Lượt thăm:240728630   Đang Online: 950

Số lượt xem: 9506
Gửi lúc 12:01' 15/12/2011
Cuộc đời tướng cướp Bạch Hải Đường
Phần 1 :  Cuộc đời kỳ lạ của siêu trộm Bạch Hải Đường

Cuộc sống cơ cực nuôi trong lòng tướng cướp họ Bạch nỗi nhục nhã vì sự nghèo hèn. Bạch Hải Đường thành danh nhờ tài ăn trộm, đến nỗi được giới giang hồ xếp ngang hàng với Đại Cathay, Tín Mã Nàm hay Điền Khắc Kim thời đó.



Bạch Hải Đường được xếp ngang hàng về danh tiếng với Điền Khắc Kim, Đại "Cathay", những tay anh chị lừng lẫy Sài Gòn trước 1975.

Vẫn là ông nhà báo già N.H (nhân vật xin được giấu tên) trầm ngâm bên cuốn sổ cũ. Ông N.H kể lại cho chúng tôi nghe về câu chuyện của những tay giang hồ khét tiếng một thuở ở miền Nam. Khi kể về Bạch Hải Đường, giọng ông đều đều nhưng không kém phần thương cảm.

Ông nhà báo già chia sẻ: “Thời chế độ cũ, xã hội loạn lạc là cơ hội cho bọn trộm cướp, đâm chém tung hoành. Nhưng Bạch Hải Đường là một tên cướp có phần nào đó đáng thương”.

Tuổi trẻ nhọc nhằn

Xuất hiện trong sách báo, phim ảnh, kịch, hay các vở cải lương, nhưng hoàn toàn không phải là hư cấu, Bạch Hải Đường là một nhân vật có thật. Bản thân hắn có lẽ cũng không biết được tại sao hắn lại có cái tên … Bạch Hải Đường.

Năm 1950, ngôi nhà lụp xụp của thị xã Long Xuyên đón đứa con trai đầu lòng của ông Nguyễn Văn Của và bà Lê Thị Huê chào đời. Thời ấy, cuộc sống nghèo khó, ông Của và bà Huê chỉ là những người lao động lam lũ. Ông quần quật bốc vác, bà cặm cụi bên giỏ bánh mì. Vốn dĩ, cuộc sống của họ đơn giản, hạnh phúc, lương thiện bằng chính mồ hôi nước mắt của mình.

Đứa bé tên Nguyễn Ngọc Truyện, khôi ngô và sáng sủa. Đứa bé sinh ra từ một mái nhà lương thiện, bằng hy vọng của mẹ cha, không hề có hận thù. Cuộc sống của Truyện cũng như của cả gia đình trôi đi trong êm đềm, hạnh phúc. Truyện được đi học, được cha mẹ yêu thương và đùm bọc như đa phần đứa trẻ khác.

Bốn đứa em gái ra đời sau Truyện làm cho gánh nặng trên vai ông Của, bà Huê thêm nặng nề. Bạch Hải Đường từ khi còn là Nguyễn Ngọc Truyện cũng đã tỏ ra là một đứa trẻ khó bảo. Lầm lì, ít nói, Truyện bỏ học khi mới đọc thông, viết thạo. Rồi hoàn cảnh xô đẩy, hắn bỏ nhà đi theo đám lưu manh tụ tập, chơi bời.

Nhưng cho đến khi lớn lên tuổi thanh niên, khác với các tướng cướp lừng danh cùng thời như Đại Cathay hay Điền Khắc Kim, Truyện vẫn chưa một lần ra tù vào tội. Lúc nhỏ thì đi nhặt nhạnh phế liệu ở bãi rác, lớn lên theo cha đi bốc vác khắp bến xe, bến tàu. Truyện dù ít học nhưng là đứa trẻ tự lập, ham chơi nhưng cũng còn biết thương mẹ cha.

16 tuổi, vắt vẻo đu xe đò tuyến Long Xuyên – Sài Gòn, Truyện đã là một thanh niên cường tráng. Chính những ngày này, Nguyễn Ngọc Truyện (tức Bạch Hải Đường) sau này mới chứng kiến được hết mặt trái của xã hội. Im lặng, cúi đầu trước cái xấu, nhiều lần, Truyện phải nhảy xuống xe, khom mình “chung” tiền cho đám bảo kê, côn đồ, dao búa để nhận được sự yên ổn. Lòng tự ái và tính bốc đồng khiến Truyện tự nghĩ rằng mình phải làm gì đó.

