Lượt thăm:239512670   Đang Online: 1320

Cuộc sống quanh ta » Âm nhạc - Văn học »


Số lượt xem: 12299
Gửi lúc 01:57' 28/08/2011
Chúa sơn lâm vùi thây trong vạc lửa

Hàng chục con hổ lần lượt vùi xương trong vạc lửa để chưng cất nên thứ cao nâu đen mà các đại gia tôn sùng là vị thuốc “chúa”, ăn vào “khỏe” phải biết…

 

Kỳ 1: Chúa sơn lâm nằm trong… tủ đá

 Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể tin nổi rằng, có một ngày, mình lại được ung dung ngồi ăn thịt… hổ, uống rượu cao hổ cốt được chưng cất công phu suốt bảy ngày bảy đêm. Càng không thể tin được, giữa lúc cả thế giới đang xiết chặt tay bảo tồn loài chúa sơn lâm thoát khỏi thảm hoạ tuyệt chủng, thì ở một vùng quê cách Hà Nội chừng 30 km, hàng chục con hổ lần lượt vùi xương trong vạc lửa để chưng cất nên thứ cao nâu đen mà các đại gia tôn sùng là vị thuốc “chúa”, uống vào “khỏe” phải biết. Thâm nhập vào lò mổ hổ này, tôi đã phát hiện ra cả một đường dây lớn chuyên buôn bán hổ, sừng tê giác và nhiều động vật quý hiếm xuyên quốc gia.

 Chúa tể… trên giường!

 Sáng hôm ấy, Lực mò đến nhà tôi rất sớm. Vừa nhìn thấy tôi, gã đã cười hề hề: “Anh có việc đến nhờ chú đây…”. Làm một ực cạn chén trà, Lực ghé tai tôi thì thầm: “Anh đang tổ chức nấu cao hổ cốt tại nhà. Đảm bảo xịn 100%. Uống chỉ 1 lạng đã thành “chúa tể”… trên giường. Chú quen biết nhiều đại gia, manh mối dùm anh nhé”.

Tôi cười khẩy: “Thôi đi ông! Hết cửa làm ăn rồi hay sao mà lại lao vào cái trò lừa bịp ma tịt ấy. Ông mà lại đòi nấu cao hổ cốt? Có mà hổ… lốn thì có”. Tôi chưa kịp nói hết câu, Lực đã trừng mắt tức giận: “Ơ! Cái chú này láo thật. Quan hệ với anh bao nhiêu năm mà chú vẫn còn đa nghi Tào Tháo? Thằng Lực này, từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay chưa biết thất tín với ai, dù chỉ một lần, sao dám cả gan đi lừa bịp thiên hạ. Đây, chú không tin thì xem đi”.

 

Vừa nói, Lực vừa thò tay vào túi xách đưa cho tôi một xấp ảnh. Tôi giật mình. Bức ảnh thứ nhất: Lực cùng 3 thanh niên trai tráng khiêng con hổ vằn vện nằm phủ phục trên cáng tre. Bức ảnh thứ 2: Ngón tay trỏ bị cụt đốt của Lực đang chỉ vào con số 92 của chiếc cân bàn, trên đó, vị chúa sơn lâm nằm chỏng vó. Lật nhanh bức ảnh thứ 3, không thể tin vào mắt mình: Lực đang ôm thủ cấp của chúa sơn lâm, mắt cười tít, lưỡi thè lè dài gần bằng lưỡi của hổ…  Lia ánh mắt lươn tinh quái về phía tôi, Lực cười đắc thắng: “Đã tin chưa hở cháu ông Tào Tháo? Chưa à? Lại sợ thằng anh dùng kỹ thuật photoshop để lắp ghép ảnh chứ gì. Được! Chú mặc quần áo rồi đi theo anh. Hiện ở nhà anh còn một chú hổ đang nằm chờ vào nồi. Chú có thể mang theo máy ảnh, máy camera quay chụp thoải mái, nhưng với một điều kiện: cấm không được đưa hình bọn anh lên báo. Chú thề đi”.

Tôi thề liền với Lực mà không cần nghĩ ngợi. Máu nghề nghiệp sôi lên. Tôi vội vàng khoác máy lên xe theo Lực. Nhà Lực nằm ven con sông Đáy. Ngôi biệt thự 4 tầng lộng lẫy với lối kiến trúc nửa Tây nửa Tàu vênh váo vươn khỏi lũy tre làng. Bước chân đến cổng, đã nghe thấy tiếng cười đùa rôm rả.

 

Tôi nhận ra tiến sĩ S., anh trai của thứ trưởng Bộ X. và luật sư Th., thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Tiến sĩ S. mặt đỏ lựng như gà chọi, đang huơ chân múa tay quảng cáo về công năng huyền diệu của cao hổ cốt: “Thú thực với các ông, trước kia chưa dùng cao hổ, tôi với bà nhà tôi tháng chỉ gọ ghẹ một đôi lần. Mà toàn chưa đến chợ đã hết tiền mới bực chứ. Bà xã nhà tôi buồn ra mặt, cứ nằm ườn như khúc gỗ, thở hắt ra. Từ ngày xơi được 2 lạng cao hổ cốt chính hiệu, bà nhà mặt lúc nào cũng tươi như hoa nở. Hễ nhận được điện của chú Lực, bà nhà liền sốt sắng mở két rút tiền giục tôi mua về ngay…”.

