Khoa học công nghệ là cứu cánh cho các doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh


-  Tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nhiều năm qua dựa vào 2 nguồn lực chính là khai thác tài nguyên thô và đầu tư công. Những nguồn lực này đang một mặt bị cạn kiệt và mặt khác lại đang bị siết chặt. Vậy động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2014 và những năm tiếp theo sẽ là gì, thưa Bộ trưởng?

Chắc chắn chúng ta vẫn sẽ phải dựa vào vốn, vào tài nguyên để có thể tăng trưởng, để đạt mục tiêu của năm 2014 là tăng trưởng 5,8% và năm 2015 là 6,0 đến 6,2%. Nhưng, chúng ta sẽ phải mở cửa ngay trong năm 2014 và những năm tiếp theo, đó là cải cách thể chế. Một trong những cải cách quan trọng nhất là tạo ra khung khổ pháp lý cho lĩnh vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tham gia vào phát triển kinh tế, tham gia vào cung cấp dịch vụ công cho đất nước – mảng mà chúng ta đang để lãng phí. Tư nhân ở đây không phải là tư nhân trong nước mà cả tư nhân nước ngoài.
 
-  Có rất nhiều chuyên gia đang tỏ ý lo ngại về việc có sự mất cân đối giữa hiệu quả tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với khối doanh nghiệp nội địa. Cụ thể, xuất nhập khẩu điện thoại và linh kiện đạt 15,5 tỷ USD thì riêng doanh nghiệp FDI đã chiếm 15,4 tỷ USD; vi tinh, sản phẩm điện tử, linh kiện 7,7 tỷ USD thì doanh nghiệp FDI chiếm 7,5 tỷ; xuất nhập khẩu đối với nhiều nhóm nghành hàng chủ lực khác phụ thuộc phần lớn doanh nghiệp FDI như giầy dép chiếm 4,6/6 tỷ USD, dệt may 7,8/13 tỷ USD, sản phẩm đồ gỗ là 1,6/2,6 tỷ USD… Xin Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có chính sách gì không để khắc phục sự mất cân đối này về tỷ trọng đóng góp và xuất khẩu, có cần khắc phục điều đó hay không để tạo sự tăng trưởng bền vững?
 
Đó là một câu hỏi hay, tuy nhiên, phải nói ngay rằng, thế giới không phân biệt thành phần kinh tế FDI hay thành phần kinh tế trong nước, bởi các doanh nghiệp của nước ngoài khi đã vào Việt Nam là tuân thủ toàn bộ luật pháp Việt Nam, họ mang tiền đến đăng ký tại Việt Nam là doanh nghiệp của Việt Nam và họ hoạt động như các doanh nghiệp khác, chịu toàn bộ chế tài pháp luật và cũng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ cho đất nước Việt Nam, xuất khẩu như các doanh nghiệp khác của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài. Họ cũng đóng góp cả về thu hút lao động, thuế, mang khoa học công nghệ đến… Vì thế, chúng ta không nên phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
 
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cho doanh nghiệp thuần túy của Việt Nam cũng phải vươn lên để đạt được thành quả như vậy, không để quá chênh lệch. Cần tháo gỡ tất cả những vướng mắc căn bản nhất cho doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như nhanh chóng mua bán n. Những doanh nghiệp có chiến lược phát triển tốt, có điều kiện phát triển thì phải cho họ nhanh chóng xóa bỏ nợ xấu và tiếp cận được các nguồn tín dụng lãi xuất thấp, phải được tiếp cận với các nguồn tài nguyên một cách công bằng và minh bạch. Nhưng thật sự thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải vươn lên, bài bản hơn.
 
-  Năng suất lao động thấp là điểm yếu không thể phủ nhận của nền kinh tế Việt Nam. Muốn cải thiện năng suất thì phải mở rộng quy mô hoặc đầu tư theo chiều sâu. Cả hai con đường này đều gặp phải khó khăn là nguồn lực đầu tư trong nước, nhất là trong 4 năm kinh tế suy thoái, đa số các doanh nghiệp rơi vào trạng thái suy kiệt và không còn nguồn lực để tái đầu tư. Bài toán này sẽ được giải quyết như thế nào cho năm 2014.

