Phí dịch vụ chung cư và "cuộc chiến" chưa có hồi kết

Những yêu cầu bức xúc của người dân nhằm đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình từ phía chủ đầu tư, dẫn đến những "cuộc chiến" liên tiếp trong thời gian qua, nhưng xem ra bất đồng đó chưa biết bao giờ mới ngã ngũ.

Phí dịch vụ cao hơn tiền thuê nhà

Cách đây không lâu, hàng trăm hộ dân tại chung cư cao cấp Sky City Towers (88 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) đã phản đối chủ đầu tư áp giá phí dịch vụ gửi xe mà theo họ là quá cao và quá vô lý.

Bàn giao nhà chậm tiến độ đến cả 5-6 năm trời, hay bàn giao nhà giá trị chục tỷ, nhưng hạ tầng chưa hoàn thiện, phí dịch vụ thu vượt quy định gấp nhiều lần so với quy định của nhà nước. Thậm chí để mua được một chỗ để xe ô tô, người dân phải chi trả đến hàng tỷ đồng, nếu không phải mua vé gửi tháng với giá từ 3- 5 triệu đồng đển rồi luôn phải nơm nớp trong cảnh lo bãi gửi xe của tòa nhà mình hết chỗ. Giá dịch vụ tại chung cư quá cao khiến người đang ở thì ngán ngẩm, người định mua thì ngần ngại.

“Chúng tôi ở đây gần được một năm rồi. Nhưng từ khi Ban quản lý tòa nhà chuyển sang thu phí dịch vụ thì cư dân rất bức xúc vì phí gửi xe ô tô, xe máy quá cao. Cụ thể là theo quy định của thành phố, xe ô tô chỉ có 1.250.000 đồng/tháng nhưng khi bắt đầu thu thì chủ đầu tư thu với giá 2.500.000 đồng và xe máy là 1.200.000 đồng. Chỉ sau khi có phản ứng của người dân, chủ đầu tư mới điều chỉnh lại”,- Chị Hoa, một hộ dân sống tại chung cư trên đường Láng Hạ, quận Đống Đa cho biết.

Nhiều tòa nhà đã bị Sở Tài chính Hà Nội "tuýt còi" về việc thu phí cao so với quy định, nhưng nhiều chủ đầu tư “điếc không sợ súng” vẫn tiếp tục thu phí "cắt cổ". Theo khảo sát của PV, tại một số khu chung cư được coi là cao cấp khác như chung cư Bắc Hà (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), Hà Thành Plaza (102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) lại có mức phí dịch vụ khá chênh lệch. Tại khu chung cư  Hà ThànhPlaza, nhiều hộ dân cũng phản ánh về việc phí dịch vụ “leo thang” chóng mặt hơn cả thị trường.

Trong khi hầu hết các dân cư sống trong những tòa nhà cao cấp vào bậc nhất Hà Nội đều than thở về mức giá cao thì hiện tại Nhà nước vẫn chưa có một quy chuẩn chung về cách tính cũng như mức giá trần cho mức phí dịch vụ này. Tình trạng mỗi nơi áp dụng một phương thức tính khác nhau đang làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân. Cho đến nay, “vở kịch” trên vẫn còn tiếp diễn, người dân không ngừng đấu tranh đòi lại quyền lợi cho mình khi phí dịch vụ chưa được thống nhất.

Làm sao cho hài hòa

Ở cả góc độ người dân và doanh nghiệp đều có những lập luận và quan điểm bảo vệ lợi ích của mình. Doanh nghiệp thì cho rằng, họ phải tăng phí là do lạm phát giá cả, chi trả nhân công tăng lên, còn người dân, họ không thể bằng lòng với mức phí còn cao hơn cả tiền thuê nhà hàng tháng.

Phải nhìn nhận vấn đề này dưới nhiều góc độ nhưng dù làm thế nào, quyền lợi khách hàng là không bao giờ có thể phủ nhận và cần được tôn trọng. Cư dân kỳ vọng một mức giá rẻ không có nghĩa là chất lượng sẽ đi xuống, không có người quét vườn, chăm sóc, tưới tiêu cây cảnh, lau bụi bặm, không có xe nước đi rửa đường, cầu cống tắc và sẽ rất bẩn.

Nếu cứ giằng co quyền lợi giữa các bên thì vấn đề này không bao giờ được giải quyết. Thiết nghĩ, tình trạng loạn phí chung cư hiện nay có một phần nguyên nhân không nhỏ từ các vấn đề liên quan đến quy định và chính sách. Bởi, loại hình dịch vụ chung cư ngày càng đa dạng, phong phú và như thế, áp đặt mức trần phí dịch vụ chung cư  4000đ/m2 chẳng khác nào may một chiếc áo chật cho một cơ thể đang lớn. Và nhiều người nghi ngại mức phí này có thể sớm bị thay thế.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, mức phí mà UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt chỉ là mức phí điều chỉnh lại của mức phí trước đây. Mức 2.400 đồng chỉ áp dụng cho chung cư bình dân còn đối với chung cư cao cấp thì cần phải tính đến nhiều yếu tố khác như hệ thống tháng máy, hệ thống báo cháy và các hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi dịch vụ phải cao cấp hơn, chất lượng hơn và chi phí tốn kém hơn. Việc quản lý nhà theo mức trần thì chắc chắn sẽ không đủ.

Tạm chưa bàn tới độ hợp lý của mức trần đó, điều quan trọng là loạn phí chung cư khó lòng được giải quyết bằng một văn bản hành chính. Bởi vì phí chung cư xuất phát từ xung đột lợi ích giữa ban quản lý với người dân. Nói cách khác, muốn trị tận gốc căn bệnh loạn phí chung cư phải giải quyết được xung đột lợi ích đó.

Để hài hòa mối quan hệ giữa cư dân và đơn vị quản lý trong tòa nhà đó, việc minh bạch hóa các chi phí quản lý vận hành tòa nhà là một điều quan trọng. Khi đã minh bạch hóa và đã được thông qua rồi, thì sự tranh cãi hay sự nghi kỵ không còn nữa mới có thể khuyến khích chủ đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ.

Vấn đề nằm ở chỗ, nếu hai bên hài hòa được giữa lợi ích sẽ là giải pháp lâu dài và ổn định cho mức phí chung cư. Cư dân cũng có thể tận hưởng những tiện nghi do tòa nhà mang lại và không phải đau đầu khi bị đẩy vào “cuộc chiến” đấu tranh chống xâm phạm quyền lợi của chính mình.