Ba năm làm phụ xe, cũng là ba năm Truyện theo học võ thuật và trở thành một cao thủ võ Thiếu Lâm. Sau này, tất cả các lực lượng tham gia bắt Bạch Hải Đường đều phải hết sức kinh ngạc về trình độ võ thuật và sức khỏe phi thường của hắn. Nhưng những ngày làm phụ xe, Truyện phải im lặng, chịu đựng. Hắn vẫn là một người lương thiện, sống bằng chính sức lao động, không phụ thuộc ai.

19 tuổi, Truyện cưới người vợ đầu tiên, tên Hồ Thị Lãnh. Trốn quân dịch bằng cách theo vợ về Cần Thơ để sống, Truyện có thêm hai đứa con trai. Truyện làm nghề chạy xe lôi chở khách và chở hàng thuê để kiếm tiền nuôi vợ con.

Vợ yếu, con đau, nghề xe lôi bọt bèo chẳng đủ cho Truyện mua thuốc cho vợ con chứ chưa nói đến chuyện dư dả. Bản lĩnh trường đời với Truyện không phải ít, chứng kiến thêm những trái ngang, lòng hắn càng nhói đau, nhục nhã trước cảnh khốn khó, đớn hèn. Truyện không cam lòng.

Truyện vẫn ước mơ con cái sẽ không phải vất vả, nhục nhã như mình. Đưa vợ con quay về Long Xuyên và kiếm kế sinh nhai, đời Truyện vẫn không thoát được những trưa nắng gắt, đẫm mồ hôi vì còng lưng đạp xe chiếc xe lôi.

Bạn bè Truyện tại Long Xuyên như Năng, Sơn, Tâm, Trung, Triệu... cũng nghề nghiệp bấp bênh, cuộc sống cùng cực. Những buổi chiều say sưa bên chai rượu, họ ngồi lại và than thở số phận, mơ về những chiếc xe máy, ti vi cho mình, sách vở cho con, máy nghe nhạc và áo quần cho vợ.

Không ai cấm người nghèo ước mơ, dù đó là ảo tưởng, nhưng với Truyện và bạn bè mình, nỗi nhục nghèo khó đã thấm thía đến mức không thể chấp nhận được.

Thành danh nhờ nghề… ăn trộm

Trong bản tự khai còn lưu lại ở cơ quan công an sau này, Bạch Hải Đường kể rằng: Chuyến ăn trộm đầu tiên của hắn là vào khoảng năm 1971 khi con đầu lòng ốm đau không có tiền thuốc men. Chiếc xe máy đầu tiên thành công đã đánh dấu cuộc “ra quân” của băng nhóm Truyện, Năng, Tâm… cũng đã là bước ngoặt đánh dấu sự xuất hiện của tướng cướp Bạch Hải Đường, tên cướp làm toàn bộ hệ thống bảo an chế độ cũ phải điên đảo và hoàn toàn bó tay.

Truyện khai: Đầu năm 1971, Bạch Hải Đường và một đàn em tên Tâm đột nhập vào một ngôi nhà Mỹ kiều tại Long Xuyên... 8 lần, lấy được 5 tivi, 5 máy thu thanh, 3 radio, 3 máy ảnh, 4 thùng rượu, 2 thùng thuốc lá Mỹ…, bán lại được khoảng 300.000 đồng (tiền chế độ cũ). Tháng 4/1971, Bạch Hải Đường và Năng lấy được 7 chiếc xe máy của người dân ngoài đường, bán được mỗi chiếc từ 20.000 – 25.000 đồng. Tháng 5/1971, hắn và Năng lấy được 20 xe máy...

Những tài sản mà Bạch Hải Đường lấy được, theo nhà báo N.H, là rất có giá trị vào thời điểm đó. Ông N.H kể: ‘Thời tôi còn trẻ, những năm đầu 1970, số lượng người đi xe máy ở Sài Gòn còn ít chứ đừng nói đến Long Xuyên. Thế mà, chỉ trong 1 tháng, Bạch Hải Đường đã “táy máy” hàng chục chiếc xe máy thì thật là …không tưởng”.

Nhưng những vụ đột nhập vào dinh thự của các quan chức Mỹ và sĩ quan chế độ cũ mới làm nên tên tuổi lừng danh của tay tướng cướp họ Bạch. Thậm chí, sau khi thực hiện những vụ trộm táo bạo, đang lúc cháy túi, hắn còn đột nhập vào nhà nạn nhân thêm lần nữa.

Khu nhà của ông chủ Chuẩn là nơi các bác sĩ nước ngoài trú ngụ. Một đêm nọ, Nguyễn Ngọc Truyện leo lên vách tường nhà chùa rồi leo qua nóc nhà đục mái chui xuống ngay phòng của một bác sĩ người Australia đang ngủ. Bạch đã “dọn dẹp” quần áo, đồng hồ đeo tay, một cái rương lớn, quạt máy, máy cassette... ra khỏi phòng và chuyển cho Năng.

Ông Tây vẫn ngon giấc. Chỉ một tuần sau, Bạch Hải Đường “viếng thăm” lần nữa, nhưng là căn phòng của một bác sĩ người Mỹ. Lấy quần áo, cassette , đôla..., hắn bỏ lại khẩu súng ngắn, không thèm lấy.

(Trên thực tế, cuộc đời của Bạch Hải Đường chỉ một lần phải sử dụng đến súng. Điều ấy chứng tỏ được bản lĩnh ghê gớm của hắn trong các vụ đột nhập. Nhưng lần sử dụng súng ấy cũng đánh dấu chấm hết cho cuộc đời của tên tội phạm khét tiếng).

Mặc dù được canh gác vô cùng chặt chẽ, nhưng ở bất cứ căn nhà nào, Bạch Hải Đường đã muốn vào ăn trộm là phải được. Những căn nhà được hắn “ghé thăm” thường xuyên, những người đến ở phải cuốn gói đi chỗ khác.

Chính trong căn nhà của cậu ruột hắn ở đường Gia Long, thị xã Long Xuyên do mấy kỹ sư người Mỹ thuê lại, một đêm khi những người Mỹ đang ngủ say, Bạch vào nhà gom góp đồ đạc rồi chuyển ra ngoài cho đồng bọn. Hắn kể trong bản khai: đêm đó là lần đầu tiên trong đời hắn được ở trong phòng máy lạnh.

“Dọn” nhà xong, hắn còn ngồi lại để thưởng thức thứ cuộc sống “vương giả” với cái máy lạnh một lát. Sau đó, đói quá, xuống nhà bếp tìm cái ăn rồi tranh thủ dọn luôn nồi niêu, chén bát. Vài tháng sau, có hai người Nhật đến thuê nhà trên để ở, Bạch lại đột nhập cuỗm đi một số tài sản lớn. Sau hai vụ trộm, ông Bảy, cậu ruột Bạch Hải Đường, méo mặt vì không khách nào dám thuê nhà nữa.

Một lần Bạch và Năng, Triệu cùng đến căn cứ hải quân ở gần kho xăng Quản Trung Hòa, cắt hàng rào thép gai chui vào. Sau khi vào một căn nhà trong căn cứ lấy được rất nhiều quần áo, cassette, đồng hồ, máy may, tiền... Toàn bộ đồ đạc lần này phải chất đầy... hai xe lôi để đưa về.

Những giai thoại đã tô điểm thêm cho tên tuổi tên tướng cướp miền Tây. Theo một giai thoại, nghe lời thách thức của đám giang hồ Cần Thơ thách ai vào nhà một sĩ quan phi công, và để lại dấu tích bằng việc lấy ra một chiếc mũ. Bạch Hải Đường đón xe về Cần Thơ, đêm đó, hắn cắt kẽm gai chui vào nhà.

Thấy một chiếc trực thăng đậu trên trên tầng thượng, hắn lấy chiếc mũ phi công, một đôi bao tay, một bao đồ đạc và một xấp giấy tờ. Vài ngày sau, hắn nhờ người mang trả lại xấp giấy tờ. Với giai thoại đó, Bạch được xưng tụng như “đại ca” của các tướng cướp xứ miền Tây.

