Bao giờ cư dân tòa nhà Keangnam hết lo lắng, bất an?

Thêm một vụ cháy vừa xảy ra chiều ngày 27.8 ở tòa nhà chung cư cao cấp Keangnam Hà Nội Landmark Towers (đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội), khiến hàng trăm cư dân đang sinh sống tại các tòa nhà này hoang mang, lo lắng....

Từ những ngày bắt đầu xây dựng đến nay, khi đã và đang hoàn thiện nốt tòa nhà còn lại, tại quần thể nhà cao tầng Keangnam đã xảy ra rất nhiều vụ việc, sự cố, gây ra những lo lắng, bức xúc cho cư dân đang sinh sống ở đây.

Vụ cháy chiều 27.8.

Khoảng 14 giờ 30 phút chiều 27.8, đã xảy ra vụ cháy trên tầng 7 của tòa nhà đang xây dựng của Keangnam. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân của vụ cháy là do việc hàn xì và đấu điện, tia lửa rơi xuống tầng dưới, gặp phải những vật liệu dễ cháy như sơn, gỗ nên bắt lửa, gây cháy lớn. Sự việc khiến các cư dân sống ở tòa nhà A và B vô cùng hoảng sợ.

Chỉ cách đây chưa đầy 2 tháng, hàng trăm cư dân cũng đã kiện chủ đầu tư tới các cơ quan chức năng về việc thu các loại phí “cắt cổ” như: Mức phí quản lý là 0,99 USD, tương đương với 21.000 đồng/m2. Phí trông giữ xe ô tô mỗi chiếc là 1.462.000 đồng/tháng, nếu trông giữ xe ô tô theo lượt là 20.000 đồng/ 2 giờ; phí trông giữ xe máy là 104.000 đồng/tháng, nếu trông giữ xe máy theo lượt là 10.000 đồng/lượt, nếu trông giữ xe máy qua đêm là 60.000 đồng/cái...

Sau nhiều lần người dân đấu tranh, chủ đầu tư là Cty Keangnam-Vina mới chịu hạ mức phí trông xe, nhưng phí quản lý thì vẫn cao ngất ngưởng ở mức 18.600 đồng/m2/tháng.

Theo bà Trịnh Thúy Mai, Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam thì việc hỏa hoạn lại tiếp tục xảy ra chiều hôm nay (27.8 – PV) khiến nhiều người dân đang rất lo lắng về sự an toàn khi sống ở đây. "Chúng tôi phản đối phí quản lý 18.600 đồng/m2 là bởi các tiện ích của Keangnam không đáp ứng yêu cầu của cư dân, hơn nữa lại sống trong điều kiện thiếu an toàn như thế này. Sau vụ cháy hôm nay, chúng tôi thấy rằng, Cty Keangnam – Vina cần xuất trình giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, kể cả là có chứng nhận rồi thì việc vận hành quản lý tòa nhà là có vấn đề nên mới xảy ra hỏa hoạn”, bà Mai nói.

Được biết khi quảng cáo dự án, Cty Keangnam hùng hồn công bố: “Toàn bộ ba tòa tháp được trang bị hệ thống phun nước tự động chống cháy tại các tầng...”. Vậy mà, vụ hỏa hoạn chiều 27.8, phải 3 xe cứu hỏa đến mới dập tắt được đám cháy.

Vụ cháy ngày 24.3.2010.

Đây là lần thứ 3, toà nhà Keangnam xảy ra cháy. Vụ hỏa hoạn thứ nhất xảy ra vào 10 giờ 20 phút sáng 6.11.2010 tại tháp B của tòa cao ốc 70 tầng. Vụ hoả hoạn thứ hai xảy ra ngày 24.3.2010 tại tầng 25 của Keangnam.

Bên cạnh đó, ngày 9.6.2011, tại tòa nhà A của Keangnam còn xảy ra sự cố vỡ trụ cứu hỏa do công nhân kỹ thuật vận hành chưa có kinh nghiệm, khiến nhiều căn hộ ở tầng 26, 27 chìm trong biển nước, cư dân hoảng loạn khi 10 thang máy đã bị “tê liệt” ngay hôm đó.

Đặc biệt, điều khiến nhiều người không thể quên và vẫn còn cảm giác “lạnh người” khi đi đâu đó qua đoạn đường tọa lạc tòa nhà Keangnam, đó là việc nơi đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động, làm ít nhất 6 người thiệt mạng.

Với chừng ấy sự vụ thì nỗi lo lắng, bất an của cư dân đang sinh sống tại chung cư cao cấp này là hoàn toàn có cơ sở. Không những vậy, mỗi lần có sự cố xảy ra thì việc tác nghiệp lấy thông tin của các phóng viên ở tòa nhà Keangnam là vô cùng khó khăn, khi chủ đầu tư luôn “né tránh”, còn bảo vệ của tòa nhà lại ra tay ngăn cản, thậm chí có lời lẽ lăng mạ phóng viên.