Liên minh chung cư kiến nghị có mức giá trần phí quản lý

Đại diện các chung cư cao cấp ở Hà Nội như The Manor, Keangnam, Golden Westlake… đang có kiến nghị tới UBND TP về việc ban hành quy định mức giá trần phí quản lý chung cư trước tình trạng phí này vẫn đang tự do “nhảy múa”, tăng đến chóng mặt…

Loạn phí dịch vụ chung cư

Không ít chung cư ở Hà Nội đã xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý và cư dân khi mức phí quản lý tòa nhà được đưa ra với mức giá “cắt cổ” người dân, khiến họ có nhà mà chẳng dám về ở.

Cách đây 4 năm, cư dân Khu đô thị The Manor (Mỹ Đình, Mễ Trì) đã phải cùng nhau phản đối chủ đầu tư Bitexco tự thu phí dịch vụ giá trên trời ngay khi mới về ở. Khi đó, phí dịch vụ cho một căn hộ (bao gồm phí thang máy, vệ sinh...) là 166USD/tháng, phí gửi xe ôtô là 100USD/tháng, xe máy 10USD/tháng...

Cư dân chung cư The Manor đã từng đấu tranh với chủ đầu tư khi bị thu phí dịch vụ "cắt cổ".                                                                                           

Theo bà Nguyễn Nhung Hạnh, đại diện cho cư dân ở The Manor, năm 2007, chủ đầu tư đưa ra giá dịch vụ chung cư cao ngất như để nắn gân người dân. Năm 2008, cư dân The Manor thành lập ban đại diện lâm thời và đã tự tính giá dịch vụ chỉ là 4.500 đồng/m2 trong khi chủ đầu tư đưa ra giá 6.600 đồng/m2. Tiếp đến năm 2009-2010, chủ đầu tư lại đưa ra giá 7.500 đồng/m2 nhưng người dân tự tính giá chỉ có 6.500 đồng/m2. Năm 2011, bà Hạnh đã họp tổ dân phố và đề nghị tạm thu giá dịch vụ 8.000 đồng/m2 và người dân đã nộp đủ tiền cho 6 tháng đầu năm.

Từ tháng 6 đến nay, cư dân ở tòa nhà Keangnam vẫn đang đấu tranh khi chủ đầu tư đưa ra mức phí quản lý cao ngất ngưởng là 0.99USD/m2/tháng, tương đương 21.000đồng/m2/tháng. Sau nhiều lần đàm phán, chủ đầu tư cũng chỉ hạ mức phí xuống 18.600 đồng/m2 nhưng vẫn chưa được người dân chấp thuận.

Chuyện còn đáng buồn cười hơn, khi ngày 8.7 vừa qua, cư dân tòa nhà Kinh Đô bất ngờ nhận được thông báo đóng tiền phí quản lý vận hành nhà chung cư quý 1 và 2 của Ban quản lý tòa nhà Kinh Đô với số tiền thông báo mới tăng cao hơn gấp đôi so với trước (5.000 đồng/m2/tháng) và còn truy thu thêm các tháng đã đóng của quý 1.

Theo khảo sát của PV thì hiện một số chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội đều tự thu phí dịch vụ cao ngất ngưởng như: Ciputra: 6.300 đồng/m2/tháng, Sky City 8.000 đồng/m2...

Sớm ban hành khung giá trần

Trước thực trạng bức bối trên, chiều 18.9, đại diện cư dân các chung cư cao cấp trên địa bàn Hà Nội đã họp bàn, kiến nghị UBND TP ban hành quy định về mức giá trần đối với phí quản lý chung cư. Đồng thời, có cơ chế xử phạt thích đáng đối với hành vi vi phạm quy định mức giá trần.

Trưởng ban đại diện lâm thời chung cư Keangnam, bà Trịnh Thúy Mai cho biết, hiện khách vào tòa nhà này gửi xe phải trả đến 20.000 đồng/lượt xe máy, đắt nhất trong các nhà chung cư. Mức phí quản lý ở Keangnam giảm xuống 18.600 đồng/m2/tháng thì hộ có diện tích thấp nhất cũng phải đóng tới 2 triệu đồng/tháng, cộng thêm phí gửi ô tô, xe máy khoảng 1 triệu đồng/tháng. Như vậy, những khoản phí đó quá cao so với mức thu nhập của người dân.

Ông Tô Hồng Sơn, đại diện cư dân ở chung cư Golden Westlake cho rằng, quy định đó của TP nếu sớm được ban hành sẽ là cơ sở để giải quyết triệt để những tranh chấp giữa người dân sống trong chung cư với chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà về các khoản phí dịch vụ.

Ngày 1.12.2009, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 37/2009/TT-BXD hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư.

Thông tư quy định, giá dịch vụ nhà chung cư được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí, một phần lợi nhuận định mức hợp lý để quản lý, vận hành nhà chung cư hoạt động bình thường; nhưng phải phù hợp với thực tế kinh tế xã hội của từng địa phương và thu nhập của người dân từng thời kỳ và được trên 50% các thành viên trong Ban quản trị nhà chung cư thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín.

Đối với nhà chung cư chưa thành lập được Ban quản trị thì giá dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% hộ dân cư đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp giá dịch vụ nhà chung cư đã có thoả thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ thì thực hiện như thoả thuận đó.

Ngoài ra, Thông tư còn đưa ra công thức xác định giá dịch vụ nhà chung cư, nhằm đảm bảo việc thực hiện một cách chính xác.

Tuy nhiên, ít có chủ đầu tư nào chấp hành những nguyên tắc đó, mà cứ đơn phương đưa ra mức giá “ép” dân phải chấp hành. Vì thế, việc ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư cũng như cơ chế xử phạt nếu phạm quy định sẽ là điều kiện quan trọng để giải quyết phần nào các tranh chấp, đồng thời góp phần minh bạch hóa các quan hệ trong quản lý sử dụng dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô.