Lượt thăm:240635150   Đang Online: 600

Số lượt xem: 5513
Gửi lúc 15:21' 22/11/2011
" Danh sơn Yên Tử " và những điều huyền bí


Phần 1 :  Những câu chuyện ly kỳ trên dãy núi Yên Tử


Những lâm tặc, những người đi rừng phát hiện ra bà. Người ta kể, dáng bà thanh mảnh, mặc áo nâu sồng, đôi mắt sáng rực, hiền từ như một vị Bồ Tát.

Tôi đã có suốt một tuần lang thang ở “nghĩa địa vua Trần” nơi vùng đất Yên Sinh cổ (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh), để ghi lại một cách sinh động nhất, đau đớn nhất về lăng mộ và các công trình đổ nát thờ các vị quân vương lừng lẫy của một triều đại vang bóng. 

Đã có quá nhiều xúc cảm quanh những câu chuyện đau lòng ấy. 8 vị vua Trần, với những ngôi mộ, đền thờ đổ nát, hoặc không còn gì, hoặc đã chìm dưới lòng hồ, hoặc chỉ còn lại vài viên gạch, vài chân đế cột trụ tố cáo sự vô tình của lớp hậu sinh.




 

Những thứ còn lại ở lăng mộ vua Trần Anh Tông.
 

Đứng dưới đập nước Trại Lốc, đập nước đã xóa sổ lăng mộ vua Trần Minh Tông và nhấn chìm lăng mộ Trần Anh Tông, ông chủ thầu hồ Trại Lốc chỉ tay lên đỉnh Tây Yên Tử lẫn trong mây mờ bảo: “Phía sau mấy ngọn núi cao chót vót kia là nơi an nghỉ của vua Trần Nhân Tông đấy! Xa lắm, phải mất vài ngày đi bộ mới khám phá hết được lăng mộ và các công trình đổ nát trong rừng. Phải tìm được người hiểu biết, thuộc đường, mới đi tìm được”.

 

Sườn Tây Yên Tử nhìn từ hồ Trại Lốc, thuộc xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa sau mấy dãy núi trập trùng.
 

Cái chỉ tay của ông chủ thầu hồ Trại Lốc khiến tôi trằn trọc nhiều đêm. Không hiểu cái am đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông kia từng tu hành, đoạn tuyệt hoàn toàn với hỉ nộ ái ố, rồi chết trong thế nằm nghiêng giữa rừng, để cây trúc mọc xuyên qua kia giờ như thế nào? Liệu lăng mộ, am tháp của ngài có phải chịu cảnh bị bọn trộm đổ cổ đánh mình nổ tung để tìm kho báu không? Hay lăng mộ của ngài cũng những công trình huyền thoại vẫn còn ẩn bóng dưới rặng tùng trong đại ngàn Yên Tử?

 

Chùa Hoa Yên.
 
Ông Lê Quang, Phó giám đốc Trung tâm quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử đứng ở trụ sở cơ quan chỉ tay về dãy Yên Tử bảo: “Nếu so với các dãy núi khác ở Việt Nam, thì Yên Tử không phải là cao, chỗ cao nhất chỉ hơn ngàn mét so với mặt nước biển. Nhưng các cụ đã nói: Núi không cốt ở cao, vấn đề là trên núi có tiên ngụ, sông không cốt ở sâu, niềm thiêng ở chỗ dưới sông có rồng ở. Yên Tử được xưng tôn là đệ nhất danh sơn, là một non thiêng, bởi nó là ngọn núi của tâm linh, của Phật và chỉ những người có căn cơ với thiền mới ở trên đó được”.

 

Tượng An Kỳ Sinh trên đỉnh Yên Tử.
 

Và, người có căn cơ đầu tiên và kỳ lạ nhất chính là đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông. Làm sao một dãy núi bình thường lại có thể khiến một vị vua rũ bụi trần, bỏ long bào cùng với ngai vàng lấp lánh, người đẹp sớm chiều để khoác áo cà sa lên núi tu hành? Điều đó chứng tỏ mảnh đất này thiêng liêng, cuốn hút ngài ghê gớm lắm. 

Sự rũ bỏ tham sân si của ngài cao độ đến nỗi ngài coi cái chết là một điều giản dị đến khó tưởng tượng. Ngài nằm nghiêng thanh thản trong rừng, tựa dáng sư tử nằm, ngóng về xa xăm, rồi hóa giữa đại ngàn hoang vu, đến nỗi, khi cây trúc mọc xuyên qua người ngài, đệ tử mới phát hiện ra, để rồi dựng lại hình ảnh ấy bằng bức tượng đá gây cảm động cho muôn đời sau.



Chen chúc lên chùa Đồng.
 

Theo ông Quang, Phật hoàng Trần Nhân Tông từng có 19 năm tu hành rất khắc nghiệt. Di tích chùa Cầm đã nói lên điều đó. Tôi đã cuốc bộ lên tận di tích chùa Cầm để tưởng nhớ tới việc ngài chỉ uống nước cầm hơi, không ăn uống gì. 

Trong chuyến nhiều ngày xuyên rừng thăm thẳm quanh dãy non thiêng Yên Tử, tôi đã được nghe kể và được tận mắt rất nhiều câu chuyện kỳ lạ về những đệ tử đang ngày đêm tu luyện theo lối khổ hạnh của ngài, với mong ước siêu thoát triệt để. Những câu chuyện về họ cứ ám ảnh, lơ mơ như trong cổ tích. Họ đang thầm lặng tiếp bước con đường mà vị Phật tổ của mình đã vạch ra. 

Tôi đã gặp những vị sư kỳ lạ như Thích Minh Tiến, Đạt Ma Trí Thông, Thích Thanh Quý… bao năm kỳ công tu tập giữa rừng, trong hang đá như những thiền sư của xứ sở mây mù, xa xôi, nguồn cội Phật giáo mãi bên Tây Tạng. 

Họ bỏ chút ít thời gian để hái quả vả, chuối rừng ăn, uống nước cầm hơi, còn lại tất tật thời gian họ dành cho việc tu luyện trong mái đá giữa rừng già. Họ đang đi tìm đức Phật ở trong chính con người họ.



Am tháp trên đường lên đỉnh Yên Tử.
 

Chuyện về những người tu hành khổ hạnh trong đại ngàn Yên Tử thì có nhiều lắm, kể cả ngày không hết. Nhưng, ám ảnh nhất với tôi, có lẽ là một vị nữ tu bên sườn Đông Yên Tử. Bà đã biến mất một cách kỳ lạ trên con đường hành xác. 

Chuyện rằng, thập kỷ 80, dãy Yên Tử còn hoang vu lắm, cây cối cổ thụ, dây leo chằng chịt, hùm beo gầm gừ, thì có một nữ tu khổ hạnh vạch đường lên núi. 

Nữ tu tìm lên khu vực di tích chùa Cầm, rồi sống đúng theo tinh thần tu hành của Phật hoàng. Bà chỉ ăn hai thứ duy nhất là măng mọc dưới đất và quả vả mọc trên cây. Người ta vẫn tin rằng, ăn quả vả mọc hoang trong rừng sẽ khiến lòng thiền sáng hơn. Mỗi ngày bà ăn một bữa ngon lành hai thứ đó, rồi ngồi trong am tu thiền.



Am tháp ẩn hiện trong đại ngàn Yên Tử.
 

Những lâm tặc, những người đi rừng phát hiện ra bà. Người ta kể, dáng bà thanh mảnh, mặc áo nâu sồng, đôi mắt sáng rực, hiền từ như một vị Bồ Tát. 

