Tài chính " phát bệnh " theo bất động sản

Thị trường bất động sản (BĐS) ở Việt Nam hiện nay đang hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp và hỗn loạn, trong khi chưa có chế tài quyết liệt xử tình trạng mạnh ai người ấy làm của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

“Theo quy luật, khi thị trường ở giai đoạn suy thoái, dòng tiền chảy vào bất động sản giảm mạnh, khiến thị trường bị “sốc” và chuyển sang đóng băng, làm ảnh hưởng đến chất lượng tài sản, tính thanh khoản và tiềm ẩn rủi ro trên thị trường tài chính”, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, phát biểu tại Hội thảo “Tác động của thị trường bất động sản lên thị trường tài chính Việt Nam” sáng 18/8, do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức, để tìm hướng mở cho thị trường địa ốc.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ngày 18/8 công bố, đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng đã vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mức đóng góp quỹ của người lao động dự kiến bằng 1% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động, và họ sẽ được hưởng lãi suất từ 3 đến 5% mỗi năm.
Địa ốc kéo nhiều ngành đi xuống
Nói về dòng tiền đổ vào bất động sản đang bị “khóa vòi”, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, không cho vay đối với BĐS là phi lý, vì nó sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng, đặc biệt là thị trường tài chính trong nước, trong khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại lại đang âm.

Minh chứng cho nhận định của ông Trương Đình Tuyển, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thông tin: Room cho vay BĐS bị “khóa chặt” dẫn đến nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng, đặc biệt ngành vật liệu xây dựng suy giảm về tốc độ bán hàng cung ứng ra thị trường. Đơn cử, xi măng chịu ảnh hưởng rõ nhất từ thị trường BĐS, mức tiêu thụ trong tháng 7 giảm 67% so với tốc độ tiêu thụ trong tháng 3. Còn báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2011 vào lĩnh vực BĐS giảm ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, chỉ còn 305 triệu USD, trong khi năm 2010 BĐS là lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất, lên tới 6,84 tỷ USD.

khong de

Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tiền tệ là nguồn cung vốn chủ yếu cho hoạt động đầu tư tạo lập BĐS, nên biến động của thị trường tài chính, tiền tệ, lập tức tác động mạnh tới thị trường BĐS. Ngược lại, thị trường BĐS là đầu ra lớn nhất nên những biến động của thị trường sẽ tác động trực tiếp ngay với thị trường tài chính tiền tệ.

Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến tháng 6, dư nợ BĐS chiếm 9,94 % tổng dư nợ (tương đương với 245.000 tỷ đồng), tỷ lệ này khá cao so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (6%) và Malaysia (7%). Đáng chú ý, tỷ lệ cho vay bất động sản cao chủ yếu tập trung ở các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ, trong đó nhiều ngân hàng có dư nợ BĐS chiếm 30- 40% tổng dư nợ, cá biệt có nơi lên tới 50%, phân bổ chủ yếu ở hai thành phố lớn là TP HCM (45%) và Hà Nội (18%). Và nợ xấu BĐS trong 6 tháng đã tăng 37% so với 31/12/2010.

Thí điểm quỹ tín thác BĐS
Tìm phương thuốc cho thị trường BĐS, các chuyên gia cùng thống nhất: Chỉ có vốn và ổn định kinh tế vĩ mô mới chữa đúng bệnh cho thị trường BĐS, đồng thời “cứu cánh” cho thị trường tài chính, kìm cương lạm phát. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đưa ra 7 giải pháp “chữa bệnh” cho thị trường địa ốc cũng như đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ giữa BĐS và hệ thống tài chính thông qua các yếu tố, như: Tín dụng ngân hàng; Chính sách tiền tệ và thị trường; Nguồn vốn của người dân; FDI… và khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS.

Để thị trường BĐS dần đi vào ổn định, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch chuyên trách Hiệp hội BĐS Việt Nam, phải có hậu kiểm về những chính sách BĐS sau khi được ban hành, đồng thời lập mô hình quỹ tín thác BĐS. Đồng tình với ông Minh, ông Nam kiến nghị nghiên cứu thí điểm Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà, đồng thời thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS, tạo nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường địa ốc…
 
Kiểm soát thị trường BĐS ưu tiên đất cho người nghèo
Là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ngày 18/8. Theo ông Dũng, thời gian tới, Bộ Xây dựng tập trung vào công tác quản lý đầu tư xây dựng phát triển đô thị; phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà cho thuê để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là người nghèo. Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết nhiều năm qua, trong chiến lược quy hoạch đô thị, thành phố Đà Nẵng luôn luôn đảm bảo nhà ở cho người dân, nhất là dân nghèo.
 
 Thành phố Đà Nẵng cũng đã làm tốt công tác giải tỏa di dời, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2011, khi các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp hoàn thành và đi vào sử dụng, sẽ có hàng nghìn người dân, nhất là dân nghèo có nhà với nhiều chính sách ưu đãi. Ông Thanh cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian đến, Bộ xây dựng tiếp tục theo dõi, giúp đỡ TP.Đà Nẵng công tác quy hoạch, mở mang đô thị và đảm bảo nhà ở cho mọi người.