Còn đó một tình yêu

Ông Thái cắm thêm ba nén hương lên bàn thờ rồi run run bước xuống khỏi chiếc ghế đẩu. Cả nhà im lặng dõi theo từng cử động quen thuộc và cẩn trọng ấy. Ông đứng lặng, ngắm tấm ảnh người con trai, sửa lại ngay ngắn ba tập nhật ký bằng giấy học trò đã ngả vàng, chiếc mũ tai bèo và tấm hình người thiếu nữ mà cả nhà chưa ai được gặp. Tất cả, trong số di vật còn lại của con ông, được đơn vị chuyển về sau ngày anh hy sinh.


Bữa cơm cúng đã làm xong, nhưng cả nhà chưa ai muốn ăn. Ông Thái ngồi im lìm như tượng gỗ. Bà Thái thư thoảng lại chấm vội những giọt nước mắt. Các con ông, em thằng Hiệp, đứa lặng lẽ sửa lại mâm bát, đứa xem sách. Ông hiểu chúng đều tôn trọng phút giây thiêng liêng, nhớ về một người thân đã đi xa và chờ đợi một người thân nữa đến với gia đình ông. Hôm nay bốn em của Hiệp đều có mặt, cả anh con rể và đứa cháu ngoại. Sự đông đủ này vừa do là ngày chủ nhật, vừa do hôm trước ông nhận được một bức điện đánh từ Hà Sơn Bình: "Con sẽ về vào ngày giỗ anh ấy".

Lúc đầu, cầm mẩu điện tín với những ký hiệu khó đọc đó, ông Thái tưởng họ nhầm ông với người trùng họ tên. Nhưng anh bưu chính đoán chắc là điện của ông. Lê My, tên người gửi điện, không gợi trong ông sự quen biết nào. Nhưng sao ông bỗng thấy xúc động lạ. Có một cảm giác gì đó khiến ông nhớ ra. Ông vội vã quay vào nhà, mở tủ, lật giở những kỷ vật của người con trai. Mắt ông nhòa đi sau đôi kính, khi cầm lên tấm ảnh một thiếu nữ.

Nét mặt dịu hiền, kín đáo của người trong ảnh như nói với ông: "Con là người thân của anh ấy". Phải rồi, trong những trang ghi chép trên đường Trường Sơn, con ông đã nhiều lần nhắc tới một người con gái. Ngay trước cái phút nó ngã xuống đêm 5 tháng 6 năm 1971, bài thơ làm dở vẫn cuộn trào một mối yêu thương với hình bóng này. Nó đây! Bây giờ ông mới nhận thấy dường như ông đã từng chờ đợi nó trở về, nó thân thiết biết bao trong tập thể gia đình ông. Ông khẽ lật trang cuối cùng tập nhật ký, đặt tấm ảnh người con gái vào đấy, nơi bài thơ con ông chưa làm xong.

Mùa thi ấy gặp em.

Rồi quen nhau, em nhỉ?

Hàng sấu sân trường chụm đầu thủ thỉ

Anh biết cô nào trong bấy nhiêu cô…?

Chuyến xe Miếu Môn - Hà Nội đã đông khách. Mới bừng mắt mà mặt trời đã le lói báo hiệu một ngày nắng to, hành khách trên xe, dáng chừng đợi lâu đã bắt đầu eo xèo. "Đi thôi, bác tài ơi. Trời đẹp thế này Ních- sơn nó đến sớm lắm đấy…".