Rồi người đi rừng phát hiện ra bà. Những câu chuyện đồn thổi về bà cứ ngày một lớn. Ai cũng tin bà là Bồ Tát hiển linh. Phật tử khắp nơi đổ về vái lạy bà như Thánh và xin theo bà hạ hầu khói nhang. 

Nhưng rồi một ngày, cách đây dăm năm, bà đột nhiên mất tích. Từ bấy đến giờ, chẳng ai còn thấy bóng dáng bà trong cánh rừng hoang rậm. Không ai biết bà tên gì, đến từ đâu. Các đệ tử khẳng định bà là đức Bồ Tát hiển linh. Người ta tin bà đã về thế giới cực lạc rồi. 

Tôi còn được nghe một câu chuyện nữa, về một vị chân tu tên Hoàng, do bà vãi tên Minh, săn sóc am Ngọa Vân, sống ở thôn Tây Sơn (Bình Khê, Đông Triều) kể. 

Chẳng ai biết lý lịch của vị sư này, đến từ chùa nào. Sư Hoàng tin rằng chỉ có cách tu hành khổ hạnh theo lối của Phật hoàng Trần Nhân Tông mới về được thế giới cực lạc.



Nơi sư Hoàng tu hành khổ hạnh giờ chỉ còn là bãi đất trống.


Ông dứt bỏ hoàn toàn bụi trần để ẩn tu trong rừng trúc, cách am Ngọa Vân không xa. Sư Hoàng chỉ có một mình sống giữa hoang vu rừng rậm. Ông dựng một căn lều nhỏ bằng trúc giữa rừng trúc, cách vườn mộ tháp cùng vườn tùng không xa, để bắt đầu một cuộc đời tu hành khổ hạnh. 

Ngày ông cũng chỉ ăn một bữa quả vả, hoặc chuối rừng, rau rừng vào đúng giờ ngọ, rồi ngồi thiền định giữa đại ngàn mịt mùng như những vị chân tu. Ông cũng được phát hiện bởi đám lâm tặc. 

Biết nơi tu hành khổ hạnh của sư Hoàng, bà Minh cùng các phật tử của Ngọa Vân am thi thoảng vẫn vạch rừng đến xem sư Hoàng tu hành ra sao. Bà thường hỏi sư cần gì thì sẽ cung ứng giúp, nhưng sư đều từ chối. 

Nhưng rồi, một ngày, chẳng ai thấy bóng dáng sư Hoàng đâu nữa. Ông đã biệt tăm, biệt tích. 

Tôi đã đi qua rừng trúc đó và chỉ còn thấy nền đất tịch mịch giữa rừng trúc mênh mang. Người ta bảo, ông đã về Thiên Trúc với vị Phật hoàng của mình.


Phần 2 : " Hồn ma " 300 cung nữ suối Giải Oan báo oán


Trong những ngày loanh quanh ở sườn Đông Yên Tử, trò chuyện với người dân quanh khu danh thắng, sư sãi trong chùa và các cán bộ quản lý, tôi được nghe rất nhiều chuyện huyền hoặc, thậm chí rùng rợn về vùng núi thiêng này.

Những câu chuyện kỳ bí, hoang đường thường được kể bởi những người mê tín lại ưa buôn chuyện, nhưng ở đây, tôi được nghe rất nhiều chuyện hoang đường từ lời kể của các… quan chức. Ông Lê Quang, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử kể rằng, có lần, đang lang thang ở suối Giải Oan, nơi 300 cung nữ trẫm mình khi đức vua Trần Nhân Tông lạnh lùng ngoảnh mặt, ông gặp một cảnh tượng khá lạ: Mấy chục người đàn bà vừa quỳ vừa lạy, vừa khóc lóc thảm thiết bên bờ suối.



Suối Giải Oan - nơi 300 cung nữ đã trẫm mình.
 

Tò mò, ông Quang tiến lại tìm hiểu. Những người này chuẩn bị một mâm đầy ăm ắp lễ vật. Cạnh mâm lễ là mấy rổ đựng… đá cuội. Mấy chục chị em sau khi vái lạy kèm khóc lóc, thì bê thúng đá cuội rải dọc suối Giải Oan.

