Những thương hiệu café thơm 'mùi' lịch sử trên đất Hà thành

Đó là những thương hiệu có tuổi đời 60-70 năm ở thành phố này. Chủ nhân khai sinh quán đều đã sang bên kia thế giới, kế nghiệp họ là con cái trong gia đình và địa điểm quán cũng đã chia năm, xẻ bảy…


Café từng là đồ uống xa lạ, thậm chí là xa xỉ vào cái ngày nó mới đặt chân lên đất An Nam. Người Pháp không chỉ mang đến thuốc súng với gông cùm, mà còn để lại cả vị café đượm nồng quyến rũ ở lại Hà Nội. Thế kỷ trước, nhắc đến café ở Hà Nội, người ta nghĩ đến Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng, Nhân - Nhĩ - Dĩ - Năng, hay 'tam giác café' Nhân - Lâm - Giảng.

Những quán café cổ ngày ấy, hiện vẫn trường tồn bất chấp khắc nghiệt của thời gian. Nhưng để tồn tại đến ngày sau, mỗi cá thể đều tìm cho mình phương thức để bám trụ trong môi trường kinh tế khắc nghiệt, với đủ hình đủ vẻ cà phê thời hiện đại: café vỉa hè, café vườn, café sách, café tình nhân, café bóng đá...

Café Giảng

Giảng là một trong những thương hiệu cà phê có tiếng lâu đời ở Hà Nội, lấy tên từ chính chủ nhân là cụ Nguyễn Văn Giảng. Cụ Giảng từng là nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole thời Pháp thuộc (1930-1945). Được biết, món cafe trứng nổi tiếng ở Giảng, được cụ biến thể từ thức uống Capuchino thời làm ở Metropole hồi đó.

Theo lời kể của ông Nguyễn Trí Hòa (con trai út của cụ Giảng), chủ quán café Giảng ở 39 Nguyễn Hữu Huân, thì Café Giảng ra đời vào khoảng năm 1946, tại số 90 phố Cầu Gỗ. Sau cải cách 1955, quán chuyển qua số 7 Hàng Gai, đây chính là địa điểm gắn với miền ký ức đi cùng năm tháng của nhiều người Hà Nội.



Café Giảng ngày còn ở số 7 Hàng Gai


Năm 1988-1989, cụ Giảng qua đời, khi đó con gái của cụ là bà Bích, giáo viên dạy Văn cấp ba, ra mở riêng một quán café ở số 13 Đinh Tiên Hoàng.



Café Đinh (13 Đinh Tiên Hoàng)


Cho đến tận đầu những năm 2000, café Giảng ở số 7 Hàng Gai mới chia tách thành 2 quán café Giảng như bây giờ: một ở 39 Nguyễn Hữu Huân và một ở 106 Yên Phụ.



Quán Giảng (39 Nguyễn Hữu Huân) biển hiệu khiêm tốn, nằm sâu trong một ngõ nhỏ


"Đặc sản" của café Giảng là café trứng. Món này bây giờ cũng có thêm nhiều "nhánh" với đậu xanh trứng, bia trứng, rum trứng... Hương vị của Giảng ở Nguyễn Hữu Huân, ở Yên Phụ hay ở café Đinh cũng không giống nhau, tùy theo gu của từng ông bà chủ mới.

Café Nhân

Café Nhân đã ra đời và gắn bó với người Hà Nội từ năm 1946. Song đó không phải là tên hiệu của gia đình một cụ Nhân mở giữa lòng phố cổ Hà Nội như nhiều người vẫn lầm tưởng mà ở một vùng sơ tán của những người Hà Nội yêu nước. Café Nhân chính là đứa con tinh thần của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Thi và cụ Trần Thị Thanh Kỳ.

Năm 1946, ông Thi cùng với 2 người bạn là cụ Thế và cụ Nhân đã tự nghiên cứu, mua cà phê về rang, xay. Sau những mẻ cà phê đầu tiên không thành công, ôcụ Thi phải vào sâu trong liên khu 4 cũ, chọn mua hạt và nghiên cứu pha trộn cho ra loại cà phê đậm đà của riêng mình.

Cả ba ông thống nhất lấy từ Nhân cho tên hiệu của quán và sản phẩm. Tuy do ba người sáng lập, nhưng chỉ có gia đình cụ Thi - Kỳ là người trực tiếp tìm tòi, chế biến và kinh doanh. Khi quán mở ra, anh em kháng chiến chọn đây là điểm gặp gỡ, móc nối liên lạc, trao đổi tin tức quân sự, tình báo giữa nội thành và vùng sơ tán địa phương.

Café Nhân cũng từng sơ tán đến Nho Quan năm 1949, đến năm 1951, cuộc kháng chiến chống pháp bước sang giai đoạn cuối cụ Thi trở về Hà Nội mở quán cà phê để làm nơi sinh hoạt của đội biệt động tại số nhà 100 phố Cầu Gỗ.

Năm 1980 sau khi nghỉ hưu, cụ Kỳ quyết định mở lại quán cà phê ở số 27 phố Lương Ngọc Quyến. Do khó khăn về địa điểm và lại có tuổi, cụ Kỳ đã thôi không trực tiếp bán hàng mà giao lại cho cô con gái Út là bà Nguyễn Thị Như Hạnh



Café Nhân (39D Hàng Hành) - tiện nghi và hiện đại ở 'con phố café'


Bà Hạnh thuê lại bãi đất trống ở ngã ba Hàng Hành (tức số nhà 39D ngày nay) làm nơi khởi nghiệp. Khách tới đây chủ yếu là khách quen của cà phê Nhân từ thời trước đó.

Café Lâm

Café Lâm ra đời từ năm 1952 ở vườn hoa Chí Linh, quán mang tên chính chủ nhân của nó là cụ Nguyễn Văn Lâm. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Bích, con gái của cụ Lâm hiện đang trông nom quán ở 60 Nguyễn Hữu Huân: "Ngày ấy Lâm đã là điểm đến ưa thích của các giới công chức làm việc ở Ngân hàng, bưu điện, giới văn nghệ sĩ... Đến năm 1955, quán chuyển qua Tông Đản rồi năm 1960 thì chính thức chuyển về địa chỉ 60 Nguyễn Hữu Huân như bây giờ".



Cafe Lâm (60 Nguyễn Hữu Huân) vẫn giữ nét mộc mạc, thâm trầm suốt mấy chục năm qua


Vị café ở Lâm cũng vô cùng đặc biệt, nó sắc và hơi 'khét' so với bình thường, nhưng đủ độ, 'khét' rất ngọt, rất say. Bà Bích cho biết, hạt café ở Lâm được lựa chọn rất kỹ, được rang xay mộc 100% (không pha hương liệu và phụ gia) với tỷ lệ đặc biệt, vì thế mà café vẫn giữ nguyên hương vị suốt 60 năm qua.



Không gian bên trong café Lâm vẫn giữ được gần như nguyên vẹn


Có một đặc trưng nữa ở Café Lâm khó có thể lẫn được, đó là tranh. Café Lâm nổi tiếng bởi những bức tranh của các danh họa tên tuổi như: Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyên Hồng, Nguyễn Sáng, Võ Tư Nghiêm,... Cụ Lâm ngày trước là người mê tranh, có bức cụ tìm mua, có bức là các họa sỹ đem tặng, có bức được ký họa ngay tại quán.

Ngày nay, người Hà Nội đến với café Lâm để nhâm nhi ly cafe đắng, ngắm tranh và cảm nhận mùi thời gian lặng lẽ tồn tại trong nhịp chảy cuộc sống, trong sự đổi thay của phố phường.