Cũng có vài lần bị phát hiện, nhưng Bạch may mắn thoát chết. Một lần vào nhà một bác sĩ, sau khi ra ngoài, hắn lại vào tìm chìa khóa nhà để mở két sắt thì một người đàn ông Mỹ phát hiện. Người đàn ông Mỹ dùng súng bắn một phát nhưng không trúng. Bạch cố vác bao đồ bỏ chạy, nhưng kế hoạch mở két sắt đã bất thành.

Một lần khác qua nhà bạn ở Rạch Giá, Kiên Giang, Bạch cũng đã vào nhà người nước ngoài hai lần. Một lần vào nhà của người Mỹ, một lần là nhà người Hoa để... trộm xong nhà người Hoa thì bị phát hiện, tri hô, Bạch chạy bán sống bán chết, chạy thẳng về Long Xuyên. Người nhà này tri hô, hắn bỏ chạy bán sống bán chết.

Nhưng dù thế, Bạch Hải Đường trở thành một cái tên đáng sợ với bất cứ ai vì hắn có thể vào bất cứ nơi nào hắn muốn. Chỉ bằng những vụ trộm trong hai năm ấy, Bạch Hải Đường dù chẳng bao giờ phải dùng vũ lực với ai, không bắn, không chém, nhưng cũng đã được xếp ngang hàng với các tên tuổi như Đại “Cathay”, “con ngựa điên” Tín Mã Nàm, hay “tướng cướp cô đơn” Điền Khắc Kim.

Chỉ trong 2 năm, với gần 50 lần đột nhập vào nhà của cảnh sát, bác sĩ, sĩ quan pháo binh, thiết giáp, nhà của phi công, dân biểu hạ viện, căn cứ quân sự, kho xăng... những nơi mà điều kiện về an ninh vô cùng nghiêm ngặt, Bạch Hải Đường đã làm đau đầu hệ thống cảnh sát, chính quyền thời điểm đó.

Thế rồi, những giai thoại lại được thêu dệt về hành tung bí ẩn của tên trộm lừng danh. Họ gọi hắn là “tướng cướp Bạch Hải Đường”, một cái tên “mĩ miều” mà chính hắn cũng không biết vì sao mình lại được gọi.

Có người còn coi hắn như một tay giang hồ hào hiệp, cướp của người giàu chia cho người nghèo, chuyên đột nhập vào nhà người Mỹ và các sĩ quan cảnh sát, quân đội cao cấp chế độ cũ. Kỳ thực hắn chỉ là một tên trộm rất khôn ngoan. Từ thời đó, những cuốn sách, kịch bản điện ảnh, sân khấu cải lương về Bạch Hải Đường khiến hắn càng thêm nổi tiếng.


Phần 2 : Bạch Hải Đường và những cuộc đào thoát

Dường như mọi chiếc còng, khóa đều trở nên vô nghĩa với siêu trộm huyền thoại này. Mỗi cuộc đào tẩu, hắn đều để lại dấu ấn thách thức nhà chức trách.

Ngay cả những người có óc tưởng tượng phong phú nhất cũng khó hình dung được Bạch Hải Đường (tức Nguyễn Ngọc Truyện) chỉ sống trọn vẹn 33 năm tuổi đời mà lại làm nên nhiều “thành tích” đến thế trong giới giang hồ. Ngay từ những năm 1975, nhiều tên tội phạm khắp miền Nam đã “mạo danh” Bạch Hải Đường làm nên những vụ án giết người, cướp của, trộm cắp… làm cho tên tuổi của hắn càng trở nên nổi tiếng.


Tướng cướp Bạch Hải Đường.


Nhưng theo những tài liệu còn lại, thì Bạch Hải Đường chỉ có một. Đó là Nguyễn Ngọc Truyện, tức Truyện “xăm mình”, một “siêu trộm”, một “tướng cướp”, có những bản lĩnh riêng, cách phạm tội riêng và một cuộc đời bi thảm rất riêng mà không giống bất kỳ tội phạm nào.

Những hình xăm ám ảnh

Là một giang hồ cộm cán, Bạch Hải Đường cũng tự châm chích lên mình những hình vẽ, dòng chữ để thể hiện “số má” giang hồ của mình. Thời còn sống, Bạch Hải Đường được giang hồ xưng tụng là Truyện “xăm mình”. Những đau đớn trong tình yêu, những nỗi thất vọng trong cuộc sống, hay những nỗi niềm ít bày tỏ cùng ai cũng được gắn lên cơ thể bằng kim nhọn và mực Tàu.