 

Luật sư Th. khành khạch cười: “Xin lỗi các bác gái ở đây! Em ấy mà. Trước đây đi xét nghiệm, bác sĩ bảo em rằng dịch thì lắm, mà tinh thì chẳng thấy đâu. Em nghĩ thế là mất giống rồi. Không ngờ, mới xơi 3 lạng cao hổ cốt của bác Lực, vợ em đã ễnh bụng liền. Thánh thế chứ lỵ”.

 

Bán hổ như bán… chó!

 

Trong lúc mấy cô, mấy chị đang cười the thé, đấm lưng nhau thùm thụp, tôi theo chân Lực xuống nhà dưới. Máy quay phim, máy chụp ảnh đã sẵn sàng, nhưng nhìn khắp các xó xỉnh cũng chẳng thấy hổ đâu. Tôi nhìn Lực đầy nghi ngờ. Lực cười khì, nheo mắt, hất hàm về phía chiếc tủ đá kê lừng lững dưới bàn thờ rồi thủng thẳng bước đến.  

 

Mở chiếc khóa sắt to đùng, Lực tì tay lên nắp tủ, tay kia chống nạnh, mặt bỗng đanh lại, giọng lạnh lùng: “Chú có thể quay phim, chụp hình thoải mái, kể cả quay cảnh bọn anh chặt hổ nấu cao. Nhưng với 2 điều kiện. Thứ nhất: Cấm được đưa hình bọn anh lên báo. Thứ 2: Quay xong, chú phải sao cho anh một bản. Chú chấp nhận thì làm. Nếu không, mời chú biến”.

 

Đầu tôi gật gật mà mắt cứ dán chặt vào chiếc tủ đá, nơi chúa sơn lâm đang ngự bên trong. Lực xoay người, gồng mình, mở nắp. Tôi căng mắt nhìn. Qua làn hơi nước mờ như sương khói, con hổ dài chừng hơn 1 m, nặng trên dưới 1 tạ đang nằm phủ phục. Màu lông vằn vện hiển hiện dưới ánh đèn chiếu của chiếc camera. Tôi chạy vòng quanh chiếc tủ đá, tỉa tót từng khuôn hình, mồ hôi túa ra. Lực đập đập vào vai tôi, cười: “Thôi! Quay chừng ấy đủ rồi. Hôm nào làm thịt, chú về quay thoải mái”.

Lúc này, tôi mới ngớ người. Tại sao cả một con hổ to như vậy, Lực lại có thể đưa về nhà một cách ung dung mà không hề gặp một trở ngại nào? Và cứ như lời giới thiệu của gã, đây đã là con hổ thứ 6 được gã mua về? Dè dặt hỏi Lực, ai ngờ hắn cười hơ hớ: “Chán chú lắm! Thời buổi này chẳng có gì không làm được. Miễn là biết đường luồn lách. Nếu chú thích, anh sẽ mua cho chú một con, chở thẳng về nhà chú, rồi xẻ thịt, nấu cao tại chỗ. Nếu bị bắt bớ, anh chịu trách nhiệm. Mấy tay lang y ở Ngã Tư Sở thi thoảng vẫn phải nhờ anh nhập hàng về đấy chú ạ”.

 

Tôi cười: “Bác cứ nói đùa. Hổ bây giờ ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Thế mà bác bán hổ tằng tằng như bán chó, bố ai tin được?!”. Lực nổi cáu: “Chú càng nói càng ngu. Hổ ở Việt Nam hết thì kiếm hổ ở nơi khác chứ sao? Như bọn anh đây, toàn nhập hổ từ Ấn Độ, Bangladesh, Srilanka, Nga, Thái Lan… đấy thôi”. Nói đoạn, như sực tỉnh, Lực im bặt. Rồi cười hề hề kéo tay tôi: “Thôi! Lên nhà uống nước. Chú cứ hỏi linh tinh”. Tôi đặt tiền chung 2 suất. Lực sướng lắm. Lái xe đưa tôi về tận nhà. Lúc chia tay, gã dặn đi dặn lại: “Sáng thứ bảy chú nhớ về sớm nhé. Về mà quay phim”.

Bữa tiệc thịt… hổ

Phó Lập cầm chiếc rìu, một chân dẫm lên mình hổ, mắt nheo nheo ngắm nghía, rồi bất ngờ vung rìu, bổ “phập” vào cổ chúa sơn lâm. Chỉ đúng hai nhát, đầu chúa sơn lâm đã rời khỏi cổ.

 

Kỳ 2: Làm thịt hổ tưng bừng như… mổ lợn ngày Tết

 

Đúng hẹn, 6 giờ sáng thứ bảy, tôi đã có mặt ở nhà Lực. Tiến sĩ S., luật sư Th. cùng một số đại gia ở Hà Nội đã về từ tối hôm trước. Tôi không ngờ lại có đông người mua cao hổ đến thế. Tổng cộng đến 30 người, đủ các thành phần, từ trí thức, sĩ quan quân đội, cánh buôn lậu đường dài và cả mấy tay đồ tể…  Những người này đều có đặc điểm chung, đó là lắm tiền, háo dục và tôn sùng cao hổ như vị thuốc chúa tể của giường chiếu. Tôi cũng không ngờ, mình lại là nhân vật quan trọng đến thế khi mà cả hội chỉ chờ tôi đến mới xắn tay làm thịt hổ.