- Chúng rình rập như con chó cắn trộm. Chẹp… chẹp. Không cảnh giác, dễ bị với chúng lắm… - Một ông cụ ngồi ghế bên vừa xỉa răng vừa ề à nói bâng quơ, thỉnh thoảng lại chép miệng. Đám đông hành khách im lặng, kiên nhẫn chờ đợi. Trên mặt họ lộ vẻ mệt mỏi, khắc khổ. Cái mệt mỏi của sự gắng gượng chờ đợi căng thẳng đối với sức chịu đựng của mỗi con người. Lê My thu mình vào một góc ghế sát cửa sổ, tỳ má vào mặt kính nhìn con đường liên tỉnh lổn nhổn đá hộc. Chiếc xe bắt đầu vặn mình kêu răng rắc như rão hết xương cốt, rồi lăn bánh. Tiếng đá văng dưới gầm xe lọc cọc. Trên đường, thỉnh thoảng lại thấy vài tốp bộ đội mải miết, bóng họ mờ sau lớp bụi đỏ khô khốc. Lòng cô ứ lên nỗi buồn se sắt. Bao nhiêu kỷ niệm cũ lại ùa về.

Hà Nội mùa thi ấy đi qua giữa những đợt oanh tạc của máy bay và tiếng súng đánh trả của bộ đội ta. Hầu như tất cả những ngày có nắng, mới sáng ra đã nghe ì ầm tiếng máy bay đến, rồi đạn cao xạ nở tung trên nền trời thành phố. Lứa tuổi mười tám, đôi mươi làm quen và tiếp nhận cuộc sống, một cách bình tĩnh kiên quyết. Và kỷ niệm khó quên là năm đó Lê My được dự thi đại học ngay tại một ngôi trường cũ giữa thành phố. Nhìn những tia nắng sớm le lói trong chùm lá phượng lăn tăn đã bắt đầu hé nụ, dãy bàn ghế cũ kỹ kê sát đường hào tránh máy bay, đào ngay trong lớp học, My thấy buồn ghê gớm.

Thế là sắp phải xa tất cả những gì gắn bó với cuộc đời học sinh để sống với một tập thể mới, trường mới, hoặc đi làm ở một nhà máy, xí nghiệp nào đó… Ôi! Lúc đó thì thế nào? Bỡ ngỡ lạ lùng biết bao. Tâm trạng xốn xang cho đến lúc nhận số báo danh vào phòng thi, cô mới để ý tới người bên cạnh. Cùng bàn với My là một người con trai. Anh mặc bộ quần áo bộ đội cũ. Tuy chỉ hơn mình vài tuổi - Cô đoán thế, do thói quen ý tứ nhận xét của các cô gái mới lớn - nhưng trông anh khá cứng cỏi, già dặn. Cũng có thể do cách ăn mặc và do cái nhìn thật lạ nơi mắt anh. Cái nhìn khao khát của một con người trầm tĩnh, ít nói.

Các môn thi toán, lý trong ngày trôi qua yên ả. Đề bài vừa sức nên cả phòng thi không trao đổi gì với nhau. Cho đến bài cuối cùng, môn hóa, sau khi chép đề, cả phòng nhao lên. Là một học sinh luôn luôn học giỏi ở cấp 3, My biết đây là một đề thi có những câu hỏi vượt yêu cầu… thế mà anh bạn vẫn tỉnh bơ. Anh cắm cúi làm bài. Và trong một thoáng ngừng viết, cô chợt bắt gặp anh ấy nhìn trộm mình. My bỗng cảm thấy bối rối. Còn một câu hỏi nữa mà cô vày vò đến tận cuối giờ, phòng thi đã trống trơ, My chạnh một nỗi vừa tự ái, vừa như xấu hổ. Cô lẳng lặng dắt xe ra cổng.

Ở cổng, My bỗng bị một bàn tay ngăn lại. Cô bướng bỉnh ngẩng mặt và bắt gặp đôi mắt anh. Cái nhìn như có ngọn lửa rực cháy trong đó. Ở tuổi 17 mà Lê My vẫn chưa ý thức được "sức mạnh" của mình, cùng những điều tế nhị trong cư xử với những người con trai trong hoàn cảnh tương tự. Thành ra trước lời đề nghị và kiên quyết của anh, cô đâm ra sợ hãi. Nhưng không hiểu sao lúc ấy, cô không thể từ chối anh được.

- Anh muốn được tiễn em về nhà!