Không hiểu những người này làm trò gì, ông Quang liền hỏi người lái xe. Anh này kể, mấy tháng trước, anh chở mấy chục phụ nữ từ Lạng Sơn về Yên Tử ngoạn cảnh. Sau khi lên đến chùa đồng, trên đường về, chị em kéo nhau xuống suối suối Giải Oan một là rửa chân tay, mặt mũi, hai là xem nơi các cung nữ trẫm mình. Thấy suối có nhiều đá cuội đẹp, chị em bảo nhau nhặt về. Người nhặt ít cũng dăm ba hòn, người nhặt nhiều thì mấy bịch nilon. Chị em bảo rằng, nhặt đá cuội ở suối Giải Oan về kỳ cọ chân tay khi tắm, mong da dẻ được trắng đẹp như những… cung nữ của vua Trần.
 
Có một chuyện lạ, không biết có tin được không, nhưng ông Quang khẳng định nghe từ miệng anh lái xe và mấy chị đang trả đá cuội lại suối Giải Oan kia. Chuyện rằng, khi chị em mang đá cuội về kỳ cọ tay chân, người ngợm, thì đêm nào họ cũng gặp… ma. Ai cũng kể rằng, hồn ma của các cung nữ chết oan dựng họ đậy đòi trả đá. Cứ như lời họ kể thì tất cả số chị em phụ nữ trong chuyến đi Yên Tử đó mang đá cuội từ suối Giải Oan về đều bị như vậy.

Sau mấy tháng mất ngủ vì gặp “ma”, ai cũng phờ phạc như người mất hồn. Ngay cả anh lái xe, lấy về cho vợ mấy viên cuội, mong vợ mình thành cung nữ, cũng gặp cảnh tương tự. Sợ quá, những người này đã chuẩn bị lễ vật mang về Yên Tử tạ tội với các cung nữ, rồi trả lại đá cuội cho suối Giải Oan.

Tôi chẳng tin lắm chuyện ma mãnh, oan hồn cung nữ đi đòi viên sỏi. Nếu có chuyện “ma hành” như thế, có lẽ những kẻ phá mồ mả các vua Trần kia sẽ bị ma vật chết hết cả rồi. Nhưng có một sự thực, từ bấy đến nay, khách thập phương khi đến suối Giải Oan, thì chẳng dám lội xuống suối nữa, sợ xúc phạm đến nơi an nghỉ của các linh hồn.

 

Chùa Một Mái.


Bản thân ông Quang cũng để ý theo dõi và được chứng kiến rất nhiều chuyện lạ quanh suối Giải Oan. Ông Quang tin tin rằng linh hồn các cung nữ rất thương những người bất hạnh. Nhiều cô gái có hoàn cảnh éo le như trót mang bầu bị ruồng bỏ, mắc AIDS, hoặc gặp cảnh trớ trêu, sau khi ngồi bên suối Giải Oan khóc lóc, tâm sự với oan hồn các cung nữ, tự dưng thấy lòng cực kỳ thanh thản và tìm được cách giải thoát cho sự bế tắc trong cuộc đời mình.

Những câu chuyện linh thiêng huyền bí trên Yên Tử kể cả ngày không hết. Chính ông Quang đã từng được chứng kiến cảnh tượng một đoàn du khách đến mấy chục người, toàn nam thanh nữ tú, tóc vàng tóc xanh, lên đến chùa Hoa Yên, cười nói vô duyên, trai văng bậy bạ, gái cười hô hố, văng mạng xúc phạm thánh thần, liền bị đau bụng quằn quại, không đi nổi nữa. Đám thanh niên lố bịch này cứ cố lê mỗi bước, bụng lại đau hơn, cuối cùng phải quay đầu xuống núi. Khi xuống đến chân núi, thì các cơn đau khủng khiếp chợt tan biến đâu mất. Đám thanh niên nhí nhố này hoảng hồn, không dám lên Yên Tử nữa.
 