 

Giết hổ như… võ Tòng

Đội thợ nấu cao gồm 4 người, Lực thuê ngay tại quê. Làng Văn La xưa kia chuyên nghề lái gỗ. Trai tráng trong làng cứ ngược sông Đáy lên tận Sơn La, Lai Châu chở gỗ, nứa về xuôi bán. Những ngón nghề nấu cao động vật họ học được từ kinh nghiệm gia truyền của đồng bào miền sơn cước.

 

 

Sau này, khi tính năng huyền diệu của những miếng cao hổ trong việc tráng dương, bồi sức lan truyền, đã tạo nên cơn sốt ngầm “săn cao hổ” từ các đại gia, “pháp thuật” nấu cao của đám thợ Văn La mới được thỏa sức tung hoành. Họ đi khắp trong Nam ngoài Bắc nấu cao thuê với giá trọn gói 4-5 triệu đồng/con.

4 thợ nấu cao với thân hình tráng kiện khiêng chú hổ từ trong tủ đá ra khoảnh sân trước. Tại sân, những dụng cụ cần thiết cho cuộc xả thịt chúa sơn lâm đã được bày sẵn, gồm hai chiếc nồi quân dụng, một chiếc thuyền tôn chứa đầy nước, búa rìu, bàn chải sắt, nạo sắt, dao kéo… Việc đầu tiên là phải đập vỡ lớp đá cứng bên ngoài và bên trong bụng hổ, rửa sạch rồi đặt lên bàn cân. Chú hổ này cân nặng 80 kg. Tiến sĩ S. nhẩm tính: “Nếu tính cả lục phủ ngũ tạng đã bị bóc bỏ trước khi chở về Việt Nam, chú hổ này, lúc đang sống, nặng không dưới một tạ”.

 

Phó Lập săm sắm cởi áo phông, vớ ngay chiếc rìu, một chân đè lên mình hổ, mắt nheo nheo ngắm nghía rồi bất ngờ vung rìu, bổ “phập” vào cổ hổ. Chỉ đúng hai nhát, đầu chúa sơn lâm đã rời khỏi thân. Lập ôm thủ cấp hổ, ghé mặt sát ống kính chiếc camera của tôi, cười hề hề: “Anh quay kỹ mặt em để sau này con em lớn, em khoe với nó là bố ngày xưa từng một tay giết hổ như Võ Tòng”. Cả hội cười hô hố, he hé, rất vui vẻ.

 

Sự có mặt của “nhà quay phim, nhà nhiếp ảnh” là tôi khiến cánh thợ nấu cao làm việc hăng hái hẳn lên. Chỉ chưa đầy 20 phút, thân hình cường tráng vằn vện của chúa sơn lâm đã trở thành đống thịt, xương ngồn ngộn. Mùi gây gây, hôi hôi rất đặc trưng của hổ cùng mùi thum thủm của thứ thịt để lâu ngày tạo nên một tổ hợp mùi rất khó tả khiến tôi ậm oẹ mấy lần. Giầy, tất tôi dính be bét máu hổ.

 

Món thịt hổ nướng

Trong khi cánh thợ nấu cao đang cuồn cuộn bắp tay miết chiếc nạo sắt dứt từng mảng lông hổ ra khỏi da thịt thì vợ Lực xăng xái thục tay vào đống thịt tìm bới nanh, vuốt hổ. Đôi tay trần nần nẫn thịt của chị ta sục sạo một hồi, rồi chị rít lên: “Tiên sư đứa nào lại nẫng mất của bà rồi. Đúng là quân cướp ngày. Mấy triệu bạc của bà chứ ít gì đâu”.

 

Khi từng miếng thịt hổ được cánh thợ nấu cao làm sạch sẽ, xếp đầy 2 chiếc nồi quân dụng thì Lực khệ nệ ôm từ trên nhà xuống một chiếc bao tải đã được niêm phong.

 

Lực vung dao nhọn rạch toang miệng bao rồi xoạc chân dốc ngược. Cả đống xương xám, trắng đổ oà ra mặt sân. Lực giải thích: “Đây là xương gấu, xương sơn dương và gạc nai. Con hổ này bọn anh sẽ nấu cao toàn tính nhằm giảm giá thành, song vẫn phải tuân thủ theo công thức: 60% xương hổ, 30% xương gấu, còn lại là xương sơn dương và gạc nai”.

 

11h trưa, hai chiếc nồi quân dụng đổ nước ngập chừng 10cm được bắc lên hai lò than rực hồng. Cả tốp thợ nấu cao và đám mua cao chúng tôi hỉ hả ngồi vào mâm cụng chén. Bữa tiệc khá thịnh soạn. Thịt vịt, thịt gà, thịt bò và món không thể thiếu được là thịt… hổ nướng tẩm ướp gia vị.


Mọi người uống ừng ực, ăn ào ào. Tôi gắp ngay miếng thịt hổ. Cái cảm giác lần đầu tiên trong đời được ăn miếng thịt chúa sơn lâm khiến tôi vừa sung sướng, vừa hồi hộp. Nhưng vừa đưa lên miệng, cái mùi gây gây, hôi hôi, thum thủm… khiến muốn ói mửa. Ba lần tôi cố đưa lên miệng, ba lần tôi phải thả xuống bát. Ai nấy nhìn tôi cười sằng sặc, rồi lại gắp thịt hổ chén ngon lành. Những cái miệng nhai ngấu nghiến, mỡ dính ngoen ngoét quanh môi.

