Lượt thăm:239920670   Đang Online: 780

Số lượt xem: 2859
Gửi lúc 15:50' 25/10/2011
Bí ẩn tiếng khóc trong mộ đá ở ‘Thánh địa Mường ma’
Người già ở Chiềng Động cho biết, mộ các quan lang xưa thường nằm lẫn với mộ giả để tránh bị đào bới. Và ở dưới mỗi ngôi mộ dù thật hay giả đều có 50 thiếu nữ và 50 trai tráng bị táng theo để phục dịch tộc họ dưới âm.

Chôn theo người chết

Khi chúng tôi tìm hiểu thực hư về “thánh địa Đống Thếch”, thì được ông Bùi Đức Òm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi cho biết: “Ở đấy có cả kho chuyện rùng rợn, có cả chuyện mà chính tôi chứng kiến, nhưng nói ra lại bảo cán bộ mê tín, tôi chỉ cung cấp cho anh những số liệu ghi trong sổ sách thôi. Khu mộ đá trước đây rộng 3,2 ha với hàng trăm mộ lớn được dựng hàng nghìn cột đá, chứ không phải con số vài chục như bây giờ. Thời kỳ trước, việc trông nom chưa được ai chú tâm, tình trạng đào bới cổ vật rầm rộ đã làm nơi đây tan hoang. Còn người dân ở đây, mãi sau khi khai quật vào năm 1984 mới dám vào khu mộ đá để lấy củi, chứ trước đó không ai dám vào cả…”, ông Òm khẳng định.


Đồi cấm chứa nhiều điều bí ẩn.

Những đêm trăng suông, như có ai đó khóc réo rắt dưới lòng đất trong khu mộ đá Đống Thếch. Âm thanh trong đêm văng vẳng làm người dân Chiềng Động hoảng sợ, phải khua chiêng đốt đuốc đánh thức cả bản dậy. Nhưng lạ thay khi thức dậy, lại không nghe thấy gì… “Tôi chỉ được nghe các cụ kể lại, đó là những mộ của quan lang Mường Động. Khi dòng dõi quan lang có người chết, họ chôn theo nhiều trai gái để hầu hạ nhà lang dưới âm đúng 100 ngày mới đưa trở về dương gian. Những người bị chôn sống nhưng không chết, vẫn có lỗ đưa cơm hàng ngày…”, ông Òm, quả quyết.

Khu mộ đá nằm dưới thung lũng Chiềng Động có thế rồng lượn, hổ ngồi. Tâm điểm của thung lũng là đầu rồng chầu. Núi Chùa trấn phía Bắc, đồi ông Nội trấn phía Tây, suối Thếch dòng chảy phía Nam, còn cánh đồng Pạng Đông hướng phía Đông của “thánh địa mộ đá”. Thế đất thiêng của quan Lang lựa chọn, nay vẫn là dải đất trù phú. Người nhà lang xứ Mường ở Chiềng Động dựa theo thuật phong thủy xưa, độc chiếm thung lũng này để làm nơi yên nghỉ cho dòng họ. Trải qua nhiều đời, khu mộ đá với hàng vạn mét vuông ẩn chứa hàng trăm mộ táng của nhiều thế hệ dòng dõi lang ở Chiềng Động mà đến nay nhiều điều còn chưa thể lý giải được. Những trụ đá cao thấp khác nhau như biểu tượng của quyền lực.

Thời gian trôi đi, cây rừng phủ lên rậm rạp, những mộ đá xám đen, văn tự chữ rõ, chữ mờ, nằm thành một dải, chằn chặn ngang dọc dưới chân núi thiêng ngày càng trở nên bí hiểm trước con mắt của người dân từ đời này qua đời khác.

“Dòng dõi quan lang xưa rất sợ mất mộ nên họ hay có tục giả táng. Còn về chuyện mà nhiều người cho rằng có 50 nam, 50 nữ bị táng theo là có thật. Nhưng đó là những hình nhân có gương mặt của nam thanh nữ tú được chôn theo tín ngưỡng của họ…”, ông Nguyễn Văn Thực, nghệ nhân dẫn nhịp giữ phách cho chiêng, chuyên sưu tầm và nghiên cứu văn hóa xứ Mường ở Hòa Bình cho biết.


