếm soát tình hình, mà ở ngay chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Hơn tuần trở lại đây, các bà nội trợ cảm thấy nhẹ lòng hơn mỗi khi đi chợ vì giá cả bắt đầu chững lại hoặc giảm chứ không còn tăng chóng mặt như trước. Dường như, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nỗ lực kiềm chế giá của từng bộ, ngành địa phương đã góp phần "chuyển động thị trường - giá cả".

Sự tiết kiệm hơn trong chi tiêu của đại đa số dân chúng, quyết liệt trong việc ngăn chặn việc đẩy giá bất hợp lý, sự nỗ lực trong việc cân đối cung cầu của nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm như thịt, cá, rau củ quả...đã góp phần làm cho cung bắt đầu đáp ứng cầu, thậm chí có dấu hiệu vượt cầu khiến giá cả... dừng tăng và có xu hướng giảm. Nhận định của không ít chuyên gia cho rằng, xu hướng giảm giá có thể thấy rõ rệt hơn kể từ tháng 6 tới.

Tuy nhiên, niềm vui nhen nhóm cạnh những nỗi lo. Nhận diện lạm phát cao và dai dẳng ở Việt Nam, ngoài nguyên nhân của yếu tố tiền tệ, còn đó nỗi lo về chuỗi cung ứng hàng hóa ra thị trường, cái tay nối dài của việc đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người dân.

Lạm phát kéo dài thời gian qua đã làm lộ diện những hạn chế trong chuối sản xuất - phân phối. Nói một cách hình ảnh thì "ma sát" của chuỗi" sản xuất - phân phối này là "thủ phạm" khiến chống lạm phát  vốn khó khăn còn khó khăn hơn.

Đơn cử, để chuyển một kilogram tôm đi từ Thái Bình về thủ đô Hà Nội, chúng ta phải tiêu tốn 3 tiếng, trong khi ở các nước, với cùng quãng đường ấy chỉ mất chừng nửa tiếng.

Một cây bắp cải ở đồng ruộng chỉ 2.000 đồng/kg nhưng về đến chợ đầu mối đã lên đến 8.000 đồng.

Hay cân đường hiện giao tại nhà máy giá chỉ 17.000 đồng/kg, nhưng về tới  chợ đã vượt lên đạt mức 24.000- 25.000 đồng/kg...

Những thực tế ấy đặt chúng ta trước hai mối lo. Một là, hạ tầng thương mại của Việt Nam quá yếu phải còng lưng cõng nhu cầu gia tăng.

Chỉ tính riêng hệ thống giao thông vận tải, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, việc hạn chế về hạ tầng khiến chi phí vận chuyển của Việt Nam cao một cách bất hợp lý, vào khoảng 30-40% tổng chi phí so với con số 15% ở các quốc gia khác. Hậu quả là làm chậm tốc độ lưu chuyển và gia tăng rủi ro trong quá trình vận chuyển, và đội giá hàng hóa lên.

Vả lại, ở Việt Nam, không chỉ yếu kém hạ tầng, mà các chuỗi cung ứng sản phẩm phần lớn hướng đến thị trường xuất khẩu, trong khi người tiêu dùng trong nước phần nào bị xao nhãng thậm chí bỏ quên.

Câu hỏi mấu chốt là liệu Việt Nam có thể cải thiện dịch vụ vận tải hậu cần và cơ sở hạ tầng của mình nhanh chóng hay không?

Cùng với thực trạng hạ tầng, tính minh bạch, công khai trong việc mua bán hàng hóa đang đẩy người sản xuất vào thế bị ép, còn người tiêu dùng thị bị thiệt...

Trong bối cảnh lạm phát, khâu phân khối yếu, thậm chí bị chia cắt, đứt đoạn, tạo điều kiện cho các đầu nậu thao túng giá nhiều mặt hàng.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, việc bình ổn cung cầu  hàng hóa đang thiếu một nhạc trưởng chỉ huy thực sự. Trong báo cáo của các bộ, ngành, địa phương luôn nhấn mạnh cần cân đối cung cầu hàng hóa. Nhưng một câu hỏi đặt ra không dễ trả lời là: ai cân đối cung cầu, cân đối bằng tiền vốn ở dâu và bán ở địa chỉ nào?

Giá sữa cao hết năm này đến năm khác, cơ quan quản lý gần như bó tay. Giá gas từ đầu năm đến nay tăng 4-5 lần...cũng không thấy cơ quan nào can thiệp. Giá trông giữ xe tăng đều, bất chấp cơ quan chức năng xử lí.

Chúng ta đang thực hiện bình ổn giá ở nhiều địa phương, nhất là tại Hà Nội và thành phố HCM. Thế nhưng, không ít người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chương trình. Bán hàng bình ổn giống như "con đom đóm đực giữa màn đêm", bởi cung hàng bình ổn chỉ bằng ¼, thậm chí thấp hơn nữa đối với tổng cầu hàng hóa trên thị trường.

Hàng ít sao có thể "bình" hay "ổn" thị trường một cách dài lâu và hiệu quả?Trật tự về giá không thể lập lại nếu không lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, giá cả áp đảo giá cả.

Câu chuyện bia chai Vạn Lực của Trung Quốc có thời làm mưa làm gió thị trường phía Bắc là bài học thành công của Việt Nam. Đã có lúc người ta lắng, tương lai bia Việt sẽ thế nào? Thế nhưng, khi bia Việt áp đảo bia Vạn Lực cả về chất lượng, số lượng và giá cả, loại bia thịnh hành một thời của Trung Quốc không còn đất sống.

Bên cạnh nỗi lo về những bất ổn nội tại cản trở nỗ lực chống lạm phát, cách tiêu tiền và ứng xử với tăng giá của người dân cũng khiến cho việc chống lạm phát khó khăn hơn. Cả người mua và người bán dường như dễ dàng tặc lưỡi chấp nhận mặt bằng giá mới, kiểu mặc định, thời lạm phát ấy mà. Người mua tặc lưỡi trả tiền không mặc cả nhiều. Người bán tranh thủ cộng thêm giá trong mỗi công đoạn một chút, đặng kiếm chút lợi, bù vào những chi phí khác tăng lên, theo kiểu nước lên thì thuyền cũng lên.

Nhìn thấy tín hiệu vui về giảm giá, nhưng cũng còn đó những nỗi lo trong cuộc chiến chống tăng giá. Lời giải cho bài toán ấy không chỉ nằm ở những giải pháp tình thế để kiếm soát tình hình, mà ở ngay chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2