Bữa tiệc tàn cũng là lúc chúng tôi cắt cử xong các ca trực nồi cao trong suốt bảy ngày bảy đêm. Tôi và tiến sĩ S. chịu trách nhiệm canh chừng nồi cao ngày thứ nhất. Và thật bất ngờ, chính trong đêm đầu tiên ngồi bên vạc lửa, tôi đã được diện kiến bậc thầy nấu cao lão luyện nhất làng Văn La. Chính câu chuyện kể của ông đã giúp tôi biết được những kỹ nghệ nấu cao hổ và hé mở về một đường đây buôn hổ xuyên quốc gia mà Lực là một mắt xích.

Pháp thuật nấu cao hổ

Da thịt săn chắc, đỏ au như đồng, tóc búi củ hành, râu quai nón rậm rì, mắt phượng tinh anh, lang y B. mang dáng dấp của một cao thủ võ lâm đang hành tẩu trên giang hồ hơn là một thầy thuốc.

 

Kỳ 3: Bí mật của những bộ xương

 

Ông thầy nấu cao cự phách mà tôi được may mắn ngồi hầu chuyện trong đêm đầu tiên canh chừng nồi cao hổ ấy là lang y Lương Văn B. Năm nay 75 tuổi, da thịt săn chắc, đỏ au như đồng, tóc búi củ hành, râu quai nón rậm rì, mắt phượng tinh anh, lang y B. mang dáng dấp của một cao thủ võ lâm đang hành tẩu trên giang hồ hơn là một thầy thuốc đơn thuần.

 

“Chúa tể” nghề nấu cao

 

 

Tổ tiên ông vốn là người Quảng Đông (Trung Quốc) phiêu dạt sang Việt Nam từ mấy trăm năm trước. Dòng họ Lương vốn nổi tiếng bao đời về tài bốc thuốc trị bệnh cứu người. Riêng lang y B. tiếng tăm lừng lẫy cả vùng về khả năng chữa trị các bệnh về xương bằng cây thuốc Nam, đặc biệt là tài thẩm định xương hổ. Chỉ một cái liếc mắt, ông có thể xác định đây là xương hổ thật hay giả, xương của hổ nuôi trong chuồng hay hổ hoang dã trong đại ngàn. Thậm chí, có thể biết được đấy là xương cốt của hổ xám hay hổ vằn, hổ chết vì dính bẫy hay trúng ngọn tên mũi đạn…

Nhiều chuyên gia nấu cao ở Hà Nội đã không tiếc lời ca tụng, tôn sùng lang y B. là “chúa tể” của nghề nấu cao. Không ít đại gia sẵn sàng bỏ ra 2 - 3 triệu đồng chỉ để nhận một cái “gật” hay “lắc” của vị chúa tể này khi săn lùng được bộ xương hổ.

 

“Vậy làm thế nào để phân biệt được xương hổ thật và giả?”. Tôi dặt dè hỏi lang B. “Vị chúa tể” của nghề nấu cao bật cười khành khạch, rung đùi vuốt râu rồi lia cái nhìn tinh quái, kiêu bạc vào mắt tôi: “Một câu hỏi quá dễ. Tiến sĩ S. hay luật sư Th. cũng có thể kể vanh vách cho chú nghe những tiêu chuẩn của một bộ xương hổ thật”. Theo ông, xương cọp đanh như gỗ lim, dằn xuống đất nghe tiếng “bịch”. Tất nhiên, phải là người tinh tường về nghề mới nghe được.

 

Việc đầu tiên trong quá trình thẩm định xương hổ là phải xem thông cân và xương bả. Thông cân là cái lỗ nhỏ ở chân trước, chỉ có gấu, hổ và báo mới có. Song thông cân của gấu thì tròn, còn của hổ thì cong cong như mắt phượng nên gọi là phượng nhãn. Xương bả cọp có hình cánh buồm, xương bả các loài khác có hình vuông. Hổ chết trong rừng lâu ngày xương trắng bợt, ngâm nước một lát thì bị ải ngay. Hổ săn bắn thì xương dính liền nhau, có màu trắng ngà.

 

 

Muốn thẩm định chính xác nhất đâu là xương hổ thật, đâu là xương hổ giả, phải kiểm tra trọng lượng của xương sọ. Toàn bộ xương cốt cọp nặng bảy phần thì xương đầu chiếm đúng một phần, không xê xích lạng nào… Nếu đạt được tất cả những tiêu chuẩn trên, thì có thể đó là một bộ xương hổ xịn.

 

Lang y B. dùng từ “có thể”, bởi theo ông, những tiêu chuẩn đó thiên hạ ai chẳng biết và nói nhai nhải suốt ngày mỗi khi bàn đến cao hổ cốt. Chính vì ai cũng biết, nên đám làm xương hổ giả sẽ tìm cách biến những bộ xương khác thành xương hổ với những tiêu chuẩn như trên. Tôi tin rằng, lang y B. còn giấu những bí quyết phát hiện xương hổ thật và giả, song ông không nói ra.

 

Biến xương chó bec-giê thành hổ cốt

 

Ngừng lời, ném lại phía tôi một cái nhìn kiêu bạc, lang B. đứng dậy, bước về phía nồi cao nghi ngút khói, mở nắp vung. Mùi gây gây, hoi hoi, nóng nóng… phả vào mặt tôi. Tôi rùng mình, bịt chặt mũi, miệng ậm oẹ muốn nôn. Lang y B. vẫn khom lưng, ghé mặt sát nồi cao rồi chậm rãi với chiếc gáo dừa, múc thêm 5 gáo nước mưa đổ vào nồi. Thân hình ông chìm trong làn khói mù mịt.

