Người in tiền âm phủ

Thịnh bạn tôi làm việc gì cũng đều thành công vượt qua cả sự mong đợi. Mà hình như mọi cái may mắn sinh ra trên đời này, là để dành cho nó. Nhưng cũng thật lạ, rồi lại chính cái may mắn ban đầu đó làm cho Thịnh trở nên thảm bại, như một trò đùa ác của số phận.

Tôi và Thịnh cùng quê, cùng là học trò trường làng, khi vào đại học tôi học xã hội, Thịnh học giao thông. Phải thừa nhận Thịnh thông minh, học giỏi, những năm ở đại học, nó đến chỗ tôi chơi xoành xoạch, chuyện vài ba câu rồi lăn ra ngủ. Vậy mà điểm bao giờ cũng cao. Còn tôi miệt mài đến toét cả mắt, điểm cũng chỉ ở mức trung bình. Nghe tôi phàn nàn, nó bảo:

- Mày ăn sách, chứ không phải học.

- Thế cách học của mày thế nào? Thịnh điệu bộ, ra vẻ uyên thâm.

- Tao á, để tao dạy cho cách học giỏi. Mày phải đãi tao bữa cơm chiều nay, nhớ tươm tươm vào!

- Xong. Mày nói đi!

Được thể, Thịnh thao thao tràng giang đại hải, nào là một cuốn sách dày, một tập giáo án cũng chỉ có vài ba trang là quý, gọi là "vàng" trong sách. Hãy học thật kỹ cái đó, rồi suy nghĩ phát triển nó ra, nhào nặn với thực tiễn thành kiến thức của mình. Người ta gọi đó là biến quá trình đào tạo, thành tự đào tạo. Nghĩa là kiến thức sách vở đã trở thành kiến thức của người học. Học như thế mới là học, mới tạo ra những thay đổi cho cá nhân, cho cuộc đời bản thân mỗi con người, và góp phần tạo ra những thay đổi tốt hơn cho xã hội. Chứ học thuộc lòng như lũ chúng bay, cần gì phải vào đại học cho tốn tiền, cứ ở nhà mua sách về mà đọc.

Nghe nó nói thấy cũng đúng. Cứ suy ra như người trồng cây, trước hết phải biết chọn giống, xem đất, rồi chú ý đến gốc rễ của cây có sinh trưởng vững chắc không, rồi mới đến việc vun xới chăm sóc, thì lo gì không có hoa thơm trái ngọt.

Thời sinh viên đẹp đến mộng mơ, nhưng nhanh như ánh chớp, chóng vánh đi qua cuộc đời. Ra trường Thịnh cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, được nhận công tác ngay. Một lần nó qua chỗ tôi ở Hà Nội bảo:

- Tao về Vụ Kế hoạch của Bộ được vài tháng thì ông thứ trưởng Lê Tộ chọn tao lên làm thư ký riêng. Bây giờ tao vừa làm thư ký, vừa làm "quân sư" của ông ấy. Hôm nay, tao đến để chiêu đãi mày, vì lúc hàn vi tao ăn nhờ mày hơi nhiều bữa! Hai chúng tôi cùng cười, tôi thật thà hỏi Thịnh:

- Mày làm Thư ký thì tao không nghi ngờ, nhưng mày nói làm "quân sư" là sao? Tao không hiểu. Chả nhẽ, lão thứ trưởng của mày lẩn thẩn thế sao?

- Lão "sếp" tao học hành lởm khởm lắm, nhưng lại giấu dốt, thích chơi hơn thích làm. Họp hành liên miên, ngang dọc, trên dưới, hội nghị nào dù to hay nhỏ, tao cũng phải viết bài cho lão đọc. Đọc xong người ta hoan hô, bảo dạo này trình độ lão khá! Tao cười thầm, nghĩ bụng, kể ra làm thứ trưởng cũng chả khó gì! Nhưng nhiều hơn cả vẫn là những kế hoạch, dự án dưới trình lên cứ ùn ùn, những bản vẽ kỹ thuật, công văn giấy tờ nhiều như núi, ông ấy nhìn vào đó, có khác gì anh nông dân nhìn vào ma đồ trận. Tao đã hệ thống lại từng phần việc, phân lịch thời gian giải quyết. Cái nào thuộc quyền cấp dưới thì dưới làm và chịu trách nhiệm, thứ trưởng chỉ giúp bộ trưởng quản vĩ mô đúng nghĩa. Thế là công việc chuyển động ăn ý, nhịp nhàng như một dàn nhạc hiện đại. Như thế, tao không là quân sư thì là gì.

