Lượt thăm:240720000   Đang Online: 850

Số lượt xem: 3449
Gửi lúc 10:01' 09/09/2011
Bí mật kho báu khổng lồ ở Hà Giang
Theo những tài liệu mà người dân xã Vĩnh Phúc thu thập được thì kho báu trên của toán quân khởi xướng phong trào Quảng Mã, một phong trào chống Pháp sôi sục ở Hà Giang hồi cuối thế kỷ 19. Đứng đầu phong trào này là ba anh em kết nghĩa Hoàng Đình Cắm, Nguyễn Đình Thái và Tăng Văn Dần…
 

  Mộ cụ Hoàng Đình Cắm

Những anh hùng miền sơn cước

Câu chuyện về kho báu bí mật nơi cực Bắc xa xôi ấy chúng tôi vô tình biết được qua cuộc trò chuyện với ông Lò Văn Quán, một cán bộ nghỉ hưu ở thành phố Hà Giang. Ông Quán đang hoàn thành ước nguyện lớn nhất của đời mình đó là tìm hiểu, làm rõ thân thế sự nghiệp của cụ ngoại mình, một anh hùng chống Pháp nhưng không được lịch sử nêu tên.

Theo ông Quán thì người dân quê ông, đặc biệt là những người trong dòng họ ngoại của ông hiện còn lưu trữ nhiều tài liệu về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Đình Thái (còn gọi là tướng quân Giàng Phụng), Hoàng Đình Cắm, Tăng Văn Dần hồi cuối thế kỷ 19. Nguyễn Đình Thái là người gốc Cao Bằng, con trai trưởng châu Bảo Lạc là Nguyễn Đình Thông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đình Thái đã có dung mạo, dáng vóc khác thường. Tính tình hào sảng nên ông lang bạt nhiều nơi để tìm thầy luyện võ, đồng thời giao du, kết thân với nhiều nghĩa sĩ giang hồ.

Năm 1860, hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình nhà Nguyễn, ông tham gia quân đội, đi trấn áp giặc phỉ, quân phiến loạn ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong quãng thời gian tham gia quân đội này, Nguyễn Đình Thái đã kết giao với nhiều chí sĩ cùng chí hướng. Trong số ấy có 2 người bạn tâm giao là ông Hoàng Đình Cắm và ông Tăng Văn Dần, thường được gọi là Dần Phụng.

          Nơi anh em ông An khai quật kho báu giờ đã thành ao.

Tụ hợp quần hùng dưới trướng nhưng cả ba ông vẫn thuộc biên chế quân đội nhà Nguyễn. Và, cũng trong thời gian này, với những chiến công lẫy lừng trong việc tiễu trừ thổ phỉ cũng như đánh tan nhiều cánh quân phiến loạn ở các tỉnh biên giới, ba ông đã được triều đình nhiều lần trọng thưởng. Khi thực dân Pháp kéo vào xâm lược nước ta, bởi triều đình nhu nhược, ba ông đã tự đứng lên để đánh đuổi quân thù. Chính bởi sự dũng mãnh, xuất quỷ nhập thần của nghĩa quân do ba ông lãnh đạo mà khi đưa quân lên phía Bắc, thực dân Pháp đã nhiều phen khốn đốn, bạt vía kinh hồn. Ông Quán cho biết, theo những lời kể của các cao niên mà ông đã từng gặp ở Cao Bằng cũng như Hà Giang thì đã có lần, thực dân Pháp treo thưởng tới 20 cân bạc trắng cho ai lấy được đầu Giàng Phụng.

Sau một thời gian đánh Pháp kiên cường, căn cứ ở Bảo Lạc của ba ông đã bị lộ. Thấy không thể cầm cự lâu được ở đây, ba ông đã quyết định kéo quân về Hà Giang để lập căn cứ mới. Nơi ba ông dừng chân là thôn Chùng, xã Phúc Tuy, tổng Yên Long cũ, nay là thôn Vĩnh Chà, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang. Để phục vụ mục đích chiến đấu lâu dài, ba ông đã cho đắp thành lũy, trồng tre bao quanh căn cứ. Tại đây, ngoài việc rèn quân, sản xuất vũ khí, ba ông còn khai khẩn đất hoang để tự cung lương thực. Ngày nay, ở căn cứ này còn nhiều dấu tích của nghĩa quân.