 

 

Lang B. chậm rãi quay lại phía tôi, cười khành khạch: “Nói vậy chứ nhiều tay nấu cao lõi đời rồi, nhưng lơ là một tý vẫn mua phải xương đểu như chơi. Xương hổ bây giờ hiếm nên chúng nó làm giả nhiều lắm. Mà công nghệ chế tác xương hổ giả thì ngày càng tinh vi. Những khúc xương trâu, xương chó, xương béc-giê cụ…, qua hàng loạt thao tác tinh xảo, tỉ mẩn: đục, mài, cạo, giũa…, bọn lái xương sẽ phục dựng nguyên hình một bộ xương hổ với đầy đủ nhãn phượng, xương bả hình cánh buồm, răng không thiếu một chiếc cho khách chấm, khiến không ít những tay trùm sò trong đường dây buôn hổ nhiều phen phải điêu đứng.

 

Chẳng phải ai xa lạ, chính bác Lực nhà ta đây, khôn như cáo mà năm ngoái còn bị một phen chết đứng như Từ Hải. Chẳng là, có một tay lái xương trong Thanh Hoá, một hôm hớt hải tìm gặp bác Lực, chào bán bộ xương cọp nặng 7kg với giá bèo bọt 40 triệu đồng. Hắn khóc lóc kể lể rằng: cha hắn vừa bị tóm vì tội buôn xương cọp từ Lào về, nên cần bán gấp để lấy tiền chạy chọt. Được tôi chỉ bảo nhiều lần nên bác Lực nhà ta chủ quan tin tưởng vào khả năng của mình đã mua luôn bộ xương.

 

Ngày hôm sau tôi lên thẩm định lại, chỉ rõ trò xảo thuật của tay lái xương, anh Lực mới ngã ngửa người. Ngay cả vết đạn ở sát gáy con hổ cũng được làm y như thật. Anh Lực nhà ta uất quá, định kéo người đi phục thù, nhưng bắt nạt lái xương đâu có dễ. Từ bấy, Lực cạch không dám mua xương hổ, chuyển hẳn sang buôn hổ nguyên con ướp lạnh cho chắc ăn”.

 

“Mấy năm qua, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Cục kiểm lâm Việt Nam (FPD) tiến hành thử nghiệm một chương trình giám sát hổ và con mồi. Kết quả ban đầu cho thấy dãy Trường Sơn gồm nhiều khu rừng nhiệt đới ẩm có thể còn hổ. Ước tính, hổ ở Việt Nam hiện còn khoảng 100 con”. Tẩn mẩn giở sổ ghi chép, tôi rành rọt đọc từng câu từng chữ mẩu tin trên cho lang B. nghe rồi mạnh dạn chất vấn: “Hổ nguyên con đào đâu ra mà nhiều thế?” và tỏ vẻ nghi ngờ: “Hay đó cũng là sản phẩm tinh xảo của công nghệ chế tác hổ rởm?”.

 

Lang B. ngẫm ngợi một hồi lâu rồi gật đầu xác nhận: “Đúng là hổ ở Việt Nam ngày càng khan hiếm do nạn săn bắn ngày một tăng. Sinh cảnh sống của hổ ngày càng bị thu hẹp do mất rừng. Nhưng tôi thề với chú, chưa một tay buôn hổ nào đủ khả năng chế tác nguyên cả con hổ với lớp lông vằn vện, với nanh vuốt, thịt xương và nhất là cái mùi gây gây rất đặc trưng của chúa sơn lâm. Ngoại trừ trường hợp đánh lận con đen giữa báo hoa mai với hổ. Song cũng không dễ dàng lừa bịp được "con mồi" bởi báo hoa mai nhỏ hơn hổ. Con to nhất cũng chỉ nặng 60 - 70 kg (trong khi hổ nặng khoảng 100 - 250 kg), lông không có vằn vện (sọc ngang) mà là những đốm màu đen hình hoa mai”.

 

Đưa mắt đảo quanh một lượt, lang B. ghé sát tai tôi thì thầm: “Tất cả những con hổ này đều từ Lào, Ấn Độ, Srilanka, Nga, Thái Lan, Indonesia… nhập biên sang đấy. Có cả một đường dây buôn hổ xuyên quốc gia mà bác Lực nhà ta chỉ là một mắt xích nhỏ thôi. Phía sau bác ấy có những bàn tay đầy thế lực che chở, bảo kê…”.

Hé lộ đường dây buôn hổ

Nước bạn Lào là trạm trung chuyển quan trọng để đường dây buôn hổ tuồn hổ từ Myanma, Thái Lan, Srilanka… vào Việt Nam qua hai cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An).

 

Kỳ 4: Hành trình đưa hổ về Việt Nam

 

Lực mới tham gia đường dây buôn hổ và thịt hổ chừng 6 năm. Trước đây, Lực bị bệnh viêm đa khớp. Cứ chớm rét là các khớp xương chân, xương tay sưng vù, leo lên được đến tầng hai đã là một kỳ công khổ cực và đau đớn. Thuốc đông, thuốc Tây từ Bắc chí Nam đều đã thử, song đau nhức vẫn hoàn đau nhức.