Hai năm sau, tính từ lần gặp nhau đó, tôi nhận được thiếp mời về dự đám cưới của Thịnh ở Hà Nội. Thú thực, tôi chưa bao giờ được dự một đám cưới sang trọng đến thế. Quan khách đến cả ngàn người, đủ mọi tầng lớp, lịch lãm, đài các, quý phái, giàu sang. Cỗ bàn toàn sơn hào hải vị, mà họ ăn uống dửng dưng. Không khí bùng nổ là khi Lê Tộ bước lên bắt tay chúc mừng hạnh phúc trăm năm và ôm hôn vợ chồng cô dâu chú rể. Người chủ hôn lễ tuyên bố, ông thứ trưởng chính là người làm mối xe duyên cho cặp tân hôn Xuân Thịnh - Minh Hằng. Tiếng vỗ tay, tiếng nhao nhao cười nói ầm ĩ như vỡ hội trường, tôi nghe loáng thoáng đâu đó có tiếng nói "Đồ đểu! Thằng ăn ốc, thằng đổ vỏ".

Vợ chồng Thịnh đã mua được căn biệt thự sang trọng ở khu đô thị mới Yên Trung, trước khi làm đám cưới. Phải nói chúng nó là thần tài mới đúng, mới vài năm đi làm, mà của cải ở đâu, cứ thi nhau nhảy tót vào nhà. Vợ chồng mỗi đứa một ô tô riêng. Người ta bảo vợ nó đẹp, chính là cái mỏ đẻ ra tiền. Tôi không tin! Nhưng phải nói vợ nó đẹp thật, đẹp đến nỗi, mỗi khi Minh Hằng bước xuống xe, đi vào cơ quan, thì ai cũng phải đơ đơ mặt nhìn theo. Nghe đâu, hồi còn làm thư ký cho thứ trưởng, nếu hôm nào cô ta vắng không có mặt ở cơ quan, thì hôm đó thứ trưởng cứ ra ra, vào vào và hầu như ông ta không làm được việc gì. Các cán bộ ở đây đã có kinh nghiệm, ngày hôm đó đừng có dại mà lên xin ý kiến, hoặc báo cáo báo cầy.

Ba năm sau, tôi được tin vợ chồng Thịnh bỏ nhau. Nhưng sửng sốt nhất là chuyện anh ta bị buộc thôi việc. Ê chề như một kẻ bại trận, Thịnh lang thang vô định khắp nơi, lúc vào Nam, khi lên rừng, chán ngán rồi lại mò về thành phố. Một hôm Thịnh vào chùa, nửa như sám hối, nửa muốn rũ bỏ mọi cay đắng ở chuỗi ngày đen bạc, mà có lúc vô tình, lúc cố ý đã nuốt phải. Thịnh ngồi đó, dưới gốc cây đại già sù sì gân guốc và nhận ra, sao người ta đốt nhiều tiền, vàng thế? Lúc này Thịnh để tâm quan sát, cái bể hóa vàng nghi ngút cháy suốt ngày, không biết một tháng nó đã ngốn đi bao nhiêu tấn giấy vào chuyện không đâu này. Lúc sau hắn ta bước vội ra khỏi chùa, với gương mặt tươi tắn và cặp mắt láu lỉnh.

Bốn tháng sau, Thịnh thuê một cơ sở sản xuất ở ven đô, với năm chục công nhân và hàng chục máy in tiền âm phủ các loại. Tiền âm phủ của nó in ra rất đẹp và sắc nét. Có loại tiền giống như thật, nếu thêm số seri vào, thì khối bà mắt kèm nhèm nhầm như bỡn. Rồi hàng loạt các loại ngựa giấy xanh đỏ, xe cộ, tàu bè, máy bay, nhà cao tầng, biệt thự. Nói tóm lại, cái gì có ở trần gian mà người ta muốn gửi cho người âm thì chỗ nó đều sản xuất cả. Chỉ có điều hàng của nó đẹp, bắt mắt chứ không cẩu thả, lem nhem như nhiều hàng mã khác. Ngay cả việc này nó cũng thể hiện sự tinh ý và nhanh nhậy nắm bắt thị trường của người có học.