Câu làm quen của anh bạo dạn, thẳng băng như một tia chớp. My không kịp nhận ra mình nên thế nào nữa. Cô và anh đi sóng đôi trong im lặng. Đúng ra là cô im lặng, giữa lúc trong lòng dần dần nhóm lên cảm giác vui vui, hãnh diện của tuổi dậy thì.

Kỳ thi ấy cả hai đều trúng tuyển. Anh đủ điểm đi học ngành hóa chất ở Cộng hòa Dân chủ Đức. My đỗ vào khoa vật lý trường đại học Tổng hợp. Cái tin vui ấy càng làm cho hai người cảm thấy quý mến nhau hơn. Chả mấy hôm, anh và My không đi chơi với nhau. Càng gần anh, tham gia công tác xã hội, canh gác phòng không, cô càng nhận ra ở anh những phẩm cách đáng quý.

Một lần máy bay Mỹ ném bom trúng khu tập thể ở đường Quan Thánh. Tổ dân phòng của Lê My hối hả đưa những người bị nạn ra khỏi khu vực nhà đổ. Trong khói bụi, cô nhận ra anh giữa những bóng áo vàng của các anh công an. Xong việc, cô chạy lại, lúc này My mới để ý thấy anh nắm trong lòng bàn tay một chiếc giầy nhung trẻ em. Đôi mắt anh hoe đỏ. Anh chỉ vào một mảng tường nói với cô: "Đây là căn phòng của bạn anh, bạn ấy đang chiến đấu trong miền Nam. Chị Hòa vợ anh ấy, và cháu Mai Anh ba tuổi bị kẹt trong hầm lâu quá. Chị ấy bị ngạt, nhưng cháu Mai Anh thì không cứu được. Hình như lúc bom rơi cháu đang chơi, đôi giày này vẫn đi ở chân…".

Nói xong, anh ngồi gục mặt giữa hai đầu gối, đôi vai rung lên. Lần đầu tiên cô thấy một người con trai khóc như thế. Rất thương. Nhưng rồi, chính anh lại là người phải dỗ cô khi từng xác người được đưa ra khỏi hầm. Trời về chiều, thành phố đã trở lại nét thanh bình của nó. Tiếng ve ran trong sự tĩnh lặng như kéo căng màng nhĩ. Loa truyền thanh đang phát đi bản tin ngắn về tình hình chiến sự trong ngày. Anh chia tay My và hẹn tối anh đến, cùng vào bệnh viện thăm chị Hòa. Nhìn mặt cô chắc tội nghiệp lắm nên anh cố làm vui, lấy tay quyệt những ngấn nước mắt trên má cô và nói:

- Thôi đi nào, em. Chiến tranh mà. Phải vững lên chứ.

- Tại anh đấy, thấy anh khóc em không chịu được - Lê My nũng nịu.

Anh nhìn cô, nén một tiếng thở dài rồi vội vàng quay đi.

Ngày anh sắp lên đường sang nước bạn, anh rủ My đi chơi một vòng quanh thành phố. Cô cứ líu ríu bên anh, nói huyên thuyên về đủ mọi chuyện, dường như không có chiến tranh, không có cái cảm giác hụt hẫng vì sự trống vắng của một thành phố đang chiến đấu. Đạp xe đến mỏi chân, họ ngồi nghỉ trên ghế đá vườn hoa ngắm cảnh Hồ Tây vào chiều. Đường Thanh Niên tím một viền hoa bằng lăng. Và chiều đó, một chiều không thể quên, anh đã nói với cô điều hệ trọng nhất đến cuộc đời cô và anh. Lúc ấy, anh gần cô quá, khuôn mặt cô soi trong đáy mắt anh. Nơi ấy đọng lại nhiều hơn những điều anh nói ra. Tay anh run rảy gỡ những cánh bằng lăng mỏng tang vương trên tóc My:

-   My này?

-   Gì cơ anh?

-  Anh sẽ không đi nước ngoài học đâu!