Dù là một kẻ cùng đường, lao vào kiếp sống tội lỗi, nhưng Bạch luôn khắc ghi trong lòng mình là một phật tử nên trên ngực Bạch Hải Đường xăm hình Đức Phật. Quả vậy, trong suốt cuộc đời lầm lạc của mình, Bạch Hải Đường không hề nổ một phát súng nào, thậm chí, nhiều lần thấy “hàng nóng” ngay trước mũi, hắn cũng không ngó ngàng tới.

Phía trên hình Đức Phật là dòng chữ “Phụ mẫu tri ân”. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Ngọc Truyện đã là đứa con chí hiếu, sống nặng nghĩa nặng tình với cha mẹ, anh em. Dòng chữ trên bắp chân với 6 chữ “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền” thể hiện đúng bản chất “người” trong suy nghĩ và hành động của gã giang hồ lừng lẫy. Cha mất sớm, trong suốt quá trình phạm tội, Bạch luôn cố về thăm mẹ mỗi khi có dịp.



Bạch Hải Đường được xếp ngang hàng về danh tiếng với Điền Khắc Kim, Đại "Cathay", những tay anh chị lừng lẫy Sài Gòn trước 1975.


Cũng có khát vọng “thống lĩnh giang hồ” như bao tay anh chị khác, Bạch cũng có cái khát vọng được đồng bọn tung hô, kính trọng. Con đại bàng xòe cánh, đạp dưới chân là quả địa cầu với dòng chữ “Vượt trùng dương ra hải đảo" sau lưng là một thứ ảo tưởng nung nấu trong lòng tên tội phạm lừng danh.

Bạch Hải Đường rất tình nghĩa với huynh đệ. Vết xăm bên cánh tay trái với dòng chữ “Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương” cũng thể hiện thứ “khát vọng” ấy của hắn.

Tuy nhiên, hai “câu đối” hai bên hông Bạch, một bên khắc dòng chữ “Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc”, một bên là “Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh” (tạm dịch: lúc sung túc, anh em chia ngọt sẻ bùi, lúc lâm nguy anh em thân thiết cũng không muốn gặp) cũng như “vận” vào cuộc đời Bạch. Cho đến tận lúc chết đi, bên cạnh cỗ quan tài hắn cũng chẳng một ai thân thích.

Có lẽ cũng vì sự cô đơn ấy, hắn đã gắn lên cánh tay phải một câu hỏi: “Tạo hóa ơi, bao giờ con hết khổ?”.

Thấm thía cay đắng tình trường với những người phụ nữ từng yêu và phụ bạc mình, Bạch đã “vẽ” vào bụng dưới của mình hình một cô gái lõa thể và dòng chữ “Thương người chung thủy - hận kẻ bạc tình, phía trên là con dao đâm vào quả tim máu.

Những cuộc đào tẩu làm nên tên tuổi

Lại nói về cuộc đột nhập vào nhà dân biểu L.P.S và tư dinh của đại úy Triệu, sếp phó của lực lượng cảnh sát Long Xuyên, Bạch Hải Đường sau một thời gian lẩn trốn, hắn trở về Long Xuyên. Lệ, nhân tình của Bạch Hải Đường vì quá ghen tuông nên đã báo tin cho đại úy Triệu mang lính và súng đến. Bạch Hải Đường được đại úy Triệu cho lên xe Jeep sau trận đòn thù “chào hàng” ngay tại nhà riêng.

Hai viên quân cảnh chế độ cũ to lực lưỡng không thể ngờ rằng tên tội phạm họ đang áp tải lại có võ nghệ kinh người đến thế. Bị còng tay, nhưng khi vừa ngồi lên xe, Bạch đã dùng hai cùi chỏ đánh gục hai quân cảnh và phi cú đá như trời giáng vào đầu lái xe rồi lao xuống đường tẩu thoát.

Lực lượng ứng cứu chạy tới kịp thời, nhưng chỉ để đưa 3 nạn nhân đang kêu la vì những vết thương làm ê ẩm mình mẩy. Sau lần tẩu thoát ngoạn mục đó, Bạch Hải Đường trở thành một cái tên đáng sợ đối với giới quân cảnh chế độ cũ và cũng làm cho giới giang hồ có thêm nhiều giai thoại.