Mỗi mặt hàng của nó bán cho khách lại còn kèm một tờ quảng cáo: "Thế giới âm phủ ngày nay đã thay đổi và hội nhập quốc tế. Vì vậy, loại tiền cho người âm cần đa dạng, mẫu mã đẹp, để người âm dễ dàng giao dịch qua các ngân hàng địa phủ nhanh chóng, thuận tiện. Khi quy đổi dễ dàng, không bị sách nhiễu...". Với cách làm ma quái, chả bao lâu, tiền âm phủ của nó đã chiếm phần lớn thị phần cả Nam lẫn Bắc. Thịnh lại giàu lên trông thấy. Ai cũng thán phục ông tỉ phú làm chơi, ăn thật.

Một đêm, Thịnh nằm mơ thấy mình trở lại ngôi chùa hôm vô tình phát hiện ra chuyện đốt vàng mã. Thắp hương lễ Phật xong, định mang một số tiền vào chùa để công đức, ngầm trả cái ơn kỳ ngộ, thì Thịnh gặp một vị sư già tay cầm trượng, mắt nhìn chằm chằm vào mặt hắn, nhà sư nói "Cái tâm của tín chủ ta biết, quả cũng đáng khen cái chí thông minh, dám nghĩ, dám làm và trở nên giàu có, còn có tâm nhớ đến nhà chùa. Nhưng, nhà chùa đâu cần đến món tiền công đức của tín chủ, mà trong đó nó chứa cả sự cám dỗ, lừa lọc đồng loại, để làm giầu từ những đồng tiền công sức mồ hôi của họ. Tín chủ thử nghĩ xem, nếu ai cũng kiếm tiền theo kiểu đó. Đồng tiền không làm ra của cải vật chất, thì liệu người đó có thể gọi là loại người lương thiện được không? Chả lẽ tín chủ không biết, cái gì không phải của ta, dù nó có đến, rồi cũng sẽ bỏ ta mà đi. Chuyện đời quẩn quanh xưa nay vẫn thế... "Thịnh choàng tỉnh, run rẩy, người đẫm mồ hôi, phải mất một lúc lâu mới định thần lại được.

Ảnh minh hoa của Ly huệ

Từ hôm đó, trong lòng luôn cắn rứt, đứng ngồi không yên, có lúc bàng hoàng thảng thốt, sao cuộc đời chết tiệt này, lại đưa đẩy Thịnh đến chỗ bi hài như vậy! Người ta in đầy, làm đầy thì có sao đâu, thế mà nhà sư lại đi hạch tội mình! Nhưng rồi Thịnh cũng nhận ra chuyện đó như lời cảnh báo, tránh thì hơn.

Con sông Chanh vùng Đông Bắc quê tôi, đẹp như một nét vẽ tài hoa của tạo hóa, còn nguyên vẹn lưu lại ở nơi này. Mỗi khi chiều về, nhìn xa xa về phía thượng nguồn, những làn mây trắng mỏng manh, nhè nhẹ lan tỏa xuống mặt sông, hòa lẫn trong tiếng chuông chùa, điểm nhịp từng tiếng ngân nhẹ vào thinh không, vừa huyền bí, vừa cô tịch, làm nao lòng bao lữ khách qua đây. Tôi đang loay hoay bắt mẻ cá trong cái giỏ của vó bè vừa mới cất lên, thì Thịnh lù lù bước vào:

- Chào "hiền sĩ". Không ngờ ông lại ẩn dật nơi này?

- Hiền sĩ gì, cái anh vó bè. Sao mày vác xác về mà không báo cho tao biết?

- Cần gì phải báo. Về đến nhà, là tao đã hỏi ngay mày làm ở đâu rồi. Khi nghe nói mày cất vó bè, tao cũng hơi bất ngờ!

- Với mày thì bất ngờ nhưng với thiên hạ thì thường thôi. Này nhé, xe ôm đại học, cắt tóc cao đẳng, mà phó mộc, còn thạc sĩ hẳn hoi đấy, có sao đâu! Mà thôi, vào lán đã.

- Lán trại tềnh toàng thế này mà cũng ở được sao? Thế mày mua lại cái vó này của ông Được à, vợ chồng ông ấy đi đâu rồi?

Câu hỏi vô tình, chạm vào nỗi buồn sâu kín của tôi. Tôi rót cho mình và Thịnh mỗi đứa chén rượu, rồi hai đứa cùng tự nhiên quay mặt ra sông, nhìn những cánh bèo mỏng manh, xao xác lặng lẽ trôi theo dòng nước, không biết về đâu. Giọng buồn buồn tôi kể cho Thịnh nghe - Khi tao cầm tấm bằng Đại học, đi mòn chân xin việc ở các cơ quan, rồi hàng tá trung tâm môi giới việc làm, đến đâu, tao cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, hoặc lời từ chối "rất văn hóa". Chỉ có một cơ quan cấp viện, là ra giá cụ thể. Với số tiền ấy, có bán cả gia tài nhà tao cũng không thấm tháp gì.