Ông Trần Trương, nguyên Trưởng ban quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử cũng kể một câu chuyện đầy chất liêu trai, rằng: Sau khi đám công nhân làm xong nhà khách Yên Tử, thì rủ nhau lên lễ chùa Đồng. Khi đi qua vườn mộ tháp Huệ Quang, thấy một hòn đá nằm trên ngọn một tháp cổ, liền thách đố nhau ném trúng hòn đá đó. Một cậu vung tay ném trúng khiến hòn đá rơi xuống.

Lên đến chùa Đồng, đám công nhân này mới phát hiện thiếu một người. Tuy nhiên, không ai lo lắng vì họ đều là người địa phương, không sợ lạc đường. Rong chơi trên đỉnh núi mấy tiếng thì họ xuống núi. Lúc về đến khu vườn tháp Huệ Quang, đám công nhân sửng sốt khi thấy cậu bạn ném đá lúc nãy đang ngồi xếp bằng bên lăng mộ tháp, mặt úp vào tường, hai tay đặt lên đùi. Mọi người hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa, lắc vai mãi không tỉnh, cứ ngồi bất động như khúc gỗ. Đám công nhân sợ quá, liền báo ban quản lý di tích. Ban quản lý lên chùa Hoa Yên mời thầy Diệu Nhàn xuống làm lễ sám hối.

 

Tháp mộ u tịch trong đại ngàn Yên Tử.
 

Sư Diệu Nhàn làm lễ xong thì cậu công nhân nghịch dại kia mới tỉnh lại. Anh ta như người mất hồn, bật khóc nức nở, rồi tức tốc chạy xuống núi. Sau này, tôi gặp sư Diệu Nhàn, sư bảo, những chuyện kiểu như vậy diễn ra thường xuyên ở Yên Tử. Từng là một thầy giáo, ông Lê Quang không mấy tin vào những chuyện huyễn hoặc, nhưng trong quá trình nhiều năm sống với Yên Tử, ông đã được chứng kiến tận mắt những chuyện khó tin xảy ra.

Lạ nhất là đoạn đường từ chùa Bảo Sái, qua tượng An Kỳ Sinh lên chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, từ xưa đến nay, chưa có vụ chết người do tai nạn nào cả, mặc dù đây là đoạn đường cực kỳ cheo leo, dốc dác, núi đá lô nhô, rất trơn. Nhiều trường hợp ngã rất mạnh, nhưng chỉ xước sát tay chân mà thôi. Trong những ngày cao điểm, Yên Tử đón tới 7 vạn du khách, người hành hương chật kín mọi con đường, mà không xảy ra tai nạn chết người là một chuyện rất lạ.

Thậm chí, hồi thi công chùa Đồng, đột nhiên mây đen kéo đến ngay trên đầu, sét đánh thẳng vào khu vực đang xây chùa khiến mọi thứ cháy đen, tróc hết cả nền chùa, nhưng lạ ở chỗ mấy chục người đứng đó mà không ai hề hấn gì, chị bị ù tai một lúc. Đám công nhân đều tin Phật tổ phù hộ nên tiếp tục làm việc, mà không sợ sấm sét đánh chết. Đỉnh núi lô nhô, đường lên đỉnh Yên Tử dốc ngược, nhưng các cụ già cứ leo phăm phăm mà chẳng thấy mệt nhọc gì. Nhưng lạ nhất là chuyện gần như năm nào cũng có một cụ già chết ở đoạn từ chùa Một Mái lên chùa Bảo Sái và cách chết của họ cũng vô cùng kỳ lạ.

 

Cây đại 700 tuổi trên Yên Tử.