Đất Chiềng Động.

Bí ẩn đồi cấm

Theo người dân Chiềng Động thì khu mộ đá Đống Thếch còn chứa nhiều bí ẩn. Quả đồi dài là điểm khởi nguồn chạy thoải xuống bãi bằng phẳng của nơi dựng trụ đá có nhiều điều rất kỳ lạ, khó lý giải. Ai ngang qua đó cũng thấy sởn da gà, cảm giác rờn rợn. Nhiều người nhìn thế đất đã phán đoán, đồi dài là nơi cất mộ chính của dòng dõi quan Lang xưa. Chính vì vậy, các quan lang có yểm bùa thiêng cho phần mộ táng của họ tộc ở nơi đó. “Người dân hiếm ai dám vào một mình, nhất là khi trưa đứng bóng… Đến nay, đồi dài vẫn rất bí hiểm và đặc biệt dân làng rất kiêng kỵ chuyện mang hài cốt táng tại đây”, ông Bùi Đức Òm, khẳng định.

Người dân vẫn còn nhớ rõ, năm 2009, một gia đình ở Chiềng Động táng cốt trên sườn đồi dài đã gặp họa. Cả làng bị loạn hay không thì chưa rõ, nhưng việc người thân của gia đình đó (xin được giấu tên) bị thần kinh, ốm đau quặt quẹo thì ai cũng tường tận. Một số thanh niên khỏe mạnh tự nhiên lần lượt ốm, nên dân làng tập trung đông người lại để hẹn ngày liều lên đồi dài xem thực hư ra sao. Đoàn người mới chỉ đi qua vài hàng cây thì phát hiện một bụi hoa mua rậm rạp xanh tốt nhưng ở cạnh lại có một cây mua bị lụi, lá đang khô héo. Với kinh nghiệm của người dân hiểu thổ nhưỡng bản địa, việc cây chết đứng là bất thường. Khi tiến lại gần đám người đã phát hiện có ngôi mộ táng từ lâu, đã xanh cỏ.

Dân làng đã động viên gia đình có mộ trên đồi dài, cần lập tức di chuyển ra khỏi nơi thiêng ấy, nếu không thì cả làng gặp họa. Sau bận di chuyển ngôi mộ của gia đình ở Chiềng Động khỏi đồi dài, cả làng yên tâm, gia chủ cũng trở lại bình thường. Thời điểm chúng tôi tìm hiểu thực hư câu chuyện này, gia đình ông Bùi Đức Nam, người chuyên bán thịt lợn ở ngã ba đường 12B, lối rẽ vào UBND xã Vĩnh Đồng, quả quyết: “Nhà tôi ở cạnh nhà người ấy, đợt trước điên loạn cả nhà giờ khỏi rồi. Anh có thể đi hỏi bất cứ ai trong làng này xem có dám đi một mình vào đồi dài không chứ chưa nói đến việc táng cốt như thế…”.

Trao đổi với ông Bùi Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực UBND xã Vĩnh Đồng, được biết: “Người dân ở Kim Bôi gọi khu đồi dài và mộ đá là “thánh địa thiêng của xứ Mường”. Việc chôn cất hài cốt trên khu đồi dài không ai dám làm. Tuy nhiên cũng có thể hiểu huyền ức mà người đi trước kể lại, xuất phát từ dòng họ quan lang xưa đồn ra để tạo sự linh thiêng giữ cho vùng có chôn giấu nhiều của cải, cổ vật của họ tộc”, ông Hùng nói.

Tác giả: DHT - S­ưu tầm

Các tin khác



«Quay lại

↑ Top


Video

Liên kết hữu ích

Tỷ giá ngoại tệ

MuaBán
Source vietcombank.com.vn

Quảng cáo

HANDICO6
DỰ ÁN C1 KHU ĐÔ THỊ TRUNG HOÀ NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
DỰ ÁN 1152 – 1154 ĐƯỜNG LÁNG
Dự án C1
Dự án C1
Dự án C2
DỰ ÁN C2 TRUNG HOÀ – NHÂN CHÍNH
Dự án C2