Tao về làng, mang theo nỗi thất vọng đeo bám trong con mắt kinh khi của mọi người, gia đình tao ủ rũ như một đám tang, bố ngồi im suốt ngày. Chỉ có ông Được vó bè, là cảm thông và rất quý tao, ông coi chuyện đó như chuyện tầm phào. Ông bảo "việc gì phải buồn, kẻ có chữ đời xưa đi ở ẩn đầy, thế mà vẫn giúp đời được". Hàng ngày tao ra kéo vó với ông cho đỡ buồn và được nghe ông kể bao nhiêu thứ chuyện trên đời, mà chuyện nào cũng hay, thâm thúy.

Ông đúng là "vị thần" của con sông này. Ông kể về các loài cá, loại nào ăn nông, loại nào ăn sâu, thuộc tính từng loài thế nào, ông nói cá cũng biết nghe âm thanh, mỗi khi chuông chùa bên sông ngân nga vào không gian, lan tỏa trên mặt nước, thì mọi loài cá ở khúc sông này đều nổi lên mặt nước từng đàn, nối đuôi nhau, quẫy nhẹ vờn đuổi, chúng xoay thành những vòng tròn, giãn ra thật to, rồi lại thu vào tròn vạnh, tạo ra những chùm hoa nước bong bóng trắng xóa, long lanh làm náo động cả một khúc sông. Những lúc như vậy, ông Được không bao giờ kéo vó.

Vợ ông Được, là một cô gái khá trẻ. Vào một đêm trời mưa tầm tã, cô ta nghé vào xin trú mưa. Người cô ướt sũng. Thương tình, ông Được đốt cái bếp lửa thật to bảo cô ta hong quần áo. Biết cô đói, ông đưa gói mỳ tôm để cô ta ăn tạm, rồi đi nằm. Ông nằm suy nghĩ mông lung, qua ánh lửa bập bùng, người con gái cởi trần ngồi hong áo, đã vô tình tạo thành một bức tranh lửa như hư, như thực, cháy bỏng, man dại, không thể cưỡng lại được. Khi cô ta đưa hai tay lên búi tóc, để lộ đôi bầu vú căng tròn, mời gọi, làm hút hồn và tan vỡ mọi sự kìm nén của người đàn ông sống đơn thân, ngoài năm mươi tuổi. Trong lòng ông rạo rực, sự ham muốn bản năng của giống đực. Ông bảo cô gái nằm cùng cho đỡ lạnh. Cô sà vào ngay. Họ ôm ghì lấy nhau đến nghẹt thở, cơn khát xác thịt chỉ chờ có thế là bùng lên dữ dội. Ngọn lửa rừng rực, tiếng than hoa nổ tí tách, hòa lẫn tiếng mưa rơi dồn dập, tiếng rên rỉ, trộn lẫn tiếng cá quẫy động đực tìm nhau, tạo thành một mớ âm thanh hỗn độn, khi hai mảnh âm dương của con người ghép lại. Từ đêm đó, cô ta là vợ ông, nhưng không có cưới xin gì.

Được hơn năm sau, cô ta bỗng bỏ ông theo anh thuyền đá đi mất. Ông không buồn, cũng chả nhớ. Ông bảo ở cái bến sông này, kẻ đến người đi nhiều lắm, đâu chỉ có mình cô ta. Hai năm sau, từ ngày về tao quanh quẩn bên ông, rồi ông ốm và mất quá nhanh. Sau hôm cùng bà con xóm giềng làm ma cho ông, tao được xã gọi ra gặp chủ tịch. Không biết có chuyện gì, cả nhà cuống lên, nhiều người xì xào, cho là có thể tao liên quan đến cái chết của ông Được! Khi chủ tịch xã trịnh trọng mở chúc thư của ông Được và công bố, tao mới ớ người ra. Trong chúc thư ông để lại cho tao cái vó bè và mười triệu đồng với năm mươi cây vàng đang gửi tại ngân hàng. Tao là người thừa kế duy nhất. Chúc thư viết đầy đủ họ tên, địa chỉ và học vị của tao.