Nhân vật "Bạch Hải Đường" trên một bìa đĩa cải lương.


Lần đó, Bạch trốn về nhà đại úy Hiếu, một nhân vật thuộc lực lượng quân đội chế độ cũ. Hiếu đem câu chuyện Bạch đột nhập vào nhà dân biểu L.P.S và vụ tẩu thoát khỏi lực lượng bảo an của đại úy Triệu kể cho dân biểu L.Q.L. Vị dân biểu này đề nghị Bạch đột nhập vào nhà dân biểu L.P.S một lần nữa và…ám sát ông ta với giá 2 triệu đồng (giá mỗi chiếc xe máy thời điểm đó khoảng 20.000 đồng). Đương nhiên, Bạch Hải Đường từ chối, Bạch sinh ra hoàn toàn không phải để giết người. Bản hợp đồng ám sát chính trị đó dù không xảy ra, nhưng cũng đủ biết sự “mến mộ” của các thế lực đen đối với khả năng của Bạch Hải Đường là lớn chừng nào.

Sau lần bị các phế binh chế độ cũ bắt ở Mỹ Phước, năm 1975, khi đang thụ án tại nhà lao thì miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngày 1-5-1975, lợi dụng tình hình hỗn độn, hắn đã “tranh thủ” trốn ra ngoài. Trước khi đi, với vốn chữ nghĩa ít ỏi, Bạch để lại dòng chữ: “Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù”.

Nhưng ít lâu sau, không giữ được “lời hứa” trên, Bạch Hải Đường lại bị bắt vì đột nhập khách sạn ăn cắp đồ đạc của một đoàn khác, cuối tháng 8/1975, Bạch Hải Đường lại leo khỏi hàng rào nhà giam ra ngoài. Trước khi đi, hắn để lại một tờ giấy viết bằng bút bi với nội dung: “Xin Cách mạng thông cảm và tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn, và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa. Ký tên: Bạch Hải Đường).

Ngày 21-3-1980, một vụ cướp có vũ trang xảy ra gần khu vực biên giới. Ba đối tượng đã cướp đi 100 cây vàng của một cặp vợ chồng. Bạch Hải Đường và 3 đàn em đang hả hê bên bàn nhậu với chiến công “lần đầu đi cướp” thì ba họng súng đen ngòm của lực lượng công an chĩa thẳng vào hắn. Bất ngờ, Bạch bật ngửa ra phía sau bằng một thế võ điệu nghệ, phi ra cánh cửa sau nhà rồi lao xuống con rạch đầy bùn lầy tẩu thoát. Hóa ra, trước khi ngồi, Bạch đã “xem hướng” để kiếm đường thoái lui nhanh nhất khi có biến.

Ngay lập tức, ba tiếng súng ở cự li gần trúng vào bắp chân của Bạch. Bốn chiến sĩ công an ập vào vây bắt. Đôi chân đang bị thương nặng, Bạch Hải Đường đánh gục luôn…4 chiến sĩ công an. Chạy tiếp một đoạn, hắn mới chịu thúc thủ do cũng đã đuối sức vì mất máu.

Thế nhưng, khi vết thương chưa kịp lành, giữa tháng 5-1980, cán bộ quản giáo hoảng hốt khi nhìn thấy tường nhà giam đã bị đục thủng một lỗ, bên cạnh là dòng chữ để lại như trêu ngươi: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”.

25-7-1980, tại căn nhà nằm ở ngoại ô thị xã Sóc Trăng, một lần nữa, Bạch Hai Đường lại bị bắt. Là một cao thủ võ nghệ, hắn tiếp tục “tặng” cho các chiến sĩ công an những cú đá nhanh và mạnh như trời giáng. Nhưng, một chiến sĩ công an thà chịu đau ôm chặt hắn chứ nhất định không để hắn chạy thoát. Một viên đạn cự li gần bắn trúng đùi của một chiến sĩ khác, Bạch Hải Đường đổ gục xuống xó bếp.