Mới đây, có một cụ già 77 tuổi, quê ở Hải Phòng, nhất định bắt con cháu cùng đi lên Yên Tử. Bình thường cụ rất yếu, nhưng đến Yên Tử, cụ cứ đi bộ leo núi phăm phăm, mà không cần đi cáp treo. Con cháu thấy vậy thì rất mừng, vì nghĩ được thánh thần phù hộ, cụ đã khỏe lại. Đi một mạch đến gần chùa Bảo Sái, cụ bảo con cháu giở đồ ra ăn. Ăn uống xong, cụ đi vào rừng, ngồi dựa vào gốc cây, nhắm mắt rồi “hóa”. Cụ “hóa” một lúc rồi mà con cháu cứ tưởng cụ ngủ, vì khuôn mặt cụ rất thanh thản. Những kiểu chết như cụ già này diễn ra khá nhiều ở Yên Tử. Các nhà sư ở Yên Tử thì gọi đó là hiện tượng “được về với Phật”. Có một sự kiện nhiều người biết, thể hiện sự thiêng liêng của đất trời Yên Tử tác động vào con người, đó là “hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận”.

Trước đây, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chỉ là người thuần túy làm khoa học, thế nhưng, sau một đêm “ngủ cùng gió sương” trên đỉnh Yên Tử bỗng trở thành “người thơ”. Ba đêm liền ông không ngủ mà chắp bút viết liên tục tới 63 bài thơ. Ông bảo, những bài thơ cứ tự đến như không, cứ trào ra như ai đó đọc cho và ông chỉ việc chép lại! Những bài thơ khá đặc biệt này được in thành tập “Thi Vân Yên Tử”.


Phần 3 : Những di sản hoang phế trong đại ngàn Yên Tử


Kể cũng lạ, việc đánh thức Yên Tử không phải bởi các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nhà lãnh đạo, mà lại là… lâm tặc!

Loanh quanh cả buổi ở xã Thượng Yên Công, rồi tôi cũng thuê được một người dẫn đường, quyết đi vòng quanh dãy Yên Tử huyền bí.

Người dẫn đường cho tôi tên Phong, vốn là một lâm tặc, giờ đổi nghề đi lấy cây thuốc bán cho du khách. Hơn 20 năm lang bạt kiếm sống trong đại ngàn Yên Tử, nên Phong khá thuộc dãy núi này.

Theo lời Phong, độ 20 năm trước, đại ngàn Yên Tử còn rậm rạp, hoang vu lắm. Trong rừng chỉ có rải rác vài thiền sư ăn quả vả, uống nước lã, để tu hành khổ hạnh, một số người Dao đi đào măng, hái thuốc và… lâm tặc.


Con đường với hai hàng tùng cổ. 


Phong cứ vỗ ngực tự hào, rằng không có đám lâm tặc như anh ta, thì không biết bao giờ non thiêng Yên Tử, với những giá trị lớn lao được đánh thức. Kể cũng lạ, việc đánh thức Yên Tử không phải bởi các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nhà lãnh đạo, mà lại là… lâm tặc!

Tuy nhiên, điều Phong nói cũng không hẳn sai. Cách đây chừng 20 năm gì đó, chính nhóm lâm tặc của Phong, cùng với những lâm tặc bên xã Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) phía sườn Tây Yên Tử, trong quá trình phát cây, mở đường, xẻ gỗ, đã phát hiện rất nhiều bậc đá, đường cổ, dẫn đến những ngôi chùa, am đá, với rặt là voi đá, ngựa đá, tượng đá, bia đá…



 

Lâm tặc đập vỡ tượng đá để tìm vàng. 


Thế nhưng, đám lâm tặc này không hiểu đó là di sản vô cùng kỳ vĩ, mà nghĩ rằng, đây là kho báu của “người Tàu”. Thế là, chẳng xẻ gỗ nữa, đám lục lâm thảo khấu này chuyển nghề… săn đồ cổ.


Với xà beng, cuốc, xẻng, họ rùng rùng kéo nhau vào rừng phá sập chùa cổ, đào đổ am đá, chặt đầu ngựa đá, voi đá để tìm… vàng bạc, đồ cổ.