Đã vậy, Lực lại mắc chứng yếu sinh lý, chưa xung trận súng đã cướp cò, trong khi cô vợ đang tuổi hồi xuân lúc nào cũng hừng hực như bó đuốc cháy. Một ngày, có tay bạn buôn đồ cổ, mách Lực dùng thử cao hổ cốt. Ai ngờ, dùng đến lạng thứ 3, bệnh viêm đa khớp biến đâu mất. “Súng đạn” lúc nào cũng hung hăng xung trận. Lực sướng quá, đâm ra mê tín cao hổ, rồi lao vào buôn bán lúc nào chẳng hay.

 

Chuyến hàng 3 tỷ, phải lót tay 800 triệu đồng

 

Nguồn hàng lúc đầu, chủ yếu từ Lào về. Sự quản lý lỏng lẻo của các cấp chính quyền sở tại cùng nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã tràn lan khiến Lào trở thành một “cối xay thịt” động vật hoang dã khổng lồ.

 

Ở Phôn Xa Vẳn, Bô Ly Khăm Xay, hổ được rao bán công khai. Bỏ ra chừng 4.000 - 5.000 USD, người ta có thể mua được một bộ cốt hổ xịn nặng từ 10 - 13 kg. Sau này, khi nhiều động vật quý hiếm của Lào đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, hổ cũng cạn kiệt dần, Cục kiểm lâm trung ương Lào mới xiết chặt quản lý.

 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Lào vẫn là trạm trung chuyển quan trọng để đường dây buôn hổ tuồn hổ từ Miến Điện, Thái Lan, Srilanka… vào Việt Nam qua hai cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) và cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An).

Hành trình đưa hổ vượt qua nhiều biên giới quốc gia chỉ gặp trở ngại với các cửa khẩu. Song, với hàng ngàn mưu mô chước quỷ, đám lái hổ vẫn đưa hổ lọt qua các cửa khẩu ngon lành. Cứ như lời lang y B. nói thì hổ từ Lào vào Việt Nam bằng rất nhiều đường.

 

Với hổ nguyên con, chúng phải mổ bụng vứt bỏ hết ruột gan để tránh xác hổ mau thối rữa và bốc mùi khi vận chuyển. Sau đó, một là thuê người dân tộc khiêng vượt suối, băng rừng, hai là chở bằng xe đông lạnh. Cách vận chuyển thứ hai khó khăn hơn, song “nếu có bảo kê thì chẳng thấy gì trở ngại cả” - lang B. khẳng định.

 

Đem được hổ nguyên con từ rừng về tận nhà là tuyệt nhất. Nếu cảm thấy không an toàn thì chặt hổ làm 5 phần gồm đầu và tứ chi để vận chuyển cho dễ, nhưng phải giữ được da. Khi các bộ phận được đưa đến nơi tập kết thì ráp lại. Hoặc xẻ thịt róc xương, vừa làm vừa quay video, chụp ảnh cho khách mua xương xem để làm tin. Nếu làm theo cách này thì giá rẻ hơn nguyên con rất nhiều.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, đường dây buôn hổ của Lực chỉ bán hàng độc. Họ bán nguyên con theo trọng lượng, với giá 4 - 5 triệu đồng/kg. Theo như lời của Lực thì khách hàng cần mua bao nhiêu con cũng có.

 

Cứ đặt tiền, cho địa chỉ, Lực sẽ đánh ô tô chở đến tận nhà. Chậm nhất không quá một tuần lễ. Tất nhiên, để có được hàng độc nguyên con như thế, chi phí lót tay cho các bảo kê không phải là ít. Nếu đúng như thú nhận của Lực thì một chuyến hàng trị giá 3 tỷ mà Lực vừa buôn về năm trước, tiền chi cho bảo kê mất 800 triệu đồng.

 

Bữa tiệc tráng chảo

 

Cuối cùng, ngày chia cao cũng đến. Đám chung cao chúng tôi mặt mày ai cũng hớn hở sau bảy ngày bảy đêm đỏ mắt ngóng chờ. Nhìn lớp cao nâu đen bóng được láng mịn trên chiếc mâm đồng, mắt người nào cũng rực lên.

Lang y B. sau suốt một tuần gần như thức trắng xì xụp săn sóc nồi cao, lạ kỳ thay, sắc diện vẫn hồng hào, mắt tinh anh, tiếng nói vẫn sang sảng. Chẳng hề thấy ở lão một chút mệt mỏi nào. Lão cười hề hề: “Nhằm nhò gì. Tháng tôi vần vò được 3 nồi như thế này. Tối còn đủ sức đi gái gú. Các em 18 gặp tôi chỉ có nước chắp tay mà lạy sống: Con lạy bố. Bố tha cho con. Con xin hoàn lại tiền. Sức trai như các chú, theo được lão già này còn mệt nhé”. Nói đoạn, lão cười khơ khớ, đung đưa mắt về phía mấy mợ mỡ màng đang ngồi túm năm tụm ba trên sập gụ thi nhau kể tội các đức ông chồng.

Giờ chia cao bắt đầu. Vợ Lực, tay phải cầm dao, tay trái cầm thước, mắt nheo nheo ngắm nghía rồi khẽ khàng rạch một đường dao. Lớp cao hổ tách đôi thành hai phần đều chằn chặn trên mâm đồng. Rồi bất ngờ hứng khởi, bàn tay chị ta dẻo quẹo cắt ngang cắt dọc. Trong nháy mắt, 54 miếng cao hình vuông sắc cạnh như bao thuốc không vênh nhau một ly.