Giải tán nghĩa quân, chôn giấu của cải

Theo ông Lò Văn Quán thì gia phả dòng họ Nguyễn có ghi rất rõ, những năm 1885 đến 1888, phong trào Quảng Mã (người dân gọi đội quân của ba ông Cắm, Thái, Dần như vậy bởi trên lá cờ của nghĩa quân có hình con ngựa lớn đang tung vó) lớn mạnh không ngừng. Thực sự cảm thấy sự nguy hiểm từ phong trào này, năm 1888, Pháp kiên quyết tiêu diệt căn cứ, nên tổ chức quân đội, tay sai đánh rầm rộ từ nhiều phía nhưng mạnh nhất là từ mạn Lục Yên (Yên Bái).

Trong suốt hơn chục ngày liên tiếp, nghĩa quân Quảng Mã đã kiên cường chống trả "ngày thì bắn tỉa, đêm thì tiếp cận phóng lao" khiến thực dân Pháp thương vong không biết đâu mà kể. Thế nhưng, cứ hết đợt quân này bị tiêu diệt, Pháp lại tăng viện thêm quân mới. Sau gần nửa tháng, sức cùng lực kiệt, biết không thể cầm cự thêm, ba ông đã quyết định nghị hòa, giải tán nghĩa quân theo yêu cầu của quân giặc để tránh những thương vong, mất mát không cần thiết.

Qua lời kể của các cao niên thì khi nghĩa quân giải tán, một phần kim ngân, tiền bạc của phong trào đã được phát cho binh lính để họ về quê ổn định cuộc sống. Phần lớn còn lại, do sợ cướp bóc không thể mang đi nơi khác, nghĩa quân đã quyết định chôn giấu ở ngay căn cứ này. Nơi cất giấu kho báu, theo lời kể là khoảnh đất dưới chân một ngọn núi thấp ở thôn Vĩnh Chà, bây giờ người ta quen gọi là núi Bạc.

Ông Quán cho biết, thông tin về những kho báu trên chỉ vỏn vẹn có vậy nhưng nhiều năm qua, nhiều người dân khi thì bí mật, khi thì công khai tìm kiếm. Rầm rộ nhất là cuộc tìm kiếm của cha con ông Hứa Văn Dự ở thôn Vĩnh Chà. Cha con ông Dự đã đầu tư cả cơ nghiệp cho hai cuộc tìm kiếm, khai quật quy mô lớn bởi họ có niềm tin lớn là sẽ tìm được những gì tiền nhân để lại.

Chúng tôi đến thôn Vĩnh Chà, tìm nhà ông Dự ở ngay sát chân núi Bạc. Ông Dự giờ đã yếu, chuyện trước đây không nói được nhiều. Tuy nhiên, ông Hứa Văn An, em trai ông Dự, người cũng bỏ của cải, công sức tìm kiếm kho báu thì vẫn nhớ tất cả những gì mà gia đình mình đã làm. Theo ông An thì bà nội ông là người xã Tiên Kiều, một xã nằm ngay cạnh xã Vĩnh Phúc. Làm dâu ở đất này, bà đã mang theo một bí mật. Bí mật đó đã được bà kể lại cho con trai là ông Hứa Văn Lình, năm nay đã 82 tuổi.

Theo đó, trước đây, bố của bà có người bạn làm lính của nghĩa quân Quảng Mã. Trong những lần trò chuyện với bố bà, ông đã nhiều lần nhắc đến việc chôn giấu của cải, binh khí của nghĩa quân. Theo đó thì nơi chôn cất đó nằm ở giữa gốc vải cổ thụ với mương nước, cách chân núi chừng hơn trăm mét. Và, để chôn cất số của cải, vũ khí trên, người ta đã huy động cả mấy chục người hì hục đào lấp hơn chục đêm mới xong.

Những cuộc tìm kiếm tán gia bại sản

Ông An kể, trước đây, bố ông, ông Hứa Văn Lình cũng theo lời kể của mẹ mà bỏ công bỏ sức để tìm kiếm. Căn cứ vào những lời kể, dấu tích gốc vải cổ thụ thì nơi được cho là có kho báu nằm ở bãi chằm giữa cánh đồng thôn Vĩnh Chà. Ngày đó, ông Lình cứ ngậm tăm hì hục đào bới. Chính quyền hay bất kỳ ai hỏi tới cũng chỉ trả lời là đào ao để thả cá. Tuy nhiên, bởi đó là vũng chằm, nước mênh mông, sức người không tát nổi, cuộc tìm kiếm của ông Lình đã thất bại. Thế nhưng, niềm tin về kho báu được chôn cất ở chỗ đó thì vẫn còn vẹn nguyên. Niềm tin đó đã được ông truyền lại cho hai con trai của mình là ông Dự và ông An.

