Lượt thăm:239520820   Đang Online: 700

Số lượt xem: 3059
Gửi lúc 15:47' 23/04/2013
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Nói tôi ngu là quá lời”

Quan điểm trái chiều 

Ngày 21/4, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có văn bản số 10/2013/HH-CV “Đàn Xã Tắc hay tắc Xã Đàn” gửi UBND TP Hà Nội, ủng hộ quan điểm xây cầu vượt chạy qua một phần không gian của Đàn Xã Tắc.

Trong văn bản này có những đoạn: “Đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy, nhưng cho rằng đây là khu tâm linh trời và đất của đất nước ta là ngộ nhận. Tâm linh là ở trong tâm thức của con người, khu vực Đàn Xã Tắc không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất mà không ai đoái hoài, ghi nhớ”.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.


Tượng đài Nguyễn Huệ và khu di tích gò Đống Đa ghi nhận chiến công hiển hách của ‘người anh hùng áo vải’ đã đuổi sạch bóng quân thù và đập nát triều đại phong kiến ‘cõng rắn cắn gà nhà’. Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1km”.

Sáng nay, một tờ báo đăng quan điểm của Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng “Đó là câu nói của người ngu” khi bình luận về chi tiết văn bản của Hiệp hội Vận tải Hà Nội có đoạn “Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, giải quyết vấn đề giao thông là việc làm hết sức quan trọng, cần phải làm để giải quyết ách tắc giao thông, nhưng cần phải tìm ra giải pháp tối ưu để không vi phạm luật, vì Đàn Xã Tắc đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích đặc biệt.

Sau khi thông tin này được đăng tải, Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đồng thời cũng là người ký văn bản số 10/2013/HH-CV.

Ông Liên nói: “Trước hết, tôi rất trân trọng ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, vì họ là những người nghiên cứu chuyên sâu thì có thể nắm được nhiều thông tin về khu vực Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, tôi cho rằng nói tôi ngu là hơi quá lời.  Đó là văn hóa của người Á Đông. Theo tôi, văn hóa ứng xử phải tôn trọng lẫn nhau, nếu một ai đó có sai thì người khác có thể góp ý, nhưng không thể nói theo kiểu ở quán bia, quán rượu”.

Ông Bùi Danh Liên cho hay, nội dung đưa ra trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội xuất phát từ quan điểm của người làm công tác giao thông, có thể không am hiểu sâu về lịch sử nên quan điểm khác với các nhà nghiên cứu sử, nhưng quan điểm của mỗi người đều phải được nhìn nhận khách quan, công bằng.

“Chúng tôi chỉ mong muốn con đường được thông thoáng để giải quyết được tình trạng ùn tắc hiện nay. Mỗi ngày đi qua Đê La Thành mà cứ phải nhìn thấy cảnh ách tắc như vậy thì rất buồn. Hơn nữa, chúng tôi không nói là phải phá bỏ Đàn Xã Tắc, mà ngay ở phần đầu văn bản chúng tôi cũng nói là cần bảo tồn đấy chứ. Tuy vậy, đây là vành đai 1, rất quan trọng với giao thông Hà Nội, nếu không làm xong thì không biết đến bao giờ mới giải quyết được nạn ùn tắc ở nút này”, ông Liên nói.

Phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc vấp phải sự phản đối của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

“Không phải tôi không biết gì về Sử đâu”

Khi phóng viên đặt vấn đề về các thiết kế cầu vượt tại khu vực nút giao thông nay, ông Liên chia sẻ: “Tôi xem mười mấy thiết kế thì có phương án đặt các mố cầu ra ngoài di tích, và cầu chỉ đi qua một phần không gian của Đàn Xã Tắc là hợp lý nhất. Các nhà nghiên cứu, thiết kế cũng đã tính toán rất nhiều rồi mới đưa ra được phương án này. Chúng ta không thể đòi hỏi làm cái gì cũng được tất cả, thí dụ như một cô gái đi lấy chồng thì có được một người chồng tốt, nhưng rõ ràng là cô ấy không còn tự do như trước nữa.

Việc làm cầu vượt qua khu vực này mà cứ né tránh thì mấy chục năm nữa cũng không xong, càng về sau càng khó làm. Nếu muốn tránh hoàn toàn Đàn Xã Tắc thì chỉ còn hướng quay sang đường Nguyễn Lương Bằng. Nhưng cách này là không thể làm được, vì sẽ cần rất nhiều nhánh lên và xuống, như vậy thiết kế vô cùng khó khăn mà phải giải phóng mặt bằng lớn bằng cả sân vận động mới làm được, như thế thì quá tốn kém và gây ra nhiều hệ lụy cho nhiều người đang sinh sống tại khu vực này”.

Trước những ý kiến cho rằng nội dung văn bản đã kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho thấy tầm nhìn và kiến thức lịch sử còn nhiều hạn chế, ông Bùi Danh Liên phân trần: “Tôi được đào tạo trong Đại học Sư phạm 1 Hà Nội Khoa Văn-Sử những năm 60 chứ không phải không biết tí gì đâu.

Tôi cũng được học nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành Sử đấy nhé. Tôi không phải là người không tôn trọng thế giới tâm linh, và chính tôi kêu gọi phục hồi lại chùa Viên Quang ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An bị phá hủy hồi chiến tranh. Tuy vậy, tôi vẫn chỉ giữ quan điểm là mọi người đều có quyền nêu ý kiến, người lớn nói thì nên tôn trọng nhau, không nên nói quá lên, cho dù ông là Giáo sư, Tiến sĩ thì đối với tôi cũng là một quan điểm thôi. Tôi nghĩ phải dân chủ và bình đẳng, không nên xúc phạm người khác, còn quyết định như thế nào thuộc về cơ quan có thẩm quyền”.

Ông Liên cũng cho rằng, một số nhà nghiên cứu văn hóa nói với ý làm ảnh hưởng tới Đàn Xã Tắc thì mất dân, mất nước, mất tâm linh là quá đà. “Tôi kiểm tra rất nhiều tài liệu nhưng không phát hiện ai phá đi Đàn Xã Tắc, có ý kiến cho rằng khi Tây Sơn đánh vào Ngọc Hồi thì phá đi, nhưng đó cũng chỉ là một quan điểm, còn tài liệu lịch sử thì không chứng minh được. Tôi nhắc lại là kiến nghị của tôi tập trung vào việc tiếp tục xây cầu, còn nhận định lịch sử thì tùy góc độ của từng người, đây không phải là hội thảo”, ông Liên nói.

Diệu Linh- Giaoduc.net.vn

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2