 

Lực ngồi chồm hổm, giở sổ đọc, giọng vỏng vót, con mắt lươn tí lại hấp háy như mắt gấu: “Tiến sĩ S. 6 lạng, luật sư Th. 9 lạng, giám đốc Đ. 5 lạng… Vợ Lực miệng cười đon đả, những ngón tay nõn nà của chị ta thoăn thoắt gói từng miếng cao vào túi ni lông giao cho từng khách. Thỉnh thoảng chị lại thẽ thọt: “Gớm! Các bác mà dùng hết số cao này, cứ gọi là khỏe phải biết. Bác gái nhà em cứ là lên tiên”. Miếng cao cuối cùng được trao tay cũng là lúc bữa tiệc tráng chảo bắt đầu. Bữa tiệc hôm nay tuy không có thịt hổ, nhưng bù lại, rượu mạnh pha cao hổ uống tẹt ga. Mắt ai cũng vằn lên.

 

 

Thứ rượu trăng trắng, đùng đục ấy uống một ly đã thấy máu trong huyết quản rần rật chảy. Ly thứ hai thấy mặt mũi phừng phừng như hơ lửa. Ly thứ 3 thấy đất trời nghiêng ngả. Ly thứ 4 đã thấy chân tay thừa thãi, ngứa ngáy rồi. Thảo nào mấy quý bà, quý cô hồi sáng còn đoan trang, thùy mị lắm mà giờ cũng nốc rượu như điên. Có cô còn bưng mặt khóc tu tu, thở than: “Cả đời em chưa một lần biết cực khoái là gì. Phen này, em quyết bắt chồng em đưa em vào giây phút thần tiên bằng cao hổ”.

 

 Và thật bất ngờ, giữa không khí ồn ã của những tiếng ly cốc va chạm, tiếng nói cười, tiếng nôn oẹ, tôi đã thấy mâm bên, Lực đang hì hụi ghi ghi, chép chép tên tuổi, số suất của những người đăng ký chung mua mẻ cao tới. Tôi giật mình. Thế là chỉ mươi ngày nữa thôi, một con hổ nữa sẽ tiếp tục phải vùi thây trong vạc lửa…

 

 

 Làng nấu cao hổ và những mánh khóe nghề

 Làng Phú Cường ở xã Lãng Công (Sông Lô, Vĩnh Phúc) có nghề nấu cao hổ từ rất lâu rồi. Ở đây, có một "đội quân" trên dưới 50 người đi khắp các vùng trong cả nước kiếm sống bằng nghề và bằng cả những mánh khóe nấu cao hổ thuê.

Cái lý của người làm thuê
Vòng vèo rất lâu tôi mới đến được làng Phú Cường ở xã Lãng Công, nơi có nghề nấu cao... dạo. Bà Ngáng ở Phú Cường, bán nước ở đầu làng nói với tôi: Cô tìm thợ làm "bánh dẻo" hả (tức thợ nấu cao hổ - PV)?. Khó lắm đấy. Người ta đi làm chưa đến đợt về. Bây giờ, nấu cao hổ thuê cũng là vi phạm pháp luật... Trung bình, giá công nấu một nồi cao từ 5-10 kg là 10 triệu đồng; 12-15 kg là 12 triệu đồng cho thợ nấu chính, còn thợ giúp việc 2 người là 3-4 triệu đồng /người và giá tuỳ thoả thuận".
 
Bà Ngáng úp mở rằng, phải cẩn thận, có vài người làng nấu cao hổ thuê bị công an bắt vì không tố giác tội phạm. Sau khi cầm 50 nghìn đồng của tôi, bà Ngáng chỉ đến một căn nhà trong xóm, tên là Lộc. Nhìn trước, ngó sau, ông ta hất hàm hỏi: "Mấy ký?" (tức con hổ bao nhiêu kilôgam xương?). "Xuống giá"? (tức trả công bao tiền nhiêu?); "Nấu, chỉ trỏ (tức cò mồi, giới thiệu) định giá (tức xem xương hổ là giả hay thật) hay tất? ". "Từng công đoạn là bao nhiêu "? - Tôi hỏi. Nấu 10 T (tức 8 triệu đồng /nồi) 5-7kg xương hổ; chỉ trỏ qua điện thoại 4 T; định giá 8 T. Gia chủ còn phải chi tiền ăn uống, đi lại, tiền điện thoại cho quá trình làm việc này.
 
Tôi vờ phân bua: "Anh có giảm được không? Tôi không phải là đại gia, vì tôi bắt buộc phải nấu cao để làm thuốc chữa bệnh cho người thân thôi". "Mặc cả thì đi chỗ khác nhé, làng này có đến mấy chục người biết nấu cao hổ. Cô có biết, trong 7 ngày làm thuê đó, tôi nơm nớp lo sợ thế nào không? Nếu bị phát hiện, là vướng vào vòng lao lý, khổ cả đời".
 
Nghề cha truyền, con nối
Qua giới thiệu, tôi gặp được Tường (ở Lãng Công, Sông Lô). Tường chỉ hơn 40 tuổi, ăn mặc bụi bặm, khuôn mặt nghệ sỹ. Theo giới thiệu, Tường là đời thứ 4 của một gia đình có nghề gia truyền nấu cao hổ. Người dẫn tôi gặp Tường nói: "Cô muốn làm thế nào moi được thông tin từ nó thì tuỳ, nhớ đừng "hở" là nhà báo, nó cạch mặt nói cả làng biết thì chết tôi, hết đường về quê mẹ luôn đấy".
 