-  Sao vậy? - Cô sửng sốt, nhưng anh lại im lặng. Tay anh siết chặt vai cô.

-  Anh sẽ đi bộ đội, em ạ. Anh muốn góp sức mình vào cuộc chiến đấu, chắc sẽ không còn lâu nữa, khi về đi học vẫn chưa muộn.

Tiếng anh đầm ấm, dứt khoát - Cũng như buổi gặp anh lần đầu trước lời đề nghị tiễn cô về nhà - My hiểu khó có thể ngăn cản, một khi con người như anh đã nói ra điều mình định làm. Cô vốn là người nhút nhát, lại luôn luôn muốn được nhỏ bé bên anh. Cả hai cùng im lặng nghe tiếng tim đập rộn trong ngực mình. Bất giác, anh nâng mặt cô lên phía anh. Trong nỗi thảng thốt giữa lời, anh hôn lên môi cô, lên đôi mắt nhắm nghiền của cô.

-  Bố mẹ anh không đồng ý với quyết định của anh đâu. Nhưng em ủng hộ anh My nhé!...

… Xe đã vào bến từ lúc nào, hành khách nhanh chóng tỏa về các phố. My giật mình nghe tiếng nhắc của bà cụ ngồi bên:

- Đến nơi rồi, cô. Cô bị say xe phải không?

- Dạ, không… cháu chỉ hơi mệt.

- Ừ, thôi cố về nhà mà nghỉ. Giờ này đừng nấn ná ở chỗ bến xe, bến tàu, cô ạ.

- Cám ơn bà.

My men theo dãy phố rợp bóng hoa phượng, về nhà anh. Nghe tin sắp ký hiệp định Pa- ri, Hà Nội đã lại đông hẳn lên so với mấy năm trước. My biết tin bố mẹ anh đã từ nơi sơ tán trở về. Nhưng khi đứng trước cổng nhà anh, nơi nhiều lần cô đứng đợi anh, lại cảm thấy bối rối quá. My tần ngần quan sát một lúc, nhiều căn hộ vẫn khóa cửa, còn cả băng giấy niêm phong, nhưng gian nhà anh thì đã có người. Cánh hoa giấy rực đỏ rắc vài cánh xuống khoảng sân trước thềm. Cô mạnh dạn bước vào. Người đầu tiên cô trông thấy là bố anh. Ông Thái đứng bật dậy. Tay ông nắm chặt thành ghế, run run. Nhìn ông My nhận ra ngay anh đã thừa hưởng của ông từ nét mặt tới vóc dáng. Cô thốt lên:

  - Bố…

Mẹ anh ôm choàng lấy cô. Thế rồi cả nhà đều khóc, My nghe tiếng bố anh nghẹn ngào:

- Bà đưa con nó vào nhà. Sao đứng cả ngoài ấy. Chị nó đi từ sáng chắc đói lắm rồi, sửa soạn ăn cơm đi các con.

Câu nói chân tình của ông Thái như có sức mạnh xua đi tâm trạng ngỡ ngàng trong cô. Đặt chai rượu và thẻ nhang lên bàn thờ, Lê My xin phép thắp nén hương khấn anh. Nhìn đôi mắt thân yêu dào dạt kia, trong cô lại dâng lên nỗi nghẹn ngào nhớ Hồ Tây chiều ấy. Những sợi khói hương quẩn lên, lan tỏa trước hình anh vừa như thật như ảo đưa cô về với những ngày trước lúc anh đi xa.

… Anh vẫn thường kể về từng người trong gia đình nhưng không cho My đến chơi. Anh bảo: "Việc anh từ chối đi học nước ngoài để đi bộ đội khiến bố mẹ anh giận lắm. Nhưng anh tin sau khi anh đi rồi, mọi người sẽ hiểu anh hơn". Còn cô trong tình yêu sôi nổi, thơ dại, cô chưa biết tới nỗi lo toan cho anh trước lúc đi xa. Điều ấy thổn thức mãi trong lòng cô, sau ngày anh hy sinh.

