Đa năng và chuyên sâu

Chủ một doanh nghiệp Việt Nam sang dự hội chợ đồ gỗ quốc tế ở Las Vegas, Mỹ. Khi về nước anh tìm thầy huấn luyện cho nhân viên của mình sao cho họ đảm trách nhiều việc cùng một lúc. Ông kể, từ khi làm thủ tục tham gia hội chợ cho đến khi về nước, ông chỉ làm việc với một cô nhân viên duy nhất. Khi đến sân bay, cô đón ông và lái xe đưa ông về khách sạn  nghỉ, sáng hôm sau đưa ông đến hội chợ và tại đây, cô trở thành nhân viên giới thiệu hàng hóa kiêm phiên dịch. Xong hội chợ cô gửi hóa đơn thanh toán tiền nong về Việt Nam cho ông… Như vậy, cô ấy đội liền mấy chiếc mũ cùng một lúc: tài xế, phiên dịch, bán hàng, kế toán và quản trị hành chánh văn phòng.

Thật ra, đa số ở các văn phòng công ty nước ngoài, hoạt động hành chính văn phòng thường được thực hiện theo mô hình này thay vì thuê nhiều nhân viên, các công ty chú trọng tuyển nhân viên đa kỹ năng và thay vào đó họ trả luơng nhỉnh lên môt ít để thu hút nhân viên làm việc ổn định, lâu dài.

Trong hoàn cảnh khó khăn do khủng hoảng kinh tế như hiện nay, việc tuyển dụng những nhân viên biết nhiều kỹ năng để có thể đảm trách các công việc khác nhau trở thành một cách để tiết kiệm chi phí tiền lương và làm cho tổ chức gọn nhẹ.

Thực tiễn này không chỉ tồn tại trong hoạt động hành chánh văn phòng ở trên, đa số các kỹ sư Nhật Bản thường có thể đảm trách các công việc khác nhau trong một dự án hay công trình do họ đuợc luân chuyển qua nhiều vị trí.

Nói như thế không có nghĩa đa năng lúc nào cũng hay. Tổ tiên ta có câu, "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Trong khu vực sản xuất công nghiệp, việc chuyên môn hóa rất được đề cao như phương pháp làm việc theo dây chuyền Taylor hay phương pháp Kanban của hãng Toyota, Nhật Bản.

Câu chuyện về sự cố của nhà sáng lập và cũng là tổng giám đốc hãng máy tính HP là David Packard là một điển hình. Người ta kể rằng một hôm ông thăm xưởng cơ khí chế tạo khuôn đúc cùng với một giám đốc xưởng. Nhìn thấy một người thợ đang say mê đánh bóng bề mặt khuôn để chuẩn bị mẻ đúc. Anh ta say sưa làm việc đến mức không hề biết ai đến gần. Nhìn thấy mặt khuôn đúc sáng loáng, bất giác ông cúi người đưa tay quẹt lên mặt khuôn. Người thợ cơ khí ngước lên, mắt trợn trừng và quát lớn: “Bỏ tay ông ra khỏi khuôn đúc ngay?”. Giám đốc xưởng xanh mặt, hỏi người công nhân: “Anh biết ai đây không?”. Người thợ đáp một cách cộc lốc: “Tôi cóc cần”. Thế nhưng, trong hoàn cảnh ấy David vẫn ôn tồn bảo rằng người công nhân đã cư xử đúng vì anh ta đang làm một công việc quan trọng và có quyền tự hào về công việc của mình.

Võ Đắc Khôi

Cố vấn Công ty Xây dựng và Địa ốc Hòa Bình