Làng nấu cao hổ và những mánh khóe nghề
Xẻ thịt hổ để nấu cao
 
Sau một hồi trà dư, tửu hậu, trong câu chuyện chẳng có đầu, cũng không có cuối, Tường cũng lộ một số bí quyết của công nghệ nấu cao gia truyền của gia đình. Khi còn nhỏ, cứ hè - được nghỉ học là bố cho Tường theo. Lớn thì phụ giúp bố, được bố truyền cho nhiều kinh nghiệm.
Tường bảo, ngày xưa, người ta nấu cao hổ bằng nồi gang 120 (to nhất). Bây giờ người ta nấu bằng nồi inox. Theo Tường, nấu cao bằng bếp âm, đào dưới lòng đất, như kiểu bếp Hoàng Cầm ngày xưa vẫn là chất lượng nhất.
 
Tường phân tích, cao hổ tốt, chuẩn nhất là nấu 60% xương hổ, còn 40% là đầu sơn dương, hoặc khỉ, gạc nai hoặc yếm rùa... để làm chất kết dính. Ngoài ra phải có "gia vị" là đại hồi và củ thục địa để điều hoà mùi. Xương hổ là hoả, thục địa là thuỷ, hai thứ này điều hoà cho nhau, thì người sử dụng mới không bị nhức đầu, nóng trong.
 
Làm hổ thì có thợ riêng. Kinh nghiệm của ông và cha tôi nói lại thì, người miền núi, họ làm hổ chuẩn hơn bất kỳ nơi đâu. Họ đem hổ ra suối, nơi nước chảy đôi dòng, nơi có đá cuội, nước trong vắt... vặt lông, bỏ tủy. Tường giải thích: Chúa sơn lâm ở trên rừng lại được hoà với nước nguồn ở dưới đất rừng thì nó quyện vào nhau, tốt vô cùng về âm - dương. Rửa sạch, để ráo nước, sấy khô. Sau đó, đem xương hổ ngâm với nước nóng (nước ở suối có đá cuội thì càng tốt) được đun với lá trầu và gừng nướng (có người bảo gia chủ ngâm xương với dấm, nước vo gạo, đó là bí quyết gia truyền của họ). Thời gian ngâm là hai ngày. Sau đó, cho xương vào đáy nồi, xếp quanh đáy lên hình vành khăn. Xếp như thế để tiện cho việc múp nước ra ràng.
 
Nấu cao trong 7 ngày, 7 đêm với những quy trình khắt khe về giờ ra ràng nước. Nước nấu cao, nếu là nước suối thì tốt, còn không, nhất thiết phải là nước mưa mới được. Nước thành phố, được khử hoá chất như bây giờ mà nấu thì khử hết cả hổ, còn gì chất bên trong nữa. Thế mà người ta vẫn nấu, tại vì được thuê mà - Tường nói giọng tưng tửng như thể "chửi" cánh nhà giàu trọc phú, chẳng hiểu biết gì.
 
Theo Tường, khi nấu 60h đầu tiên, lửa phải cháy rực, sau múc 2/3 nước ra ràng, đúng vào 12h đêm. Nước hai, đun trong 48h thì ra ràng nước và nấu tiếp nước thứ ba. Sau đó, hoà chung ba lần nước ra ràng rồi đun thêm 36h nữa thì được thành phẩm là cao. Tường kể, người ta ngạc nhiên chuyện, 1kg xương hổ cốt, nấu được 1, 4kg cao. Đó là đúng, vì còn gia vị nữa.
 
Gia truyền chơi xỏ chủ
Đi nấu thuê nhiều thế, có "thó" được ít nào về cho người thân dùng không?- Tôi hỏi. Tường kể về cái lần ăn cắp duy nhất trong đời như này: “Trong quá trình đun nồi cao, cả gia đình chủ cứ căng mắt ra trông xem tôi có moi xương trong nồi ra cho xương khác vào, giấu xương hổ để đem về hay không. Biết thế, tôi chơi độc. Đang đun, tôi bảo, muốn ăn quả trứng gà luộc. Gia chủ mang vào cho 3 quả. Tôi bỏ vào nồi được vài phút cho trứng chín tới phần lòng trắng, đem ra bóc. Bóc vỏ xong, tôi lấy cớ, trứng chưa chín lòng đỏ, ăn tanh, cho vào nồi xương đun tiếp.
 
Vài phút sau, gia chủ giục "lấy trứng ra mà ăn". Tôi vờ lấy môi, khuấy một vòng quanh nồi, bảo: Chưa tìm thấy, kệ, chốc ăn cũng được, ngủ tí đã. Tôi vừa ngủ, vừa nằm trong 3h thì dậy và lấy trứng ra ăn. Tôi mời gia chủ, họ ăn thấy đắng, quá đắng, cho tôi tất. Tôi vờ ăn rồi cũng kêu đắng, bảo bỏ đi, thực ra tôi cho vào túi nilon, mang về ngâm rượu. Bao nhiêu chất của xương hổ đã bị trứng hút hết vào nồi cao hổ đó chỉ còn bã mà thôi.

 

 

 

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2