Năm 1991, lựa thấy sức mình có thể thay cha hoàn thành sứ mệnh mà ông không làm được ấy, hai anh em ông An đã bán hết lợn, bò để thuê nhân công bắt tay vào cuộc tìm kiếm món quà của tiền nhân ấy. Ông An kể, lần ấy, tìm anh em chiến hữu, ông lựa được 15 người lực lưỡng và cứ quần quật đào bới theo sự chỉ dẫn của cha mình. Sau ba ngày cật lực tìm kiếm thì gặp mạch ngầm, nước tuôn lênh láng. Ngày trước, đào cũng đến chừng ấy, gặp nước, cha ông đã bỏ cuộc.

Những món đồ cổ lạ được người dân tìm thấy khi xây đền thờ cụ Cắm.

Lần này, ông An đã thuê cả máy bơm công suất lớn về để gạn nước. Hùng hục kiếm tìm, chừng tuần sau thì gặp… chướng ngại vật. Đó là những thân cọ xếp ngay ngắn, chồng lên nhau. Thấy "dấu tích của người xưa" hai ông mừng lắm, động viên anh em tiếp tục tìm kiếm. Lật hết đám thân cọ ấy lên thì mọi người lại chùn chân bởi lớp vật cản thứ hai. Đó là những tấm đá xanh vuông vắn, nằm ken lên nhau như mái ngói. Nhìn lớp đá ấy, ai cũng khẳng định, lớp đá ấy là do con người tạo dựng chứ không phải do tự nhiên. Mấy người lực lưỡng được đưa xuống hố bẩy đá thế nhưng những phiến đá đó vẫn không hề nhúc nhích. Mất công, mất sức, nghĩ bỏ thì tiếc, ông An quyết định làm liều: Dùng thuốc nổ.

Sau vài tiếng nổ chát chúa thì mái đá đã nứt toác. Thế nhưng, cứ bóc được lớp đá này thì lại thấy lớp đá khác. Nước trong kẽ đá chảy ra có gỉ của đồng, màu vàng lóng lánh. Nhìn nước đó, ông biết chắc chắn dưới lớp đá ấy sẽ là "phần bí mật" mà cha ông tìm kiếm không thành. Tuy nhiên, sang ngày khai quật thứ mười, đang làm việc bình thường bỗng ông An thấy đầu óc choáng váng rồi ngã vật ra. Mọi người hốt hoảng xốc nách đưa ông về nhà.

Nghĩ ông vì lao lực nhiều ngày nên kiệt sức, gia đình đã để ông nghỉ ngơi, đồng thời tăng cường tẩm bổ. Thế nhưng, càng nghỉ ông An càng thấy toàn thân đau nhức, đầu nặng như đeo cả tạ chì. Các thầy lang cao tay nhất vùng đã được gia đình mời tới để bắt mạch tìm bệnh nhưng đều bó tay. Họ không biết ông bị bệnh gì. Lúc này, hốt hoảng, theo phong tục lâu đời của đồng bào, gia đình ông đành phải cậy nhờ thầy cúng. Và, lạ lùng thay, tìm gặp 2 thầy thì thầy nào cũng phán nguyên nhân khiến ông An lăn đùng ra ốm là bởi người âm bắt vạ. Những lời ghê rợn ấy khiến anh em ông An cùng đám cộng sự khiếp sợ không dám tiếp tục công việc của mình nữa.

Nơi anh em ông An khai quật kho báu giờ đã thành chiếc ao nhỏ chừng hơn chục mét vuông. Ông An kể, ngay khi dừng việc tìm kiếm, đem trả lại chỗ cũ chiếc chõ đồ xôi to hơn vòng tay người lớn mà ông tìm được trong quá trình khai quật, sức khỏe của ông đã dần bình phục. Trò chuyện với chúng tôi, ông An bảo, ông mong muốn nhà nước đứng ra tiếp tục tìm kiếm kho báu nói trên. "Không tìm thì phí lắm! Của nả ấy các cụ để lại cho hậu thế, không nhận thì hỏng mất!". Giọng đầy luyến tiếc, ông An tâm sự

Tác giả: DHT - Sưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2