Tao giãy nảy không dám nhận. Nhưng hậu duệ của ông không có ai, xã ép tao phải nhận và có trách nhiệm thờ cúng, chăm sóc phần mộ cho ông. Việc đó thì chả ai yêu cầu tao cũng tự làm nhưng... Rồi cuối cùng cũng tìm ra cách giải quyết. Toàn bộ số tiền và vàng của ông Được để lại, tao đề nghị hiến cho địa phương để xây một trường mẫu giáo cho các cháu có nơi vui chơi, học tập, cũng là món quà của ông vó bè, dành tặng quê hương khi đi xa. Phần tao, chỉ xin nhận cái vó bè, để quanh quẩn với linh hồn ông. Tôi quay sang hỏi Thịnh.

- Đấy chuyện tao là thế, còn mày, tại sao lại bỏ vợ?

- Tao đâu có bỏ, mà nó bỏ tao.

- Lại thế nữa?

- Cũng chả giấu mày làm gì. Minh Hằng đẹp thật đấy, nhưng là con đàn bà hư hỏng. Nó là bồ của lão Lê Tộ từ lâu rồi, trước cả khi tao về làm việc ở đấy.

- Biết thế, sao còn lấy nó làm vợ?

- Lúc đầu cũng chỉ nghe loáng thoáng, mình lại cho là thiên hạ ghen ăn tức ở. Sau này tao mới biết. Khi lão ta chọn mình làm thư ký thay chỗ cái Hằng rồi làm mối cho mình lấy cô ấy là để tránh tiếng và mình trở thành bình phong để chúng nó tằng tịu với nhau dễ dàng hơn. Hôm tao đi công tác về bắt quả tang hai đứa nó ăn nằm với nhau ngay trong chính nhà tao. Cơn điên dại nổi lên, tao túm tóc thằng mất dạy tát túi bụi, nó vùng được ra, chạy xuống nhà, rồi mất hút trong đêm. Nó làm đơn ly dị thì ra nhà và xe là của thằng bồ mua cho nó, giấy tờ mang tên nó. Khi hai đứa chuẩn bị cưới, nó chơi trò mèo vườn chuột, làm vài động tác giả để lừa mình, làm mình lầm tưởng hai đứa đi mua nhà thật.

- Còn lý do mày bị buộc thôi việc?

- Hôm ấy tao đánh nó nhưng ngu quá không làm biên bản bắt nó ký. Khi tao làm đơn kiện, cơ quan yêu cầu chứng cớ, thế là mình thua. Lại mắc vào tội vu khống, nó lấy lý do đó, đuổi việc mình ngay.

- Thật kinh khủng, con người ta đê tiện đến thế là cùng. Hồi này cái "ngân hàng âm phủ" của mày làm ăn thế nào?

- Tao bán cho đứa khác rồi. Tiền ai chả quý, nhưng nghĩ lại mình là đứa có học, lại đi kiếm tiền bằng cái việc làm cho thiên hạ thêm u mê ấy là có tội, nên tao bỏ. Giờ tao đang có dự án sản xuất than không khói, công nghệ Châu Âu, giá thành rẻ hơn các loại chất đốt hiện có trên thị trường. Nguyên liệu là mạt gỗ, rơm rạ, lá rừng khô trộn với một chất kết dính hữu cơ. Qua máy ép ra sản phẩm, sẽ có từng thanh như chiếc đũa, khi cháy tàn trắng như tàn thuốc lá, nhiệt lượng rất cao. Mỗi bữa cơm cho một gia đình năm người ăn, chỉ cần mười thanh là đủ, tất nhiên là có loại bếp riêng cho loại than này.

- Mày giỏi đấy, nghe giới thiệu đã thấy mê rồi.

Đêm ấy, hai chúng tôi ngủ với nhau trong căn lán sơ sài, bên chiếc vó bè hình ảnh lam lũ của quê hương, bên dòng sông thơ mộng, những cơn gió mơn man thổi về làm sóng nước lăn tăn, hình như trong đó có cả đàn cá quẫy tạo lên những làn hoa nước trắng xóa, lấp lánh dưới ánh trăng. Ngày mai, chắc Thịnh lại bắt đầu một công việc mới. Tôi vẫn tin nó, tin vào thằng bạn của mình đã bước qua những cạm bẫy ở đời, nhất định Thịnh sẽ thành công. Như con sông này thăm thẳm trong xanh, nhưng trước đó, muôn vàn hạt nước đều phải chảy qua mọi thác ngềnh, rồi mới hợp thành một dòng sông, dòng sông dịu mát thanh bình, như lòng người chân chỉ quê tôi