Lần thứ hai bị bắt trở lại, BHĐ đã bị bắn trọng thương thêm một lần nữa, sức khỏe trở nên kiệt quệ. Bạch bị ngồi trong nhà giam với cả còng tay, còng chân. Hắn chỉ được di chuyển trong một không gian hẹp. Một lần, nhìn qua cửa nhà giam, các cán bộ quản giáo lại được một phen hoảng hốt, nền nhà giam hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn lại mấy cái còng. Khi mở cửa phòng giam, Bạch Hải Đường đang đu người trên trần nhà giam để hòng chui ra ngoài, dù vết thương vẫn còn rất nặng.

Thấy công an tới, Bạch ngoan ngoãn phi xuống nền nhà giam nhẹ như con sóc.

Đó không phải là lần duy nhất Bạch tháo được còng để đào thoát. Hầu như tất cả ổ khóa dùng để khóa còng chân đều không thể “khóa” được Bạch Hải Đường. Cán bộ trại giam liên tục phải thay ổ khóa. Một chiếc khóa đặc biệt được thiết kế với một cùm chân được lồng vào một thanh sắt to và dài, luồn qua tận bên phòng quản giáo. Hết cách, Bạch chỉ biết ngồi một chỗ và gầm rú như một con thú dữ cho đến ngày hắn không còn nữa.

Từ “siêu trộm” trở thành tướng cướp

Nói về phi vụ cuối cùng của Bạch Hải Đường, đó là một vụ cướp vàng với vũ trang khu vực gần biên giới. Lần đầu tiên trong suốt cuộc đời lầm lạc của mình, Bạch Hải Đường đã phải sử dụng đến súng, và cũng chính phi vụ đó đã đặt dấu chấm hết cho Bạch.

Trong bản khai của mình, Bạch ghi rõ: Sau khi nghiên cứu mục tiêu là một chiếc thuyền trên sông gần khu vực biên giới Campuchia, tháng 3-1980, Bạch Hải Đường cùng 2 “công sự” đột nhập và thực hiện một phi vụ cướp táo tợn. Phi vụ cướp duy nhất của cuộc đời hắn.

Một chiếc đèn leo lét, một người đàn ông và ba người đàn bà đang say giấc ngủ. Họng súng lạnh ngắt chĩa thẳng vào đầu:

- Nằm im, không tao bắn chết!

Nhanh như sóc, sau khi khống chế xong người đàn ông, Bạch lục lọi và tìm được một cái túi màu đen. Màu vàng sáng lóa cùng với trọng lượng cái túi làm hắn hài lòng ra mặt. Trong cái túi có tới 100 cây vàng miếng.

Chia cho 2 “đồng nghiệp” 50 cây vàng, Bạch ôm số vàng còn lại trở về Long Xuyên cho đến khi bị bắt và ăn 3 phát đạn vào chân.

Trốn thoát và tiếp tục bị bắt, lần thứ năm Bạch bước vào nhà giam cũng là lần cuối cùng. Bạch Hải Đường đã yếu sức và không còn có thể tung hoành được nữa. Những ngày cuối đời, nhiều lần rơi nước mắt vì quá khứ lầm lạc, Bạch Hải Đường nhận ra rằng, xung quanh hắn chẳng còn ai thân thuộc. Tên tướng cướp đa tình không còn ảo tưởng về “lòng thủy chung”, “tình huynh đệ” hiện diện trong suốt cuộc đời phiêu lưu và tội lỗi của mình.



Bạch Hải Đường diễn tả lại động tác tháo còng trong trại giam.


Bạch Hải Đường đã thành tâm hối cải, đã khát khao làm lại cuộc đời nhưng sức khỏe không còn cho phép anh ta trở lại thành anh phụ xe, bốc vác Nguyễn Ngọc Truyện ngày nào nữa. Tháng 7-1983, cuộc đời của Bạch Hải Đường kết thúc trong bi kịch đau yếu, cô đơn và ân hận.

Ông nhà báo N.H, người đã cho chúng tôi rất nhiều tư liệu Bạch Hải Đường cũng kết thúc câu chuyện này bằng sự ngậm ngùi: "Đáng lẽ, mọi thứ đã khác. Anh ta nếu như có được một sự định hướng tốt hơn về nhân cách, một sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống thì ngày nay người ta đã không có một tướng cướp huyền thoại Bạch Hải Đường trên phim ảnh, sách vở… mà có một Nguyễn Ngọc Truyện lương thiện và tự do".


Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2