Đề nghị ngừng mua bán nhà đất bằng tiền mặt

Bộ Xây dựng kiến nghị xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, nhà xây thô ở dự án nhà ở đô thị, đồng thời, hạn chế tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình thị trường bất động sản và một số giải pháp nhằm quản lý thị trường hoạt động lành mạnh. Theo đó, giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn hiện quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, cũng như vượt quá giá trị thực của bất động sản. Các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp. Đến nay, thị trường căn hộ cao cấp dần rơi vào bão hòa, nhà xây nhiều trong khi nhu cầu có khả năng thanh toán thực tế thấp, trong khi nguồn cung những nhà giá thấp quá thiếu.

Cũng theo Bộ Xây dựng, nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và tiết kiệm của người dân. Lãi suất vay ngắn hạn cũng rất cao, từ 16% đến 18% mỗi năm hoặc cao hơn. Khi ngân hàng xiết vốn, nhiều dự án phải dừng thi công, hoặc chuyển nhượng. Ngoài ra, hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông” còn diễn ra phổ biến. Tiêu biểu như “cơn sốt” khu vực phía Tây Hà Nội hồi đầu năm 2010 và cơn sốt đất ở Sóc Sơn, Đông Anh tháng 3 vừa qua do thông tin về một số trường đại học được di chuyển.

Tỷ lệ nhà ở liên kề đưa vào sử dụng đạt 80% và nhà biệt thự đạt 58%.

Bộ Xây dựng cho biết đã kiểm tra 18 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy, trong khi các căn hộ nhà chung cư cao tầng có tỷ lệ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100%, thì tỷ lệ nhà ở liên kề đưa vào sử dụng đạt 80% và nhà biệt thự đưa vào sử dụng mới đạt 58%. Kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô. Tình trạng các dự án chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng hoặc bán nhà xây thô để người dân tự hoàn thiện dẫn đến nhiều khu đô thị mới không hoàn thành đúng tiến độ.

Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần hạn chế tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch bất động sản, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở để giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia. Chính phủ cần sớm nghiên cứu thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ đầu tư tín thác bất động sản.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay bất động sản chiếm trung bình khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Đến 31/12/2010, tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 228.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với 31/12/2009. Tín dụng có nguy cơ đổ dồn vào các dự án nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nên khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ. Thị trường "bong bóng" thường xuất phát từ phát triển quá nóng các bất động sản cao cấp. Vì vậy cần phải có tiêu chí cho vay và ưu tiên cho vay các dự án có tính thanh khoản cao, hạn chế cho vay các dự án cao cấp.

Bộ Xây dựng kiến nghị cần xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ qua đô thị.

Theo Bộ Xây dựng, cần kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường. Theo đó, Chính phủ cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay bất động sản đối với các tổ chức tín dụng. Mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch để công khai minh bạch, loại bỏ hoàn toàn cơ chế “xin-cho” và đảm bảo khoản chênh lệch địa tô thu vào ngân sách.