Chẳng hiểu do ấu trĩ, hay nghe truyền thuyết gì về cách cất giữ kho báu, mà họ tin rằng, người xưa cất giữ châu báu trong những pho tượng. Thế là, chẳng pho tượng, linh vật nào còn nguyên vẹn cả. Họ chặt đầu, bổ bửa voi đá, ngựa đá, rùa đá, tượng đá, đập vỡ tung tóe bia đá 700 năm tuổi để tìm vận may.



Rồng đã cũng bị đập vỡ tan tành. 


Những ngôi tháp đá đẹp tuyền trần, nguyên vẹn, cổ kính, với những tảng đá xanh lớn được ghép khít, không thể phá nổi bằng xà beng, bùa rìu, thì chúng nhồi mìn tự tạo vào chân tháp và giật đổ. Vậy nên, chả ngôi tháp nào trong đại ngàn Yên Tử còn nguyên vẹn.


Khi các di sản 700 năm bị nhóm săn tìm đồ cổ phá hoại sạch sẽ, thì các nhà khoa học mới quan tâm, biết đến và xắn tay thống kê, khai quật, kẻ vẽ, tìm hiểu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Những di sản đó, những công trình đó các nhà khoa học đều biết đến trong sử sách, nhưng nó nằm ở đâu thì quả là phải nhờ đến… lâm tặc.



 

Di tích giữa đại ngàn Yên Tử chỉ còn là những đống đổ nát. 


Giờ lên đỉnh Yên Tử, du khách chỉ việc ngồi cáp treo, loáng cái đã đến chùa Hoa Yên. Ngày xưa, để lên đến chùa Hoa Yên, phải đi bộ ngót một ngày.


Chúng tôi không chọn đường du lịch với cáp treo hỗ trợ, mà đi theo con đường cổ mới được lâm tặc phát hiện. Con đường đó bắt đầu từ sau chùa Giải Oan, rồi cứ dọc suối mà đi.

Phong bảo, từ đây sẽ có nhiều hướng, nhưng có 2 hướng chính, một hướng sang Bắc Giang, một hướng về Đông Triều (Quảng Ninh). Đi sang Bắc Giang, rồi theo cánh cung dãy núi vòng về Đông Triều cũng được, sẽ bao quát hết dải Yên Tử hùng vĩ. Tôi đề xuất đi từ Uông Bí, vòng sang Bắc Giang rồi về vùng An Sinh, Đông Triều. Đi chừng 3-4 ngày thì hết dãy Yên Tử.



Tháp đá hiếm hoi còn nguyên vẹn trong rừng Yên Tử. 


Chuẩn bị đồ đạc, ba lô trĩu vai, chúng tôi lên đường. Theo lời Phong, cứ đi đến đâu hay đến đấy, bởi dãy Yên Tử mùa này thời tiết thất thường, khó đoán định được lộ trình. Nếu thời tiết thuận lợi, thì chỉ mất 3 ngày là xong hành trình, còn gặp mưa lớn và thú giữ, thì chưa biết khi nào mới xuống núi được.


Con đường tôi và Phong đi cỏ mọc rêu phong, dây leo bịt bùng lối. Du khách hầu như không biết đến con đường này. Đoạn đường được lát bằng đá có tuổi 700 năm. Xưa nó là con đường lâm tặc phát hiện ra, rồi cứ lần theo con đường này mà tìm ra cả một hệ thống am, tháp. Đến giờ, vẫn chẳng có ai đi con đường này ngoài những người đi hái thuốc.

Theo lời Phong, con đường này xưa kia có tên là Xích Tùng, bởi hai bên đường rợp bóng tùng. Giờ tùng không còn rợp bóng hai bên đường, nhưng rải rác vẫn có những cây tùng cổ thụ, cao vượt hẳn tán rừng. Phong bảo, tổng cộng còn 10 cây tùng cổ ở dọc con đường này, cây nào cây nấy to 2-3 người ôm.