Chiều hôm anh cùng đơn vị lên tàu ở ga Hàng Cỏ, anh ào đến nhà cô như một cơn lốc. Bố mẹ cô đi vắng cả. Anh dúi vào tay cô cuốn sổ ghi chép, trong đó có những bài thơ anh làm tặng cô. Anh vội vã, My thì bối rối đến nỗi chẳng biết nói gì. Cô để cho anh hôn lên hai dòng nước mắt cứ chảy ra. Đến khi anh phải đi, cô mới sực nhớ phải tặng anh cái gì. Cô lục đống sách vở, chỉ có tấm ảnh mới chụp hôm tuyển sinh cô vội vàng run rẩy đút vào túi áo ngực anh. My đòi đi ra ga, nhưng anh bảo đơn vị đi bí mật, không tiễn được. Nói xong, anh chạy ào ra đường, đến chỗ bóng điện sáng, anh mấy lần quay lại giơ tay vẫy vẫy.

Sau ngày anh đi, My cũng rời Hà Nội vào trường nhập học. Khoa vật lý sơ tán lên một huyện miền núi Hà Sơn Bình. Cuộc sống sinh viên thật gian khổ, nhưng riêng My, dẫu bận rộn thế nào, tối tối cô vẫn ghi những suy nghĩ, nỗi nhớ vào cuốn sổ anh để lại. Cô quan tâm hơn đến tin tức chiến sự vùng mặt trận nơi anh đang chiến đấu. Mỗi lá thư anh gửi về, động viên My nhiều trong cách xa. Hai mùa nghỉ hè My dự định về thăm bố mẹ anh. Nhưng gia đình anh theo cơ quan sơ tán lên Vĩnh Phú.

Mà My cũng ngần ngại, bởi cả cô và anh đều chưa ai nói cho gia đình biết họ yêu nhau. Cho mãi đến ngày mà Lê My nhận được cái tin đau đớn ấy! Bức thư của một người bạn anh, cùng đơn vị viết về. Vài dòng chữ lạ gửi theo địa chỉ gia đình. Mẹ cô không đọc thư riêng của con bao giờ, bà kèm thư ấy vào thư của bà gửi cho cô. Ôi, giá mà tâm sự với mẹ trước thì giờ phút tuyệt vọng đó cô sẽ được lao vào lòng mẹ, cho nỗi đau đớn theo nước mắt chảy ra… My ốm, phải bỏ học cả tuần lễ. Các bạn trong lớp chia sẻ với My nỗi đau ấy, nhưng một thời gian dài sau đó cô cứ như người mất hồn. Đêm đêm tiếng tắc kè gõ khắc khoải vào triền núi đá, My lại da diết nhớ anh, nhớ những kỷ niệm đằm thắm của mối tình đầu.

Chỉ còn một năm nữa là kết thúc khóa học, Lê My bộn bề vào việc làm khóa luận và thi chuyên đề. Sau hôm giỗ anh. Cô xin phép hai gia đình trở lại trường. Bố mẹ anh đã sang thăm bố mẹ My. Hai gia đình dồn cho cô sự chăm chút, yêu thương. My về trường từ lúc phố phường còn mơ màng trong sương sớm. Đến đầu đường Khâm Thiên, một đoàn tàu quân sự đang rời ga đi về phía Nam. Từng dãy ô cửa sổ nhỏ sáng đèn vùn vụt lao qua. Một vài anh bộ đội thò đầu qua cửa toa vẫy chào. Cô bất giác giơ tay đáp lại.

Họ đang đi về phía đó, nơi anh đã ra đi bốn năm trước, đem theo cả mối tình say đắm của cô. Người bạn trai đầu tiên, người mà cô trao gửi niềm tin yêu đẹp nhất của đời mình.

… Sương đã nhạt dần. Ánh điện phía xa xa như con mắt nhấp nháy bay cao mãi lên. My bỗng nhận ra ngôi sao Mai đã mọc giữa vòm trời trong vắt đang hừng tím.