Nguồn tiền cho vay không phải là không có, vì ngân hàng đang dư. Nhưng vấn đề là phải làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn tiền lãi suất thấp này. Điều quan trọng nhất là phải nhanh chóng giải quyết nợ xấu để họ có điều kiện tiếp cận được nguồn lực mới. Thứ hai, các doanh nghiệp phải xác định lại định hướng kinh doanh trong điều kiện mới, đó là tìm kiếm và xác định thì trường ổn định, chọn lựa được những sản phẩm mũi nhọn của mình để có đầu tư hiệu quả, dứt điểm và có cạnh tranh.

Một trong những giải pháp rất quan trọng là dứt khoát phải đưa khoa học công nghệ trở thành động lực chủ yếu trong tăng trưởng. Khoa học công nghệ là cứu cánh cho tất cả các doanh nghiệp, chỉ cạnh tranh được bằng chính khoa học công nghệ. Samsung là một ví dụ. Một sản phẩm điện thoại bán bao nhiêu triệu, mỗi năm sản xuất ra bao nhiêu tỷ USD. Một lượng nguyên liệu ít, đơn giản nhưng giá trị rất cao. Ngược lại, chúng ta sử dụng một khối lượng nguyên liệu sắt thép, linh kiện khổng lồ mà bán rẻ như bèo thì không có cạnh tranh. Cho nên, muốn năng suất lao động tăng, muốn cạnh tranh thì khoa học công nghệ và quản trị là những yếu tố quyết định vấn đề của doanh nghiệp.
 
Về lý thuyết, doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, nhưng có nhiều lĩnh vực hiện nay khối kinh tế tư nhân gần như không có cơ hội bởi vì lĩnh vực này đang bị khối doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nếu không nói là độc quyền. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, đâu là lĩnh vực nhà nước sẽ  cho phép tư nhân hóa mạnh trong thời gian tới?
 
Trừ những lĩnh vực thuộc bí mật quốc gia, quốc phòng an ninh hay những lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm và ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội như thuốc nổ, những chất độc hại nguy hiểm thì nhà nước không cho phép, còn lại thì không nên cấm. Nhà nước cần phải nhanh chóng thoái vốn khỏi những lĩnh vực mà tư nhân làm tốt hơn. Cái này đã có lịch trình rồi. Theo đó, đến năm 2015, cơ bản cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp, tổng công ty 90, 91… Nhà nước chỉ giữ lại 8 tập đoàn lớn thôi, nhưng trong các tập đoàn lớn cũng chỉ giữ phía trên, còn các đơn vị phía dưới cũng sẽ cổ phần hóa. Một khi cổ phần hóa thì tỷ trọng nhà nước nắm giữ rất ít, dần dần có thể rút bớt nữa. Hiện nay đang có quan điểm là nhà nước bán tất cả cổ phần ở Vinamilk, ở các tập đoàn nước giải khát để lấy nguồn lực đầu tư cho hạ tầng và các việc khác. Tuy nhiên cũng có quan điểm không đồng tình, nói rằng để lại tiếp tục cho phát triển. Nhưng một ý chí chung là chúng ta nhanh chóng thoái vốn và bán bớt các cổ phần để nhà nước có nguồn lực đầu tư, nhưng cũng đồng thời tạo sân chơi cho các doanh nghiệp tư nhân.
 
Vấn đề thứ 2 cũng rất quan trọng, đó là chúng ta tạo ra những khung khổ pháp lý mới để cho doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận sòng phẳng với các nguồn tài nguyên như doanh nghiệp nhà nước. Đó chính là cải cách thể chế, và đó là những vấn đề quan trọng, thiết yếu cho nền kinh tế Việt Nam, không phải chỉ cho năm 2014 – 2015 mà cả cho trung và dài hạn.
 
- Xin cảm ơn Bộ trưởng. 

Xuân Hưng