Phần còn lại của am Dược. 


Đi đến chồn chân thì Phong bảo đã đến nơi… vua tắm. Chẳng hiểu có phải đây là nơi vua Trần Nhân Tông tắm táp gột rửa bụi trần trước khi nhập am thiền định hay không, nhưng nó có tên thác Ngự Dội.


Và cách thác Ngự Dội không xa là phế tích với nền đá rêu phong của am Thiền Định, nơi Ngài ngồi nhập định, tham thiền.

Thật đáng tiếc, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông ngồi tu tập thành chính quả giờ chỉ còn những chân tường đá, với rừng trúc bạt ngàn bao quanh, phủ kín. Trúc lách qua những kẽ đá nền am để chòi lên.

Đi một đoạn nữa thì đến một con suối lạ, với màu nước vàng óng. Ánh nắng yếu ớt xuyên qua kẽ lá, phản chiếu ánh lấp lánh như thể dòng nước pha bột vàng.

Không hiểu vì sao nước dưới con suối này lại có màu vàng. Phong bảo, những người đi rừng thường giặt quần áo dưới suối, chẳng cần bột giặt mà vẫn rất sạch. Nhiều người sợ trong nước có hóa chất, nên không dám uống, nhưng Phong uống thử nhiều lần, thấy nước mát lạnh, không có vị lạ gì.



Di chỉ đổ nát giữa đại ngàn. 


Đứng trên vách núi cách thác Vàng không xa nhìn xuống phía Đông mới thấy vị vua triều Trần xưa kia bố trí cảnh quan thật tài tình.


Các am, tháp, chùa chiền được bố trí theo hai trục dọc và ngang, cắt nhau ở chùa Hoa Yên. Trục dọc theo lối du khách hiện đang đi từ chân núi lên chùa Đồng, còn trục ngang đã bị thời gian 700 năm bít lối.

Dọc theo trục ngang về phía Đông từng có những di tích mang đậm màu sắc huyền bí, giờ chỉ còn là đống đổ nát. Đó là am Dược Tiên, am Hoa, am Diêm.

Theo sử sách, am Hoa, hay còn gọi là am Thung, là nơi bào chế thuốc, còn am Dược cách đó không xa, là nơi trồng thuốc. Xung quanh khu vực am Dược chỉ còn lại bức tường đá, vẫn còn rất nhiều cây thuốc, trong đó, đặc biệt quý là loại sâm nam. Đến mùa xuân, người dân quanh vùng vẫn lên khu vực am Dược khai thác.

Tại am Dược và am Hoa, những viên thuốc Hồng Ngọc Sương quý hiếm lưu danh sử sách được chế biến để chữa bệnh cho các thiền sư tu hành ở Yên Sơn và cung cấp cho triều đình ban phát cứu dân khỏi những phen dịch bệnh.

Dọc con đường Xích Tùng cổ không còn người đi này, thấp thoáng dưới những bóng tùng là những mộ tháp của các vị thiền sư đã viên tịch ở đây. Hầu hết các mộ tháp đã bị bọn trộm cổ vật đào rỗng ruột đổ nghiêng ngả, hoặc bị giật mìn vỡ tung tóe.

Chúng tôi cứ nhằm hướng Tây mà đi. Những con đường mòn cứ mờ dần, rồi biết mất trong đại ngàn hoang thẳm. Rừng rú rậm rạp, mặt trời đã ngấp nghé phía Bắc Giang, mà chẳng thấy lối đi nào cả.

Mấy năm qua Phong không vào rừng theo hướng này, lâm tặc thì cũng đã phá hết gỗ quý, không đi lại nữa, nên những con đường mòn biến mất bởi dây leo, cỏ dại. Loay hoay một lát, không tìm được đường đi tiếp, chúng tôi đành quay trở lại.





Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2